18 thg 6, 2023

Chữ nghiã làng văn Kỳ 15/6/2023 - Ngộ không Phí Ngoc Hùng

Chữ nghĩa làng văn

 

***                     

Địa phương chí

Chí“phả” (gia phả), là cuốn sách ghi chép địa lý, phong tục, nhân vật của một địa phương.

Chí có nghĩa là ghi chép

 (Đoàn Xuân Thu)

 Một số địa danh hành chính bị viết sai ở Nam bộ

 Huyện Bến Lức (tỉnh Long An) đúng ra là Bến Lứt.

Sách Gia Định thành thông chí viết Thuận An giang tục danh là 滝 氵变 木栗 “sông Bến Lứt”. Lứt 木栗 (sài hồ) là loài cây bụi mọc ven sông rạch, dùng làm thuốc Nam, có tác dụng thanh nhiệt.

(Lê Công Lý)

 Trịnh Hoài Đức (1820?, tái bản 2005), Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch và chú giải, Nxb Đồng Nai.

 Văn hiến

 Văn hiến: văn là sách vở, hiến là bậc hiền tài.

 Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

si: nguyên si. → không viết: xi.” (Gs Nguyễn Văn Khang)

(viết đúng = nguyên xi)

(Hòang Tuấn Công)

Chữ nghĩa

Giáp Cốt văn là loại văn tự khắc chạm trên mai rùa. Chữ trên mai rùa gọi là Giáp văn.

Còn chữ trên xương những động vật khác gọi là Cốt văn.

Chữ viết khắc chạm trên đồng và kim loại gọi là Kim văn.

 Xóm Đào nương

-  Thái Hà : ở Hàng Giấy có xóm Đào nương từ năm 1915, còn gọi là xóm Bình Khang, có trước xóm Khâm Thiên

-  Khâm Thiên : xóm cô đầu ở Ngã Tư Sở.

(Vũ Ngọc Phan – Hồi ký những năm tháng ấy)

 Tưởng nhớ Nguyễn Đức Quỳnh - 1

Đàm trường viễn kiến họp tại nhà riêng của Nguyễn Đức Quỳnh, sinh hoạt công khai mỗi buổi tối thứ sáu thường có hàng chục văn nghệ sĩ đến ngồi trò chuyện, đọc thơ và văn trong nhiều năm trước và sau năm 1960. Ông giao dịch với những nhà chính trị như Hồ Hữu Tường, Hồ Hán Sơn, Trần Văn Ân (chủ nhiệm báo Đời Mới), Phạm Xuân Thái và Ngô Trọng Hiếu (hai bộ trưởng thông tin trong chính phủ Ngô Đình Diệm), Bác sĩ Trần Ngọc Ninh, một tổng trưởng Văn hóa Giáo dục thời Đệ nhị Cộng hòa.

Trong Đàm trường viễn kiến, mọi người được yêu cầu gọi Nguyễn Đức Quỳnh là anh, tất cả mọi người được yêu cầu gọi nhau là anh, em, không có ai là chú, bác. Như chúng ta thấy, khi nhắc tới Nguyễn Đức Quỳnh cả Mai Thảo và Dương Nghiễm Mậu đều gọi là “Anh” mặc dù hai người này tuổi tác cách nhau, Dương Nghiễm Mậu kém thua Nguyễn Đức Quỳnh gần ba chục tuổi, còn trẻ hơn con lớn của ông là nhà văn Duy Sinh. Hai người đóng vai thư ký mỗi tối thứ sáu, lúc đầu là Đinh Hữu, sau là Đỗ Ngọc Yến.

 Tại Đàm trường viễn kiến, mà cụ Quỳnh nhận chức “thủ từ” (người giữ đền) chúng tôi Dương Nghiễm Mậu, Trần Dạ Từ, Viên Linh, Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Thụy Long, Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, Đào Mộng Nam, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Hà Thế Ruyệt, Nguyễn Nhật Duật, cả các nhà chính trị rất thân với Nguyễn Đức Quỳnh như Phạm Xuân Thái, Ngô Trọng Hiếu (Paul Hiếu). Ngoài các nhà văn, nhà thơ, Đàm trường viễn kiến cũng thu hút nhạc sĩ Phạm Duy, các họa sĩ Nguyễn Trung, Đỗ Quang Em, các nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh, cũng đều hay lui tới.

 (Đỗ Quý Toàn)

 Đừng tưởng


Đừng tưởng cứ chọc là cười..

Nhiều khi nói móc biết cười làm sao

 (Bùi Giáng)

 Tưởng nhớ Nguyễn Đức Quỳnh - 2

 Cách sử thế, tiếp vật của Nguyễn Đức Quỳnh rất dễ chinh phục lòng người. Cao Thế Dung kể: “Đối với anh em, cụ rất thật tâm tuy ai cụ cũng khen, ai cụ cũng tìm một đặc điểm nào đó để khen nhưng nếu xét cho kỹ cái khen của cụ thật là tài tình, nhân hậu, không một lần giả dối …” Cao Thế Dung cũng chứng kiến cảnh, “Thế Phong công kích bậc thầy trước cả mặt tôi, trước mặt cả thầy Đức Nhuận, cụ vẫn hỷ hả. Một anh luật sư nọ đến thăm cụ mũ cao áo dài ra vẻ ta đây cụ cũng coi như một. Trần Dạ Từ xộc xệch lê đôi dép cao su, áo bỏ ngoài quần. Đối với cụ, anh em giới cầm bút là thượng khách”

 Nhà văn Thanh Nam cũng trải qua kinh nghiệm này khi còn rất trẻ, vào năm 1953 ở Hà Nội. Ông và nhà văn Nguyễn Minh Lang được ông giám đốc nhà xuất bản “đưa đến gặp anh Quỳnh,” sau khi hai người mới in hai cuốn tiểu thuyết. “Khi gặp anh tôi không hề nghĩ là anh đã đọc văn của mình, nhưng chúng tôi sửng sốt khi thấy anh đề cập tới hai cuốn tiểu thuyết kia và nói tới từng chi tiết một chứ không phải chỉ là nói phớt qua để lấy lòng hai đàn em. Anh đưa cuốn sách ra và chỉ cho tôi thấy từng đoạn viết sai, viết láo của tôi. Chưa bao giờ tôi thấy xúc động trước một nhà văn đàn anh như vậy.”

 Dương Nghiễm Mậu kể: “Khoảng năm 1960-1962, mỗi chiều thứ sáu ở nhà ông, có sinh hoạt của "Đàm trường viễn kiến". Khi anh Quỳnh mất có người hỏi: Nguyễn Đức Quỳnh là ai?" Tôi thấy  không đáng trách, vì đã 20 năm nay, anh gần như mai danh ẩn tích; đời sống của anh là một đời sống thanh đạm, cho nên chỉ có những người gặp anh mới biết anh là ai, một ai không rõ ràng. Tôi nghĩ, đến lớp người như tôi; chắc là lớp người chót được biết anh, và từ đó tôi nghĩ: sau này chắc chắn sẽ có nhiều huyền thoại về anh. Trong bước đầu viết văn, tôi chịu ơn anh đã khuyến khích.  Sau này có gần 10 năm, tôi không gặp anh. Tôi cũng không hiểu vì sao tôi không muốn gặp anh. Nay anh đã mất, nhưng tôi vẫn muốn được dùng hai tiếng "Anh Quỳnh", như khi anh còn sống, để viết một ít dòng về anh. Điều ấy cũng có nghĩa: "Tôi không quên được anh".

 (Đỗ Quý Toàn)

 Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Sông sâu sào vắn dễ dò
Đố ai lấy thước mà đo lòng người

197 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ 

 Tuệ Sỹ và Trí Siêu đều tu ở chùa từ lúc rất bé nhỏ; cả hai đều rất giỏi chữ Hán, và rành chữ Pháp, chữ Anh, đọc hiểu chữ Ðức, đọc được chữ Pali và chữ Phạn cả hai đều có kiến thức uyên bác về kinh luận chính yếu của Phật giáo Nguyên Thủy và Ðại Thừa.

Ít có nhà Phật học nào ở Việt Nam có thể am hiểu tường tận về tư tưởng Vasubandhu và cả tư tưởng Asanga cho bằng Lê Mạnh Thát; cũng như có ít người hiểu được tư tưởng Abhidharma (hệ thống phức tạp nhất của Phật giáo Nguyên Thủy) và tư tưởng Nagarjuna một cách sâu sắc cho bằng Tuệ Sỹ.

Chẳng những thế, Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ đều có kiến thức sâu rộng về Triết học Tây Phương. Tuệ Sỹ đọc rất kỹ Heiderrer và Michel Foucault; bài diễn thuyết đầu tiên về Michel Foucault tại Việt Nam dạo đó là do Tuệ Sỹ thuyết trình tại giảng đường Ðại Học Vạn Hạnh; còn Lê Mạnh Thát rất thông thạo về Marxism, đọc cặn kẽ bộ Recherches logiques của Husserl, hiểu biết rành rọt Wittgenstein và Bertrand Russell và Merleau-Ponty.

 Tuệ Sỹ thì có tâm hồn thi sĩ chơi vơi, sống trọn vẹn trong thế giới nghệ thuật và thi ca, thổi sáo, chơi dương cầm, làm thơ, say mê thi sĩ Ðức Hoelderlin, đọc hết toàn tập đường thi ngay nguyên tác, viết một tác phẩm sâu sắc thơ mộng nhan đề "Tô Ðông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng"; còn Lê Mạnh Thát thì không biết làm thơ và chẳng hề để ý đến nghiên cứu văn chương nghệ thuật, mà chỉ say mê luận lý học, khoa học và toán học, nghiên cứu sâu rộng về kinh tế, chính trị, và quân sự nhất là lịch sử thế giới, đặc biệt nhất là lịch sử những cuộc cách mạng ở thế giới.

(Hai vị Thiền sư - Phạm Công Thiện)

 Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Ngồi khòm đầu gối quá tai
Là người cực khổ chẳng sai chút nào

Nguyễn Hữu Tiến và việc bảo tồn văn hóa cổ - 1

 

Năm 1927, cũng trên Nam Phong, Nguyễn Hữu Tiến dịch Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ. Lĩnh Nam dật sử, tác giả Lĩnh Nam dật sử là một người Mán ở Đà Giang được Trần Nhật Duật (danh tướng đời Trần) dịch ra chữ Hán. Dịch phẩm này giúp ích các nhà nghiên cứu sử Việt giai đoạn bang giao giữa nước ta (thời Lý Nhân Tông) và nhà Tống có thêm tài liệu quý.

 

Nhận định về Nguyễn Hữu Tiến, đối với việc dịch thuật tác phẩm liên quan đến Trung quốc, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại đã viết những dòng chân xác sau đây:

“Ông là một nhà văn cho chúng ta biết về học thuật tư tưởng nước Tàu nhiều hơn cả các nhà văn lớp cũ. Những bài khảo cứu biên tập và dịch thuật của ông đăng rất đều trong tạp chí Nam Phong đều là những bài về lịch sử, về phong tục, về văn minh và luân lý và tôn giáo, văn chương nước Tàu; ông lại nghiên cứu và dịch thuật rất công phu riêng về học thuyết Khổng Mạnh và các bực danh nho Trung hoa trong những tác phẩm Mạnh tử quốc văn giải thích, Lịch sử sự nghiệp Tư Mã Quang…”

Tướng mặt

Mặt lưỡi cày

Là dáng mặt dài thượt, thẳng tuột nhọn cằm, lưỡng quyền thấp, mũi thấp. Mặt có bề ngang hẹp, như cái lưỡi cày hoặc hẹp nhiều giống cái đinh là tướng cô độc, làm gì cũng thất bại, nghèo khổ.

Nguyễn Hữu Tiến và việc bảo tồn văn hóa cổ - 2

 

Khi Nam Phong đóng cửa, không phải Nguyễn Tiến Lãng (1909-1979) thay Phạm Quỳnh làm chủ bút Nam Phong. Ông Lãng sau này làm con rể PQ) viết lời từ biệt độc giả mà chính Nguyễn Hữu Tiến làm việc này. Ông viết nhiều hàng cảm động, và sau đây trích một số dòng cuối cùng của bài Nam Phong cáo biệt:

Mười tám năm…thực đã hiến cho văn đàn người Nam một cái sự nghiệp thật khai mạc đáng ghi nhớ, là cái sự nghiệp làm tăng tiến cho tiếng mẹ đẻ. Sự nghiệp Nam Phong cống hiến cho quốc dân trong mười tám năm trời, nay tóm lại không ngoài hai cái tính cách: một là bắt đầu làm cho tăng tiến trình độ tiếng Nam, hai là duy trì chủ nghĩa quốc gia cho dân tộc.

Nay đến lúc chia tay, Nam Phong xin chỉ vào tập sách 210 số có tên bản chí mà dặn cùng các bạn yêu văn, rằng:
Bàn văn luận đạo bấy nay
Bạn cùng tri kỷ còn đây là tình


(Tổng thuật sự nghiệp Nam Phong -NP số 210, 16-12-1934)


Nguyễn Hữu Tiến sinh năm 1875 quán làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Đông, tạ thế 1941 tại quê hương. Ông thi hương đậu tú tài nhưng không theo hoạn lộ mà chuyển sang con đường báo chí và biên khảo.

 

 

Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Râu rìa, lông ngực đôi bên
Chẳng phường phản bạn, cũng tên nịnh thần

Hồ Xuân Hương: Huyền thoại và sự thực

Trong làng thơ Việt Nam mà xưa nay chẳng mấy ai không biết. Người ta thuộc thơ Hồ Xuân Hương, ấy vậy mà Hồ Xuân Hương sinh trưởng ở đâu? vào thời nào? Cuộc đời của Hồ Xuân Hương ra sao, đã trải qua những nỗi bất hạnh nào để nên thơ?

Đến nay người ta chưa xác định được. Đã có không biết bao nhiêu biện thuyết, bao nhiêu sách báo của bao nhiêu nhà nghiên cứu văn học, bao nhiêu tác giả trong nước: từ Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến đến Dương Quảng Hàm, Hoa Bằng, Nguyễn Triệu Luật, Trương Tửu, Xuân Diệu, Trần Bích Lan, Trần Thanh Mại… và gần đây như Hoàng Xuân Hãn, Đào Thái Tôn… cũng đã bàn luận nhiều về thân thế, sự nghiệp văn chương của nữ sĩ họ Hồ này - và đáng buồn thay: các ý kiến này khác nhau thậm chí mâu thuẫn nhau.

 

Sở dĩ vậy là vì bên cạnh những học giả, những nhà văn bản học Hán-Nôm chuyên nghiên cứu các tàng bản từ thế kỉ trước với tinh thần nghiêm túc, cẩn trọng lại cũng có một số người viết chưa đủ tầm hoặc chưa có được những bằng chứng xác đáng, thường suy diễn theo cảm nhận chủ quan, võ đoán.

Tìm hiểu cuộc đời nữ sĩ Hồ Xuân Hương, trước hết, Dương Quảng Hàm trong Việt văn giáo khoa thư năm 1940 cho rằng “Hồ Xuân Hương là con gái ông Hồ Phi Diễn người làng Quỳnh Ðôi, huyện Quỳnh Lưu, xứ Nghệ An”. Cụ đồ Diễn đậu tú tài năm 24 tuổi; ra Hải Dương dạy học. Tại đây cụ lấy lẽ  một cô gái họ Hà ở Bắc Ninh. Hồ Xuân Hương là con của cụ đồ Diễn và người vợ thứ này. Lúc này cụ đồ Diễn đã chuyển về sống tại phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận (gần Hồ Tây - Hà Nội bây giờ). Về sau, gia đình lại chuyển về thôn Tiên Thị, Tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương (nay là phố Lý Quốc Sư). Tại đây, Hồ Xuân Hương có một ngôi nhà riêng dựng gần hồ Tây, lấy tên là Cổ Nguyệt đường. (1)

(Nguyễn Cẩm Xuyên)

(1) “cổ” ghép với “ nguyệt”  thành chữ “ hồ”.

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

 Bài tựa Truyện Thuý Kiều của Trần Trọng Kim có đoạn: 
- Ấy là cái tâm sự của tiên sinh (Nguyễn Du) đã đem gửi vào tập Truyện Thuý Kiều để hậu thế ai có con mắt tinh đời, thì soi xét đấy, mà thở dài thay cho một người tài tình, tiết nghĩa, sinh không gặp thời, phải đày đoạ ở chốn phong trần, để tấm lòng son sắt mai một đi mất. Bởi thế nên khi tiên sinh sắp mất, có khẩu chiếm hai câu rằng: 
Bất tri tam bách dư niên hậu  
Thiên hạ hà nhân khấp Tố-như
 
(Không biết hơn ba trăm năm sau, 
Thiên hạ ai người khóc Tố Như?)

 Trần Trọng Kim nhắc lại giai thoại Nguyễn Du "khẩu chiếm" hai câu thơ lúc sắp mất của cụ nghè Nguyễn Mai, thuộc thế hệ thứ mười họ Nguyễn Tiên Điền, kể cho Lê Thước và Phan Sĩ Bàng nghe năm 1924.  Năm 1943, Đào Duy Anh khám phá ra hai câu thơ này là của bài Độc Tiểu Thanh ký, nằm trong Thanh Hiên thi tập của Nguyễn Du. Thì ra giai thoại Nguyễn Du "khẩu chiếm" chỉ là chuyện cụ nghè Nguyễn Mai bịa đặt để tâng bốc tổ tiên. 

 (Nguyễn Dư)

 Những khuất lấp thời Hồng Bàng thị - 1

Thep một nhà chép sử công phu, dài hơi đang ở ngoài nước thi:

Đại Việt sử ký toàn thư sao chép 18 đời vua Hùng rập y khuôn 18 đời vua nhà Hạ, triều đại Hồng Bàng ở bên Tàu. Tiếp đến, không sừ Tàu nào nhắc đến…18 đời vua Hùng của Ta. Thêm nữa Sử ký của Tư Mã Thiên không chép về vua Phục Hy, Thần Nông thuộc thời kỳ Hồng Bàng của họ vì họ cho là huyền thoại.

Những sử gia thời xưa đưa 18 vua Hùng vào chính sử vào đời Trần có Hồ Tôn Thốc, đời Lê với Ngô Sĩ Liên, đời Nguyễn là Trần Trọng Kim (dựa theo Ngỗ Sĩ Liên).

 Khổng Tử

 Khổng Tử chẳng làm được điều gì khi còn đang tại chức. Khổng Tử chỉ có đánh xe đi dạo, nghe nhạc và bình phẩm về đàn bà, về cái hoạ đàn bà thì đúng hơn.

Thậm chí Khổng Tử hơn cả Khổng Tử 

 (Phạm Thị Hoài)

Những khuất lấp thời Hồng Bàng thị - 2

 Với Phục Hy, Thần Nông, sử sách Hà Nội hôm nay rập khuôn theo Tàu…

“Ở Hà Nội, Tập san Văn Sử Địa miền Bắc có phụ bản bài văn kkảo đăng một bài nói về Phục Hy, cụ tổ Trung Quốc chính là người làng Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Ngay dưới chân núi chùa Tây Phuơng còn có miếu của Tổ là nơi “bác Hồ” rút khỏi Hà Nội khi về Chùa Thày. Mỗi lần bác tập xe đạp đều ghé miếu lạy Tổ ta cúng hẹ (sic) và cơm trắng…”

Năm 54, ông Hồ tới đền Hùng báo cáo chiến thắng Điện Biên Phủ vừa mới xong và bảo đám bộ đội đi theo: “Vua Hùng có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Vì lịch sử chỉ là công cụ của chế độ nên sử gia miền Bắc “nhất trí”: Chỉ có Hùng vương thôi, vì bác đã nói như thế. Và họ như âm bản của sử quan nhà Nguyễn: Hùng Triêu vương, huý Cảnh Chiêu Lang làm vua 94 năm, sống 286 tuổi có 60 vợ, sinh 40 con trai & 16 con gái, có 56 chi và sinh ra 399 cháu chắt.

Tịch bất tọa

 Từ “Tịch bất …toạ” của Khổng Tử, các cụ nhà Nho, đều theo:

“Thịt thái không vuông không ăn, chiếu trải không vuông không ngồi, lời nói không có lễ nghĩa, không nghe”.

 Gánh vàng đi đổ sông Ngô

 

Vua Ngô bám sáu tấn vàng

Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì

Chú Chổm uống rượu tì tì

Chết xuống âm phủ khác gì vua Ngô

 

Nước ta bị Tàu đô hộ từ thời nhà Hán vào năm 11 trước công Nguyên. Nhưng cuối đời nhà Hán thì Tàu chia làm 3, gọi là thời Tam Quốc với Nguỵ (Tào Tháo), Thục (Lưu Bị), Ngô (Tôn Quyền). Nhà Ngô thay thế nhà Hàn (thời Hai Bà Trưng) cai trị nươc ta (thời Bà Triệu). Nhà Ngô thời Tam Quốc “nổi tiếng” trong ca dao như “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bền chồng”. Hay “Tham giàu phải lấy thằng Ngô, đêm nằm như thể cành khô chọc vào”, v…v…

 

Những câu ca dao trên chỉ nhà Ngô (tức Tàu) vì thời ấy ta chưa có từ “Tàu”.

 (Nguyễn Ngọc Ngạn)

 Khoa cử thời xưa

 Mặc dù luật lệ trường thi rất nghiêm ngặt như thí sinh bị cấm suốt đời không được thi, khảo quan bị đi đày, hay tử hình. Nhưng chuyện gian lận không thể tránh khỏi, theo Đại Nam thực lục ghi, chủ khảo Nguyễn Tú trường thi Ngệ An vì tráo quyển bị án tử hình. Sách Cương Mục viết Ngô Sách Tuân làm giám thị, giúp con bạn đưa quyển cho khảo quan bị xử giảo.

Nổi tiếng nhất là vụ án Tam nguyên Lê Quý Đôn: Khoa thi Hội 1775, Lê Quý Đôn làm chánh chủ khảo nói với học trò giỏi của mình là Đinh Thì Trung đổi quyển cho con mình Lê Quý Kiệt. Kết quả Lê Quý Kiệt đỗ thủ khoa. Khoa ấy vua Lê chúa Trịnh đánh cuộc, vua Lê cho là thủ khoa sẽ về tay Kiệt vì là con Lê Quý Đôn tất học giỏi.

Chúa Trịnh vì đã biết Đinh Thì Trung nên đánh cuộc Trung sẽ đỗ đầu và định bụng hễ đỗ đầu là trọng dụng ngay. Chúa Trịnh thua cuộc, không chịu, duyệt lại văn bài, khám phá ra vụ đổi quyển. Vì Lê Quý Đôn làm quan to, Trịnh Sâm bỏ qua không phạt.

Giai thọai làng …vua xóm chữ

 Hồn bướm mơ tiên

Nhân dịp đầu xuân, vua Lê Thánh Tông (1442-1497) ngự thăm nhà Thái học (Văn miếu), lúc về ghé qua chùa Ngọc Hà ở thôn Thanh Ngô gần đấy
(1). 
Tới nơi, vua thấy cảnh trí u nhã, hoa cỏ xanh tươi, lại nghe tiếng ni cô tụng kinh vang vang trong chùa. Giọng ni cô trong như nước suối,mà du dương uyển chuyển lạ thường , khiến người nghe dường như cũng phiêu diêu trong thế giới cực lạc. Nhà vua hứng tình, nguồn thơ lai láng, liền đề lên vách chùa hai câu thơ :
 
Tới nơi thấy cảnh thấy người
Tuy vui đạo Phật chưa nguôi lòng trần


Rồi nhà vua lấy hai câu ấy làm đầu đề, bắt các quan tùy tòng ngâm vịnh. Lúc ấy, Thân Nhân Trung, một trong hai vị phó soái của "Tao đàn nhị thập bát tú" có thơ vịnh như sau : 
Ngẫm sự truyền duyên khéo nực cười, 
Sắc không tuy bụi, hẫy lòng người. 
Chày kình một tiếng tan niềm tục, 
Hồn bướm ba canh lẳn sự đời. 
Bể ái ngàn trùng mong tát cạn, 
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi. 
Nào nào cực lạc là đâu tá? 
Cực lạc là đây chín rõ mười

Vua trao bài thơ cho ni cô xem, ni cô chê hai câu "thực" thiếu ý cảnh và sửa lại rằng:
Gió thông đưa kệ tan niềm tục, 
Hồn bướm mơ tiên lẳn
(lẫn?) sự đời. 

Vua khen hay, rồi đưa luôn ni cô về cung. Nhưng kiệu đi tới cửa Đại Hưng (1) thi ni cô chợt biến mất. Vua sai dựng ở đó một cái lầu gọi là "Vọng tiên lâu" để lưu dấu người tiên. 

(1) chợ cửa Nam bây giờ 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 Người ta đã thống kê được rằng, cuộc đời một người đàn ông hầu hết gắn bó với chữ “ăn”.

Lúc có bạn gái thì chăm chăm tìm cách“ăn thịt”. 
Ăn thịt xong thì phải “ăn hỏi” rồi “ăn cưới”,

Cưới về phải tiến hành“ăn nằm”.
Khi vợ đến kỳ sinh đành phải “ăn chay” hoặc "ăn vụng",

Sau khi vợ sinh em bé thì phải “ăn kiêng”,

Về già rụng răng  phải “ăn cháo”, xa thêm tí nữa thì theo

các cụ mà…mà ….“ăn xôi nghe kèn”.

 Hàm Nghi: một nghệ sĩ đa tài - 1

 Bạn với nữ sĩ Suzanne Meyer-Zundel

 Bà Suzanne Meyer-Zundel cũng là một nhà điêu khắc, từ trần vào năm 1971 nhưng có viết một cuốn hồi ký lấy tên là “Mười lăm năm bên cạnh ông hòang Annam” trong đó bà cho biết vào tháng 11-1926, chính bà đã tổ chức một cuộc triển lãm tranh và tượng do vua Hàm Nghi sáng tác tại Galerie Mantelet (đường La Boetie, quận 8, Paris). Tuy nhiên không ai biết những tác phẩm nào đã có người mua và hiện nay đang lưu lạc nơi nào.

Bà cho biết rằng sau khi ông hoàng Annam dọn về ngôi biệt thự mới đặt tên là Villa Gia Long, ông đã trang trí ngôi biệt thự này theo kiến trúc Á Đông. Đặc biệt trong vườn, ông có dựng một cái đền nhỏ, người Pháp gọi là “le temple “, không phải chùa (pagode), để làm nơi ông đến hướng lòng về quê hương tổ quốc (*) và ông bà tổ tiên.

(*) Có thể cựu hòang Hàm Nghi như Hòang tử Lý Long Tường lập ngôi đền “Vọng cố Hương” ở bắc Cao Ly vào năm 1226.

                        Đền Vọng cố hương của Lý Long Tương

 Từ chuyện Trần Thủ Độ soán ngôi nhà Lý, Lý Long Tường, chạy ra biển sau đến Hoàng Hải (Hwang Hac) thuộc bắc Cao Ly và được Cao Tông (Kojong) cho định cư ở đây.

Ở khu vườn này nhà vua còn trang hoàng những bức tượng lớn nhỏ khác nhau do chính tay nhà vua tạc lấy, tuy nhiên sau ngày nước Algérie được độc lập thì Villa Gia Long thuộc quyền qủan trị của sứ qúán Nga, người Algériens đã dời những bức tượng đó không biết này ở đâu. Còn ngôi biệt thư. Villa Gia Long trở thành sứ qúán nằm tại số 7 đường…“Chemin du Prince d’Annam”, cái tên mà người Pháp và người Algériens đã gọi trong thời gian mà ngài đã sống tại  thành phố Alger, thủ đô nước Algérie.

Riêng về những bức tượng nhỏ hơn thì vào năm 1935, khi vua Hàm Nghi được 64 tuổi và đã sống lưu đày tại Algérie hơn 45 năm, nhà vua có chụp một tấm ảnh, hai tay đang cầm một bức tượng và đằng sau là những pho tượng lớn nhỏ khác do chính tay nhà vua sáng tác.

Đặc biệt nếu nhìn kỹ thì chúng ta sẽ thấy giưã những bức tượng có lẽ bằng thạch cao màu trắng. Còn có một chiếc khánh bằng đồng, đó là một vật mà tai chốn cung đình, các bậc vua chúa thường dùng để đánh lên khi gọi cung phi thái giám, người hầu kẻ hạ. Có lẽ chiếc khánh này do chính nhà vua tạo ra theo trí nhớ …

(Trần Đông Phong)

 

Ca dao

 

Ca dao là thơ, được gạn lọc từ thời này qua thời khác do những thi sĩ khuyết danh. Cách gieo vần hạ chữ tài tình, giầu âm thanh mộc mạc đôi khi cũng…khó hiểu, như:

Trên trời có đám mây xanh

Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng

(….)

Có rửa thi rửa chân tay

Chớ rửa lông mày chết cá ao anh

 

Vậy chứ tại sao chỉ rửa lông mày không thôi sao lại chết cá? Theo một vị cao niên, uyên bác ý tại ngôn ngoại thì nên hiểu ngầm là: Chớ rửa “lông” của“mày” mà chết cá ao anh!

(Nguyễn Phú Long – báo Xây Dựng)

 Hàm Nghi: một nghệ sĩ đa tài - 2

Số phận của những tác phẩm của vua Hàm Nghi hiện giờ có còn tồn tại hay không?

1 - Trong cuộc gặp gỡ năm 1902, bà Sepkina-Kupernhic kể lại rằng ông đã thố lộ những điều mà ông đã và sẽ không nói với ai, những điều ông dồn nén trong lòng và chỉ đợi dịp trào ra: “Đó là mục đích cuộc đời của ông…”. Theo sử gia Charles Fourniau: “Không ai biết ông đã ghi chép những gì trong hơn nửa thế kỷ lưu đày, điều đó mãi mãi sẽ là điều bí ẩn. Có là một tập hồi ký hay một tập văn sử về nước ông”. Tất cả ghi chép bằng chữ Nho và cất trong một cái hòm, một ngày kia cái hòm đã bị cháy.

 Theo một nguồn khác:

2 - Nhà sử học Pháp Charles Fourniau cho hay ông đã từng gặp hai bà Nhữ Mây và Như Lý và đã được hai bà cho xem một số tác phẩm của vua cha. Tiếc rằng khi ông đề nghị tổ chức một cuộc triển lãm thì hai bà từ khước. Cho đến nay (tháng 5-2008), con cháu của bà Như Lý, tức là hậu duệ chính thức của Hàm Nghi, vẫn giữ đúng ý nguyện của hai người đã khuất. Không những thế, họ xem những tác phẩm nghệ thuật là sở hữu riêng tư không muốn công bố, dù dưới hình thức nào, cũng như là họ dứt khoát gìn giữ ngôi mộ của ông ngọai Hàm Nghi ở nghiã trang Thonac

3 – Bức tranh “Chiều tà” của vua Hàm Nghi. Năm 2008, con cháu của bà Như Lý không muốn công bố những tác phẩm của vua Hàm Nghi, dù dưới hình thức nào…Tuy nhiên:

Năm 2010, nhà Drouot tổ chức bán đấu giá bức tranh sơn dầu “Sur la route d’El Biar” (Trên đường El Biar), tên khác là “Chiều tà” (Le Déclin du jour) do Hàm Nghi vẽ năm 1915. Định giá từ 800 tới 1200 euro, cuối cùng tác phẩm được bán với giá 8800 euro.

 (Cao Đắc Vinh, Nguyễn Ngọc Giao)

 Người Minh Hương

Ngoài Hà Tiên, nơi phát triển đầu tiên của người Minh hương là xứ Đồng Nai, gồm Cù lao phố, Biên Hòa, Bến Nghé-Chợ Lớn. Nông Nại đại phố tức là Chợ Lớn. Một trong những người đến cùng thời với Trần Thượng Xuyên là ông nội của Trịnh Hoài Đức từ tỉnh Phúc Kiến. Trong miếu Quan Đế ngày nay, ông có tên trong những người sáng lập ra miếu này ở Cù Lao phố năm 1684. Miếu Quan Đế (Chùa Ông) hiện nay vẫn còn và là miếu thờ cổ nhất ở miền Nam.

Tư liệu quí giá và phong phú nhất về lịch sử khai khẩn Nam bộ là quyển Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức. Trịnh Hoài Đức lúc thiếu thời học với Võ Trường Toản.

Trịnh Hoài Đức viết về Cù lao Phố: "Nông Nại (tức Đồng Nai) đại phố, lúc đầu do Trần Thượng Xuyên khai phá, tức Trần Thắng Tài chiêu tập người buôn nước Tàu đến kiến thiết phố xá mái ngói tường vôi, lầu cao, quán rộng, dọc theo bờ sông liên lạc dài 5 dặm, chia và vạch làm 3 đường phố, đường phố lớn lót đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lát gạch xanh, đường rộng bằng phẳng, kẻ buôn tụ tập, ghe thuyền lớn ở biển và ở sông đến đậu, ấy là một chỗ đại đô hội mà những nhà buôn bán giàu có ở đây là nhiều nhất hơn thảy những nơi khác".

 Cù lao Phố trở thành một cảng quan trọng đầu tiên của miền Nam, đón nhận thương thuyền nước ngoài, hưng thịnh suốt khoảng 90 năm từ khi Trần Thượng Xuyên đến với quân đội, suy thoái từ khoảng 1775, tức là khoảng sau 90 năm, để nhường cho Chợ Lớn, Bến Nghé (Sài Gòn) sau này. Trước khi Trần Thượng Xuyên được chúa Nguyễn đưa đến cù lao Phố, đã có người Việt từ miền Trung đến ở núi Dinh (Mô Xoài) vùng Bà Rịa từ năm 1658 và vùng Long Thành. Nhờ vậy, khi Trần Thượng Xuyên đến cù lao Phố đã có dân Việt, dĩ nhiên người dân tộc như người Mạ, người Khmer, Chăm cũng tới lui trao đổi hàng hóa.

(Nguyễn Đức Hiệp)

Tại sao gọi họ là người Tàu?

 

Có khi nào bạn để ý đến sự khác nhau giữa tử ngữ và sinh ngữ trong ngôn ngữ? Từ thuần Việt là sinh ngữ, nó sinh sôi nẫy nở qua từng giai đoạn sống, dãn nở ngữ nghĩa theo sự tiến hóa của cộng đồng người Việt, nên có nhiều tầng nhiều lớp tùy trình độ học vấn, tuổi tác mà sức hấp thu cao thấp. Từ Hán Việt là tử ngữ vì chỉ có một tầng ngữ nghĩa. Có bao nhiêu vị đã từng viết về đề tài này có khi ưu tư về câu hỏi, làm thế nào để đoán đúng đến 80% rằng đó là một từ thuần Việt hay là một từ Hán Việt ?.

 

Từ thuần Việt khi đứng một mình thì đa phần nó đã rõ ràng và người nghe có thể hiểu trọn nghĩa, trong khi một từ Hán Việt thì không được như thế . ví dụ: Thực ( ? , Hán Việt ) ,trong khi "xực, xơi, đớp, ăn, nuốt, nhơi gặm, ngốn, táp …. " thuần Việt. Âm Tàu trong Việt ngữ là từ thuần Việt, chắc chắn là từ bất khả dịch. Hãy để nó xuất hiện trong ngôn ngữ bên cạnh từ phở, từ nước mắm.

 

Trí trá ngay trong tiên đề "Việt ngữ từ Tàu ngữ mà có " , rồi dùng các hiểu biết về các giải pháp mà các nhà Từ nguyên học vốn đã rất thành công với thứ chữ alphabet của người Phương Tây, nhưng lại đem chữ Tàu áp dụng cho trường hợp Việt ngữ, xem nó là ngữ căn là một trường hợp hết sức dị hợm và bợm nữa là khác, bởi chữ quốc ngữ không hề thể hiện cái ngữ căn trong vô số trường hợp, đó là chưa nói nhà Từ nguyên học thuộc trường phái bán khai lại không hề am hiểu tường tận về Việt ngữ..

 

Minh bạch công khai, biết nói biết, không biết nói không biết, sai là "chắp tay xin lỗi" đó là thái độ của các người Việt trí thức hiện nay đang nói, đang viết, đang biên khảo về cội nguồn từ nguyên Việt ngữ. Anh Ngộ Không Phí Ngọc Hùng ở Houston, anh Nguyễn Cung Thông ở Australia là hai người như thế . Mong rằng "Học giả" An Chi sẽ học được tính cách của hai vị này.

 

Điều kiện ắt có và đủ để Ai đó trở thành trở thành nhà từ nguyên học Việt ngữ thì họ buộc phải có điều kiện ắt có là "anh ta phải có học", và điều kiện đủ là "Am tường Việt ngữ, hiểu các tầng ngữ cảnh của từng từ Việt ngữ". Các trường phái Từ nguyên học hoang dã cho đến trường phái Từ nguyên học bán khai đội Hán đều không đúng bởi vì "Tàu, baTàu là một âm thuần Việt hoàn toàn." không hiểu Việt ngữ thì làm sao mà nói chuyện từ nguyên tiếng Việt cho thông.

(Lai Quảng Nam)
 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Những sai lầm trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân

nhãn quan 

Mọi người thường cắt nghĩa rằng, nhãn nghĩa là mắt; quan nghĩa là nhìn kỹ; và, nhãn quan nghĩa là tầm mắt, với nghĩa bóng là tầm hiểu biết. Soạn giả cũng giải thích như vậy. Nhưng trong mọi bộ từ điển chữ Hán của Trung Quốc và cả trong các quyển từ điển Hán Việt, chỉ có từ nhãn quang
眼光 nghĩa là tầm hiểu biết, chứ không hề có từ nhãn quan. Nhãn không những có nghĩa là mắt, mà còn có nghĩa là nhìn; quang nghĩa là sáng, là ánh sáng, và còn có nhiều nghĩa khác, trong đó có nghĩa là cảnh sắc, cảnh vật.

Nghĩa đen của nhãn quang là cảnh vật nhìn thấy được, và nghĩa bóng là tầm hiểu biết. Lâu nay, đại đa số người Việt Nam thường nhầm lẫn, đều đọc là nhãn quan. Soạn giả vốn không biết chữ Hán nên không thể phát hiện được sự nhầm lẫn ở từ này. 

(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 Lờ đờ như đom đóm đực 

Người ta cho rằng đom đóm đực không sáng bằng đom đóm cái?

 

Thực ra chẳng có “người ta” nào cho rằng “đom đóm đực không sáng bằng đom đóm cái”. Đó là phỏng đoán của chính GS Nguyễn Lân: đom đóm đực chỉ sáng “lờ đờ”, suy ra đom đóm cái phải sáng hơn . Tuy nhiên vì không chắc chắn nên GS mới đánh dấu chấm hỏi (?) sau câu giải thích.

Trong thực tế, đom đóm đực sáng và to hơn đom đóm cái, nhưng bay chậm. Có con đom đóm đực sáng đến nỗi khiến người ta hồn vía lên mây vì nhầm tưởng tinh đất (ma trơi) đang lừ lừ tiến lại.

Câu thành ngữ này có dị bản là “Lừ đừ như đom đóm đực”, nghĩa bóng chỉ người chậm chạp trong hành động, đi đứng, gần nghĩa câu “Lừ đừ như ông từ vào đền”. 

 (Hoàng Tuấn Công)

***

Gia Định Báo

3.4. Gia Đình Báo dùng làm sách giáo khoa


Từ khi mới tổ chức nền giáo dục ở Nam kỳ (1861)  lúc đó chưa có sách giáo khoa nên đã phải cho học sinh dùng tờ Gia Đình báo làm sách tập đọc.
Một thời gian sau Pháp lại mang sách từ Pháp sang nhưng vì không hợp với năng lực của giáo viên và trình độ của học sinh nên kết quả rất hạn chế. Cho đến những năm 80 của thế kỷ XIX, Trương Vĩnh Ký và một số giáo viên người Việt và người Pháp ở cơ quan học chính Nam Kỳ đã biên soạn hoặc dịch một số sách giáo khoa tiếng Pháp để dạy trong các trường tiểu học. Những sách này dần dần được bổ sung thêm một số quyển khác và đã thành những sách dạy trong các trường tiểu học lúc đó.
   

  3.5. Gia Đình Báo đào tạo  công chức 

(Collège des interprètes Sài Gòn/Trường Thông NgônSaigon/Pétrus Ký và các học trò)

Trong thư văn đề ngày 15/01/1866 gởi cho thống đốc Sài Gòn, giám đốc nội vụ Paulin Vial có viết : « Từ những ngày đầu người ta (Pháp) đã hiểu rằng chữ Hán còn là một ngăn trở giữa chúng ta và người bản xứ ; sự giáo dục bằng thứ chữ tượng hình khó hiểu làm chúng ta rơi tuột hoàn toàn ; lối viết này khó cho việc truyền đạt đến dân chúng những điều tạp sự cần thiết có liên quan tới khung cảnh của nền cai trị mới cũng như cho việc thương mại... Chúng ta bắt buộc phải theo truyền thống nền giáo dục riêng của chúng ta ; đó là cách duy nhất khiến chúng ta có thể gần gũi người An Nam thuộc địa hơn, ghi vào tâm não họ những manh mối của nền văn minh Âu châu đồng thời cô lập họ khỏi ảnh hưởng đối nghịch của các lân quốc của chúng ta ».

(Nam Sơn Trần Văn Chi)

***

Phụ đính I

Những nhà văn nhà thơ khuất núi sau ngày 30-4

Tro cốt Hiếu Chân

Tôi đã bước được tới gần chiếc xe đạp. Trong gói vải xô cột sau xe là một cái hũ đất nung. Anh Hiếu Chân. Đúng là anh, tro cốt anh, trong cái hũ đất bọc vải xô kia.

 Từ hồi sáng, Bố cháu đã tới chào bên bác Giư, bác Sỹ. Chào cô xong, bây giờ cháu đưa Bố cháu ra sông Saigon. Bố cháu vẫn muốn khi chết, tro cốt ông được rải trên mặt sông. Cháu xin phép cô". Chiếc xe đạp được dắt qua đường, đạp ngược về phía bờ sông. Mới chừng hai giờ trưa. Đường phố vắng lặng.

'Chuyện gì vậy, chị Vân?"

Có tiếng hỏi. Một người lối xóm.

"Có gì đâu. Đứa cháu đi qua nhà, ghé vô chào."

Tôi trả lời và ngạc nhiên thấy giọng nói của mình không hề có vẻ gì khác lạ. Vậy mà từ lúc bước ra đứng cạnh hũ tro cốt của anh Hiếu Chân, tôi đã tưởng mình không thể nói nổi thành tiếng.

Cửa hàng kế cận, lại có thêm mấy người bước ra. Bộ tang phục, cung cách khác thường của người con rể anh Hiếu Chân làm lối xóm chú ý. Đừng đứng lại. Đừng vô nhà. Cũng đừng trả lời. Họ sẽ hỏi tới nữa. Tôi băng qua đường, đi dọc theo vỉa hè. Có nên ra bờ sông? Không kịp đâu. Bộ áo xô gai trên xe đạp đã khuất ở góc đường Lê Lợi.

Anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt là một nhà văn, nhà báo từ lúc tôi còn là con bé đồng nữ Phật Tử Hương Đàm. Từ 1945, thời chính phủ liên hiệp Quốc Cộng, nghe đâu anh đã cùng với Khái Hưng làm tờ Việt Nam Hồn, báo của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Hà Nội. Báo quán bị Việt Minh tấn công, Khái Hưng bị thủ tiêu. Di cư vào Nam, trên nhật báo Tự Do, tờ báo nổi tiếng trong những năm 50, anh viết mục Nói Hay Đừng ký tên Hiếu Chân, truyện dài Tỵ Bái ký tên Nguyễn Hoạt. Khi Văn Bút Việt Nam vừa được thành lập, anh là Tổng Thư Ký cạnh chủ tịch Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Sau 1963, có lúc anh làm chủ nhiệmViệt Nam Nhật Báo với Vũ Khắc Khoan chủ bút. Tôi có nghe tiếng anh từ nhỏ, nhưng trước 1975, chưa hề được gặp mặt. Chỉ từ 1980, khi anh Doãn Quốc Sỹ từ trại  Gia Trung trở về, mấy anh em mới có dịp lui tới rồi trở thành thân thiết.

 Saigon, 1980)

(Tưởng nhớ người đã mất – Nhã Ca)

 ***

Phụ đính II

Họan quan

2.2. Một số phương pháp yêm cát

Yêm cát là thiến

Ngoại trừ những người khiếm khuyết bộ phận sinh dục từ lúc sinh ra, những hoạn quan phải trải qua "Thủ thuật" hết sức đau đớn gọi là yêm cát hay cung hình, tàm thất, hù hình, âm hình.

Bốn phương pháp để thiến con trai:
1. Cắt toàn bộ dương vật và dịch hoàn
2. Chỉ cắt bỏ dịch hoàn
3. Đè cho bể nát dịch hoàn
4. Cắt bỏ dương vật

(Trúc Giang)

Bác tôi là hoạn quan

Trong khi bên ngoài, cả làng cả nước đang rùng rùng như sóng trào gió giật vì cuộc kháng chiến thì bác vẫn lặng lẽ trung thành với những hình bóng cũ. Bác quên hẳn chúng tôi và rồi chúng tôi cũng quên dần bác. Chỉ đến khi giỗ chạp, cha tôi ra mời bác mới vào. Nhưng bác chỉ đứng xa mà nhìn chứ  không vào thắp hương. Cha tôi nói, bác tự cho mình có tội bất hiếu nên không dám đứng trước bàn thờ.

Năm ấy bác chỉ hơn năm mươi, nhưng vì không có râu và để tóc dài nên  trông bác như một bà lão. Trong những buổi chiều tắt nắng, bác ngồi trước thềm nhà như một con chó ốm nhớ chủ, nước mắt lặng lẽ rơi từng giọt không buồn lau. Lẽ ra bọn trẻ chúng tôi, có được một người với rất nhiều bí mật như thế là cả một kho tàng để đào bới những chuyện kỳ thú, nhưng với vẻ u buồn lạnh nhạt của bác, chúng tôi ít đứa nào dám tới gần. Cái trò tinh nghịch nhất mà chúng tôi có thể làm một đôi lần, ấy là nằm rạp trong vườn chuối để rình xem bác đái ngồi. Bị kiến cắn và bị cha lấy roi phết lên mông nên cũng chẳng biết gì hơn ngoài cái ống chân xanh rớt và teo nhách không một sợi lông của bác.

(K.D.)

Tác giả: K.Đ. tức Khuất Đẩu sinh năm 1940 tại Bình Định. Tên thật Trương Đẩu.

Tên thường gọi Trương Thanh Sơn. Hiện sống tại Bình Định.

Tác phẩm: Những tháng năm cuồng nộ, Người giữ nhà thờ họ, Lão tiền bối, Bác tôi là hoạn quan

Ảnh Khánh Phan.

 

 

 

 

Mời Xem : 


Chữ nghiã làng văn - Tác giả và Tác phẩm (kỳ 31/5/2023 ) - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét