30 thg 6, 2023

PHAN TRẦN : Thơ và Bài viết của Phan Trần (SPSG.k.3 )

 


 1./ An Ninh Mạng...
 
Cách đây mười mấy năm...Bố chết tôi về VN chịu tang
Thời ấy internet trong nhà dân rất hiếm...các tiệm net khu nào cũng vài ba tiệm. Muốn gửi mail phải lò dò ra tiệm net. Giá rẻ rề 3000 một giờ.
Khách của tiệm Net toàn các em từ 7, 8 tuổi ... dưới 20 đến chơi Game
Chúng nó bấm nhoay nhoáy còn tôi mang tiếng có bằng Compuper mà lớ ngớ như con trâu lạc.
Một em thấy tôi lớ ngớ làm quen :
-Bác vào đăng ký ở cái con nhỏ kia rồi ra đây con chỉ cho .
Ghi danh xong thằng nhỏ tò tò theo tôi
Tôi hỏi :
-Cháu học trường nao mà giỏi thế
- Chả học trường mẹ nào cả
- Vào ngồi đây đứa nọ chỉ đứa kia thôi
Canada thời ấy muốn vào Web nào thì vào trừ những Web nhạy cảm Sex…phải check tuổi coi có đủ 18 chưa mới dược coi.
Việt Nam tự do hơn nhiều có kiểm soát nhưng ai cũng coi được…
Thằng bé gạ chuyện :
Bác muốn coi phim séch hả dễ lắm làm thế này…thế này
Bác muốn vao oét phản động hả ?...làm thế này thế này.
Dân chơi mà không biết leo tường thí đâu phải dân chơi !!!
Tôi trả cho thằng nhỏ 2 giờ net mà học được khối chuyện…
Cac bạn có tin khi ra luật An Ninh Mạng thì ngăn được những tin bất lợi cho nhà nước không !
No Way
 
 2./ Đồng Môn Sư Phạm !
 
Nhân vụ Thầy cũ Đoàn Viết Bửu của tôi viết về vài nhân vật điển hình đồng môn Sư Pham chợt nhớ tói nhận xét về người Việt nên chả ngạc nhiên :
10 nhận xét về người Việt Nam
1. Cần cù lao động nhưng dễ thỏa mãn, tâm lý hưởng thụ còn nhiều
2. Thông minh, sáng tạo nhưng đối phó, thiếu đi tầm nhìn về sau
3. Khéo léo nhưng không duy trì đến cùng
4. Vừa thực tế vừa mơ mộng nhưng không có ý thức nâng cao thành lý luận
5. Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh nhưng không đến đầu đến đũa, kiến thức không hệ thống, mất cơ bản.Học tập không phải là mục tiêu tự thân của người Việt Nam.
6. Xởi lởi chiều khách nhưng không bền.
7. Tiết kiệm nhưng đôi lúc hoang phí vì những muc tiêu vô bổ
8. Có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái nhưng hầu như trong những hoàn cảnh khó khăn, còn trong điều kiện tốt hơn thì tinh thần này ít đi.
9. Yêu hòa bình,nhẫn nhịn nhưng hiếu thắng, hiếu chiến, hay thù vặt
10. Thích tụ tập nhưng thiếu sự liên kết, cùng 1 sự việc, 1 người làm thì tốt, 3 người làm thì kém, 7 người làm nát luôn....
Tuy nhiên những Web của Sư Phạm Sài Gòn hay gì gì đó cũng tốt thôi...tất cả đều do sự thiếu tổ chức cả mà :
Mỗi con người Việt Nam là một ông Vua và cũng là một tên Nô Lệ
 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Tuổi Già Cám Cảnh (T.Vấn Và Bạn Hửu )

                                           Vọng Tưởng (Nhớ Nhà) – Tranh: MAI TÂM
 

Một ngày như mọi ngày, sáng tinh mơ, tay cà phê, tay thuốc là lão ngồi cù rũ đằng góc vườn. Lão ngồi trong bóng tối đợi nắng lên, nắng lan man leo lên đụn cây, nắng lặng lờ bò xuống thảm cỏ để rồi lão có thêm một ngày… Chiều đến, cũng ở chỗ ngồi quen thuộc, tay điếu thuốc, tay ly rượu, lão đợi thời gian đến với lão… Cho đến một lúc bóng ngả đường chiều phủ lên vườn nhà, và bóng tối chụp xuống lão… Thế là xong một ngày. Ngày qua ngày như một giai điệu lập đi lập lại đến với bản thân mình cùng một tâm trạng dửng dưng. Từ ngày cáo lão về hưu, lão vẫn giữ cho mình thói quen uống cà phê vào buổi sáng sớm và ly rượu vào buổi chiều tà. Điếu thuốc lá mỗi sáng báo cho lão biết một ngày mới bắt đầu và điếu thuốc lá ban chiều nhắc cho lão biết một ngày theo khói bay đi và mẩu thuốc lá sắp tắt. Người lão nhẹ dần theo mây khói với năm tháng, theo câm nín với lặng lẽ. Lão không còn biết mình đang ngồi đó hay là mây bay trên trời cao hay là ánh nắng chiều vàng vọt. Vào cuối ngày tàn, lão chỉ là chiếc bóng lầm lũi đi về căn nhà quen thuộc ở sau lưng.

       Và đợi…

       Lão đợi đến ngày mai. Lão tự hiểu rằng ngày mai sẽ là quá khứ của hôm nay và lão chẳng còn ngày tháng nào chờ đợi đằng trước mặt. Với ngày mai của một ngày nào đó, lão đang sửa soạn khăn gói gió đưa cho một chuyến đi xa để thăm bạn già từ cái thuở láo ngáo, chưa gặp nhau nhưng lão cũng biết thừa bứa rằng, không ngoài nhấp tách trà đắng chát thì cũng ngắm mấy cọng lan xanh rờn đến… xanh mắt. Đã mấy lần bạn già giục giã, lão cứ khất lần mãi. Rồi lão nghĩ quẩn, già rồi cũng cần có bạn trong những lúc trái nắng trở trời, vả lại bạn lão càng ngày rơi rụng dần… Cứ dây dưa cả năm nên lão đành túng thì phải tính, rằng sang xuân này lão sẽ tay xách nách mang làm một chuyến đi… dối già.

       Gặp bạn già để bù khú là cái nhẽ đương nhiên của đất trời, mà bạn tận miền bắc này gần như hơn nửa cuộc đời nặng nợ với lan, nghe hơi nồi chõ đâu đó cũng cả chục giò lan. Với những của nợ này lão chỉ võ vẽ dăm ba giống như Tiểu Kiều, Đại Kiều, Nhất Điểm, Loạn Điểm vậy thôi. Chả nhẽ thăm thú bạn già, đem chuyện chổi cùn rế rách ra tào lao thiên tôn… Nên mới gần đây, qua vườn cụ Vĩnh họ hàng hang hốc với nhà thơ Hồ Dzếnh ở phố Hàng Trống, lão ăn mày cửa Phật, hàm thụ qua mấy bài viết được mấy cọng lan xưa như Hạc Đính, Trần Mộng, Ngân Biên, Yên Tử nên cũng thu vén đủ vốn liếng để hầu chuyện với bạn già. Lão chưa kịp yên chí nhớn thì đùng một cái, bạn già tỉ tê là… là mới tậu được cặp cu đất. Lão ớ ra, thế này thì bỏ bu, già không nên nết, ai lại đốc chứng làm bạn với cái giống chim thô kệch, chỉ đứng gù gù nhau, rồi đẻ như… cu đất. Bạn già âm ỉ ở bên này buồn như trấu cắn, nay được nghe chim cu gáy còn buồn hơn hoa bí buổi chiều nữa. Nghe vậy, lão cho rằng bạn già đang cần bạn như lão vậy thôi… Thôi thì như các cụ ta xưa đã dậy, “thóc ở đâu, bồ câu đó” dẫu trời có sập lão cũng phải bò đi.

       Qúy hóa hơn nữa là bạn già ân cần gửi cho lão cái vé xe “buýt” mới oách, vì đi xa lại được ngắm cảnh ruộng đồng, rừng núi của mảnh đất mới. Lão hồi tưởng lại cái ngày mới bẩy, tám tuổi, lần đầu được đi xe ca “Con Ngựa Bay” từ Hải Dương xuống Hải Phòng, vậy mà chớp mắt một cái bây giờ đã tóc bạc da mồi, như giấc kê vàng, tỉnh dậy thì thấy mình đã già khú đế tự tám kiếp nào. Ấy vậy mà lão vẫn còn háo hức như những ngày còn bé tí, chỉ lóng ngóng đến ngày ra bến xe. Mấy tối nay, tối nào lão cũng mường tượng đến bạn già lão đang làm bạn với mấy con chim, như để gậm nhấm đau thương làm cái thú giải sầu. Lão cũng chẳng hơn gì, ngẫm chuyện nhân sinh, đất khách quê người lại nằm ở cái tuổi lá rụng về cội, có nhiều cụ không có thì giờ lẩm cẩm cho quá khứ, cất kỹ xuống đáy rương làm kỷ niệm. Riêng lão lọm khọm chống gậy đi tìm dĩ vãng thấp thoáng qua lũy tre xanh, bờ mương ao cá… Lão hình dung đến sau tuần trà, trong một ngày nắng quái chiều hôm, ngồi ở ngoài vườn, thế nào lão cũng sẽ rủ rê bạn già ngắm trời ngắm đất, đi tìm những tia nắng muộn màng, lục lọi ngăn kéo trí nhớ, thẩn thơ về những ngày nào năm nọ. Lão nghĩ, bạn vong niên gặp nhau cũng chỉ từng ấy chuyện là hết đất.

       Bỗng dưng không đâu, lão cứ thẩn tha, thẫn thờ đến… con cu đất.

***

       Nghĩ đến trà, lão chợt nhớ ra vừa sắm được bộ ấm Thế Đức gan gà. Cái ấm độc ẩm hình quả bứa, nắm gọn trong lòng bàn tay, nhẹ tênh và mát rượi, còn hai cái chén quân, to bằng mắt trâu, mỏng như trứng gà đang ấp. Vớ được bộ này, lão bấm bụng cũng mất gần nửa tháng tiền già, lão cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ, nhưng bù lại, qua ông Tầu già chỉ vẽ, lão gom góp được dăm điều lỉnh kỉnh về ba mớ… “trà đạo”. Như xoay cái nắp ấm, nghe tiếng kêu vừa êm vừa thanh là ấm thật, nghe thấy rèng rẹc như nghiến răng là ấm giả, quẳng ngay đừng có tiếc với phí của giời này nọ… Vẫn chửa xong, về đến nhà, lão lui cui lật ngửa cái ấm xuống mặt bàn. Giời đất ạ, nhất cụ Nguyễn Tuân: Vòi, mặt ấm và cái quai nằm ngang thẳng băng. Lão lại bỏ cái ấm vào chậu nước như cụ Vương Hồng Sển… mách nước, cái ấm nổi lềnh bềnh như lông vịt, không lệch không chao, lặng lờ như con thuyền trên mặt nước ao thu làm mặt mũi lão cứ đần ra. Ấy tuổi già của lão nó cứ tủn mủn thế đấy, ngày nào lão cũng vêu vao ra mà ngắm rồi lau chùi như nuôi con so, con mọn không bằng.

       Đánh mõ không bằng đụng thớt, ngày trước bu lão từ xó làng lên tỉnh, chả cần sĩ bọ gì, cứ với lồng gà, bu vịt để làm quà là xong. Lão lúc này trên răng dưới hột thị, chẳng là đã rách như xơ mướp lại hay khoe mẽ, bạn già có chim cu, lão cũng muốn khênh bộ ấm “xòang” này lên để ra cái điều khoe mẽ: “quý hồ tinh bất qúy hồ đa” là thế đấy. Lão cũng chả quên xách theo gói trà móc câu Thái Nguyên, được thể lão sẽ huyếch về nghệ thuật pha trà mà lão vừa học lóm được qua vang bóng một thời với tăm nước sủi to bằng mắt cá, gọi là ngư nhãn. Còn nước sôi sủi, tăm to bằng mắt cua, gọi là giải nhãn, thế nào bạn vong niên cũng phục lăn chiêng về cái thú chơi cầu kỳ của lão. Nghĩ ai cười lão thì hở mười cái răng, gia dĩ lão còn có bộ ấm tàm tạm cho như cổ xưa đi, vì không ít thì nhiều, lão còn có một cái gì để dựa dẫm, tất cả gia tài đơn chiếc lúc này của lão vỏn vẹn chỉ có bấy nhiêu và không hơn. Ở cái tuổi này, lão chẳng còn gì bằng bám víu vào dĩ vãng qua chiếc ấm đất như cụ Nguyễn.

                                                                    ***

        Lại thêm chuyện “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký”, chuyện là muốn lấp đầy khoảng trống của con đường dài hun hút, lão đảo qua tiệm sách tìm cái gì đọc cho khuây khỏa. Vừa thấy quyển “O Chuột” của Tô Hoài là lão chộp ngay không đắn đo. Luộm thuộm nó là như thế này: Gần đây có dăm bài đăng rải rác ở trên báo, lão đọc thấy chập choạng vì mất thời gian tính nên lão thờ ơ với mấy con chuột nhắt, chuột bạch của ông ấy. Quyển này có từ tháng trước, trước sau chỉ vì cái tật ven sới trong cái nghèo lõ đít, trăm người bán vạn người mua, đến khi lão sớn sác trở lại thì chưng hửng nhìn cái kệ sách trống. Tiệm ở dưới phố, mua một quyển sách phải băng qua ba cánh đồng, nên lão phải đợi tới cuối tuần lũ con đến rồi đưa đi.

       Chót chét ông Tô Hoài cũng lẽo đẽo theo lão về đến tận nhà để lão lẩn thẩn với những ký ức cũ xì cũ mốc nơi đất quê. Hình như lão… “chớm” già rồi cũng nên, có những chuyện mới đây lão bí đao, bí đặc, nhưng có những mẩu chuyện bé bằng cái đầu tăm, nhất là vào cái tuổi thiếu thời, lão nhớ như in: Như chuyện cả nhà đi vắng, chỉ còn bà ngoại ngồi giã cối têm trầu trước hè để trông chừng thằng cháu, lão chẳng biết chơi với ai, con mực, con mướp đi hoang từ sáng sớm. Lão đành lủi thủi sau vườn đi tìm gặp những lũ bạn bè nhỏ bé hàng ngày. Như mọi lần, lão lân la đuổi bắt với mấy chàng dế cơm, dế chũi lục xục trong đám cỏ non, lão thoáng bắt gặp mấy chị muôm muỗm, chị cào cào xanh mầu mạ, xô nhau nhẩy rào rào qua vạt cỏ và biến mất vào rặng cà pháo bên cạnh. Lão tiếc nuối, nhìn lên bầu trời lại bắt gặp mấy chú chuồn chuồn nhởn nhơ trong buổi sáng đầu ngày và một lát thì lặng lờ bên hàng dậu, xa xa là vài gợn sương nhạt đọng trên những tầu lá cau rách rưới nhưng xanh om… Mỗi lần hồi tưởng lại những hình tượng ấy, tuổi thơ thêm một lần bám cứng lấy lão, gắn bó không rời qua ông Tô Hoài. Vì vậy ông ấy cùng với lão leo lên chiếc xe búyt của dĩ vãng và đong đưa với ngày tháng qua mau… Lão nhìn ra ngoài, bây giờ là cuối đông, cây cỏ tàn tạ, lão cảm thấy trống vắng, hụt hẫng, như vuột mất một cái gì chẳng bao giờ tìm lại được, từ mụ gà mái, gã mèo mướp, chàng ngỗng đực, chẳng con nào sâu đậm với lão. Ngược dòng thời gian, từ bé tới nhớn, nghĩ lại thì chỉ có… lũ chuột là gắn bó với lão.

       Tại sao là “Chuột ”… Chịu chết, lão nghĩ không ra!

                                                                    ***

       Gấp quyển sách lại, lão xa vắng…

       Sẩy đàn tan nghé, lão qua đây cũng con đàn cháu đống cả đấy, nhưng cho đến lúc này, tên Tây tên Tầu của chúng lão đọc vẫn không ra, đâm ra ông cháu từ đây cứ… xa cách mãi. Thửa được bà vợ mười rằm cũng ừ, mười tư cũng gật, con ruồi đậu trên mép bà chẳng buồn đuổi, cả ngày bà chả buồn há mồm, ra cái điều chả ai rỗi hơi nói chuyện với… lão, ra thể thà nói chuyện với cái đầu gối còn sướng hơn. Mà cái chân là “khúc ruột nối dài” với cái đầu gối nên nó đâm chán, chán quá thể thì nó xúi lão nói với đám con… đi ra ở riêng. Lão lại đang ở cái tuổi xác như vờ, xơ như nhộng, thuổng được cái tiền già, nghĩ choèn choẹt là cứ ăn no phích. Có ít tiền của các con dấm dúi lão đổ dồn vào tủ sách, cái kệ mỗi ngày mỗi cao, phòng mỗi ngày mỗi hẹp, lẩn quẩn ở trong nhà lão đi vòng vòng như cái đèn cù, mà phải đi thật chậm để kéo thời gian ra cho qua ngày đoạn tháng. Ai chẳng có lúc vơi đầy, cảm hoài vấn vương cùng ngày đi tháng lại, vì vậy lão ngồi rị mọ viết lách lăng quăng, rảnh rang đọc lại, lão cũng cảm thấy bâng khuâng cùng những dấu ấn của một thời đã qua…

       Nói cho ngay cái nhà cũng có hơi ọp ẹp như lão vậy, mấy cái cửa tủ đồ ăn khô nứt nẻ, có chỗ vỡ bằng cái nắm tay, nhưng lão chẳng ngó ngàng gì đến ba cái vặt vãnh ấy. Nhất là cái tủ chỉ to bằng lỗ mũi, trong đó tập tàng ba thùng mì gói với dăm vỉ trứng. Cuộc sống lão chẳng có gì để ủ ê, để mà thành chuyện… giẻ rách.

       Cho tới mùa đông năm đầu tiên dọn về cái nhà thổ tả này:

       – Giời đất ạ, cơ ngơi nhà lão có chuột.

       Bương bả chạy đi mua cái bẫy chuột, khổ một nỗi là chữ Tây chữ u bói không ra một chữ, múa may một hồi thì lão cũng xách về được một cái bẫy to bằng lòng bàn tay. Và lão bật cười khan, Đông Tây gặp nhau ở cái chỗ này đây, cái bẫy chuột ở quê nhà lão và ở đây giống nhau như hai đôi guốc, cũng mảnh gỗ bé con con, cái khung sắt, hai cái lò xo và que sắt móc mồi và cuối cùng là… cái khóa giết người. Nghe mách chuột xứ này ăn… “phó mát”, thế là lão cặm cụi gài miếng “phó mát” vào cái que móc mồi, đặt vào đúng chỗ con đường mòn Hồ Chí Minh, nơi chúng xâm nhập nhà lão. Sáng hôm sau ra thăm thú tình hình chiến sự thì miếng “phó mát” vẫn còn nguyên, không mất… một sợi tóc. Lão đực mặt ra để tư duy, hóa ra mấy chú chuột nhắt này là mấy chú “du kích”, trốn nhui trốn nhủi trong rừng, ắt hẳn đứt đuôi con nòng nọc là thèm thịt để bồi dưỡng, còn miếng “phó mát” mấy thằng cán ngố ắt hẳn ngỡ là xà bông Trung Quốc nhẽo nhèo. Vậy là lão phải nướng một miếng thịt nhỏ cho thơm râu, hì hục đặt cái bẫy ở ngay đầu địa đạo Củ Chi, đó cũng chính là cửa ngõ vào tủ đồ khô nhà lão. Lão chắc mẩm với chiến lược dụ địch về thành phố này: Vố này thế nào lão tó một chự. Rồi gán cho hai chữ tử sĩ là êm.

       Hôm sau cái bẫy chuột… vẫn còn, miếng thịt không cánh mà bay. Lão chưa kịp điều nghiên trận địa tiếp thì cũng vừa hết một mùa đông, đám chuột biến mất. Mùa đông năm sau chưa kịp tới, nhưng đất trời vẫn ngôn ngốt, máy lạnh đang chạy âm ỉ. Bỗng nước từ trên trần nhà nhiễu xuống và cái máy lạnh không rên ư hử nữa. “Người” sửa máy lạnh trèo lên, trèo xuống, báo cáo anh, báo cáo chị… với lão: “Nhà cụ có chuột!”. Rõ dớ dẩn, sự thể này lão biết từ đời tám hoánh nào rồi. Cũng rõ chán mớ đời “người” này có mắt không tròng hay sao ấy mà nhè lão gọi bằng… “cụ” và “người” tiếp: “Chuột con ngứa răng gặm mấy cái ống nước của máy lạnh, cụ phải mua thuốc giết chuột”.

       Thế là lão thành “cụ”, và “cụ” có việc làm, việc đầu tiên là quáng quàng đi mua thuốc giết chuột, việc kế tiếp là lom khom leo lên trần nhà, lui cui “chôn” mấy hộp “mìn”. Chớm đông, gió hiu hiu lạnh, nệm ấm chăn êm, lão ngủ thẳng cẳng. Vài ngày sau, mở tủ ra lão thấy mấy cái xác khô, nằm chết bình thường, nằm chết như… mơ, mình không manh áo. Những năm kế tiếp, năm nào cũng vậy, lão lại ru ta ngậm ngùi, đi nhặt xác người… anh em bên kia cánh đồng, trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co. Hai mươi năm hận thù đã qua… .

                                                                      ***

       Mới đây, xuân thu nhị kỳ cứ ngủ dậy lão cứ bị đau chỗ này, nhức chỗ kia. Nhức chân, buốt đầu gối lẽ dĩ nhiên là đi không được là cái cẳng. Nằm bẹp trên giường, nhễu nhão cả hai, ba ngày, khổ nhất là ê vai, trẹo hông. Nhất là đi thăm lăng Bác: Đứng lên, ngồi xuống là phải từ tốn và nghiêm túc, phải vặn vẹo cái tay, cái chân cho đúng thế. Ấy là chưa kể đến cái phần hậu sự, ngoặt cái tay ra đằng sau để lau chùi cũng không xong, thế mới phiền. Nhiều khi… ho cũng nhói lên một cái đến thốn người, thế mới… đau. Hỏi thăm quan đốc, quan dẫn giải rất chuyên ngành: Rằng con người ta có bao nhiêu cái đốt xương sống, bao nhiêu cái dây thần kinh là bấy nhiêu trái mìn nổ chậm và từng ấy cái dây điện mìn Claymor. Chạy trời không khỏi nắng là bệnh lão hóa, gần gũi thân thương hơn là… bệnh già. Quan đốc còn trấn an, chắc như bắp luộc là hãy sửa soạn sống với… người bạn đời chung tình nhất của… các cụ.

       Mùa đông năm rồi, lão nằm chết bầm, chết dí hơn một tuần, người cứ rói ra: Số là ngủ dậy thì lạy Chúa tôi, lão như bị trúng gió, như con gà chọi bị bệnh giây, cái cổ cứ đuỗn đuồn đuột ra như gà mắc thóc. Xoay đầu qua bên trái, cái bả vai buốt trẹo xương sườn, xoay qua bên phải, năm đầu ngón tay… giật giật như bị động kinh. Tay không làm nhưng hàm phải nhai: Ngồi ăn, cái cổ cứng ngắc như sinh viên sĩ quan võ bị ở thế nghiêm trình diện huynh trưởng. Tay trái cầm bát, tay phải cầm đũa, khuỷu tay song song với mặt bàn, cùi chỏ giữ góc thước thợ 45 độ, lưng giữ thẳng đứng. Rồi chậm rãi đưa cái bát lên và cơm vào miệng, mỗi lần lão từ từ nuốt một miếng là nhói lên một cái, đành thân thương nuốt nhè nhẹ, mòn mỏi đợi cái nhói kế tiếp.

       Ngủ cũng dễ thôi: Nằm ngay tán tàn như nằm trong… nhà Chung Sự tối om om đến… lạnh người. Cứ như vậy, đêm về, lão nằm trên giường nghe cóc nhái kêu òm ọp, muốn nằm sấp, nằm ngửa cũng chẳng xong, co ro như con mèo già bị hen cò cử. Lâu lâu lại cấn lên một cái, đành cắn răng muốn ứa nước mắt, thuỗn người ra đợi cái đau kéo dài như … đi vào cõi vô cùng, mãi một lúc lâu sau, lâu lắm, mới thậm thụt đi vào cõi… êm ả. Buồn tình suy nghĩ vu vơ, chuyến này lão vừa dẫm phải… “mìn” nổ chậm, vừa chạm phải dây điện… “Claymor”, chưa “uỳnh” một phát là phúc bẩy mươi đời. Ngủ không được, lão lần mò ra ghế sa-lông xem TV hay đọc sách, mặc cái mùa đông lạnh lùng ngoài kia. Từ đấy, lão có một khoảng không gian riêng với cái đèn lúc nào cũng sáng trưng, vì lão chỉ có hơi ngài ngại bóng tối một chút đấy thôi. Thực tình… ma thì ai chẳng sợ, sợ vãi đái là cái chắc.

       Có cái gì khác lạ thật hay nhà có ma thì phải, nửa đêm lão chợt tỉnh giấc, có tiếng lịch kịch ở đằng sau cái máy rửa bát đĩa. Ngừng một lúc, có tiếng cào cào “cạch cạch” như có ai gõ cửa nhà lão giữa nửa khuya nghe đến rợn người. Lắng tai nghe cho kỹ, hóa ra không phải… ma, mà là mấy chú chuột ngoài kia đi trốn một mùa đông lạnh lẽo, như mấy con chim trốn tuyết. Thế là lão yên chí phớt lờ, ngủ cái đã. Nhưng bực một nỗi là hai vợ chồng gã chuột này rửng mỡ, động cỡn làm trò mèo mả gà đồng hay sao ấy, sao mà lâu lắc quá thể, ồn ào quá sức. Như muốn trêu ngươi lão, làm lão chập chờn mấy đêm liền, trong bóng đêm, giữa người và vật như có giao hòa thì không hẳn là đúng, cuộc chiến đã tàn và đã đi vào thoáng đãng… Nhưng cái lũ chuột khốn khổ, khốn nạn ấy cứ nhè nhà lão, tự nhiên như người Hà Nội, bê cái này, vác cái kia. Bố ai mà chịu nổi, lão là người chứ đâu có phải là… ngợm đâu. Điên người hơn nữa, hai vợ chồng chuột tối nào cũng đú đởn.

       Già sinh tật, ít lâu nay lão đốc chứng đi tiểu dắt, mỗi đêm lục đục vật lộn với nhà cầu cả bốn, năm lần là ít, súng nước thì của khôn người khó, đếm từng giọt, giật cái cần nước chẩy xối xả như ba dòng thác… cách mạng, tháng tháng tiền nước lại nhích thêm một tí. Một tối, bò về đến cái ghế, đặt cái lưng xuống muốn trẹo người, chưa kịp thở, đầu óc lão hoa lên như nổ đom đóm mắt và lão không tin ở mắt mình nữa:

      Đúng là giời đi vắng, thật là quá quắt lắm rồi, giời ạ, ai đời chình ình giữa nhà hai vợ chồng thằng chuột chẳng mời mà rủ nhau tới… thăm lão. Không chủ không khách, chẳng đứng chẳng ngồi, mụ vợ thản nhiên nằm ngửa tênh hênh lên trời, bốn chân ôm sát sạt trái trứng gà to hơn cả người ả, che cả cái bụng, chỉ lòi cái mõm tí tẹo và hai con mắt trong veo. Còn thằng chồng, mõm ngậm đuôi vợ, cong lưng vừa lùi vừa hì hục kéo. Đúng lúc lão vừa ngả lưng nên gây tiếng động, thằng chồng ngừng lại nghe ngóng thăm chừng. Cái mõm với mấy sợi râu ngắn cũn cỡn rung rung, mắt nhìn lão lơ láo như thể muốn hỏi han, nhưng mặt mũi thì vẫn tỉnh queo. Còn ả vợ vẫn nằm kềnh ra đấy, làm như không phải chuyện của ả và vẫn khư khư ôm quả trứng… của lão.

       Người và vật ngó nhau được một lát thằng chồng lại khom người, cong đít, ngậm đuôi vợ, không kéo phăng mà kéo rất ư từ tốn, như sợ mụ vợ đau lưng… như lão. Như sợ quả trứng mà lăn tòm xuống thì gã ốm đòn với mụ, cái đuôi dài thò lò của nó ngoe nguẩy như đánh nhịp. Lôi được một khúc ngắn, ngừng lại để lấy sức, thằng chồng đứng thẳng lên bằng hai chân sau, hai chân trước quậy quậy ba, bốn cái ra cái điều mệt quá thể, mệt hốc người ra chứ đâu có bỡn. Cái đuôi mụ được nhả ra, bây giờ ngoe nguẩy như giục giã, thằng chồng như hiểu ý, nằm mọp kéo tiếp, vừa nhích được mấy đốt ngón tay cũng vừa lúc hai đứa con chạy ùa ra hồ hởi. Thằng anh mũm mĩm như trái chuối cau sắng sẻ chôm cái tàn thuốc lá của lão vất trên sàn nhà vừa khụt khịt hửi hửi. Còn con em, đoản người và tròn trịa như hạt mít, đứng bằng hai chân sau, hai chân trước lần này xoa xoa vào nhau như vỗ tay, mắt thì trố ra nhìn. Như lão đang trơ mắt chẫu nhìn chúng vậy.

                                                                    ***

       Bỗng dưng trong tâm tư lão như trĩu xuống và gồng gánh quây quả về những ngày tháng của… “cái buổi đầu tiên” ấy. Và lão ngộ ra một điều, có những chuyện nằm chôn vùi trong tâm khảm cả mấy chục năm dài, chẳng có dịp để đào xới lên và nghĩ đã đi vào cõi tịch mịch. Một ngày có cọ xát nào đó, như một buổi sáng lắng đọng với trời xanh mây tím nắng vàng, thấy con bướm trắng vật vờ bên luống hoa bừng sống dậy với một cánh bướm khác đã về bên ấy rồi và tiếc nuối. Để rồi cái cọ xát tê người của cái tối ấy, chất xúc tác chính là ở “đôi vợ chồng chuột “này đây…

        Như vào cái tuổi gái thập tam, trai thập lục: Cả nhà gọi “lão” là… thằng Còi.

        Thằng còi dong dóng ăn chơi từ tấm bé, mà ăn thì không ngoài cơm nắm muối vừng với dăm quả cà muối nên cứ còi cọc, cớm rớm như mèo đi kiết. Bu còi riếc: “Có mà ăn trứng giời cũng chẳng nhớn được” nên bị tống cổ xuống nhà bà bác “nuôi” báo cô vào những ngày cuối tuần. Nhờ đó thằng còi được biết đến món tép đồng kho tương, trộn lẫn với bún và đậu rán vàng giòn, mà cái giống này ăn tùng tục mới ngon, quất hai chập là no căng. Sau đấy sáng thứ bẩy, chủ nhật nào còi cũng xuống trại di cư Tân Chí Linh ở ngã ba Ông Tạ đi lễ nhà thờ, mong giữ một chỗ trên thiên đàng cho mai hậu và cũng để được ăn ngon hơn. Thế nhưng lớn lên một chút, thằng còi ngộ ra một nhẽ là muốn lên thiên đàng thì phải… chết trước đã. Ai mà dại.

       Để rồi một ngày không nắng cũng chẳng mưa, trời đất xui khiến làm sao ấy. Một ngày còi chạy chân trần đuổi bắt con chuồn chuồn ớt gần cái hồ có mấy cái cầu gỗ cheo leo vất vưởng để… đi cầu của trại di cư thì đâm sầm vào “gái thập tam” là cô bé hàng xóm ngoại đạo. Thế là quen… để thành chuyện. Thế là từ đấy còi không tin có Chúa ở trên trời nữa, để rồi càng ngày càng bơi trong biển tình với mấy… con cá tra. Càng về sau còi càng xuống trễ, trốn cái cảnh ê a đọc kinh trầm bổng đến buồn thiu.

       Cô bé hàng xóm ấy là cái Sửu, cô em gái Bắc Kỳ của thằng còi thân hình như con cá trắm, da bánh mật, lông mày rậm, môi dầy cong cớn dẩu lên như chó cái, nghịch ngợm như con trai, chỉ thích vật nhau với thằng còi ở trên cái chõng tre và còi nhớ mồn một… Một lần hai đứa đang nghịch nhau, cắn nhau, véo nhau, cái nan tre ọp ẹp, rung rung kêu cót két. Rồi hai đứa đè nhau như hai cái thìa úp, lăn qua lăn lại, đến độ cái chiếu hoa xộc xệch, quăn queo và gần như cũng muốn rơi tuốt tuồn tuột xuống đất.

       Cúc áo thì có tuột thật… và nói dối phải tội chứ lần đầu tiên trong đời, thằng còi mới thấy thế nào là cái của nợ của cái Sửu cồm cộm cứng như mo nang, như chọc vào mắt thằng còi, trắng hếu, trắng như ếch lột. Còi nhìn lõ mắt với “cảm nhận”, “cảm quan” thế nào là nhễ nhại, nhễ nhại như lưng còi đang lấm tấm mồ hôi vì nhịp tim đập thịch thịch, thùng thùng như trống báo vỡ đê khi bất chợt nhìn thấy trái cấm lần đầu. Nhưng thằng còi thề, không phải thề kiểu cá trê chui ống, mà với “đức Chúa giời có ba ngôi” là: Không có chuyện tòm tem của người lớn, mà nếu có muốn thì thằng còi cũng chẳng biết tí toáy ra làm sao nữa. Mà còi nói thật đấy, vì cái trò ma mãnh này chỉ có cái thứ… “đĩ như con đom đóm đực” là quen thói thôi, nên thằng còi cứ… đực ra như ngỗng đực.

        Và rồi hai đứa vẫn hồn nhiên vần nhau, cắn nhau một hồi và đang cười nắc nẻ như không có chuyện gì xẩy ra trên cõi đời tội lỗi này thì đột nhiên… Cô hàng xóm Bắc Kỳ nhỏm dậy, mặt mày xanh như tầu lá chuối, tay run lẩy bẩy, chân giẫy đành đạch như đỉa phải vôi và rú lên hãi hùng như cha chết mẹ chết. Đồng thời chỉ xuống cái nền đất thô lồi lõm, cả hai đều thấy: Hai con chuột ăn cắp trứng đang kéo đuôi nhau. Và hai vợ chồng chuột đang đường ta, ta cứ đi, bỗng nghe tiếng gào bải hải như sấm rền, thế là te tái ù té chạy bán sống bán chết, bỏ lại quả trứng nằm lăn long lóc giữa nhà. Giê-su-ma lạy Chúa tôi… Thằng còi thì cứ… cứng đơ ra.

       Mà chuyện chỉ có vậy! Và… không hơn.

                                                                  ***

       Trên chuyến xe “buýt” xuyên tiểu bang, hóng mắt nhìn ra ngoài cánh đồng bao la bát ngát… Lão lan man với hoài cố nhân, hoài đồng vọng đẩy đưa từ con bò, con ngựa đến con ngan, con ngỗng nhen nhúm len lỏi trong lão từ lúc ngồi trong xe. Và lão thấy hai thanh đường sắt xe lửa song song, chạy ngút ngàn trước mặt để chẳng bao giờ gặp nhau… Bây giờ quá nửa đời người lão mường tượng rồi ra sẽ sắp gặp lại người xưa, cũng chính là… “bạn già” với… “con cu đất” trong chuyến rong ruổi này và lão mông lung về một chuyện cũ.

       Xong cái tù tài hai nó trổ mã hơn nhưng thằng Còi vẫn còi. Một bữa, nó thèm ăn tép đồng kho tương, bèn ghé trại di cư thăm bà bác nhà quê đặc và được nghe bà kể chuyện cái Sửu bỏ học đi lấy chồng. Bà tung tẩy: “Chồng nó đóng quan một cơ đấy, mày ạ”. Vừa lúc nó nhúng nhúng cái chõng tre xem còn “cót két” nữa không, bắt được quả tang, bà bác nhìn nó lắc đầu, chép miệng: “Nhất chặt tre nhì ve gái, tao ngỡ hồi đó mày… nàm nó trương phềnh… nên ấy chứ”. Nó cắm đầu xuống cái chiếu, bà tong tẩy vào chuyện: “Nói dại chứ, gái một con trông mòn con mắt, dạo này người ngợm nó cứ nhẫy ra”. Nó bấu cuống chiếu, nuốt nước bọt ừng ực. Bỗng không đâu, bà chửi té tát: “Mẹ cha con Sửu chết tiệt này, ấy vậy mà số khổ như… trâu”. Bà phẩy tay: “Gái góa rồi mày ơi, rõ nà cám hấp”. Nó chưng hửng, nhưng cũng chẳng thể thiếu vắng ngậm ngùi cho cái tên vận vào người, rằng trâu thì chân dẫm nước, dầm mình trong ao hồ thế nên đa cảm, đa mang những khắc khoải, lênh láng phủ lên muộn phiền, chuốc vạ vào thân, lận khổ trong người. Nó đang thương vay khóc mướn thì bà vén môi: “Này, mày có ăn tép đồng kho tương không thì bảo”. Nó còn bụng dạ nào mà ăn uống, chưa kịp đứng lên bà đã nói đổng, nói như hát: “Đẹp như cái tép kho tương – Kho đi kho… nại khéo trương phềnh phềnh”. Vẫn chưa tha, bà bật cười khanh khách và mắng nó xa xả: “Mẹ bố mày, bà dậy khôn mà mày cứ ngu như… nợn”. Ấy đấy, bà bác nó tuềnh toàng vậy đấy, nhưng nghe lào thào qua bà và dấu ấn sâu đậm nhất trong đầu nó là cái Sửu có chồng tử trận ở trận Đồng Xoài mới đây. Trong thâm tâm nó lất lây chút sầu với nỗi buồn không tên, mồm miệng nó chẳng hé rạng lên một niềm vui với cái Sửu bây giờ là “thứ nhất gái đoạn tang, thứ nhì gà mái ghẹ” này kia…  

       Cho đến một ngày… “Gã”.

       Mây vẫn bay ngày vẫn trôi đi với đất khách quê người qua một kiếp phù sinh. Để rồi một sáng cuối tuần gã đọc được một truyện ngắn của một người viết nữ viết về cái tuổi Ngày Xưa Hoàng Thị có một khoảng thời gian sống ở trại di cư Tân Chí Linh.  Tiếp đến là thân phận người vợ trẻ trong thời chiến có chồng là lính chết trận Đồng Xòai năm 1965. Người vợ trẻ ở vậy nuôi con với những dằn vặt cùng những khát khao vào cái lúc nửa đêm về sáng… “tôi nhìn tôi trên vách”

       Đọc xong bài viết, trong một thoáng u mặc, gương mặt gã buồn nối buồn, gã ra ngẩn vào ngơ với cả một chuỗi quá vãng ơi ới gọi nhau kéo về lũ lượt. Sau đấy gã thập thò bên mảnh vườn to bằng cái chiếu manh trồng dăm nhánh húng, nhánh ngò cùng nhớ với mong, đợi với chờ và chả biết trâu đi tìm cọc hay cọc đi tìm trâu đây. Vào nhà, trong gã đầy ắp những quan hoài, quan san, gã căng óc nặn chữ vá câu và bật ra một bài tản mạn về miền Nam sáng nắng chiều mưa, chữ nghĩa cứ rối rít cả lên gửi gấm với đường xưa lối cũ chẳng văn vẻ gì cho lắm về cái hồ nuôi… cá tra và gửi đến tờ báo có bài viết của người viết nữ có cái tên… Trần Thị Sửu. Gã nhủ thầm, tên gì mà quê mùa, lại chẳng có cái bút hiệu cho ra hồn. Nên gã tầm chương trích cú cho mình một cái bút danh ẩn tàng hào hùng, hào khí, ngập thâm căn cố đế.

      Chẳng chóng thì chầy gã được hồi âm với một cái thư kèm theo giỏ lan đất héo khô đánh thức gã dậy sau giấc ngủ ngày. Và gã lao đao trong nắng hanh vàng đang trải rộng qua hai căn nhà cách nhau một con ngõ nhỏ và căn nhà bên kia có một hàng dậu, chẳng hẳn là rặng mồng tơi xanh rờn với con bướm trắng về bên ấy rồi… Mà là một khoảng không gian mênh mang trên là trời dưới là nước, giữa là những thanh gỗ bắc ngang được khoanh liếp quây thành… nhà cầu. Trong cái tĩnh mịch của lá rơi tường bắc là bay sang, chấm phá bằng vào những cục phân to bằng cái cán dao phay rơi lõm bõm xuống mặt nước… hồ thu, khiến gã mang mang thả hồn theo sóng nước với “Sóng biếc theo làn hơi gợn tí – Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.

       Ngày tháng qua mau, gã thành “lão” lúc nào cũng chẳng hay để gần gũi với sinh, lão, tử, bệnh. Trời có khi nắng khi mưa, nước có lúc đục lúc trong, trong những ngày lặng gió vợ lão đúng là số ruồi, khi không bỏ lão về với thiên cổ… Ấy vậy mà cái ngày bà vợ… câm như hến của lão được Chúa hoan hỉ đón về với nước Chúa, bà gắng gượng dậy, nhúm lấy tóc lão kéo xuống rồi dặn ra câu: “Ối giời ơi, ông ở lại nuôi con cho… vuông tròn nhá. Hẹn ông… ở kiếp sau nhá”. Trong cái lúc… nhá nhem đầy tang thương ngẫu lục ấy, lão nhủ thầm lũ con “nuôi” báo cô lão thì có. Còn nghe đến câu “hẹn nhau ở kiếp sau” thì mẹ ơi, mới nghe trối trăn xong là lão đã thấy chết nửa đời người và hãi quá thể. Thế nhưng chưa kịp hẹn hò với bà ở kiếp lai sinh với vãng lai thì bây giờ, bằng vào cái buổi trời chiều tà tà bóng ngả về tây, mèo mù vớ cá rán thế nào chẳng biết nữa, lão “vớ” ngay được người tình cũ. Sau những tháng năm hụt hẫng với lá úa tiễn người đi, lão cũng khuây khỏa nguôi ngoai và bằng vào ngày hôm nay, lão có mặt trên chuyến xe này về với người xưa, về một vùng đất lạ lão chưa một lần bén mảng đến. Nói xa chẳng qua nói gần, lão như cáo chết ba năm quay đầu về núi. Thế thôi.

      Cũng sắp vào đến thành phố, thời gian ăn giập bã trầu cũng tới, lòng dạ lão bần thần, ngứa ngáy như bị kiến đốt… Ngồi trên xe cả ngày đường chẳng biết làm gì, cái đầu lão mượn cớ ngọ nguậy với ba chữ Nho còn rơi rớt lại như “Bản lai diện mục”, diễn nghĩa theo mấy ông Tầu là không thấy mặt thì bụng dạ chẳng biết yêu thương để đâu cho hết. Lão cố hình dung người cũ bây giờ ra sao, chỉ thấy những nét chấm phá đậm nhạt qua bức tranh vân cẩu. Với hoa xuân nở muộn, lão thấy xuân tình phơi phới như trẻ ra cả mấy chục tuổi, để chẳng thấy “cụ” tí nào như cái thằng mắt quáng gà thợ máy lạnh độ nọ đổ vấy cho lão. Lãng đãng phiêu phiêu về một buổi chiều ngồi ngoài vườn, lão ngửa cổ làm một cái hồ trường, hít một hơi thuốc lá, rồi khật khừ ngâm nga “thà một phút huy hoàng rồi tắt ngúm, còn hơn cái tim đèn hột vịt lộn… le lói cả trăm năm”. Thế nên lão mới có mặt trong chuyến xe cuối mùa về với “Người yêu dấu ơi” trong cái buổi chợ chiều vắng khách chiều nay.

       Từ đằng xa lão đã hau háu nhìn thấy “bạn già” của lão nhập nhòa qua mái tóc đã điểm sương, ngồi củ rủ như con cò ốm trên cái băng dựa giống ghế đá công viên. Cái xe kềnh càng ghé bến, dòm kỹ hơn, giời ạ, dường như… Thoáng như đến nước non này… bà… Giời ạ, ông giời có mắt xuống đây mà xem… bà đang phe phẩy cái nón lá như cô lái đò đợi khách sang sông, họa chăng chỉ thiếu vắng… cái mái chèo. Vật vã với chữ nghĩa thì không có giấy bút nào… tả chân hơn là trông bà… chân chất như gái quê, dưới tàn cây phong cuối thu sang đông, lá vàng rơi lả tả, vàng bay mấy lá năm già nửa, “nàng” thẹn thùng e lệ “Em vín lấy cành dâu – Che dấu mộng ban đầu”. Còn lão, lòng dạ cũng đang xốn xang, rổn rảng thơ thẩn với những mùa thu chết, những mùa thu đi: “Nói ra sợ mất lòng em – Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa”.

       Xe ngừng, bà ngước mắt lên, đôi mắt ươn ướt trông như viền vải tây điều và đứng dậy chậm bước đi về phía đám đông đang xuống xe mà trong đó có lão. Với bao năm cùng vật đổi sao rời, vẫn cái tính “hoài cổ” cố hữu của người Bắc mình với mưa phùn gió bấc là cái áo chùng thâm, cái quần nái đen như mấy bà trùm, bà cố đi lễ nhà thờ buổi sớm mai ngày nào. Cũng đã bấy lâu nay lão bơi lội và ngụp lặn trong bệnh tưởng, thương người thương cả đường đi lối về: Ấy là những cái thư trải dài của người tình xưa như con đường sống trâu ven quê, lão mê mẩn từ cụm hoa nhài, bụi cỏ bồng. Lúc này, lão nhòm đâu cũng ra hồn thơ với mây và gió, thế nên lão đang đuổi hoa bắt bướm, “hoài cố nhân” với đập bể kính ra tìm lấy bóng qua những hình ảnh phảng phất hương xưa cũ, bụng dạ lão lại nhằng nhịt chan chứa với chùm thơ dân dã “Nào đâu cái yếm lụa sồi – Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân… ”.

        Cùng những váng chiều ấy, trong đám người hỗn độn kẻ đón người đưa, mắt bà hấp ha hấp háy áng chừng đang tìm kiếm lão là “người muôn năm cũ” hay “người về từ trăm năm” trong đám đông giữa đám đông với “Trước khi nhìn đám đông – Anh có tình cờ nhìn thấy em không…”. Như một đoạn phim quay chậm, gần hơn một chút nữa, bà nhớn nha, nhớn nhác dòm thấy lão, còn lão thì nhòm thấy bà từ lâu rồi, từ những giấc mơ hoang trong giấc ngủ trưa. Lão thấy bà hom hem cười tủm, cái cười hơi thiếu vắng với hàm răng chộn rộn. Lão ngẫm lại, hàng ngày soi gương, giao tiếp với mấy cụ bạn quen thuộc sáng trưa chiều tối, lão thấy lão vẫn vậy, chẳng đổi thay. Nay mới bắt gặp hình ảnh của chính mình qua bà sau gần nửa thế kỷ không gặp lại, để thấy cả hai đang tàn tạ trong những ngày nhạt nắng.

        Bỗng hai mắt bà ăm ắp nước, tuôn rơi lã chã như hạt mưa thu, cứ như thể lão tay bắt chuồn chuồn sắp về với tổ tiên đến nơi không bằng, và thảng thốt bật ra một câu đầy bi ai và gào tướng lên: “Trời cao đất dầy ơi! Ông đấy hở?”. Vừa tru tréo lên xong, bà như bị xúc động nên chập choạng ngã chúi người vào lão như ếch vồ hoa mướp. Làm như lão vừa ngã vào hàng bánh đa nướng, hai tay bà túm chặt lấy áo lão như sợ bị vuột mất thì có nước đi tướt. Giữa thanh thiên bạch nhật, lão choáng người, sợ thấy ông bà ông vải, lão cập rập… mắng yêu: “Hượm tí! Bà làm gì rối tinh lên vậy hử” Trong một thoáng giây, lão quên béng mất, thay vì mở mồm thở ra dăm chữ yêu thương thì lão nói như… quát lên: “Khỉ ạ… Hùng…  g… i… à… đâ… ỵ”

       Ngỡ lão ngồi trên xe buýt chưa ăn gì! Bà ngơ ngác: “Ừ nhẩy! Tép đồng kho tương hở? Thiếu giống! Cứ ối ra đấy”. Thế là lão biết bà… điếc đặc.

       Biết để bụng, được thể lão ôm bà gọn lỏn trong vòng tay gầy guộc của lão. Mảnh đời đang nát như tương bần bỗng chó ngáp phải ruồi nên lão chợt… động não, động tình. Trong một thoáng phù vân, lão muốn gửi gấm bà một nụ hôn cuối đời sau năm mươi năm nghìn trùng xa cách, nhưng lão bỗng chợt nhớ ra răng cỏ lão… cái còn cái mất. Vậy mà nhòm kỹ hơn một chút, bà cũng chẳng khấm khá hơn gì lão, răng lợi cũng… cái mất cái còn. Thế nên lão đành niệm Bụt ăn chay, đành ôm suông bà để gửi gió cho mây ngàn bay…. Để rồi hồn ma bóng quế của chuyện ngày xửa ngày xưa lại nhàn tản hiện về, chuyện là cái ngày ấy ở trại di cư, trên cái chõng tre ọp ẹp, thằng Còi đè cái Sửu và… lui cui cúi xuống hôn. Nụ hôn đầu đời cùng một quên hai nhớ là cái Sửu nhắm tịt mắt lại nhưng lại… há mồm. Thế là răng thằng Còi đụng răng cái Sửu một cái… “cốp”. Mẹ ơi, đau thấu ông bà ông vải. Cũng kể từ dạo ấy, trong những cuộc tình hoang dại đi qua mảnh đời lão, lão chả dám… hôn ai nữa! Khỉ thật!

       Đêm đã về khuya, lão nhòm bà nằm một đống như cái đụn rơm phình ra ở ngay cái giường to bằng cái đình này… và cả hai ngước mặt lên trần nhà, nhìn con thằn lằn đực đuổi con thằn lằn cái trong xa vắng để chẳng có gì mà nói. Nói cho ngay lão cũng chẳng có nhiều chuyện để mà hàn huyên, tất cả như một thoáng mây bay… Riêng với bà, bà đang thao thức chuyện mới đây, sau những mùa đông cô quả quạnh hiu, lòng dạ bà như bị xát muối ớt, bà cô quạnh nằm một mình ôm cái gối như ôm con lợn con mới đẻ của cái tuổi xuân thì. Rồi thì năm thì bẩy lượt, bà nhớ rang nhớ rức đến cái nhà lão này bên kia bến vắng và bà ôm cái gối bông như ôm lão cùng một thương hai nhớ, để thấy cái gối như mềm hẳn ra và… êm êm.

       Còn lão, lão cũng đang thao thức trằn trọc, không phải vì lạ nhà lạ cửa, mà lão như thấy thiếu vắng một cái gì thân quen trong một cõi đi về. Bỗng dưng lão nhớ khôn tả đến quả trứng trắng no tròn nằm trên bụng con chuột, đến cô bé Bắc Kỳ nho nhỏ có cái thân hình tròn tròn như con cá trắm, cả một thời gian dài chẳng biết lưu lạc ở phương nao, nay nằm thu lu ở bên cạnh… Như ở đâu đây, lão thoáng nghe thấy tiếng con chim cu đất “gù gù” xa vắng vời vợi, hòa lẫn tiếng ho rời rạc của bà, tiếng ho húng hắng đứt quãng của lão, để rồi cùng một lứa bên trời lận đận, cuối cùng thì đường mưa ướt đất, lão cũng đã gặp lại bà trong cái tuổi… bóng ngả đường chiều.

      Trong im ắng của nửa đêm về sáng, tay lão mò mẫm đi tìm tay bà. Bà thẫn thờ để yên không rụt lại. Trong khuya khoắt, vẫn chứng nào tật ấy, lão lại lọm khọm chống gậy trở về với dĩ vãng… Lão tủm tỉm cười một mình về những ngày tháng ngây dại của cái tuổi khờ khạo, rồi lão dạt dào với tình cũ không hẹn mà tới, người lão như lâng lâng bay bổng. Dường như bà đang thiu thiu thiu đi vào giấc nồng thì phải, lão đoán thầm là như vậy. Thế nên lão như người cưỡi gió chui vào mây về một thời, một thưở với những chuyện tình trong mộng tưởng, chỉ thấy mây bay chẳng thấy… người. Hoặc giả, quá lắm thì cũng… không tưởng như “Tay anh em hãy tựa đầu – Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi”. Thoáng như có tiếng ngáy nghe như rì rào của sóng biển, gió nồng và trái sầu rụng rơi đã chín cây, lão chỉ đợi cái lúc này. Lão đợi lâu lắm rồi, như đợi nhau từ kiếp trước. Sợ bà biết thấu tâm can, lão đợi thêm một chút nữa. Lão nghĩ cũng đến lúc, lão rón rén thò tay xuống… phía dưới. Thật nhẹ nhàng như thở không ra hơi, sâu hơn một chút nữa, tìm kiếm. Lão… đút tay vào… túi quần, sờ soạng. Lão nhởn nhơ, nhởn nha mò mẫm và chột dạ chẳng thấy… “nó” đâu. Lão nín thở mầy mò. Lão thọc tay thẳng vào trong vân vê…  Lão suýt nữa bật reo lên như siêu nước sôi: “Nó đây rồi…”. Lão thấy… “nó”. Lão sờ mó nó, gì mà nhẵn thín. Lão mân mê nó, lạnh tanh, lạnh ngắt như đồng… Thật từ từ, thật chậm rãi. Lão nhón nhén rút ra… một cái nhẫn một chỉ bằng vàng tây.

        Trong yêu thương dạt dào, lão lóng ngóng đeo vào tay bà, ngón tay khô queo, khô quắt, nhiều da ít thịt, chỉ thấy những lóng xương. Trong lão ngập tràn những bồi hồi xót xa với cỏ xót xa đưa, cỏ xót xa người cùng những cảm xúc chan hòa, lẫn lộn như mớ bòng bong. Tự thầm hỏi cảm xúc như thế nào, lão chỉ thấy bồi hồi với… những xúc cảm đến nghệt mặt ra. Và lão ngẩn ngơ ngắm nghía bà, ấy vậy mà bà chẳng mảy may cục cựa, nằm như… khúc gỗ.

        Bà nằm như đo giường thật đấy nhưng đâu như… khúc gỗ vì bà biết hết, vì vải thưa nào có che được mắt thánh. Thực tình lúc đầu bà không biết lão này dở trò ma bùn gì đây, nào ai biết ma ăn cỗ, nhưng bà cũng xốn xang chờ đợi, để thấy sự thể là như thế… Thế rồi sau đấy, bà có những khoảnh khắc như mơ, bồng bềnh và lãng đãng mà đã tự lâu rồi bà đã đánh mất, tưởng rằng chẳng bao giờ tìm lại được trong những ngày vắng gió đìu hiu. Nếu có, chẳng qua là nhờ cái… cái… Bà nhớ đến cái gối bông mềm như tơ, nhẹ như lông ngỗng và bà quay sang ôm lão như ôm… một bộ xương đang ngái ngủ. Lão cũng ôm cứng lấy bà. Bà lững lờ nhìn lão. Lão lặng lẽ nhìn bà. Trong một thoáng giây làm như vô tình lão hờ hững đặt tay lên ngực bà… Chửa kịp nghĩ cái giống gì nhão nhẹt như bánh đa ướt hay eo sèo như quả mướp khô thì đã bị bà nhăn mặt, hất tay lão ra và mắng: “Rõ dơ”.

       Lão im thin thít như thịt nấu đông, lão nghĩ: “Quái, già có khác”. Lão than thầm rằng bà cũng rõ dấm dớ, chả lẽ khi không réo lão lên đây để nghe con cu đất gáy “gù gù” chăng. Cũng đến cả mươi phút, lão nằm đuỗn ra như con lươn nghe tiếng tiếng cái đồng hồ treo tường kêu “tích tắc” buồn tê tái, buồn tái tê. Bỗng con cú giả đen thui chứ không phải con cu đất thật, từ cái mái nhà của cái đồng hồ treo tường chui ra chõ mỏ gáy “cúc cù cu” vang vọng giữa đêm vắng… Khi không lão nhớ quay nhớ quắt đến hai con chuột trong cái máy rửa bát đĩa ở nhà. Lão bâng khuâng nhớ rang nhớ rức đến câu ca dao đầy hương đồng cỏ nội “Chuột kêu chút chít trong rương – Anh đi nhè nhẹ động giường mẹ hay”. Bất giác, lão chìm đắm trong vọng tưởng, lão ôm bà khắng khít hơn và thả hồn đi hoang về ngày nào năm ấy với cái chõng tre, cái nền nhà thô mát lạnh và… Và tiếp đến là tiếng kêu “boong… boong” của cái đồng hồ chết tiệt như tiếng chuông tỉnh thức, như đánh dấu cái giờ tí canh ba ở cái tuổi vàng này đang đi thảnh thơi vào quên lãng với một sớm hai sương.

       Ớ mà lạ chửa kìa: Không phải là lão mà là bà. Bà đang “tỉnh thức” với hồi chuông chiêu mộ và bà lóp ngóp trườn lên người lão, như con thạch thùng cái bò lên con thạch thùng đực. Thân bà vắt chéo qua thân lão như cây thập tự giá đóng đinh, người bà dán chặt vào người lão đến nhẹ tênh và mềm như dưa. Trong cái đầu củ chuối của lão, đang định mừng húm thì bất chợt có tiếng con thạch thùng chép miệng tặc lưỡi đánh “tắc” một cái khô khan và lão nghe ra là… “tắc… tị”. Bất giác lão thở dài trong chân không, vì trộm nghĩ rằng ở cái tuổi này nào còn lòng dạ hơi sức mà đú đởn như xưa kia cùng một thời vắng bóng…

                                                                      ***

        Chẳng ai nói với ai, cả hai đều nhoài nửa người ra khỏi cái giường. Hai thân thể chồng lên nhau như hai hòn đá, như hòn Chồng, hòn Vợ chông chênh nằm lên nhau lạc lõng ngoài biển xa đất vắng. Qua bóng tối chập choạng, hai khuôn người trong cái thế chênh vênh gần như chúi xuống, lửng lơ với gần đất xa trời. Lão và bà chơi vơi là sương khói nhìn xuống sàn nhà lát gạch hoa. Như thẫn thờ đang đi tìm lại những ngày tháng cũ, như mong bắt gặp lại đôi vợ chồng chuột của ngày xưa.

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

    (tự Hùng già)

Tranh Van Gogh
 

 Mời Xem : Ngộ Không: Thổ ngơi ký truyện

2./Ngộ Không: Thằng Nõ Điếu (T.Ván và Bạn Hửu )

29 thg 6, 2023

Thơ BTĐ ( 2 ): VIẾT VỀ EM, MƯA,ANH, ĐƯỜNG,ĐI ĐÂU CHO THIẾP ĐI CÙNG...

 
 1./ VIẾT VỀ EM
 
Sáng nay thức dậy trời hanh nắng
bướm vờn mai trắng bướm ngẩn ngơ
nắng ngả sân nhà sao trống vắng
gió thổi nhẹ êm lặng như tờ
Thuở ấy lâu rồi nhưng vẫn nhớ
bình minh nắng đẹp gặp người em
cô em thuở ấy tròn mười tám
học trường Sư phạm SaiGon xưa
Em thường thích ngắm mây ngẩn ngơ
ưa ca múa hát cùng trẻ thơ
mở rộng thiên đường đón ước mơ
rời trường đơn bóng còn ngây ngô
Ngày lại ngày, thời gian vẫn trôi
vận đời chuyển tiếp cuộc luân hồi
góc bếp chái hè lam chiều khói
hắt hiu phủ xuống tình mồ côi
Em tôi ngây ngô nay goá phụ
nặng gánh đôi vai oằn nỗi sầu
hơn nửa đời người bên đàn trẻ
hương thời gian thanh ngát mai sau
BTĐ

 

2./MƯA

Thơ : B.T.Đ.
Chiều mưa rơi khắp lối đường
để anh đứng đón nhớ thương mỏi mòn
Mưa rơi , đau cánh hoa non
mưa sầu rụng xuống nát mòn con tim
Mưa làm mây hết đi hoang
làm lay hồn khẽ run đang lạnh người
đôi tay đan chặt không rời
mưa rơi lặng lẽ ngỏ lời “ thương em”
 
3./ANH
Thơ : B.T.Đ.
 
Anh đâu xa biệt phương trời ấy
đến khi buồn mới chợt nhớ em
Hạnh phúc với em èo uột quá
mỏi mòn chăm bón chờ đơm hoa
Thời gian qua cuộc đời bôn ba
Tình yêu ta tựa mây lướt qua
Tình yêu ta như nắng xế tà
Anh ơi ! Thương nhớ chỉ xót xa.
 
4./ĐƯỜNG

Đường thời gian bước đi đi mãi
Đường ko gian là cuộc ly tan
Đường trăm năm xé nát tâm can
Đường chung đôi giờ đã chia phôi
Đường chia đôi còn nhơ nhớ hơi
Đường công danh lẩn quẩn loanh quanh
Đường tiền tài ta tranh hổng lại
Đường thất bại mới biết khờ dại
Đường tâm linh tìm thấy bình an
Hè về , dế gáy râm ran
Khuya nghe não nuột chẳng màng thiết chi !
 
 
5./  ĐI ĐÂU CHO THIẾP ĐI CÙNG
Đi đâu cho thiếp theo cùng
( Dân ca Nam bộ )
Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam
Ví dầu tình có dở dang
Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về
Tới đây lạ xứ quen người
Trăm bề nhún nhắn đừng cười tui nhe
Ví dầu tình bén duyên thề
Thì xin kết bạn nghì đền trúc mai
Hò lơ hó lơ lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ hò lơ hó lơ
Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc
Gió nào độc cho bằng gió Gò Công
Vợ chồng son đã nuôi lòng ước mong
Thuận vợ chồng ta cùng tát biển Đông
Hò lơ hó lơ lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ hò lơ hó lơ
( Nhớ kỷ niệm thời giáo sinh SPSG, thầy Minh dạy môn Hoạt động thanh niên đã dạy lớp tui hát bài này. Giờ còn đâu ! )

 Mời Xem  Trang Thơ BTĐ:


TRÁI ĐẮNG,NÀO AI HOÀI VỌNG,CHÓ CẮN, ĐỔI NGHỀ..-, Thơ NKĐ

                                        Tranh Daniel Rodger
 
1./ TRÁI ĐẮNG
 
Con bảy đứa mà sao khổ hãi !
Suốt cả đời bương chải nuôi con
Nuôi con chẳng ước gì hơn
" Dưỡng nhi đãi lão " phải bon chen nhiều
Rồi ruộng đất chia đều cho chúng
Chút phòng thân, nó cũng mượn luôn
Nạn tai chợt đến bất thường
Vợ chồng già yếu dưỡng thương lâu dài
Tiền bạc hết chờ ngày trợ cấp
Tiền người già mà thấp thỏm thôi
Các con đâu mất hết rồi ?
Nợ đòi nó bảo kẹt thời chờ đi !
Khá đầy đủ ,bòn chi nghèo khổ ?
Với mẹ cha mà nở vong ân
Chẳng hề phụ giúp đỡ đần
Viếng thăm như bẫy , chẳng cần hỏi han
Đời bạc bẽo sẽ mang cái nghiệp
Đời vô thường hãy kịp hồi tâm
Mẹ cha về cõi xa xăm
Muốn tìm chẳng thấy , giờ nằm quạnh hiu
Xin hãy nghĩ mà yêu cha mẹ
Đất tự nhiên không thể nên vuôn
Công ai đỗ xuống dặm trường
" Dưỡng nhi đãi lão" hãy thương sanh thành !
16g25 . 10/6/2023.

2./ NÀO AI HOÀI VỌNG ?

 Không nhớ hết bởi vì lớn tuổi
Năm mươi năm biến đổi không ngừng
Trở về như thấy dửng dưng
Đường xưa chốn cũ xem chừng không quen
Ta trở lại trước tiên nơi ở
Ngoại ô này, cửa 7 thân thương
Xưa kia chỉ một con đường
Bao nhiêu là quán, ta thường tới lui
Băng cao su , tới nhà bạn thiết
Cải tạo về , biền biệt đi xa
Chết không ở đất quê nhà
Gửi thân xứ sở cờ hoa muôn trùng
Ra Bọng dầu , xuống cùng Giếng mạch
Thẳng một đường, rẻ ngách Cầu Quan
Bạn ở đây đã đi ngang
Hoa kiều sang Mỹ dễ dàng lắm thay !
Về Mít một , cửa 2 đi tiếp
Bạn hồi hương Phước Hiệp không xa
Củ Chi ba bạn đều già
Sau ngày giải phóng, xông pha khắp vùng
Đứa quan chức, tận cùng là biển
Về Cần Giờ rèn luyện đức tin
Hai thằng tiếp tục nghiệp mình
Giữ gìn khí tiết, thanh danh người thầy
Ta trở lại , buồn lay tấc dạ
Cảnh Tây Ninh giờ lạ lẫm thay
Bạn bè ta chẳng còn ai !
Cảnh , người đều mới , ai hoài vọng xưa?
9g44 . 15/6/2023.

3./ CHÓ CÀN
 
Nhà ai nuôi chó thả rong
Chó Tàu, chó Mỹ thong dong ngoài đường
Đói lòng , thấy một cục xương
Gầm gừ , đớp vội, chẳng nhường nhịn nhau
Đi bộ thì tản ra mau
Tội người xe máy té nhào một khi
Chó to ỷ sức càn đi
Xe thì thắng lết, còn chi thăng bằng
Rồi thì chó chạy băng băng
Xe thì hư bể , người nằm chấn thương
Nuôi chó phải rõ tận tường
Ráng mà xích , nhốt kẻo thường mạng oan !
5g23 . 29/6/2023.
 
4./ ĐỔI NGHỀ...
 
Cha mẹ nghèo nuôi con ăn học
Ý những mong tiếp bước mẹ cha
Làm nghề dạy học thôi mà !
Tự rèn đạo đức khi ra sống đời
Nghề dạy học xưa thời lương thấp
Nghe bạn bè , bất chấp ra sao !
Đi xa , bỏ việc thôi nào
Học nghề tài xế , ôi chao muộn phiền
Đâu phải đợi lãnh tiền trọn tháng
Bước xuống xe thanh toán tiền ngay
"Ăn liền" khổ lắm có hay !
Giao thông " nóng nguội " phạt hoài mới đau
Không " quen biết " vịn vào" tình tiết "
Mà " nặng tay" hay quyết" giảm khinh
Chung qui chỉ một chữ " tình"
Honda cầm cố, gom tiền nộp thôi !
Ráng mà chịu, giờ thời nhịn miệng
Chuộc Honda , bớt miếng ăn thôi !
Đối nghề có đổi dược đời
Làm nghề Sư phạm bao người khổ đâu ?

 Mời Xem :