4 thg 9, 2024

Tam chiến Lã-bố - Nhất Linh

 Tam chiến Lã-bố


Nghe có tiếng người nói và gọi nhau vang cả xóm, bác Lê gái vùng ngồi dậy lay vai chồng:
– Nước lên to, thầy mày ạ.
Bác Lê trai vẫn nằm yên thong thả nói:
– Nhà mình cao, nước có ngập tới đâu mà lo. Cứ ngủ đi.
Bác Lê gái thắp đèn ra mở cửa nhìn, rồi chạy vào kéo mạnh chồng ngồi dậy. Bác cất tiếng gọi:
– Bé ơi, nước lụt sang đây ngay.
Bác Lê trai cầm cây đèn ra, thấy mực nước không có gì cao lắm. Nhìn Bé tất tả chạy sang, bác cự vợ:
– Gọi nó sang làm gì?
Bác Lê gái giằng lấy đèn ở tay chồng, bảo Bé:
– Mày xuống đây với tao cho lợn lên nhà.
Bác Lê trai vội cản:
– Cho lên nhà làm gì vội. Đã có sao đâu? U mày chỉ hay cuống quít hão.
Bác không bao giờ sợ nước lụt nhưng bác sợ nhất là trong những ngày nước lớn phải ở chung với lợn. Tuy chuồng lợn có thấp hơn nhà nhưng cũng không thấp hơn bao nhiêu, tuy vậy bác Lê gái hễ thấy nước hơi lên là đã cho lợn lên nhà phòng xa, bác ngăn cản thế nào cũng không nổi. Thành thử năm nào bác cũng phải ở chung với lợn mất ít ngày mà có rất nhiều lần nước
chưa vào đến chuồng lợn. Lúc nước rút bác có cái khoái là mình phải, vợ trái, bác lại cự được vợ mấy câu, vợ cứ phải ngồi yên hết đường cãi lại, nhưng dẫu sao bác cũng phải chịu cái khổ ngủ với lợn trong ít lâu. Có lần bác ngăn được vợ nhưng thấy vợ cả ngày cứ đi ra đi vào, rấm rứt, miệng nói lẩm bẩm, hết cốc đầu đứa nọ lại cốc đầu đứa kia luôn tay nên bác nghĩ thà ngủ
với lợn còn hơn.
Bác Lê gái biết tính chồng như vậy nên bác phải gọi Bé vì hôm nay Nhỡ kéo xe sang bến Cháy.
Nước lên to thế này đường đi sang chắc ngập, Nhỡ có khi dăm mười hôm không về được,
nhưng bác Lê gái lúc đó bận lo về lợn nên không lo gì đến con. Vả lại bác nghĩ:

– Nó có thân, nó lo, còn lợn thì nó không biết lo.
Hai mẹ con lấy dây thừng buộc vào chân trước của lợn rồi kéo chúng nó lên nhà. Nhưng chúng nó nhất định không muốn đổi chỗ ở và kêu thét lên như là bị người ta đem đi chọc tiết. Mồ hôi đã ra ướt như tắm trên cả thân người  và thân lợn, nhưng lâu lắm mới đến được giữa sân. Bác Lê gái đã mệt lắm. Bé khoẻ hơn mẹ nhưng vì con lợn này kéo lại khoẻ hơn con kia nên cũng
chỉ tiến được xa hơn một tí. Bác Lê trai đứng ở hiên nhìn nhưng bác không xuống đỡ tay; bác thấy hai con lợn này khá bướng và chắc vợ con mình khó lòng kéo nó vào nhà được. Lợn khi nó đã sợ thì sức nó khoẻ tăng gấp mấy lúc thường. Bác cất tiếng bảo vợ:
– Thôi cho nó về chuồng. Lợn nó cũng như kiến, nước lụt hay không nó biết trước. Nếu thật
nước lụt thì không cần kéo nó cũng lên. Cứ nghe tôi.
Tý vì tiếng lợn kêu to quá nên cũng thức dậy chạy ra. Thấy nước lụt to, nó mừng lắm. Bây giờ vụ hè, nó được nghỉ học, ngày nào cũng đi câu cá để giúp thêm bố mẹ; nếu nước lụt chắc sẽ có nhiều cá hơn. Nó nhìn chị và mẹ loay hoay kéo lợn mà hai bên cứ giằng co không tiến
không lùi. Con lợn của mẹ nó đương quay được hẳn đầu về phía chuồng lợn và mẹ nó trong lúc vội nắm lấy đuôi nó kéo ngược nó lại, nhưng lại trượt tay và vì thế con lợn của mẹ nó lùi được khá xa. Bác Lê trai thấy chắc là không tài nào vợ mình kéo được lợn vào nhà.
Bác Lê gái chợt thấy Tý vội bảo:
– Mày có xuống giúp một tay không.
Tý chạy xuống kéo nhưng thêm Tý cũng không thêm sức được bao nhiêu. Bỗng Tý bỏ tay ra nói với mẹ:
– Sao bu không kéo từng con một. Cả ba người kéo một con thì dễ hơn.
Bác Lê gái cốc một cái vào đầu Tý:
– Mày nói phải.
Rồi bác thả lỏng tay và con lợn cứ lui dần về chuồng. Tý đứng yên lặng nhìn con lợn nhưng óc nó đương bận nghĩ về câu khen của mẹ. Bác Lê gái cởi dây buộc vào chân con lợn của Bé rồi
cả ba người cùng kéo. Nhưng con lợn vì thấy con lợn kia về chuồng chỉ còn mình nó ở lại nên nó càng sợ hơn và càng chống cự một cách kịch liệt hơn.
Bác Lê trai bất giác nghĩ đến cái cảnh Tam Chiến Lã-Bố. Sau cùng bác cũng chạy xuống sân để thêm sức kéo con lợn bất kham. Bỗng Tý chợt nhớ đến cái cảnh mẹ nó thả con lợn kia về chuồng. Nó nghĩ ra đều gì bảo mẹ:
– Con có cách, bây giờ mẹ tắt đèn đi.
Thấy mẹ lưỡng lự, Tý ra chỗ đèn tắt phựt. Trời tối hẳn lại, không ai hiểu gì cả.
– Bây giờ chị kéo con lợn xoay đít về phía nhà.
Bé không hiểu gì nhưng cũng cứ làm theo lời em nói:
– Đuợc rồi, Tý ạ.
– Bây giờ chị đưa dây cho em. Bu thắp đèn lên.

Đèn sáng, Tý cầm lấy dây của chị rồi cố kéo mạnh con lợn về phía chuồng lợn. Bé bật cười:
– Mày kéo ngược rồi.
Tý vừa kéo vừa nói:
– Chị để mặc em.
Con lợn cưỡng lại, Tý lại kéo mạnh hơn một lúc rồi thả dần như là vì đuối sức phải thua. Con lợn lùi, lùi nhanh lắm và thoáng một cái đã tới cửa nhà. Đến cửa con lợn thoáng thấy không phải chuồng nên dừng lại. Tý lúc đó hiểu ý lợn nên kéo tay hết sức mạnh. Con lợn thì không cần về chuồng hay không về chuồng, óc đơn sơ của nó yên trí là chỗ nào mà người ta muốn
kéo nó đến là chỗ ấy nguy hiểm và vì nghĩ vậy nó lại hết sức cưỡng lại Tý và lùi tọt vào trong nhà. Tý buộc dây vào cột rồi nói:
– Nào bây giờ đến lượt hai con lợn kia.
Cả nhà cũng bật cười lên một lúc. Bé nói:
– Thằng Tý này giỏi.
Bác Lê gái chống hai tay vào cạnh sườn nhìn con và ngạc nhiên một cách đầy cảm phục:
– Nó đã đi học có khác. Thầy mày xem. Đến thầy mày cũng không nghĩ ra.
Thoáng một cái, cả hai con lợn sau cũng lôi được lên nhà mà không khó nhọc gì. Bây giờ cũng không cần đến tắt đèn nữa; kéo lợn được ra hơi xa chuồng là Bé xoay lợn mấy vòng rồi kéo
mạnh về phía chuồng. Con lợn cứ lùi dần rồi lùi tọt vào nhà. Đánh lừa được lợn, Bé lấy làm thích chí lắm và đứng cười như nắc nẻ.Bác Lê trai không nói gì nhưng bác cũng không ngăn cản được cái vui sướng thấy thằng Tý thông minh như vậy. Trước vụ nghỉ hè bác đã có cái vui sướng Tý được lên lớp nghĩa là được lên ngồi bàn thứ nhất, ngay sát cạnh bàn ông giáo. Ông
giáo lại khen:
– Tôi chưa thấy đứa trẻ nào học chóng biết như thế.
Tý đã viết và đọc được chữ quốc ngữ. Trong xóm rất nhiều người nhờ Tý viết hộ thư và cô Mùi bảo nó viết không sai một chữ. Tý lại biết cả tiếng tây nữa; đã có lần nó nói được mấy tiếng với tây đoan và được tây đoan cho nó một hào. Bác lại nghĩ thằng Tuất đứa con bác bán cho cụ đồ
Vinh; Tuấn đã đọc được sách chữ nho và viết được văn tự, văn khế.
Mấy tháng trước Tuất về thăm nhà, bác có bảo nó viết và bác thấy nó viết nhanh và chữ tốt lắm. Nghĩ đến hai đứa con đều thông minh và đều được học, nghĩ đến Nhỡ và Bé chịu khó chăm làm, đứa con nào của bác đẻ ra cũng ngoan cả, bác Lê trai thấy tương lai của bác đầy hứa hẹn rực rỡ và vì thế bác lại nghĩ đến uống rượu.Bây giờ thì bác được uống luôn, tuy chỉ
được uống ít, những hôm nào có đồ nhắm ngon. Có khi chính bác Lê gái mua rượu và bảo bác uống. Nhưng tối nay bác lại thích uống rượu một cách đặc biệt và may quá nhà lại có sẵn rượu.
Nhất là uống rượu vào thì không khó chịu vì mấy con lợn này nữa. Bác cất tiếng nói đùa với Bé:
– Bên cửa hàng có cái gì ăn được thì đem sang đây ăn. Cả nhà chắc đói bụng và nhất là để thưởng cho thằng Tý.
Bác Lê gái nói:

– Phải đấy.
Bé nói:
– Hôm qua bán hết chẳng còn gì cả.
Bác Lê trai ngẫm nghĩ một lát rồi bảo Bé:
– Nước lụt thế này thì mai chắc cô Mùi không ra được hàng mà làm bánh cuốn cũng chẳng bán cho ma nào. Chỗ tôm mua hôm qua cũng đến hỏng. Chi bằng đem cả sang đây nấu cháo tôm cả nhà ăn cho thỏa thuê một bữa mà không mất đồng xu nào…
Bác nhìn vợ nhanh một cái:
– Chọn những con to nhất để bu mày tẩm bột rán, tao uống tí rượu. Hàng bánh thì không thiếu gì bột, mỡ.
Tý nói:
– Con cũng uống.
Bác Lê gái nhìn chồng mỉm cười, vì phục chồng đã nghĩ ra cách tự nhiên có tôm ăn mà không mất tiền:
– Thầy mày nghĩ phải. Tôi cũng uống một tí.
Bé nói:
– Con cũng thế.
Bác Lê trai cười tươi như hoa; không bao giờ có sự đồng ý với bác hoàn toàn như thế.
Nấu xong cháo bác đánh thức Thêm, Nữa và Thôi dậy. Cả nhà ngồi quanh mâm cháo hơi bốc lên nghi ngút và đĩa tôm rán.
Bác Lê trai nhấc chén mời vợ:
– Bu mày.
Bác Lê gái cũng nhấc chén:
– Thầy mày. Các con ăn cháo đi.
Tiếng húp cháo sùm sụp nổi lên một loạt quanh mâm. Bé nhấc chén uống và gắp tôm rán. Tý không thấy mẹ nói gì nên cũng nhấc chén giả vờ uống để gắp tôm rán. Nữa cũng bắt chước Tý nhưng bị bác Lê gái cốc ngay một cái làm nó rụt đầu và rụt tay lại:
– Hỗn nào. Tôm rán để thầy mày uống rượu.
Nữa tức lắm vì thấy Tý ăn được mà không bị mẹ cốc đầu; nhưng ăn cháo tôm thấy đủ ngon lắm rồi, không có tôm rán cũng không sao, nó tự an ủi thế. Út và Thêm thấy vậy không dám giơ đũa gắp thử. Bác Lê trai đã uống cạn một chén đúng ngữ vợ quy định; nhưng bác lại muốn uống thêm:
– Tôm hôm nay bu mày rán khéo quá.
Bác mỉm cười nịnh vợ, bảo rót thêm. Bác Lê gái đã ngà ngà say nên cũng rót thêm cho chồng nửa chén nữa.
Bác Lê trai rung đùi:
– Ngày xưa thì Tam Chiến Lã Bố, lúc này thì Tam Chiến Lợn Bố, còn bây giờ thì Tam Chiến Chai Bố.
Bác cười vang nhà vì tìm được câu nói đùa mà bác thấy hay lắm. Bác Lê gái thấy chồng nhắc đến lợn lại sực nhớ cai mưu đánh lừa lợn của Tý, bây giờ bác say nên bác lại thấy nó tài tình lắm. Bác đưa mắt nhìn ba con lợn nằm ở góc nhà; có một con lợn nằm xoay mặt về phía bác, hai con mắt him híp và lóng lánh ánh đèn như đương cười với bác có vẻ đắc chí, bác gái bật
buồn cười vì con lợn đã bị lừa mà không biết lại còn cười bác. Đã bắt đầu cười rồi, cái đà nó bắt bác cười mãi cười chẩy nước mắt, ôm lấy bụng. Bác Lê trai tưởng vợ cười vì câu nói đùa lý thú của mình. Sau cùng bác gái nhịn được cười và thở dài một cái:
- Tý ơi mày làm tao suýt chết.
Câu nói của bác nhắc bác Lê trai nhớ lại cái mưu đánh lừa lợn khiến bác cười to. Bé cũng đã say nên cười vang cả nhà. Tý cười theo. Út, Thêm và Nữa trong lúc đó không cười, chúng vội vàng gắp tôm rán ở đĩa rồi dìm xuống cháo. Gắp hết cả tôm trong đĩa dìm được khuất hẳn
trong cháo, mà bố mẹ không biết gì cả. Chúng đưa mắt nhìn nhau nhưng chúng không cười.
Chúng chỉ mỉm cười với nhau. Cụ Yểng ở bên kia ghé mắt nhìn sang. Cụ không hiểu vì sao trong lúc nước lụt đang lên to, mọi người trong xóm lo lắng sửa soạn bắc bục thì ở bên bác Lê tiếng cười vang lên như muốn vỡ cả nhà.
Cụ mỉm cười vì thấy gia đình bác Lê lắm lúc như là điên. Cụ nghĩ nghèo nhưng nhà đông con cũng vui và lòng cụ hơi se lại nghĩ đến đời sống hiu quạnh của mình, không có lấy một đứa con hay đứa cháu để an ủi tuổi già.

NHẤT LINH 

Ngô Không Phí Ngọc Hùng chuyển


Tiểu Sử Nhất Linh Và Tư Lưc Văn Đoàn :

Nhất Linh: Linh hồn của Tự lực văn đoàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét