Tác giả: Francis Bacon (*)
Dịch giả: Nguyễn Sơn Hùng
Phàm lệ
(1) Dịch giả cắt thành nhiều câu để độc giả dễ đọc. Thêm vào đó, có rất nhiều câu bao hàm một ý rất lớn và quan trọng nên tách riêng ra để dễ theo dõi.
(2) Chữ khổ nhỏ trong ( ) là giải thích thêm để cụ thể hơn và dễ hiểu hoặc nhận xét của dịch giả.
(3) Những phần chữ nghiêng tô đậm là phần dịch giả nghĩ là quan trọng.
(4) Dịch giả cố dịch sát nhưng có vài chỗ nguyên văn quá cô động khó hiểu nên dịch giả diễn tả thêm để dễ hiểu cụ thể hơn theo nội dung hiểu của dịch giả, vì ngay cả 2 bản dịch tiếng Nhật dùng tham khảo vẫn mơ hồ khó hiểu. Một thí dụ điển hình là đoạn về nói “kết hợp các thói quen tổng hợp của nhiều người”.
(5) Điều quan trọng là hiểu chính xác nội dung phòng tránh hiểu sai gây hại nên có chỗ “hơi dài dòng”. Ngoài ra, để có trích dẫn một câu hay một đoạn để làm châm ngôn mà vẫn có thể hiểu đầy đủ nên dịch giả ít dùng đại danh từ hoặc các câu như “trường hợp này, trường hợp trên”…
(6) Tựa của mỗi đoạn do dịch giả đặt thêm.
***
Thói quen chi phối hành động con người mà con người không để ý
Suy nghĩ của con người phần lớn tuân theo khuynh hướng của bản tính có sẵn trong con người họ.
Trong khi đàm luận hay diễn thuyết, con người tuân theo những gì đã học và các ý kiến đã thấm nhiễm vào họ.
Tuy nhiên, khi hành động, con người tuân theo thói quen của họ.
Do đó, Machiavel (1) đã lưu ý rằng, mặc dù là thí dụ xấu, đối với sức mạnh của bản tính và cả lời nói dũng cảm, nếu không biết trước đó đương sự có thói quen đã từng thực hiện hay không, thì không thể tin cậy được.
Theo thí dụ mà ông đã nêu ra, đểhoàn thành âm mưu có thể mất mạng, không nên đặt tin tưởng vào bản tính dũng cảm của con người hoặc sự bảo đảm quả quyết của ai đó, mà nên dùng những người tay họ đã từng nhuộm máu trước đó.
Nhưng Machiavelli đã không biết có loại con người như tu sĩ Clement (2), hoặc những loại con người như Ravillac(3), và cả loại con người như Jaureguy, Balthazar Gerard (4) ông cũng đều không biết.
Tuy nhiên nguyên tắc của Machiavel cho rằng bản tính con người và lời hứa bằng miệng không hữu hiệu bằng thói quen đến nay vẫn còn được áp dụng.
Điều đáng sợ của mê tín
Có điều hiện nay mê tín đang hoành hành dữ dội, những người lần đầu tiên mới giết người mà cũng thản nhiên giống như các tay đồ tể chuyên nghiệp. Ngay cả đối với các sự kiện giết người, quyết tâm thực hiện lời thề có sức mạnh (nghĩa là sức mạnh của mê tín) tương đương với sức mạnh của thói quen. Tuy nhiên, ngoài trường hợp của mê tín, sự ưu việt của thói quen có thể thấy ở khắp nơi.
Phải lấy làm lạ và khó hiểu khi nghe rằng: con người mặc dù công khai nói rõ trước nhiều người khác, tuyên bố chống đối việc họ không bằng lòng, hứa hẹn việc họ sẽ làm, và nói những lời tráng lệ, nhưng rồi sau đó, họ như thể là những con búp bê không có sự sống, họ làm những việc hoàn toàn giống như từ trước; họ giống như một cái máy được vận hành bằng bánh xe thói quen (nghĩa là, nói nhiều và hứa hẹn nhiều rằng sẽ làm nhiều điều tốt nhưng rồi vẫn hành động theo thói quen một cách máy móc).
Chúng ta biết chi phối hoặc áp chế của thói quen là gì.
(Biết nhưng rồi quên đi để rồi tiếp tục bị chi phối mà không biết! Bởi vậy mới có những bi kịch xảy ra trong đời! Tức giận cũng là một nguyên nhân chính yếu làm chúng ta trở lại với thói quen.)
Người Ấn Độ (những người tôi nói ở đây là người thuộc môn phái của giới trí thức) nằm yên lặng trên đống củi để được đốt chết. Không chỉ có thế, các người vợ của ông tranh nhau để cùng được đốt chết với thân thể của người chồng.
Các thiếu niên của xứ Sparta ở Hy Lạp cổ đại chịu nằm yên để bị đánh roi trên bàn cúng nữ thần Diana (nữ thần của săn bắn, của trinh khiết và của mặt trăng).
Tôi còn nhớ vào lúc ban đầu thời nữ hoàng Elizabeth của Anh quốc, một người Ái Nhĩ Lan mưu phản bị tuyên án tử hình đã trình một lá thư bày tỏ nguyện vọng lên Phó Thống đốc xin được thắt cổ bằng dây làm bằng nhánh cây liễu (withe) thay vì bằng dây thừng thường lệ (halter), bởi vì cách xử tử này đã được dùng cho những người mưu phản trước đó.
Các tu sĩ ở Nga để hối lỗi, họ ngâm mình trong thùng nước suốt đêm cho đến khi bị nước đá lạnh cóng bao quanh.
Còn có thể đưa ra nhiều thí dụ về sức mạnh của thói quen tác dụng lên tinh thần và cơ thể (của con người chúng ta).
Một nhiệm vụ chính yếu của GIÁO DỤC là hình thành THÓI QUEN TỐT cho trẻ em.
Do đó, bởi vì thói quen chi phối đời sống con người, cho nên chúng ta hãy nỗ lực bằng mọi cách để có được các thói quen tốt.
Các thói quen nào bắt đầu được hình thành trong những năm còn trẻ chắc chắn là hoàn hảo nhất. Chúng ta gọi đó là GIÁO DỤC. Giáo dục trên thực tế không ngoài việc hình thành các THÓI QUEN lúc còn trẻ.
Do đó, như chúng ta biết, đối với việc học ngôn ngữ, lúc còn nhỏ lưỡi của chúng ta dễ ứng biến với mọi biểu hiện và âm thanh, cáckhớp xương mềm dẽo nhu nhuyễn đối với các cử động hoặcvận động nhanh, hơn lúc lớn tuổi.
Khi lớn tuổi, người học khó thể chăm chỉ miệt mài học là sự thật. Ngoài trừ trường hợp người học không cố chấp khép kín mà nhu nhuyễn cởi mở, lúc nào cũng có tinh thần sẵn sàng tiếp nhận tu sửa. Nhưng số người được như vậy rất hiếm.
(Đoạn trên và đoạn này cũng cho chúng ta thấy: để học tập có hiệu quả tốt nhất cần phải vào lứa tuổi thích hợp nhất; không phải học lúc nào cũng có kết quả như nhau.)
Tuy nhiên, nếu như sức mạnh của thói quen đơn độc của mỗi cá nhân đã vĩ đại, thì sức mạnh của KẾT HỢP của các THÓI QUEN TỔNG HỢP của TẬP THỂ CON NGƯỜI sẽ vĩ đại xa hơn nữa.
(Nghĩa là, gồm có 3 cấp bậc hay 3 giai đoạn: 1) các thói quen riêng biệt (gọi là thói quen đơn độc) của mỗi một người; 2) tổng hợp các thói quen đơn độc của mỗi một người để có hiệu quả lớn hơn, gọi là thói quen tổng hợp; 3) tập thể của nhiều người có những thói quen tổng hợp).
Trong trường hợp các thói quen riêng biệt của cá nhân được tổng hợp, và các thói quen tổng hợp của nhiều người này được kết hợp trong hình thức tập thể, thì các thí dụ thực tế thành công của các thành viên trong tập thể được truyền dạy cho nhau; tình bạn bè trong tập thể khích lệ nhau, giúp nhau dễ thực hiện và tiếp tục, sự kích thích ganh đua giúp nhau mau thành công; và niềm hãnh diện của mỗi người cũng như của tập thể sẽ tăng cao lên. Ở những nơi chốn như vậy, sức mạnh của thói quen sẽ đạt tới đỉnh cao nhất.
Hiệu quả tăng lên nhiều lần của đạo đức lên bản tính con người để cảm hóa họ có được hay không chắc chắn phụ thuộc vào xã hội đó có được huấn luyện để có trật tự và quy củ hay không.
(Điều này chúng ta có thể thấy và hiểu rõ ràng khi so sánh các tập thể hoặc xã hội của các quốc gia văn minh tiên tiến và của các quốc gia chưa văn mình còn chậm tiến. “Một cánh én không thể làm mùa xuân” là vậy!)
Bởi vì quốc gia và chính phủ tốt khuyến khích đạo đức nhưng không cải thiện các hạt giống hoặc mầm mống của đạo đức.
Tuy nhiên, điều bất hạnh là phương pháp tốt nhất (ý nói phương pháp hình thành thói quen, giáo dục) hiện nay được áp dụng cho mục đích không tốt.
(Đáng tiếc là tác giả không cho biết cụ thể “mục đích không tốt” là gì!)
Nữ thần Diana
(*) Nguồn: Francis Bacon: “Of Custom and Education” trong tác phẩm Essays (1625).
Ghi chú
(1) Trích dẫn từ chương 6 quyển III “Discorsi sopra la prima deca di Tito Livio” (Luận về Lịch Sử La Mã căn cứ vào 10 chương đầu sách Lịch Sử của Tito Livio) của Niccolò Machiavelli (1469 ~ 1527).
(2) Jacques Clément (1567 ~ 1589): tu sĩ cuồng tín. Năm 1589 nhận được đồng ý và chi viện của Catholic Đồng Minh ông ám sát vua Henri III của Pháp nhưng ông cũng bị cận vệ vua giết chết tại hiện trường, và được Giáo hội xếp vào danh sách những người chết vì đạo.
(3) Francois Ravaillac (1578 ~ 1610): mục sư bị xúi dục như cuồng tín và xem vua Henri IV của Pháp là địch của Catholic (Tin Lành), và ám sát vua vào năm 1610.
(4) Jean Jaureguy (1562 ~ 1582): là người hầu của thương gia người vùng Basque của Tây Ban Nha. Ông bị chủ nhân thuyết phục giết thân vương Willem van Oranje (1533 ~ 1584), và vào ngày 18/3/1582 đã làm thân vương bị thương trí mạng rồi bị giết chết tại chỗ. Hai năm sau, thân vương bị giáo đồ Catholic cuồng tín tên Balthasar Gerard ám sát chết, và tội nhân bị xử tử hình ngay sau đó. Tuy nhiên vua Tây Ban Nha là Felipe II (1527 ~ 1598) đã liệt gia đình tội phạm vào cấp quý tộc.
(Các ghi chú trên tham khảo sách dịch của Watanabe Yoshio.)
Nhận xét
(1) Dịch giả nghĩ rằng ai cũng có lần đã nhận thức qua tầm quan trọng của thói quen trong cuộc sống nhưng rồi lại quên đi, và lập lại thói quen xấu, thí dụ như hay nổi giận! Ngoài ra, hình như rất ít học giả Việt Nam viết về tầm quan trọng của việc hình thành thói quen tốt trong giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên! Viết về thói xấu của người Việt thì nhiều, thí dụ như:
– Nguyễn Văn Vĩnh có tác phẩm “Xét Tật Mình” đăng nhiều lần trên báo Đông Dương tạp chí năm 1913. Trong đó ông liệt kê ra khoảng 14 tật.
– Tra trên Internet thấy nữ văn sĩ Di Li có tác phẩm “Tật Xấu Người Việt” do nhà xuất bản Nhã Nam phát hành tháng 12 năm 2023. Theo trang web Dân Trí giới thiệu trong tác phẩm giới thiệu 48 câu chuyện về thói xấu của người Việt.
Dịch giả nhớ lại có lần nghĩ đến việc tổng hợp các thói xấu của người Việt để phân tích và tìm cách tu sửa nhưng rồi phải bỏ qua ý định này vì thấy số tật xấu nhiều vô số kể, tập hợp và phân tích không biết đến bao giờ mới xong. Ngoài ra, có làm xong liệu có hiệu quả không! Nên đành bỏ qua ý định này, và đổi sang việc giới thiệu các thói quen tốt, điều hay của các nước khác để tham khảo học hỏi với mong mỏi có ích lợi hơn cho lớp trẻ.
(2) Người xưa rất thâm thúy khi đặt ra từ “HỌC TẬP” bao gồm HỌC 学và TẬP習. Trong chữ Hán của HỌC có chữ TỬ nghĩa là trẻ em. Học/dạy nên thực hiện từ bé. Chữ TẬP phần trên là chữ VŨ, lông chim diễn tả ý “bay trên trời”; phần dưới là một phần của chữ ĐIỂU là con chim. Chữ TẬP ý nói “chuyện tập bay cho thành thục, thành thói quen của các con chim nhỏ”. Tóm lại từ “HỌC TẬP” bao gồm ý nghĩ học tập cho thành thói quen tốt từ nhỏ. Bởi vì vì BAY là việc không thể thiếu của loài chim cũng như việc HỌC TẬP đối với con người.
Trong Nhận xét của bài “Lợi Ích Của Việc Học”, dịch giả có giới thiệu câu sau của Khổng tử, ở đây lập lại để quý độc giả thấm thía tâm ý của người xưa, và cho thấy tầm quan trọng của việc hình thành thói quen tốt lúc còn trẻ, vì chúng giúp ích cho chúng ta mỗi ngày và suốt cả đời.
“Tính tương cận dã; tập tương viễn dã.” (性相近也,習相遠也) (Bài 2 trong chương 17 Dương Hóa, sách Luận Ngữ)
Ý là “Bản tính bẩm sinh của con người không khác nhau xa nhưng việc học tập thành thói quen làm cho tài đức con người khác nhau xa”.
(3) Bài viết dưới đây của Matsushita Kônosuke cho thấy người Nhật hiểu rõ sự quan trọng của việc hình thành các thói quen tốt khi còn nhỏ, xin được giới thiệu lại quý độc giả:
erct.com/2-ThoVan/N-Son-Hung/Le-va-tu-than.htm
Tài liệu tham khảo
(1) Watanabe Yoshio (1983): Bacon Tùy Tưởng Tập, nxb Iwanami Shoten, in lần thứ 7 năm 1988.
(2) Narita Shigehasa (1979) Bacon, Danh Trứ của Thế Giới, nxb Chuo Koronsha, in lần thứ 3 năm 1992.
(3) The Essays of Francis Bacon edited with the Introduction and Notes by Mary Augusta Scott., Ph.D., 1908.
https://en.wikisource.org/wiki/Page:Essays_of_Francis_Bacon_1908_Scott.djvu/7
Nguyễn Sơn Hùng
Dịch xong: 14/3/2025, Nhận xét & tu sửa: 21/3/2026
Tựa đề gốc: “OF CUSTOM AND EDUCATION” – Francis Bacon
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét