13 thg 9, 2024

TÌM HIỂU Ý NGHĨA ĐỨC NHÂN TRONG LUẬN NGỮ CỔ NGHĨA CỦA ITÔ JINSAI (Bài 4)


Đức nhân trong chương 5 Công Dã Tràng

Tác giả: Nguyễn Sơn Hùng

Phàm lệ

–         Dịch là của Nguyễn Hiến Lê.

–         Chú thích và Bàn thêm là của Jinsai.

–         Các hạng mục khác là của người dịch.

CHƯƠNG 5 CÔNG DÃ TRÀNG

Bài 5.4 Đức nhân là thực đức rất khó có được. Phu tử không biết Trọng Cung có đức nhân hay không. Giỏi ăn nói làm cho người khác thù ghét, người có đức nhân không cần phải giỏi ăn nói, giỏi biện luận.

Hoặc viết: “Ung dã nhân nhi bất nịnh”. Tử viết: “Yên dụng nịnh? Ngữ nhân dĩ khẩu cấp, lũ tăng ư nhân. Bất tri kì nhân, yên dụng nịnh?”

或曰:雍也,仁而不佞。子曰:焉用佞?禦人以口給,屢憎於人。不知其仁,焉用佞?

Dịch

Có người bảo với Khổng tử: “Thầy Ung là người nhân nhưng không có tài ăn nói”. Khổng tử đáp: “Cần gì phải dùng tài ăn nói? Ung đối với người, mà khéo biện luận, thường bị người ta biết thôi. Ta không biết anh ấy có đức nhân không, nhưng cần gì phải dùng tài ăn nói.”

Ghi chú

Không biết phiên bản người dịch dùng có đúng nguyên bản của cụ Lê không? Bởi  vì trong nội dung dịch trên, “biết” dùng để dịch từ “tăng” có nghĩa ghét, nghịch với “ái” (yêu)!

Chú thích

1)      “Hoặc viết…bất nịnh”. “Ung” là một trong các đệ tử của phu tử, họ Nhiễm, tự là Trọng Cung. “Nịnh” là giỏi biện luận. Bởi vì phong tục lúc đương thời cho là người giỏi biện luận là người hiền (người tài đức) nên mặc dù Trọng Cung là người có ưu điểm về đức nhưng do không có tài biện luận nên bị người thường xem là không có tài năng.

2)      “Tử viết…dụng nịnh”. “Ngữ” giống như đối kháng lại. “Cấp” là xử lý. Người giỏi ăn nói khi đối kháng với lại với người khác chỉ dựa vào lời lẽ để ứng xử nên thường bị người thù ghét. Bản thân phu tử chưa biết rõ đức nhân của Trọng Cung nên không thể bình phẩm nhưng không giỏi ăn nói, biện luận không phải là khuyết điểm của Trọng Cung.

Giải thích

Người yêu thương người khác thì lúc nào cũng được người khác yêu thương lại. Đó là lý do để nói đức nhân là mỹ đức (đức tốt lành). Việc thường bị người khác thù ghét cho thấy sự giỏi ăn nói là hung đức (đức đem lại tai họa hoặc điều xấu). Phu tử cảnh giác việc này thật là đúng.

Vào thời đại đương thời, đức thực dụng (thực đức) đều không có trong sinh hoạt hàng ngày, người đời chỉ biết nịnh bợ lấy lòng. Mọi người chỉ biết xem giỏi ăn nói, biện luận mà không biết lấy đức nhân làm quan trọng. Do đó, phu tử làm sáng tỏ việc giỏi ăn nói, biện luận không mang đến ích lợi thật sự gì.

Có người hỏi: “Tài đức (hiền) của Trọng Cung là bậc kế tiếp sau Nhan tử (tức Nhan Hồi), tại sao phu tử lại không thừa nhận?”

Tôi (tức Jinsai) trả lời như sau. Đức nhân là đức có ích thật sự (thực đức). Đức của lòng yêu thương (từ ái) có tràn đầy trong tim của người có nhân, một chút xíu bạc tình hoặc tàn nhẫn cũng không có; sau khi lợi ích, ân huệ của đức nhân lan rộng đến khắp thiên hạ và đời sau mới có thể gọi là đức nhân. Đó là lý do mà phu tử chưa thừa nhận mức độ tài đức (hiền) của Trọng Cung đã đạt được trình độ của đức nhân.

Ghi chú

1) Nhiễm Ung là tên, tự là Trọng Cung, một trong thập triết, tốt về đức hạnh. Trọng Cung xuất hiện trong các chương 5, 6 (3 lần), 11, 12, 13, tổng cộng 7 bài.

Nhận xét

(1)   Chúng ta thường hiểu “đức” chỉ chỉ điều tốt như “đức tính” là “tính tốt” nhưng ở đây Jinsai dùng cho cả hung đức và mỹ đức. Bởi vì trường hợp trên “đức” là tĩnh từ, trường hợp sau “đức” là danh từ chăng?

Trong trường hợp mỹ đứchung đức nếu chúng ta hiểu “đức” là “điều có tác dụng, điều đem lại hiệu quả” thì cách hiểu ý nghĩa của “đức” sẽ trở nên cụ thể và dễ hiểu chăng?

(2)   Từ “thực (thật) đức実徳” rất quan trọng và khó dịch. Qua các bài 5.4, 5.7, 5.18 nói về đức nhân của đệ tử của phu tử chúng ta có thể hiểu thêm thế nào “thực đức”. Ý nghĩa của từ “thực đức” mà chủ yếu là chỉ đức nhân không những là giúp ích cụ thể người khác trong thực tế mà phạm vi đó còn phải rộng rãi và lâu dài. Từ đó chúng ta có thể hiểu tại sao phu tử không kết luận vội vã các đệ tử của mình có đức nhân, và các học giả đời sau cho rằng Khổng học xem trọng nhất là đức nhân.


Bài 5.7 Khổng học xem trọng thực tài và thực đức. Khổng tử đánh giá 3 đệ tử Tử Lộ, Tử Hữu, Tử Hoa có thực tài nhưng chưa có thực đức của đức nhân.

Mạnh Võ Bá vấn: “Tử Lộ nhân hồ?” Tử viết: “Bất tri dã”. Hựu vấn. Tử viết: “Do dã, thiên thặng chi quốc khả sử trị kỳ phú dã; bất tri kỳ nhân dã.” “Cầu dã hà như?” Tử viết: “Cầu dã, thiên thất chi ấp, bách thăng chi gia, khả sử vi chi tể dã; bất tri kỳ nhân dã?” “Xích dã hà như?” Tử viết: “Xích dã, thúc đái lập ư triều, khả sử dữ tân khách ngôn dã; bất tri kỳ nhân dã.”

孟武伯問:子路仁乎?子曰:不知也。又問。子曰:由也,千乘之國,可使治其賦也;不 知其仁也。求也何如?子曰:求也,千室之邑,百乘之家,可使為之宰也;不知其仁也。赤也何如?子曰:赤也,束帶立於朝,可使與賓客言也;不知其仁也。

Dịch

Mạnh Võ Bá hỏi: “Thầy Tử Lộ phải là người nhân không”. Khổng tử đáp: “Không biết”. Lại hỏi nữa, Khổng tử bảo: “Anh Do có thể điều khiển quân đội một nước có ngàn binh xa; còn nhân hay không thì không biết.” “Thầy Cầu là người thế nào?” Khổng tử đáp: “Anh Cầu có thể làm quan tể cai trị một ấp có ngàn nhà hoặc một thái ấp (của một quý tộc) có trăm binh xa; còn nhân hay không thì không biết.” “Thầy Xích là người thế nào?” Khổng tử đáp: “Anh Xích có thể thắt đai (bận lễ phục) đứng ở triều đình để tiếp đãi tân khách; còn nhân hay không thì không biết.”

Chú thích

1)      “Mạnh Võ Bá …Bất tri dã.” Đức nhân là thực đức. Do đó, mặc dù Tử Lộ có tài năng nhưng khó có thể căn cứ vào đó mà kết luận có đức nhân, nên phu tử trả lời không biết Tử Lộ có đức nhân hay không. (Điều này cho thấy phu tử rất thận trọng lời nói và xem trọng đức nhân nên ngay cả đệ tử của mình cũng không kết luận vội vàng.)

2)      “Hựu vấn…Bất tri kỳ dã”.Khổng thị (tức Khổng An Quốc) nói, “phú” là binh sĩ”. Ngày xưa ban ruộng đất (điền) để xuất binh nên binh gọi là phú. Ý nói tài năng của Tử Lộ có thể thấy (có thể chỉ huy một nước có quân đội 1 ngàn cổ xe) nhưng đức nhân thì chưa có thể biết (Bởi vì đức là kết quả của việc đã được hành trong thực tế chứ không phải trên lời nói hoặc lý thuyết).

3)      “Cầu dã hà …Bất tri kỳ dã”. “Thiên thất” là một thành thị/thị trấn (ấp) lớn . “Bách thăng” số xe lính mà một quan khanh hoặc một quan đại phu có thể cử đi. “Tể” người đứng đầu một thành thị/thị trấn (ấp) lớn cũng là tên gọi chung cho các chức quan như khanh hoặc đại phu.

4)      “Xích dã hà …Bất tri kỳ dã”. “Xích” là một đệ tử của phu tử, họ là Công Tây, tự là Tử Hoa.

Giải thích

Nếu so sánh với những người khác thì tài năng của 3 người đệ tử của phu tử có thể gọi là nhân giả (người có đức nhân). Tuy nhiên, lý do phu tử không công nhận là nhân giả, tôi nghĩ rằng bởi vì việc học cần phải xem trọng thực tài, thực đức. Khổng môn vốn xem trọng thực tài nhưng đối với thực đức thì mức độ để đạt được rất khó. Do đó, đối với 3 người đệ tử của mình, phu tử công nhận là họ đều có tài năng để sử dụng nhưng không công nhận một người nào đã có được đức nhân.

Nhân cách của Quản Trọng không phải là người có thực đức (xem Bài 3.22 đánh giá của phu tử về con người Quản Trọng) nhưng ông vốn có chí cứu giúp thiên hạ và trong thực tế ông đã lập được thành tích, công lao cứu giúp thiên hạ (xem Bài 14.9, 14.16, 14.17 đánh giá của phu tử về công lao của Quản Trọng) nên để tán dương công lao này phu tử đã khen ngợi đức nhân của Quản Trọng.

Đối với 3 người đệ tử của mình, bởi vì chưa có thể dự đoán được công lao thành tích của họ, mặt khác cũng chưa thấy đức của lòng từ ái của họ đã thành tựu hoàn toàn trong con người của họ. Do đó phu tử trả lời là không biết họ có đức nhân hay không.

Bàn thêm

Người nỗ lực ghi nhớ các sách cổ điển và làm thơ trong thiên hạ, phần đông họ viết văn chương, thi ca xa cách hiện thực mà quên việc phát huy tài năng của mình để có được đức. Vốn có thực đức mới có thể sử dụng thực tài. Có thực tài thì việc thuộc nhớ thi văn mới hữu ích cho bản thân. Nếu như không xem xét mặt thực đức, thực dụng mà chỉ nghe lý luận, gắng sức đọc văn chương sách vở thì chỉ thành xiềng xích vô ích.

Đối với 3 người đệ tử, mặc dù đức nhân của họ chưa có thể biết được nhưng nếu như hoài bảo có như phu tử kỳ vọng thì dù họ chưa đạt đến mức độ của thực đức nhưng phải nói họ có thực tài. Từ việc bình phẩm đánh giá của phu tử đối với đệ tử chúng ta có thể biết được mục đích và cách học của người xưa như thế nào.

Ghi chú

1) Trọng Do là tên, tự là Tử Lộ (lúc 51 tuổi đổi thành Quý Lộ), một trong thập triết, giỏi về chính trị. Xuất hiện trong các chương 2, 5 (4 lần), 6 (2 lần), 7 (2 lần), 9 (3 lần), 11 (9 lần), 12, 13 (3 lần), 14 (7 lần), 15 (2 lần), 16, 17 (14 lần), tổng cộng 40 bài, nhiều nhất. Nhiều thứ 2 là Tử Cống (giỏi về ngôn ngữ, biện luận), 35 bài, thứ 3 là Nhan Hồi (ưu tú về đức hạnh), 22 bài (có lẽ do ông mất sớm).

Nhiễm Cầu là tên, tự là Tử Hữu, thường gọi Nhiễm Hửu, một trong thập triết, giỏi về chính trị, tinh thông lục nghệ. Xuất hiện trong các chương 3, 5, 6 (3 lần), 11, 12, 13, tổng cộng 14 bài, nhiều thứ 7.

Công Tây Xích là tên, tự là Tử Hoa, tinh thông nhất về lễ pháp trong các đệ tử. Xuất hiện trong các chương 5, 6, 7, 11 (2 lần).

2) Quản Trọng (TCN 725 ~ TCN 465) tướng quốc của nước Tề thời Xuân Thu chiến quốc.

Bài 5.18 Khác biệt giữa “nhân” và “tiết”. “Nhân” là việc làm đem lại lợi ích cho nhiều người, tức là “đức”. “Tiết” là việc làm bằng cố gắng sức mình.

Tử Trương vấn viết: “Lệnh doãn Tử Văn, tam sĩ vi lệnh doãn, vô hỷ sắc; tam dĩ chi, vô uấn sắc. Cựu lệnh doãn chi chính, tất dĩ cáo tân lệnh doãn. Hà như?” Tử viết:“Trung hỹ”. Viết:“Nhân hỹ hồ?” Viết:“Vị tri. Yên đắc nhân?” Thôi Tử thí Tề quân, Trần Văn tử hữu mã thập thặng, khí nhi vi chi. Chí ư tha bang, tắc viết: “Do ngô đại phu Thôi tử dã” – Vi chi. Chi nhất bang, tắc hựu viết: “Do ngô đại phu Thôi tử dã” – Vi chi – hà như.” Tử viết:“Thanh hỹ”. Viết:“Nhân hỹ hồ?” Viết:“Vị tri. Yên đắc nhân?”

子張問曰:令尹子文,三仕為令尹,無喜色;三已之,無慍色。舊令尹之政,必以告新令尹。何如?子曰:忠矣。曰:仁矣乎?曰:未知,焉得仁?崔子弒齊君,陳文子有馬十乘,棄而違之,至於他 邦,則曰:“猶吾大夫崔子也!”違之。之一邦,則又曰:“猶吾大夫崔子也!”違之。何如?子曰:清矣。曰:仁矣乎?曰:未知,焉得仁?

Dịch

Tử Trương hỏi: “Quan lệnh doãn (tể tướng nước Sở) Tử Văn ba lần làm lệnh doãn mà không mừng, ba lần bị bãi chức mà không oán hận, lại đem việc cũ bàn giao cho quan lệnh doãn mới. Người như thế ra sao?” Khổng tử đáp: “Trung thực đấy”. Lại hỏi: “Có phải là người nhân không?” Đáp: “Chưa biết. Có gì chắc để gọi là người nhân.” (Tử Trương hỏi thêm): “Thôi tử giết vua Tề. Trần Văn tử có mười cổ xe (mỗi cỗ xe có bốn ngựa) bỏ mà đi. Đến một nước khác bảo: “Quan đại phu chấp chính ở đây cũng không hơn quan đại phu Thôi tử nước ta”, rồi lại bỏ đi. Tới một nước khác, lại bảo: “Quan đại phu chấp chính ở đây cũng không hơn quan đại phu Thôi tử nước ta”, rồi lại bỏ đi. Người như thế ra sao?” Khổng tử đáp: “Trong sạch đấy”. Lại hỏi: “Có phải là người nhân không?” Đáp: “Chưa biết. Có gì chắc để gọi được là người nhân.”

Chú thích

1)      “Tử Trương vấn…Yên đắc nhân”. “Lệnh doãn” là tên gọi của một chức quan, thượng khanh (thủ tướng) của nước Sở, phụ trách công việc hành chính. Họ của Tử Văn là Đấu, tên là Cốc Ư Đồ. Tử Trương nghĩ rằng Tử Văn là người quên bản thân mình, hết lòng với đất nước phải chăng có thể nói là người có đức nhân. Nhưng phu tử cho rằng việc làm của Tử Văn chưa có thể nói là do lòng thật sự thương yêu dân chúng chân thành và ơn huệ công lao chính trị của ông chưa có ảnh hưởng đến dân chúng nên chỉ thừa nhận ông trung thành (hết lòng) nhưng không nhận ông đã có được đức nhân.

2)      “Thôi tử thí... Yên đắc nhân”. Thôi Tử (tức Thôi Vũ Tử) là quan đại phu của nước Tế, tên là Trữ. Vua của nước Tề là Trang công, tên là Quang. Trần Văn Tử cũng là quan đại phu của nước Tề, tên Tu Vô. “ Thập thặng” là ngựa 40 con.

Vi” là khứ (rời khỏi). Tử Trương nghĩ là hành động của Trần Văn Tử có thể gọi là đức nhân vì trong sạch, thanh khiết. Nhưng phu tử nghĩ Trần Văn Tử cũng đồng loại với Tử Văn nên chấp nhận ông ta là thanh khiết nhưng không cho là có đức nhân. Xem sách Xuân Thu Truyện (Tương Công nhị thập niên của Tả Thị Truyện) thấy sau khi Thôi Trữ giết vua, việc của Văn Tử thường được đề cập đến. Tuy nhiên, phu tử thừa nhận Trần Văn Tử trong sạch thì nội dung viết của Tả Thị Truyện không thể tin cậy.

Giải thích

“Các tiên vương ngày xưa có lòng không nỡ đối với việc hại người nên mới thực hiện được chính trị không nỡ hại người” (Bài 6 chương 3 Công Tôn Sửu, Mạnh Tử). Do đó mới gọi loại chính trị này là nhân chính(chính trị yêu thương người, chính trị vì dân). Thí dụ có được cho là có lòng nhân, có đức nhân nhưng dân chúng không được tiếp nhận ân huệ của lòng nhân, đức nhân thì gọi là tùng (tụng?) thiện (chỉ có tấm lòng tốt nhưng không có thực hành), không đủ để xem là có đức nhân. Đối với 2 người trong bài, một người có lòng trắc ẩn sâu đậm nhưng đức không có, người còn lại thì không thấy có đem lại lợi ích hoặc ân huệ gì cho vạn vật (nhiều người). Do đó, phu tử không công nhận cả 2 là có đức nhân.

Vốn từ đầu, việc được thực hiện bằng đức gọi là nhân(đức nhân), còn việc được thực hiện bằng cố gắng của sức lực, của tài năng gọi là tiết節. Do làm tận sức và trong sạch của 2 nhân vật trong bài nên gọi tiết, không thể gọi là nhân, bởi vì không có đức (như vậy đức ở đây có nghĩa là hiệu quả ích lợi cho nhiều người). Nếu là người có đức nhân mà làm công việc như 2 nhân vật này thì dĩ nhiên có thể gọi là nhân. Có lẽ nào chỉ dừng lại ở trình độ tận sức hết lòng (trung忠) hoặc ở trình độ tiết được sao?

Nhận xét

(1)   Điều kiện để đủ gọi là “có đức nhân” là phải đem lại kết quả tốt đẹp, ích lợi cho nhiều người hoặc trong phạm vi rộng lớn cũng có thể thấy ở các bài khác. Tuy nhiên, người dịch lần đầu tiên mới gặp cách giải thích “việc được thực hiện bằng cố gắng của sức lực, khả năng gọi là tiết節” nhưng sau khi nghĩ đến ý nghĩa của trung tiết忠節, tiết tháo節操 thì thấy giải thích này cũng hợp lý. Ý nghĩa của từ Hán Việt thật khó hiểu đến nơi đến chốn!

Nguyễn Sơn Hùng, tu sửa ngày 21/8/2024


Mời Xem Laị :

TÌM HIỂU Ý NGHĨA ĐỨC NHÂN TRONG LUẬN NGỮ CỔ NGHĨA CỦA ITÔ JINSAI (Bài 3)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét