Mới vài tuần trước, giới chức Ấn Độ còn xem cuộc chiến với Covid-19 tại nước họ đã bước vào giai đoạn cuối và sắp được khống chế thành công. Giờ đây, quốc gia đông dân thứ hai thế giới lại trở thành "tâm chấn" mới của đại dịch toàn cầu.
Dịch Covid-19 Ấn Độ lập kỷ lục thế giới vào ngày 25/4 với hơn 345.000 ca nhiễm chỉ trong 24 giờ, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc vào cuối năm 2019.
Các chuyên gia y tế cộng đồng không mấy lạc quan Ấn Độ đủ khả năng khống chế dịch bệnh trong tương lai gần. Đợt bùng phát lây nhiễm lần này không chỉ là thảm kịch đối với người dân Ấn Độ, mà còn là tai họa đối với phần còn lại của thế giới.
Khoảng 92 quốc gia đang phát triển phải phụ thuộc vào nguồn cung vaccine từ Ấn Độ và công ty Serum Institute of India (SII), nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Chuỗi cung ứng vaccine toàn cầu giờ đây chịu sức ép rất lớn vì Ấn Độ cần đảm bảo nhu cầu trong nước.
Thế giới đang báo động trước hiện tượng virus đột biến ở Ấn Độ. Các nhà khoa học đã phát hiện một số biến chủng mang đến hai, ba đột biến lây nhiễm trong đợt này. Theo giới chuyên gia, "sóng thần" biến chủng mới sẽ không dừng ở Ấn Độ, điển hình như B.1.617 đã đổ bộ đến ít nhất 10 nước.
Tiêm vaccine Covid-19 trên diện rộng đã được chứng tỏ là một công cụ kìm hãm đại dịch hữu hiệu ở một số quốc gia. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra tại Ấn Độ là lời nhắc nhở khắc nghiệt rằng cuộc chiến với nCoV vẫn còn rất dài và đầy thách thức. Với những đợt bùng phát đã và đang diễn ra, số ca tử vong vì Covid-19 trong năm nay có thể vượt cả năm 2020.
Theo Michael Kugelman, phó giám đốc Chương trình châu Á thuộc Trung tâm Wilson tại Washington D.C, Mỹ, cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ đã hội tụ đủ những yếu tố cho "một cơn bão hoàn hảo".
Những biến chủng nguy hiểm của nCoV lẫn một số biến chủng mới hoàn toàn đã cùng lúc xuất hiện, trong khi nước này không đủ năng lực giải trình tự bộ gene để truy dấu biến chủng. Hàng loạt sự kiện vận động chính trị và sự kiện tôn giáo diễn ra, nhưng không đảm bảo giãn cách xã hội hay khuyến cáo khẩu trang. Chất xúc tác nguy hiểm nhất chính là sự chủ quan của chính phủ. New Delhi tuyên bố chiến thắng quá vội vàng và dẫn đến phản ứng chậm chạp trước khủng hoảng.
Hệ quả của công thức tử thần này là bệnh viện quá tải .Oxy y tế thiếu hụt. Nhà xác không còn chỗ đặt thi thể. Lò hỏa táng bị nung chảy vì gần như ngày đêm không tắt lửa.
Bhramar Mukherjee, nhà dịch tễ học tại Đại học Michigan, Mỹ, ước tính Ấn Độ có thể ghi nhận đến 4.500 ca tử vong vì Covid-19/ngày vào tháng 5. Một số chuyên gia còn đưa ra con số dự đoán 5.500 người chết/ngày. "Mọi mũi tên đều hướng về tương lai u ám", Mukherjee nhận định.
Tình hình nghiêm trọng đến mức SII, nhà sản xuất vaccine AstraZeneca và đơn vị đóng góp chủ lực cho sáng kiến COVAX của Liên Hợp Quốc, tuyên bố không thể hoàn thành cam kết quốc tế vì thiếu hụt vaccine trong nước. Từng được xem là hiệu thuốc của thế giới, cường quốc Nam Á giờ đây phải nhập khẩu vaccine.
Dù cuộc khủng hoảng có phần lỗi của chính phủ Ấn Độ, thế giới vẫn có trách nhiệm chung tay giải cứu, xét cả trên phương diện đạo đức lẫn mục tiêu thực dụng. Bùng phát dịch không được kiểm soát dù ở bất kỳ nơi nào cũng là mối đe dọa với mọi quốc gia trên thế giới, kể cả những nơi dư thừa vaccine như Mỹ.
Mối lo ngại lớn nhất chính là những biến chủng mới có thể khắc chế cả miễn dịch nhờ vaccine. Mọi biến chủng của nCoV từ Brazil, Anh đến Nam Phi đều đã được phát hiện ở Ấn Độ. Tâm dịch mới còn xuất hiện thêm biến chủng riêng với khả năng truyền nhiễm cao nhất từ trước đến nay.
"Những biến chủng mới đang trỗi dậy trong một số cộng đồng dân cư đã phát triển miễn dịch tự nhiên nhờ khỏi bệnh. Điều này không xảy ra một cách tình cờ", Chritina Pagel, giám đốc nghiên cứu thực hành lâm sàng tại Đại học London, lưu ý.
Cuộc khủng hoảng còn đe dọa nguồn cung vaccine toàn cầu. Ấn Độ là nhà cung cấp 20% thuốc generic (thuốc thay thế tương đương biệt dược gốc) và 60% vaccine cho thế giới. Nước này có khả năng sản xuất 70 triệu liều vaccine/tháng.
Dù Ấn Độ mở hết công suất cho thị trường nội địa, lượng vaccine cần để kiểm soát dịch vẫn vượt quá năng lực quốc gia. Chính phủ New Delhi đang tổ chức tiêm gần 3 triệu mũi/ngày. Theo ước tính của Mukherjee, Ấn Độ cần tăng tốc tiêm toàn quốc gấp 3 lần hiện nay để đảm bảo an toàn cho 1,4 tỷ dân.
Can thiệp từ cộng đồng quốc tế được xem là vô cùng cấp thiết. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo thế giới lại chú trọng nhiều hơn cho "chuyện nhà", đặc biệt khi lây nhiễm cộng đồng vẫn là mối lo ngại thường trực.
Những tuyên bố về hợp tác toàn cầu cho đến nay phần lớn vẫn chỉ là lời nói. Quyên góp vaccine cho nước khác đang bị xem là điều kiêng kỵ. Phần lớn những nước tích trữ vaccine thực chất vẫn cần nhiều hơn những gì họ đang có. Ngay cả trường hợp "bơi trong vaccine" như Mỹ cũng chưa đủ tự tin về nguồn cung để từ bỏ kho hàng dư thừa.
Yasmeen Serhan ký giả của tờ Atlantic nhận định cuộc khủng hoảng của Ấn Độ chính là vấn đề toàn cầu. Khi thế giới dửng dưng trước bùng phát dịch tại một quốc gia, dù là Ấn Độ hay bất kỳ nơi nào khác, không chỉ riêng tâm dịch đối diện với hệ lụy. Mối đe dọa từ biến chủng mới xuất hiện và sự thiếu bình đẳng trong phân phối vaccine có thể ảnh hưởng đến mọi ngõ ngách, bao gồm cả những người đã được tiêm chủng.
Trung Nhân (Theo Atlantic