Tình nghĩa thầy trò-Nguyễn thị Bạch – Khóa 4
Thưa quý thầy cô .
Trong 2 năm dưới mái trường Sư Phạm Sài Gòn thân yêu ,
chúng em được quý thầy cô hết lòng dạy bão không những về chuyên môn mà
còn cả luân lý chức nghiệp : đó là hành trang để chúng em vào đời , vào
trường và chúng em trở thành thầy cô giáo từ dạo ấy
Từ đó đến nay , chúng em , ai cũng có ít nhất 10 năm , 20
năm 30 năm trong nghề , ngần ấy thời gian ,các bạn , ai cũng có ít
nhiều kỷ niệm buồn vui trong nghề nghiệp .
– Thưa các bạn ,, Bạch cũng không ngoại lệ , và hôm nay là 1
cơ hội bằng vàng để Bạch kể lại câu chuyện đó và cũng là 1 tiết mục
đóng góp của khóa 4 trong buổi họp mặt nầy
Tình nghĩa thầy trò
Các bạn thân mến
Lớp học đầu tay của tôi là lớp Nhứt A trường tiểu học Hóc
Môn, thuộc Ty tiểu học Gia Định ,cũng là ngôi trường mà tôi đã học hết
bậc tiểu hoc. Tôi dạy ở đây chỉ có 1 học kỳ thì chiến cuộc Mậu thân bùng
nổ, lúc ấy vợ chồng tôi về quê ăn Tết ,và khi trở lại được Saigon thì
hỗi ôi ,căn nhà của chúng tôi nằm sâu trong 1 con hẻm gần chợ Bàn Cờ
chỉ còn là một đống gạch vụn .Từ đó tôi rời khỏi trường Hóc Môn và hoán
đổi về Thị Nghè tiếp tục dạy học
Ba má tôi là nhà nông dân , có cho tôi 2 mẫu ruộng và bão
chúng tôi về Hóc Môn cất nhà ,nhưng vợ chồng tôi quyết định bám lại
Saigon để làm lại từ đầu .
Những tưởng tai nạn đã qua ,nào ngờ đại nạn năm 1975 lại
đến . Lần nầy tôi thiếu vắng người chồng ,hai con tôi thiếu vắng người
cha vì chồng tôi nguyên là sĩ quan bị đi cải tạo.
Các bạn ai đã từng sống ở VN sau năm 1975 chắc hẳn không quên những bữa ăn cơm thì ít mà bo bo khoai sắn thì nhiều .
Tôi một nách 2 con làm gì đây để tồn tại giữa cái sống và
cái đói , tinh thần tôi luôn luôn bất ổn ,cứ vài tháng thì nhận được một
tờ giấy báo của khóm phường buộc tôi phải đi vùng “kinh tế mới”.Nên
giữa năm 1979 tôi có ý định trở về quê ở Hóc Môn để canh tác trên phần
ruộng mà ba má tôi đã cho , nào ngờ phần ruộng ấy chính quyền địa phương
đã cấp cho các nông dân không có ruộng để cày cấy .Tôi làm đơn xin lại
phần ruộng đó ,cũng may là nhờ tôi là giáo viên cho nên được chính
quyền xã xem xét đơn và giải quyết bằng cách :
1- Nếu người nông dân đang canh tác trên miếng ruộng nầy chịu trả ruộng lại cho tôi ,thì tôi phải trực tiếp canh tác .
2-Còn nếu người nông dân đó không chịu trả thì tôi không được khiếu nại vì họ đã giãi quyết theo chính sách của nhà nước .
Thưa các bạn , đối với người nông dân thì miếng ruộng ,mảnh vườn hay ao cá , luôn gắn liền với miếng cơm manh áo của họ
Dễ gì mà họ chịu trả lại cho tôi .
Sau bao tháng chờ đợi trong sự âu lo thì ngày mà tôi được
gặp mặt người nông dân đã đến . Khi tôi đến nơi thì tôi thấy có 3 người
đang ngồi trên bờ ruộng ( 2 già và 1 trẻ mà sau nầy tôi mới biết hai
người trọng tuổi kia là ba má của người nông dân hãy còn trẻ ).Tôi chưa
kịp nói lời nào thì người nông dân trẻ nầy đã đứng dậy bước tới và nói :
-Em tưởng ruộng nầy của ai ,chứ không ngờ ruộng nầy của cô, em trả lại cho cô , em không tranh chấp nữa .
Rất ngạc nhiên ,tôi hỏi :
– Ủa em là ai mà biết cô ?
Em đó trả lời rằng :
-Em tên Vui ,cô dạy em năm lớp Nhứt , hồi đó cô đẹp lắm mà mà sao bây giờ cô xấu quá vậy ? !!!
Đoạn 3 người đó ra về .
Tôi đứng đó nơi đầu bờ ruộng nhìn mãi …nhìn mãi … một em
nông dân ,trên vai vác một cái cuốc ,trên đầu đội cái nón lá với chiếc
quần xà lỏn đen ,hình ảnh đó không bao giờ phai mờ trong ký ức của tôi .
Thưa các bạn , sau năm 1975 có rất nhiều thứ vẫn đục : tâm
hồn vẩn đục ,con người vẩn đục ,xã hội vẩn đục , mà trong muôn ngàn cái
vẩn đục đó còn có một giá trị và đạo lý tốt đẹp ở một người học trò cũ
đã không đánh mất đi TÌNH NGHĨA THẦY TRÒ .
Nguyễn thị Bạch – Khóa 4 Sư Phạm SaiGon
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét