Nhã Duy
31-3-2021
Sáng nay các tin tức cho hay rằng, người đàn ông tấn công dã man một phụ nữ Á châu, 65 tuổi, tại New York đã bị bắt. Bên cạnh các tin tức liên quan đến nhân thân của nghi phạm thì điều đáng chú ý là tuyên bố của Brodsky Organization, hãng quản trị khu chung cư sang trọng có ba nhân viên chứng kiến tội ác nhưng tỏ ra bàng quan, không giúp đỡ nạn nhân.
Trong tuyên bố đăng lên Instagram, hãng này viết “chúng tôi lên án mọi hình thức bạo lực, phân biệt chủng tộc, sự bài ngoại và tình trạng bạo lực chống lại cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu“. Hãng cũng cho biết họ đã đình chỉ các nhân viên của mình và sẽ tiến hành cuộc điều tra để có biện pháp thích hợp.
Thị trưởng Bill de Blasio của New York cũng gọi đó là chuyện “hoàn toàn ghê tởm và nhẫn tâm”, không thể nào chấp nhận được khi các nhân chứng không giúp đỡ, bênh vực một người dân New York của mình. Ông bảo rằng bất kể là ai, làm gì thì cũng không thể đứng nhìn một hành động hung bạo như vậy xảy ra với người khác.
Việc thờ ơ, lãnh đạm đứng nhìn những hành vi tấn công bạo lực với người khác là một vấn đề đạo đức, ở trong một số trường hợp nào đó còn bị xem là phạm luật với các bộ luật “Good Samaritan” tại các tiểu bang Hoa Kỳ khi không thực hiện bổn phận giúp đỡ nạn nhân (duty-to-assist) trong một số trường hợp nguy cấp.
Thái độ bàng quan, hờ hững, ngoại cuộc mà truyền thông Việt Nam từng có thời gọi là “chủ nghĩa mackeno” (mặc kệ nó) là một hội chứng tâm lý hiện diện trong bất cứ xã hội nào, với không ít người Việt trong và ngoài nước hiện nay. Nhưng điều trình bày ở đây là, trong khi chính phủ, cơ quan công lực cùng các tổ chức Á châu, giới truyền thông đăng tải và lên án các vụ tấn công vô cớ vào người Á châu thì một số người Việt, ngay trong giới truyền thông Việt ngữ lại đăng đàn phủ nhận, cho rằng đây là những điều không có thật, là cuộc xách động tâm lý để gây chia rẽ.
Trong một vài cuộc hội thoại trên một số đài phát thanh tại Texas, vài xướng ngôn viên bảo rằng, người Việt đang bị truyền thông dẫn dắt, bị thổi phồng các vụ tấn công và không có chuyện kỳ thị xảy ra. Họ cho rằng, chúng chỉ là các hành động cá nhân, do các thủ phạm “ít học, bị tâm thần” hay bị “ám ảnh tình dục” gây ra, lặp lại lời hung thủ trong vụ án tại Atlanta.
Rất dễ nhận thấy tâm lý và lập luận này hiện diện trong cộng đồng Việt-Trump, những người không chỉ thờ ơ mà còn xem nhẹ, bào chữa cho vấn đề kỳ thị và tình trạng tấn công vào người gốc Á châu hiện nay. Có người còn đi xa hơn khi bảo rằng, việc lên tiếng chỉ càng làm cho cộng đồng gốc Á châu, hay người Việt nói riêng, bị kỳ thị và là mục tiêu tấn công nặng nề hơn, nên tốt nhất là hãy im lặng.
Một nạn nhân Á châu có thể bị tấn công ngẫu nhiên, bất kể họ thuộc sắc dân Á châu nào và thủ phạm không cần biết đến liên đới chính trị, đảng phái của họ ra sao. Cũng như họ có thể bị tấn công từ bất cứ người nào đó, không riêng trong một nhóm chủng tộc nào.
Nên tình trạng hiện nay không phải là câu chuyện chính trị mà là một vấn đề xã hội. Và các vấn đề của mỗi cá nhân hay cộng đồng sẽ không tự biến mất cho đến khi nó được giải quyết. Thờ ơ hay phủ nhận nó chỉ cho thấy sự né tránh nhằm che đậy sự yếu đuối, nhu nhược của mình và thái độ mong chờ vào sự giải quyết của người khác. Nếu người Việt không góp mặt cùng các sắc dân Á châu khác để lên tiếng thì sẽ không có ai tranh đấu giùm mình.
Người Việt đã dựa dẫm, trông cậy vào quá nhiều thứ, rất nhiều điều bên ngoài để có được điều mình mong muốn, từ bình diện quốc gia xuống đến vấn đề cá nhân, cộng đồng. Quá giang việc Donald Trump “chống Tàu” giùm Việt Nam là điều nhiều người trong nước đã tin tưởng. Cái tâm lý quá giang này dường như đã trở thành một loại văn hóa và nếp suy nghĩ của không ít người. Một dân tộc, một cộng đồng sẽ khó lòng đi lên bằng sự quá giang, cùng tâm lý hãnh tiến ở những điều không có thực.
Ảnh từ baomoi.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét