14 thg 9, 2024

10 giai thoại về cuộc đời của thiền sư Lương Khoan Đại Ngu (Ryokan Taigu; 良寛大愚)


PHÁP HOAN | 法歡 tuyển dịch

Có người nói, “Vui sướng làm sao nếu nhặt được tiền trên đường.”
Nghe vậy, Ryokan liền ném một ít tiền trên đường rồi cúi xuống nhặt. Nhưng ông không thấy vui chút nào. Nghĩ rằng kẻ kia đã lừa mình. Tuy vậy ông vẫn tiếp tục ném tiền cho đến khi không thể tìm thấy. Ông lụi cụi kiếm tìm khắp nơi, cuối cùng, khi tìm được tiền, ông vui mừng reo lên. Sau đó thầm nhủ với bản thân, “Kẻ kia quả không hề lừa ta.”
*
Giữa hè, thiền sư Lương Khoan tuyên bố: “Tôi sẽ phơi Tam Tạng Kinh Điển tại am Ngũ Cáp. Mời mọi người đến chiêm bái.”
Khi dân làng tụ tập đến thảo am, họ không nhìn thấy một cuốn kinh nào cả, thay vào đó chỉ có Lương Khoan, trần như nhộng nằm trước sân. Trên chiếc bụng to tướng của ông có ghi dòng chữ “Tam Tạng Kinh Điển”. Dân làng ai ai cũng chết lặng.
*
Ryokan được mời tham dự một buổi trà đạo. Khách mời theo trình tự sẽ dùng chung một bát trà đậm. Ryokan uống cạn bát trà mà không hề nhận ra vị khách kế bên đang ngồi chờ. Ông vội nhổ một ít trà vào bát rồi chuyền đến tay vị khách. Không còn sự lựa chọn nào khác, vị khách đành uống cạn bát trà trong khi niệm “Nam Mô A-Di-Đà Phật.”
*
Câu chuyện này có lẽ đã xảy ra trong cùng buổi trà đạo. Ryokan móc một miếng gỉ mũi rồi dè dặt đặt xuống bên phải gối ngồi của mình. Vị khách bên phải vội kéo tay áo rồi nhắc nhở ông không nên làm như vậy. Đoạn Ryokan quay sang bên trái, vị khách bên trái cũng vội kéo tay áo của mình. Không biết phải làm sao, Ryokan đành đặt nó vào lại mũi của mình.
*
Một lãnh chúa samurai địa phương nghe tiếng Ryokan là một vị thiền sư chân chính nên có ý muốn xây một ngôi già lam để thỉnh Ryokan về làm trụ trì. Vị lãnh chúa đến thăm Ryokan tại am Ngũ Cáp, thiền thất của ông trên núi Kugami, nhưng lúc đó Ryokan đang đi hái hoa dại, đoàn người kiên nhẫn chờ đến khi Ryokan trở về cùng một bát đầy hoa tươi thơm ngát. Vị lãnh chúa mở lời cầu thỉnh, nhưng Ryokan chỉ lặng im. Đoạn ông viết xuống trên giấy một bài haiku rồi trao cho vị lãnh chúa.
Gió mang đến cho ta
vừa đủ một nắm lá
để nung sôi ấm trà.
*
Khi Ryokan sống tại am Ngũ Cáp trên núi Kogami, một cây măng sắp chạm trần phòng tắm, thấy vậy, Ryokan cầm nến để đốt một chiếc lỗ cho cây măng mọc qua, nhưng vô tình thiêu rụi luôn cả phòng tắm của mình.
*
Một đêm nọ, có một tên trộm lẻn vào am Ngũ Cáp của ông trên núi Kugami. Nhận ra không có gì để lấy cắp, tên trộm cố gắng kéo tấm chiếu mà ông đang nằm. Ryokan trở mình để tên trộm có thể đạt được mục đích.
*
Vào một chiều mùa thu, thiền sư Ryokan đang đi dạo trong một vườn khoai lang. Nghĩ rằng thiền sư là kẻ trộm, người chủ vườn đứng nấp, đợi thời cơ rồi đánh vào đầu thiền sư, trói ông lại và treo lên một thân cây tùng. Thiền sư nói, ”Là ta đây, ta không hề trộm khoai của nhà ngươi.” Nhận ra tiếng của Ryokan, người chủ vườn đưa ông xuống, mở trói và vội vàng sám hối. Thiền sư chỉ mỉm cười rồi rời đi, miệng còn lẩm bẩm:
Người bị đánh vào đầu
và kẻ cầm gậy đánh,
bản tính vốn như nhau,
như sương sa, điện ảnh
cớ gì phải buồn đau!
*
Vào những ngày đẹp trời, Ryokan thường bắt rận dưới ánh mặt trời. Ông để chúng bò và tắm nắng trên một mảnh giấy. Trước khi trời tối, ông thả chúng vào lại y phục của mình.
*
Một tối nọ, có một tên trộm lẻn vào thảo am của thiền sư Ryokan để rồi nhận ra chẳng có gì để lấy cắp. Đúng lúc đó thiền sư trở về, trông thấy tên trộm, ông bảo: “Anh đã đi một chặng đường dài đến đây để thăm ta, vậy anh không nên ra về tay trắng, hãy nhận lấy bộ y phục này như một món quà.” Tên trộm bối rối, vớ lấy bộ tăng phục rồi chuồn mất. Ryokan ngồi đó, trần trụi, ngước nhìn vầng trăng sáng. “Thật tội nghiệp,” ông trầm ngâm, “Ước gì ta có thể cho hắn vầng trăng xinh đẹp này.” Giai thoại trên có lẽ là một trong những cách giải thích cho bài haiku nổi tiếng này:
Tên trộm bỏ đi rồi
để lại vầng trăng sáng
bên cửa sổ ta ngồi.
________________
* Pháp Hoan dịch từ bản dịch tiếng Anh của John Stevens trong One Robe One Bowl, The Zen Poetry of Ryokan (Nhất Y Nhất Bát, Thơ Thiền của Thiền Sư Lương Khoan). Nguyên tác thơ Ryokan Taigu (Lương Khoan Đại Ngu, 良寛大愚).
* Ủng hộ tác giả: phaphoan.ca/contact/


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét