6 thg 4, 2021

Vũ Kim Hạnh: "Bông máu" và "Đạo đức kinh doanh"

 


Sáng thứ hai đầu tuần, tôi nhận được một tin nhắn của một “phây hữu”: MUJI là thương hiệu thời trang ủng hộ “bông máu” Tân Cương bạn nhé, bạn nhớ đừng ủng hộ thương hiệu này.
Tôi đi tìm thông tin về MUJI. Trước nhất là phải chui vào một núi thông tin về vụ tẩy chay các thương hiệu nổi tiếng thế giới tại TQ ồn ào gần đây. Rõ ràng đây là sự va chạm chan chát đến sống còn của hai quan niệm căn bản liên quan đến ĐẠO ĐỨC KINH DOANH.
Tiêu chuẩn này ngày càng bị khách hàng lớn của dệt may VN nhấn mạnh và kiểm tra chặt nên tôi biết khá rành: Trách nhiệm xã hội, trong đó có chính sách với người lao động. Sử dụng lao động trẻ em hay hà khắc người lao động là bị loại khỏi danh sách được nhập hàng. Huống chi là sử dụng lao động nô lệ để làm “bông máu”?
LÀM ĂN CÓ ĐẠO ĐỨC HAY CHỈ CẦN “BIẾT CÁCH TỒN TẠI”?
Thông tin về chiến dịch tẩy chay của TQ. Hàng loạt thương hiệu thời trang quốc tế đang bị tấn công, “tẩy chay” ở Trung Quốc sau khi các hãng này bày tỏ lập trường chống lại việc sử dụng lao động cưỡng bức trong ngành trồng bông vải và sản xuất bông ở tỉnh Tân Cương miền Tây nước này.
Các công ty H&M, Nike đã bày tỏ lo ngại về thông tin là lao động cưỡng bức đã được sử dụng để sản xuất bông vải ở Tân Cương, và họ dùng làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm thời trang. Nhưng đến đầu tuần qua, khi nhiều nước trên thế giới đã có chứng cớ về thảm trạng này và đã cấm vận quan chức TQ trách nhiệm tiến hành vụ “diệt chủng” người Uyghur, thì trên các mạng xã hội Trung Quốc mới bùng phát một cơn bão chính trị kêu gọi tẩy chay sản phẩm của các thương hiệu này.
Chính phủ Hoa Kỳ cho rằng đây là phong trào do nhà nước TQ tổ chức, kích động để trả đũa việc Liên Âu, Anh quốc, Canada và Hoa Kỳ trừng phạt nạn vi phạm nhân quyền của người sắc tộc Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo.
Đầu tiên, sản phẩm của công ty H&M (Thụy Điển) – nhà bán lẻ quần áo lớn thứ hai thế giới – bị loại khỏi sàn thương mại điện tử TQ như Alibaba và JD.com, bảng quảng cáo của họ bị tháo xuống khỏi mặt tiền các trung tâm thương mại.
China Daily, báo đảng của TQ đăng bài phê phán nặng nề Nike, Adidas, Burberry, New Balance và hàng chục công ty thời trang tham gia Sáng kiến Bông vải Tốt hơn (Better Cotton Initiative, BCI – là tổ chức bày tỏ lo ngại về việc sản xuất bông vải ở Tân Cương) và kêu gọi tẩy chay sản phẩm của họ. Hàng chục nhân vật nổi tiếng trong giới giải trí Trung Quốc đã cắt hợp đồng quảng cáo hoặc thông báo sẽ cắt dứt hợp đồng với các thương hiệu thời trang như Nike, Adidas, Puma, Converse, Tommy Hilfiger và Uniqlo.
Hành động tẩy chay này có ảnh hưởng lúc đầu nhưng không quan trọng. Thị trường Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 5% tổng doanh số của H&M trong năm 2019, ở các công ty khác tỷ lệ còn ít hơn nữa. Vụ tẩy chay chỉ đáng nói ở chỗ thị trường này ít bị ảnh hưởng đại dịch, có thể phát triển tốt hơn các nước khác.
Các công ty thời trang Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khó khăn của các thương hiệu quốc tế để mở rộng ảnh hưởng. Đài CNN cho biết, các công ty Trung Quốc như Anta Sports, FILA China đã lập tức quảng cáo rõ: sản phẩm của họ sử dụng “bông vải Tân Cương”. Trong nhóm này có cả tập đoàn bán lẻ Muji của Nhật Bản và hãng giày Sketcher có trụ sở ở California.
Và tháng 12/2020, chính phủ Hoa Kỳ đã cấm nhập toàn bộ các lô hàng bông vải nhập cảng từ Tân Cương với lo ngại chúng “có thể được làm ra bởi lao động nô lệ ở nơi vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất ngày nay”. Ngay cả Bộ trưởng Ngoại giao thời Tổng thống Donald Trump, ông Mike Pompeo, còn lên án Bắc Kinh “phạm tội diệt chủng” ở Tân Cương.
Cũng tuần qua, Thư ký Nhà trắng Jen Psaki tuyên bố: “TQ đang sử dụng sự phụ thuộc của các công ty lớn thế giới vào thị trường của họ như một thứ vũ khí triệt tiêu quyền tự do biểu đạt, ngăn chặn cung cách kinh doanh phù hợp với đạo đức nói chung hiện nay”.
Chính phủ các nước tiên tiến, phương Tây và cả đặc phái viên nhân quyền của Liên Hiệp quốc đều lên án Bắc Kinh đang giam cầm hàng triệu người thiểu số Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung, ép lao động để làm sản phẩm giá rẻ.
Sáng 26/3/2021, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Jalina Porter nói, chính phủ Biden đứng cùng với các công ty tuân thủ pháp luật Hoa Kỳ và bảo đảm sản phẩm tiêu dùng tại Mỹ không được sản xuất bằng lao động cưỡng bức với tuyên bố: “Chúng tôi ủng hộ các nguyên tắc hướng dẫn của Liên hiệp quốc về kinh doanh và nhân quyền cũng như hướng dẫn của tổ chức OECD”, theo Reuters.
VẬY CÒN MUJI, MÀY LÀ AI HẢ BƯỞI?
Những người có thế lực trong giới showbiz của TQ đang rầm rập tuyên bố phải tẩy chay những thương hiệu lớn đã nói không với "bông máu" Tân Cương. Thế nhưng trước khi các Công ty này bị tẩy chay, hàng loạt thanh niên đã chen nhau thu gom hàng và đến nay, trên cửa hàng trực tuyến nổi tiếng "Dewu", hầu như phút nào cũng có người đặt mua giày thể thao Nike và Adidas.
Và trong số những thương hiệu quốc tế bị tấn công, có một thương hiệu được “ưu ái”: Muji. Công ty Ryohin Keikaku của Nhật Bản, là công ty sở hữu Muji, được Thời báo Hoàn cầu (là phụ trang của Nhân Dân nhật báo của TQ), ngợi khen là đã sử dụng bông từ Tân Cương, là công ty BIẾT CÁCH TỒN TẠI. Muji, công ty điều hành 275 cửa hàng ở Trung Quốc đại lục, chiếm hơn một phần tư mạng lưới toàn cầu của họ, đã giành được tín nhiệm của nhà nước TQ.
Một số người Hồng Kông nói trên mạng xã hội: "Lâu nay chúng tôi không có thông tin. Bây giờ chúng tôi biết, chúng tôi sẽ không mua hàng của MUJI nữa”. Trong khi đó, Công ty Uniqlo lại khẳng định, họ không sử dụng bông của Tân Cương và cũng không có nhà cung cấp nào ở đó, Công ty Fast Retailing là công ty mẹ của Uniqlo nói rõ.
Hai công ty này hiện đang có cửa hàng lớn (nằm gần nhau) trong một Trung tâm Thương mại lớn ở trung tâm quận 1, TP.HCM.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét