6 thg 6, 2023

Giai Thoại Về Nguyễn Công Trứ P.2 (13- 19)

13. TẾT CỦA HỌC TRÒ NGHÈO

Đã sang tuổi “tam thập nhi lập” mà Nguyễn Công Trứ vẫn là “Bạch diện thư sinh”!
Thêm một Tết lại đến, nhà nghèo không có tiền, nợ đáo hạn chưa biết lấy gì để trả, nhưng chàng thư sinh họ Nguyễn vẫn bảo vợ đi chợ sắm sửa ít món gì đó gọi là, còn tự mình quét dọn, trang trí nhà cửa cho có không khí Tết. 
Đầu tiên chàng viết một đôi câu đối Nôm bằng chữ lớn trên tờ giấy đỏ: 

Bầu (18) một cái lăn chiêng, mặc sức tam dương khai thái;
Nhà ba gian bỏ trống, tha hồ ngũ phúc lâm môn (19). 

Tiếp đó chàng lại soạn một đôi câu đối bằng chữ Hán:

Tuế phùng Xuân, tân cảnh, tân thiều, tân vũ lộ;
Thời hành Hạ (20), cựu bang, cựu điển, cựu xa thư.

Nghĩa là:

Năm vừa gặp mùa Xuân, cảnh sắc mới, thiều quang mới, mưa móc mới;
Thời vẫn theo nhà Hạ, nước non xưa, điển chế xưa, sách vở xưa.

Dán xong hai câu đối, chàng lấy đàn ra gảy chơi để vui cửa vui nhà. Mấy người hàng xóm đi ngang qua nghe tiếng đàn, ghé vào nghe và hỏi thăm tình hình sắm sửa tết nhất của chàng. Đầu xứ Trứ lấy chai rượu con rót mời mọi người rồi chỉ quanh bếp còn trống trơn và hóm hỉnh đọc như phân bua:

Tết có cóc gì đâu, uống vài be củ tỏi(21);
Nợ còn ương ra đó, nói ba chuyện cà riềng (22)!

(18) Bầu: bầu rượu. Bầu lăn chiêng là vì không có rượu. “Chiêng” đối với “trống” ở câu dưới, thật chỉnh.
(19) Ngày xưa, câu đối Tết dán nhà cửa thường có Ngũ phúc lâm môn / Tam dương khai thái. Ngũ phúc lâm môn (năm điều phúc vào cửa) là: Thọ (sống lâu); phú (giàu sang); khang ninh (bình an, khỏe mạnh); du hiếu đức (ham làm việc phước đức); khảo chung mệnh (sống trọn tuổi Trời cho). Tam dương khai thái: theo Kinh Dịch, ba hào dương (ba vạch liền) mở ra quẻ Thái tượng trưng cho mùa xuân tốt lành.
(20) Thời hành Hạ: lấy ý từ câu cổ văn: “Hành Hạ chi thời, phục Chu chi miện...”, nghĩa là “Thời tiết thì theo nhà Hạ, mũ miện thì theo nhà Chu”.
(21) Be củ tỏi: ve (chai) nhỏ, có hình củ tỏi, cổ dài, thân tròn, người xưa thường dùng đựng rượu.
(22) Chuyện cà riềng: chuyện con cà, con kê. Lưu ý: cà riềng đối với củ tỏi rất chỉnh.

14. MƠ ƯỚC NGÀY XUÂN 

Sáng ngày mùng một Tết, chàng Đầu xứ khoan thai làm lễ cúng Nguyên Đán rồi cùng bạn bè người thân uống một bữa say sưa, và tức cảnh làm thêm hai câu đối nữa: 

Chiều ba mươi công nợ rối Nhâm Thìn, những muốn mười năm dồn lại một; 
Sáng mùng một rượu chè tràn Quý Tị, trông cho ba bữa hóa ra mười.

Mọi người tấm tắc khen hay, bàn tán một hồi lâu, nhưng cũng có người ngậm ngùi than:
- Nhưng cám cảnh bà con mình lắm, cái mơ ước hão huyền ấy bao giờ mà có được đây! Ông Đầu xứ làm một câu nào cho khí thế hơn đi!
Đầu xứ Trứ nghiêng đầu nhìn người vừa nói, lẳng lặng lấy thêm tờ giấy đỏ, phóng bút viết luôn:

Chiều ba mươi công nợ tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa; 
Sáng mồng một rượu chè túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà! 

Nhưng muốn co cẳng đạp thầng Bần ra cửa đâu phải dễ, nói chi định bồng ông Phúc vào nhà!
Để đạt được ý nguyện ấy, không thể rong chơi tràn quý tị được. Qua mấy ngày Xuân tạm thời “xả láng” với vài be củ tỏi, ba chuyện cà riềng rồi, chàng Nho sinh Nguyễn Công Trứ lại vừa đi dạy học kiếm tiền độ nhật, vừa kiên trì sôi kinh nấu sử, quyết trang trả món nợ thư trái cho phỉ chí tang bồng. Nhưng học thì học, chàng vẫn không quên tự trào bằng một đôi câu đối ngông nghênh mà ra nước mắt:

Anh em ơi! Đã băm mấy tuổi rồi, khắp Đông Tây Nam Bắc bốn phương trời, đâu cũng lừng danh công tử xác; 
Trời đất nhẽ! Quyết một phen nầy nữa, xếp cung kiếm cầm thi vào một túi, làm cho nổi tiếng trượng phu kềnh!

15. Ứ HỰ ANH HÙNG NHỚ CHĂNG

Thuở hàn vi, và cả khi đã công thành danh toại, chức trọng quyền cao, hay khi đã về già cưỡi bò ngao du sơn thủy, Nguyễn Công Trứ vẫn rất mê ca hát - nhất là hát Phường Vải và Ca Trù.
Gần làng Uy Viễn có làng Cổ Đạm là một phường Ca Trù nổi tiếng vào loại nhất nước, có nhiều đào nương tài giỏi và xinh đẹp, trong số đó có nàng tên là Hiệu Thư. Tương truyền cô đào ấy phong tư diễm lệ, tài hoa xuất chúng, giọng hát tuyệt hay, nhưng tính tình có lẽ vì thế mà kiêu kỳ, chỉ tiếp những vương tôn công tử, những người nổi danh trong chốn. Nguyễn Công Trứ say mê Hiệu Thư, nhưng vì nhà nghèo, không thể quen thân gần gũi được nên đành “kính nhi viễn chi” mà thôi. Nhân vốn là một tay đàn giỏi có tiếng trong vùng, cậu Nho sinh Trứ liền tìm cách xin vào làm kép cho Hiệu Thư, thường nàng đi hát ở đâu thì chàng cũng được cắp đàn đi theo. 
Một tối nọ gánh Ca Trù Cổ Đạm được mời sang hát ở Vĩnh Yên cách đó khá xa, Hiệu Thư được điều đi phục vụ, và nàng xin ông bầu gánh mời Nguyễn Công Trứ - lúc này vừa đậu Giải nguyên nhưng chưa được triều đình gọi, vẫn là hàn sĩ sống ở quê - đi theo cùng để vừa họa đàn vừa đặt lời ca. Trên đường đi, không biết vì cớ gì mà hai người - chàng và nàng - tụt lại sau mọi người, chỉ có một đứa tiểu đồng nhỏ theo hầu. Mải mê nói chuyện, lúc đến giữa cánh đồng rộng, Nguyễn Công Trứ giả vờ sửng sốt vì phát hiện ra mình đã bỏ quên dây đàn ở nhà, và ngon ngọt nhờ chú tiểu đồng chạy về lấy hộ. Thế rồi… trên cánh đồng lúa giập giờn chỉ còn trai tài gái sắc… cũng giập giờn… và… tiếng “Ứ hự” vang lên kì diệu, lạ lùng.
Ít ngày sau đêm đó, Giải nguyên Trứ được triệu vào Kinh nhậm chức…

Rồi nhiều năm trôi qua… Nguyễn Công Trứ đã trở thành Tham tri bộ Binh kiêm Tổng đốc Hải An. Một lần, nhân ngày vui ông cho tổ chức cuộc hát xướng tại tư dinh, nhờ các quan sở tại mời các danh ca đến phục vụ. Chẳng ngờ trong số những người được mời đến lại có cả cô đào Hiệu Thư. Khi bước ra trình diễn, ngước mắt trông lên, nhận ra quan Tổng đốc ngồi nghe hát kia chính là chàng kép Trứ ngày nào trên cánh đồng lúa huyện nhà, nàng liền cất giọng:

Giang san một gánh giữa đồng,
Thuyền quyên “ứ hự” anh hùng nhớ chăng?

Nghe câu hát, Nguyễn Công Trứ như giật mình bởi một cảm giác vừa nhói đau, vừa ngọt ngào từ đâu đó sâu trong ký ức hiện về. Định thần nhìn lại nàng ca kỹ vừa hát lên câu đó, quan Tổng đốc chợt thảng thốt hỏi: 
- Có phải… Hiệu Thư đó không?
Khi cuộc hát tàn, hai người ngồi lại tâm sự, nàng kể cho chàng nghe quãng đời chìm nổi, phiêu bạt của mình kể từ đêm cánh đồng năm ấy… Khi biết Hiệu Thư vẫn chưa có chồng, quan Tổng đốc liền quyết định cưới nàng làm thiếp. 
Ghi lại câu chuyện trên, thi sĩ Nguyễn Công Trứ để lại một bài thơ:

Liếc trông đáng giá mấy mười mươi
Đem lạng vàng mua lấy tiếng cười,
Giăng xế nhưng mà cung chẳng khuyết
Hoa tàn song lại nhụy còn tươi.
Chia đôi duyên nợ, đà hơn một
Mà nét xuân kia vẹn cả mười,
Vì chút tình duyên nên đằm thắm
Khéo làm cho bận khách làng chơi.

 

16. MỞ ĐẦU MỘT TÌNH BẠN TRI KỶ VONG NIÊN

Nguyễn Công Trứ có người bạn vong niên tri âm tri kỷ kém mình đến ba giáp (36 năm) là Nguyễn Quý Tân, thường được gọi là Nghè Tân, cũng là một “hào kiệt” thuộc loại ngang tàng, ngất ngưỡng, thích sống với bầu rượu túi thơ, không ưa chốn quan trường bó buộc, thi đỗ làm quan chưa được bao lâu thì từ chức để ngao du sơn thuỷ, và cũng để lại rất nhiều giai thoại trong sự ngưỡng mộ của dân gian. 
Nguyễn Quý Tân xuất thân trong gia đình Nho gia dòng dõi ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, thuở nhỏ nổi tiếng “thần đồng”. Bảy tuổi cậu đã làm thơ, nhưng ương bướng nhất định không cho cha chữa thơ mình; 22 tuổi đỗ Cử nhân, 29 tuổi đỗ Tiến sĩ, thường làm thơ văn châm biếm, chế diễu đám quan trường bất tài, tham lam luồn cúi.
Khi Nguyễn Công Trứ về lĩnh chức Tổng đốc Hải An, thường được gọi là Tổng đốc Đông, thì Nguyễn Quý Tân mới ngoài hai mươi tuổi vừa đậu Tú tài. Nghe tiếng quan Tổng đốc là bậc tài hoa, Nguyễn Quý Tân đã muốn gặp, nhất là khi ông nghe kể chuyện, trong một buổi đàm đạo về thơ ca cụ Trứ đã gọi đùa thơ văn tỉnh Đông là “thơ văn phó cối”, Tú tài Tân lại càng muốn tìm cách gặp mặt để “làm cho rõ mặt anh tài”.
Hồi đó có lệ các quan lĩnh lương bằng thóc, cụ Trứ cũng vừa lĩnh thóc về đang cho gọi người đến đóng cối xay. Nguyễn Quý Tân nghĩ ra một kế và ra ngồi nơi Cổng Cầu trên đường vào dinh Tổng đốc để chờ. Một lúc sau thì ông phó cối mà quan Tổng đốc thuê đi đến; Tú Tân đón gặp và nằn nì xin được theo làm phó nhỏ, để giúp đỡ và “học hỏi không công”. Vào dinh nhận việc, hai người làm đến trưa thì ông phó cả ra phố ăn cơm, Nguyễn Quý Tân nhân cơ hội liền đi lên công đường, lúc đó vắng người, thấy một cái sập gụ liền nằm lên đánh giấc. Được một lúc, lính hầu đi ra thấy vậy bèn vào trình quan lớn. Cụ Trứ cho đánh thức dậy và tra hỏi, cậu phó nhỏ lễ phép thưa: 
- Bẩm quan, con là học trò, vì thiếu ăn nên theo ông phó đến đây hầu cụ lớn, đói và mệt, lại thấy nhà mát quá, nên nằm mà ngủ quên, xin cụ lớn lượng thứ. 
Quan Tổng đốc nhìn kĩ người thanh niên tuấn tú, rồi chỉ con chim cu nuôi trong lồng son treo bên cửa sổ, nói: 
- Nếu anh đúng là học trò thì thử làm bài thơ vịnh con chim kia. Không làm được, ta sẽ phạt 30 trượng.
Vừa nhìn sang chiếc lồng, anh học trò đã cất giọng đọc ngay:

Cu hời cu hỡi, bảo cu hay:
Cu ở đâu mà cu đến đây?
Đừng cậy lồng son và ống sứ
Có ngày thớt nghiến với dao phay!

Nguyễn Công Trứ vốn là người liên tài, thấy bài thơ tuy có ý hỗn xược và trêu cợt nhưng lại tỏ rõ tác giả là một thanh niên có tài và ngàng tàng rất hợp ý mình, nên chẳng những không tức giận, mà còn khen ngợi. 
Và từ đó hai người kết bạn thân thiết với nhau.

 

17. MỪNG CỤ TRỨ SINH CON TRAI

Một lần, nhân dịp phu nhân sinh con trai, Nguyễn Công Trứ mở tiệc mừng, có mời cả Nguyễn Quý Tân, lúc đó đã đỗ Tiến sĩ, đến dự. Khi rượu đã ngà ngà say, Nghè Tân đi vào thư phòng của chủ nhà, lấy bút đề lên tờ giấy hoa tiên một bài thơ:

Mừng ông sinh được cậu con trai,
Thực giống con nhà, chẳng giống ai!
Mong cho chóng lớn đi ăn cướp,

Nhưng viết được ba câu thì ông Nghè ngả lưng, ngủ khì. Nguyễn Công Trứ bước vào, đọc thấy, lay Nghè Tân dậy hỏi:
- Thế nào, ông bảo con trai ta sau này lớn lên đi ăn cướp đấy phỏng?
Nghè Tân tỉnh dậy, dụi mắt viết nốt câu cuối: 

Cướp lấy khôi nguyên kẻo nữa hoài!

18. THỨ NGHỀ ÁO MŨ

Nguyễn Quý Tân đỗ Tiến sĩ, được bổ làm Tri phủ Quốc Oai, nhưng ông chẳng lấy làm thích thú. Chán cảnh quan trường tù túng, Nghè Tân bèn bày một bữa đánh bạc thật to, sau đó bỏ cả ấn tín, bỏ cả quan tước, rời công đường đi ngao du, và tất nhiên như vậy là thường xuyên rơi vào cảnh túng thiếu. Một lần, thương bạn, Nguyễn Công Trứ xin cho Nghè Tân được bổ đi làm Giáo thụ ở Bình Giang. Có lẽ vì quá nể quan Tổng đốc nên Nghè Tân miễn cưỡng nhận lời, nhưng vẫn tìm cách “gây sự”: ông sai con trai đem một bức thư cùng mũ áo, cờ biển Tiến sĩ sang dinh cụ Trứ xin cầm lấy chút tiền làm lộ phí. Nguyễn Công Trứ mở thư xem thì thấy đó là một bài thơ Đường luật, mỗi câu thơ có tên một con vật:

Có nghề mà lại cậy chi (23) nghề,
Nghề thế ai ngờ lại hóa nghê!
Vạn sự bất như, thân cũng hổ
Nhất văn vô hữu, nợ còn bê.
Công danh chỉ tổ đồ khoe mã,
Cờ biển còn hơn của ướt sề.
Bôn tẩu làm chi cho rách gấu
Thà rằng ngồi đó vuốt râu dê.

Tổng đốc Trứ đọc xong tuy giận nhưng không nói gì, chỉ sai người lấy tiền, trả lại mũ áo cờ biển cho cậu con trai Nghè Tân mang về, và gửi kèm thêm bài thơ hoạ nguyên vận, mà số từ chỉ thú vật trong đó còn nhiều hơn… những 3 con so với trong bài của Nghè Tân!

Tám vạn nghìn tư thứ ngỗng nghề
Thứ nghề áo mũ thứ nghề nghê!
Mày râu ngẫm lại lòng thêm hổ,
Thư kiếm sao đành dạ bỏ bê.
Xanh đỏ rẻ cùi (24) khoe tốt mã
Phong lưu khỉ gió hót đầy sề
Xin đừng giở thói văn chương (25) nữa
Bán chó sao ngoài lại thủ dê?

(23) Chi: con chi chi.
(24) Câu thành ngữ này còn đọc là “(tốt mã) dẻ cùi” - dẻ cùi là một loài chim.
(25) Con văn chương: còn gọi là con học trò.

19. “ĐÔI SÂN KHẤU” - MỘT KHÚC CẦM”!

Nguyễn Công Trứ là kẻ rất phong lưu, đào hoa, thích hát xướng, cô đầu, trăng gió, khi còn bạch diện thư sinh hay đã đỗ làm quan lẫn lúc về già trí sĩ, vẫn mê rong chơi, hát xướng. 
Chuyện kể rằng, một lần Nghè Tân gửi tặng cụ Trứ đôi câu đối:

Giang sơn tóm lấy đôi sân khấu
Văn vũ ra tay một khúc cầm.

Nhận được, mọi người xem xong xúm vào khen rối rít. Đúng là câu chữ nói về cụ Thượng Trứ: nào “giang sơn”, nào “sân khấu”, nào “văn vũ”, nào “khúc cầm” (khúc đàn)... Riêng khổ chủ Nguyễn Công Trứ chỉ lặng im tủm tỉm cười ruồi. Thấy thế, mấy người bạn của cụ lấy làm lạ, họ cố suy nghĩ, và cuối cùng rồi cũng hiểu. Thì ra “giang sơn” ở đây là từ câu thơ của một đào nương tặng cụ mà ai cũng biết:. 

Giang sơn một gánh giữa đồng
Thuyền quyên ứ... hự... anh hùng nhớ chăng? 

Còn “tóm lấy đôi sân khấu” đối với “ra tay một khúc cầm” (cầm một khúc!) thì quả là vừa hay, chuẩn, vừa… nghịch ngợm... Người được nói tới làm sao không cười tủm cho được!

 


Mời Xem :

 

 Giai thoại về Nguyễn Công Trứ ( P,1 : 1- 12 )

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét