17 thg 6, 2023

Bài viết của anh Nguyễn Duy Chính về bài thơ Nuôi Tầm (Cổ thi) trên tạp chí Đồng-Nai văn tập số 1, tháng 11 năm 1965.

NUÔI TẰM

Sáng nay đọc thấy trên tạp chí Đồng-Nai văn tập số 1, tháng 11 năm 1965, trang 19 (do nhà giáo Huỳnh Chiếu Đẳng phổ biến) một bài thơ nhan đề Nuôi Tằm (Tự Tàm), chỉ thấy nói là Cổ Thi mà không biết tên tác giả. Tuy bản viết tay in ngay bên cạnh một bài ca dao về thổ sản của miền Nam nhưng hai bên không có liên hệ gì về nội dung mà bài này được dịch âm và dịch nghĩa nơi trang 18 của cùng số báo trên. Tổng cộng bài thơ chỉ có 40 chữ rất dễ hiểu nhưng ý tứ thâm trầm, man mác không khác gì Du Tử Ngâm của Mạnh Giao khiến đọc lên thấy rưng rưng.

Sở dĩ người viết xúc động khi đọc bài Nuôi Tằm vì bài thơ gợi lên một hình ảnh một làng quê miền bắc. Ở nông thôn, người dân sống trong một khu vực kinh tế tự túc, trao đổi mà hai nhu cầu thiết thực nhất là ăn và mặc đều chính mình làm ra, không phải trông cậy vào buôn bán với bên ngoài.

Trồng lúa, khoai, ngô, sắn thì là công việc phần lớn của người đàn ông nhưng trồng dâu, nuôi tằm và khi có được sợi tơ thì đánh suốt, kéo chỉ, dệt vải đều một tay người đàn bà làm cả. Khi tôi còn bé, cứ đến mùa thì mẹ tôi và cô tôi sáng sáng quang gánh đi mua dâu. Dâu trồng nhiều ở những bãi ven đê tân bồi, đất xốp nhiều cát chứ không ở làng vì còn để dành trồng những loại cây năng suất cao hơn. Vì thế mua dâu phải đi xa mới có đủ theo nhu cầu. Bà tôi thì ở nhà trông coi các nong tằm, thái lá dâu thành những sợi nhỏ rắc cho tằm ăn. Tuy chỉ nuôi vài nong (cái mẹt lớn) đủ cho gia đình nhưng giống sâu này ăn nhanh lắm, thành tiếng rào rào nên tằm ăn dâu, tằm ăn rỗi là những tiếng người ta gọi khi việc gì nhanh và hối hả.

Khi mẹ tôi đi vắng thì tôi lẩn quẩn bên cạnh bà nội để xem con tằm từ khi còn là con sâu bé tí đến lúc kéo sợi, làm kén. Con tằm cứ một thời gian ăn nhanh thì lại có một thời kỳ nằm ngủ, ấy là thời gian biến thái của con sâu theo từng bước trưởng thành và phải qua nhiều bận trước khi bám vào khung tre để nhả tơ làm thành cái kén. Trong cái kén con sâu lột vỏ để thành ấu trùng (tức con nhộng) trước khi thay đổi lần cuối thành con ngài, là giai đoạn cuối của cuộc đời côn trùng này. Tuy nhiên, ít con tằm được sống cho đến khi thành một con bướm để đẻ trứng mà sẽ bị giết khi hoàn thành cái kén nõn như bông ấy.

Tới lúc đó người ta sẽ luộc những cái kén để đánh suốt, tức là tháo những sợi tơ rồi đánh thành từng cuộn để ngâm phơi dệt vải. Mỗi cái kén có một con nhộng, cứ có con nào thì mẹ tôi bỏ vào cái bát cho tôi. Tôi ngồi bên cạnh mở quyển sách đánh vần, chỗ nào không biết thì mẹ tôi dạy dù bà cũng chỉ biết bập bẹ không thông.

Sau khi  đã có tơ, mẹ tôi dệt thành vải để may quần áo cho cả nhà. Quần áo mới ngày Tết cũng là từ những tấm vải này chứ không phải mua ngoài chợ. Ở nhà quê, khung cửi được coi như một tài sản, các nông cụ dùng cho việc tầm tang để ở riêng một gian nên chỉ nhà nào khá giả mới có. Nhà có khung cửi thì con gái mới được học nuôi tằm dệt vải là đức tính của nữ nhi. Tiêu chuẩn ở nhà quê thường chọn con gái biết dệt vải, làm tương, làm kiệu, muối dưa chứ không phải thêu thùa, gia chánh như ở tỉnh. Từ cùng một cái kén nhưng thành phẩm thì nhiều loại vải, từ loại mịn màng đến những mặt vải xấu dày như mo nang, chỉ nhuộm nâu hay đen chứ ít có màu khác.

Bài thơ nuôi tằm trên báo Đồng Nai tôi chép lại và tạm dịch vụng về sau đây:

Nguyên văn

Dịch âm

飼蠶

日出採桑去

日暮採桑歸

漸見桑葉老

不覺蠶兒肥

纔見蠶一眠

又見蠶二眠

蠶眠人不眠

辛苦有誰憐

Tự tàm

Nhật xuất thái tang khứ

Nhật mộ thái tang qui

Tiệm kiến tang diệp lão

Bất giác tàm nhi phì

Tài kiến tàm nhất miên

Hựu kiến tàm nhị miên

Tàm miên nhân bất miên

Tân khổ hữu thuỳ liên

 

Dịch nghĩa

Nuôi tằm

Mặt trời mọc thì đi ra hái dâu

Mặt trời lặn thì hái dâu trở về

Thấy lá dâu mỗi lúc một già thêm

Thì biết rằng con tằm cũng lớn rồi

Vừa thấy  con tằm ngủ giấc một

Lại đã thấy con tằm ngủ giấc hai

Tằm thì ngủ mà người thì không ngủ

Có ai thương xót cho nỗi khổ ấy không?

Chân thành cảm ơn nhà giáo Huỳnh Chiếu Đẳng đã phổ biến bộ Đồng Nai Văn Tập (ngày 12 tháng 6 năm 2023) và công trình này là của anh Võ Phi Hùng (cựu học sinh Petrus Ky 67-74) sưu tập tặng cho độc giả của Kho Sách Xưa, Quán Ven Đường.

http://ndclnh-mytho-usa.org/DongNaiVanTap.htm

Nguyễn Duy Chính

6-2023

Sau khi viết bài này, tôi gửi cho một vài bậc túc học và một thân hữu ưa thích thơ văn đã cho biết đây là phần đầu của một bài thơ dài hơn trong một độc bản (sách tập đọc) soạn cho thiếu niên. Phần cuối của bài thơ đó như sau:

Nguyên văn

Dịch âm

春蠶口中絲

阿儂身上衣

若要衣裳好

莫使春蠶饑

蠶老變爲蛹

蛹老變爲蛾

飼蠶復飼蠶

一春便已過

Xuân tàm khẩu trung ti

A nông[1] thân thượng y

Nhược yêu y thường hảo

Mạc sử xuân tàm ki (cơ)

Tàm lão biến vi dũng

Dũng lão biến vi nga

Tự tàm phục tự tàm

Nhất xuân tiện dĩ quá

 

Dịch nghĩa

Sợi tơ từ miệng của con tằm

[Ấy là] chiếc áo ở trên người của ta đó

Nếu muốn cho áo quần được tốt đẹp

Thì chớ có để con tằm phải thiếu ăn

Con tằm khi đã chín thì biến thành con nhộng

Con nhộng khi đã chín thì biến thành con ngài

Cứ [hết đợt] nuôi tằm rồi lại nuôi tằm [đợt khác]

Thì thấy một năm đã trôi qua

Toàn bộ bài thơ vừa có ý nghĩa luân lý, vừa là một bài học thực tế về nghề nuôi tằm lấy tơ dệt vải. Tuy rất đơn giản nhưng toàn bộ hàm ý sâu xa, dạy cho trẻ em biết quí trọng công sức của người nuôi tằm mà cũng gắn liền con người với sinh hoạt nông tang. Trồng dâu nuôi tằm là một phần của cuộc đời và muốn cho cuộc sống tươi đẹp hơn thì chúng ta phải chăm chút ngay từ gốc chứ không phải chỉ tô điểm ngọn.

Ở nước ta vài mươi năm trước, những nhà giáo soạn sách giáo khoa cũng hướng dẫn con em về đức dục, trí dục và thường soạn những bài học thuộc lòng tương tự như bài này. Những bài học đó tuy mộc mạc nhưng vẫn hàm chứa một triết lý nhân sinh gắn liền từ thuở còn thơ đến tuổi già. Những bài thơ trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư hay Tân Quốc Văn mãi mãi vẫn là những ngọn hải đăng xử thế, hướng dẫn cho cuộc đời.

Người bạn văn của chúng tôi cũng gửi thêm một bài thơ của Trương Du  (), tuy chỉ có 20 chữ nhưng ý tứ rất man mác như sau:

Nguyên văn

蠶婦

昨日入城市,

歸來淚滿巾。

遍身羅綺者,

不是養蠶人。

Dịch âm

Tàm phụ

Tạc nhật nhập thành thị,

Quy lai lệ mãn cân.

Biến thân la ỷ giả,

Bất thị dưỡng tàm nhân.

Dịch nghĩa

Hôm qua đi vào nơi buôn bán trong thành

Khi trở về nước mắt thấm ướt cả khăn

Tất cả những ai đang mặc quần là áo lượt

Thì đều không phải là người đã nuôi con tằm

(trang HCĐ )

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét