BÀN CHÂN FUMIKO
(Fumiko no ashi, 1919)
Dẫn Nhập:Truyện ngắn dưới đây có thể gây cú sốc cho một số độc giả dù nội dung không có lấy một lời lẽ tục tằn. Khuynh hướng bái vật (fetischism) đặc biệt đối với bàn chân đàn bà (foot-fetischism) đã được nhắc đến trong Xâm Mình (Shisei, 1910), tác phẩm Tanizaki viết thời trẻ. Bàn Chân Fumiko miêu tả lệch lạc tính dục này trong bối cảnh xã hội Nhật Bản đầu thế kỷ trước. Chính vì đi ngược với văn học tải đạo thời Minh Trị, Tanizaki bị xem như một nhà văn ma giáo, bệnh hoạn, trụy lạc. Nhiều người đòi đốt tác phẩm của ông. Các nhà phê bình đã đặt giả thuyết về ảnh hưởng của quyển Bệnh Lý Tính Dục (Psychopathia Sexualis) ‒ sách do Richard von Krafft-Ebing trước tác mà Tanizaki được đọc khoảng năm 1908 ‒ đối với truyện ngắn này. Cũng cần nhắc thêm là từ 1905, Sigmund Freud đã bàn về khuynh hướng bái vật trong trứ tác kinh điển bằng tiếng Đức của mình, Ba Tiểu Luận Về Lý Thuyết Tính Dục. Người thầy thuốc thành Wien còn khai triển đề tài nói trên trong những công trình nghiên cứu khác vào khoảng năm 1927. Phải chăng khuynh hướng bái vật về bàn chân đã bắt nguồn từ tình yêu bị ức chế của đứa con đối với mẹ mình như các nhà tâm lý học theo trường phái này cố gắng giải thích? Đặc điểm của Tanizaki trong Bàn Chân Fumiko là ông chỉ chuyên chú vào khía cạnh nghệ thuật của hiện tượng tâm lý bái vật và mỹ hóa nó một cách tài hoa, trang nhã. Không phải vì đưa những đề tài cấm kỵ lên mặt giấy mà ông trở thành một nhà văn lớn. Không có nó, ông đã vĩ đại rồi. Đâu là lý do khiến Tanizaki có khuynh hướng phơi bày những mảng tối trong tâm hồn? Ông muốn tìm về thiên đường ấu thơ đã mất bên bà mẹ yêu dấu, người từng đánh thức những cảm xúc phái tính đầu đời của mình? Ông cố ý nói lên sự tuyệt vọng trong tình yêu của con người, khiến cho ngoại giới bao la chỉ còn ngưng tụ lại trong một vật thể cỏn con? Hay là ông muốn mượn cuộc sống trụy lạc làm nơi ẩn náu để chống đối xã hội ngụy thiện và công thức đương thời? Trước khi những lệch lạc tính dục kể cả khuynh hướng bái vật được trình bày trong văn chương Âu Châu thời trung cổ và cận đại mà Marquis de Sade (1740-1814) là một tác giả tiên phong tên tuổi, sách vở Á châu đã từng nhắc tới Nam Đường Hậu Chủ Lý Dục, Tây Môn Khánh… các nhân vật đặc biệt sùng bái bàn chân người đẹp. Trong văn chương Trung Quốc và Việt Nam, không thiếu gì những cách diễn đạt văn học ca ngợi bàn chân như “bộ bộ sinh liên hoa”, “tam thốn kim liên”, “sen vàng lững thững”, “hài thương nữ”… Nhân vì tính dục cũng còn là một vấn đề nóng bỏng của thời đại chúng ta và là trọng tâm khám phá của các nhà văn trẻ, việc phủi lớp bụi thời gian thử đọc lại Bàn Chân Fumiko, ra đời cách đây gần một thế kỷ để thưởng thức lối hành văn kể chuyện lôi cuốn và sức tưởng tượng phong phú của Tanizaki, tự nó chắc cũng có một ý nghĩa nào đó. Nguyễn Nam Trân |
*
Thưa thầy,
Mong thầy tha cho cái tội đường đột của một anh học trò mặt trắng như em, chưa từng hân hạnh gặp thầy một lần mà dám cầm bút viết thư. Dẫu biết thầy trăm công ngàn việc nhưng xin hãy bỏ chút thời giờ quý báu để đọc từ đầu đến cuối câu chuyện sắp kể ra đây. Cho em mạn phép thưa trước điều đó.
Có thể thầy nghĩ rằng khi mở miệng nói như vậy, em tỏ ra hợm hĩnh, nhưng thật tình trong tận đáy lòng, em thầm nghĩ rằng câu chuyện em định kể ra, đối với thầy, không thể nào hoàn toàn vô vị. Nhược bằng thầy lại thấy nó có đôi chút giá trị tư liệu khơi nguồn cảm hứng cho một tác phẩm mai sau của mình thì em cũng không thấy có gì cản trở. Ngược lại, việc đó còn làm em vô cùng vinh hạnh. Thú thật với thầy, vì em hằng mong sao cho câu chuyện này được thầy dựng thành tiểu thuyết nên mới viết lá thư này để bày tỏ lòng kỳ vọng của em. Ngoài thầy, nhà văn xưa nay em hết sức ngưỡng mộ, có lẽ không một ai hiểu được tâm lý vô cùng đau khổ và kỳ lạ của nhân vật chính trong câu chuyện. Người duy nhất có thể rủ lòng thương cảm đối với nhân vật đó chỉ là thầy chứ không ai khác… Ý nghĩ này là động cơ đầu tiên thôi thúc em viết thư cho thầy, thế nhưng, chỉ cần thầy chấp nhận nghe em kể chuyện mà thôi cũng đã làm em mười phần mãn nguyện chứ đừng nói việc thầy nghe lời thỉnh cầu của em mà sử dụng nó như một tư liệu viết văn.
Có thể sự thôi thúc của em sẽ gây bực bội, làm mất lòng thầy, nhưng chỉ cần thầy chịu nghe em mà đặt bút viết về nó thì, em trộm nghĩ, người đóng vai chính trong câu chuyện này nhất định sẽ hết sức hài lòng. Dù thế nào đi nữa, dưới con mắt của một người mà em đánh giá là có sức tưởng tượng dồi dào lại giàu kinh nghiệm sống như thầy, em không tin rằng những tình tiết trong câu chuyện lại chẳng đáng cho thầy đảo mắt qua một lần. Em là một thanh niên không rành viết lách nên khó trình bày câu chuyện khéo léo hơn người ta, nhưng xin thưa một lần nữa, dám mong thầy chịu khó để ý đọc nó cho đến hàng chữ cuối.
Nhân vật chính của câu chuyện giờ đây đã qua đời. Ông ta tên Tsukakoshi, thuộc một gia đình sống bằng nghề cầm đồ có cửa hiệu ở xóm Muramatsu trong khu Nihonbashi tự đời Edo. Ông Tsukakoshi mà em đang nói tới, nếu tính từ tổ tiên trở xuống là đời thứ mười. Ông ta mới vừa chết cách đây có hai tháng, vào ngày 18 tháng 2 năm nay, ở cái tuổi 63. Thật ra, sau khi cái bệnh tiểu đường mà ông mắc phải từ hồi 40 tuổi và có thời làm cho ông béo núc nác như một tay đô vật, khoảng năm sáu năm trở lại, lại đi kèm với chứng lao phổi, khiến cho ông lần lần gầy rạc, một hai năm trước khi chết người chỉ còn hơn que tăm. Đến khi dọn về nhà nghỉ mát ở Shichiri-ga-hama gần Kamakura được một thời gian, chứng lao phổi dần dần trở nặng, vượt cả bệnh tiểu đường và kết liễu đời ông. Thời xuống dưới Kamakura ở, ông coi như đã về nghỉ hưu, nhường cửa tiệm cầm đồ cho anh con nuôi ở rể là Kakujirô cai quản, cho nên người trong nhà vẫn gọi là ông là “cụ hưu” thế này, “cụ hưu” thế nọ. Em cũng bắt chước theo họ mà gọi ông ta bằng cái tên đó. Mối giây liên lạc giữa “cụ hưu” và gia đình trên Tôkyô vô cùng xấu, từ lúc người bệnh hấp hối cho đến phút lâm chung, bên giường chỉ có mỗi một mình Hatsuko, con gái độc nhất của “cụ hưu” và là vợ của anh con nuôi ở rể tên Kakujiirô. Gia đình Tsukakoshi vốn là nhà cố cựu đất Edo, nội thành phố Tôkyô thôi it nhất phải có năm sáu cửa hiệu lớn của bà con thân thích trong họ. Thế mà trong thời gian cụ ta nằm bệnh, ít có khi nào thấy ai xuống thăm, còn tang lễ cũng chỉ được cử hành cực kỳ đơn giản và trong sự buồn thảm.
Chính vì lý do đó, những người biết được rành mạch tình cảnh lúc trước và sau khi ông cụ sắp mất chỉ có bà sai vặt tên gọi o-Tei, lúc đó được cắt tới chăm nom bên giường và Fumikoc1, cô hầu non của cụ. Tính thêm cả em nữa, vỏn vẹn cũng chỉ có ba người. Đến đây xin được phép cắt ngang câu chuyện một chút để nói về sự liên hệ giữa ông cụ và em cũng như cảnh ngộ cá nhân em. Năm nay em vừa mới 25 tuổi, sinh viên trường mỹ thuật, quê ở quận Akumi thuộc tỉnh Yamagata. Vì gia đình em và gia đình Tsukakoshi có liên hệ họ hàng xa xôi cho nên ngày em cất bước lên Tôkyô, vì không chỗ nương tựa, vừa đặt chân tới ga Ueno, là em đã bọc bức thư gửi gắm của ba em trong người, tìm ngay đến tiệm cầm đồ của cụ trong khu Muramatsu. Lúc đó cụ hưu vẫn còn coi sóc cửa hàng nên rốt cuộc cụ thành ra là người chăm sóc em mọi thứ. Cũng vì lý do đó nên về sau, em thường ghé qua xóm Muramatsu mỗi năm vài ba lần thăm cụ. Thế nhưng sự giao hảo của cụ và em có được sự thân mật đặc biệt vượt qua giới hạn một liên hệ ơn nghĩa là điều mới bắt đầu cách đây không lâu… khoảng từ một năm hay nửa năm nay thôi. Em chỉ muốn thầy hiểu cho rằng ngoài nhân vật đóng vai chính, ông cụ về hưu, còn có một nhân vật nữ không kém phần quan trọng là Fumiko, cô hầu non ấy, và sau nữa là bản thân em, cả ba đều dính dáng một cách sâu xa với nội dung câu chuyện. Nhất là em không hề làm một kẻ đứng bên lề, để rồi thầy sẽ thấy, có lẽ em còn giữ một vai tuồng trọng yếu trong đó nữa. Hơn thế, trong khi em phân tích tâm lý ông cụ, có thể cùng lúc em cũng đang mổ xẻ chính tâm lý của em.
Vì lý do nào mà ông cụ và em lại trở thành thân thiết à? Nói đúng ra, phải hỏi đâu là duyên cớ khiến em bắt đầu tiến đến gần cụ cơ! Chuyện nên được mào đầu bằng câu trả lời cho thắc mắc này. Một đứa con trai sinh trưởng ở một nơi quê mùa hẻo lánh trên Yamagata như em và một người sinh vào gia đình cố cựu trong một khu phố làm ăn buôn bán đất kẻ chợ Edo như cụ, thật hoàn toàn không có một điểm chung nào, từ tính nết, học vấn cho đến phong cách. Em là một gã học trò trẻ tuổi nhà quê lên tỉnh, vì ngưỡng mộ văn chương mỹ thuật Âu Tây nên chỉ sống với ước mơ mình sẽ trở thành một họa sĩ hội họa Tây phương. Cụ hưu ngược lại, không những là dân Edo mà còn là dân Edo chính cống, sống theo truyền thống và tập quán sót lại từ thời mạc phủ Tokugawa. Em xin thưa là nơi cụ có một chút gì hơi điệu hạnh, cho mình là sành sỏi, thái độ thường thấy nơi mấy người già ở khu phố buôn bán trong thành. Ai mà thấy cũng phải nhìn nhận cụ và em là hai mẫu người hoàn toàn khác biệt, lời ăn tiếng nói không thể nào hợp nhau. Sở dĩ hai bên trở thành thân thiết là vì em đã tìm đến với cụ. Về phía cụ hưu thì bị người trong gia đình lẫn thân quyến ghét bỏ xa lánh, cho nên khi được em đôi lúc đến thăm, tuy chỉ bà con xa nhưng bao giờ cũng biết kính cẩn một điều thưa, hai điều bẩm, không lẽ cụ lại không mừng rỡ. Đặc biệt lúc sắp mất, ngoài người thiếp Fumiko thì không nói, hễ em mà không đến nhà thương thăm viếng mỗi ngày là cụ giận. Tuy vậy, nếu từ phía em không đi bước đầu để tiếp cận, chắc cụ sẽ không thể nào trở nên thân tình như thế. Những ai không rõ chuyện cứ tưởng rằng em vì cám cảnh cụ bị bà con họ hàng bỏ rơi, sinh lòng tội nghiệp nên hay lui tới thăm nom. Ai tốt bụng giải thích như vậy, em xin hết sức cảm ơn nhưng nói kiểu đó chỉ tổ làm em thẹn đỏ mặt. Động cơ khiến em đến gần với cụ không hề cao cả như vậy. Nói trắng ra, cái cớ làm em đến gặp cụ hưu không phải là vì cụ mà là vì Fumiko, người thiếp trẻ của cụ đấy. Dĩ nhiên không phải tìm gặp để thỏa mãn một ước muốn sâu kín gì, lại nữa, cho dầu ước muốn đó trồi lên, em cũng ý thức ngay rằng cái thân một thằng học trò nhà quê như mình thì dễ gì với tới người đó. Thế nhưng cứ mỗi lần hình bóng của Fumiko lướt qua trước mắt, thì em đã cảm thấy say sưa đến mức độ đứng ngồi không yên như cả mười ngày trời chưa được gặp. Vì lý do đó mà em hết tìm cớ này đến kế nọ, có khi không công chuyện gì cũng tìm cách dẫn xác tới nhà ông cụ.
Sở dĩ họ hàng ruồng rẫy cụ hưu cũng chỉ vì cụ đã bị Fumiko, một cô geisha ở xóm Yanashibashi quyến rũ đến độ đưa cô ấy về nhà. Chuyện xảy ra đúng vào khoảng tháng chạp cách đây hai năm, cụ hưu 60 tuổi, còn Fumiko hồi đầu năm vừa tròn 16, mới thành nghề. Chính ra hình như chuyện chơi bời phóng đãng của cụ cũng đã thành vấn đề từ trước nhưng nghĩ rằng từ thời trai trẻ cụ bay bướm rồi cho nên đến lúc đó, người trong thân tộc vẫn chưa rầy rà chi. Họ mong rằng đã đến cái tuổi lục tuần, mai mốt thế nào cụ chẳng phải ngừng. Em nghe người ta nói lại thì cụ đã lấy vợ hồi 20 tuổi, ba lần cải giá, đến năm 35 thì đã ly hôn với bà thứ ba. Kể từ đó cụ sống độc thân luôn (và Hatsuko, cô con gái độc nhất là kết quả cuộc hôn nhân giữa cụ và người vợ đầu tiên. Việc cụ thay đổi vợ nhiều lần như thế, không thể chỉ giải thích bằng tính phóng đãng, mà còn phải đưa ra thêm một nguyên nhân bí mật, đó là cái tật xấu đời trong đời sống tình dục của cụ, điều mà mãi đến gần đây chẳng mấy ai ngờ vực. Không chỉ đối với vợ nhà, ngay những cô đầu cụ mua, cụ luôn luôn tỏ ra tính khí thất thường. Lúc tưởng cụ đã gặp người hợp nhãn, chưa đến một tháng sau, đã thấy cụ chán ngấy cô ta và đuổi theo người đàn bà khác. Hơn nữa, cái hơi lạ ở nơi một người đàn ông gọi là trăng hoa như cụ, không bao giờ thấy có một người đàn bà nào tỏ ra say mê cụ cả. Chỉ có cụ tìm đến với họ trước và yêu thương họ nồng nhiệt. Phần các nàng, nếu có trao thân cũng vì muốn nhắm vào gia sản cụ thôi. Chưa thấy ai đem một tình yêu chân thành để báo đáp tấm lòng của cụ. Cụ đúng là dân kẻ chợ Edo thật sự, một người đàn ông đúng nghĩa, hết sức sành sỏi, làm người ta sẳn sàng bỏ qua cho thái độ huênh hoang. Đáng lý ra, không sớm thời muộn, phải có nàng nào đó gắn bó sâu đậm với cụ mới phải nhưng lạ lùng thay, bản thân cụ cứ bị các cô gái cho rơi hoặc lừa gạt. Thêm vào đó, như đã nói, cụ là người tính khí thất thường, dù mê mệt ai trong một thời gian, tự mình cũng không có đủ sức để mà tiến xa với họ.
‒ Ngữ nhà ông ta, đánh chết cũng không chừa cái tính bê bối. Cứ cho ông ấy chạy theo các cô đi nhưng cuối cùng phải biết thân mà ăn ở với một người thôi chứ! … Có lẽ cưới hẳn một cô vợ hầu thì may ra mới hết lông bông!
Đó là những câu mà đám người họ hàng nhà cụ vẫn bàn tán với nhau.
Ấy thế, cuối cùng Fumiko lại là trường hợp ngoại lệ. Cụ hưu quen biết nàng vào dịp hè cách đây hai năm, thế nhưng tình cảm từ ấy vẫn bỏng cháy chứ không hề nguội đi chút nào. Không những thế, cùng với thời gian, cụ càng mê mệt nàng hơn mà thôi. Thế rồi, vào tháng 11 năm nay, khi cô ta chấm dứt thời gian học việc như một hangyoku và trở thành ipponc2 được phép hành nghề geisha thì cụ nhà ta đã lo liệu cho cả mọi thứ chi tiêu, ngay trả lại món tiền thế chân cần thiết để ra riêng. Rốt cuộc, không bằng lòng làm chỉ chừng đó, cụ đã đem nàng về đặt trong cửa hàng ở phố Muramatsu với tư cách hầu chẳng ra hầu, vợ không ra vợ. Mặc dầu cụ hưu nhiệt tình đến mức đó nhưng giống như mọi lần, không có gì chứng tỏ Fumiko yêu thương cụ cả. Dễ hiểu thôi, hai bên chênh lệch nhau những bốn mươi tuổi, trừ phi ngu ngốc hoặc điên khùng, không ai đi yêu một ông già cỡ đó. Nàng có ngoan ngoãn nghe lời cụ chăng nữa thì cũng vì nghĩ ông lão chẳng còn sống bao lâu và mắt nàng đã dán chặt vào mớ tài sản, chứ tuyệt không có lý do nào khác.
Lần đầu tiên em gặp được người đàn bà lạ lùng bí ẩn ấy trong căn nhà ở xóm Muramatsu là đúng vào đầu năm ngoái, vào dịp ghé qua chúc Tết cụ hưu. Em được đưa vào ngôi nhà đằng sau cửa tiệm cầm đồ, cách với nó bằng một cánh cửa lưới sắt. Cũng như mọi hôm, cụ hưu ở trong căn buồng sâu tận cuối ngôi nhà.
‒ Ối dào, cậu Uno đấy à! (Thực ra, tên em là Unokichi nhưng không biết ông cụ đã quen xén bớt mất phần sau từ hồi nào. Em có ác cảm với cách gọi này vì nó giống như người ta gọi người làm). Nào, nào, vào đây chơi cái nào!
Coi bộ cụ đã uống nhiều rượu. Mặt mày đỏ ké tận mang tai. Đang ở trong nhà mà cụ quấn chăn len và rúc vào dưới bàn kotatsuc3 cho ấm. Cụ chào đón như thế với cái giọng đon đả của người dân kẻ chợ đất Edo làm em liên tưởng đến cái mồm mép dẻo quẹo của mấy ông thầy kể chuyện tếu rakugoc4. Chính lúc đó em mới nhận ra kẻ đang ngồi đối diện với cụ và cũng dựa vào cái kotatsu là một người đàn bà mình ngờ ngợ chưa hề gặp bao giờ. Khi em bước vào phòng khách thì người đàn bà đó đang chống cùi chỏ trên mặt bàn và hai đầu gối để lệch qua một bên, chỉ có khuôn mặt và phần trên thân mình quay về hướng em. Khi em nói “đầu” và “mình” xoay về phía em là bởi vì lúc đó hai phần đó như là biệt lập, mỗi phần trong đôi mắt em đều đem đến ấn tượng là nó có một vẻ đẹp riêng. Nói gọn hơn, lúc đó em không hề có cảm tưởng là chỉ có nguyên một “thân hình” đang xoay lại phía em mà thôi. Có thể tóm tắt là cái khuôn mặt sáng láng thanh tú và cái vóc người mảnh mai mềm mại lần lượt đưa về phía em những cơn sóng nhỏ, hết đợt này tới đợt khác. Và sau khi đã truyền đến nơi này rồi, những làn sóng đó vẫn còn lay động dìu dặt trên những vùng cơ thể ví dụ như đi từ chiếc cổ dài qua khe hở chiếc kimono có hoa văn để xuống đôi vai và lăn tăn đọng lại. Tất cả như gieo một ấn tượng về vẻ đẹp mỹ miều và nhục cảm nơi người con gái. Một trong những nguyên nhân khiến em suy nghĩ như vậy cói lẽ là vì ảnh hưởng do quần áo nàng mặc. Nếu đem so sánh với cách ăn mặc theo thời trang màu sắc chói chang bây giờ thì cách ăn mặc của nàng, kimono nhã nhặn với hoa văn tôzanc5 cổ hơi lớn và vạt lại quá dài, hầu như không còn đúng điệu nữa. Cụ hưu cứ tỉnh như không, đưa mắt nhìn nàng và em một hồi rồi nói:
‒ Cậu Unokichi đấy. Bà con xa với tôi, hiện là sinh viên trường mỹ thuật. Ba cậu dưới quê có gửi gắm thành thử tôi cũng cố giúp cậu ấy đến đâu hay đến đấy…
Rồi cụ him híp mắt, nở một nụ cười hơi khó hiểu. Như thế, tuy làm như tròn phận sự giới thiệu cô ta với em nhưng thật ra không có một câu nào để cho em biết người con gái ấy là ai.
‒ Em tên Fumi. Mời thầy ngồi chơi!
Người con gái như e thẹn, lúng búng mấy tiếng trong miệng rồi cúi đầu chào.Tôi cũng vui vẻ cúi đầu đáp lễ nhưng không khỏi có một tình cảm kỳ lạ như mình đang bị hồ ly tinh dụ dỗ.
‒ Người này ắt là cô hầu non của ông ta!
Tôi chắc mẩm trong bụng như thế và nhìn trộm nét mặt cụ hưu, dưới lỗ mũi đỏ hằn hai nếp nhăn to như khắc vào, đổ xuống cái miệng rộng toác mang cái tên dị dạng gamaguchi “hàm ếch”c6 vẫn không ghìm nổi một nụ cười gây khó chịu. Thế nhưng bên trong tiếng cười ấy, ta có thẻ suy đoán một hàm ý một khẳng định:
‒ Đúng như cậu đoán, cô này là người thiếp của tôi. Tôi mới đưa cô ta về đây chưa được bao lâu!
Không những thế, em nhận ra ngay cô là người rất đỗi được cụ hưu yêu dấu.
Chẳng hiểu đâu là nguyên do chứ khó lòng nói cô là một người hoa nhường nguyệt thẹn. Sở dĩ ông cụ yêu, phải chăng vì cô có ở đâu đó trên khuôn mặt và trong vóc dáng những nét phù hợp với mỹ cảm của người dân kẻ chợ như cụ thôi. Nghĩ đến đấy, em mới suy ra cái nụ cười của ông cụ như có nghĩa là:
‒ Sao cậu thấy tôi đào ra được một em ngon lành chưa!
Em cảm thấy trong thái độ của cụ ngầm chứa sự đắc ý như thế. Một cô hầu mà lại mặc một chiếc áo kimono quá dài, có mái tóc đen ánh mượt mà như nước sơn, tóc lại búi theo kiểu tsubushishimadac7 như thế thì không hợp, dáng dấp đó chỉ tạo cho cô cái vẻ một cô geisha đang ra tiếp khách. Thế nhưng cô phải lên khung như thế với cái cổ kiểu tôzan thì mới đúng sở thích ông cụ, nghĩa là sở thích tinh tế của một người ăn chơi sành sỏi đất Edo, và cái suy xét như thế của em lúc đó, thầy sẽ thấy, đã được kiểm chứng không bao lâu sau.
Nếu so sánh giữa đàn bà Nhật và ngoại quốc thì em yêu chuộng vẻ đẹp phụ nữ nước ngoài hơn nhưng cũng chẳng có lý do gì mà ghét bỏ một người đẹp hầu như đầy đủ tiêu chuẩn để thỏa mãn sở thích của dân Edo. Dĩ nhiên, không phải sự toàn bích mà là một vài khuyết điểm trên đường môi nét mũi của cô gái mới tạo ra một ấn tượng tuyệt vời về sự hài hòa và thanh tao. Để cho người đàn bà có thể toát ra được một vẻ đẹp như thế, cô ta phải có một vài chỗ bất toàn, dĩ nhiên chỉ ở mức độ cần thiết.
Khuôn mặt cô ta tròn và cân đối như quả trứng nhưng thon lại phía dưới cằm để tạo thành hình trái xoan, đôi má tuy có hơi hõm vào nhưng không hề đem đến cho khuôn mặt một ấn tượng cứng rắn, bởi vì, khi nàng thốt ra một lời nào, cử động của làn môi như dâng lên từng cơn sóng nhỏ tiếp nối nhau về phía đôi má, gợi ra một cảm tưởng dịu dàng và vun vén.
Đường nét vầng trán cũng gọn gàng tuy tóc mọc không đến độ cân đối để có thể ví nó với hình dáng đỉnh núi Fujic8. Hai món tóc tỏa ra hai bên trán, mặt cũng như trái, có vài chỗ hơi thưa và cao tuy rằng lại phủ xuống vừa vặn ở ngang tầm đuôi mắt. Đôi chỗ đường nét không hoàn toàn thẳng thớm này tuy khiến cho mái tóc không đúng hình thù ngọn Fuji lại làm vầng trán được thoáng hơn, như thế, giữa màu tóc đen nhánh, một phần của vầng trán trắng phau len vào và như được phủ bằng một màu xanh mơ hồ. Nó không chỉ đem đến cho vầng trán, chính ra là hẹp, có những biểu hiện đa dạng cũng như sự bình yên thanh thản khó lòng mà diễn tả và còn làm tôn lên màu đen của mái tóc.
Cặp lông mày dày hình vòng cung, nhưng may mắn là khác với trường hợp mái tóc viền quanh trán, màu hung hung và thưa hơn nên không tạo ra một vẻ nghiêm khắc. Mũi nàng cao và thanh, trông thật xinh nhưng vẫn không được hoàn hảo. Hai bên thành mũi hơi mọng, chỗ đường cong chạy từ lông mày xuống thấy thô thô, và phần trên hai cánh mũi lại phồng lên, hơi nhũn, làm liên tưởng đến thịt hai bắp chân. Thế nhưng, theo em nghĩ, đem gắn một cánh mũi hoàn hảo như tượng điêu khắc lên khuôn mặt này sẽ làm cho nó có một vẻ lạnh lùng. Mũi tròn trĩnh như hòn bic9 thì không nên có nhưng một đầu mũi tròn đầy gợi được cho ta cái gì phúc hậu, đáng yêu.
Tiếp theo là cái miệng. (Cứ đem kể từng chi tiết một trên khuôn mặt với một lối viết vụng về như thế này, chắc em đã làm bận mắt thầy. Thế nhưng nếu em không trình bày rõ ràng về hình thù khuôn mặt của cô gái thì lòng em không yên. Em muốn cho thầy biết đầy đủ về nét đẹp và cái duyên dáng của người con gái đó. Vì lý do trên, dù có bực mình xin thầy cảm phiền thầy chịu khó cho).
Khuôn mặt nàng thon lại như một quả trứng thắt đáy. Bên trên cằm là một cái miệng nhỏ xinh xắn trông vừa khéo, và chỗ dễ thương rất là con gái đất Edo hơn cả, là cái một dưới hơi trề ra một tíc10. Vâng, đúng thế, nếu cái môi dưới này lại thụt vào như người thường thì nó sẽ làm cho nàng có dáng nghiêm nghị hơn nhưng có lẽ sẽ đánh mất đi vẻ khêu gợi và tinh ranh. Nhưng nói đến tinh ranh thì phải nhìn nhận là tất cả sự tinh ranh nằm trong đôi mắt. Hai con ngươi màu đen, lấp lánh như lưu ly mở thật to, nằm giữa đôi lòng trắng ánh lên màu xanh xa cừ. Chúng như đang ranh mãnh chui xuống nằm dưới đáy sâu của một làn nước trong vắt tắm trong những tia sáng xuyên qua, tựa hồ những con cá nhanh nhẹn thoăn thoắt đang làm bộ nằm bất động để vây kỳ nghỉ ngơi. Giống như những cọng rong che chở thân cá, riềm mi viền quanh đôi mắt dài đến nỗi, khi nàng nhắm mắt, như thể phủ gần đến phân nửa gò má. Em chưa từng thấy ai có cặp lông mi vừa đẹp vừa dài đến thế, nhiều khi tự hỏi dài như thế thì nó có làm vướng mắt nàng lúc nhìn hay không. Mỗi lúc mắt nàng mở ra, em không còn phân biệt được đâu là mi đâu là tròng đen, như thể con ngươi đã ra khỏi vị trí của nó để hợp lại thành một với riềm mi.
Nước da của nàng làm tôn cái đẹp của đôi mi và đôi mắt. Nàng chỉ trang điểm sơ sài, một điều hiếm có đối với những cô gái thời đó (nhất là một người từng có quá khứ geisha). Không hề chói mắt, màu trắng ngà không hồng hào của làn da như phát ra một làn ánh sáng mờ ảo như trong một giấc mơ. Chỉ có đôi mắt đen nháy lộ ra rõ ràng, sinh động như con cánh cam đang bò trên tấm giấy trắng. Em không hề khoa trương quá mức về vẻ đẹp của người con gái này. Tình thực, em cảm thấy thế nào thì cứ nguyên như thế mà trình bày lại thôi.
Nếu như mọi lần thì cuộc đi chúc Tết của em đã phải đến giờ chấm dứt rồi nhưng em có cảm tưởng như vừa mới bắt được vật gì quý báu, ngày hôm đó đã ngồi ì suốt từ sáng đến hai ba giờ chiều, vừa ăn cơm trưa vừa ra sức tiếp chuyện cụ hưu. Được người đẹp chuốc chén, cụ hưu đã say nhưng em nhớ hôm đó mình cũng uống khá say.
‒ Này cậu Uno, xin lỗi cậu chứ tôi chưa từng được xem tranh của cậu bao giờ nhưng nghe đâu cậu học vẽ tranh kiểu Tây. Thứ chân dung bằng sơn dầu này kia, chắc cậu khá thành thạo đấy chứ nhỉ?
Cụ hưu bất chợt đặt câu hỏi đó. Em nghĩ trong người cụ, lúc ấy rượu đã khá thấm.
Bằng một giọng trìu mến nhưng có phần giả lả, o-Fumi-sanc11, vươn nhẹ cái gáy ra khỏi cổ áo dài, quay về phía tôi và chìa đôi môi trề ra như làm điệu, nói:
‒ Có lẽ khá thạo thôi à? Ông này già thật ăn nói không biết điều. Thầy giận cho ổng biết thân đi!
‒ Tôi nói có lẽ khá thạo, có ý gì cười cợt cậu Uno đâu. Mấy người thừa biết tôi là loại người cổ lỗ sĩ, đâu biết thưởng thức xấu đẹp!
‒ Khéo nói ghê chưa! Đã không biết gì sao lại lên tiếng.
O-Fumi san, người dám trả lời đốp chát với cụ hưu như vậy chỉ là một cô bé đầu năm nay mới vừa 17 tuổi. Trước mỗi lời cô trách móc, cụ hưu chỉ biết tìm cách chống chế, bên đuôi mắt và trên khóe miệng phảng phất một nụ cười như diễn tả một niềm hạnh phúc. Cụ như còn muốn phô trương thật lộ liễu sự hân hoan ấy và điều này ngược lại đã làm cho chính em đâm ra mắc cỡ. Đôi lúc, cụ bảo:
‒ Ái chà, trả lời sao đây ta? Lại thua con nhỏ này keo nữa rồi!
Rồi sau đó làm bộ đưa tay gãi đầu, ra chiều hết sức sợ sệt. Nhìn quang cảnh, tôi biết cụ đã trở thành một đối tượng hết sức thích hợp cho o-Fumi-san mặc tình vo tròn bóp méo, có thể bảo chẳng ai còn phân biệt được giữa cụ và một đứa bé sơ sinh. Tính tuổi tác ba người đang ở trong gian buồng này thì lúc đó cụ hưu 61, em 19 còn o-Fumi-san, như vừa nói, mới có 17 và là người trẻ nhất. Thế nhưng, theo lời ăn tiếng nói mà xét thì có thể nói là thứ tự hoàn toàn đảo ngược. Khi đứng trước mặt o-Fumi-san thì cả cụ hưu lẫn em đều có cảm tưởng là bị đối xử như con nít không bằng.
Còn chưa hết ngạc nhiên khi nghe cụ hưu đem chuyện tranh sơn dầu ra bàn ở đây, em mới vỡ lẽ là cụ muốn đặt em vẽ cho o-Fumi-san một bức chân dung bằng sơn dầu.
‒ Không biết loại tranh nào đẹp hơn tranh nào nhưng có lẽ sơn dầu thì sát sự thật hơn tranh Nhật chứ nhỉ!
Cụ hưu nói như thế, hẳn có ý muốn cậy em vẽ o-Fumi-san làm sao càng hiện thực càng tốt. Em không biết mình có vẽ được đúng ý của cụ không để có thể đáp đợi lòng trông đợi của cụ. Tuy nhiên trong bụng em nghĩ đây là một cơ hội tốt để mình có thể gần gũi với cô gái và ý nghĩ đó khiến em không còn chần chờ gì mà không nhận lời đề nghị. Như thế, từ đó mỗi tuần em đến nhà cụ hưu độ hai lần và o-Fumi-san ngồi làm mẫu cho em làm công việc đó.
Trong xóm buôn bán bình dân ở Tôkyô này, hầu hết những căn nhà cổ của thương nhân, gọi là akindoya, thường cất theo một kiểu giống nhau, nghĩa là có một lối đi hẹp dẫn vào những căn phòng khá rộng, nhưng càng đi sâu vào bên trong thì ánh sáng càng lúc càng yếu, đến nơi giữa ban ngày mà có cảm tưởng mình đang ở trong hang động. Căn nhà dòng họ Tsukakoshi cũng không ra ngoài thông lệ ấy. Căn phòng của cụ hưu, nằm mãi bên trong, đặc biệt lù mù. Những khi thời tiết xấu một chút thì mới hơn ba giờ chiều đã tối om om, không còn đủ ánh sáng để đọc báo. Nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán là lúc ngày hãy còn ngắn cho nên mỗi lần em ở trường về vòng ngang qua đó, khi ở ngoài đường trời hãy còn sáng nhưng vào đến trong nhà cụ hưu thì trời đã tối hẳn. Ngồi vẽ tranh sơn dầu trong tình trạng như vậy thật là vô lý. Ánh sáng cần thiết dựa vào đó mà vẽ tranh chỉ vỏn vẹn vài vệt nắng đến từ cái sân trong rộng chừng 5 tsuboc12 nằm trước căn phòng. Đó là thứ nắng nhợt nhạt buồn bã mà mặt trời chiều mùa đông bỏ lại trước khi ra đi, phản chiếu vào trong nhà một cách hờ hững. Khuôn mặt thon như một hạt dưa, o-Fumi-san ngồi lặng yên trong bóng tối, hai vai buông xuôi và cánh cổ dài vươn ra khỏi cái cổ áo, là một hình ảnh dễ thương đến độ thần kinh em phải ngất ngây, choáng váng. Nó khiến em nhiều lúc muốn ngưng vẽ để có thể lặng người chiêm ngưỡng những đường nét da thịt thơm tho trắng ngần phản chiếu mơ hồ chút ánh sáng yếu ớt đó.
Đến khi em thật sự bắt tay vào việc, cụ hưu nhận ra cần phải gắn một bóng điện 60 oắt và kèm thêm một cái đèn chạy bằng khí đốt. Cả hai làm sáng hẳn căn phòng nhưng chói cả mắt em. Điều kiện làm việc bây giờ đã được cụ cung cấp quá đầy đủ, bây giờ bước qua giai đoạn khó khăn là xếp đặt vị trí cho người mẫu ngồi thế nào. Bởi vì tự lúc đầu, cụ hưu muốn em thực hiện một bức chân dung, khi em định vẽ một bức họa bán thân hay tương tự thì cụ đã lên tiếng:
‒ Cậu Uno ơi, tôi thấy nếu để cô ấy ngồi mà vẽ y nguyên theo đó thì chẳng có gì hay ho cả. Thế cậu có cho phép tôi nhờ cậu vẽ theo kiểu thấy trên bức ảnh này không?
Cụ ta lục từ trong đáy cái tủ nhỏ ra một tập sách truyện bằng tranh cũ rích cũ re. Cụ lật cái trang có in bức tranh minh họa truyện Inaka Genjic13 của Tanehikoc14 cho em xem. Nếu em nhớ không lầm, đó là tranh của Kunisadac15. Trong bức mộc bản ấy có một nàng con gái trẻ với đường nét của o-Fumi-san, kiểu người đẹp đúng theo quan điểm thẩm mỹ của nhà họa sư. Chân trần lội bộ từ trên con đường quê xa tắp đến nơi, cô gái đang định ghé vào một ngôi chùa cổ bỏ hoang. Vì muốn bước vào trong nên cô tạm ngồi lại bên hành lang, lấy một tấm khăn phủi nhẹ bùn đất lấm vào đôi chân của mình. Nửa phần trên thân hình nghiêng hẳn về bên trái như sắp ngã, chỉ còn dựa được vào mỗi một cánh tay mảnh khảnh. Bàn chân trái buông thõng xuống từ hành lang, đầu ngón chân chấm lên mặt đất, còn chân phải hơi gập cong lại, và cô đang ta dùng bàn tay phải để phủi bùn dính vào gan bàn chân. Tư thế này đòi hỏi người mẫu phải hết sức khéo léo, nó còn chứng tỏ các bậc đại sư tranh ukiyoc16 ngày xưa có khả năng nhận xét nhạy bén biết chừng nào về những nét biến hóa kiều mị trong động thái của người phụ nữ.
Cái gây ấn tượng cho em nhất là họa sư đã giữ được sự quân bình và tinh tế trong cách trình bày cái vẻ mềm mại của tấm thân người đẹp thay vì sự vụng về có thể xảy ra cho nàng khi ở trong tư thế khó khăn như thế này, lúc mà cả tứ chi đang uốn éo một cách phức tạp. Như em đã nhắc đến ở trên, ngực của người đẹp trong tranh nghiêng hẳn về bên trái còn chân phải gập lại trong một tư thế dễ làm mất thăng bằng, chỉ cần kéo nhẹ cánh tay nàng đang chống trên mặt đất là có thể làm cho ngã. Để tránh nguy cơ này, tất cả những cơ bắp trên tấm thân thanh nhã đều căng ra như một sợi thép và làm cho mọi bộ phận cơ thể kết hợp lại thành một hình dáng tuyệt đẹp. Ví dụ như lòng bàn tay trái của nàng, lúc đó, để chống đỡ cái vai, đã xòe ra và chống lên trên mặt sàn hành lang, năm đầu ngón tay như đang co giật. Cũng vậy, bàn chân trái không cắm hờ xuống đất nhưng rõ ràng là nàng gia sức thật nhiều vào đó nên ngón chân cái cong lại theo hình mỏ chim.
Một động tác được họa sư miêu tả linh diệu nhất và sự liên hệ giữa bàn chân phải gập lại, chìa ra phía ngoài và bàn tay người đẹp đang phủi bùn trên đó. Một tư thế như hẳn là cần thiết; bởi vì bàn chân phải đang bị bàn tay phải giữ lấy và bị bắt buộc uốn theo nó, chỉ cần bàn tay ấy buông ra là bàn chân sẽ va mạnh xuống nền đất. Như thế, bàn tay phải vừa nắm chặt lấy bàn chân trong khi vẫn lau chùi cho nó. Em không khỏi khâm phục tài năng và sự khéo léo có một không hai của họa sĩ ukiyoe bậc thầy này. Đáng lý chỉ cần giữ lấy bàn chân và nâng nó lên bằng cách nắm lấy nhượng chân hay bắt lấy cổ chân mà thôi, họa sư đã khéo léo len bàn tay cô gái vào giữa hai ngón chân, ngón thứ ba và thứ tư, để có thể nâng bàn chân mà chỉ cần sức của hai ngón tay. Những ngón chân như tìm cách thoát ra khỏi hai ngón tay nhỏ nhỏ xinh xinh này và đầu gối của người đẹp trong tranh đang co lại, run rẩy vì mọi nỗ lực không đem lại kết quả mong muốn.
Thưa thầy, mong rằng những điều em viết ra đây có thể giúp thầy hiểu được phần nào quang cảnh mà em đang cố gắng mô tả. Một bức tranh vẽ một cô gái đẹp đang đứng thẳng, mắt nhìn về xa xôi, chân tay buông thỏng như cành liễu rũ, hay nằm duỗi dài ra một cách thẫn thờ, có thể làm cho người xem thương cảm đấy; nhưng thể hiện được như ở đây những đường cong như lượn sóng và căng thẳng như chiếc roi mà không làm thương tổn đến vẻ đẹp đặc biệt đó, chắc chắn là cả một thử thách khó khăn. Bức họa vừa mềm mại vừa rắn rỏi, vừa căng thẳng vừa tinh tế, vừa mạnh mẽ vừa yếu ớt. Xúc động gây ra bởi nỗ lực muốn diễn tả cái đáng yêu của nó có thể so sánh với cái nghị lực sinh ra từ tuyệt vọng giúp con chim oanh cố gắng tiếp tục hót trong khi cổ đã đau như bị xé rách.
Thực ra, để lột được nét đẹp của tư thế này, phải vẽ được sự sống tiềm ẩn trong từng bắp thịt của mỗi đầu ngón tay, ngón chân. Không thể biết là họa sư có cố tình sử dụng một bút pháp khoa trương khi tạo ra tư thế khó thực hiện này hay không nhưng sao em chẳng thấy có gì giả tạo. Muốn biểu lộ cái nhục cảm của tư thế này thì vóc dáng người trong tranh phải mảnh mai, uyển chuyển và xinh xắn. Nếu vẽ một người mặt vừa xấu, chân ngắn, cổ núc nác thì đâu ai thèm nhìn. Nhất định là lúc sửa soạn vẽ bức tranh này, Kunisada đã có dịp chứng kiến tận mặt một mỹ nhân như thế đang đứng trong tư thế tương tự, bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của nó nên đem ứng dụng vào trong tác phẩm. Nếu không, làm gì chỉ bằng cách dựa vào sự tưởng tượng mà thôi, ông lại có thể miêu tả hiện thực như thế được.
Em đã hết điều thưa gửi là không thể nào theo đúng ý của cụ, dựa theo chi tiết trên tấm mộc bản mà vẽ hình o-Fumi-san bằng sơn dầu. Dù muốn thử lửa đi chăng nữa,với trình độ kỹ thuật còn non kém của mình, em không làm cách nào vươn tới nghệ thuật của Kunisada thấy trong bức mộc bản. Tiếng là không biết gì về hội họa Tây Phương nhưng khi đặt điều kiện làm việc như thế với em, kể ra cụ đòi hỏi hơi quá đáng. Trong đầu, có thể cụ nghĩ rằng ngay cả tranh mộc bản hai màu đen trắng mà đã đẹp và sống động như thế, thì bây giờ thử hỏi với một người mẫu bằng xương bằng thịt, có khó gì mà không vẽ cho đẹp hơn khi sử dụng kỹ thuật sơn dầu.
Tôi lễ phép từ tạ, nhắc cụ năm lần bảy lượt là nếu muốn đạt kết quả như thế bằng lối tranh sơn dầu, chẳng những phải có cái thiên khiếu, tài năng và kinh nghiệm vẽ tranh như họa sư mộc bản Kunisada, chứ không phải của anh họa sĩ quèn, chưa nắm được bí quyết của người xưa, như tôi. Nói cách mấy, cụ cũng chẳng chịu nghe. Cụ cho khênh ra giữa nhà một cái chõng bằng tre, loại chõng thường đặt trong vườn để ngồi hóng mát mùa hè. Cụ bảo o-Fumi-san ngồi lên đó và van nài tôi đẹp xấu hay dở mặc lòng (vì mình không có óc thẩm mỹ) cứ vẽ cho cụ cái cảnh nàng đang phủi chân, chỉ cần giông giống người mẫu cụ đưa ra là đủ thỏa mãn. Cứ làm thử đi, nói vô phép chứ tốn bao nhiêu tôi cũng trả.
‒ Thôi mà, đừng nói vậy tội nghiệp. Nhờ cậu giúp cho một lần đi!..............
Cụ hưu cứ lập đi lập lại kiểu đó, cúi đầu nhờ vả em cho kỳ được. Không biết cụ đùa hay thực lòng mà cái miệng cứ dẻo quẹo, dai nhách, có muốn cắt lời cũng không được. Đồng thời, cái miệng toang toác có hỗn danh “hàm ếch” nở một nụ cười cầu tài trông thật khó ưa. Ngày thường, cụ là một người thực thà, giản dị và biết điều nhưng không dè hôm nay lần đầu tiên tôi mới thấy từ bên trong ló ra cái tính ngoan cố đó. Thái độ đeo dính như đỉa, quấn quýt chân người ta, đối với em, đúng là một phát hiện không ngờ. Gương mặt của cụ lúc này trông thật lạ lùng. Cách ăn nói vẫn giống ngày thường, thái độ không có gì thay đổi so với mọi lần nhưng ánh mắt của cụ không biết lúc nào đã hoàn toàn đổi khác. Miệng vẫn nói chuyện với em đấy nhưng mắt lại nhìn đăm đăm vào một vật gì khác bên ngoài, tròng mắt đầy tia máu và đồng tử như đang bị hút sâu vào trong hố mắt, nhìn vào có thể nghĩ cụ ta đang có một sự chuyển biến tinh thần đột ngột vốn là một triệu chứng điên loạn. Trông thần mắt cụ, thấy ngay nó có chôn dấu một cái gì dị thường. Em đột nhiên trực giác là đằng sau kiểu nhìn của cụ có cái lý do để cho bà con họ hàng sinh lòng oán ghét. Cùng một lúc, trong châu thân, tôi cảm thấy có một chấn động gây ớn lạnh.
Đặc biệt là trực giác của tôi đã được xác nhận đúng qua thái độ lúc đó của o-Fumi-san. Khi thấy ánh mắt của cụ hưu thay đổi, nét mặt nàng sa sầm như muốn nói: “Lại nữa rồi!”. Hơi chau mày, nàng khe khẽ chậc lưỡi “Suỵt!” để lưu ý, rồi như thể một bà mẹ đang trách mắng đứa con ngỗ nghịch:
‒ Sao vậy ông? Thầy Uno nói không được, ông còn nài ép làm chi, hỏi có đi đến đâu không! Tui chưa thấy ai cứng đầu như ông. Trước hết, tôi sẽ không chịu làm cái việc kỳ cục vô duyên là ngồi lên cái chõng ngoài vườn mà ông đem đặt ở giữa nhà đâu. Không, không, ngàn lần không!
Vừa nói, nàng vừa trừng mắt nhìn ông già. Cụ ta mới van xin lạy lục, nịnh nọt đủ điều để nàng nguôi cơn giận và để cho nàng chịu ngồi lên chõng phủi chân. (Dĩ nhiên trong lúc làm đủ màu mè để thuyết phục nàng, miệng vẫn cười đon đả nhưng chỉ có đôi mắt là càng ngày càng đanh lại và hằn lên những tia máu). Quên hẳn thân phận của mình, tôi cảm thấy không khỏi đồng tình với thái độ của o-Fumi-san. Lý do là họa sư Kunisada vì tình cờ bắt gặp cô gái đang làm động tác phủi chân nên mới đưa hình ảnh đó vào tranh mình chứ bị áp đặt phải ngồi xuống theo một tư thế nào đó thì quả là một việc khó khăn cho người mẫu. Chưa chắc cô ta có thể ngồi yên lâu hơn ba phút. Dù nói thế, một người bản chất ngang ngược và ích kỷ như o-Fumi-san lại chấp nhận đòi hỏi của cụ hưu một cách khá dễ dàng, bởi vì trong khi ra rả em chả em chả, cô đã chịu đến ngồi lên chiếc chõng. Tôi thầm nghĩ chắc hành động này phải có một lý do sâu xa nào đó. Giả sử o-Fumi-san kiên quyết từ chối đến cùng, nói sao cũng không nghe, biết đâu những triệu chứng cuồng điên trong cặp mắt của ông cụ lại không hiện ra rõ rệt hơn trên khắp khuôn mặt rồi biến thành những cử chỉ hay lời nói không kiểm soát nổi khi cơn điên bộc phát! Có lẽ vì sợ điều đó xảy ra cho nên o-Fumi-san đã chịu khuất phục chăng? Ít nhất đó cũng là cách suy luận của riêng tôi.
‒ Tôi nghiệp cho thầy Uno quá đi thôi. Cái ông này khùng đó thầy, em không kềm ổng nổi! Thôi thì thầy có vẽ được hay không cũng không sao, cứ giả đò cho ổng yên, nghe thầy!
O-Fumi-san đang ngồi trên cái chõng, đạo diễn tôi làm như thế. Lời của nàng cũng phù hợp với những điều tôi đang nghĩ trong bụng.
‒ Thế à, vậy để tôi thử vẽ xem.
Không biết làm gì khác, em quay về phía giá vẽ mặc dù trong lòng không có chút quyết tâm là mình sẽ làm công việc đó một cách nghiêm túc. Chỉ nghe theo lời của o-Fumi-san là tránh làm trái ý ông cụ mà thôi.
Rốt cuộc, o-Fumi-san làm như lời cụ hưu dặn. Bắt chước người đàn bà trong quyển truyện, cô chống bàn tay trái lên cái chõng, chân phải hơi gập cong, dùng bàn tay phải nắm lấy đầu bàn chân đưa lên, trông không khác tư thế trong bức tranh chút nào cả. Nói ra thì có vẻ giản dị như thế nhưng phải thưa là lúc ấy sự kinh ngạc của em thật khó lòng diễn tả cho rốt ráo. Lúc o-Fumi-san vừa ngồi xuống cái chõng tre để bắt chước dáng điệu của nhân vật trong tranh thì có thể nói là nàng chợt đã hóa thân thành người đẹp của Kunisada hay gần như thực tướng của người ấy. Mới rồi, em có nói phải có thân hình thật mảnh mai, uyển chuyển, tươi tắn mới ngồi được gọn gàng với cái tư thế đó. Chưa bao giờ mấy hình dung từ này lại có thể thích hợp hơn để miêu tả sự mềm mại xinh đẹp của thân thể o-Fumi-san. Nếu không dưa vào dáng vẻ tuyệt vời của nàng, không tài nào làm sống lại người đẹp trong bức tranh mộc bản ấy một cách hoàn hảo. Khi hãy còn hành nghề geisha, hình như nàng nổi tiếng là người múa giỏi, bây giờ thấy ra, chắc quả là như vậy. Nếu không thế, hỏi làm sao nàng có thể chuyển động thân thể với chừng ấy mềm dẻo và dễ dàng để có thể bắt chước y nguyên tư thế của người trong tranh, một điều khó khăn mà người mẫu bình thường không thể nào làm được. Trong một đỗi lâu, em như người bị hớp hồn, say sưa hết ngắm người trong tranh đến người thật ngoài đời, ngắm đi ngắm lại không biết bao nhiêu lần, hết biết phân biệt đâu là tranh đâu là o-Fumi-san. Đúng như vậy, càng nhìn càng ngắm, càng không nhận thức được có sư khác nhau giữa hai bên. Thân thể của o-Fumi-san, thân thể của người trong tranh, cánh tay trái của o-Fumi-san, cánh tay trái của người trong tranh, những đầu ngón chân trái của o-Fumi-san, những đầu ngón chân trái của người trong tranh....em cứ kiểm điểm từng bộ phận một như thế và nhận ra ở cùng một bộ phận, nơi hai người, bên nào cũng tiềm ẩn một sức sống và một sự căng thẳng như nhau.
Em xin phép kể lại thầy nghe một lần nữa là những đường cong thân hình của o-Fumi-san sinh động và gợi cảm đến mức độ nào. Cho dầu một người mẫu bình thường có thể học đòi bắt chước tư thế của người trong tranh đi nữa, cũng không thể nào làm được như o-Fumi-san, nghĩa là vượt lên cả sự bắt chước. Nàng biết thể hiện cái đẹp trong từng đường nét da thịt trên thân thể trong từng chi tiết, nếu không phải nàng, không ai có thể làm được. Em còn đi đến chỗ muốn nghĩ rằng không phải o-Fumi-san bắt chước người đẹp trong tranh mà chính là người đẹp trong tranh đã đi bắt chước o-Fumi-san. Có nói Kunisada đã dùng o-Fumi-san làm người mẫu cho bức họa của ông ta chắc cũng không ngoa.
Nhưng vì cớ gì giữa chừng ấy tranh ảnh minh họa cuốn truyện, cụ hưu lại chọn tấm này cho o-Fumi-san? Tại sao tư thế của người đẹp trong bức tranh này lại lôi cuốn cụ đến vậy? Bởi vì lòng ham muốn của cụ hưu bộc lộ quá mạnh mẻ khiến em bất giác phải để ý điều đó. Dĩ nhiên là lấy kiểu ngồi như thế này, những đường nét yêu kiều diễm lệ của o-Fumi-san sẽ trưng bày ra rõ rệt hơn là trong một tư thế bình thường. Thế nhưng chỉ có lý do ấy thôi thì không giải thích được thái độ mê đắm, cuồng nhiệt, cũng như cặp mắt lóe lên ánh lửa điên rồ của ông già. Em bắt đầu nghi ngờ là đằng sau “ánh mắt” ấy có chất chứa một sự bí mật và tưởng tượng ra là cái dáng ngồi của người mẫu có chứa yếu tố gì đặc biệt thu hút tâm hồn ông cụ. Kiểu ngồi thường không thể nào cho thấy một phần nào đó của cái đẹp nhục thể ví dụ như cử động của đôi chân trần thoáng hé dưới vạt kimono và đường cong đổ dài từ bắp chân xuống phía những chiếc móng. Vì từ bé, em là người luôn luôn có một khoái cảm dị thường trước vẻ đẹp nhịp nhàng của bàn chân các nàng con gái trẻ nên tâm thần đã mê mẩn ngay giây phút nhìn thấy những đường cong đẹp đến não nùng trên đôi chân trần của o-Fumi-san. Ống chân thật thẳng thớm phẳng phiu như được tỉ mỉ chuốt ra từ lõi gỗ trắng, càng đi về phía nhượng chân càng nhỏ nhắn, thắt lại thật thanh. Cổ chân tiếp tục thoai thoải đổ dốc đến hàng ngón chân đều đặn, nhỏ dần dần, suốt ngón cái đến ngón út. Sự hài hòa này còn rõ ràng hơn cả đường nét trên khuôn mặt o-Fumi-san. Em không dám nói trên đời này không có “khuôn mặt” nào sánh được với khuôn mặt của nàng nhưng đôi “bàn chân” với hình thể gọn ghẽ, đẹp đẽ như chân nàng thì xưa giờ em chưa từng thấy. Thứ bàn chân mà gan chân bèn bẹt, ngón sắp không đều, cách nhau xa tạo thành kẽ hở khó coi, sẽ để lại nơi ta một cảm giác khó chịu như lúc phải nhìn một khuôn mặt xấu xí. Thế nhưng gan bàn chân của o-Fumi no đầy thật thích mắt, mấy ngón chân xếp đều và châu vào như hình chữ m, hàng lối đều đặn như một đường răng khéo trồng. Mấy đầu ngón chân phải có ai dùng kéo để tỉa ra từ shinko, thân củ cải trắng muối xổic17, thì mới đẹp đẽ, ngay ngắn và gọn gàng như thế chứ. Còn những cái móng chân hồng ở mút đầu ngón nữa chứ, biết lấy gì để so sánh! Em muốn ví với những quân cờ vây nhưng chúng lại bé hơn, bóng láng hơn và diễm lệ hơn cơ. Trừ phi một người thợ thật khéo tay, biết dát mỏng và đánh bóng vỏ xà cừ của loại sò lấy ngọc trai, đem hết tâm trí mài giũa từng cái một rồi gắp bằng những chiếc kẹp nhỏ, ghim chúng vào đầu thỏi shinko thì may ra đạt được kết quả tương tự. Mỗi lần được chiêm ngưỡng vẻ đẹp như vậy, em mới thấy Đấng Tạo Hóa quả thật bất công khi tạo ra sự khác nhau giữa người với người. Nơi người ta và muông thú, móng tay mong chân được “mọc ra”. Thế nhưng nơi bàn chân của o-Fumi-san, phải nói chúng đã được “cẩn vào”. Đúng như vậy thật vì mỗi ngón chân của nàng từ khi sinh ra như đã được đính thêm một viên ngọc quý. Nếu đem gỡ chúng từ tay chân của nàng ra để xâu thành chuỗi thì nó đáng gọi là chuỗi ngọc của nữ hoàng.
Hai bàn chân ấy, cho dù có bước lơ đễnh trên mặt đất hay đặt một cách hững hờ lên mặt tấm tatami cũng đã đủ gợi ra cảm xúc mỹ thuật như khi ta đứng trước của một tòa kiến trúc tôn nghiêm. Đó là chưa nói đến phần bên trái của thân hình nàng, có lẽ vì bị ảnh hưởng của cái tư thế nửa thân người phía trên hơi mất thăng bằng vì ngả về một bên, nên duỗi thẳng về phía dưới, cả thân như chịu đựng sức nặng bằng một điểm, nơi đầu ngón chân cái tiếp giáp với mặt đất. Vì vậy lớp da trên mu bàn chân, không những căng thẳng từ gót đến đầu năm ngón chân, còn cho ta cảm tưởng đang co thắt lại diễn tả sự run rẩy, sợ hãi trước một điều gì. (Nói về một bàn chân mà phải dùng những từ ngữ như là “diễn tả” có thể khó lọt tai nhưng em tin rằng, một bàn chân cũng có thể khả năng diễn tả như một khuôn mặt. Em nghĩ chỉ cần xem bàn chân thôi, ta cũng đủ biết đó là loại đàn bà đa tình hay là những con người tàn nhẫn). Bàn chân này của nàng làm em liên tưởng đến một con chim nhỏ cảm thấy bị uy hiếp, đang phồng ngực hít cho đầy không khí và đập cánh chực bay. Mu bàn chân của nàng rướn lên theo hình vòng cung khoe ra những thớ thịt mềm mại, mảnh dẻ, gọn gàng bên trong. Nếu nhìn từ gan chân, ta sẽ thấy năm ngón chân co quắp lại, xếp hàng cạnh nhau như những con sò nhỏ. Bàn chân thứ hai được tay mặt của nàng kéo lên khỏi mặt đất chỉ vài mươi phân, có một lối diễn tả khác. Nếu bảo bàn chân đó “đang cười” chắc sẽ làm một người thông thường vô cùng bỡ ngỡ. Đến thầy hẳn cũng phải lắc đầu cho là kỳ quái mà thôi! Thế nhưng ngoài lối nói “bàn chân đang cười”, em không tìm ra chữ nào để mệnh danh cho thích hợp.
Về hình thái thì ngón áp út và áp út như treo giữa không trung, còn ba ngón còn lại thì rời rạc tạo ra những kẽ hở giữa chúng và vặn vẹo như thể làm duyên. Đúng như thế, khi ta cù lét ai thì trong lòng bàn chân người đó, từ gót cho đến mấy ngón, thường thấy có hiện tượng này. Vì nó xảy ra trong khi chọc cười bằng cách cù chân, dù có gọi là bàn chân đang cười thì cũng chẳng có gì quá đáng. Em vừa nói là bàn chân biết làm duyên. Nhượng chân và các ngón cong vòng theo hai hướng đối nghịch, tạo nên một chỗ hõm ở chính giữa, toàn thể bàn chân trông giống dáng một con tôm bện bằng rơm dùng để trang trí vào dịp Tết nhất. Em thấy tư thế này dù ai nhìn cũng phải công nhận là lẳng lơ và khêu gợi. Nếu không phải là người giỏi về múa như o-Fumi-san để có những động tác mềm mại và nhuần nhuyễn, thì không thể nào uốn được bàn chân một cách gợi tình như thế được. Ta có cảm tưởng đây là động tác một điệu vũ khi người đàn bà tình tứ và yêu kiều đang để thân hình mình uốn éo mê hoặc.
Còn một chi tiết khác không thể bỏ qua nữa là gót chân tròn đầy của nàng. Nơi những người đàn bà bình thường, giữa nhượng chân và gót chân thường bao giờ cũng có một khấc gãy, thế mà điều này không thấy tí ti nào nơi o-Fumi-san. Em đi qua đi lại nhiều lần sau lưng nàng dù không có lý do đặc biệt, cốt chỉ để ngắm nghía cho thật trọn vẹn nét đẹp của gót chân nàng vì không thể nhìn rõ ràng nếu đứng đằng trước. Tuy cái nhìn của em kín đáo nhưng vẻ đẹp bàn chân đã để lại ấn tượng sâu đậm trong đầu óc. Em tự hỏi xương thịt đã được cấu tạo như thế nào để có một gót chân êm ái, tròn trịa và mịn màng đến như thế! Từ khi O-Fumi-san sinh ra cho đến năm mười bảy tuổi, có lẽ gót chân này chưa bao giờ phải dẫm lên những vật gì cứng rắn hơn là mặt nệm và mặt chiếu. Em còn nghĩ là trước một bàn chân yêu kiều như thế, thà mình hy sinh cái kiếp đàn ông để làm cái gót dính sát vào bàn chân ấy, chắc còn được hạnh phúc hơn nhiều. Nếu không được như thế thì cũng muốn hóa thành tấm chiếu để nàng dẫm bước lên trên. Nếu so sánh xem sinh mạng của em và gót chân của o-Fumi-san xem cái nào quý hơn thì em xin trả lời đó là gót chân của nàng. Nếu vì cái gót chân ấy thì dù phải chết em cũng cam đành.
Hai bàn chân bên mặt và bên trái của o-Fumi-san đều đẹp như nhau, làm sao tìm ra được một cô chị với cô em tài mạo song toàn đến thế. Và cũng như hai chị em, không phải chúng đẹp mỗi người một vẻ và đang tranh đua nhan sắc đó sao?
Tuy em đang cao hứng dùng hết lời lẽ để phô trương cái đẹp của đôi chân O-Fumi-san, trước khi dứt lời, xin thầy cho em nói thêm một điều nữa thôi. Đó là màu sắc của làn da đang bao bọc lấy đôi chân. Cho dù hình thù có hoàn chỉnh đến đâu, nếu nước da xấu thì không thể nào nói là đẹp được. Em nghĩ o-Fumi-san phải hết sức tự hào về đôi chân của mình và những khi nàng bước chân vào phòng tắm, đã chú ý đến nó không thua gì khuôn mặt. Dù sao, biết ngay là làn da này phải được kỳ cọ chăm sóc kỹ lưỡng suốt năm nên mới được trắng trẻo ngọc ngà, tươi tắn và bóng láng như thế. Không đâu, vì thực tình mà nói, chưa chắc loại ngà nào có được cái màu trắng thần bí linh thiêng của nó. Trừ phi thử rót vào bên trong lớp ngà đó dòng máu ấm của một người con gái trẻ hay một thứ chất lỏng nào có tính thần bí tương tự thì may ra mới tạo được màu sắc kỳ dị mong muốn. Nếu nói về màu trắng của đôi chân thì không chỉ toàn một màu trắng, bởi lẽ vùng chung quanh gót và móng chân của nàng đượm một màu hồng thắm như cánh tường vi, chung quanh viền một màu hồng nhạt, nó làm em liên tưởng những quả dâu hồng rưới đầy sữa tươi, món ăn mùa hè. Màu hồng chất ngọt của quả hòa với màu sữa trắng, cái màu ấy như đang chảy men theo từng đường cong bàn chân o-Fumi-san. Không biết điều em nghi ngờ có quá đáng hay không nhưng biết đâu nàng chấp nhận làm người mẫu trong tư thế khó khăn này chẳng qua là để phô trương đôi bàn chân tuyệt đẹp của mình?
Nếu nói về tâm tình của em đối với bàn chân của một người khác phái thì – chỉ cần đứng trước bàn chân của người đàn bà đẹp – là trong lòng em đã dậy lên một tình cảm ngưỡng mộ không sao kìm hãm nổi. Tâm lý đó giống như sự sùng bái thần linh. Tác dụng tâm lý do bàn chân gợi lên đã tiềm tàng trong nơi sâu thẳm nào đó của lòng em. Trong tâm hồn thơ dại của đứa con nít, em vẫn hiểu được đó là tình cảm bệnh hoạn và đã cố gắng mọi cách để dấu diếm nó trước mặt người khác. Thế nhưng việc khám phá ra rằng không phải chỉ có mình mình là mang một tâm trạng hầu như điên rồ ấy, và những tín đồ của tôn giáo bái vật lấy bàn chân của người khác phái làm đối tượng, hạng người phải được gọi là Foot-Fetischistc18 còn đầy dẫy trong xã hội…là điều em mới đọc qua sách vở từ độ sau này thôic19. Kể từ ngày đó em vẫn nghĩ rằng ít nhất mình phải có một người đồng đạo nào đâu đó không xa nên đã âm thầm tìm gặp cho bằng được. Thế nhưng chưa gì thì giờ đây đã có cụ hưu Tsukakoshi hiện ra nhập bọn với em. Cụ hưu là người chưa từng đọc những tác phẩm về tâm lý học mới ra đời, chắc chắn cụ chẳng hiểu những từ chuyên môn như Foot-Fetischism là gì và cũng không thể nào ngờ trong cõi đời này, mình lại có thể có nhiều bầu bạn đến thế. Có lẽ giống như cách nghĩ của em hồi còn nhỏ, cụ cũng tin rằng mình là người duy nhất đã vướng vào thói tật xấu xa gớm ghiếc ấy. Một người trẻ như em còn có thể tha thứ được chứ cụ hưu đây vốn là ăn chơi dân lõi đời ở cái đất Edo thanh lịch mà còn mang một não trạng bệnh hoạn của con người hiện đại như thế thì cụ không khác gì một kẻ sinh ra nhầm thế kỷ. “Tại sao một người thanh lịch như ta mà lại vướng vào cái bệnh quái gở này?” Phải chăng đó là câu hỏi cụ nhiều khi cau mày tự đặt ra cho mình, và không khỏi lo lắng nếu có ai biết được thì khốn. Nếu tôi không là nạn nhân đang chia chung một vận hạn với cụ hưu và nếu từ buổi đó tôi không nhìn cụ với một tia nhìn dò xét thì có lẽ cụ sẽ giữ bí mật của mình ở tận đáy lòng rồi. Bởi vì tự phút đầu, em đã nghi ngờ có gì không ổn ngấm ngầm trong thái độ của ông già và theo dõi cụ, lại từng chứng kiến kiểu nhìn lấm lét như kẻ cắp của cụ về phía bàn chân của o-Fumi-san, em mới nói như khơi gợi:
‒ Xin lỗi thưa với cụ chứ hình dáng bàn chân cô đây đẹp hết chỗ nói. Cháu đã quen nhìn người mẩu phụ nữ ở trường mỹ thuật rồi nhưng chưa thấy bàn chân nào xinh đẹp, hoàn hảo đến mức này cả.
Vừa dứt lời, em đã thấy mặt của ông cụ ửng đỏ và đôi tròng mắt long lanh một cách dị thường, miệng nở một nụ cười khinh khỉnh như muốn che dấu cái thâm ý cực kỳ xấu xa của mình. Do đó, em đành phải đứng ra tích cực giải thích là đường nét bàn chân quan trọng đến mức nào đối với sắc đẹp nhục thể của người phụ nữ, và việc tôn thờ một bàn chân đẹp cũng chỉ là chuyện thế gian thường tình. Nghe thế, cụ mới dần dần an tâm trở lại và từ từ để lộ cái đuôi ra.
‒ Này, cụ hưu ạ! Hồi nãy cháu có phản đối cái gợi ý của cụ thật nhưng bây giờ mới biết khi đòi hỏi cô đây phải ngồi làm mẫu với tư thế trong tranh thì quả là cụ có lý chứ chẳng chơi. Tư thế này giúp cô bộc lộ không sót một nét đẹp của bàn chân. Cụ cứ nói mình chẳng biết tí gì về hội họa thì không đúng chút nào ạ!
‒ Ấy chết. Xin cảm ơn. Cậu Unokichi đánh giá như thế thì tôi hết sức sung sướng. Mà này, chuyện bên Tây tôi không biết ra sao chứ đàn bà Nhật từ xưa vẫn tự hào là có bàn chân đẹp. Cậu cứ xem, các cô geisha thời Mạc Phủ, mùa đông cũng không chịu mang tabi bởi vì cố ý khoe bàn chân đẹp. Đó là cái nét phong lưu các nàng phải có để nuông chiều khách. Ngày nay các cô geisha khi ra tiếp khách lại đi tất tabi, so với thời xưa, thật chả ra làm sao. Hơn nữa, các cô bây giờ đâu có ai được một bàn chân đẹp, cho nên mới hiểu tại sao cho dù được van nài, họ cũng từ chối không cởi tabi ra. Nhưng riêng o-Fumi vì có đôi chân thật đẹp, đúng là một ngoại lệ, nên tôi cứ nhất quyết đòi hỏi cô ấy lúc nào cũng chớ có mang gì trên đó cả.
Nói đến đây, cụ hưu hất cằm lên xuống, gật gù ra chiều mãn nguyện.
‒ Nếu cậu Unokichi hiểu được bụng dạ tôi thì tôi không biết nói gì hơn. Dù cậu không vẽ bức chân dung ấy được như ý muốn, chẳng hề hấn gì cả. Cho nên, cậu ạ, nếu chỗ nào rắc rối, cậu cứ phiên phiến. Chỉ xin cậu vẽ thật tỉ mỉ phần bàn chân cho tôi !
Rốt cuộc, ông cụ đã thừa thế nói ra những gì em đã dự tưởng. Trong khi bao người khác chỉ cần vẽ mặt – một điều có thể gọi là đương nhiên ‒ thì cụ ta lại muốn vẽ đôi chân. Chuyện cụ ta mắc cùng một chứng bệnh như em thì chỉ cần nhìn qua chứng cứ này cũng quá rõ.
Kể từ hôm đó, hầu như không ngày nào em không ghé qua chỗ của cụ. Ngay lúc ở nhà trường, hình ảnh bàn chân o-Fumi-san vẫn cứ lúc ẩn lúc hiện trước mắt, đến nỗi em không mó tay vào được công việc gì cả. Nói như thế không có nghĩa là mỗi khi đến nhà cụ em đã dồn hết tâm lực cho cái việc cụ nhờ đâu. Về việc bức tranh thì em cứ vẽ vời dối dá cho qua, chỉ cùng với cụ hưu hết giờ này đến giờ khác ngắm nghía nét đẹp bàn chân o-Fumi-san rồi trầm trồ, tấm tắc. Cô nàng hình như cũng biết tỏng thói tật của cụ hưu nên đôi lúc tuy để lộ ra ngoài vẻ mặt không vui nhưng vẫn chịu khó làm người mẫu, nói chung là chỉ ngồi im lặng mặc cho em và cụ trao đổi câu chuyện. Tuy gọi là người mẫu nhưng cô ta không phải làm mẫu cho người khác vẽ mà chỉ là một cái cớ. Cô được bày ra đó để hai cặp mắt mê mẫn sắp hóa khùng của cụ già và chàng trai phóng lên trên đó những tia nhìn đắm đuối. Nếu đặt mình vào hoàn cảnh đương sự thì mới thấy cô phải chịu đựng những tia nhìn hết sức khó chịu. Làm mẫu mà lại trở thành đối tượng để tôn thờ nên vị trí của cô thật khó xử. Đến mức này em mới thấy rõ là sinh ra với đôi bàn chân đẹp là đã vướng vào điều phiền não. Một người đàn bà bình thường dĩ nhiên mạnh tay từ chối công việc gàn dở như thế, nhưng, vốn tính ranh mãnh, o-Fumi-san biết giả tảng ngây thơ chiều ý ông cụ. Cô ta trở thành món đồ chơi của người đàn ông thật đấy, nhưng vì chỉ cần đưa đôi chân trần ra cho xem và được tôn thờ là đã đem đến niềm vui tột cùng cho ông cụ, cho nên đối với cô, điều đó đâu có nhọc nhằn gì!
Dần dần khi quan hệ giữa ông cụ và em càng gắn bó, ông mới lộ thói tật của mình nhiều hơn. Phần em vì bản chất hiếu kỳ, cũng tìm mọi cách đốc thúc để ông cụ bày tỏ thêm. Để thực hiện mục đích đó, em cũng phải cho cụ thấy nơi em cũng có những khuynh hướng khó được người đời chấp nhận. Có điều là em tìm cách làm cho quá quắt hoặc tô vẽ thật xấu xa khi kể lại những kinh nghiệm cá nhân với ý định giúp ông cụ trút bỏ hết mọi ngượng ngùng. Khi nghĩ lại, em thấy rằng động cơ hướng dẫn hành động của mình hồi đó không chỉ vì muốn biết bí mật người khác nhưng hẳn phải có một sự thèm thuồng thích đào bới tận đáy sâu tâm lý chính con người mình. Có thể là, khi đóng vai trò bạn đồng chí hướng với cụ hưu, em muốn dò thấu cái khoảng tối tăm đó qua sự chia sẻ cùng một định mệnh với cụ. Khi em mở rộng lòng mình, cụ đã đón nhận với tất cả sự đồng cảm và kể lể cho em không chút che đậy tất cả kinh nghiệm bản thân, từ ngày còn thơ cho đến lúc bước vào tuổi lục tuần. Nó còn kỳ cục, xấu xa, độc đáo và phong phú hơn cả những gì đã xảy ra cho em nữa. Em không muốn thuật lại làm chi những điều cụ thổ lộ ở đây vì sẽ làm cho thầy chán ngấy lỗ tai. Tuy nhiên, nếu chỉ đưa ra một bằng chứng về hành vi kỳ quái của cụ mà thôi thì thưa thật, không phải đây là lần đầu tiên cái chõng tre được cụ cho đem đặt giữa căn phòng. Cụ đã nhiều lần khóa trái cửa nẻo, đặt O-Fumi-san lên cái chõng đó và đóng trò như một con chó, đùa nghịch bàn chân của nàng. Cụ khẳng định rằng với cái trò chơi ấy, cụ còn tìm ra một niềm khoái lạc to tát hơn là khi được nàng xem như ông chủ.
Đúng vào tháng ba năm nay, cụ hưu mới chính thức làm xong thủ tục hưu trí nghĩa là trao trọn tiệm cầm đồ cho vợ chồng con gái và dọn về ngôi biệt thự ở Shichiri-ga-hama. Lý do đưa ra bề ngoài là theo lời khuyên của thầy thuốc, hai chứng tiểu đường là lao phổi đã đến lúc trầm trọng, cụ cần đổi gió, thế nhưng tình thực là cụ ra riêng để hú hí với o-Fumi-san cho thỏa thích và tránh được con mắt dòm ngó của người đời. Tuy vậy, từ khi dọn nhà, sức khỏe của cụ xuống cấp thấy rõ thành thử lý do gọi là bề ngoài đó đã trở thành lý do thực sự. Bệnh tật không làm thay đổi cái tính bướng bỉnh: tuy bị tiểu đường, cụ vẫn tiêu thụ một lượng sake đáng kể cho nên sức khỏe cụ có suy sụp cũng không đáng ngạc nhiên. Ngoài ra, cái đáng lo là chứng ho lao lại tiến nhanh hơn cả bệnh tiểu đường. Cứ chiều đến thì cụ lại sốt khoảng băm tám, băm chín. Người đã gầy sẳn, bây giờ cụ rạc ra thấy rõ. Chưa được mươi lăm hôm, cụ xuống sắc đến nỗi không ai nhận ra. Cụ không còn có thể vui đùa quậy phá với O-Fumi-san được nữa rồi. Trong ngôi biệt thự đâu lưng vào sườn núi, nơi từ đó có thể nhìn ra cảnh biển tuyệt đẹp trước mặt, có một gian hướng ra phía nam có nắng và rộng mười tấm tatami đặc biệt dành cho chủ nhân. Cụ hưu suốt ngày gối đầu nằm dài xuống sàn, nhìn ra ngoài hàng hiên sáng sủa, không hề di động, trừ ba bữa cơm trong ngày. Đôi khi sau một trận thổ huyết, cụ lại ngửa khuôn mặt nhợt nhạt lên phía trần nhà, cặp mắt nhắm nghiền như thây chết. Có bác sĩ S. từ bệnh viện X. ở Kamakura đến chẩn mạch cho cụ hai hôm một lần.
‒ Cụ nhà ta không khá! Nếu sốt không hạ, coi bộ chẳng còn bao lâu...Giỏi lắm, kéo thêm một năm nữa là cùng.
Đó là những lời bác sĩ nói với cô hầu non như để nhắc nhở. Tình hình sức khỏe càng tuột dốc, cụ càng đâm ra khó ở. Mỗi bữa cơm, cụ đều chê là món ăn không vừa miệng, và đổ lỗi lền đầu O-Sada, người đàn bà giúp việc.
‒ Làm sao tôi nuốt được cái món nhạt nhẽo như thế này, hử? Bộ chị tưởng tôi ốm rồi khinh thường tôi đấy phỏng?
Với cái giọng khàn đặc, cụ than vãn, cụ văng tục. Lúc thì nhiều muối nên mặn quá, khi thì bỏ lắm mirinc20 thành quá ngọt, ra vẻ ta đây ăn uống sành sỏi, cụ trách móc đủ điều. Nhân vì từ lúc ngả bệnh, miệng cụ không còn phân biệt được các vị nữa cho nên cứ đưa thức nào ra, dù ngon cách mấy, cụ cũng không thỏa mãn. Mỗi lần như thế, cụ lại cáu kỉnh, không ngớt chĩa mùi dùi hạch sách o-Sada.
‒ Sao lại cứ ăn nói vô lý như thế, hở ông?....Cơm không ngon đâu có phải lỗi của o-Sada! Tại miệng ông ăn hết biết mùi vị rồi. Đau ốm không biết thân mà còn nói hành nói tỏi! Thôi, o-Sada ơi, chị cứ mặc kệ. Ông ấy chê thì cho ông ấy nhịn!
Mỗi khi cụ hưu dấm dẳng là o-Fumi-san mắng át giọng như thế. Bị cô ấy kê tủ đứng, cụ mới chịu im cho. Cụ sụp mắt xuống và thu người lại chẳng khác nào con sên bị người ta ném muối lên người. Lúc ấy mới thấy o-Fumi-san chẳng khác nào ông thầy dạy mãnh thú đang trị một con cọp hay sư tử, khiến cho người đứng bên cạnh nhìn vào không khỏi khiếp sợ.
Cái ông già bẳn tính khó chiều đến thế mà không biết tự lúc nào đã phải bó tay chịu phép dưới quyền uy của o-Fumi-san. Dạo đó, đôi khi cô ta không biết bỏ nhà đi đâu, khi thì nửa buổi, khi thì trọn ngày, để mặc con bệnh nằm nhà:
‒ Hôm nay tôi phải lên Tôkyô, có mấy thứ mua sắm!
o-Fumi-san buông thõng một câu như thể đang nói một mình, chẳng đợi cụ hưu ừ hử gì cả, đã hấp tấp sửa soạn rồi đi cái vù. Trông cách ăn mặc và son phấn của cô nàng thật diêm dúa, không thích hợp với việc ra chợ mua sắm tí nào. Hành động ngoại tình của o-Fumi-san hết sức trắng trợn, như thể cô chẳng kiêng nể ai cả (Đúng vậy, phải nói đó là một hành động ngoại tình chứ không dùng được chữ nào khác. Bởi vì khi cụ hưu mới qua đời chẳng bao lâu, với mớ tài sản kết xù vừa lọt vào tay mình, cô đã kết hôn với gã T., nguyên kép hát. Có lẽ từ dạo cụ còn đó, cô nàng đã lén lút gặp gỡ anh chàng). Sở dĩ gia đình quyến thuộc không ai dám nói một câu bởi vì từ lâu họ đã ngán ngẫm cái tính si mê đến bệnh hoạn của ông cụ. Phần cụ hưu, người đang ở trong tình cảnh không biết chết sống ngày nào, nếu có bị cô hầu non bạc bẽo hành hạ hay phản bội cũng là việc có thể đoán trước được. Bà con của cụ nghĩ rằng cụ chỉ đang gặt hái những gì cụ đã gieo ra mà thôi. Mặt khác, nếu ta đặt mình vào địa vị của cô hầu non, hãy còn quá đẹp và quá trẻ, mà bị bắt buộc chầu chực ngày này qua ngày khác bên cạnh một cái thây sống dở chết dở để nhìn mãi cái màu không thay đổi của mặt biển, thì mới thông cảm cho nỗi bực dọc của cô ta. Từ buổi đầu, cô đã chẳng có một chút cảm tình nào với cụ, cái gì vơ vét được thì cô vét gọn cả rồi, cụ hưu lại đang lâm bệnh nặng và bị thân bằng quyến thuộc bỏ rơi nên cô nàng mới nghĩ không lý gì phải chờ đợi lâu la, đây đã đến lúc cho ông lão thấy được tình cảm thật của mình.
O-Fumi-san biến mất như thế ít nhất năm ngày một lần. Người bệnh tỏ ra hết sức bực dọc mỗi lần cô ta vắng nhà. Trong khi một câu nói của cô gái đủ làm cho cụ hiền lành ngoan ngoãn như một chú mèo thì chỉ cần cô ấy đi khuất là cơn thịnh nộ của cụ đùng đùng đổ lên đầu chị người làm. Đang hùng hùng hổ hổ nhưng hễ nghe tiếng guốc geta báo hiệu o-Fumi-san sắp về là cụ giả vờ nhắm mắt ngủ và ngưng tất cả những hành vi chống đối. Thái độ tiền hậu bất nhất của cụ trông hài hước đến nỗi O-Sada cũng không khỏi tức cười.
Ngoại trừ o-Fumi-san, trong ngôi biệt thự còn có thêm ba người khác nữa: chị giúp việc o-Sada, em đây và một anh đàn ông phụ trách tắm rửa cho cụ. Nhân vì o-Fumi-san khôn còn ngó ngàng gì đến ông cụ, o-Sada phải kiêm luôn cả nhiệm vụ y tá. Tuy bác sĩ nhiều lần thôi thúc cụ đặt một người y tá chuyện nghiệp bên cạnh nhưng cụ nhất nhất từ chối. Có lẽ dù đã liệt giường, nhấc người lên không nổi, nhưng cụ không bao giờ muốn những hành vi bí mật của mình bị tiết lộ. Chắc cụ cho rằng sự hiện diện của người y tá nào đó có thể làm cụ hết thoải mái trong khi đi tìm khoái lạc. Chỉ có ba người chia sẻ với cụ bí mật ấy: o-Fumi-san, chủ nhân của đôi bàn chân xinh đẹp, em và chị giúp việc o-Sada.
Từ khi cụ hưu dọn về sống ở Kamakura, em thường xuyên lui tới thăm viếng, không phải bản thân o-Fumi-san mà chỉ vì đôi chân của nàng đã khiến em nhung nhớ vô kể. Phần nàng, vì không thể kiếm cớ bỏ nhà đi mãi được, cũng như cần người nói chuyện cho đỡ chán, đã tiếp nhận em với tất cả sự thân thiết. Từ dạo đó, em thường trốn học và xuống ở lì suốt hai ba hôm liền dưới Kamakura. Tuy nhiên, cái người còn mong đợi một cách nồng nhiệt những chuyến thăm viếng của em hơn cả o-Fumi-san, chính là cụ hưu. Đó chỉ là chuyện tự nhiên thôi. Bởi vì làm sao cụ có thể thỏa mãn hết dục vọng của mình nếu không được em tiếp sức? Đối với một người đã liệt giường liệt chiếu như cụ thì sự có mặt của em cũng quan trọng như o-Fumi-san vậy. Nhất là khi cụ, vì nằm mãi trên giường nên lưng đã lở loét và không còn đủ sức lết ra tới nhà vệ sinh. Cụ hết giả làm chó để đùa nghịch được nữa rồi, chỉ còn biết thừ ra chiêm ngưỡng đôi chân của o-Fumi-san mà không biết phải hành động như thế nào. Cụ xin cô hầu non ngồi lên chiếc chõng tre mà cụ đã cho dọn đến cạnh đầu giường và bắt em đóng vai con chó trong khi cụ mê mãi nhìn tấn tuồng xảy ra trước mắt. Em tưởng tượng ra những lúc như thế, ông cụ phải chịu một sự xúc động ghê gớm, có hại cho sức khỏe đã suy nhược của cụ. Riêng em cũng phải thú thực có cảm thấy một sự thỏa thích trong khi đóng vai con chó. Do đó, em đã vui lòng chấp nhận lời yêu cầu của cụ. Nhiều lúc, không để cụ phải nhờ, em đã tự ý bày ra lắm trò điên loạn. Trong khi viết những dòng chữ này, những hình ảnh ấy như hãy còn nhảy múa sống động trước mắt em. Ôi chao, cái cảm giác em nhận ra khi bàn chân của o-Fumi-san lướt trên mặt em làm lồng ngực em tràn trề hạnh phúc. Em, người được nàng đưa chân dẫm lên còn có diễm phúc hơn cả cụ hưu, lúc ấy chỉ biết say đắm chong mắt ra nhìn. Tóm lại, em đã thay thế cụ hưu để tôn vinh bàn chân của o-Fumi-san, trình bày trước mắt cụ bao nhiêu là quang cảnh thần tiên, tạo cho cụ dịp được thờ phượng nó. Còn o-Fumi-san, khi thấy hai người đàn ông lăng xăng quấn quýt bên đôi chân mình như trước món đồ chơi, có lẽ cười chúng em là một lũ đã hóa khùng rồi cũng không chừng.
Cái khuynh hướng lệch lạc cuồng bạo của cụ hưu, được trợ lực bằng sự đồng lõa có một không hai của em, trở thành mãnh liệt theo đà tàn phá của chứng lao phổi ngày một trầm trọng. Em không thể bảo mình hoàn toàn trong trắng bởi vì chính em đã bày trò đưa đẩy ông lão đáng thương kia xuống đáy vực này. Thế nhưng giờ đây, cụ ta không chỉ bằng lòng đóng vai trò một người xem suông mà còn đòi hỏi em phải để cụ tự tay đụng vào đôi bàn chân của cô hầu non, điều mà cụ xem như là một quyền lợi
‒ -O-Fumi-san ơi, tôi sắp hết số rồi. Em có thể nào đưa bàn chân dẫm lên mặt tôi một ít lâu không. Được như vậy thì có xuống suối vàng, tôi cũng không còn gì ân hận…
Trong khi đờm rãi còn mắc nghẹn trong cổ họng và giữa tiếng thở khò khè đứt quãng, cụ hưu thì thào cầu xin. Nghe thế, o-Fumi-san cau đôi mày liễu, khuôn mặt nàng đau khổ như người vừa đạp phải một con giun đất, rồi chẳng nói chẳng rằng, cô lấy gan bàn chân mềm mại của mình đặt lên khuôn mặt tái mét của con bệnh. Dưới bàn chân mỹ miều, tràn đầy sinh lực, con bệnh với khuôn mặt đã lạc thần và gầy gò bất động, như đang chìm đắm trong một niềm ngưỡng mộ vô biên. Ông cụ giống tảng băng sắp sửa tan thành nước dưới ánh sáng mặt trời ban mai, tràn đầy sự biết ơn vì đã đạt được hạnh phúc tột cùng, người duỗi ra nhè nhẹ tưởng chừng sắp sửa bước vào giấc ngủ vĩnh viễn. Đôi khi, vẫn trong cùng một tư thế, ông cụ lại đưa hai bàn tay khẳng khiu lên khỏi đầu để thử sờ vào đôi chân của o-Fumi-san.
Đúng như lời tiên đoán của bác sĩ, kể từ đầu tháng hai năm nay, bệnh tình cụ hưu đã bước vào giai đoạn nguy kịch. Thế nhưng cụ vẫn còn tương đối tỉnh táo, đôi khi như chợt nhớ ra, thường hay đòi hỏi bàn chân của người thiếp yêu. Cho dù hết còn thiết gì đến ăn uống nhưng mỗi khi o-Fumi-san tẩm một chút sữa bò hay miếng xúp vào một mảnh vải đưa lên miệng cụ và dùng mấy ngón chân để giữ miếng vải đó là thấy cụ cứ mút lấy nó một cách tham lam như người bị bỏ đói quá lâu. Đầu tiên, cách thức này được cụ khám phá ra, rồi khi bệnh trở nặng, nó đã thành một thói quen. Nếu có ai từ chối cho cụ ăn kiểu này, cụ bướng bỉnh không chịu đụng vào các món khác. Ngay cả o-Fumi-san, khi cho cụ ăn cũng chỉ được phép dùng chân chứ không được dùng tay.
Hôm cụ lâm chung, cả o-Fumi-san và em đều túc trực bên giường từ buổi sáng. Đến ba giờ chiều thì bác sĩ có mặt, chích cho cụ một mũi dầu long não rồi về. Cụ hưu lên tiếng:
‒ Thế là hết! Tôi sắp tắt hơi rồi. …O-Fumi, o-Fumi ơi, em cứ để nguyên bàn chân ở đó cho tới khi tôi nhắm mắt, nghe em! Tôi muốn được chết với bàn chân của em dẫm lên mặt!...
Hơi của cụ yếu ớt tưởng chừng nghe không rõ nhưng mỗi chữ đều phát âm ràng mạch. O-Fumi-san vẫn giữ thái độ cố hữu, không nói không rằng, gương mặt kiêu kỳ, còn bàn chân thì đã đặt lên khuôn mặt con bệnh. Từ lúc đó cho đến khoảng năm giờ rưỡi chiều là lúc ông cụ trút linh hồn, trong suốt hai tiếng rưỡi đồng hồ, cô cứ phải đứng dẫm liên tiếp nên đã mỏi chân, đành ngồi xuống cái chõng tre, thế rồi, hết chân phải sang chân trái, thay phiên nhau mà dẫm. Cụ hưu trước sau chỉ gật đầu và se sẽ nói có một lời:
‒ Cảm ơn em ….
Thế nhưng o-Fumi-san chỉ lặng thinh, không chút phản ứng. Không biết có phải là em tưởng tượng quá mức hay sao mà lúc đó thấy nơi khóe miệng nàng phảng phất một nụ cười nhạt như muốn nói: “Làm sao bây giờ! Ổng ta chẳng còn bao lâu nữa, thôi mình ráng chịu khó thêm chút nữa!”.
Ba mươi phút truớc giờ ông cụ ra đi vĩnh viễn, Hatsuko, cô con gái của cụ đã tất tả chạy từ cửa tiệm gốc ở Nihonbashi đến nơi, và dĩ nhiên là cô ta phải chứng kiến cái quang cảnh vừa lạ lùng, vừa nực cười, nói chung là quái đản này. Thay vì buồn thương trước phút lâm chung của cha già, cô chỉ thấy khiếp sợ dựng cả tóc gáy, mặt cúi gầm cứng nhắc, không nỡ đưa mắt nhìn. Tuy nhiên o-Fumi-san trước sau vẫn dửng dưng, như muốn nói rằng vì được nhờ nên cô bắt buộc phải làm và tiếp tục đặt bàn chân của mình giữa khoảng đôi mày của cụ hưu. Phải ở trong địa vị của Hatsuko thì mới rõ cô ta khổ tâm biết chừng nào, thế nhưng o-Fumi-san thì vẫn là o-Fumi-san, có lẽ tình cảm thù địch của nàng đối với gia đình ông cụ đã khiến cho nàng cố ý giữ thái độ như thế để trêu ngươi tất cả bọn họ. Tuy vậy, thái độ cứng cõi ấy lại có một kết quả không ai chờ đợi là đem lại cho con bệnh một nguồn an ủi không gì to lớn hơn. Chính nhờ o-Fumi-san xử sự như vậy mà ông cụ đã nhắm mắt ra đi trong niềm hoan lạc. Trong khi cái chết gần kề, cụ đã được bàn chân của người đẹp như một chòm mây tím21 buông xuống tự trời cao đến tiếp dẫn linh hồn.
Thưa thầy,
Đến đây em xin phép chấm dứt câu chuyện ông lão Tsukakoshi. Bắt đầu em chỉ muốn thông tin sơ qua cho thầy thôi, rốt cuộc đã viết vòng vo kéo ra dài dòng đến thế này. Em hết sức hối hận vì mình không biết thu vén câu chuyện nên đã làm thầy mất bao nhiêu thời giờ quý báu. Thế nhưng chuyện đời cụ hưu mà em vừa thuật ra ở trên, chắc cũng có điểm nào đó đáng cho thầy để mắt tới, phải không ạ? Ví dụ chuyện nói trên muốn chứng minh cho ta rằng tính tình con người ở đời vốn bắt nguồn từ những cội rễ rất sâu xa. Lối hành văn của em hãy còn vụng về nhưng em tin chắc rằng, nếu được thầy ra tay sửa chữa những chỗ khiếm khuyết, bản văn này có thể dùng làm chất liệu để viết thành một truyện ngắn, đó thầy.
Đến đây em xin dừng lời và kính chúc thầy đạt nhiều thành công trên trường văn trận bút.
Một ngày tháng 5 năm thứ 8 đời Taishô
Trình trước án thư nhà văn Tanizaki.
Noda Unokichi kính bút.
NNT (Tokyo, ngày 6 tháng 6 năm 2008)
Tư Liệu Tham Khảo:
Tanizaki Jun.ichirô, 1981, Fumiko no ashi, trong Toàn Tập Tanizaki Jun.ichirô, quyển thứ 6, trang 357-393, Chuô Kôron, Tôkyô xuất bản, tái bản lần thứ nhất năm 1992. Nguyên tác Nhật ngữ.
Lévy-Faire d’Acier, Madeleine, 1986, Le Pied de Fumiko, dịch sang Pháp văn từ Fumiko no ashi, đăng trong Tanizaki Oeuvres, Tome I, trang 431-458, Gallimard xuất bản, 1997.
Chú Thích Của Người Dịch:
c1Để ý đến lối chơi chữ của Tanizaki: Fu (Phú). Mi (Mỹ). Ko (Tử), chỉ người con gái đẹp. Ngoài ra danh động từ Fumi đến từ động từ Fumu có nghĩa là dẫm lên, đi lên trên, chà đạp.
c2Hangyoku nhận phân nửa tiền thù lao trong khi ippon lấy nguyên.
c3Bàn có phủ chăn bông dưới mặt bàn, bên dưới thường có lỗ khoét trên nền nhà đặt lò sưởi. Ngày nay, kotatsu không cần khoét lỗ nữa vì gắn lò sưởi điện
c4Truyện tếu bình dân với kết luận không ngờ. Nội dung châm biếm hoặc khôi hài, thường là do những người chuyên nghiệp gọi là rakugoka trình diễn.
c5Âm Hán gọi là “đường sạn”: áo dệt kiểu bình thường bằng sợi vải thường, nhã nhặn, không kiểu cách.
c6Thật ra phải dịch “miệng cóc” nhưng lối ví von này hơi xa lạ với độc giả Việt Nam.
c7Một kiểu bới tóc của geisha hay đào hát, thành hình củ hành tây dẹp ở đằng sau đầu, bắt nguồn từ kiểu bới tên là shimadamage. Kiểu shimadamage tương truyền do kép tuồng Kabuki tên Shimada Mankichi đề xướng trong năm Kan.ei (1624-44).
c8Nguyên văn Fujigata: hình núi Fuji, có nghĩa là cái trán tròn trịa cân đối với một vết lõm ở giữa, giống như đỉnh ngọn núi lửa Fuji, tựa một cánh quạt xòe đặt ngược.
c9Nguyên văn dangobana : mũi tròn như viên bánh bột gạo.
c10Nguyên tác ukeguchi (miệng hứng), môi dưới hơi trề ra như hứng đồ vật. Đặc biệt Tanizaki cũng có cặp môi như thế này (xem chân dung ở đầu truyện, chụp năm 1964, một năm trước khi ông mất).
c11O-Fumi san là tiếng gọi Fumiko khi ở vị trí một người lạ, còn có khoảng cách, trong khi Fumi và Fumiko là tiếng tự xưng, cũng là tiếng gọi trong chỗ thân tình hay khi đóng vai người trên. Cả ba cùng một nghĩa.
c12Đơn vị đo diện tích đất cát của Nhật, ước chừng 3,306m2,
c13Nguyên văn Nise Murasaki Inaka Genji (Truyện anh Genji nhà quê do bà Murasaki giả mạo soạn), tiểu thuyết phong lưu miệt vườn nhái theo tác phẩm cổ điển của nữ quan Murasaki Shikibu thời Heian.
c14Ryuutei Tanehiko (1783-1842), tiểu thuyết gia bình dân cuối đời Edo.
c15Nhà danh họa thời Edo, Utagawa Kunisada (1786-1864), có nhiều kiệt tác.
c16Tranh lối Nhật miêu tả thiên hình vạn trạng nếp sinh hoạt trong xã hội bình dân.
c17Chính ra phải viết là shinkô (âm o dài), dưa muối xổi bằng củ cải, màu rất trắng.
c18Nguyên văn tiếng Anh.
c19Có thể Tanizaki ám chỉ tác phẩm của Richard von Krafft-Ebing.
c20Một loại rượu ngọt cất từ nếp hay gạo, dùng để gia vị khi nấu ăn.
c21Tín ngưỡng Phật giáo của giới bình dân Nhật Bản cho rằng tu hành được vãng sanh thì lúc lâm chung sẽ được Phật tổ cho một đám mây lành màu tím đến rước về cõi Tây Phương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét