21 thg 6, 2023

Tự Truyện GS.ĐĐC : Chương III : P. THÍ NGHIÊM Và NHỮNG NGỌN NẾN LUNG LINH

 
 

Chương III

PHÒNG THÍ NGHIỆM

& NHỮNG NGỌN NẾN LUNG LINH

Thầy Louis Néel

Tôi là một sinh viên học môn Toán đặc biệt được thầy chú ý. Sau hai năm trời vật lộn với những con số, tôi vượt lên xếp hạng đầu trong số các sinh viên Toán đặc biệt của trường.

Nếu nói đến niềm tự hào của tôi về những người thầy ở Pháp mà cuộc đời tôi vinh dự được họ dạy dỗ, người mà tôi luôn nghĩ đến đầu tiên, đó là thầy Louis Néel, người đã đoạt giải Nobel Vật lý năm 1970 về Từ Học, người khai sinh ra Université Grenoble.

Ông sinh ngày 22 tháng 11 năm1904 và mất ngày 17 tháng 11 năm 2000.

Ông đã được nhận Bắc Đẩu Bội tinh năm 1966; Thành viên Hội Hoàng gia năm 1966.

Ông là người thành lập Trung tâm nghiên cứu hạt nhân; Giám đốc Học viện Bách Khoa; Ứng dụng từ trong vật lý tham gia bảo vệ tổ quốc trong chiến tranh (Đề tài: khử từ trường chống mìn)

Ông nhận được nhiều sự khác biệt từ cuộc đời, từ sự ngưỡng mộ của cộng sự và học trò khắp nơi trên thế giới.

Ông là người kiến tạo Cù lao khoa học tại Grenoble và đặt nền móng cho sự hợp tác khoa học của Grenoble với khoa học Việt Nam.

Riêng bản thân tôi, cậu học trò Đỗ Đình Chiểu với thầy Néel, đã có những dấu mốc quan trọng:

Năm 1967 tôi vinh dự được gặp thẩy Néel qua học tập và sinh hoạt. Ông đã phát hiện ra người sinh viên Việt Nam Đỗ Đình Chiểu có tâm với thầy, với bạn, có chí cao. Từ đó ông quan tâm yêu quý chỉ bảo. Ông là chủ khảo luận án tiến sĩ quốc gia của học trò Đỗ Đình Chiểu năm 1972

Nhận xét kết quả tối ưu, được khen ngợi.

Sau khi hoàn thành luận án, thầy đã cấp học bổng OTAN (NATO) và cử Đỗ Đình Chiểu đi làm chuyên gia Mỹ.

Thầy Louis Néel nói ông đặc biệt quan tâm tới cậu sinh viên Việt Nam gầy gò mà thông minh. Thầy đưa tôi vào làm ở phòng thí nghiệm của nhà trường, vừa làm vừa học vừa nghiên cứu để làm luận án tiến sĩ. Có nghĩa là, tôi có thể vừa học vừa có đủ tiền để chi phí cho việc nghiên cứu làm luận án. Việc làm luận án ở Pháp mất tới 8 năm. Thầy Louis Néel nhận đỡ đầu cho tôi. Điều này khiến tôi vô cùng hạnh phúc. Chỉ có thể là chuyên tâm vào công việc.

Dần dần thầy đưa tôi vào nghiên cứu các chuyên đề đặc biệt. Có lúc tôi làm cho Nghiên cứu CMS. Có lúc lại làm cho Trung tâm Nguyên tử.

Phải nhấn mạnh về việc hệ trọng này. Khi thầy đặt vấn đề đưa tôi vào chuyên sâu nghiên cứu về nguyên tử, thầy và các cộng sự cho biết đây là công việc nghiên cứu để phục vụ cho hòa bình. Chúng tôi hết thảy đều tuyên thệ, chúng tôi cống hiến vì mục đích hòa bình; đồng thời tuyên thệ bảo mật hoàn toàn công việc hệ trọng này.

Thầy Louis Néel cũng khuyên tôi khoan hãy đặt việc yêu đương vào chu trình sống thời gian đặc biệt này; cũng đừng vội lấy vợ. Như thầy, tới ba mươi nhăm tuổi mới lập gia đình.

Thầy lo xa cho tôi vậy cũng phải. Nhiều sinh viên nước ngoài đến đây, họ đều tìm kiếm một chỗ có thể nương tựa hoặc cùng nhau chia sẻ vất vả khó khăn. Một trong các giải pháp là nên có người yêu. Nhưng tôi đã không chọn giải pháp đó. Về việc này tôi dành để nói sau.

Tuy nhiên tôi vẫn cho rằng thầy Louis Néel không nói thừa điều gì với đám trò cưng của thầy.

Sau này, tôi vẫn luôn được thầy quan tâm đặc biệt, dù nhiều thời gian không được ở gần thầy. Thầy gửi tặng ảnh cho tôi, đây là điều vô cùng quý. Khi thầy yếu đi, đã viết thư cho con gái dặn chia đôi gia tài khoa học cho Đỗ Đình Chiểu.

Vậy nhưng khi ông mất, tôi đã không về kịp. Người con rể của thầy buồn rầu nói: Mon père l'attendait - Cha tôi đã chờ ông.

Suốt bao nhiêu năm, để không phụ công của thầy, tôi luôn hoàn thành mọi công việc, hòa đồng cùng các bạn, không hề tự ti con dân nước nhỏ, mà luôn tự hào về đất nước và con người Việt Nam.

Bằng uy tín của bản thân, tôi đã đề nghị đặt tên quảng trường lớn ở Evry khi thầy còn sống (đây là một điều khác thường); và thầy còn tự chọn quảng trường có 4 ông tướng đem quân qua sông Seine vào Paris, đó là các ông tướng mà thầy Néel vô cùng ngưỡng mộ.

Kết quả: Với uy tín của học trò Đỗ Đình Chiểu, Quảng trường Louis Néel ra đời, có tướng Patton, Leclerc,…

Felix Bertaut, người thầy trong phòng thí nghiệm và ở bể bơi

Ông là Giám đốc phòng thí nghiệm (La Rabortoire) quang tuyến X.

Là thành viên Hàn lâm viện cao cấp. Được Chính phủ tặng Bắc Đẩu Bội tinh.

Năm 1968, Pháp có chương trình cải cách giáo dục, giải tán phòng thí nghiệm. Trong cuộc họp thực tập sinh Đỗ Đình Chiểu tự tin phản đối kịch liệt để bảo vệ và giữ lại phòng thí nghiệm.

Từ những ý kiến rất xác đáng Giám đốc và mọi người vô cùng ủng hộ, nhờ vậy mà phòng thí nghiệm không bị giải tán. Sau đó thầy Felix Bertaut trực tiếp cảm ơn khen ngợi sự đóng góp của tôi. Thầy là người Pháp gốc Do Thái.

Có lần ông tâm sự rất thật lòng:

«Anh và tôi đều sinh ra từ những dân tộc nhỏ, đất nước bé nhỏ. Nhưng đều là những dân tộc anh hùng, kiên cường bất khuất, lại có trí thông minh và ham học hỏi, vậy nên hãy cùng cố gắng lên. Chúng ta phải giúp nhau. Chúng ta có trí thông minh, phát huy nhé»

Có thể nói tôi đã vô cùng may mắn khi xa quê, xa gia đình gặp được người thầy cùng cảnh ngộ là người dân thuộc địa, bố mẹ thầy bị giết trong chiến tranh. Nên thầy vô cùng thông cảm thương yêu học trò Đỗ Đình Chiểu như người cha với con.

Sau bữa ăn trưa, tôi thường ra bể bơi của nhà trường.

Tôi không quên những vòng bơi thời nhỏ xíu ở làng, có bóng hình của bố và bạn bè ấu thơ ở cái vực Dài của làng tôi.

Tôi cũng không bao giờ quên lần đầu tiên được anh Pha cho đi chơi tắm biển, lúc đang sụt sịt, về có nguy cơ ốm hơn. Nhưng tôi vô cùng sảng khoái. Có thể nhờ vậy mà tôi đã có kết quả thi tốt.

Nên khi sống ở thành phố này, tôi vẫn luôn muốn tìm cơ hội để được bơi lội giải trí. Ở bất cứ đâu, tôi đều mong muốn nhìn thấy một bể bơi, để có thể đằm mình hay vẫy vùng sau những giờ học căng thẳng. Hoặc là tôi vốn là đứa con của vùng sông nước với con sông Đáy uốn lượn như dải lụa mà dệt nên hình bóng quê hương.

Ở bể bơi, tôi hay gặp và bơi cùng nhiều người, có cả thầy Bertaut.

Chúng tôi thường trò chuyện cùng nhau.

Tôi chỉ tay xuống nước, hỏi thầy: “Cette substance est-elle soluble?” (Chất này có tan không?)

Ông gật đầu: “soluble” (có hòa tan)

Dần dà ông thương tôi tới mức đã dạy cho tôi những điều rất tỉ mỉ tế nhị, và rất thực tế trong cuộc sống. Chẳng hạn, ông bảo: Nhìn thấy người khuyết tật thì không được nhìn chằm chằm, họ rất hay mặc cảm về khuyết tật của mình. Việc này nên làm thế này. Việc kia nên làm thế kia. Những cách sinh hoạt đời thường của người văn minh… Nhờ có ông chỉ bảo mà tôi đã biết cách để được tham gia nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới, được đi nhiều nước có những phòng thí nghiệm quan trọng.

Khi chưa trình luận án cho thầy, thầy biết có nhiều cô gái thích chàng sinh viên Việt Nam giỏi giang, thầy nói: “Lúc này chưa được lấy vợ”.

Ngay sau khi thành công luận án thì thầy bảo: “Giờ lấy vợ đi”.

Thầy không ngờ bao năm sau không thấy tôi lấy vợ, nhiều lần thầy nhắc nhở. Ông hỏi tôi về những dự định tương lai. Tôi không ngần ngại trả lời ông: Trước mắt tôi tập trung cho nghiên cứu khoa học, nếu lập gia đình thì sẽ lỡ dở các dự án khoa học mà tôi đang theo đuổi; thậm chí tôi đã tuyên thệ. Những điều này, dĩ nhiên là một nhà khoa học, ông ấy quá biết. Nhưng đó cũng là cách mà ông dành cho tôi những quan tâm, những động viên trên chặng đường dài.

Cho tới khi ông bị bệnh nằm trong bệnh viện, tôi cùng vợ vào thăm và chào thầy, thầy mừng lắm và nói: “Đây là điều tôi mong”.

Sau khi thầy qua đời đã để lại toàn bộ tủ sách cho tôi, học trò Đỗ Đình Chiểu mà ông luôn quan tâm hết mực. Hiện tủ sách đó đang ở nhà tôi tại Pháp, chờ có điều kiện mang về Việt Nam để tại thư viện Đông Anh. Đó là một tủ sách tư liệu quý giá. Kiến thức ông trao truyền cho tôi thật rộng lớn.

Người thầy thứ 3: Pierre de Gennes

Ông đoạt Giải Noble 1991 về Môi trường đông đặc

Được tặng Bắc Đẩu Bội tinh; và là thành viên Hàn lâm viện.

Ngoài quan hệ về khoa học, trong dịp mừng thọ mẹ tôi, ông tới chia vui và tặng bức hình mẹ 100 tuổi, ký họa ngay tại chỗ.

Ông cũng là người thầy đa tài và rất có cảm tình với Việt Nam.

Cũng như thầy Louis Néel và thầy Felix Bertaut, ông nhiệt tình truyền đạt kiến thức khoa học, ủng hộ những ý tưởng của người học trò Việt Nam nhằm giúp đỡ quê hương, đất nước bị kiệt quệ sau chiến tranh.

Người thầy Việt Nam: Hoàng Xuân Hãn (1908-1996)


GS Hoàng Xuân Hãn - nhà khoa học đa tài. Ông là nhà Sử học, nhà Ngôn ngữ học, nhà Nghiên cứu Văn hóa, Giáo dục Việt Nam ; đồng thời là một kỹ sư, nhà toán học,…

Ông là người thầy vĩ đại của nhiều thế hệ học trò, và của tôi.

Khi được biết luận án của tôi đăng báo và có kết quả tốt, ông gọi đến và nói phải dịch luận án đó ra tiếng Việt.

Từ đó tôi có người thầy Việt tại Pháp. Ông có mặt trước công chúng lần cuối là khi làm Chủ tọa buổi lễ mừng thọ 100 tuổi người mẹ thân thương của tôi.

(Ông mất ngày 10 tháng 03 năm 1996, tôi đã vinh dự được cùng mọi người đưa tiễn ông)

Gơne, người bạn cùng Phòng Thí nghiệm

Trong lớp Toán đặc biệt, có Gơne. Rồi cả hai chúng tôi cùng được chọn vào làm nghiên cứu ở Phòng Thí nghiệm của trường.

Cùng làm cùng học nên chúng tôi dễ dàng chơi với nhau. Tôi được Gơne bảo cho biết rất nhiều điều bên ngoài cuộc sống. Gơne là con một. Gia đình cũng khá giả. Học vấn của cha mẹ Gơne không cao, nên họ quyết tâm cho con học đến nơi đến chốn. Nghĩa là phải đạt được những thành tựu xuất sắc.

Nhiều khi chúng tôi cùng nghiên cứu một đề tài nào đó. Chúng tôi thường xuyên trao đổi với nhau những vấn đề đặt ra và phản biện.

Gơne đã mời tôi về nhà cậu chơi. Và cha mẹ cậu đã rất quý tôi. Chỉ luôn mong Gơne kết thân với tôi, không nên lãng phí thời gian cho những chốn vui chơi bên ngoài.

Có khi chúng tôi tổ chức chuyến đi dã ngoại. Khi thì lên núi. Khi thì tìm về với biển.

Mỗi khi ra biển, là tôi lại nhớ cái cảm giác đầu tiên khi anh trai cả đưa đi tắm biển.

Tôi nhìn thấy những cái hang được loài dã tràng đào sâu và đùn lên như ổ mối. Rồi lúc sau sóng biển ào lên quét sạch hang với ổ.

Tôi thấy buồn buồn, thương chú dã tràng. Thì ra câu chuyện "Dã tràng xe cát biển đông" là có thật. Bao công sức chở cát về xây tổ, sóng biển xô vào kéo đổ trong tích tắc. Dã tràng khóc khô nước mắt, lại xây tổ mới, lại khóc, lại xây. Cả cuộc đời lam lũ không có nổi một ngôi nhà. Có điều gì đó buồn thương cho kiếp người lao khổ.

Rồi chuyện về loài chim yến. Con người cố tình không hiểu nỗi đau lòng của loài chim yến. Chim chồng hì hục, hộc máu, nhả dãi để xây tổ ấm cho vợ đẻ. Hàng ngày, hai vợ chồng phải bay xa hàng trăm dặm, kiếm mồi nuôi con. Về đến nhà, tổ ấm bị con người lấy mất. Yến con thì bị rơi tan tác. Đau thương uất hận, yến mẹ lao đầu xuống chết bên các con. Yến chồng lao theo, chết bên xác vợ. Món ăn ngon nhất bổ nhất trần đời của con người, là nỗi đau của loài yến. Và còn nhiều món ngon từ muôn loài động vật khác.      

Còn chuyện về loài sam cũng thật lạ kỳ. Sam bao giờ cũng đi đôi với nhau, con cái lười chảy thây, nằm trên lưng con đực, cõng nhau đi khắp nơi kể cả lặn xuống đáy biển. Con đực kiếm được mồi nào thì con cái xơi sạch. Ăn thịt sam cũng thế, phải ăn cả đôi, nếu ăn một thì không ngon và coi chừng tào tháo đuổi. Lạ đời thật. Loài vật chung thủy với nhau đến kỳ ảo như thế.

Thực ra tôi đâu chỉ có những con số trong đầu.

Trong đầu tôi và những người bạn cùng học tập tiến bộ như Gơne, đó là hòa bình và hạnh phúc con người. Về ý nghĩa cuộc sống, về nền văn minh đích thực.

Sau này, tôi còn có vai trò làm mối cho Gơne với một cô bạn, họ đã nên vợ nên chồng.

Chúng tôi cùng đối đãi nhau, và cùng biết ơn bạn mình.

 Người bạn ở Việt Nam: Đào Vọng Đức


Đào Vọng Đức (sinh năm 1936) là một nhà vật lý người Việt, Tiến sĩ khoa học, Giáo sư, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học các nước thế giới thứ 3, nguyên Phó chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam các khóa II, III, IV (1985-2002), nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Việt Nam, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người.

 Ông là chuyên gia trong các lĩnh vực: Lý thuyết đối xứng các hạt cơ bản, lý thuyết thống nhất các tương tác các hạt cơ bản, lý thuyết dây và siêu thống nhất, máy tính lượng tử, thông tin lượng tử, chuyển vị lượng tử thuộc chuyên ngành vật lý lý thuyết.

Ông là một con người đặc biệt, kỳ tài và nhân văn.

Kể từ lần đầu tiên về nước và gặp ông, từ năm 1973 đến nay, tôi đều tham gia các hoạt động khoa học, kết nối các chương trình giao lưu hợp tác với Hội Khoa học Vật lý. Và chúng tôi đã là bạn của nhau.

GS Đào Vọng Đức thường kể với bạn bè đóng góp nhỏ bé của tôi, rằng:

“GS Đỗ Đình Chiểu đã tặng Viện một chiếc máy chiếu Ketro Projecteur và nhiều sách cùng các tài liệu hiếm về vật lý mới xuất bản ở Pháp và Châu Âu. Đây là một món quá đặc biệt quý hiếm vì lúc này cả Viện Vật lý, thậm chí nhiều cơ quan khoa học đầu ngành của đất nước cũng chưa có. Nhiều năm qua GS Đỗ Đình Chiểu đã có sự hợp tác giúp đỡ chặt chẽ và rất hiệu quả với Viện Vật lý chúng tôi” 

 Cựu đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Pháp

Tôi có những mối thân tình với vị cựu đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHXHCN Việt Nam tại Pháp là ông Trịnh Ngọc Thái, một người rất am hiểu tình hình Việt kiều tại Pháp.

Ông Trịnh Ngọc Thái nói:

“Cộng đồng người Việt tại Pháp phần đông là trí thức đã sống nhiều năm, nhiều đời nơi đất khách quê người, xong tình cảm với quê hương đất nước rất sâu nặng. GS Đỗ Đình Chiểu yêu nước thông qua hội Việt kiều và âm thầm hoạt động với tư cách cá nhân”

Đã có lúc gia đình ông Trịnh Ngọc Thái gặp khó khăn khi sống ở Pháp, vợ ông gặp tai nạn nằm trong bệnh viện. Gia đình chúng tôi đã giúp đỡ như anh em trong gia đình.

Những ngọn nến đã thắp sáng

Với kết quả học tập xuất sắc, như trên tôi đã ghi lại, tôi được Chính phủ Pháp cấp học bổng du học tại Đại học Bordeaux và Grenoble; Tiếp đó, tôi còn học thêm một số chuyên ngành khác tại các trường đại học nổi tiếng của Pháp. Tôi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ quốc gia về Vật lý năm 1972. Tôi đã rất may mắn được học tập, nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của những người thầy nổi tiếng như các Giáo sư Louis Neel (giải Nobel vật lý năm 1970 về Từ học), Felix Bertaut - Viện sĩ Hàn lâm và Pierre Gilles de Gennes (giải Nobel năm 1991 về Môi trường đông đặc). Cả ba nhà khoa học này đều rất có thiện cảm với Việt Nam, họ nhiệt tình truyền đạt kiến thức khoa học, ủng hộ những ý tưởng của người học trò Việt Nam nhằm giúp đỡ quê hương, đất nước.

  Ngay sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tôi được gửi đi tu nghiệp và làm chuyên gia tại Hoa Kỳ. Tôi có những thời kỳ đi các nước để được làm việc tại những Phòng Thí nghiệm đặc biệt.

Tại một trong những nơi như vậy, tôi đã gặp Konrad, một người năng động trên thị trường tài chính.

Các mối quan hệ mà chúng tôi duy trì với nhau, tôi và Konrad, được đặt trên cơ sở tin tưởng nhau hết mực. Thi thoảng ông ấy kể cho tôi nghe những giai thoại rất có ý nghĩa cũng như rất tiếu lâm trên thị trường công việc. Niềm tin của ông ta được liên kết với một điểm chung của hai chúng tôi: gu giữ bí mật. Phản xạ này rất phổ biến, mà không bao giờ là chủ đề được đề cập trực tiếp giữa chúng tôi với vợ con trong gia đình.

Còn nhớ một câu chuyện hài hước mà chúng tôi cùng chia sẻ với nhau (tất nhiên sau này tôi đã Việt hóa):

Ngày xưa có một ông vua ngồi trong hoàng cung nghe thấy tiếng rao ngoài cửa sổ: "Vú sữa nào, vú sữa ngon đây!". Vua thấy thèm bèn gọi quan Nhất phẩm đến nói: "Đây là năm đồng tiền vàng, đi mua vú sữa cho ta".

Quan Nhất phẩm gọi quan Cửu phẩm nói: "Đây là bốn đồng tiền vàng, chạy đi mua vú sữa".

Quan Cửu phẩm gọi quan bộ Lễ nói: "Đây là ba đồng tiền vàng, chạy đi mua vú sữa".

Quan bộ Lễ gọi đội trưởng thị vệ nói: "Đây là hai đồng tiền vàng, chạy đi mua vú sữa".

Đội trưởng thị vệ gọi một người lính canh và nói: "Đây là một đồng tiền vàng, chạy đi mua vú sữa".

Tên thị vệ bước ra tóm cổ ông già: "Này, ông đang hò hét cái gì vậy, xéo khỏi đây ngay, tịch thu hết vú sữa".

Ông già tội nghiệp lủi thủi đi, trắng tay.

Lúc sau thị vệ quay về nói: "Đây, thưa đội trưởng. Một đồng tiền vàng được một nửa xe vú sữa".

Đội trưởng đem đến quan bộ Lễ: "Đây, thưa ngài, hai đồng tiền vàng được một bao tải vú sữa".

Quan bộ Lễ gặp quan Cửu phẩm: "Đây, ba đồng tiền vàng được một túi vú sữa".

Quan Cửu phẩm đến gặp quan Nhất phẩm: "Đây, bốn đồng tiền vàng được một nửa túi vú sữa".

Quan Nhất phẩm xuất hiện trước mặt vua: "Thưa bệ hạ, như ngài đã ra lệnh, năm quả vú sữa đây ạ".

Vua ngồi trong cung điện ngẫm nghĩ: "Năm quả vú sữa, năm đồng tiền vàng, vị chi mỗi quả vú sữa một đồng tiền vàng, quá hời. Cần tăng thuế ngay.

Thế là cái gì cũng tăng lên vù vù, dân chết đói…”

Thật là một câu chuyện khôi hài về phép trị nước.

Một lòng vì quê hương đất nước, tôi luôn trăn trở là phải làm gì để góp phần xây dựng nền khoa học Việt Nam ngang tầm với thế giới. Trong một buổi sáng Tết Độc lập thiêng liêng, quây quần cùng bà con nội tộc, tôi chia sẻ tâm sự của mình:

“Ai cũng biết người Việt Nam mình thông minh, giỏi giang. Vấn đề là phải làm gì, tổ chức ra sao để nền khoa học nước mình theo kịp trình độ quốc tế. Việt Nam mình đã có bước tiến dài về nhiều mặt, thế và lực đã khác trước. Nếu huy động và tổ chức để hội tụ đủ Thế (kinh tế, tri thức) - Tình (thiên thời, địa lợi, nhân hoà) - Tâm (cái tâm sáng, quyết tâm cao) thì nước mình sẽ phát triển rất nhanh”.

Tôi cũng cho mọi người biết:

“Hầu hết bà con Việt kiều đều có tình cảm với quê hương. Bây giờ mình đang có cái Thế, mình đang có cái Tình, mình đang có cái Tâm, như nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện đã nói, thì mình đừng để mất cơ hội. Không đột phá thì mình không thể theo được các nước phát triển như Mỹ, Đức, Pháp. Không vượt hơn được, nhưng ít nhất là mình đi cùng người ta. Đừng chờ đến sau này mới bảo: À, đây là Nano, mình áp dụng như thế này thì đã quá lạc hậu. Tôi chắc chắn là Việt Nam mình làm được. Có ba chữ T đó, Việt Nam sẽ làm được với điều kiện là tổ chức, quản lý một cách khoa học.

Kể từ lần đầu tiên về nước là năm 1979, đến nay tôi đã gần như dành phần lớn thời gian trở về và ở lại Việt Nam, tham gia các hoạt động khoa học, kết nối các chương trình giao lưu, hợp tác, hội thảo khoa học vật lý cùng với giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, giáo sư Đào Vọng Đức.

Trong Hội nghị Vật lý lý thuyết toàn quốc lần thứ 33 tổ chức tại Đà Nẵng, tôi đã tham luận về công nghệ nano, gợi mở và cung cấp cho rất nhiều thông tin bổ ích cùng với tài liệu khoa học từ Pháp và các thiết bị thí nghiệm đang còn rất hiếm trong nước.

Có thể nói đi đến đâu, tôi cũng luôn quan tâm tới công tác giáo dục và khoa học Tôi thường quan tâm ghé thăm các trường trung học phổ thông. Tôi không từ chối bất cứ lời mời nào giúp cho các trường có được những buổi nói chuyện ngoại khóa. Tôi tham gia thuyết trình, giảng dạy tại nhiều trường đại học, trung tâm khoa học của đất nước mà không nhận thù lao với sự vô tư, trong sáng.

Tạm biệt quê hương khi mới mười một tuổi, cậu bé Triệu ra đi trong bộ quần áo nâu với những mảnh vá chằng vá đụp, ra đi khi tâm trạng rối bời tưởng như tuyệt vọng vì mất đi người cha - người thầy kính yêu nhất.

Nhưng vượt lên trên hết là khát khao cháy bỏng: Học, phải học và chỉ có học thôi và may mắn nhờ người anh cả Đỗ Mạnh Pha giúp đỡ, cậu được vào học trường Tây ở Sài Gòn, như mầm cây gặp đất tốt mạnh mẽ vươn lên, chỉ một năm cậu đã vươn lên nhất lớp, rồi liên tục học nhảy lớp trước sự ngỡ ngàng của Hội đồng giáo dục. Nhờ sự xuất sắc ấy cậu đỗ tú tài rồi được sang Pháp học.

Cậu học trò tưởng bé nhỏ đó đã không phụ lòng thầy; năm 1972, tôi đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ vật lý một cách xuất sắc.

Luận án của tôi có giá trị lớn về nghiên cứu khoa học điện từ.

Là một Giáo sư Tiến sĩ, tôi không chỉ làm việc cho nước Pháp mà tôi còn dành phần lớn thời gian những năm sau này cho Việt Nam. Tôi ăn lương của nước Pháp, nhưng làm việc và cống hiến cho cả hai đất nước.

Tôi có nhiều đóng góp cho khoa học nước nhà và thế giới về những ứng dụng trong công nghệ tinh thể lỏng (TV), điện thoại di  động,…

Đó là những ngọn nến lung linh mà tôi đặt trước lá cờ Tổ quốc, quê hương Việt Nam của tôi; Và đặt trước lá cờ Pháp, đất nước đã nuôi dưỡng tôi thành nhà khoa học chân chính.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét