9 thg 9, 2024

Trở về thăm Israel với nỗi niềm băn khoăn (Diển Đàn Khai Phóng )

Tác giả: Omer Bartov, GUARDIAN, 13.8.2024
Biên dịch và rút ngắn: Tôn Thất Thông

Người dịch: Hơn nửa thế kỷ qua trong các nước phương Tây, những ai phê phán Israel, nhất là phê phán tội ác của Israel đối với người Palestine, đều dễ dàng bị quy chụp là „bài Do Thái“. Bạo lực ở Gaza hơn 10 tháng qua đã thay đổi tình hình chút ít. Tiếng nói của giới vận động hành lang Do Thái trở nên yếu ớt hơn, giọng điệu đạo đức hai mặt của các chính phủ phương Tây có phần thuyên giảm, và đặc biệt đã có vài tiếng nói lạc lõng của trí thức Israel ở ngoại quốc cất lên lo lắng cho tương lai đất nước họ. Xin giới thiệu bài tiểu luận sau đây của sử gia Omer Bartov người Israel.

***

Mùa hè này, một trong những bài giảng của tôi đã bị các sinh viên cực hữu phản đối. Lời hùng biện của họ gợi nhớ đến một số khoảnh khắc đen tối nhất của lịch sử thế kỷ 20 – và trùng lặp với các quan điểm chính thống hiện nay của Israel đến mức đáng gây sốc.

                 Omer Bartov. Ảnh: David Degner/The Guardian

Vào ngày 19 tháng 6 năm 2024, tôi dự kiến giảng bài tại Đại học Ben-Gurion của Negev (BGU) ở Be’er Sheva, Israel . Bài giảng của tôi là một phần của sự kiện liên quan đến các cuộc biểu tình chống lại Israel trong khuôn viên đại học trên toàn thế giới, và tôi dự định đề cập đến cuộc chiến ở Gaza và rộng hơn là câu hỏi liệu các cuộc biểu tình có phải là sự bày tỏ sự phẫn nộ chân thành hay được thúc đẩy bởi chủ nghĩa bài Do Thái, như một số người đã tuyên bố. Nhưng mọi việc đã không diễn ra như dự tính.

Khi đến cổng giảng đường, tôi thấy một nhóm sinh viên đang tụ tập. Chẳng bao lâu sau, có thông tin cho rằng họ không đến đó để tham dự sự kiện mà để phản đối. Có vẻ như các sinh viên đã được triệu tập bởi một tin nhắn WhatsApp xuất hiện ngày hôm trước, trong đó đề cập đến bài giảng của tôi và kêu gọi hành động: “Chúng tôi sẽ không cho phép điều đó xảy ra! Chúng ta còn phản bội chính mình trong bao lâu nữa?!?!?!?!?!!”

Tin nhắn tiếp tục cáo buộc rằng tôi đã ký một bản kiến nghị mô tả Israel là một “chế độ phân biệt chủng tộc” (trên thực tế, bản kiến nghị đề cập đến chế độ phân biệt chủng tộc ở Bờ Tây). Tôi cũng bị “buộc tội” đã viết một bài báo cho tờ New

York Times vào tháng 11 năm 2023, trong đó tôi tuyên bố rằng mặc dù tuyên bố của các nhà lãnh đạo Israel nêu lên ý định diệt chủng, nhưng vẫn còn thời gian để ngăn chặn Israel tiến hành tội ác diệt chủng. Về điều này, tôi trở thành tội đồ như họ buộc tội. Người tổ chức sự kiện, nhà địa lý nổi tiếng Oren Yiftachel, cũng bị chỉ trích tương tự. Các hành vi phạm tội của ông ta bao gồm việc từng là giám đốc của B’Tselem “chống chủ nghĩa Phục quốc Do Thái” , một tổ chức phi chính phủ về nhân quyền có uy tín trên toàn cầu.

Khi những người tham gia hội thảo và một số giảng viên chủ yếu là người lớn tuổi bước vào hội trường, các nhân viên bảo vệ đã ngăn cản những sinh viên phản đối bước vào. Nhưng họ không ngăn cản được việc đám đông mở cửa giảng đường, hô khẩu hiệu bằng còi và dùng hết sức đập vào tường.

Sau hơn một giờ gián đoạn, chúng tôi đồng ý rằng có lẽ bước tiến tốt nhất là yêu cầu sinh viên biểu tình tham gia cùng chúng tôi để trò chuyện, với điều kiện họ phải chấm dứt tình trạng quấy phá. Cuối cùng, một số lượng lớn các nhà hoạt động đã bước vào và trong hai giờ tiếp theo, chúng tôi ngồi xuống nói chuyện. Hóa ra, hầu hết những thanh niên nam nữ này vừa mới trở về sau khi phục vụ lực lượng dự bị. Trong thời gian đó, họ đã được triển khai công tác ở Dải Gaza .

Đây không phải là một cuộc trao đổi quan điểm thân thiện hay “tích cực”, mà nó mang tính thách thức. Những sinh viên này không nhất thiết phải đại diện cho toàn thể sinh viên ở Israel. Họ là những nhà hoạt động trong các tổ chức cực hữu. Nhưng theo nhiều cách, những gì họ nói phản ánh một tâm lý rộng rãi hơn nhiều ở Israel.

Kể từ tháng 6 năm 2023, tôi chưa trở lại Israel và trong chuyến thăm lần này, tôi đã tìm thấy một đất nước khác với đất nước mà tôi từng biết. Mặc dù tôi đã làm việc ở nước ngoài nhiều năm nhưng Israel là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Đó là nơi cha mẹ tôi đã sống và được chôn cất; đó là nơi con trai tôi đã thành lập gia đình riêng của mình và hầu hết những người bạn lâu năm nhất và thân thiết nhất của tôi đều sinh sống ở đó. Biết rõ đất nước từ bên trong và theo dõi các sự kiện thậm chí còn nhiều hơn bình thường kể từ ngày 7 tháng 10, tôi không hoàn toàn ngạc nhiên trước những gì tôi gặp phải khi trở về, nhưng quả tình nó làm cho tôi vô cùng lo lắng.

***

Khi biện giải những vấn đề này, tôi không thể không nói đôi chút về cá nhân và nghề nghiệp của mình. Tôi đã phục vụ ở Quân Đội Israel (IDF) trong bốn năm, trong một nhiệm kỳ bao gồm Chiến tranh Yom Kippur năm 1973 và các chức vụ ở Bờ Tây, phía bắc Sinai và Gaza, kết thúc nhiệm vụ của tôi với tư cách là đại đội trưởng bộ binh. Trong thời gian ở Gaza, tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh nghèo đói và vô vọng của những người tị nạn Palestine phải kiếm sống trong những khu dân cư chen chúc, đổ nát. Một cách sống động nhất, tôi nhớ mình đã tuần tra trên những con phố im lặng không một bóng râm của thị trấn Arīsh của Ai Cập – nơi lúc đó bị Israel chiếm đóng – có cảm giác bị xoi mói bởi những ánh mắt sợ hãi, phẫn nộ của người dân đang quan sát chúng tôi từ những cánh cửa sổ đóng chặt của họ. Lần đầu tiên, tôi hiểu ý nghĩa của việc chiếm đóng một đất nước khác.

Nghĩa vụ quân sự là bắt buộc đối với người Israel gốc Do Thái khi họ đủ 18 tuổi – trừ một số trường hợp ngoại lệ – nhưng sau đó, bạn vẫn có thể được gọi phục vụ lại trong IDF để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện hoặc hoạt động trong trường hợp khẩn cấp như chiến tranh. Khi tôi được triệu tập vào năm 1976, tôi đang là sinh viên tại Đại học Tel Aviv. Trong lần điều động đầu tiên với tư cách là sĩ quan dự bị, tôi đã bị thương nặng trong một vụ tai nạn huấn luyện cùng với nhiều binh sĩ của mình. IDF đã che đậy tình tiết của sự kiện này, nguyên nhân là do sơ suất của người chỉ huy cơ sở huấn luyện. Tôi dành phần lớn học kỳ đầu tiên đó ở bệnh viện Be’er Sheva, nhưng quay trở lại việc học của mình và tốt nghiệp năm 1979 với chuyên ngành lịch sử.

Những trải nghiệm cá nhân này khiến tôi càng quan tâm hơn đến một câu hỏi mà tôi bận tâm từ lâu: điều gì thúc đẩy những người lính chiến đấu? Trong những thập kỷ sau Thế chiến thứ hai, nhiều nhà xã hội học Mỹ lập luận rằng những người lính chiến đấu trước hết vì lòng tương trợ lẫn nhau chứ không phải vì một mục tiêu ý thức hệ lớn lao nào đó. Nhưng điều đó không hoàn toàn phù hợp với những gì tôi đã trải qua khi còn là một người lính: chúng tôi tin rằng chúng tôi tham gia chiến đấu vì một mục đích lớn hơn vượt xa vòng bạn bè của chúng tôi. Vào thời điểm tôi hoàn thành chương trình đại học, tôi cũng bắt đầu hỏi, liệu nhân danh chính nghĩa đó, những người lính có thể bị buộc phải hành động theo những cách mà họ có thể thấy là đáng trách hay không.

Lấy trường hợp cực đoan, tôi viết luận án tiến sĩ Oxford, sau này được xuất bản thành sách, về sự nhồi sọ của Đức Quốc xã đối với quân đội Đức và những tội ác mà quân đội này đã gây ra ở mặt trận phía Đông trong Thế chiến thứ hai. Những gì tôi tìm thấy trái ngược với cách người Đức trong thập niên 1980 hiểu về quá khứ của họ. Họ thích nghĩ rằng quân đội đã chiến đấu trong một cuộc chiến “đàng hoàng”, ngay cả khi Gestapo và SS gây ra tội ác diệt chủng “sau lưng”. Người Đức phải mất nhiều năm nữa mới nhận ra rằng cha và ông của họ đã đồng lõa với Holocaust và các vụ giết người hàng loạt nhiều nhóm người khác ở Đông Âu và Liên Xô.

Khi Intifada, tức cuộc nổi dậy đầu tiên của người Palestine, nổ ra vào cuối năm 1987, tôi đang giảng dạy tại Đại học Tel Aviv. Tôi kinh hoàng trước chỉ thị của Yitzhak Rabin, lúc đó là bộ trưởng quốc phòng, ra lệnh IDF phải “bẻ gãy tay chân” những thanh niên Palestine ném đá vào quân đội được trang bị vũ khí hạng nặng. Tôi đã viết một lá thư cho ông ấy cảnh báo rằng, dựa trên nghiên cứu của tôi về việc truyền bá các lực lượng vũ trang của Đức Quốc xã, tôi sợ rằng dưới sự lãnh đạo của ông ấy, IDF cũng đang đi vào con đường tội lỗi tương tự.

Như nghiên cứu của tôi đã chỉ ra, ngay cả trước khi nhập ngũ, thanh niên Đức đã tiếp thu những yếu tố cốt lõi của hệ tư tưởng Đức Quốc xã, đặc biệt là quan điểm cho rằng quần chúng Slave hạ đẳng, do những người Do Thái Bolshevik quỷ quyệt lãnh đạo, đang đe dọa nước Đức và phần còn lại của thế giới văn minh bằng sự hủy diệt, và do đó Đức có quyền và nghĩa vụ tạo ra cho mình một “không gian sống” ở phía đông và tiêu diệt hoặc bắt dân số trong khu vực đó làm nô lệ. Thế giới quan này sau đó càng được khắc sâu vào quân đội, để đến khi tiến vào Liên Xô, họ đã nhìn kẻ thù của mình qua lăng kính đó. Sự kháng cự quyết liệt của Hồng quân chỉ khẳng định sự cần thiết phải tiêu diệt hoàn toàn binh lính cũng như dân thường Liên Xô, và đặc biệt nhất là người Do Thái, những người được coi là kẻ chủ mưu chính của Chủ nghĩa Bolshevik. Càng gây ra nhiều sự tàn phá, quân Đức càng sợ hãi trước sự trả thù mà họ có thể chờ đợi nếu kẻ thù của họ thắng thế. Kết quả là có tới 30 triệu binh sĩ và công dân Liên Xô thiệt mạng.

Trước sự ngạc nhiên của tôi, vài ngày sau khi viết thư cho ông ấy, tôi nhận được phản hồi chỉ vỏn vẹn một dòng từ Rabin, khiển trách tôi vì dám so sánh IDF với quân đội Đức. Điều này cho tôi cơ hội viết cho ông ấy một lá thư chi tiết hơn, giải thích nghiên cứu của tôi và sự lo lắng của tôi về việc sử dụng IDF như một công cụ đàn áp những thường dân bị chiếm đóng không có vũ khí. Rabin lại đáp lại với tuyên bố tương tự: “Sao bạn dám so sánh IDF với Wehrmacht [ND: Quân đội Đức Quốc xã].” Nhưng nhìn lại, tôi tin rằng cuộc trao đổi này đã tiết lộ điều gì đó về hành trình trí tuệ tiếp theo của ông ấy. Vì như chúng ta biết từ sự tham gia sau này của ông vào tiến trình hòa bình ở Oslo , dù có sai sót đến đâu, ông cuối cùng đã nhận ra rằng về lâu dài Israel không thể duy trì cái giá phải trả về mặt quân sự, chính trị và đạo đức cho việc chiếm đóng.

Từ năm 1989, tôi đã giảng dạy ở Hoa Kỳ. Tôi đã viết rất nhiều về chiến tranh, nạn diệt chủng, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa bài Do Thái và nạn diệt chủng Holocaust, nhằm tìm hiểu mối liên hệ giữa việc giết hại binh lính một cách công nghiệp trong Thế chiến thứ nhất và việc tiêu diệt dân thường bởi chế độ Hitler. Trong số các dự án khác, tôi đã dành nhiều năm nghiên cứu sự biến đổi của quê hương mẹ tôi – Buchach ở Ba Lan (nay là Ukraina) – từ một cộng đồng chung sống giữa các sắc tộc thành một cộng đồng, mà dưới sự chiếm đóng của Đức Quốc xã, dân chúng đã quay lưng lại với người hàng xóm Do Thái của họ. Trong khi quân Đức đến thị trấn với mục tiêu rõ ràng là giết người Do Thái, tốc độ và hiệu quả của việc giết người được tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều nhờ sự hợp tác của dân địa phương. Những người dân địa phương này được thúc đẩy bởi sự phẫn nộ và hận thù tồn tại từ trước có thể bắt nguồn từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc trong những thập kỷ trước và quan điểm phổ biến rằng người Do Thái không thuộc về các quốc gia mới được thành lập sau chiến tranh thế giới thứ nhất.

Trong những tháng kể từ ngày 7 tháng 10, những gì tôi học được trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình đã trở nên quan trọng một cách đau đớn hơn bao giờ hết. Giống như nhiều người khác, tôi nhận thấy những tháng vừa qua đầy thử thách về mặt cảm xúc và trí tuệ. Giống như nhiều người khác, người thân của tôi và gia đình bạn bè tôi cũng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bạo lực. Nơi nào bạn trở lại đều chỉ thấy đau buồn.

***

Cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7 tháng 10 là một cú sốc to lớn đối với xã hội Israel, một xã hội mà thực tế vẫn chưa được hồi phục. Đây là lần đầu tiên sau một thời gian dài, Israel mất quyền kiểm soát một phần lãnh thổ của mình, trong đó IDF không thể ngăn chặn vụ thảm sát hơn 1.200 người – nhiều người bị giết theo những cách tàn ác nhất mà bạn có thể tưởng tượng được – và cướp đi hơn 200 người con tin, trong đó có rất nhiều trẻ em. Cảm giác bị nhà nước bỏ rơi và tình trạng bất an đang diễn ra – với hàng chục nghìn công dân Israel phải rời bỏ nhà cửa dọc Dải Gaza và biên giới Lebanon – là rất sâu sắc.

Ngày nay, trong đại bộ phận công chúng Israel, bao gồm cả những người phản đối chính phủ, có hai quan điểm nổi bật.

Đầu tiên là sự kết hợp giữa giận dữ và sợ hãi, mong muốn thiết lập lại an ninh bằng bất cứ giá nào và hoàn toàn không tin tưởng vào các giải pháp chính trị, đàm phán và hòa giải. Nhà lý luận quân sự Carl von Clausewitz lưu ý rằng chiến tranh là cánh tay nối dài của chính trị bằng các phương tiện khác, và cảnh báo rằng nếu mục tiêu chính trị không được xác định, nó sẽ dẫn đến sự hủy diệt vô hạn. Tình cảm hiện đang thịnh hành ở Israel cũng có nguy cơ khiến chiến tranh không còn là phương tiện, mà trở thành mục đích của chính họ. Theo quan điểm này, chính trị là một trở ngại để đạt được mục tiêu hơn là một phương tiện để hạn chế sự tàn phá. Đây là một quan điểm mà cuối cùng chỉ có thể dẫn đến sự hủy diệt chính mình.

Tình cảm ngự trị thứ hai – hay đúng hơn là thiếu tình cảm – là mặt trái của tình cảm thứ nhất. Xã hội Israel ngày nay hoàn toàn không có khả năng cảm nhận được bất kỳ sự đồng cảm nào đối với người dân Gaza. Có vẻ như đa số thậm chí không muốn biết chuyện gì đang xảy ra ở Gaza, và mong muốn này được phản ánh trên truyền hình. Tin tức truyền hình Israel những ngày này thường bắt đầu bằng những bản tin về đám tang của những người lính, luôn được mô tả là những anh hùng, đã hy sinh trong cuộc giao tranh ở Gaza, sau đó là ước tính có bao nhiêu chiến binh Hamas đã bị “thanh lý”. Việc đề cập đến cái chết của dân thường Palestine rất hiếm và thường được đưa ra như một phần tuyên truyền của kẻ thù hoặc là nguyên nhân gây ra áp lực quốc tế không mong muốn. Đối mặt với quá nhiều cái chết, sự im lặng mù điếc này giờ đây dường như giống như một hình thức trả thù của chính nó.

Tất nhiên, công chúng Israel từ lâu đã quen với sự chiếm đóng tàn bạo đặc trưng của đất nước này trong 57 năm, trên tổng số 76 năm tồn tại. Nhưng quy mô của những gì IDF đang gây ra ở Gaza hiện nay là chưa từng có, cũng như sự thờ ơ hoàn toàn của hầu hết người Israel đối với những gì đang được thực hiện dưới danh nghĩa của họ. So sánh với quá khứ, năm 1982, hàng trăm nghìn người Israel đã phản đối vụ thảm sát người dân Palestine tại các trại tị nạn Sabra và Shatila ở phía tây Beirut bởi lực lượng dân quân Thiên chúa giáo Maronite, được IDF hỗ trợ. Ngày nay, loại phản ứng này không hề xuất hiện. Thật là điều vô cùng đáng lo ngại khi thấy cách mọi người Israel trừng mắt ngạc nhiên nhìn bạn mỗi khi bạn đề cập đến nỗi đau khổ của thường dân Palestine và cái chết của hàng nghìn trẻ em, phụ nữ và người già Palestine.

Gặp lại những người bạn ở Israel lần này, tôi thường xuyên có cảm giác họ sợ tôi làm phiền nỗi đau của họ, sợ rằng sống xa quê hương nên tôi không hiểu được nỗi đau, sự lo lắng, hoang mang và bất lực của họ. Bất kỳ ý kiến nào cho rằng việc sống ở quê hương đã khiến họ tê liệt trước nỗi đau của người khác – nỗi đau mà xét cho cùng là do họ gây ra – chỉ tạo ra bức tường im lặng, sự rút lui vào bản thân hoặc nhanh chóng thay đổi chủ đề. Ấn tượng mà tôi có là nhất quán: chúng tôi không có điểm chung trong trái tim, chúng tôi không có chỗ chung trong suy nghĩ của mình, chúng tôi không muốn nói về hoặc bị chỉ ra những gì những người lính của chúng tôi, con cháu chúng tôi, anh chị em của chúng tôi, đang làm ngay bây giờ ở Gaza. Họ nghĩ, Chúng ta phải tập trung vào bản thân, vào tổn thương, vào nỗi sợ hãi và tức giận của mình.

Nhiều người bạn của tôi nhận ra sự bất công của việc chiếm đóng, và tuyên xưng “tình yêu dành cho nhân loại”. Nhưng vào lúc này, trong hoàn cảnh này, đây không phải là điều họ quan tâm. Thay vào đó, họ cảm thấy rằng trong cuộc đấu tranh giữa công lý và sự sinh tồn, sự sinh tồn phải chiến thắng, và trong cuộc đấu tranh giữa chính nghĩa này với chính nghĩa khác – của người Israel và của người Palestine – thì chính nghĩa của chúng ta phải chiến thắng, dù với bất cứ giá nào. Những ai nghi ngờ sự lựa chọn rõ ràng này, thì  Holocaust được coi là sự lựa chọn thay thế, cho dù nó không thực sự liên quan đến thời điểm hiện tại.

Cảm giác này không xuất hiện đột ngột vào ngày 7/10. Gốc rễ của nó sâu xa hơn nhiều.

***

Vào ngày 30 tháng 4 năm 1956, Moshe Dayan,lúc đó là tham mưu trưởng IDF, đã có một bài phát biểu ngắn mà sau này sẽ trở thành một trong những bài phát biểu nổi tiếng nhất trong lịch sử Israel. Ông đang nói chuyện với những người đưa tang tại đám tang của Ro’i Rothberg, một sĩ quan an ninh trẻ của Kibbutz Nahal Oz mới thành lập, được IDF thành lập vào năm 1951 và trở thành một cộng đồng dân sự hai năm sau đó. Kibbutz nằm cách biên giới với Dải Gaza chỉ vài trăm mét, đối diện với khu phố Shuja’iyya của người Palestine.

Rothberg đã bị giết một ngày trước đó, thi thể của ông bị kéo qua biên giới và bị cắt xẻo, trước khi được trả lại cho Israel với sự giúp đỡ của Liên hợp quốc. Bài phát biểu của Dayan đã trở thành một tuyên bố mang tính biểu tượng, được cả cánh hữu và cánh tả sử dụng cho đến ngày nay:

Sáng hôm qua Ro’i đã bị sát hại. Lóa mắt trước sự tĩnh lặng của buổi sáng, anh không nhìn thấy những người đang phục kích mình ở rìa luống cày. Ngày nay chúng ta đừng buộc tội những kẻ giết người. Tại sao chúng ta phải trách họ vì lòng căm thù cháy bỏng của họ đối với chúng ta? Trong 8 năm, họ đã sống trong các trại tị nạn ở Gaza, vì trước mắt họ, chúng ta đã biến vùng đất và những ngôi làng nơi họ và tổ tiên họ từng sinh sống thành tài sản riêng của chúng ta.

Chúng ta không nên tìm kiếm máu của Roi từ người Ả Rập ở Gaza mà từ chính chúng ta. Làm sao chúng ta có thể nhắm mắt và không đối mặt thẳng thắn với số phận của mình, không đối mặt với sứ mệnh tàn khốc của thế hệ chúng ta? Chúng ta có quên rằng nhóm những chàng trai này, sống ở Nahal Oz, đang gánh trên vai những cánh cổng nặng nề của Gaza, phía bên kia là hàng trăm nghìn con mắt và bàn tay đang cầu nguyện cho khoảnh khắc yếu đuối của chúng ta, để họ có thể xé nát chúng ta thành nhiều mảnh – chúng ta đã quên điều đó sao?…

Chúng ta là thế hệ định cư; không có mũ sắt và đầu súng đại bác, chúng ta sẽ không thể trồng cây và xây nhà. Con cháu chúng ta sẽ không có sự sống nếu không đào hầm trú ẩn, không có dây thép gai và súng máy chúng ta sẽ không thể trải đường, đào giếng nước. Hàng triệu người Do Thái đã bị tiêu diệt vì không có đất, họ đang nhìn chúng ta từ đống tro tàn của lịch sử Israel và ra lệnh cho chúng ta định cư và hồi sinh một vùng đất cho dân tộc mình. Nhưng bên ngoài ranh giới biên giới, một đại dương hận thù và thôi thúc báo thù trỗi dậy, chờ đợi khoảnh khắc bình tĩnh đó sẽ làm giảm bớt sự sẵn sàng của chúng ta, cho ngày mà chúng ta chú ý đến những âm mưu đạo đức giả, những người kêu gọi chúng ta hạ vũ khí…

Chúng ta đừng nao núng khi nhìn thấy sự ghê tởm đi kèm và tràn ngập cuộc sống của hàng trăm nghìn người Ả Rập sống xung quanh chúng ta và chờ đợi khoảnh khắc họ có thể chạm tới máu của chúng ta. Chúng ta đừng ngoảnh mặt đi kẻo tay chúng ta yếu đi. Đây là số phận của thế hệ chúng ta. Đây là sự lựa chọn của cuộc đời chúng ta – sẵn sàng, được trang bị vũ khí, mạnh mẽ và cứng rắn. Vì nếu thanh kiếm rơi khỏi nắm tay của chúng ta, mạng sống của chúng ta sẽ bị cắt đứt.

Ngày hôm sau, Dayan ghi âm bài phát biểu của mình cho đài phát thanh Israel. Nhưng có điều gì đó đã bị thiếu. Đã không còn nhắc đến những người tị nạn chứng kiến người Do Thái canh tác trên những vùng đất mà họ đã bị trục xuất, những người không nên đổ lỗi cho việc căm ghét những kẻ chiếm đoạt họ. Mặc dù anh ấy đã thốt ra những dòng này trong đám tang và viết chúng sau đó, nhưng Dayan đã chọn loại bỏ chúng khỏi bản ghi âm. Ông cũng đã biết đến vùng đất này trước năm 1948. Ông nhớ lại những ngôi làng và thị trấn của người Palestine đã bị phá hủy để nhường chỗ cho những người Do Thái định cư. Anh hiểu rõ cơn thịnh nộ của những người tị nạn bên kia hàng rào. Nhưng ông cũng tin tưởng chắc chắn vào nhu cầu cấp thiết và đúng đắn của việc định cư và trở thành nhà nước của người Do Thái. Trong cuộc đấu tranh giữa giải quyết sự bất công và chiếm lấy đất đai, anh đã chọn phe của mình, biết rằng điều đó sẽ khiến người dân của anh mãi mãi phải dựa vào súng ống. Dayan cũng biết rõ những gì công chúng Israel có thể chấp nhận. Chính vì sự mâu thuẫn của ông về việc tội lỗi và trách nhiệm đối với sự bất công và bạo lực nằm ở đâu, cũng như quan điểm bi thảm, tất định của ông về lịch sử, mà hai phiên bản bài phát biểu của ông cuối cùng đã thu hút được những định hướng chính trị rất khác nhau.

Nhiều thập kỷ sau, sau nhiều cuộc chiến tranh và máu chảy thành sông, Dayan đặt tiêu đề cho cuốn sách cuối cùng của mình là Thanh kiếm sẽ nuốt chửng mãi mãi? Xuất bản năm 1981, cuốn sách mô tả chi tiết vai trò của ông trong việc đạt được một hiệp định hòa bình với Ai Cập hai năm trước đó. Cuối cùng ông ấy đã biết được sự thật của phần thứ hai của câu Kinh Thánh mà từ đó ông ấy lấy tựa đề của cuốn sách: “Biết rằng bạn không phải cuối cùng sẽ là cay đắng sao?”

Nhưng trong bài phát biểu năm 1956, khi đề cập đến việc vác những cánh cổng nặng nề của Gaza và người Palestine chờ đợi một khoảnh khắc yếu đuối, Dayan đang ám chỉ đến câu chuyện trong Kinh thánh về Samson . Như những người nghe ông đã nhớ lại, Samson, người Israel, người có sức mạnh siêu phàm nhờ mái tóc dài, có thói quen đến thăm gái mại dâm ở Gaza. Người Philistines, những người coi anh ta như kẻ thù truyền kiếp của họ, hy vọng sẽ phục kích anh ta trước những cánh cổng bị khóa của thành phố. Nhưng Samson chỉ đơn giản nhấc cánh cổng lên vai và bước đi tự do. Chỉ khi tình nhân Delilah lừa anh ta và cắt tóc anh ta thì người Philistines mới có thể bắt và bỏ tù anh ta, khiến anh ta càng bất lực hơn bằng cách móc mắt ra (như những người Gazans đã cắt xẻo Ro’i cũng được cho là đã làm) . Nhưng trong một hành động dũng cảm cuối cùng, khi bị những kẻ bắt giữ chế giễu, Samson đã kêu gọi sự giúp đỡ của Chúa, chiếm giữ những cây cột của ngôi đền mà anh đã được dẫn đến, và đánh sập nó xuống đám đông vui vẻ xung quanh anh và hét lên: “Hãy để tôi chết cùng với quân Phi-li-tin!”

Những cánh cổng Gaza đó đã in sâu vào trí tưởng tượng của người Israel theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái, một biểu tượng của sự chia rẽ giữa chúng ta và những “kẻ man rợ”. Trong trường hợp của Ro’i, Dayan khẳng định, “sự khao khát hòa bình đã bịt tai anh, và anh không nghe thấy giọng nói giết người đang rình rập. Cánh cổng Gaza đè nặng lên vai anh ấy và khiến anh ấy gục ngã ”.

Vào ngày 8 tháng 10 năm 2023, Tổng thống Isaac Herzog phát biểu trước công chúng Israel, trích dẫn dòng cuối cùng trong bài phát biểu của Dayan: “Đây là số phận của thế hệ chúng ta. Đây là sự lựa chọn của cuộc đời chúng ta – sẵn sàng, được trang bị vũ khí, mạnh mẽ và cứng rắn. Vì nếu thanh kiếm rơi khỏi nắm tay của chúng ta, mạng sống của chúng ta sẽ bị cắt đứt.” Ngày hôm trước, 67 năm sau cái chết của Ro’i, các chiến binh Hamas đã sát hại 15 cư dân của Kibbutz Nahal Oz và bắt 8 con tin. Kể từ cuộc xâm lược trả đũa của Israel vào Gaza, khu phố Shuja’iyya của người Palestine đối diện với kibbutz, nơi 100.000 người đang sinh sống, đã không có người ở và biến thành một đống đổ nát khổng lồ.

./.

Bài liên quan: Xem tiếp phần 2:Trở về thăm Israel với nỗi niềm băn khoăn (tiếp theo)

Tác giả: Omer Bartov

Nguồn: As a former IDF soldier and historian genocide, I was deeply disturbed by my recent visit to Israel. (Với tư cách là cựu quân nhân IDF và sử gia về nạn diệt chủng, tôi vô cùng băn khoăn sau chuyến thăm Israel gần đây – GUARDIAN, 13.8.2024)

Omer Bartov là giáo sư sử học tại Brown University, Rhode Island, USA chuyên về Holocaust và nạn diệt chủng. Bartov được xem là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu trên thế giới về Holocaust, và là chuyên gia định hướng của các nghiên cứu về nạn diệt chủng.

Biên dịch và rút ngắn: Tôn Thất Thông


Xem Thêm :

Sự xuống dốc nguy hiểm về chiến lược của Israel 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét