17 thg 6, 2023

Tự Truyện GS.ĐĐC.Chương II LÀm Thế Nào Để Sống ...? (1 )

Mời Xem

 Tự Truyện GS ĐĐC-Phàn III : NƯỚC PHÁP.... (BORDEAUX TP.Cảng Bên Sông Garronne )

CHƯƠNG II :   COMMENT FAVOIR VIVRE

Université de Bordeaux là tên gọi một nhóm các trường đại học được phân cấp chặt chẽ, chuyên môn cao đi cùng chất lượng đào tạo tốt.

Sau này tôi còn gắn bó với nhiều ngôi trường và các thành phố khác như: La Ville, Evry, Grenoble, và còn quay lại Paris nhiều lần trong các việc các dự án liên quan đến học tập và công việc của tôi.

Nhưng nơi đây 66 năm về trước đã đón cậu học trò gầy gò nhỏ bé người châu Á, hay nói chính xác hơn là một cậu bé đến từ Việt Nam, một đất nước chiến tranh liên miên, nhưng không kẻ nào có thể khuất phục, ngay cả thực dân Pháp cũng phải hạ súng đầu hàng. Bấy giờ trong trí óc non nớt của tôi, cũng luôn thường trực ý nghĩ: Nhất định sẽ có ngày người Mỹ phải rút lui. Mình phải gắng học, để sau này về phụng sự cho đất nước, chăm sóc mẹ hiền.

Năm học đầu tiên và cuộc sống tại châu Âu

Năm đầu tiên, tôi được học Toán cơ bản.

Nhưng điều tôi muốn lưu giữ trong cuốn sách này không phải là kiến thức tôi đã học được; hay việc tôi đã đến lớp, ngồi khoanh tay chăm chú nghe giảng như thế nào.

Điều mà trong tim tôi luôn lưu giữ, đó là những ngày ở ký túc xá, những âm thanh và mùi vị của giảng đường, những người bạn tốt, những thầy cô và những người mà tôi được gặp gỡ trong những khoảng thời gian vô cùng bỡ ngỡ này.

Sau một tuần làm quen với nước Pháp và thành phố Bordeaux, tôi được gọi vào ở trong ký túc xá. Không phải làm phiền vợ chồng bà Thương nữa.

Tôi vào trường gặp thầy giám thị để nộp hồ sơ nhập học.

Giám thị hỏi tôi: “Qu'as-tu mangé?” (Mày ăn gì chưa?)

Tôi lắc đầu: “je n'ai pas” (Tôi chưa)

Ông đưa cho tôi một cái jambon, mà hồi đó chúng tôi gọi là giò tây. Ôi sao cái giò tây đó ngon thế. Vị ngon tôi nhớ mãi đến tận giờ.

Tôi được dẫn đến phòng ở.

Phòng ở này có tới 40 sinh viên. Chia làm hai hàng giường tầng. Cả sinh viên Pháp và các nước thuộc địa ở lẫn lộn. Chúng tôi cùng lớp với nhau nên cũng tiện, nhất là sau này khi tôi đã quen. Duy nhất có tôi người Việt Nam. Tôi gầy gò bé nhỏ nhất. Cũng do tôi thua tuổi hầu hết trong số họ, do tôi học nhảy cóc. Mà cũng là vì nghèo đói, thiếu dinh dưỡng từ thuở nhỏ.

Buổi sáng chúng tôi được đánh thức dậy như bình thường.

Khởi động buổi sáng.

Xong phần cá nhân, tất cả xuống căng tin ăn bữa sáng.

Căng tin - Nhà ăn rất sạch và ấm cúng. Căng tin nằm ngay dưới tầng trệt khu kí túc xá sinh viên. Chính vì vậy về sau, khi nhiều bài vở hoặc đến kỳ thi, có khi mấy ngày liền tôi không ra khỏi khu vực trường. Chỉ cắm đầu học và sinh hoạt cá nhân loanh quanh, ăn ngay dưới tầng.

Phải nói là đồ ăn cho sinh viên không thiếu. Có đủ các loại như bánh mì, bơ, phomat, mứt hoa quả, cafe… Buổi đầu được ăn cơm sinh viên thật thịnh soạn với tôi. Nhưng đồ ăn tây khiến tôi rất bồn chồn, dù thức ăn thật ngon. Ăn xong lại có cafe. Cafe tỏa hương thơm phức. Tôi đâu đã biết cafe sẽ khiến tăng huyết áp, nên đã uống một ly café sữa to.

Tối đó về phòng không ngủ được, cứ trằn trọc, mắt ráo hoảnh. Lại càng thêm nhớ nhà nhớ mẹ.

Sáng hôm sau vẫn phải dậy đúng giờ. Thực hiện tất cả những việc theo quy trình. Và sau khi ăn sáng là lên giảng đường. Mặc dù đêm qua không ngủ được nhưng đến khi bước vào giảng đường là tôi hoàn toàn minh mẫn, niềm vui thích được học dâng lên rất khó diễn tả.

Lúc đầu sống chung đông bạn học nhiều quốc tịch không quen, tôi tìm một chỗ riêng để học. Tôi quan sát thấy phòng để vali đồ đạc chung là nơi yên tĩnh nhất, liền chui vào ngồi yên để tập trung làm bài. Không ngờ đó là vi phạm nội quy. Quản lí khu ký túc xá nom thấy, liền phạt tôi cả một tuần không được bước chân ra ngoài khuôn viên trường.

 Sự rụt rè dần nhường chỗ cho sự dấn thân quyết tâm nắm bắt ngôn ngữ tiếng nói chuẩn Pháp và kiến thức nhanh nhất có thể.

Rồi tôi cũng dần thích nghi với hoàn cảnh sống mới. Dần nắm được lời thầy giảng. Và cũng bắt đầu mạnh dạn thử sức học. Tôi sẵn sàng giải các bài toán khó trước lớp, chứng minh lối giải của mình một cách khúc triết.

Tôi nghĩ, muốn bắt nhịp ngay với cuộc sống mới, không thể phụ thuộc vào vận may. Cũng không thể chỉ đóng kín trong trường. Phải khắc phục, phải hòa đồng càng nhanh càng tốt. Giờ nghỉ, tôi thường đi bộ ra phố quan sát mọi sinh hoạt của người dân. Tôi chọn một chiếc ghế công cộng và ngồi xuống, ngắm đường phố, ngắm người qua lại.

Ở phòng, sau khi học bài xong, tôi tranh thủ đọc cuốn sách Commet Favoir Vivre - Làm thế nào để sống mà tôi đã mang theo sang. Cố gắng nhập tâm để thực hành làm theo, để biết cách sống hòa nhập vào đời sống Châu Âu.

Cả thế giới đều biết, một trong những việc phải trải nghiệm khi đi du học ở Bordeaux, là đắm mình trong những Lễ hội rượu vang của thành phố luôn say túy lúy này. Tôi cũng từng theo chúng bạn dự những lễ hội. Và điều đó giúp tôi vững tâm và tự tin hẳn lên.

Thời gian thoi đưa. Thấm thoắt đã bao mùa thảm thực vật thay lá. Tôi cố gắng thay đổi, thích nghi với cuộc sống nơi đây từ cách ăn nói đến cách ứng xử thường ngày. Từ một người sống khép kín, tôi cởi mở hơn, hoạt bát hơn.

Trải qua cảnh sống cơ cực, lầm than, tôi thấu hiểu, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh. Và chia sẻ với chính trái tim ý chí của mình để thích nghi và vượt lên mọi nghịch cảnh.

Người bạn Pháp đầu tiên và những người bạn suốt cuộc đời

Tuy thế, thời gian đầu tôi khá rụt rè. Thậm chí có lúc tôi cảm thấy mình rất cô đơn. Tôi thường lủi thủi một mình. Nhất là những giờ ra chơi, giải lao.

Giờ ra chơi hôm đó, là thời điểm hai tuần sau khi tôi nhập học ở trường, tôi đang đứng lơ vơ một mình, chẳng nhìn ai, tay vẫn cầm cuốn sách toán chi chít con số. Một cậu người Pháp đến gần hỏi tôi làm quen:

D'où viens-tu? L'Asie non?” (Người nước nào vậy? Châu Á phải không?)

Tôi nhìn cậu ta:

“Salut. je suis Vietnamien (Chào cậu. Tôi Việt Nam)

“Ah, le Vietnam? Saïgon?” (Ồ, Việt Nam? Sài Gòn?)

Tôi gật.

Thế là chúng tôi nói chuyện với nhau.

Đó là một ngày đẹp trời của năm 1956, hai người bạn đã quen nhau. Kể từ đó, họ kết bạn với nhau cho tới suốt cuộc đời sinh viên, cho đến tận những ngày hôm nay, khi tôi kể lại câu chuyện này. Đó là Monsieur - Quý ngài Alain Salavert gốc Pháp và Đỗ Đình Chiểu người Việt châu Á.

Sau này, Alain Salavert kể lại: Thấy bạn người châu Á nhỏ bẻ gầy gò đứng bơ vơ, lủi thủi ở góc sân trường, nên đến bắt chuyện.

Cuối tuần, Alain chạy đến hỏi tôi: “Avez-vous un jour de repos à ma maison?” (Ngày nghỉ về nhà tao nhé?)

Tôi gật.

Thế là chúng tôi lên xe buýt. Alain đưa bạn về nhà giới thiệu với mẹ và gia đình. Cả gia đình đón tiếp rất thân thiện. Bố Alain đi công tác vắng nhà thường xuyên. Những bữa đầu, tôi chỉ gặp mẹ và em trai Alain. Ngôi nhà của họ nằm giữa một khu vườn nhỏ, xinh xắn và mát mẻ. Thi thoảng mẹ Alain chở chúng tôi đi chơi ở những điểm du lịch của vùng.

Tôi không có cảm giác bị cách biệt. Hẳn rồi, tôi vốn rất kiêu hãnh mình là người Việt Nam, tuy gian khổ, hạn chế nhiều vấn đề vì chiến tranh; nhưng người Việt Nam vẫn luôn chiến thắng quân xâm lược, người Việt Nam đi đâu cũng giành được những thành tựu trong học tập, có những điều đặc biệt về văn hóa. Tất nhiên tôi hiểu, chỉ có những người có văn hóa, thì họ mới coi trọng nhân cách và ý chí của một dân tộc có nền văn hóa lâu đời, một dân tộc xứng đáng để kiêu hãnh.

Tôi mang trong mình niềm kiêu hãnh ngầm đó. Chắc chắn là nhờ vậy mà tôi hoàn toàn có thể hòa nhập với xã hội với đất nước từng có thế lực thực dân mang quân sang xâm lược Việt Nam, với những công dân Pháp xung quanh cuộc sống của tôi hiện tại.

 Từ ngày đó cứ ngày thứ Bảy, chúng tôi lại về nhà Alain, được mẹ Alain coi như con trong gia đình, cho ăn uống và đi chơi thăm quan. Tôi rất quý trọng bà, và vô cùng biết ơn bà đã chăm sóc tôi như chăm sóc đứa con. Điều đó bù đắp cho tôi nỗi nhớ mẹ và quê hương.

Tôi cứ nhớ mãi lần bị mẹ Alain mắng. Đó là lần duy nhất tôi bị bà mắng. Mọi khi, mỗi lần di chuyển học các chương trình khác, phải đến một trường nào đó ở các thành phố khác, thì tôi rất chăm chỉ viết thư về kể chuyện cho bà và Alain biết tình hình. Như lần sau khi xuống học tại Grenoble, tôi thường xuyên viết thư thăm gia đình. Vậy mà lần đi công tác tại Mỹ, thì tôi lại lãng quên không hề viết thư từ gì.

Lúc về thăm bà, bị bà mắng: Tao tưởng mày chết rồi?

Bị mắng như vậy, tôi càng yêu bà thêm. Tôi coi bà như người mẹ thứ hai của tôi. Khi bà mất, tôi và gia đình đã làm lễ cho bà ở Chùa Việt Nam.

Thời kỳ tôi sang Mỹ mấy năm làm chuyên gia, sau giải phóng miền Nam, thì anh Pha tôi được sang định cư ở Pháp, sau mấy năm làm hồ sơ xin nhập quốc tịch. Ban đầu chưa có nhà ở, anh tôi đã về nhà mẹ Alain ở 3 tháng. Mấy đứa con của Alain rất quý bác Pha. Chúng ví bác Pha như món sốt ngon ngậy.

Alain cưới vợ. Alain sinh con. Tôi đều có mặt. Tôi còn làm cha đỡ đầu cho con gái lớn của Alain tại nhà thờ.

Alain học chuyên sâu kế toán, làm kế toán cho một công ty có ba ngàn năm trăm nhân sự.

 Năm 2012, có nghĩa là sau 56 năm làm bạn, tôi đã mời được Alain về thăm quê nhà vào dịp tết Nhâm Thìn.

Bạn tôi, vóc người tây cũng khăn đóng áo dài Việt Nam đi cùng tôi về thăm quê, đi dự hội nghị,… Tôi đã đưa bạn thăm danh lam thắng cảnh từ Bắc vào Nam, vào miền Nam còn đi thăm bà con bạn bè. Ăn tết cùng người Việt, Alain vui lắm, vì có dịp hiểu kỹ về con người và vẻ đẹp Việt Nam. Sau đó đôi bạn già cùng nhau đi du lịch nước Úc.

Có thể nói hơn nửa thế kỷ trôi qua, ông bạn người châu Á Đỗ Đình Chiểu mới có dịp thể hiện tình cảm của mình với người bạn Pháp đã giúp mình lúc bơ vơ khó khăn nơi đất khách quê người.

Sau lần thăm quê hương bạn, Alain vui vô cùng, ngưỡng mộ người Việt vượt khó khăn, sống chan hòa và đặc biệt mê đắm cảnh đẹp Việt Nam.

Alain luôn kể chuyện Việt Nam với gia đình và các bạn của ông.

Tuy nhiên thời gian gần đây chúng tôi không liên lạc được với nhau.

Đã mấy năm tôi về Việt Nam, rồi ở lại vì đại dịch.

Tôi còn có những người bạn quý khác.

Những người bạn này có mặt ở mỗi dấu mốc cuộc đời học hành lập nghiệp xa xứ của tôi.

Đó là những người bạn quý như: Comsell Etal, Belor Gey người Pháp, La Couture… Tôi đã gặp họ trên đường đời, như một hữu duyên thiện lành.

Nói đến La Couture, tôi nhớ đến một việc rất ý nghĩa. Nhà báo La Couture là người rất yêu quý Việt Nam. Ngoài những quan tâm của ông với cá nhân tôi, ông còn dành tâm huyết để nghiên cứu các nhân vật ông đặc biệt quý trọng của Việt Nam. Hiện tôi vẫn còn giữ bản thảo viết tay của ông về Võ Nguyên Giáp. Bản thảo do nhà báo Pháp viết, lại viết tay, nên hiện nay tôi chưa có điều kiện để dành thời gian dịch sang tiếng Việt. Hy vọng sẽ có một ngày không xa, chúng tôi làm được điều này.

Nhập quốc tịch Pháp

Những thời gian đó, ngoài lúc học hành, tôi luôn tham gia các phong trào sinh viên, sau này tham gia Phong trào Việt kiều yêu nước. Biểu hiện đầu tiên là tôi cứ nhất định không chịu làm thủ tục nhập quốc tịch Pháp.

Cho đến nay, tôi cũng như cộng đồng người Việt tại Pháp. Phần đông là tri thức đã sống nhiều năm nơi đất khách quê người, xong tình cảm với quê hương đất nước rất sâu nặng. Thông qua hội Việt kiều hoặc hoạt động với tư cách cá nhân.

Sau khi đi công tác tại Mỹ vào tháng 12 năm 1972, do việc mang quốc tịch Việt, tôi gặp khó khăn trong học tập và công tác tại Mỹ; và sau này là tại các nước tư bản.

Trăn trở mãi, cuối cùng tôi quyết định làm công dân chính thức của Pháp, vào tháng 8/1975.

(còn tiêp...)

Ảnh từ Google:1 góc TP.Bordeaux


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét