Ở ngoài hiên của một căn nhà ở làng Suối Cỏ (Lương
Sơn) cách Hà Nội 45 Km, hai phụ nữ đang ngồi xổm, nhúng tay vào nước đục
trong một xô nhựa để chọn lọc các sợi bột giấy trắng.
Phía sau họ là 3 thùng nước ngâm vỏ cây để tách
lấy sợi giấy. Họ đánh giá độ đồng đều của bột giấy mềm trước khi mang ép
thành giấy dó, một loại giấy làm thủ công, không có hóa chất và có thể
tồn tại, một cách đáng ngạc nhiên, tới 800 năm.
Một phụ nữ đứng dậy, lấy trong xô ra một cục bột
giấy và bắt đầu dùng vồ đập. Khi bột giấy đã đủ mịn đều thì người phụ nữ
kia rải nó lên một khung giá lọc, dùng một mành tre làm nó dẹt xuống
tạo lớp đầu tiên cho tờ giấy. Trong việc làm giấy, cần nhất là phải kiên
nhẫn.
Trần Hồng Nhung là doanh nhân có tầm nhìn xa đã thiết kế ra dự án này (Ảnh: Kit Yeng Chan).
Tôi đến đây cùng Trần Hồng Nhung, một doanh nhân trẻ ở
Hà Nội, người thành lập ra xí nghiệp giấy dó tháng 6/2013 để hiện đại
hóa nghề đang mất dần này.
Có từ thế kỷ 13, giấy dó được dùng nhiều để vẽ
tranh dân gian, nhưng nó mất dần đi với việc công nghiệp hóa nhanh làm
cho các nghề thủ công thành lạc hậu trong những thập niên qua. Với việc
sản xuất sổ sách, bưu thiếp, lịch và nhiều loại khác cần giấy bền chắc
để nghệ sĩ có thể dùng làm giấy vẽ thì dự án giấy dó tạo được kế sinh
nhai cho các nông dân nghèo và gìn giữ được một nghệ thuật bị lãng quên
nhưng vô giá.
Làm ra tờ giấy này theo cách thức cổ truyền đòi hỏi có nước, nơi rộng rãi, thời gian và sự kiên nhẫn.
Chúng tôi rời các đại lộ bê tông nhựa của thủ đô sáng
nay, phóng nhanh trên quốc lộ, qua các nhà cao và hẹp, rồi nhà thưa dần
nhường chỗ cho cảnh cây cối và đồng lúa.
Bà Nhung nói “Nghề làm giấy cần có một môi trường tự nhiên xung quanh”.
Hai phụ nữ Việt Nam đang xem xét độ đồng đều của cục bột giấy để cán nó thành giấy dó.\
Được làm từ vỏ cây rhamnoneuron balansae, một cây
nhiều chất cellulose có ở Bắc Việt Nam và Hồ Nam Trung Quốc, việc sản
xuất giấy dó cần nhiều nước, không gian và thời gian. Theo truyền thống,
vỏ cây phải được ngâm 3 tháng trong nước vôi cho đủ mềm và tách sợi ra,
nhưng ngày nay người ta đã biết cách rút ngắn xuống còn 24 tiếng. Bột
giấy sau đó được giã mỏng, làm mịn, và rải thành tờ giấy và phơi nắng
nhiều tuần. Cuối cùng ta có được giấy mềm. thô mặt, viết không nhòe,
chịu ẩm tốt, không có acid, ít bị mối, và đáng ngạc nhiên nhất là có thể
tồn tại được nhiều thế kỷ.
Trước đây bà Nhung thấy lo về tình trạng làm giấy
khi bà đến làng Dương Ô, cái nôi của nghề này, cách Hà Nội 40 Km về
phía Đông Bắc, ở châu thổ sông Hồng. Chỉ còn lại 3 gia đình làm giấy.
Đối mặt với việc đô thị hóa nhanh, người dân làng phải vất vả kiếm cho
đủ sống đến mức họ định bỏ hẳn nghề giấy để chuyển sang nghề khác ổn
định hơn.
Quá trình làm giấy theo cách cổ truyền là công phu nhưng tạo ra sản phẩm đáng ngạc nhiên.
“Tôi ra sức thuyết phục họ là truyền thống này đáng
để gìn giữ, đặc biệt vì không ai trong lớp trẻ quan tâm giữ lại công
việc vất vả”, bà giải thích. “Cả làng đã biến thành thị trấn nhỏ bao
quanh bởi các nhà máy. Không gian cần thiết để làm giấy không còn nữa và
quan trọng nhất là nguồn nước hoàn toàn bị ô nhiễm”.
Những sợi giấy được làm từ vỏ của một cây có nhiều cellulose có ở Bắc Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Kit Yeng Chan)
Dự án giấy dó bắt đầu từ những người làm giấy ở Dương
Ô nhưng gặp hết khó khăn này đến khó khăn khác. Giải pháp đã xuất hiện
khi bà Nhung tìm thấy một dự án của NGO (Tổ chức phi chính phủ) ở Việt
Nam của quỹ JICA, mà trước đó họ đã làm việc với làng nghèo Suối Cỏ. Để
hỗ trợ tạo việc làm, tổ chức này đã có một chuyên gia Nhật dạy dân làng
Suối Cỏ cách làm giấy theo thủ công.
“Tôi ngưỡng mộ cách mà Nhật Bản biến nghề làm
giấy của họ thành di sản văn hóa phi vật thể của Unesco, để nó trở thành
một hình thức nghệ thuật đáng ao ước trong xã hội Nhật”, Bà Nhung nói.
“Ở Việt Nam thì khác. Ở đây chúng tôi không được chính phủ giúp đỡ gì”.
Tương lai của dạng nghệ thuật quý giá này nằm trong tay người phụ nữ này và nhóm thợ nhỏ của bà.
Bà thấy rằng với tay nghề mới có thì dân làng Suối Cỏ
sẽ có thể là rất thích hợp để vực lại nghề giấy dó. Không những họ cần
việc làm mà họ lại có sẵn nguồn lực thiên nhiên (nước sạch và không gian
rộng) cần thiết để sản xuất loại giấy cổ truyền.
Ngày nay, tuy làng Suối Cỏ chưa là điểm du lịch
nhưng các xưởng làm giấy của làng có tiềm năng lớn. Được ruộng lúa xanh
rờn và đồi thấp bao quanh, làng là nơi lý tưởng để người nghệ sĩ đến ở
(ở đây du khách có thể học quá trình làm giấy cũng như vẽ và làm việc)
mà bà Nhung dự kiến sẽ mở ngay điểm du lịch khi có vốn.
Giấy dó có khả năng tồn tại, một cách đáng ngạc nhiên, tới 800 năm. (Ảnh: Kit Yeng Chan)
Trong khi chờ đợi, bà đã tới Nhật, Lào và Malaysia để
hồi sinh nghề giấy dó và học kỹ thuật mới làm giấy thủ công. Giấy kiểu
cổ này đã được các nhà cung cấp nghệ thuật phân phối trên khắp thế giới,
cũng như làm sổ sách, bưu thiếp và các quà tặng khác bằng giấy mà bà
Nhung bán tại cửa hàng lưu niệm khuất nẻo ở quận Ba Đình, Hà Nội, tiền
lãi đều chuyển tất cả trở lại cho dự án giấy dó.
Mặc dù nhiệt tình như vậy nhưng con đường phía
trước vẫn nhiều khó khăn. Phần lớn thu nhập từ dự án chỉ vừa đủ để bù
đắp các chi tiêu để thành lập xưởng giấy này.
“Lúc này tôi đang vận động hành lang việc phát
triển dự án xã hội ở Việt Nam nhưng tôi nghĩ việc này còn lâu”, bà Nhung
nói trong khi bà kiểm tra chất lượng các tờ giấy vừa phơi xong. Được
đặt dưới sàn nhà, các tờ giấy lấp lánh như kim cương thô dưới nắng
chiều.
Ở thời điểm này, tương lai của hình thái nghệ thuật quý giá này nằm trong tay bà và nhóm thợ nhỏ của bà.
Bài tiếng Anh đăng trên BBC Travel
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét