4 thg 4, 2021

BẢN CHẤT CỦA ĐIỀU HÒA LÀ GÌ?

 BẢN CHẤT CỦA ĐIỀU HÒA LÀ GÌ?

Matsushita Kônosuke (*)

Dịch : Nguyễn Sơn Hùng

 ***

-         Vạn vật nhờ tuân theo trật tự vũ trụ mà duy trì điều hòa. Con người cũng vậy, nếu biết thuận ứng (1) theo trật tự vũ trụ có thể kiến tạo được cuộc sống điều hòa.

 -         Điều hòa nhất định không phải là thỏa hiệp hoặc thông đồng. Điều hòa là thuận ứng (1) với chân lý. Điều hòa là sống thuận với thiên phận.

-         Điều hòa nếu chỉ biết là không đủ, cần phải cùng nhau huấn luyện và áp dụng phát huy trong cuộc sống.

**

Thỏa hiệp không phải là điều hòa chân thật

   Trong cuộc sống chúng ta thường có khuynh hướng cố chấp vào bản ngã (2). Việc tin rằng mình tuyệt đối đúng đôi khi cũng cần thiết nhưng chúng ta cũng không nên quên tinh thần khiêm tốn luôn biết lắng nghe ý kiến người khác và tiếp nhận lời khuyên dạy của họ. Nếu không, chúng ta trở thành con người có bản ngã mạnh, không ngừng gây ra tranh chấp và đưa đến kết quả mọi người xa lánh ta. Nếu như khư khư giữ ý kiến của mình là cứng nhắc còn như cứ cố chấp để được như ý mình thì đưa đến xung đột. Trong cuộc sống chúng ta những chuyện tranh chấp hoặc nhỏ hoặc lớn xảy ra không ngừng là do hai thái độ nói trên (3).

   Ở trong xã hội mà mọi người đều khư khư giữ ý kiến hoặc luôn muốn được như ý mình thì hoạt động của xã hội không trôi chảy thuận lợi cho nên việc thỏa hiệp (4) hoặc thông đồng (5), tạm thời được xem là quý.

   Dĩ nhiên để sinh hoạt xã hội được trôi chảy có trường hợp cần đến thỏa hiệp hoặc thông đồng. Tuy nhiên, thỏa hiệp hoặc thông đồng không phải là điều hòa chân thật. Thỏa hiệp là thái độ cho rằng chủ trương của mình đúng nhưng bởi vì không được chấp nhận và vì không có cách gì khác nên đành phải chịu nhượng bộ. Do đó, ở thỏa hiệp có sự bất bình bất mãn và vì không có cách gì khác nên đành phải chịu đựng bao gồm việc tính toán khi có cơ hội sẽ khôi phục trở lại nên không thể nói là điều hòa chân thật. Có nghĩa là đó không phải là cách mà tất cả mọi thứ được phát huy (3). Bởi vậy cần phải kiến tạo một xã hội điều hòa chân thật, một xã hội mà ở đó tất cả mọi thứ đều được phát huy, chứ không phải là chỉ có thái độ nửa chừng như thỏa hiệp hoặc thông đồng. Với mục đích này ở đây tôi nghĩ chúng ta cần phải đi sâu hơn thỏa hiệp để suy nghĩ xem xét vấn đề bản chất của điều hòa là gì?

   Người ta thường nói điều hòa, điều hòa nhưng chân tướng của điều hòa là gì, là thế nào? Nếu nói đơn giản, điều hòa là trạng thái mà tất cả mọi thứ đều có thể cùng nhau phát huy dưới một trật tự nhất định (3). Thí dụ, nói các thiên thể điều hòa bởi vì mặt trời, mặt trăng, trái đất và vô số các vì sao khác giữ một trật tự nhất định và tuân theo trật tự này mỗi thiên thể tiếp tục vận hành theo đúng quy luật. Ngoài ra, ở thế giới của con người cũng vậy, nói cha con điều hòa, vợ chồng điều hòa bởi vì giữa cha và con, giữa vợ và chồng mỗi người giữ trật tự của mình để giúp đỡ sống chung và phát huy lẫn nhau. Xã hội điều hòa là xã hội mà trong đó mỗi người làm việc, hoạt động ứng với phận của mình, trật tự xã hội được duy trì đúng và mọi người trợ giúp lẫn nhau.

   Do đó để thực hiện sự điều hòa chân thật cần phải xác lập trật tự đúng. Trật tự là mỗi thứ (người hoặc vật) ở vào nơi (6) của mình. Tuy nhiên, dưới một trật tự sai lầm, cho dù tất cả mọi người có tuân theo trật tự đó nhưng bởi vì mọi thứ không được đặt vào nơi (6) của mình nên không thể nói là xã hội điều hòa, đồng thời tàng ẩn sự vô lý và bất mãn trong đó. Và vào lúc nào đó sự bất mãn này sẽ bùng nổ, rất khó lòng mong mỏi được sự điều hòa vĩnh viễn.

   Thí dụ vào thời Trung cổ của Âu châu, quý tộc và tăng lữ đã liên tục áp bức dân chúng. Xã hội lúc đó trở thành trạng thái có trật tự và trên thực tế người ta tưởng rằng đó là một trật tự xã hội mà sự điều hòa đã được duy trì trong một khoảng thời kỳ dài. Tuy nhiên, bởi vì đã tồn tại sự bất tự nhiên và vô lý nên cuối cùng đã bộc phát, đưa đến Cách mạng Pháp. Ở Nhật Bản (7) cũng vậy, cho đến gần đây quân đội cực đoan đã lấy thiên hoàng làm trung tâm và ẩn núp dưới hào quang của thiên hoàng để thực hiện chính trị độc tài. Dân chúng mặc dù bất mãn nhưng đã phải tuân theo trật tự xã hội của chính trị độc tài này. Để rồi dẫn đến chiến tranh, kế đến thua trận và trật tự xã hội sai lầm nói trên đã phải tan vỡ không còn dấu tích.

   Dưới trật tự sai lầm như nói trên dù thấy như có điều hòa nhưng nhất định không phải là sự điều hòa chân thật và một lúc nào đó sẽ tan vỡ. Do đó nếu mong muốn có điều hòa chân thật, điều hòa vĩnh viễn trước hết cần phải tìm ra trật tự không sai lầm, loại trật tự căn cứ vào chân lý (3).

 Trật tự cần phải căn cứ theo chân lý

   Như vậy nếu hỏi trật tự vĩnh viễn được thành lập từ cái gì thì tạm có thể nói là do trí tuệ tài sức của con người. 

   Tuy nhiên nếu thử suy nghĩ kỹ và sâu hơn trật tự này vốn không phải chỉ do suy nghĩ của con người tạo ra (3). Nghĩa là, trật tự này vượt qua suy nghĩ nhỏ bé của con người, là trật tự của đại tự nhiên nghiễm nhiên (8) đã có sẵn. Thí dụ trật tự giữa mặt trời, mặt trăng và trái đất không phải là trật tự do suy nghĩ của con người tạo lập ra. Trật tự này vượt qua trí tuệ con người và đã có sẵn như quy luật của vũ trụ. Trật tự của thế giới con người cũng tương tự. Dù cho con người có muốn dùng trí tuệ tài sức của mình để làm theo ý mình như thế nào đi nữa, quy luật của vũ trụ vẫn nghiễm nhiên (8) có tác dụng (9) theo trật tự. Dù cho là trật tự giữa cha con, trật tự giữa vợ chồng hoặc trật tự trong xã hội, trật tự của tất cả mọi thứ trong thế giới con người đều được định sẵn bằng quy luật của vũ trụ. Con người chỉ cần trung thực tuân theo. Con người tuân theo trật tự của vũ trụ thì mọi việc sẽ điều hòa và sẽ có được hạnh phúc, hòa bình và phồn vinh (3).

   Tuy nhiên con người có khuynh hướng dùng trí tuệ tài sức của mình để làm theo ý muốn của bản thân. Do đó con người có khuynh hướng không dùng trí tuệ tài sức được ban phú theo đúng quy luật vũ trụ nên sinh ra sự vô lý, từ đó không những đưa đến kết quả vô ích mà ngược lại còn đánh mất trật tự chân thật đáng lẽ cần phải tuân theo, đưa đến mất điều hòa, rồi tự mình rơi vào tranh chấp, chiến tranh và nghèo khốn. Điều này tương tự như thay vì con người chỉ cần lên tàu hỏa theo đường rầy đã được lắp sẵn để đi đến trạm cuối thì lại đi con đường rầy sai lầm khác hoặc đi theo lối rẽ khác. Với tâm tự nhiên (10), trí tuệ tài sức con người sẽ dẫn con tàu đi thẳng đúng đến trạm cuối để có được hạnh phúc, hòa bình và phồn vinh. Ngược lại nếu không dùng với tâm tự nhiên, trí tuệ tài sức con người sẽ cản trở con người đi đến mục tiêu này.

   Như đã trình bày, để thực hiện sự điều hòa chân thật, trước hết cần phải hiểu quy luật vũ trụ có như thế nào để phát huy trí tuệ tài sức của con người đúng theo quy luật của vũ trụ, và đồng thời cũng cần tự giác rõ ràng bản chất của điều hòa là gì (3).

 Hãy có cách sống thích ứng với quy luật vũ trụ

   Quy luật vũ trụ là quy luật mà vũ trụ căn nguyên lực tác dụng (9) lên vạn vật. Quy luật này cũng gọi là chân lý. Ngoài ra, quy luật này sẽ xuất hiện dưới 2 hình thức khi tác dụng (9) lên con người và tự nhiên trong thực tế (3).

   Loại thứ nhất nên gọi là quy luật của tinh thần hoặc quy luật mặt tinh thần. Quy luật thứ hai là quy luật của vật chất hoặc quy luật mặt vật chất. quy luật mặt tinh thần rất thần bí, là quy luật thường được cho là khoa học không thể biết thấu đáo đến nơi đến chốn. Và quy luật này có tác dụng (9) ở mặt tinh thần của con người, chỉ hiểu được do phán định (11) bằng tinh thần của con người, chỉ có thể nhận thức quy luật này bằng lòng tin hoặc tinh thần tương ứng với lòng tin.

   Quy luật mặt vật chất thứ hai là quy luật có tác dụng (9) ở mặt vật chất thông thường có thể biết thấu đáo đến nơi đến chốn bằng khả năng của khoa học. Thí dụ, lực hấp dẫn của Newton, bom nguyên tử là các thứ đều căn cứ vào phát kiến của quy luật mặt vật chất.

   Quy luật vũ trụ có tác dụng (9) dưới 2 hình thức là quy luật mặt tinh thần và quy luật mặt vật chất, con người và tự nhiên được phát huy bởi 2 quy luật này. Do đó, việc có cách sống thuận ứng với quy luật vũ trụ là thích ứng đúng theo quy luật tinh thần và quy luật vật chất nói trên, là dạng thức (12) của sự điều hòa chân thật. Nghĩa là, điều hòa không phải thỏa hiệp đơn thuần căn cứ vào trí tuệ tài sức của con người mà là sống theo chân lý (3).

   Hơn nữa, quy luật vũ trụ không ngừng tác dụng (9) lên con người chúng ta không cần biết chúng ta có ý thức đến chúng không. Do đó, không phải con người thực hiện công việc điều hòa mà chúng ta bị bắt điều hòa do các quy luật của vũ trụ. Tôi nghĩ bản chất của điều hòa là ở điều này.

   Do đó, để sống thích ứng với 2 loại quy luật nói trên, thứ nhất chúng ta cần phải tự giác và ý thức rằng con người được phát huy bởi 2 loại quy luật này (3). Thứ hai đồng thời cũng cần phải nhận thức rõ rằng không những con người mà ngay cả vạn vật cũng bị chi phối, điều hành bởi quy luật vũ trụ. Kế đến, chúng ta cần phải bằng tâm tự nhiên (10) thấy được chân tướng nói trên, kiểm điểm phản tỉnh các mặt của cuộc sống đồng thời giúp nhau huấn luyện để có được cách sống thích ứng với 2 loại quy luật nói trên. Có thực hiện như vậy thì dạng thức (12) điều hòa sẽ tự nhiên phát sinh. Và theo đạo lý này, tất cả vạn vật sẽ điều hòa và ở xã hội con người sự điều hòa chân chính trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, giáo dục sẽ được duy trì, và hạnh phúc, hòa bình, phồn vinh sẽ đến.

   Tóm lại, sự điều hòa tự nhiên sẽ phát sinh ra từ việc thực hiện cách sống thuận ứng với quy luật của vũ trụ, nếu đi ngược lại với quy luật vũ trụ thì dù con người có thực hiện thỏa hiệp hoặc thông đồng bằng trí tuệ tài sức của mình cũng không thể nói là điều hòa chân thật.

   Hành động theo quy luật vũ trụ tự nhiên sẽ có điều hòa, tôi nghĩ đó chính là bản chất của điều hòa.

 Nguyễn Sơn Hùng

14/2/2021

 (*) Nguồn: “Bản chất của điều hòa” trong sách “Triết học của Matsushita Kônosuke”, cơ quan phát hành: Viện nghiên cứu PHP, năm 2002, trang 29~36.  Bài thứ 17 được đăng vào tháng 6 năm 1949 trong nguyệt san của Viện nghiên cứu PHP trong 40 bài “Lời ngỏ của PHP” sau được tổng hợp thành sách với tựa “Lời ngỏ của PHP” xuất bản năm 1953, cải biên năm 1975, vào năm 2002 được biên soạn lại và xuất bản với tựa mới là “Triết học của Matsushita Kônosuke”. Sau đó sách này được tái bản vào năm 2009. Phiên bản dùng để dịch là phiên bản năm 2002.

 Ghi chú

(1)  Thuận ứng, theo Đào Duy Anh có 2 nghĩa: 1) Thuận thiên ứng nhân, nghĩa là theo lẽ trời, đúng ý người; 2) Chìu theo mà đỡ lấy. Ở đây có thể hiểu theo ý 1) hoặc hiểu “tuân theo và phát huy”.

(2)  Bản ngã: cái tôi.

(3)  Trong nguyên bản tác giả dùng rất nhiều câu “tôi nghĩ”, có thể với mục đích tỏ bày lòng khiêm tốn của tác giả và thích hợp với thính giả hoặc độc giả vào thời điểm đó nhưng gây ấn tượng tác giả thiếu tự tin đối với độc giả ngày nay và chiếm giấy nên ở đây dịch giả tích cực bỏ bớt và ghi chú với ký hiệu (3).

(4)  Thỏa hiệp: nhượng bộ lẫn nhau trong sự dàn xếp để không tranh chấp, xung đột nữa.

(5)  Thông đồng (tiếng Nhật nareai): thỏa thuận ngầm với nhau để làm việc trái phép. Dịch giả lấy làm lạ tại sao tác giả lại cho rằng thông đồng là quý dù chỉ là tạm thời. Phải chăng “nareai” ở đây có nghĩa là thông đồng cho sự việc trôi chảy chứ mục đích của sự việc không xấu chăng?

(6)  Nơi: Dịch sát theo nguyên văn là “nơi” nhưng nên hiểu là “vị trí đúng chỗ”, “vị trí chính đáng”.

(7)  Nguyên văn là “nước ta”.

(8)  Nghiễm nhiên: đường đường tự nhiên có.

(9)  Tác dụng: có ảnh hưởng

(10) Tâm tự nhiên (nguyên văn là sunao na kokoro) là một khái niệm triết học quan trọng của Matsushita Kônosuke, nghĩa gốc gần giống như “chân tâm”, “tâm bẩm sinh”, “tâm vô nhiễm” nhưng hàm chứa nhiều ý tưởng khác nên ở đây tạm dịch là “tâm tự nhiên” để phân biệt. Tâm tự nhiên tương tự như “phật tánh” của Phật học, “tâm bất sinh” của thiền sư Bankei Eitaku (Bàn Khuê Vĩnh Trác, 1622~1693), “lương tri” của Vương Dương Minh (1472-1528). Mười đức tính của tâm tự nhiên là không vị kỷ, biết lắng nghe ý kiến người khác, khoan dung, nhìn thấy thật tướng của sự vật, hiểu biết đạo lý của sự việc, hiếu học, thung dung tự tại, điềm tĩnh, biết giá trị sự vật, bác ái (Theo “Để có được tâm tự nhiên”, Matsushita Kônosuke (2004, 2006), Viện nghiên cứu PHP).

(11) Phán định: phán đoán và quyết định.

(12) Dạng thức: hình thức, kiểu tồn tại của sự vật.

🌸🌸🌸🌸🌸 

Mời Xem Các Bài Dich Khác Của NSH

-Ý NGHĨA CỦA ĐẠI NGHĨA LÀ GÌ? (Diễn Đàn Khai Phóng )

-THIÊN MỆNH CỦA CON NGƯỜI DÂN CHỦ CHÂN THẬT LÀ THẾ NÀO? -

-CƠ BẢN CỦA GIÁO DỤC LÀ GÌ? Matsushita Kônosuke ( 1894- 1989)

-THÀNH CÔNG CỦA LÀM NGƯỜI LÀ GÌ? (Diễn Đàn Khai Phóng )

LỄ VÀ TU THÂN (Diễn Đàn Khai Phóng-Người Dịch : Nguyễn Sơn Hùng )

Ý NGHĨA CỘI NGUỒN CỦA LỄ LÀ GÌ? (DIỄN ĐÀN KHAI PHÓNG )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét