17 thg 9, 2024

Chử Ngĩa Làng Văn Kỳ 15/9/2024 - Ngộ Không Phí Ngoc Hùng

Chữ nghĩa làng văn

***

Pháp danh

Tu hành thì có pháp danh, khác với cái tên đã thường dùng trước khi xuất gia gọi là tục danh, là tên ở ngoài đời, bởi đạo khác hẳn với đời. Đã có pháp danh thì thường có ý nghĩa thanh thoát, không còn dính líu gì đến cuộc đời ô trọc nữa.

Thảng như:

Chân Tâm, Nguyên Thiện, Trí Tịnh, Diệu Liên ...

(Tản mạn về cái tên – Thân Trọng An)

 Hai "cô hàng" đầu tiên của làng Tân nhạc Việt Nam

     (Cô hàng cà phê – Canh Thân)

Ở chợ Dầu có hàng cà phê

Có một cô nàng be bé xinh xinh

Cô hay cười hồn xuân phơi phới

Cứ xem dáng người mới chừng đôi mươi.

 

Làn thu ba cô liếc nghiêng thành

Mùi hương lan thơm ngát vương bên mình

Làm say mê bao gã thiếu niên đa tình

Mấy anh nho nhỏ thường hay đến ngồi cười với cô...

(Nhạc sĩ Lê Văn Thương)

Chữ là nghĩa

“Kon Tum” nằm ở phía tây dãy Trường Sơn.

Theo ngôn ngữ Ba Na thì Kon  làng Tum  hồ.

Vùng đất này ngày xưa hoang vắng với các sắc dân  

Xơ Đăng, Bana, Gia Rai sống thưa thớt.

(Tự điển dân gian - Chân Diện Mục)

Lán, và cải tạo

Thế lỷ 17, chúa Nguyễn Hoàng đưa một số dân Việt vào Quảng Nam (một hình thức kinh tế mới) lập các “lán” ở gần biên giới (Gia Lai, Đăk Lăk ?) để sống chung với người Chàm.

Tới chúa Nguyễn Phúc Khoát vẫn tiếp tục sách lược là tập trung dân tộc Chàm ở Thủy Xá và Hỏa Xá (Gia Lai Đăk Lăk) ở cao nguyên rừng sâu núi thẳm để ‘’cải cách’’ và ‘’tạo dựng’’ nơi ăn chố ở cung cấp nồi niêu xong chảo, gạo rau, bắt nguời Chàm mặc quần áo như người Việt.

Từ “lán” và “cải tạo” đã có từ thời chúa Nguyễn.

(Người Việt gốc Chàm – Nga Sơn)

Tản mạn về tiếng Việt


Cánh 

 

Cánh tay, cánh quạt, cánh cửa, cánh buồm, cánh đồng, cánh rừng, cánh quân, cánh tả (phái), cánh hữu (phái), cánh thời gian (Thời gian hỡi, dừng ngay cánh lại... O temps suspends ton vol, et vous, heures propices, suspendez votre cours....Le Lac của Lamartine, bản dịch của Khái Hưng).

 

Thực tình tôi chưa thấy ai dùng mạo từ cánh cho danh từ thời gian. Nhưng Khái Hưng, một trong hai nhà văn hàng đầu của Tự Lực Văn Đoàn đã bảo thời gian dừng cánh. Và nhà thơ Pháp Lamartine, trong kiệt tác Le Lac (Hồ Leman ở Thụy Sĩ) của ông đã bảo thời gian ngừng bay. Thì ngày nay nếu có ai mạnh dạn chắp (mạo từ) cánh cho (danh từ) thời gian, thì cũng có thể chấp nhận được. Càng làm giầu cho tiếng Việt thôi.

(Minh Võ)

Phố Kỳ Lừa

 Đứng trước các di tích đã được truyền tụng lâu nay, tôi chợt thắc mắc: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,…”
Thực tế Đồng Đăng là một huyện lỵ sát biên giới phía Bắc, xa Lạng Sơn trên 10km, cách Ải Nam Quan chừng 3km. Phố Kỳ Lừa nằm ngay thị xã Lạng Sơn, bên kia sông Kỳ Cùng.

Như thế câu ca dao trên đúng chăng? Có người cho biết chợ Lạng Sơn có cái cầu nhỏ gọi là cầu Kỳ Lừa.

(Trần Công Nhung – Về thăm Lạng Sơn)

Dương Nghiễm Mậu, bác đã đi rồi - 1

 Sau 1975, tôi và ông còn thêm một loại tình, Tình-sơn-mài.

Thưở đầu, tôi nghĩ Dương Nghiễm Mậu đến với nghề sơn mài trong một bận lòng, chờ thời, cái kiểu Thế Lữ tả nỗi Nhớ Rừng của loài hổ // Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt / Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua / Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ / Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẳm // 

Hóa ra không phải vy, Mậu là một kẻ chung tình, nghiêm túc, và yêu những gì mình đã chọn, ông sống luôn với nghề này cho tới phút cuối cuộc đời. Là một người cầm bút, hẳn ông đầy lòng si mê, và tận tụy với công việc mới của mình. Một ít sản phẩm sơn mài của Mậu, rất đáng là những tác phẩm nghệ thuật, nhưng ông vẫn luôn/chỉ nhận mình là một “Người thợ sơn mài”.

Lần gặp gỡ gần đây với nhau là ngày “Kỷ niệm Ba mươi năm ngày mất của Nhà thơ Hoàng Trúc Ly”. Hoàng Trúc Ly, của // Nhà anh nghèo anh đau tim yếu phổi / Đời lạnh lùng bốn hướng gió và mưa // Hoàng Trúc Ly, với  Ngoài kia buồn không, buồn không em / Xa hỡi ngàn xa bóng nhạn chìm. Do anh Mặc T. mời. Chúng tôi đến. Chào. Lại nụ cười. Tôi với ông, ông Mậu, cùng ngồi chung trên một chiếc ghế dài, loại ghế đệm xa lông. Hai chúng tôi cùng nhìn ra đường, sau lưng, xa chừng mười mét, là một sân khấu nhỏ, một diễn giả đang say sưa nói về thơ Hoàng Trúc Ly. Nhiều anh em mang máy hình, điện thoại, xin phép hai anh, cho em chụp hai anh một tấm hình. Nhìn hình, mỗi chúng tôi, dù được khen là rất còn phong độ, vẫn là hai ông già. 

 Buồn quá, Bác Dương thôi đã thôi rồi.

(Cung Tích Biền)

Tiểu sử  

* Dương Nghiễm Mậu tên thật: Phí Ích Nghiễm.  Sinh ngày: 19-11-1936 tại huyện Đan Phượng, Hà Đông. Mất ngày 2-8-2016 tại Sài Gòn.

Tác phẩm

Đêm tóc rối (1965), Cũng đành, Gia tài người mẹ, Tuổi nước độc, Ngày lạ mặt (1968), Địa ngục có thật (1969), Kinh Kha, con chuỷ thủ và đất Tần bất trắc

Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

“Xẩy: xẩy chân; xẩy đàn tan nghé; xẩy nhà ra thất nghiệp” 

Mục “xẩy” có ba từ ngữ đều sai cả. “Xẩy” (hay xảy) là dùng trong “xảy ra” (sự việc), khác với “sẩy” nghĩa là mất mát, rơi rụng, lỡ hụt, lìa tan… Theo đây, viết đúng phải là “Sẩy chân”, “Sẩy đàn tan nghé”, “Sẩy nhà ra thất nghiệp”.

(Hòang Tuấn Công)

Dương Nghiễm Mậu, bác đã đi rồi - 2

Thậm dài. Xin kết thúc.

Mậu, khỏe re rồi. Thanh thản rất mực, có thể ngồi quán Cái Chùa trên thượng giới cùng các tiên ông, Mai Thảo, QuáchThoại, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Khắc Khoan, Nguyên Sa, Thanh Nam…

Có điều tôi muốn thầm hỏi anh, tôi rất xin lỗi, vì anh chẳng cần một câu hỏi nào nữa:

“ Bốn mươi mốt năm qua, “uy vũ bất năng khuất”, anh có viết gì không? Anh để lại rất nhiều trong ngăn kéo? Con tằm vẫn âm thầm nhả tơ?”

Tôi rất muốn đọc những gì từ anh để lại. Từ những công bố về sau. Nếu không có gì để thế gian đọc, mà chỉ là “Niềm đau nhức của khoảng trống”[*], tôi vẫn chẳng trách anh, nhưng rất tiếc. Chẳng dám trách, vì tôi rất mực tôn trọng mỗi quyết định của mỗi con người. Nhưng rất đáng tiếc, văn học Việt Nam đành mất đi Những trang chữ, từ đó là chiếc gương soi, là phản chiếu của một phần lịch sử rất đáng ghi lại của Nhân-chứng-một-thời.

Tôi đã đọc Sáng Mùa Xuân, trong ấy có một câu, mọi người có thể lơ đãng đọc qua, nhưng tôi cho là có nhiều ý nghĩa, anh viết, “Làm kẻ sống sót, làm kẻ không chết thấy như một bản án...”

 Tôi mong đây chỉ là một cái nhìn minh triết, một Cửa Mở để giải tỏa Nỗi Đau phận người,  nhưng đó không là một Hố Thẳm, một Rào Chắn,  có hiệu năng chấm dứt cuộc Hành Xử đường trường chông gai, mà chúng ta mong đợi. Tôi vẫn tin anh có viết. Chỉ là chưa công bố mà thôi. Một nhân cách như anh, anh không thể gát bút, dưới một cường quyền, trong một hệ thống độc trị phi nhân, mà cả dân tộc này thề không muốn đội trời chung.

 Bảo toàn danh tiết, là một nhân cách đáng trọng. Nhưng sự bảo toàn ấy lại được bảo toàn từ một sự im lặng, mãi mãi hơn bốn mươi năm đối với một người cầm bút đầy tài năng, là một nghi vấn đau lòng.

Bái biệt anh, Ông Mậu.

 (Cung Tích Biền)

 Võ Hồng nhân cách và chữ nghĩa

 Quay sang một cách viết khác, chọn lựa đề tài khác cũng là một thái độ của người cầm bút, để người đọc thấy được anh Hương Quản Bọ Hung hành xử ra sao sau khi toàn thể đám côn trùng khu Đầm Lác được anh Bọ Hung đứng ra giữ gìn trật tự trị an… : “Thấy rồi! Thấy vì sao rồi. Mùi hôi không phải do chị Bọ Xít mà do những ngón chân của Bọ Hung dính đầy phân heo. Tôi mới lén bò lại gần coi rõ. Ngửi kỹ nữa. Mùi phân heo rõ ràng mà. Do phân heo nơi chân của ổng mới hôi nồng nặc cỡ đó”

 Không cố công cào xới, không vạch tìm ám chỉ, nhưng khi khép trang sách lại trên môi vẫn nở nụ cười, nhưng là nụ cười méo xệch với một chút thẫn thờ, một chút nhói đau trên suốt 30 truyện của Võ Hồng trong tập Chúng Tôi Có Mặt, lẫn lộn những tâm sự và tâm trạng chồng chất.

Cảm ơn ông, nhà văn Võ Hồng với tấm lòng nhân ái, những chất phác quê mùa thơm mùi bùn non, cứt trâu, cứt bò ngào ngạt trong cơn mưa lất phất cuối đông, làm ấm lên chút tình người mong manh, để lũ con cháu lang thang này còn nơi chốn mà nhớ về, tưởng đến với chút ngậm ngùi hè xưa nát lòng.

(Nguyễn Lệ Uyên)

Tiểu sử : tên thật Võ Hồng, bút hiệu khác: Ngân Sơn, Võ An Thạch. Sinh ngày 5.5.1921 tại Ngân Sơn, tỉnh Phú Yên.
Tác phẩm : Hoài cố nhân (1959), Vết hằn năm tháng (1966), Người về đầu non (1968), Bên kia đường (1968).

Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

 Xẻ: xẻ cơm nhường áo”

 Viết đúng phải là “Sẻ cơm nhường áo”.

Vì “Sẻ” đây là “sẻ” trong “san sẻ”, “chia sẻ”.

(Hòang Tuấn Công)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ  

 Ở đó, ta tìm thấy những nỗi niềm khắc khoải về cuộc sống, về số phận tác phẩm, về khát vọng sáng tạo của mỗi đời văn. Đôi khi, những trang viết của Vương Trí Nhàn sắc sảo đến lạnh lùng, nhưng ta vẫn đọc được ở đấy sự chia sẻ cần thiết, những ân tình tha thiết. Tất nhiên, không phải người viết lý luận phê bình nào cũng có được thuận lợi như ông, do công việc nghề nghiệp mà được tiếp cận với nhiều nhà văn. Nhưng, nếu không có một ý thức lao động nghề nghiệp nghiêm túc như ông, chắc lẽ cũng không phải ai cũng có được những trang viết như ông.

Trong dịp này, cùng với Hà Vinh, Vương Trí Nhàn còn chỉnh lý, biên soạn cuốn Có những nhà văn như thế, một cuốn sách đáng đọc và rất cần cho bất cứ ai yêu mến văn chương. Cuốn sách tập hợp 64 chân dung nhà văn từ Cervantes, Rabelais, Hugo, Balzac… qua Hemingway, Faulkner, Brecht đến các cây bút đoạt giải thưởng Nobel những năm gần đây: Naipaul, Jelinek, Heaney… Một cuốn sách “làm mới các bậc thày cổ điển bằng cái nhìn hiện đại và phân tích khả năng trở thành cổ điển của nhữung nhà văn còn đang sống và tiếp tục viết.”

 (Vương Trí Nhàn và những nỗ lực bền bỉ - Nguyên Trường)

 Một mảng văn học bị bỏ quên, bỏ qua - 1

 Chính nhà văn người miền Nam phủ nhận và bỏ qua:

 Một vài nhà văn, thơ trong nhóm Đông Hồ đã phủ nhận văn chương ở miền Nam thời kỳ này nên bỏ qua, không nhắc đến ngay cả Hồ Biểu Chánh, vì họ chọn tiêu chuẩn làm văn chương là Nam Phong và lấy Nam Phong làm diễn đàn, và cũng chính vì thế mà từ thời đó cho đến nay, họ được biết đến nghĩa là được các nhà viết văn học sử gốc miền Bắc công nhận.

Văn học miền Nam. Văn học Hà Tiên? Chiêu Anh Các, Hà Tiên thập cảnh, Khúc vịnh Đông Hồ. Nội dung cuốn sách là những khóa giảng ở Đại học Văn khoa những năm 1966-1969. Đông Hồ chỉ nói đến văn chương chữ nôm, chữ Hán mà thôi, không nói gì đến văn chương chữ quốc ngữ, vì chỉ có văn chương của nhóm Trí Đức học xá mới là văn chương, nhưng chả nhẽ Đông Hồ lại nói về mình: Dĩ nhiên Đông Hồ có nói những lý do phủ nhận bỏ qua văn chương thời kỳ này ở miền Nam ngay từ thời ấy ở báo "Sống" (1935) và ở các báo khác sau này (như số Văn, tưởng niệm Hồ Biểu Chánh, số 8 ngày 15/8/67).

Nhưng độc giả miền Nam lại coi nhóm Đông Hồ như những đứa con hoang; Trong chỗ riêng tư, ông Vương Hồng Sển thường nói đùa: Đông Hồ là nhà văn Bắc Kỳ. Hơn 30 năm sau, Đông Hồ mới nói rõ lý do tại sao nhóm ông phủ nhận văn chương ở miền Nam thời đầu thế kỷ trong bài: "Hồ Biểu Chánh, nhà văn bạch thoại miền Nam" . Đông Hồ kể sau khi Trúc Hà viết bài "Lược khảo..." ít lâu, ông lên Saigon nghe Thiếu Sơn trách tại sao "Chúng tôi biên khảo về tiểu thuyết mà lại bỏ quên, không đả động đến một nhà văn tiểu thuyết lớn trong Nam là Hồ Biểu Chánh".

Đông Hồ trả lời: "Bài biên khảo đó như nhan bài đã nêu, Trúc Hà chỉ nhìn một phương diện văn chương, chỉ theo dõi sự phát triển của văn chương quốc ngữ trong lối viết chữ quốc ngữ mà thôi, chứ không phải là một bài biên khảo về tiểu thuyết toàn diện".

Theo câu trả lời của tôi lúc đó, đủ chứng tỏ rằng Trúc Hà và tôi không nhận thấy tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh có "văn chương". Đã không thấy trong đó có văn chương thì có thấy đâu trong đó có sự tiến hóa của quốc ngữ mà nêu ra vấn đề...

(Lê Tấn Tài giới thiệu và trích dẫn)

 Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 To... nhỏ

Trên một con đường rất to có một ngôi nhà rất nhỏ.

Trong ngôi nhà rất nhỏ có một cái giường rất to.

Trên một cái giường rất to có một người đàn ông rất nhỏ.

Trên người đàn ông rất nhỏ có một cái quần rất to.

Trong cái quần rất to có một cái gì nho nhỏ.

 

Cái nho nhỏ đó là cái... bật lửa!

 Một mảng văn học bị bỏ quên, bỏ qua - 2

Những tác giả gốc Bắc làm văn học ở miền Nam

Những người ở miền Bắc bỏ quên mảng văn học này nếu chỉ vì không biết là điều hiểu được, nhưng có những người vào Nam, sinh sống hẳn trong này lâu lắm, làm báo, giảng dạy văn học ở các trường, viết sách văn học, mà cũng bỏ quên không biết đến vì một quan điểm văn học. Phê bình và cảo luận (Critique de la Littérature moderne et quelques essais littéraires). Soạn giả Thiếu Sơn in lần thứ nhất có 12 bức hình. Văn học tùng thư (Editions Nam Ký, Hanoi, 1933). Thiếu Sơn vào Saigon làm báo, tiểu thuyết, sau gom lại in thành tuyển tập "Phê bình và cảo luận".

Trong số 12 bài phê bình nhân vật và sách chỉ có một người miền Nam duy nhất được nói tới là Hồ Biểu Chánh (các tác giả kia là Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Nguyễn Khắc Hiếu, Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Tuấn Khải, Tương Phố, và các tác phẩm Tố Tâm, Người vợ hiền, Quả dưa đỏ).

Thiếu Sơn diễn thuyết tại Hội Nam Kỳ khuyến học ở Saigon về "Báo giới và văn học quốc ngữ " nhưng chỉ nói về báo chí, học giả miền Bắc (trong hai tờ Đông Dương tạp chí và Nam Phong) và về ảnh hưởng văn học của hai tờ trên ở Nam Kỳ đặc biệt đối với nhóm ông Đông Hồ, Trúc Hà, Trọng Toàn.

Vào miền Nam, ở miền Nam, nhưng nói viết vẫn hướng về miền Bắc, lấy tiêu chuẩn văn học miền Bắc (đối với Thiếu Sơn lúc đó là Nam Phong) và sau cùng ra sách cũng gửi về Bắc in.

Tiếp theo sau Thiếu Sơn, hàng loạt những nhà văn, nhà báo, nhà giáo vào Nam hồi 1954 cũng vẫn viết báo, in sách, giảng dạy văn học sử Việt Nam bỏ quên hoặc bỏ qua mảng văn chương kể trên ở miền Nam, nhắc lại những luận điểm của Vũ Ngọc Phan, Dương Quảng Hàm...

Chẳng hạn Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học sử giản lược tân biên, tập 3, văn học hiện đại 1862-1945" (Quốc học tùng thư, Saigon, 1965). Tập ba có 661 trang trừ hai chục trang dành cho "Buổi đầu của văn quốc ngữ" với Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của và 13 trang dành cho Hồ Biểu Chánh, còn lại toàn dành cho văn học miền Bắc. Chỉ mình nhóm Đông Dương tạp chí và Nam Phong chiếm trên 300 trang.

Riêng về tiểu thuyết cũng khẳng định những Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn là những người tiền phong viết truyện ngắn và Nguyễn Trọng Thuật, Hoàng Ngọc Phách là những người viết truyện dài thành công đầu tiên.

(Lê Tấn Tài giới thiệu và trích dẫn)

 Hà Nội trong mắt người trí thức

Đào Tuấn  : Là những trí thức ấy không hèn. Họ biết con đường phải đi nhưng không đủ sức để đi. Đành chờ cho thế cuộc xoay vần sao?

Nguyễn Huệ Chi  : Cũng còn do ở hoàn cảnh. Khoảng năm 1958 sau khi nhóm Nhân Văn Giai Phẩm bị tai nạn thì người nào cũng giữ mình. Không ai dám lên tiếng bênh ai dù biết rằng những tiếng nói như Mười năm, Sắp cưới, Mở hầm, Vào đời, Phở và nhiều bài trên tuần báo Văn... chẳng liên quan gì đến Nhân văn Giai Phẩm.

Nhưng cũng có một ít người như Nguyên Hồng cương trực bỏ Hà Nội đưa cả gia đình về ấp Đồi Cháy, Hữu Loan bỏ Hà Nội về Thanh Hóa đi cày…Giữa một xã hội mà ai ai cũng chấp nhận sự cào bằng thì còn ai dám làm một cái gì gọi là sáng tạo độc đáo.

Nhưng chủ yếu thì vẫn là do người trí thức tự giới hạn mình, tự kiểm duyệt mình và lâu dần điều đó trở thành tiềm thức, như một thứ phản xạ có điều kiện. Giống như con cá trong bể, mới bỏ vào bể nó nhìn ra tưởng ngoài kia cũng là nước liền đâm đầu vào mặt kính và cố nhiên phải quay trở lại, nhưng sau nhiều lần đâm như thế nó biết rằng chỗ này đi qua không được bèn nẩy sinh một thứ phản xạ có điều kiện, hễ đến sát mặt kính là quay lại thôi. Ông Nguyễn Khắc Viện đã đưa ra ví dụ trên đây để nói trí thức chúng ta tạo được thói quen tự kiểm duyệt mình như thế nào.

ĐT : Theo giáo sư thì có thể phác họa những nét đặc trưng của diện mạo trí thức Hà Nội ngày nay không? Đặc biệt là trí thức trẻ. Khi thế giới đã bước những bước rất dài, chúng ta "dường như" đã bị tụt hậu về tư tưởng, và lỗi đó trước hết thuộc về trí thức?

NHC: Thì đúng thế. Nhưng biết làm thế nào được. Diện mạo trí thức Hà Nội hôm nay xét cho kỹ vẫn chưa xa sĩ phu Thăng Long thuở xưa bao nhiêu đâu. Đời sống bao giờ cũng có sự kế thừa, và một bước nhảy đứt đoạn là ảo tưởng. Phải tích cực tạo ra những điều kiện xã hội cho bước nhảy ấy.

ĐT : Thế thì làm sao họ đáng gọi là sĩ phu Thăng Long của hôm nay? Của một thế giới đang toàn cầu hóa và hậu hiện đại?

NHC : (cười rất to).

ĐT : Cảm ơn Giáo sư Nguyễn Huệ Chi rất nhiều.

(phỏng vấn Gs Nguyễn Huệ Chi - Đào Tuấn)

 Bản Bolero đầu tiên của âm nhạc Việt

 Ca từ của Nắng chiều giàu tính văn học, giàu chất thơ, tỏ rõ tác giả là con người từng thẩm thấu một cách sâu đậm văn chương Việt Nam:

“Qua bến nước xưa lá hoa về chiều/Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa/Khi đến cuối thôn chân bước không hồn/Nhớ sao là nhớ đến người ngày thơ…

Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy/ Dịu dàng nhìn anh dôi mắt long lanh/ Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm/ Má em màu ngà tóc thề nhẹ vương.

Nay anh về qua sân nắng/ Chạnh nhớ câu thề tim tái tê/ Chẳng biết bây giờ người em gái duyên ghé về đâu?/ Nay anh về nương dâu úa/ Giọng hát câu hò thôi hết đưa/ Hình bóng yêu kiều kề hoa tím biết đâu mà tìm.

 Anh nhớ xót xa dưới tre là ngà/Gợn buồn nhìn anh, em nói ‘mến anh’/Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi/Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi”.

Bạn để ý đấy, một bài tình ca rất lãng mạn nhưng không hề có động từ “yêu” hay danh từ “người yêu” nào trong đó. Ngay cô gái ngày ấy cũng chỉ được mô tả là “Gợn buồn nhìn anh em nói mến anh” chứ không nói “yêu anh”, bởi nói “yêu anh” thì nghe phàm tục quá! Đúng ra, có một chỗ tác giả viết “Hình bóng yêu kiều kề hoa tím, biết đâu mà tìm” nhưng “yêu kiều” ở đây là tính từ mất rồi. Tình ý của ca khúc thật nhẹ nhàng nhưng quá đỗi sâu lắng, say đắm, nhớ nhung.

 (Vũ Đức Sao Biển)

 Nâu sồng

 Sồng là một loại cây dùng vỏ nấu thành màu đỏ sẫm dùng để nhuộm vải, thường nhuộm sồng trước, sau đó mới nhuộm nâu thì vải mới bền.

 Pháp danh

Tu hành thì có pháp danh, khác với cái tên đã thường dùng trước khi xuất gia gọi là tục danh, cũng có khi gọi là thế danh, là tên ở ngoài đời, bởi đạo khác hẳn với đời .

Đã có pháp danh thì thường có ý nghĩa thanh thoát, không còn dính líu gì đến cuộc đời ô trọc nữa như Trí Tịnh , Diệu Liên ...

Làng văn xóm chữ - 1

 

Nguyễn Đắc Điều hỏi : Chị đi hát trong hoàn cảnh nào ?

Thái Thanh : Tôi hát trong cái hoàn cảnh anh Phạm Đình Chương chơi đàn với bạn của anh ấy là ông Nguyễn Cao Kỳ. Hồi nhỏ ở Hà Nội, ông Kỳ thường hay đến nhà tôi đánh đàn. Hai ông ấy là bạn học với nhau, chơi thân nhau lắm. Rồi tới một ngày không biết nổi hứng sao đó, anh Chương lôi tôi ra dạy cho tôi hát và hai ông ấy đệm đàn. Lúc đó tôi còn bé lắm, đâu chừng mới mười tuổi.

 

Tiếng anh Nguyễn Đắc Điều hỏi tiếp chị Thái Thanh : Sau khi chính thức ly dị với anh Lê Quỳnh rồi, cuộc sống tình cảm của chị ra sao ?

Thái Thanh : Khi tôi với anh Lê Quỳnh chia tay tôi còn trẻ lắm. Như thế các anh hiểu là có nhiều người đàn ông theo đuổi tôi...

Nguyễn Đắc Điều : Vậy chị chấm ai ?

Thái Thanh : Đôi ba người... Gọi là bạn... Bạn trai... Nhà ai nấy ở mà. Đi chơi với nhau thì có chứ lấy làm chồng thì không.

 

(Đỗ Tiến Đức)

Thưởng trà

 

Ông Nguyễn Tuân tuy cũng là con quan và ắt cũng thấy, nhưng tôi thấy ông chỉ kể những điều kỳ và lạ về huyền thoại uống trà, mà chưa nói lên được cái tinh và cái thần của buổi thưởng trà.
Ông Nguyễn Tuân rất có tài viết văn. Nhưng một ông ăn mày (xưa là người khá giả, từng nghiện trà và nghèo vì nghiện trà) làm sao lại nhận thấy mùi vỏ trấu, trong khi chỉ có một cái vỏ trấu...nằm tuốt luốt dưới đáy bình trà?


Tôi cũng “cực lực phản đối” cái truyền thuyết về " Trảm mã trà " .  Người Tầu từ ven đồi, cỡi ngựa lên đỉnh núi Vũ Di , cho ngựa ăn búp trà trên cây, rồi phóng ngựa về, giết ngựa ...lấy trà ra ...thì cái trà đó làm sao còn... thanh khiết nữa,
Thế nên tôi mạo muội viết mấy giòng, để ngày nay , các bạn thấy được cái chất thanh tao của buổi thưởng trà của các cụ ta xưa. Đó là cái tính nhàn nhã, thanh tao thi vị của buổi thưởng thức:  cảnh + thơ + trà của các cụ.

(Chân Diện Muc)

Làng văn xóm chữ - 2

 

- Tôi có nghe dư luận về chị và nhà văn Mai Thảo.

- Vâng. Tôi với anh Mai Thảo thân lắm.

- Hai người có liên hệ tình cảm gì không ?

Thái Thanh : Có liên hệ tình cảm. Nhưng khi mà tôi còn ở với chồng... và dù bỏ chồng rồi thì... anh Mai Thảo anh ấy rất quý tôi đến cái độ tôi muốn thế nào anh ấy chiều như thế. Nhưng mà tôi, tôi cổ lỗ sĩ lắm, các ông ạ. Hễ không có cưới là không có ăn ở với nhau. Cho nên tôi và anh Mai Thảo không có ăn ở với nhau.

 

- Cuốn tiểu thuyết Mười Đêm Ngà Ngọc của Mai Thảo, có phải anh ấy muốn nói về chị ?

Thái Thanh : Tôi không biết, hay là anh ấy viết...

Hỏi : Chị có đọc cuốn sách ấy không ?

Thái Thanh : Tôi là người đọc sách đọc báo nhiều nhưng giờ tôi không nhớ cuốn sách ấy câu chuyện nó như thế nào...

Hỏi : Chị nghĩ thế nào về anh Mai Thảo ?

Thái Thanh : Vâng, tôi quý lắm. Tôi có cái đặc biệt là, ở với chồng, rồi không ở với chồng, tôi rất quý chồng. Chơi với bạn, như với anh Mai Thảo và vài người bạn dù sau này không chơi nữa, cũng vẫn quý nhau.

 

(Đỗ Tiến Đức)

Học lại chữ Hán

Ta không có động từ chém, nhưng ta có danh từ buồm.

Nhiều nhà học giả ta băn khoăn hỏi những chiếc thuyền khắc chạm trên trống đồng là thuyền đi sông hay đi biển mà không thấy buồm. Xét qua ngôn ngữ, ta có thể đoán rằng thuở ấy ta đã biết đi biển, vì ta có danh từ buồm.

Quan-thoại nói Fảl; Quảng-đông nói Fàl; Hán Việt nói Phàm; nhưng tiếng Việt là Buồm thì chắc chắn là không có sự vay mượn ở danh từ đó.

 

(Gương mặt dân Lạc Việt qua ngôn ngữ Việt – Bình Nguyên Lộc)

 Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết

Trong Việt Nam Văn Học Sử của Dương Quảng Hàm chép truyện cụ Trạng trình Mạc Đĩnh Chi đi sứ sang Tàu, gặp lúc công chúa Tàu chết, cụ đọc bài văn tế trong đó có câu “Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, nguyệt tận!...Xin kính hưởng” được vua Tàu khen và đi vào văn học sử nước nhà.

Tuy nhiên theo Kiến Văn Tiểu Lục của cụ Quế Đường Lê Quý Đông thì của bài thơ trên trong sách Thuyết Phu kể chuyện Dương Ức, đời Tống khi làm văn tế hòang hậu vua Tống Chân Tông là “Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!...Phụng duy thượng hưởng”.

Cây ngô đồng - 1

Cây ngô đồng, một loại cây được cho là quí hiếm. Cổ thi có câu: - ngô đồng nhứt diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu (một lá ngô đồng rụng thiên hạ biết thu tới). Kiều cũng có câu

- Thú vui thuần hức bén mùi, giếng vàng đã rụng một vài lá ngô.

 Nhớ sách cổ đã ghi - cây ngô đồng mỗi cành có 12 lá, tương ứng với thời tiết hàng năm.

Chim phượng hoàng là giống chim nếu không phải cành ngô đồng thì không đậu. Nhạc sư Hoáng thời tiền cổ Trung Hoa, chọn gổ cây ngô đồng chế ra cây đàn cầm. Khi làm đàn xong mỗi lần tấu lên, phượng hoàng bay về đậu trước sân, múa theo điệu nhạc....

 Cây ngô đồng là cây gì mà quí tới như vậy. Thi sĩ Lưu Nguyễn, bạn tôi quê Quảng Nam, nói ở ngoài Trung ngô đồng nhiều lắm, ở Huế trong các lăng Gia Long, Minh Mạng cũng trồng thành hàng. Anh tỉ mỉ tả cây ngô đồng cho tôi nghe, cuối cùng tôi cũng không biết là cây gì.

- Bóng trăng vừa xế cành ngô, giấc hoè dìu dịu, chăn cù êm êm (Bích Câu Kỳ Ngộ).

 Lịch sử người Hoa ở Chợ Lớn

 Vào năm đó (1679), nhà Nguyễn có một trại lính đóng tại vùng đất Gia Định. Miền đất sau này có tên Gia Định thuộc về Thủy Chân Lạp, người Việt gọi là Đàng Thổ.

Theo G. Maspéro, M. Pelliot), những sách biên niên sử thời nhà Đường bên Tầu, có ghi chép vào sau thời Chen-long (705-706), Chân Lạp gồm có hai vùng, một vùng trũng ủng là Thủy Chân Lạpmột vùng khô là Thổ Chân Lạp .

Vào thế kỷ thứ 14, nước Chân Lạp bị nước Mã Lai xâm lăng, chịu thần phục nước nầy. Sau đó lại bị Xiêm La thống trị. Chiến tranh xẩy ra khi Chân Lạp vùng dậy làm lãnh thổ bất an, nhất là vùng biên giới Xiêm – Chân Lạp.   Nhiều người dân sinh sống vùng Lục Chân Lạp như Mã, Chàm, Việt, Chân Lạp, cùng lính đào ngũ chạy loạn, một số chạy xuống vùng trũng Thủy Chân Lạp để được an toàn. Vùng này trở nên một vùng đất “đa văn hóa”, dân tương đối mạnh ai nấy sống trong “hòa nhi bất đồng”. Trong lúc đó, thế lực trung ương tại triều đình Chân Lạp không đủ mạnh, lại thêm hoàng gia chia rẽ liên miên giữa các phe thân Xiêm, Lào hay Việt.

Năm sáu năm trước khi vụ Dương Ngạn Địch xin tỵ nạn, tức1673-1674, hai phe quyền lực chính trị đã nổ ra cuộc tranh chấp quyền lực: một bên là hai anh em Nặc Đài và Nặc Thu, bên kia là hai bác cháu Nặc Tân và Nặc Nộn Phe Nặc Tân – Nặc Nộn (sử Việt viết là Nặc Ông Chân, Nặc Ông Nộn) cầu cứu chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1620-1687).

Triều đình Đàng Trong cho 3000 quân qua giúp Nặc Ông Nộn để bảo vệ vùng Đồng Nai, đánh thắng quân Miên tại Mỗi Xuy (Mô Xoài), bắt Nặc Ông Chân về giam tại Quảng Bình. Đến năm 1674, Nặc Ông Chân chết. Năm 1677, Nặc (Ông) Đài thua chạy, bị đồng bọn giết.  Chúa Hiền đề ra một giải pháp có ảnh hưởng tối quan trọng cho sau này. Ông phong cho Nặc Ông Thu làm chính vương, đóng đô tại Udong (Nam Vang), và Nặc Ông Nộn đóng đô tại Prei Nokor.

 (Huỳnh Thị Mỹ Nhàn)

Võ Kỳ Điền với thảo mộc

 Cây ngô đồng - 2

Cây ngô đồng (firmiana simplex) người Anh gọi Chinese parasol tree. Cây cao trung bình từ 12 đến 15 thước. Có nhiều ở Việt Nam, Trung Hoa, Nhựt Bổn....

Loại cây rụng lá hằng năm. Hoa nở vào mùa xuân, cánh hoa thon dài như hoa ngọc lan màu trắng ửng nhụy vàng, bao lấy chùm trái nhỏ như hạt tiêu ở giửa. Trong những công viên ở Nhựt, Trung Hoa, ngô đồng có tàn lá như chiếc dù che cả một vùng rộng lớn.

Vì thuộc họ Trôm nên thoạt nhìn thấy giông giống như cây vông, cây trôm... Người Nam thường lầm lẫn cho ngô đồng là cây vông đồng. Nếu là cây vông nem thì gỗ sốp, mềm lắm, da có gai, chỉ dùng làm guốc vông, lá để gói nem.

Để nhớ lại một thời

Hoài niệm xe đò - 1

Giao thông kết nối khắp nơi, nhu cầu đi lại của người dân càng nhiều, tạo thành thời vàng son của xe đò. Chiến tranh Đông Dương nổ ra, Nhật vào chiếm miền Nam, xăng dầu khan hiếm, bị giám sát chặt chẽ, ngành xe đò suy giảm, một số hãng xe hoạt động cầm chừng và phải thay đổi nhiên liệu cho xe hoạt động.

Sơn Nam kể: “Xe hơi chở khách phải dùng “ga”, hiểu là than củi tràm, bỏ vào cái thùng tròn đặt bên hông xe phía sau. Trước khi cho xe nổ máy thì quạt cho than tràm cháy, hơi ga ấy bị đốt, gây sức ép cho máy xe chạy, gọi “Autogène”, theo mô hình của Kỹ sư Thịnh Hưng Ngẫu chế tạo ở Sài Gòn”.

 Hình ảnh chiếc xe đò nhỏ chạy bằng than đốt trong cái thùng phía sau xe được lặp lại từ năm 1975 đến 1985, chắc người Sài Gòn tuổi trung niên trở lên đều biết rõ. Tôi từng đi loại xe sử dụng nhiên liệu này, mỗi lần chui vào cửa xe phía sau là đều phải cẩn thận với cái thùng than cháy nóng được treo dính ở đuôi xe.

 (Trang Nguyên)

Nhất mệnh, nhì vận, tam âm công,

tứ phong thổ, ngũ độc thư

 Người xưa dậy rằng "Nhất mệnh, nhì vận, tam âm công, tứ phong thổ, ngũ độc thư".

 Ý là số phận con người còn phụ thuộc rất nhiều vào mồ mả và phúc đức ông bà, tổ tiên để lại, còn chuyện học hành, cố cho lắm mà không gặp thời vận thì cũng chỉ là tên cuồng nho, mọt sách mà thôi. Xưa nay, có biết bao người dốt mà làm nên sự nghiệp xây sẵn một sinh phần (huyệt mộ).

Để nhớ lại một thời

Hoài niệm xe đò - 2

 Thường thì người ta chỉ cải tiến xe đò lỡ – tức là loại xe Renault cũ xì từ giữa thập niên 50. Tuy giới lái xe gọi đó là xe đò hỏa tiễn nhưng nó chạy chậm hơn xe chạy xăng hoặc dầu. Có lúc xe chạy ì à ì ạch khi than cháy không hết, lơ xe phải dùng thanh sắt mở lò đốt cời than. Hoặc thỉnh thoảng gặp đường vồng xóc, than văng ra khỏi cửa thông không khí, rớt xuống đường cháy đỏ rực. Vô phúc cho chiếc xe đạp nào chạy phía sau tránh không kịp, cán phải cháy lốp xe. Xe đò hỏa tiễn chạy những đường ngắn như Sài Gòn – Long Khánh, Chợ Lớn – Cần Giuộc – Gò Công, Sài Gòn – Long An, còn xe đò dài vẫn chạy bằng xăng dầu, nhưng không còn nhiều như trước.

Trên mui phía đầu xe thường có thùng phuy nước dùng để làm nguội máy, kế tiếp là nơi chở hàng hóa, xe gắn máy, xe đạp cho khách buôn chuyến và khách đi tỉnh xa.

(Trang Nguyên)

 Tìm lại tam cúc

Thơ về tam cúc của lũ nhóc tì đánh bài với con mèo chắc chỉ có một bài. Của một thi sĩ có thời được coi là “thần đồng”. Nhưng tam cúc của những người vừa chớm tuổi yêu đương coi bộ nở rộ hơn. Khi chúng tôi còn ngây thơ trong chiếu tam cúc thì có các anh chị lớn hơn đã dựa vào tam cúc để la cà vào những chuyện chẳng…tam cúc chút nào.

Như nhà thơ Hồ Dzếnh:

ngày Tết mải chơi tam cúc

không hay anh tới sau lưng

ghé lại gần anh mách nước

kết luôn xe pháo mã hồng

ô ván bài em đỏ quá

đỏ như đôi má ngày xuân

em có ăn trầu đâu nhỉ

mà sao người thấy bâng khuâng.

 (Song Thao)

 Tết Mậu Thân bốn mươi năm sau (1968-2008)

Tuy nhiên ở một tài liệu ‘Tuyệt Mật’ (21), khác

 (21) “Information on the victory of our armed forces in Huê from 31 January to 23 March 1968” (CDEC Doc Log No. 05-1131-68) Online: http://snipurl.com/21hrc [www_vietnam_ttu_edu], February 15, 2008.

 mang tựa đề “Thông tin về chiến thắng của quân ta tại Huế từ 31 tháng 1 đến 23 tháng 2 1968”, cộng sản Việt Nam đã xác nhận:

Ở quận Hương Thủy, … khi ta tấn công trại tự vệ, quân địch vì quá sợ hãi đã lội qua sông dù không biết bơi và 20 trong bọn chúng đã chết đuối. Tổng cộng ta diệt 1.938 quân địch; 774 đầu hàng kể cả 670 tên thuộc chính quyền bù nhìn. Ta cũng giết một đảng viên trung ương của Đại Việt, một thượng nghị sĩ Việt Nam, 50 đảng viên Quốc Dân đảng, 6 đảng viên Đại Việt, 13 đảng viên đảng Cần Lao Nhân Vị, 3 đại uý, 4 trung uý, …

 Phú Vang …Ta đã diệt 1.892 nhân viên hành chánh, 38 cảnh sát, 790 cường hào, sáu đại uý, 1 trung uý, 20 thiếu uý và nhiều sĩ quan trừ bị…”

(Trích bản dịch tài liệu “Tuyệt Mật” của cộng sản Việt Nam bị tịch thu vào tháng Tư, 1968)

“Tin Chiến Thắng Huế” (Tuyệt mật) .  Nguồn: vietnam.ttu.edu

http://www.dcvonline.net/images/102008/tuyetmat.jpg

Tài liệu kể thành thích chiến thắng trên đây không đồng ý chút nào với cả hai ông học giả Porter (ta tiêu diệt dân Huế thay vì Mỹ đánh bom chết người) và Đại tá Việt Cộng, nhà báo Bùi Tín (báo cáo thành tích diệt “kẻ thù của cách mạng” như trên chắc chắn không phải là cách “không cho cấp trên biết”).

 Vài trong nhiều nhận thức sai về biến cố Mậu Thân

Yếu tố bất ngờ – Không có dấu hiệu cho biết trước sẽ có cuộc Tổng tiến công, Tổng nổi dậy của Việt cộng vào Tết Mậu Thân.

Thực ra, ngày 20 tháng 12, 1967 Tướng Westmoreland gởi điện cho Washington cho hay ông tin rằng quân cộng sản “sẽ có những cố gắng trên toàn quốc, có thể là cố gắng tối đa, trong một khoảng thời gian tương đối ngắn.” (22)

(22) Nineteen Sixty-Eight (Vietnam Experience), Stephen Weiss, Clark Dougan, Boston Publishing Company, p11

(Trần Giao Thủy)

Bức tượng “Thương Tiếc”

Sau khi Tổng thống Thiệu ký tên vào bức “tốc họa”, anh Thu chỉ có 3 tháng để hoàn tất công trình tượng đài trước ngày 1/11/1967, ngày Quốc khánh của VNCH.

Vấn đề trước mắt là đi tìm “người mẫu” Võ Văn Hai trong quán nước ngày trước tại Gò Vấp. Anh đã tìm đến đơn vị của Hạ sĩ Hai và gặp vị thiếu tá phụ trách đơn vị. Thoạt đầu khi nghe anh Thu trình bày vấn đề, vị thiếu tá có vẻ băn khoăn, suy tính… nhưng khi thấy tận mắt bức họa có chữ ký của Tổng thống Thiệu, ông lại hãnh diện khi có người lính thuộc đơn vị nhảy dù của mình được chọn làm biểu tượng cho người lính VNCH tại nghĩa trang…

Vị thiếu tá còn ra lệnh cho tập họp đại đội với súng ống đầy đủ để anh Thu chọn “người mẫu”, vì theo ông, trong đơn vị có nhiều người cao to tới 1,7 hoặc 1,8 mét, còn Hạ sĩ Hai chỉ cao chừng thước 1,6… Chính ông Thiếu Tá cũng chọn được 4 người lính lực lưỡng trong hàng đầu còn anh Thu thì chỉ réo tên Võ Văn Hai ở gần cuối hàng quân.

 Anh Thu được giao 5 người lính nhảy dù để làm mẫu cho bức tượng Thương Tiếc trong vòng 3 tháng. Anh cũng nói riêng với các “người mẫu”, sự thật anh chỉ cần Hạ sĩ Hai, nhưng tất cả đều được nghỉ phép 3 tháng tại Sài Gòn với điều kiện chỉ được mặc quần áo dân sự để không bị quân cảnh làm khó dễ.

Chính hình ảnh Võ Văn Hai ngồi tiếc thương bạn trong quán nước đã ám ảnh anh Thu để sáng tạo ra bức tượng “Thuơng Tiếc” ngồi trước cửa Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Ngày ngày, anh Hai trong bộ quần áo dân sự đạp xe lên nhà anh Thu, tại đây anh thay bộ quân phục, với ba lô, súng đạn đầy đủ để ngồi làm mẫu.

Một hôm, khi bức tượng gần hoàn chỉnh chỉ còn thiếu chi tiết khuôn mặt, anh Thu đã cố tình để cho người lính ngồi một mình trong phòng, còn anh kín đáo quan sát qua bông gió trên tường.

Đây là dụng ý của nhà điêu khắc muốn để anh ngồi một mình nhớ đến người bạn đã qua đời.

(Nguyễn Ngọc Chính)

Nông cổ mín đàm

Những chữ “kỳ quái” trên là tên tờ báo vào lúc báo chí nước ta còn trong giai đoạn phôi thai do một người Pháp lập ra. Ngay ở dưới tên Nông cổ mín đàm còn có câu tiếng Pháp: Causeries sur l’Agriculture Et le Commerce, nghĩa là những chuyện về nghề nông và nghề thương.

Nông là nghề thương, cổ là nghề buôn bán. Mín là chữ viết sai, đúng ra là mính nghĩa là đọt trà non. Đàm là nói chuyện.

Nông cổ mín(h) đàm là trà đàm về nghề nông và buôn bán.

Nghe hết sức cổ quái.

(Bảo Lâm)

Kịch tác gia Trần Lê Nguyễn


Trần Lê Nguyễn là một nhà văn, đúng ra là kịch tác gia, nổi tiếng với quyển kịch Bão Thời Đại của anh xuất bản từ năm 1956. Sau năm 1975 anh không còn cầm bút nữa, không đụng chạm gì đến chữ nghĩa, văn chương. Anh đi chạy chợ trời như những nhà văn nhà thơ hết thời khác.

 

Nhưng tôi vẫn thấy anh luyến tiếc cái gì đó ở nghệ thuật, tìm lại những bức tranh sơn dầu, tranh lụa, tranh sơn mài của những họa sĩ quen tên xưa: Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Tạ Tỵ, Nguyễn Trung. Tôi nói với anh nếu những bức tranh này phải bán đi thì tiếc thật. Anh cười, chuyện mua bán mà. Tôi làm nghề sửa xe đạp, thường hay sưu tầm đồ phụ lùng xe đạp cũ nổi danh một thời. Tôi thấy anh đi một chiếc xe đạp cũ đờ mi cuốc, có cái khung xe, cặp vành và cặp đùm quí giá quá. Tôi hỏi anh kiếm được ở đâu. Anh nói anh sưu tầm từng thứ một để ráp thành cái xe này.

 

Anh nhắc tôi cố sưu tầm cho anh một cặp đùm hiệu Campagnelo của Ý, giò đĩa hiệu Stronglight, phải "din" từ con ốc, vít. Tôi hứa với anh mà tôi không làm được trọn vẹn, vì tôi đổi nghề như cóc nhảy. Một buổi chầu gần tàn, nơi chốn chợ trời tôi với Trần Lê Nguyễn vẫn ngồi say sưa "đấu những món đồ xe đạp quí. Tôi nghe ngóng được từ người ta, bèn nói đến một cặp mừng làm bằng gỗ, dai, dẻo, cứng, nhẹ của một tay đua nổi danh thuở xa xưa, câu chuyện cứ y như chuyện "bốc phét". Cặp niềng đó vẫn còn lưu lạc trong dân gian mà tôi chưa tìm ra. Tôi nói với anh ở Đà Năng có người vẫn giữ được chiếc xe đạp của tay đua nổi tiếng trong cuộc đua Đông Dương, vượt đèo Hải Vân. Phượng Hoàng Lê Thành Các. Có một người vẫn còn giữ được đến bây giờ. Trần Lê Nguyễn thì nói với tôi về những bức tranh với nỗi đam mê, trời tối lúc nào không biết.

 

Lúc chia tay nhau anh Nguyễn còn nói: "Nếu chúng ta còn những đam mê như thế thì khó mà hòa nhập được với nền văn minh chợ trời". Chợ trời là phải chụp giật nhau mà sống, có lời thì bán, mua rẻ bán đắt bán đồ dởm đồ giả, cần thì bóp cổ nó cho mình trúng mánh. Bán mà không tiếc, coi nghệ thuật đồ quí như pha. Phải coi bức tranh sơn dầu, tranh lụa này là miếng giẻ cũ, bức sơn mài của Nguyễn Gia Trí là một tấm ván. Nói chuyện nghệ thuật ở đây là chuyện vô ích.

(Nguyễn Thụy Long)

Thầy Nguyễn Khắc Hoạch, nhà giáo nghệ sĩ

 

Thầy Hoạch luôn luôn coi học trò là những người thân của mình. Thật là hạnh phúc cho những ai được làm học trò thầy! Thầy ân cần với môn sinh như một người anh cả của gia đình. Thầy đọc kỹ và nhìn ra những điểm tích cực trong các sáng tác của lớp đàn em, để giới thiệu với một tấm lòng thiết tha và rộng lượng. Nguyễn Trung Hối, Lưu Nguyễn Đạt, Lệ Hằng, Nguyễn Xuân Hoàng, Hồng Khắc Kim Mai, Phạm Xuân Đài là những học trò may mắn vẫn được thầy Hoạch “chấm bài” khi tóc họ đã pha sương, và những trang viết tầm cỡ của thầy vẫn là những bài học tiếp nối cho các môn sinh ngày xưa nay còn miệt mài theo đuổi nghiệp Văn khoa. Không có thế hệ học trò nào được hạnh phúc như những người này!

Không biết bao giờ mới lại có một vị thầy như thầy Hoạch! Thầy đã trồng và thầy còn gìn giữ, vun xới. Khi hoa nở thầy còn chăm sóc nâng niu. Thầy là hiện thân của sự nồng ấm, cao cả trong tình sư đệ mà cũng là tinh hoa của quốc gia, quốc học, của sự trao truyền và sự chăm sóc, dọn đường cho mảnh đất mới và hạt mầm mới cho tương lai.

(Phạm Phú Minh

diendantheky.net)

Phạm Phú Minh là tên thật, Phạm Xuân Đài là bút hiệu. Ông sinh năm 1940i, người làng Đông Bàn, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Học Đại Học Văn Khoa Sài Gòn và Sư Phạm ban Triết học tại Viện Đại Học Đà Lạt. Tốt nghiệp Sư Phạm năm 1964.

Từ 1993 đến 2007 làm việc với tạp chí Thế Kỷ 21 trong các nhiệm vụ thư ký tòa soạn, chủ nhiệm và chủ bút, chủ bút tạp chí online Diễn Đàn Thế Kỷ (diendantheky.net).

Triển lãm và Hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn, 2013

***

 Phụ đính I

 40 Năm hải ngoại - Một nén hương - Cho những nhà văn

nhà thơ đã khuất núi

(Danh sách cập nhật tới tháng 6/2017 – Nhật Tiến biên soạn

Tổng hợp từ nhiều nguồn)

 


 Hoàng Anh Tuấn
(1932 – 2006)

 

Hoàng Anh Tuấn là một nhà đạo diễn và nhà văn sinh năm 1932 tại Hà Nội. Năm 17 tuổi ông du học sang Pháp đến năm 1958 tvề lại Việt Nam sau khi tốt nghiệp trường điện ảnh IDHEC (L’Institut des hautes études cinématographiques) ở Paris.

 

Ông đóng góp nhiều bài vở cho các báo chí ở Sài Gòn. Năm 1965 ông được bổ nhiệm làm Quản đốc Đài Phát thanh Đà Lạt. Tên tuổi của của ông gắn liền với ngành điện ảnh trong vai trò đạo diễn. Bốn cuốn phim có sự đóng góp của ông là:

Ngàn năm mây bay (1963), dựa theo tiểu thuyết của Văn Quang, các diễn viên Lê Quỳnh, Bích Sơn, Bích Thủy, Phạm Huấn.
Hai chuyến xe hoa(1961) dựa trên tiểu thuyết Hai chuyến xe hoa của Nguyễn Bính Thinh và tuồng cải lương của Thái Thụy Phong; hai diễn viên chính trong phim là Thanh Nga và Thành Được
Nước mắt đêm xuân với diễn viên Mai Trường, Nguyễn Long, Lệ Quyên và Khánh Ly.
Xa lộ không đèn (197) diễn viên Thanh Nga, Hoài Trung, Trang Thanh Lan, Năm Châu

 Sau năm 1975 ông bị đi  cải tạo đến năm 1979 thì xuất cảnh sang Pháp. Năm 1981 ông sang định cư ở Hoa Kỳ rồi mất năm 2006 ở San Jose, California.

Tác phẩm:

Hà Nội 48– kịch
Về Provence– tập thơ
Yêu em, Hà Nội– tập thơ
“Mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội” nhạc soạn với Phạm Đình Chương.

***

Phụ đính II

Thanh Nam, Mai Thảo - 1

 Nay đúng một năm, kể từ ngày Thanh Nam không còn, tôi chưa một lần trở lại Seattle, nơi Thanh Nam đã sống gần trọn mười năm đất khách với Tuý Hồng và các con, cũng là thành phố Tây Bắc tôi đã sống hơn hai muà mưa, từ 1979 đến 1981, và cùng làm việc hàng ngày với Thanh Nam ở tờ Đất Mới.

 Không trở lại.  Chẳng phải vì Thanh Nam mất, mọi liên hệ tình cảm gắn bó bấy lâu tôi có với Tây Bắc, vì cái chết của bạn ở đó, đã nhất loạt rời đứt.  Cũng chẳng phải vì tôi chẳng còn một bằng hữu, một thân tình nào khác ở Tây Bắc ngoài Thanh Nam.

(Lần thăm cuối cùng – Mai Thảo)

Thanh Nam, Mai Thảo – 2

 Từ thời gian, hai chúng tôi cùng trẻ măng, nhớ đến những tháng ngày ăn nhậu, bài bạc, chơi đêm liên miên trên căn phòng độc thân của Thanh Nam ở khách sạn Cửu Long, tới những chương trình thơ văn chúng tôi thằng viết, thằng đọc, cả chục năm liền trên ba đài Tự Do, Quân đội, Sài Gòn, tới tờ Nghệ Thuật cùng dựng bảng hiệu, cùng một toà soạn, đến cuộc tình Thanh Nam Tuý Hồng từ hé cánh đến tiệc cưới tưng bừng ở nhà hàng Đồng Khánh, tới những kỷ niệm vui buồn không nhớ hết, ở ba địa chỉ Nancy, Bùi Viện, Lý Thái Tổ.

(Lần thăm cuối cùng – Mai Thảo)

(xem tiếp Túy Hồng kỳ tới)  

Ảnh Nông dân VN xưa 18....


  Mời Xem  Lại :

CHỬ NGHĨA LÀNG VĂN Kỳ 1/9/2024 - Ngộ  Không Phí Ngọc Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét