21 thg 9, 2024

ĐOÀN XUÂN THU : BÀI THƠ “Nói với em lớp sáu”


Niên khóa 1974-1975, Nha Sinh hoạt học đường có tổ chức giải thưởng cho những Đặc san Xuân của các trường Trung học.
Ban giám khảo gồm các nhà văn nhà thơ, nhà văn và hoạ sĩ tên tuổi như : Bình-nguyên Lộc, Minh Quân, Lê Tất Điều, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh, nữ họa sĩ Tố Oanh v v... 
Kết quả là : 
1. Giải nhất về Đặc san Xuân của Trường Nữ Trung Học Gia Long,
2. Giải nhì về Đặc san Xuân của Trường Nữ Trung Học Bùi Thị Xuân (Đà Lạt) 
3. Giải ba về Đặc san Xuân của Trường Trung Học Võ Trường Toản. 
Theo một vài giám khảo nói trên tiết lộ, thì rất nhiều sáng tác - nhất là thơ - trong các Đặc san học sinh đã làm ngạc nhiên những cây bút đàn anh, đàn chị.

Mt trong số đó là bài thơ: 

“Nói với em lớp sáu”

Này em lớp sáu này em nhỏ
Gặp em rồi không quên em đâu
Chiều nay hai đứa về qua phố
Rất tự nhiên mà mình quen nhau

Em chạy tung tăng không mắc cỡ
Chị thì bước bước chậm theo sau
Tuổi mười hai chị xa xôi quá
Chị gọi em chờ, em chạy mau

Này em lớp sáu này em nhỏ
Em hãy dừng chân một chút lâu
Chị vuốt tóc em rồi chị nhớ
Tóc em thơm ngát mùi hương cau

Hương cau vườn chị xa như tuổi
Ba má chị nằm dưới mộ sâu
Vườn cũ nhà xưa tàn với lửa
Chị đi về hai buổi âm u

Gặp em ngoài phố mình như bạn
Thơ mộng trong bàn tay nắm nhau
Chị ngắt cho em bông cúc nhỏ
Em cười cái miệng mới xinh sao

Ngày xưa chị cũng như em chứ
Cũng rất ngây thơ rất ngọt ngào
Chị nhớ mỗi chiều tan học sớm
Bạn bè đuổi bướm thật xôn xao

Những con bướm lượn trên bờ cỏ
Chị cũng như em đuổi bắt mau
Bây giờ bướm biệt trên đường phố
Chị đuổi sương mù chơi chiêm bao

Này em lớp sáu này em nhỏ
“Gặp em rồi muôn thuở không quên”
Trời ơi, câu đó ngày hôm trước
Ai rót vào hồn chị hỡi em?

Sách trên tay chị nghe chừng nặng
Sao cặp em đầy vẫn nhẹ tênh
Thôi nhé em về con phố dưới
Giữ hoài cho chị tuổi hoa niên.

Trần Bích Tiên.
***

Nhà văn Võ Phiến.
Đây không phải là tác phẩm của một thi nhân, thi sĩ nào, không phải của một nhân vật nào trong các giới văn học, chính trị, tôn giáo, triết học ..v..v... 
Đây là một trường hợp đặc biệt: trường hợp bài thơ duy nhất, có thể là đầu tiên của một thiếu nữ chưa hề có tên tuổi gì trên văn đàn: một nữ sinh trung học . 
Nguyên vào tháng 2 năm 1975, Bộ Giáo dục tổ chức một cuộc thi văn chương giữa các trường trung học trong nước. 
Trong giai phẩm  Bùi Thị Xuân ban giám khảo gặp một bài thơ lạ lùng : “Nói Với Em Lớp Sáu”, của Trần Bích Tiên. 
Bài thơ được đăng ngay lên một tạp chí uy tín ở Nam Việt Nam là tờ Bách Khoa .
Sau bốn năm sống ở nước ngoài, bây giờ đọc lại bài thơ nọ chúng ta sửng sốt trước hình ảnh và tâm tình của một người con gái Việt Nam, tưởng như gần mà đã hóa xa xôi. Một cái gì rất thân thiết mà chúng ta đang mất dần, không cách nào lưu giữ nổi.
“Nói Với Em Lớp Sáu” thế còn “chị” thì lớp mấy ? 
Cao nhất trường Bùi Thị Xuân là lớp 12, chẳng qua cũng chưa khỏi bậc trung học.
Ở xứ Mỹ này, con gái “high school” hãy còn nhẹ nhõm, vô tư lự biết mấy. 
Thế mà “chị 12” trong thơ Việt Nam nặng trĩu ưu tư, u hoài, tâm hồn ngỗn ngang chất chứa: một mối u tình, hai cảnh tang tóc, bao nhiêu cay đắng luyến tiếc. 
Bài thơ cho thấy mức độ trưởng thành về tình cảm của một người con gái trong xã hội Việt Nam. Trưởng thành sớm quá, sớm không ngờ.
Còn đang ở trung học nàng đã mất tuổi hoa niên, và kêu than cảm động :
“Thôi nhé em về con phố dưới
Giữ hoài cho chị tuổi hoa niên”
Thấy rằng bước chân em lớp sáu nhanh hơn bước chân chị, rằng cặp em đầy vẫn nhẹ tênh mà sách trên tay chị nghe chừng nặng, nhận thấy được những cái ấy phải là người rất tinh. Phải tinh lắm mới ý thức được độ chín mùi của tình cảm mình như thế.
Tâm hồn sớm chín mùi ở một thiếu nữ, ấy là vì hoàn cảnh đau buồn (ba má nằm dưới mộ, kẻ “rót vào hồn” lời yêu đương đã xa cách, vườn nhà bị thiêu hủy) hay chỉ vì cái khung cảnh nơi quê hương, ở đó con gái sớm có thái độ u uẩn, chín chắn ?
Chúng ta cũng kêu theo : “Trời ơi, đọc cô rồi muôn thuở không quên!”. 
Xa quê hương, chúng ta nhớ biết bao cái hình ảnh người thiếu nữ Việt Nam u hoài, với bước chân chậm rãi và tay sách trĩu nặng ấy!
Tác giả bài thơ này hiện ở đâu? Hai tháng sau bài thơ này là đại biến cố 1975, tác giả rồi có còn cơ hội nào cầm lại ngọn bút chăng? (*)
Võ Phiến. 
Văn học Nghệ thuật, California 1979 
***
Sau khi bài này in vào cuốn Thơ Miền Nam tập I, do nhà Văn Nghệ xuất bản năm 1991, chúng tôi có liên lạc được với tác giả Trần Bích Tiên chính là nữ thi sĩ Huệ Thu hiện cư ngụ tại San José, CA, Hoa Kỳ 
*******

Giáo sư Trần Vấn Lệ.
Năm học 1974-1975, tôi là Giáo Sư Cố Vấn Ban Báo Chí Học Sinh Trường Nữ Trung Học Công Lập Bùi Thị Xuân Đà Lạt. Trưởng Ban là em Vũ Thị Khánh, học lớp 12.
Tôi khuyến khích và đôn đốc các em thực hiện Đặc San Xuân Bùi Thị Xuân Tân Mão 1975 theo lệnh của cô Hiệu Trưởng Trần Phương Thu hiện ở Canada. 
Bài vở phải là của học sinh, không có bài nào của bất cứ Giáo Sư nào hay của ai không học Bùi Thị Xuân.
Các em có than: "Các em bận thi, Thầy giúp tìm bài thêm ở các Chị đã ra trường". 
Biết Huệ Thu từ năm 1961, lúc Huệ Thu còn học Bùi Thị Xuân và từng làm thơ, viết văn, tôi đến nhà anh Bùi Sâm, anh ruột của Huệ Thu hỏi xin bài. Anh Bùi Sâm vui vẻ đưa cho tôi xem một xấp bài của Huệ Thu tôi chọn 2 bài thơ, một dài, một ngắn có liên quan đến việc học của Huệ Thu và thành phố Đà Lat, đó là Bài “Nói Với Em Lớp Sáu”, Huệ Thu lấy bút hiệu Trần Bích Tiên và bài “Mưa Bay Trên Đồi Tân Lạc”, Huệ Thu ký Trần Thị Tiên. 
Có bài thì mừng quá, đưa cho em Vũ Thị Khanh sắp xếp. Đặc San Xuân Bùi Thị Xuân dày khoảng 150 trang, họa sĩ Võ Tấn Đông, Giáo Sư trường Kỹ Thuật La San, bạn tôi, chăm sóc về bìa và hình thức, đánh máy, in, thì giao cho anh Thân Trọng An, Hiệu Trưởng Trường Mỹ Lộc lo, có trả tiền công. 
Báo in xong trước Tết Tân Mão, lo nộp lưu chiểu và gửi về Bộ Giáo Dục theo yêu cầu tham gia thi Đặc San Học Đường toàn quốc.
Đầu tháng 3-1975, được tin Đặc San Bùi Thị Xuân được giải nhì, Bộ Giáo Dục cho một phái đoàn nhà trường xuống Sài Gòn để nhận bằng khen và trao phần thưởng. 
Phái đoàn gồm cô Hiệu Trưởng Trần Phương Thu vài nữ Giáo Sư, tôi và anh Trần Hữu Lục là 2 nam Giáo Sư tháp tùng và chừng năm em học sinh, đi khứ hồi máy bay Air Việt Nam. Lễ phát thưởng tổ chức tại trường Quốc Gia Âm Nhạc, ngày 10 tháng 3- 1975, đúng vào ngày Ban Mê Thuột bị tấn công và thất thủ. 
Về Đà Lạt, nhà trường không đề cập hay báo cáo gì về Đặc San cả, toàn trường lo cho ngày trại tất niên, ngày 17-3-1975, không ngờ mới hơn nửa ngày thì phải bỏ hết vì có tin thành phố vị tấn công , các trường Võ Bị Quốc Gia, Đại Học CTCT, Trung Tâm Huấn Luyện CSDC di tản. 
Trường Bùi Thị Xuân và tất cả các trường công tư đều đóng cửa, mạnh ai nấy di tản.
Ngày 3-4-1975, Đà Lt chính thức đổi...đời!  (Đà lạt mất ngày 3-4-1975 nên có đường 3-4 )
Tôi, nam giáo sư của trường Bùi Thị Xuân đi cải tạo xa, các đồng nghiệp cùng trường thì cải tạo tại địa phương.
Tôi mất 6 năm xa Đà Lat, về lại lo đi nữa. Hỏi thăm trường cũ, không ai nói gì nhiều, bạn cũ có nhiều người còn dạy mà lạnh lùng, lạt lẽo, Đặc San Xuân Bùi Thị Xuân nghe nói bị gom và thiêu hủy toàn bộ.
Tôi tới Mỹ cuối năm 1989, gặp Huệ Thu năm 1991. Mừng thấy lại cô nữ sinh của trường mình...và chuyện văn chương chảy xuôi theo dòng thời gian và hoàn cảnh mới. 
Không ngờ ông Võ Phiến nhớ lại một thời, chạnh lòng với tuổi thơ Việt Nam. Cũng duyên và...cũng ngộ.
Tôi rất đỗi mng thấy "Châu về Hợp Phố", bây giờ tôi cảm ơn Huệ Thu cho tôi đọc những lời của ông Võ Phiến, bây giờ tôi lại ngậm ngùi vì anh Bùi Sâm đã mất tại Đà Lạt trong thập niên 1990.
Ngoảnh lại, mới đó mà 50 năm hơn, tôi gặp Huệ Thu hồi còn cô bé xinh, mặc áo dài trắng, khoác áo laine xanh. 
Trong cái nhìn của tôi: thời hoa niên của Huệ Thu chưa mất... 
Thời Sự Văn Nghệ.
***
Qua những thông tin do người có liên quan cung cấp ta thấy:
1. Nhà thơ Trần Bích Tiên tác giả bài thơ không phải là một nữ sinh lớp 12 niên khoá 1974-1975 mà là cựu học sinh Bùi Thị Xuân Đà Lạt rất lâu. Theo tài liệu dẫn thượng thì Trần Bích Tiên đã rời trường nữ trung học Bùi Thị Xuân ít nhứt 15 năm nên bút pháp rất già dặn, tuy nhiên ý thơ vẫn phảng phất một phần suy nghĩ cúa cô gái nữ sinh lớp 12 có người yêu lớn hơn 5, 7 tuổi đang trên đường ra mặt trận.
Người yêu của nhà thơ khóa 14, Khoá Nhân vị 1957-1961 trường VBQG Đà Lạt, Trung Tá Nguyễn Bình Thuận đã tử trận ở Chương Thiện.
 

19 thg 9, 2024

Gánh Xương Trâu - Chuyện Ngắn của Hồ thị Hải Âu

Với một lối tự sự như lôi từ gan ruột, "Gánh xương trâu" của Hồ Thị Hải Âu nức nở tình yêu thương quặn thắt với người cha còn hơn cả quý yêu và một mảng quá khứ đầy trớ trêu con trẻ, trong cái Tết còn chiến tranh, nghèo đói năm nào. Câu chuyện kết rồi, mà ánh sáng tự thân của nó cứ bừng sáng trong lòng chúng ta giá trị vĩnh hằng của lòng nhân ái. Thì ra dù cuộc đời có tăm tối, có khó khăn nghiệt ngã và trớ trêu và thất vọng đến đâu, chỉ cần có lòng nhân từ yêu thương, có một bờ vai tin cậy là con người nhất định sẽ vượt qua.

° ° °


1. Thuở bé, đôi khi tôi cảm thấy oán giận cha đẻ mình những khi bị ông mắng mỏ. Ba vẫn hay đe: "Giá mày là con trai, tao cho nhừ đòn". Hàng năm, cứ đến ngày tát ao cá của hợp tác xã, họ lại hốt lên hàng rổ dép guốc của tôi. Ba tôi ra xin lại. Họ nói: "Lần nào ông Ngụ cũng xin dép". Ba phân bua: "Tại con bé này - ba chỉ tay về phía tôi- có đôi nào nó lại lia tất xuống ao". Lúc đó, nét mặt của ba thật tội, tôi thấy thương vô cùng. Tôi lẽo đẽo theo ông về nhà, cùng với rổ dép cũ, tạp nham, lấm đầy bùn hôi, tanh tưởi. Ba mang đi rửa sạch, rồi bảo: "Thử xem đôi nào vừa". Chiếc xanh, chiếc đỏ, chiếc rộng, chiếc lại chật văng... Cuối cùng, ba lắc đầu, bảo: "Để ít nữa, ba sang Hà Nội đổi cho đôi mới". Tôi thừa biết ba sẽ nói thế, vì cũng như mọi lần, ông chẳng thể nghĩ được cách nào hơn.

Cảm giác xỏ chân vào đôi dép còn thơm phức mùi nhựa, làm tôi sướng rơn. Nhưng niềm vui dép mới với tôi thật chóng qua. Chỉ được ít ngày, tung tích của chúng đã nằm gọn dưới đáy ao. Tôi nhấm nháp sự thích thú khi lia từng chiếc dép xuống mặt nước, nhìn nó nổi lềnh phềnh, rồi từ từ chìm nghỉm.

Nhưng lần này, ba chẳng quát tháo. Ông chỉ lắc đầu, hăm doạ: "Tết này, mày sẽ được đi chân đất". Tôi không sợ đi chân đất, nhưng ánh mắt ông nghiêm nghị buồn buồn, khiến tôi ân hận.

Hôm ấy đã là 23 Tết, năm 1965...

2. Mẹ lo âu, nhìn xa tít ngoài vệ sông đang giăng giăng mưa phùn, nói bâng quơ: "Tết nhất gì, lo quắn ruột". Ba vẫn gõ búa đều tay gò lại chiếc xoong nhôm đen thui và méo mó, nói: "Giàu hay nghèo thì ai cũng có Tết, đừng lo".

3. Ngày 24 Tết, trời bỗng hửng nắng.
Cuối đông mà có nắng. Nắng ấm áp. Độ lượng như nằm mơ. Như thể đất trời cũng thương cho sự Tết nhà nghèo. Ba tôi đánh bùn từ ruộng lên. Ông cố tìm chỗ bùn nào thật dẻo. Trộn với rơm khô, đạp nhuyễn. Đôi chân ông vật lộn với đống bùn trộn rơm một cách vụng về, nhưng quyết liệt. Rồi trám. Trát. Vá lại những lỗ thủng trên bức vách đất đã bị bong ra lở lói. Vừa làm, ba vừa giảng giải cho tôi: "Phải miết cho kỹ, để rơm quận vào xương tre. Phải láng mịn tay để nước bùn bóng lên mới đẹp, hiểu chưa?". Ba, bốn ngày sau, trời vẫn tưng bừng nắng. Cùng với thứ gió hanh hao, nứt nẻ, nắng đã hong khô những tấm vách đất, rất vừa ý ba. Với hai thùng nước vôi xin các chú bộ đội, ba đã tẩy trắng ngôi nhà như phép màu trong cổ tích. Đôi lúc, người lớn ghét nhau, rủa nhau là đồ "bạc như vôi". Riêng tôi tin chắc rằng, vôi làm tôi hạnh phúc. Cái mùi hắc nồng của vôi khiến tôi sung sướng với một cảm giác mình được đổi đời.

Ngoài kia, mấy bà đi chợ qua, nói vọng vào: "Nhà ông Ngụ sửa Tết được nhiều chưa?". Rồi họ hối hả bước, chẳng đợi ba trả lời.

4. Sáng ngày 29 Tết.
Trong bếp, con vện đang cố sức đuổi theo chú mèo mướp quanh cái chạn bát. Và chiến tích của chúng là hất tung những chiếc nồi nhôm đen thui, trống tuếch. Chúng thi nhau lăn lông lốc. Thi nhau kêu loong coong một cách hết mình. Cảnh ấy làm tôi thích thú. Tôi bật cười nắc nẻ. Nhưng người lớn không giống tôi. Mẹ vác gậy đuổi vện chạy quắn cả đuôi, bà ngó trân trân vào đáy những chiếc nồi không một dấu mỡ và thức ăn nào. Bà thở dài. Ba đứng dậy bỏ đi. Chầm chậm trên lối mòn ngoằn ngoèo như con rắn, chạy vào làng Nỗ. Tôi nhận thấy bước chân ba nằng nặng ưu tư. Bất giác, một luồng gió mạnh từ sông ào tới làm ba thấm lạnh. Ông đưa vội hai tay khép trước bụng để che gió. Và cứ thế bước đi. Đơn độc trên lối mòn hoang vắng bóng người. Tự nhiên, tôi thấy nghèn nghẹn trong cổ, gọi với theo: "Ba đi đâu đấy?". Ba không ngoảnh lại, chỉ nói: "Kệ ba". Mẹ nhìn theo, lẩm bẩm: "Lại vào làng uống rượu", vẻ không bằng lòng. Tôi bảo: "Mấy bác ấy cũng quý ba thì phải?". Mẹ nói thủng thẳng, buồn buồn: "Quý, nhưng họ vẫn gọi ba mày là ông Ngụ".

Tôi vô tư cho rằng "Trước nay, họ vẫn gọi thế mà mẹ?". Chị gái tôi phản đối: "Không phải, ba mình tên khác". Rồi chị hỏi mẹ: "Tại sao?". Mẹ nói: "Vì nhà mình là dân ngụ cư". Mãi sau này, khi đã lớn, tôi láng máng nhận ra rằng, ba mẹ tôi đều là những người xuất thân dòng dõi. Thế rồi, chiến tranh. Loạn lạc. Những thành kiến xã hội... đưa đẩy họ và lũ con đến sống nhờ ven cái làng khuất nẻo này. Như một hương ước bất thành văn, dân ngụ cư không được cất nhà ở trong làng. Vì vậy, nhà tôi đứng chơ vơ bên vệ sông, dưới một gốc gạo to đơn độc. Mặt nhà hướng vào làng Nỗ. Vô tình mà âm thầm.

Trưa ấy, ba không về ăn cơm, càng khiến mẹ khẳng định thêm ý kiến ban đầu. Chỉ còn vài chục tiếng đồng hồ nữa là giao thừa. Văng vẳng làng xa, thôn gần, tiếng lợn kêu eng éc. Sao mà hấp dẫn. Thế mới biết, tập quán thật mãnh liệt. Mặc chiến tranh. Mặc bom đạn từng phút, từng giây rình rập. Người ta vẫn kiên trì soạn sửa Tết. Ây là những gì tôi nghĩ được, khi đã trải qua nhiều cảnh đời. Chứ lúc ấy, tôi chỉ thấy thèm đến nhỏ dãi. Đến quắt quay cái hương vị tết nhất phả vào mũi tôi từ phía thôn Đoài. Anh chị tôi theo mẹ ra vườn nhổ sắn. Tôi tha thẩn ra vệ sông, đăm đắm nhìn về làng Nỗ, với một niềm hy vọng không đâu, nhưng rất đỗi mãnh liệt...

Kia rồi! Cái dáng xương xương của ba như oằn xuống dưới sức nặng của đôi quang tỳ trên vai người. Tôi ào tới, hét vang bờ sông: "B......a.......a....". Tôi sung sướng quá! Ba về, nghĩa là nhà tôi có Tết. Dù chỉ là không khí Tết trong câu chuyện ba kể, cũng được chứ sao? Nhưng mà ba đang gánh một gánh gì đó rất nặng. "Gì đó ba?" - tôi hỏi đầy háo hức. "Xương trâu!"- ba nói hào hển. Ba cười với tôi. Nụ cười đã bị gánh nặng trên vai kéo lệch đi đôi chút.

"Trời, sao nhiều vậy ba?" - tôi gào lên sung sướng, chân nhảy ríu rít theo gánh xương trâu cùng ba về tận nhà.

5. Chiều ấy. Tối ấy. Đêm ấy.
Nhà tôi bận rộn và vui hơn Tết. Chị tôi giúp mẹ rửa từng khẩu xương ở ngoài giếng. Anh tôi nhóm lửa trong bếp. Còn tôi ngồi xem ba sử dụng dao và thớt để chiến đấu với những khúc xương cứng đầu. Khi mọi người đã quây quần bên bếp lửa, nồi xáo xương trâu sôi xình xịch, reo vui, chứa chan hy vọng của cả nhà. Ba kể rằng, đấy là một con trâu già. "Già lắm hả ba?". "Phải, nó không cày được nữa, nên hợp tác xã cho giết thịt". Mẹ bảo: "Ông rõ dở, mình là dân ngụ cư, lấy phần làm gì, phiền lắm". Ba nói bình thường: "Không có! Tôi chỉ giúp họ chia ra gần một trăm phần giống nhau. Mỗi phần phải gồm có đầu, mông, lườn, đuôi...vân vân. Nghĩa là đủ bộ. Và đấy là một việc khó, bà hiểu chưa? Xong xuôi, tôi được trả công bằng bộ xương".

Mẹ không nói gì thêm. Anh chị và ba tôi cùng im lặng. Họ đăm đăm nhìn xuyên qua đống lửa. Tôi thấy trong mắt mỗi người, cũng đang cháy. Bập bùng tận đáy mắt. Những ngọn lửa không giống nhau, nhưng nóng bỏng và vô cùng mãnh liệt. Tôi không thấy lửa trong mắt mình. Có thể, anh tôi chị tôi hoặc ba mẹ tôi sẽ thấy. Tôi chỉ nghe tiếng lửa thét gào. Tiếng nồi xáo xương trâu réo rắt. Và tin chắc rằng, tôi đã nghe được tiếng thời gian trôi đi ào ạt.

Đêm 29, rồi sáng ngày 30, thật yên ổn. Máy bay ném bom như đã chết dưới mười tầng địa ngục, nên không nghe nó gầm rít trên đầu. Vì thế, những khẩu pháo cao xạ cũng nằm yên, hiền như một đàn trâu khổng lồ đang ngủ. Và buổi sáng ấy đã trôi vào cuộc đời tôi một vùng thời gian cổ tích, bình yên đến nao lòng.

Mùa xuân thật diệu kỳ. Không chỉ là những ngày mưa bụi bay bay, ướt mềm như môi trẻ. Cỏ cây hút nhựa lên cành, toả mùi hăng hắc, thật dễ chịu. Những tàu lá non nghên nghển trong gió xuân, hân hoan đón lấy làn hơi ẩm toả đầy không gian.... Mùa xuân còn có cả những ngày như hôm ấy. Nắng hanh hao đủ làm hồng chín những nụ đào phai mới loé trong vườn. Gió thật nhẹ, mang thêm chút lạnh dây dưa, đủ để loài người cảm nhận được hơi thở ấm áp phả vào nhau. Cây cối, chim muông và đất trời chứa đầy xúc cảm. Đến bây giờ, tôi vẫn đinh ninh rằng, lúc ấy tôi đã nghe được tiếng của cỏ cây. Mẹ mắng. "Vớ vẩn! toàn chuyện hoang đường". Ba không quan tâm, lại nói lạc đề: "Chiều trừ tịch, đón tổ tiên bằng mâm cơm với canh xáo xương cũng đủ". Lúc đó, tôi thấy ba thật trang nghiêm và đến lạ. Hình như người lớn gọi đó là cảm giác thiêng liêng, tôi không được rõ lắm.

Rồi hai phút sau đó, bầu trời pha lê vỡ nát. Lũ quỷ trời ngoi lên từ địa ngục, rú rít thứ âm thanh của chiến tranh và chết chóc. Bởi thế, nên những con trâu sắt hiền lành đã trỗi dậy, phun đạn như mắc cửi vào bầu trời. Ba đẩy tôi chạy sấp ngửa xuống hầm chữ A. Mẹ, anh chị tôi lần lượt theo sau. Cả nhà tôi đứng sát cửa hầm, nhìn lên bầu trời rách nát. Lúc ấy, và cả bây giờ, tôi vẫn không thể phân biệt được đâu là tiếng bom, đâu là tiếng đạn pháo. Nó trộn lẫn vào nhau, với cả ngàn thứ âm thanh huỷ diệt và mất mát. Nó khiến cho trẻ con khiếp đảm đến rụng rời. Đôi khi bấn loạn quá, tôi đứng khóc tỉ ti trong góc hầm và đũng quần cứ ướt loang ra lúc nào không biết. Lần này, tôi đứng cạnh những người thân ở cửa hầm, tuyệt nhiên không hề thấy sợ. Tôi nhận thấy lẩn quất xung quanh thứ mùi khoi khoi béo ngậy, thật quyến rũ. Như có luồng điện giật trong tim, tôi kêu lên thất thanh: "Nồi xương!". Rồi như một con rắn, tôi trườn lên khỏi mặt đất, chạy thục mạng vào bếp. Người nhỏ, nồi to. Chưa lúc nào tôi lại cầu mong nồi xáo xương nhỏ đi như lúc ấy. Hoảng hốt. Sợ hãi. Tôi luống cuống đánh đổ cả nồi xáo xuống nền đất. Dòng nước loáng mỡ, cùng với những miếng thịt nhỏ hiếm hoi chảy loang. Vừa lúc, cánh tay ba chộp lấy cổ áo tôi lôi xệch xuống hầm. Ông gầm lên: "Mày muốn chết hả?". Tôi chưa hết bàng hoàng khi nhận ra rằng nồi xáo xương đã tan thành mây khói, thì đã hứng ngay một cái tát của chị tôi: "Đồ ăn hại... mày là đồ ăn hại!". Rồi chị bưng mặt khóc oà. Anh tôi há hốc mồm như không tin rằng nồi xáo xương bị đổ. Mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt xót thương. Đất dưới chân tôi chao đảo, bồng bềnh. Mỗi khắc trôi qua, dài như không đáy. Cuối cùng thì ba cũng lên tiếng. Ông cười khùng khục, cố ra vẻ tự nhiên. Nghe thế, chị tôi im bặt, lấy tay quệt nước mắt. Ba nhìn mấy đứa con, giọng đầy tâm sự: "Đêm qua, ngồi canh lửa nồi xương, ba nhớ ngày xưa bà nội kể rằng: Ông cu Cối ở trong làng bị chết sớm, đến khi sang cát lại chẳng còn tý xương nào. Bà bảo, vì ông Cối hay ăn xương trâu nên mọt đục rỗng cả xương". Rồi ba cười, xoa đầu tôi, an ủi.

Ba vừa ngừng lời là lúc tôi mới bắt đầu khóc. Khóc rống lên, bằng tất cả nỗi ân hận xen lẫn niềm biết ơn ba chất chứa trong lòng. Không một thứ âm thanh nào lọt vào tôi được nữa, kể cả tiếng bom đạn thét gào.Chỉ có tiếng khóc tôi tràn ngập hồn tôi. Trong nhoè nhoẹt nước mắt, tôi thấy ba cười. Thấy tấm vách quét vôi lơ lửng bay lên. Nồi nước xáo đang bốc hơi thơm phức. Cả đôi dép nhựa đỏ chót... Tất cả đều bay lên, mờ ảo trong một vùng ánh sáng lung linh.

Khi tôi thôi khóc, thì bầu trời tả tơi đã kịp ắng lại. Dường như, từ xa xăm vĩnh hằng của thời gian, nơi đây vẫn là bầu trời cổ tích, chưa từng có chiến tranh.Nắng vẫn hanh hao một sắc vàng êm ái. Gió vẫn nhè nhẹ, thổi về một màu xanh của xuân tươi. Chị tôi chạy từ bờ sông về, cười giòn thanh như miếng khế ngọt: "An ơi, cho em con trâu lá này". Bên sông, chuông chùa Tịnh thỉnh mấy hồi gióng giả. Hình như, đã đến giờ cầu kinh chiều.

6. Chiều nay, cũng một chiều trừ tịch. Nơi đó, chỉ tôi và dòng sông đối diện, nhưng cả hai đã hoàn toàn đổi thay. Tôi già đi, còn sông thì bé lại. Cũng như tôi, mẹ và các anh chị không còn ở đây nữa. Ngôi nhà tranh vách đất. Gốc gạo. Ao bèo... cũng không còn. Chỉ có ba ở lại. Vĩnh viễn. Tôi nhận thấy dáng người xương xương của ba oằn xuống dưới sức nặng của gánh xương trâu, đang chạy dọc bờ đê... Chạy ngang qua chỗ tôi đứng. Và chạy mãi... Người đàn bà 47 tuổi bỗng khóc ào như trẻ nhỏ: "Ba ơi...".


Hà Nội ngày lạnh cuối đông 2002 - Hồ Thị Hải Âu

 

CON HẺM - Trần Phong Vũ

 
CON HẺM

Con hẻm ấy chiều tôi qua rất vội
Trộm nhìn em bấm phím đợi chờ nhau
Những duyên tình hờ hững lướt qua mau
Bầy sẻ nhỏ rủ nhau đi trốn nắng
Con hẻm nhỏ trơ xương ngày trống vắng
Mùa yêu đi qua gió thốc đến khô cằn
Chỉ còn em thầm lặng một dáng xuân
Em đứng đợi mùa thu về gỏ cửa
Chiếc lá úa và những mảng tường vôi vữa
Khẽ khàng rơi đắp đậy lối không tên
Về đâu em những xa lạ thân quen
Dòng tin nhắn hững hờ trên điện thoại
Con hẻm nhỏ buổi chiều buồn hoang hoải
Tiếng còi xe ai đó lướt qua tai
Bóng người đi lấp ló một bờ vai
Tôi vội vã khép cửa lòng tôi lại
Nắng tắt
hoàng hôn
rồi
cũng hết một ngày
TRẦN PHONG VŨ
...
Mưa lũ thế này mấy em về đâu ?

Chuyện ST Trên Mạng

 

1./ Chuyện kể rằng có một ông sếp bự đi công tác ở Trung Quốc và mang về một hộp trà Long Tỉnh loại ngon. Nhân buổi họp giao ban đầu tuần, sếp pha một ấm trà mời anh em trong công ty cùng thưởng thức. Sau khi nếm thử.
▫️ Trưởng phòng A nói, trà rất ngon, mùi thơm dễ chịu.
▫️ Trưởng phòng B nói, trà quả thật ngon và có dư vị vô tận.
▫️ Trưởng phòng C nói rằng mặc dù anh ấy không hiểu trà nhưng nó có hương vị rất đặc biệt
▫️ Trưởng phòng D nói, nó khác với Long Tỉnh mà tôi đã uống trước đây và có cảm giác gần giống như đang uống nước đun sôi.
▫️ Ông sếp mở nắp ấm, cười ngượng ngùng vì đã quên bỏ trà vào.
▫️ Sau một thời gian, trưởng phòng D bị kỷ luật và điều chuyển công tác vì có đồng nghiệp tố cáo chơi game trong giờ làm việc.
▫️ Từ đó ba trưởng phòng kia có dịp gặp nhau nhất định không uống trà, vì cả ba đều nhận thấy, hậu quả của người biết thưởng trà thật là thảm khốc
▫️ Truyện vui, có thể không có thật nhưng xin lưu ý anh chị em hãy cẩn thận khi uống trà, nếu quá nóng có thể bị bỏng.

FB.Tâm Trà 

ĐAD chuyển 😛😛😛😛😛😛

18 thg 9, 2024

Long Thuận Mùa Sen Em Về - Thơ Thuyên Huy

Long Thuận Mùa Sen Em Về

Long Thuận mùa này mùa sen nở

Từ phương xa em về lại Bến Cầu

Mừng em sen trong đầm rực đỏ

Bến tàu còn đó người đợi nhau

 

Em đi Long Thuận buồn da diết

Nhà em trầu lá cứ lưa thưa

Em về nắng chợ làng chênh chếch

Cũng sông Vàm trời  quên đổ mưa

 

Ngó theo bụi đường mờ Long Chữ

Bâng khuâng chạnh lòng nhớ tới người

Cũng một chiều nơi đầm sen cũ

Bên người mơ có một ngày vui

 

Hẹn về Long Thuận mùa sen nở

Chờ người sen đã nở mấy lần

Mấy lần người không về chốn cũ

Khóc thầm em buồn đếm tuổi xuân

 

Gởi lại Long Thuận dòng dư lệ

Gượng cười em khăn áo qua sông

Hiểu cho đừng trách tình nhân thế

Qua sông mang theo cả nổi lòng

 

Thuyên Huy

Mời Xem :


 

EM ĐI THU KHÔNG VỀ - Thơ Thuyên Huy  

 

 

 

 

 

Tai nạn ở nhà máy điện nguyên tử Three Mile Island năm 1979, USA_Trần-Lâm Phát

Bối cảnh tai nạn ở nhà máy điện nguyên tử Three Mile Island, tiểu bang Pennsylvania, năm 1979, USA

Bài viết  căn cứ vào tài liệu Backgrounder của NRC Hoa kỳ vào 11 tháng 2 năm 2013.

NRC là ai ?
NRC (Nuclear Regulator Commission) là cơ quan độc lập của chính phủ liên bang Hoa kỳ do quốc hội lập ra năm 1974 để bảo đảm an toàn cho dân chúng và môi trường trong việc sử dụng chất phóng xạ. NRC qui định luật cho các nhà máy điện nguyên tử và các cơ quan dân sự dùng nhiên liệu nguyên tử như y học.
NRC cấp giấy phép cho xây, giấy phép đóng cửa, giấy phép gia hạn thời gian hoạt động nhà máy điện nguyên tử.
Ngoài trung tâm đầu nảo của NRC ở Rockville, Maryland , NRC có văn phòng ở 4 vùng khác nhau:
Vùng 1 trụ sở King of Prussia,  Pennsylvania.
Vùng 2 trụ sở Alanta,  Georgia.
Vùng 3 trụ sở Lisle, Illinois.
Vùng 4 trụ sở Arlington, Texas.
NRC thanh tra thường xuyên nhà máy và chỉ chổ sơ hở về an toàn cho nhà máy để sửa chửa.
NRC cảnh cáo vi phạm luật an toàn. Nhà máy không khắc phục kịp thời sẽ bị phạt tiền rất nặng. Nhà máy tái phạm hay vi phạm nghiêm trọng sẽ bị NRC tạm thời đình chỉ sản xuất điện cho đến khi lỗi đươc khắc phục.
 NRC là cơ quan kiểm tra, duyệt, chấm bài thi và cấp bằng điều khiển nhà máy cho thí sinh thi đậu viết và thực hành. Mỗi nhà máy có nhân viên NRC thường trú để kiểm tra về an toàn.
Cứ 2 năm NRC thanh tra 1 lần. Nhân viên không được tiết lộ sự hiện diện của thanh tra; ai vi phạm sẽ bị kỷ luật (tối đa là sa thải), phạt tù và tiền theo luật liên bang. Ai đe dọa, lừa dối NRC thanh tra sẽ bị nghiêm trị theo luật liên bang: tù và tiền.
Khi NRC đến thanh tra hay chấm thi, NRC không bao giờ tham dự các bửa ăn do công ty thết đãi.
Bên cạnh NRC, INPO (Institute of Nuclear Power Operations) là 1 tổ chức thanh tra và chấm điểm thứ tự nhà máy điện nguyên tử ở Hoa kỳ.
Sau khi tai nạn xảy ra ở Three Miles Island, INPO đuợc thành lập năm 1979  bởi những nhà máy điện nguyên tử ở Hoa kỳ. Trung tâm đầu nảo ở thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia. INPO đưa ra tiêu chuẩn, kiểm tra chương trình huấn luyện và sự hoạt động của nhà máy điện nguyên tử . INPO giúp các đơn vị nhà máy điện nguyên tử sửa chửa khuyết điểm và tăng cường sự an toàn. INPO được yểm trợ tài chánh bởi các nhà máy điện nguyên tử ở Mỹ . INPO là cơ quan độc lập không trực thuộc hay bị ảnh hưởng của NRC nhưng dựa theo luật lệ của NRC để kiểm tra nhà máy hạt nhân.
 
Bối cảnh tai nạn ở nhà máy Three Mile Island thuộc tiểu bang Pennsylvania, USA
Trong bài này gồm:
1. Sơ đồ nhà máy TMI-2
2. Tóm lược sự việc
3. Sơ đồ hoạt họa của diễn tiến tai nạn
4. Tác dụng đến sức khỏe
5. Ảnh hưởng của tai nạn
6. Tình trạng hiện thời
7. Tin tức thêm
8. Chú giải
Tóm lược:
Lò phản ứng số 2 (TMI-2) gần thành phố Middletown, quận Dauphin, tiểu bang Pennsylvania xảy ra một phần nóng chảy vào ngày 28 tháng 3 năm 1979. Đây là lịch sử tai nạn nghiêm trọng do nhà máy điện nguyên tử mặc dù 1 số lượng nhỏ chất phóng xạ lan ra ngoài và không hề gây ảnh hưởng đến sức khoẻ dân chúng. Sau tai nạn này, chính phủ Hoa kỳ thay đổi toàn diện sự kiểm tra về chương trình phản ứng khẩn cấp, huấn luyện về lò phản ứng, vai trò kỹ sư, kiểm soát & bảo vệ nhiễm phóng xạ và những lĩnh vực khác trong cơ chế vận hành, điều khiển nhà máy điện nguyên tử. Đó là lý do NRC nghiêm khắc kiểm tra chính sách giám sát. Những thay đổi này nâng cao sự an tòan của lò phản ứng.
Kết họp giữa máy móc hư hỏng, vấn đề kiến trúc và phán đoán sai lầm của nhân viên đưa đến một phần nóng chảy của lò phản ứng TMI-2 và 1 số lượng mỏng manh chất phóng xạ đưa ra ngoài vùng kế cận.

1.Sơ đồ nhà máy:



2. Tóm lược sự việc:

Tai nạn bắt đầu vào 4 giờ sáng (giờ địa phương) ngày thứ tư, 28 tháng 3 năm 1979 khi hệ thống thứ 2 (secondary) không dính líu tới lò phản ứng của 1 trong 2 lò phản ứng bị trục trặc. Sự hư hỏng về cơ khí hay điện làm cho máy chủ yếu bơm nước  không đưa nước tới bộ phận sản suất áp suất để làm giảm nhiệt độ lò phản ứng. Lý do này làm cho máy phát điện và lò phản ứng tự động tắt. Ngay lập tức áp suất trong hệ thống thứ nhất (primary) (1 phần của lò nguyên tử) bắt đầu tăng lên. Để kiểm soát áp lực này, cái van (valve) giảm áp suất nằm trên đầu của hệ thống tạo áp suất mở ra. Cái van này sẽ đóng lại khi áp suất giảm xuống đến mức qui định nhưng nó bị nghẽn không tự đóng lại được. Hệ thống kiểm tra trong phòng điều hành (control room) cho biết cái van này đã đóng lại. Kết cuộc nhân viên điều khiển nhà máy không hề biết nước làm lạnh đã đổ ào ạt xuống cái van bị kẹt ở vị trí mở.
Lượng nước làm nguội chảy từ hệ thống thứ nhất (primary system) qua cái van, những dụng cụ đo lường, báo hiệu của bộ phận khác không cung cấp đầy đủ tin tức cho người điều hành nhà máy. Không có dụng cụ nào cho biết bao nhiêu nước đã vô trong lò phản ứng. Như vậy ban điều khiển nhà máy giả sử rằng khi áp suất lên cao, lò phản ứng được bao che bởi lượng nước qui định . Khi chuông báo động vang lên và đèn báo hiệu nhấp nháy, nhân viên điều hành không biết họ đã gặp tai nạn mất nước làm nguội. Họ đã quyết định phản ứng nghiêm trọng nhưng họ làm cho điều kện trở nên xấu hơn. Nước thoát ra từ van bị kẹt làm giảm quá nhiều áp sất của hệ thống thứ nhất khiến cho máy bom làm nguội tắt đi để tránh rung động (vibration). Để tránh tình trạng mất hết áp suất, ban điều hành giảm lượng nước khẩn cấp làm nguội đưa vào hệ thống thứ nhất . Hành động này làm giảm sự làm nguội lò phản ứng và đưa đến tình trạng quá nóng.
Không có đủ lượng nước chảy vào, nhiên liệu nguyên tử quá nóng đến mức độ zirconium bị vở và nhiên liệu nguyên tử bắt đầu nóng chảy. Sau này người ta khám phá 50% nhiên liệu bị nóng chảy trong giai đoạn bắt đầu tai nạn. Mặc dù TMI-2 bị thiệt hại nặng về lò phản ứng nóng chảy, tai nạn khủng khiếp trong ngành điện nguyên tử, nhưng ảnh hưởng đến bên ngoài không đáng kể. 
Không như thảm hoạ Chernobyl ở Nga và Kukushima ở Nhật, lò phản ứng ở TMI-2 đứng vững như bàn thạch và khóa kín chất phóng xạ bên trong.
Ban đầu chính quyền tiểu bang và liên bang e ngại về số lượng phóng xạ nhỏ nhen đo bên ngoài vào cận trưa ngày 28 tháng 3 và tỏ ra quan ngại nhiều hơn về chất phóng xạ có thể xảy ra  vùng dân cư quanh nhà máy. Họ không biết lò phản ứng đã nóng chảy nhưng họ lập tức lập giai đoạn để kiểm soát lò phản ứng và bảo đảm luợng nước làm nguội cho lò phản ứng. Văn phòng NRC ở King of Prussia được thông báo lúc 07:45 sáng ngày 28 tháng 3. Trung tâm đầu nảo NRC ở Hoa thịnh đốn được báo cáo và trung tâm điều khiển của NRC ở Bethesda bắt đầu phân công. Văn phòng khu vực bắt đầu gởi đoàn thanh tra đầu tiên đến nơi tai nạn. Nhân viên của bộ năng lượng và môi trường cũng bắt đầu vận chuyển nhân viên đến nơi để giúp đở . TMI mướn trực thăng và bộ năng lượng lấy mẫu  để đo chất phóng xạ trên không vào giữa trưa. Đội ngũ từ phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven cũng phái nhân viên đến giúp đo lường chất phóng xạ . Tòa bạch ốc được thông báo lúc 9:15 sáng và 11 giờ những nhân viên không cần thiết được lịnh về nhà.
Vào chiều 28 tháng 3, lò phản ứng có đầy đủ lượng nước làm nguội và bắt đầu ổn định . Tuy nhiên nỗi lo ngại mới bắt đầu sáng thứ 6, ngày 30 tháng 3.  Số lượng phóng xạ đáng kể từ tòa nhà phụ được thải ra để giảm áp suất của hệ thống thứ nhất và cắt bớt lượng nước làm nguội vào lò phản ứng gây ra sự hiểu lầm và kinh ngạc. Trước sự bất ổn của nhà máy, thống đốc bang Pennsylvania, ông Richard L.Thornburg, hỏi ý kiến NRC về sự di tản dân xung quanh nhà máy . Thống đốc và chủ tịch NRC, ông Joseph Hendrie đồng ý kế hoạch đưa dân ra khỏi vùng để bảo đảm an toàn. Thống đốc Thornburg yêu cầu phụ nữ mang thai và thiếu niên trước tuổi đi học cư ngụ trong vòng bán kính 5 mile (8 km) phải di tản.
Trong thời gian ngắn, phản ứng hóa học nơi nóng chảy tạo ra lượng lớn hydrogen trong vòm cao (cái mũ) của nơi tạo áp suất, nơi chứa lò phản ứng. Trong trường họp này bong bóng của hygrogen rơi vào trong toà nhà lò phản ứng và có thể tạo ra lổ thủng của tòa nhà lò phản ứng. Bong bóng hygrogen là nỗi âu lo lớn cho chánh quyền và dân chúng trong ngày chú nhật 31 tháng 3. Cơn khủng hoảng chấm dứt khi chuyên viên cao cấp xác định rằng bong bóng của hygrogen không thể gây ra cháy hay bùng nổ khi thiếu lượng oxygen trong bầu tạo áp suất. Hơn nữa lúc ấy nhà máy đã thành công làm giảm diện tích của bong bóng hydrogen.

3. Sơ đồ hoạt hoạ của diễn tiến tai nạn:

Sau đây là sơ đồ hoạt hoạ diển tiến của tai nạn ở nhà máy TMI-2


Chú thích: Bạn hãy kiên nhẫn xem vì có lúc tưởng như đã xong (không có hoạt họa) nhưng thực ra thời gian ngừng 1 vài giây trước khi bắt đầu sự kiện mới

4. Tác dụng đến sức khỏe:

NRC với bộ tài nguyên và môi trường, bộ y tế, bộ giáo dục và trợ cấp cùng với chánh quyền tiểu bang Pennylvania nghiên cứu kỹ càng về hậu quả của tai nạn gây ra bởi chất phóng xạ. Nhiều cơ quan độc lập cũng thực hiện nghiên cứu. Khoảng 2 triệu người  xung quanh nhà máy TMI-2 trong lúc tai nạn, phỏng đoán đã nhiễm phóng xạ khoảng 1 mili rem hơn chất phóng xạ bị nhiễm bởi môi trường thiên nhiên (background radiation như nhà gạch, ánh nắng mặt trời, nước, không khí, tia cosmic, dụng cụ y khoa, thuốc lá, du lịch bằng máy bay v.v.) Đây là thí dụ đễ dễ so sánh: Khi chụp x ray ngực con người nhận 6 mili rem và môi trường thiên nhiên gây ra phóng xạ  vào người từ 100-125 mili rem mỗi năm.
Chú thích: REM là đơn vị đo chất phóng xạ ở Mỹ. Vì lượng nhiểm rất nhỏ nên người ta dùng mili rem cho chính xác hơn
Vài tháng sau khi tai nạn xảy ra, những câu hỏi được nêu lên về ảnh hưởng chất phóng xạ thải ra từ nhà máy TMI-2 đối với con người, súc vật, cây cối xung quanh. Không có 1 chứng minh nào cho thấy tai họa gây ra bởi tai nạn này. Vài ngàn mẫu thí nghiệm về không khí, nước, sữa, đất, rau cỏ, thực phẩm được thu thập bởi những cơ quan khác nhau. Một lượng rất nhỏ chất phóng xạ thải ra trong tai nạn. Tuy nhiên sự điều tra và nghiên cứu kỹ càng của các tổ chức danh tiếng như viện đại học Columbia, viện đại học Pittsburg kết luận rằng:  mặc dù có sự hư hại của lò phản ứng nhưng chất phóng xạ lan ra ngoài không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ dân chúng và môi trường.

5. Ảnh hưởng của tai nạn:

Sự phối họp giữa sai lầm của con người, kiến trúc không đúng mức và trục trặc máy móc đã đưa đến tai nạn  nhà máy TMI-2 và là động lực thay đổi về kỹ nghệ điện nguyên tử và cơ quan điều khiển nguyên tử của chánh phủ Hoa Kỳ NRC.  Trước sự sợ hải và không tin cậy gia tăng, NRC  kiểm tra và quan sát chặt chẽ hơn và ban quản lý nhà máy điện nguyên tử càng thận trọng hơn. Nghiên cứu và phân tách kỹ càng về tai nạn đưa đến 1 sự hoàn toàn đổi mới vĩnh viễn về sự kiểm tra của nhà máy có giấy phép để giảm đi ảnh hưởng về sức khoẻ và an toàn cho dân chúng.
 Sau đây là những thay đổi lớn kể từ tai nạn:
·         Nâng cấp và cường độ của thiết kế nhà máy và máy móc. Nó bao gồm chương trình cứu hỏa, hệ thống ống dẫn, máy bơm nước phụ, cô lập lò phản ứng, độ tin cậy bền bỉ của từng bộ phận (van thả áp suất, những ngắt điện và khả năng tự động tắt của nhà máy.)
·         Xác định vai trò chủ yếu về cách làm việc an toàn. Bắt buộc huấn luyện liên tục người đều khiển nhà máy và nhân viên quản lý. Tăng cao phẩm chất máy móc đo đạc và điều khiển nhà máy . Xây dựng cho nhân viên nhà máy chương trình “ phù hợp cho nhiệm vụ” về nồng độ cồn, lạm dụng thuốc men.
·         Tăng cường  chương trình phản ứng khẩn cấp, bao gồm việc  báo cáo cho NRC về những điều kiện xảy ra bất thường 24/24 giờ mỗi ngày. Thực tập chương trình hành động khẩn cấp vài lần trong năm có sự tham gia của chánh quyền địa phương, tiểu bang , liên bang và NRC.
·         Tăng cường  nhiệm vụ của NRC như  quan sát, tìm ra sai sót,  thẩm định về khả năng vận hành nhà máy trong chu kỳ ấn định và tường trình cho công chúng.
·         Nhân viên cao cấp của NRC thường xuyên phân tích khả năng vận hành của những nhà máy cần thêm chú ý đáng kể.
·         Tăng thêm NRC thanh tra thường trực tại nhà máy, lần đầu năm 1977,  phải có 2 thanh tra cư ngụ gần và làm việc trực thuộc mỗi nhà máy ở Hoa kỳ để  quan sát nhà máy tuân theo luật chính phủ.
·         Tăng cường thực hiện: định hướng về an toàn cũng như kiểm tra và dùng sự đánh giá rũi ro để xác định sự thiệt hại cho đến tai nạn hiểm nghèo.
·         Tăng thêm và tổ chức lại cơ cấu nhân viên thuộc văn phòng khác nhau trong hệ thống NRC.
·         Thiết lập cơ quan INPO, kỹ nghệ điện nguyên tử cùng nhau thiếp lập qui chế của chính mình, tin tức của Viện năng lượng cung cấp thống nhất về qui lật và tác động qua lại với cơ quan NRC và những cơ quan khác.
·         Nhà máy điện nguyên tử gắn thêm dụng cụ để giảm nhẹ điều kiện tai nạn, theo dõi cường độ phóng xạ và tình trạng của nhà máy.
·         Nhà máy điện nguyên tử ban hành chương trình để sớm khám phá sự trở ngại của những dụng cụ an toàn quan trọng, và thu nhặt những tin tức, dữ liệu để chia xẻ kinh nghiệm nhanh chóng.
·         Tăng cường sinh hoạt quốc tế của NRC để chia xẻ kiến thức về an toàn nguyên tử với những quốc gia khác trong lĩnh vực kỹ thuật quan trọng.

6. Tình trạng hiện thời:

Ngày nay lò phản ứng của TMI-2 vĩnh viễn đóng cửa và nhiên liệu đã được tháo gỡ. Hệ thống nước làm nguội lò phản ứng đã tháo cạn và nước có chất phóng xạ dược trừ khử và bốc hơi. Những rác rưỡi có phóng xạ đã được chở đến nơi hủy bỏ và những mảnh vỡ của nhiên liệu và lò phản ứng được đưa đến phòng thí nghiệm quốc gia của bộ năng lượng ở Idaho. Năm 2001 công ty First Energy mua TMI-2 từ công ty GPU. First Energy có họp đồng theo dõi TMI-2 từ  công ty Exelon, công ty Exelon hiện là chủ và điều hành TMI-1. Công ty dự trù giữ nguyên trạng thái TMI-2 trong thời gian lâu dài, theo dõi khu lưu trử cho đến khi giấy phép hoạt động của TMI-1 hết hạn. Lúc đó cả hai nhà máy sẽ được tháo gỡ.
Sau đây là niên đại tổng quát của công trình làm sạch TMI-2 từ 1980 đến 1993:
Tháng 07 năm 1980: Lần đầu tiên nhân viên vào trong lò phản ứng sau tai nạn.
Tháng 11 năm 1980: Ban điều hành tháo gỡ TMI-2 lần đầu tiên nhóm họp với dân chúng, nhà khoa học, chính quyền địa phương và tiểu bang tại Harrisburg, Pennylvania.
Tháng 07 năm 1984: Cái chụp lò phản ứng (reactor vessel head) được tháo ra.
Tháng 10 năm 1985:  Bắt đầu tháo gỡ nhiên liệu.
Tháng 07 năm 1986: Chở những mảnh vỡ của lò phản ứng ra khỏi khu vực nhà máy.
Tháng 08 năm 1988: Công ty GPU đệ trình đề xuất tu chính giấy phép hoạt động TMI-2 thành giấy phép sở hữu và cho phép công ty giám sát lâu dài nơi lưu trữ .
Tháng 01 năm 1990: Nhiên liệu hòan tòan được tháo gỡ .
Tháng 07 năm 1990: Công ty GPU đệ trình ngân sách 229 tỷ để tháo gỡ phóng xạ của nhà máy.
Tháng 01 năm 1991: Bắt đầu cho bốc hơi nước tai nạn
Tháng 04 năm 1991: NRC ra bố cáo về sự yêu cầu sửa giấy phép của công ty GPU.
Tháng 02 năm 1992:  NRC công bố tường trình sự an toàn và cho chuyển giấy phép.
Tháng 08 năm 1993:  Công trình tháo gở nước chấm dứt: 2,23 triệu gallon nước đã tháo ra.
Tháng 09 năm 1993:  NRC cấp giấy phép sở hữu.
Tháng 09 năm 1993:  Ban điều hành tháo gỡ TMI-2 họp lần cuối cùng.
Tháng 12 năm 1993:  Lưu trử theo dõi bắt đầu.
7. Tin tức thêm:
Muốn biết thêm tin tức về tai nạn của TMI-2 xin liên lạc bằng Anh ngữ:
NRC phòng hồ sơ công cộng: 301-415-4733 hoặc 1-800-397-4209 hay email pdr@nrc.org
địa chỉ : 11555 Rockville Pike, Rockville, MD 20852.
Nên nhớ: hồ sơ bằng micro fiche và phải trả lệ phí .
8. Chú giải:
Những từ sau đây bằng Anh ngữ để rộng bề dư luận:
Auxiliary feedwater ‑ (see emergency feedwater)
Background radiation ‑ The radiation in the natural environment, including cosmic rays and radiation from the naturally radioactive elements, both outside and inside the bodies of humans and animals. The usually quoted average individual exposure from background radiation is 300 millirem per year.
Cladding ‑ The thin‑walled metal tube that forms the outer jacket of a nuclear fuel rod. It prevents the corrosion of the fuel by the coolant and the release of fission products in the coolants. Aluminum, stainless steel and zirconium alloys are common cladding materials.
Emergency feedwater system ‑ Backup feedwater supply used during nuclear plant startup and shutdown; also known as auxiliary feedwater.
Fuel rod ‑ A long, slender tube that holds fuel (fissionable material) for nuclear reactor use. Fuel rods are assembled into bundles called fuel elements or fuel assemblies, which are loaded individually into the reactor core.
Containment ‑ The gas‑tight shell or other enclosure around a reactor to confine fission products that otherwise might be released to the atmosphere in the event of an accident.
Coolant ‑ A substance circulated through a nuclear reactor to remove or transfer heat. The most commonly used coolant in the U.S. is water. Other coolants include air, carbon dioxide, and helium.
Core ‑ The central portion of a nuclear reactor containing the fuel elements, and control rods.
Decay heat ‑ The heat produced by the decay of radioactive fission products after the reactor has been shut down.
Decontamination ‑ The reduction or removal of contaminating radioactive material from a structure, area, object, or person. Decontamination may be accomplished by (1) treating the surface to remove or decrease the contamination; (2) letting the material stand so that the radioactivity is decreased by natural decay; and (3) covering the contamination to shield the radiation emitted.
Feedwater ‑ Water supplied to the steam generator that removes heat from the fuel rods by boiling and becoming steam. The steam then becomes the driving force for the turbine generator.
Nuclear Reactor ‑ A device in which nuclear fission may be sustained and controlled in a self‑supporting nuclear reaction. There are several varieties, but all incorporate certain features, such as fissionable material or fuel, a moderating material (to control the reaction), a reflector to conserve escaping neutrons, provisions for removal of heat, measuring and controlling instruments, and protective devices.
Pressure Vessel ‑ A strong‑walled container housing the core of most types of power reactors.
Pressurizer -  A tank or vessel that controls the pressure in a certain type of nuclear reactor.
Primary System ‑ The cooling system used to remove energy from the reactor core and transfer that energy either directly or indirectly to the steam turbine.
Radiation ‑ Particles (alpha, beta, neutrons) or photons (gamma) emitted from the nucleus of an unstable atom as a result of radioactive decay.
Reactor Coolant System ‑ (see primary system)
Secondary System ‑ The steam generator tubes, steam turbine, condenser and associated pipes, pumps, and heaters used to convert the heat energy of the reactor coolant system into mechanical energy for electrical generation.
Steam Generator ‑ The heat exchanger used in some reactor designs to transfer heat from the primary (reactor coolant) system to the secondary (steam) system. This design permits heat exchange with little or no contamination of the secondary system equipment.
Turbine ‑ A rotary engine made with a series of curved vanes on a rotating shaft. Usually turned by water or steam. Turbines are considered to be the most economical means to turn large electrical generators. 

nguồn: http://www.nrc.gov/reading-rm/doc-collections/fact-sheets/3mile-isle.html

Xem Thêm :
 

Tai nạn nơi nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở liên bang Sô viết năm 1986