7 thg 6, 2023

Chương II DẤN THÂN SỰ HỌC (Tự Truyện GS.Đỗ Đình Chiểu )

 

Chương II

DẤN THÂN SỰ HỌC

 

Chúng tôi được đi học

Anh Pha kể, ngày anh cùng người chú đi vào Sài Gòn, bố tôi không tiễn, ông đứng ở cửa điếm canh nhìn chú cháu đi. Rồi ngửa mặt lên trời ông ngân nga: "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Là xa xưa cụ Phan Châu Trinh đã dạy vậy.

Anh tôi làm công chức thấu hiểu cái sự học sẽ đem lại rất nhiều điều kiện làm thay đổi số phận. Cũng là nhớ lời cha dặn, tấm gương của cha luôn soi đường cho anh và đàn em là chúng tôi đi. Anh Pha quyết tâm tìm cách xin cho các em đi học ngay. Mặc dù biết để nuôi cả nhà với ba em ăn học không đơn giản.

Ngôi trường mà anh dự tính xin cho mấy anh em tôi vào học cách nhà khoảng hai cây số. Đó là trường Chasseloup Laubat (trường dành cho con Tây và con em quan chức người Việt tại Sài Gòn)

Khi đó với tôi, niềm vui và hạnh phúc lớn nhất là được cắp sách tới trường. Tuy nhiên, ban đầu cách dạy học của trường là quá sức với tôi. Là kiểu trường của Pháp. Nếu vào học sẽ học lớp Fin d’etudes, dành cho những người muốn học chương trình Pháp mà chưa biết chữ Pháp. Trường chỉ có hai lớp như vậy. Ai cũng muốn được vào học. Bởi ở trong Nam thời bấy giờ, con em các gia đình muốn vào trường tây đều phải học qua những cấp học đó.

Nhưng thời điểm đó, ông hiệu trưởng đi nghỉ hè.

Anh Pha tôi quen với ông Jacouli và bà đầm Orsatelli là những người làm hành chính của trường. Không hiểu sao anh Pha tôi lại có thể quen được họ, chắc chắn anh đã chuẩn bị trước khi đón mẹ và các em vào. Họ dặn anh đợi khi ông hiệu trưởng về, họ sẽ báo.

Khi được tin báo, anh mua bó hoa để tặng ông Hiệu trưởng cho lịch sự và vui vẻ. Anh đưa tôi đi theo.

Tôi còn nhớ khi anh Pha đưa tôi vào trường, nom anh ăn bận lịch sự lắm. Lúc bước vào trường, tất cả học trò đang ngồi ôn bài đợi giờ vào lớp đều đứng lên chào, vì tưởng có thầy giáo mới.

Tôi được nhận vào trường.

Không thể tả hết niềm vui của anh em tôi và của mẹ.

Nhưng do tôi chưa biết tiếng tây, vốn ở quê tôi học trường Nguyễn Huệ Kháng Chiến, học chữ quốc ngữ. Nên Ban Giám hiệu xếp tôi vào học lớp Fin d’etudes A. Thực chất là lớp mà trình độ không đồng đều, coi như lớp vỡ tiếng tây đầu tiên.

Anh Vọng tôi thì không được nhận vào trường này vì quá tuổi. Tạm thời anh Pha mua cho sách tự học ở nhà. Anh Vọng cũng là tấm gương cho chúng tôi. Anh chăm chỉ học lắm. Tự học, mày mò với sự cố gắng rất cao. Sau anh cả xin được cho anh Vọng vào trường tư là trường Tân Thanh. Vậy mà có ai ngờ, sau anh vẫn thi đỗ vào được trường Luật. Anh trở thành luật sư và hành nghề luật rất hữu hiệu.

Em gái Lựu thì được nhận vào học ở trường tiểu học Đa Kao. Về sau được học lên trường Ngô Sĩ Liên. Sau lại chuyển lên trường Lê Quý Đôn, chính là trường Gia Long trước đó. Như trên tôi đã kể, em gái út của tôi cũng rất nỗ lực học hành. Ngoài việc đi học, hàng ngày em giúp mẹ tôi nội trợ. Mẹ tôi cũng tìm được những việc làm thuê lặt vặt tại nhà, mẹ nhận làm thêm đủ thứ. Em Lựu bản tình giống chị Mận tôi, không nề hà bất cứ việc gì có thể làm được để giúp mẹ và gia đình. Em tôi sau này đã trở thành cô giáo.

Khi được nhận vào trường học, trong lớp các bạn nhiều độ tuổi khác nhau. Một cậu bạn hỏi nhỏ khi lớp đang chuẩn bị vào giờ học:

“Bố mày làm chỉ huy trong quân đội à”

Tôi không ra lắc không ra gật. Lúc đó cậu kia cũng không hỏi thêm. Chắc nó nghĩ tôi hoặc im lặng là thừa nhận, hoặc “con nhà” nên kiêu căng.

Nó không chấp, kể với tôi:

“Đang học về ông An-phông-xơ Đô-đê đấy. Mày biết nhà văn này không?”

Tôi lắc lắc đầu. Đúng là tôi cũng còn chưa biết gì mấy.

Nó nản quá, buông câu:

“Mày giống như câm điếc ấy”.

Sau này chúng tôi luôn gắn bó với nhau.

Đó là người bạn mà tôi vô cùng trân quý, tên là Nguyễn Viết Tân. Sau này nó đến cái nhà ở xóm lao động của chúng tôi luôn. Nó thấu hiểu cảnh nghèo vất vả của chúng tôi.

Tôi có nhiều bạn dần lên. Kết thân nhất với tôi là Ngô Thanh Quế. Bởi chúng tôi còn được bên nhau cả những năm sau này, khi tôi và anh ấy đã sang Paris học. Ngô Thanh Quế có anh rể là ông Quách Tòng Đức, Chánh Văn phòng của Ngô Đình Diệm. Chính vì vậy mà sau này, Ngô Thanh Quế cũng được quan tâm chú ý được chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ ưu tiên cho đi học bên Pháp.

Ngày ấy cũng chưa hết cảnh nhịn đói đi học. Thường mỗi buổi sáng, mẹ lấy cho lưng cơm để dành từ hôm trước, cũng đôi khi mẹ tôi có tiền lẻ trong túi, chạy ra hẻm mua cho tôi cái bánh mì nhỏ. Những hôm như vậy, mặt tôi rạng rỡ, trên lớp trả lời rất lưu loát.

Từ nhà đến trường hơn hai cây, nên lũ trẻ con thường chui sau lưng khách đi xe buýt rồi phắt cái nhảy lên xe. Phụ xe có khi véo tai xách lên. Cũng có khi lừ mắt nhìn mà không nói gì.

Anh phụ xe hỏi tôi:

“Mầy ở đâu ra vậy?”

Tôi trả lời:

“Cháu ở Vân Đình mới vào đây”

Anh ta nhìn nhìn tôi. Nghe giọng Bắc thì anh tin là ngoài kia vào. Nhưng nom ăn bận áo sơ mi trắng, quần soóc trắng bỏ áo vô quần, nom mặt tôi sạch sẽ trắng trẻo. Anh đâu biết mẹ tôi đã tính rất kỹ. Cứ phải bỏ tiền may bằng được cho tôi bộ áo trắng quần sooc như vậy, ngày nào cũng mặc đi học, sẽ không bị phát hiện nhà nghèo quá, chỉ có mỗi bộ duy nhất. Mà ngược lại, người ta nom mình sạch sẽ, con nhà có giáo dục có chữ.

Lại nói hôm đầu được mặc bộ quần áo mới, tôi ngượng nghịu lắm. Vẫn luôn quen mặc quần nâu áo vá, nào lấy đâu ra vải trắng may áo, lại vải gì dày đẹp lắm để may quần. Nên tôi rất cẩn thận không để dây bẩn vào áo quần. Lên xe là tôi cũng rất thận trọng khi đứng sát chỗ nào dễ dây bẩn là phải chú ý.

Anh phụ xe lại hỏi tiếp:

“Vào đây nhà mầy ở đâu?”

“Nhà em trong xóm Vạn Chài”

“Thế mầy đi học ở trường nào?”

Tôi nói tên trường.

Anh ta ngạc nhiên:

“Nhà mầy có tiền cho đi học trường tây, còn hơn tao đây mơ cũng không được. Lỏi con, tao cho đi nhờ nốt hôm nay thôi. Còn phải kiếm cơm chớ mầy”.

Bác tài xế quay ra bảo anh phụ xe:

“Dạo này dân Bắc kỳ chạy vô đây nhiều. Nom thằng bé ngoan ngoãn. Cho nó đi cũng tốt con. Coi như làm phước. Giúp người Trời thương”.

Đến lúc đi quen rồi thì cả phụ xe lái xe đều cho tôi một chỗ ngồi tử tế.

Đấy là thời gian tôi chỉ đi học buổi sáng.

Sau này càng học lên càng phải đi học thêm nhiều. Tôi vẫn cứ đợi chiếc xe buýt quen và nhảy lên ngày mấy bận. Bác lái hỏi tôi chuyện này chuyện kia ngoài Bắc. Tôi nhớ sao kể vậy. Dần dà, bác bảo: Cho tôi đi bất kể chuyến nào, mỗi lần đi kể cho bác nghe một câu chuyện. May quá, hồi ở nhờ bác Mô ở Bà Triệu Hà Nội, để đợi lên máy bay vào đây, ngày nào bác gái cũng nhờ tôi đọc sách cho nghe. Thế là tôi nhớ được khối truyện trong sách để kể. Lại thêm thắt truyện này truyện nọ từ sách chúng tôi đang học.

Bác tài bảo:

“Đời tao đâu biết cái lão già An-phông-xơ Đô-đê là lão nào. Sao kỳ tài thiệt”.

Sau này thì tôi lại hay đi nhờ xe đưa đón con em công chức người Pháp, đi xe này sạch sẽ và rất nhanh, vì không đón khách ngoài. Biết được những chuyến buýt riêng này do bạn bè thì thào kể, tôi đi trộm thử. Thực ra trên xe cũng có mấy đứa con lai Pháp Việt, nên tôi có thể ung dung ngồi lên ghế. Nhưng lúc nào tôi cũng chỉ sợ bị đuổi, vì lọt thỏm trẻ con thuần Việt trên chuyến xe. Hơn nữa, tôi đâu có trong danh sách đưa đón. Ban đầu thì cũng có đôi chút khó khăn. Người lái xe chưa khi nào đuổi tôi xuống xe, cả tụi trẻ con người Pháp, chúng cũng ngoan ngoãn và rất nhã nhặn. Tôi liệu trước tình huống bị phát hiện và bị đuổi, nên cũng đã lễ độ xin phép. Anh cả tôi cũng có ra nhờ. Phải nói là họ khá tốt. Họ nói rằng có biết tôi đi trộm nhiều chuyến, nhưng thấy sạch sẽ ngoan ngoãn, không có gì phiền hà nên họ im lặng. Cả đám trẻ con trên xe cũng vậy, chưa có một câu nào đẩy tôi khỏi xe. Có thể trong con mắt chúng, tôi là con nhà nghèo cần phải thương xót giúp đỡ chăng?

Lớp học đã đến kỳ thi sát hạch để được vào học chính thức. Tôi thi Toán được 10 điểm nhưng Pháp văn là con zero. Thật buồn. Vì tôi lúc đó cũng chưa thể nhập môn, dù đã nỗ lực hết sức. Nhưng may mắn thay, tôi vẫn được đỗ vớt đặc cách với điểm 10 Toán.

Tuy đỗ nhưng đỗ vớt. Đối với tôi đó là sự thất bại, không được phép xảy ra lần nữa.

Tôi lên kế hoạch bằng cây bút chì và quyển sổ.

Tôi vẫn tiếp tục ghi nhật ký, như một người chép Sử cuộc đời mình.

Không có tiền mua sách, tôi mượn sách của các bạn về để chép lại từ sách ra. Tôi chép cẩn thận lắm, không để sai sót chữ nào. Tôi nghĩ, muốn học giỏi không còn cách gì hơn là phải thật giỏi tiếng Pháp. Phải chinh phục bằng được thứ ngôn ngữ này. Rồi mới có thể nghe giảng các môn khác được nhập tâm. Tôi học ngày học đêm, dành tất cả thời gian cho tiếng Pháp. Nhiều lúc tôi mệt quá, bần thần nghĩ, mình thì rất mệt, có cảm giác như không còn sức lực, mãi vẫn không nắm bắt được mấy con chữ này, mà người ta bảo ngôn ngữ Pháp đẹp và uyển chuyển, âm sắc âm thanh âm vựng đều dùng từ đẹp. Trời ơi, làm sao chinh phục được vẻ đẹp này đây.

Sài Gòn nhiều khi nóng ong ong. Nhà lại chưa có điện. Tôi nóng mướt mồ hôi, ngồi học mà bụng đói sôi cả lên, nhưng quyết không buông sách khi chưa xong phần bài học bắt buộc của mỗi hôm. Nghĩa là cả phần bài tập thầy cho về nhà làm, cả phần tự tôi lên kế hoạch cho mình. Mỗi ngày tôi quyết nạp vào đầu mình khối lượng ngôn ngữ khá nhiều. Tôi còn tìm các loại giấy báo bỏ đi, hay mượn của bạn bè những quyển bích báo tiếng Pháp, để tự mày mò tìm hiểu thêm văn hóa Pháp. Tôi nhận ra, nước Pháp không phải ai cũng tàn ác như bọn tây đã bắn chết bà nội và bố tôi, bắn chết bao người dân vô tội; làm cho quê hương tôi đói nghèo xơ xác, để chị tôi chết vì không có tiền mua thuốc…

Tôi nhận ra vẻ đẹp của nước Pháp, vẻ đẹp của một nền văn hóa lâu đời, với nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới. Nhiều người dân Pháp rất lịch lãm, tự trọng; giống như các thầy trong trường; giống như bà đầm đã giúp đỡ gia đình tôi, đứng ra nói đỡ để anh tôi xin cho tôi được vào học trường tây; và cả những người đã cho tôi đi nhờ xe đến trường…

Tôi cũng không thể phụ công mẹ đã phải chịu hy sinh, bứt ra khỏi cuộc sống thân thuộc để đưa anh em chúng tôi vào đây; mẹ đã hy sinh trăm bề, chịu bao cực nhọc để dành cho chúng tôi những buổi đến trường được suôn sẻ. Tôi không thể phụ công anh Pha tôi. Một mình anh lo toan chính cho cuộc sống của cả nhà. Hy sinh cả những đam mê tuổi trẻ, còn chưa tính đến chuyện xây dựng gia đình riêng…

Tôi còn nhỏ, đã biết mình cần phải nỗ lực gấp nhiều lần lối học thông thường. Kỳ diệu thay, sau một năm quyết tâm cao độ để học thứ ngoại ngữ mà mình đã bị điểm ZERO, tôi đã chinh phục được những con chữ tiếng Pháp thách đố đó. Khi đi thi tôi đã đạt điểm ưu, đứng đầu lớp, trước sự ngạc nhiên cao độ của các thầy và chúng bạn.

Cho đến bây giờ, đi qua bao chặng đường, tôi vẫn không thể quên những đêm chạy ra ngoài phố, ngồi nhờ dưới ngọn đèn đường mà chép chữ từ những cuốn sách mượn của bạn.

Hiện giờ tôi vẫn còn giữ được những quyển vở chép tay này. Đó là một trong những báu vật của cuộc đời tôi. Tôi đã mượn sách và tuyển tập của các bạn về chép ra vở để có tài liệu học. Tôi rất tiết kiệm và thương mẹ thương anh, không muốn lúc nào cũng xin tiền mẹ mua sách vở. Thậm chí tôi còn tiết kiệm từng mẩu giấy vở.

Khi thi đậu vào học trường Chasseloup Laubat, tôi đã viết nhật ký bằng bút chì với lời nguyền:

"Muốn thành công thì cần phải học, chỉ có học thôi".

 Mời Xem Lai 

Phần II ĐƯỜNG ĐỜI :Chương I PHƯƠNG NAM - VÙNG ĐẤT MỚI (Tự Truyện GS.Đỗ Đình Chiểu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét