4 thg 6, 2018

Bí ẩn dưới lòng hoang mạc Israel


Sara Toth Stub
Qua nhiều thế kỷ, hàng ngàn hầm mỏ và địa đạo được đào bên dưới Công viên Quốc gia Timna

Trên Sa mạc Negev của Israel, con đường bên hông dẫn vào thung lũng bao quanh bởi những rặng đá màu đỏ, tím và nâu.
Giờ đây là một phần trong Công viên Quốc gia Timna, thung lũng này nổi tiếng với những rặng đá răng cưa bị bào mòn bởi gió và nước qua hàng ngàn năm.
Du khách và những nhà địa chất đã đến đây để trầm trồ ngắm nhìn những khối đá với hình dạng như cây nấm khổng lồ, những cột đá thanh nhã và mái vòm đá mong manh.Khi ấy là giữa buổi sáng, và tôi đang chuẩn bị một chuyến đi bộ ngắn, mặt trời trên đầu cực kỳ nóng bỏng. Từ nơi bắt đầu hành trình gần một cấu trúc đá nổi tiếng màu san hô có tên Mái vòm (Arches), tôi đi bộ lên quả đồi nhỏ và sau 10 phút đã đứng trên đỉnh một bình nguyên.
Từ vị trí trên cao, tôi có thể nhìn thấy địa hình gồ ghề trong thung lũng, với các rặng đá trên cao và hẻm núi bên dưới.
Cảnh tượng đẹp tuyệt vời, và câu chuyện về vùng đất này cũng vậy – đó cũng là lý do khiến mọi người tìm đến vùng đất khắc nghiệt từ thời tiền sử. Và ta chỉ có thể trải nghiệm câu chuyện đó bằng cách đi bộ xuống lòng đất.
Sara Toth Stub
Công viên Quốc gia Timna ở Israel nổi tiếng vì địa hình đồi núi gập ghềnh và các cấu trúc đá hình thù lạ
Công viên Quốc gia Timna từng là trung tâm sản xuất kim loại thời cổ đại; từ nơi đây, hàng ngàn hầm mỏ và địa đạo đã được đào xới để khai thác đồng lẫn sâu trong nhiều tầng đá.
Dấu vết của quặng đồng màu xanh dương và xanh lục lốm đốm trên con đường đi bộ sỏi đá khi tôi tiến dần đến khu mỏ xưa cũ nhất nằm trong công viên, từng được khai thác vào khoảng năm 4500 trước Công nguyên.
Những thanh tay vịn bằng kim loại giúp du khách định hướng vài mét sâu xuống đoạn đường hơi dốc để vào mỏ, đường đi bộ hẹp với trần quá thấp tới mức tôi phải quỳ xuống và bò vào hang để tránh đụng đầu.Ánh sáng bên trong hầm mỏ tỏa ra từ đoạn lối ra sau nhiều năm bị sạt lở, làm lộ ra những đường vạch theo chiều dọc theo bức tường do công cụ bằng đá từng được sử dụng để đào sâu vào lòng đất.
“[Thợ mỏ] làm việc trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt trên hoang mạc, một nơi không có nước và không có bất cứ gì,” ông Erez Ben-Yosef, giáo sư ngành khảo cổ học tại Đại học Tel Aviv và giám đốc của Dự án Thung lũng Trung tâm Timna, nói. Đây là một dự án nghiên cứu liên ngành về lịch sử vùng đất này vào thời đồ đồng.
Khu mỏ này và nhiều mỏ khác trong khu vực lần theo dấu vết màu xanh lam nhạt của đồng chạy qua lòng đất về miền nam Biển Chết ở Israel và Jordan.
Hàng ngàn năm trước, thợ mỏ đẽo đồng ra khỏi quặng, đưa khỏi mỏ, sau đó nấu chảy để tách được chút kim loại lấp lánh dùng làm hạt cườm, mặt dây chuyền và các vật phẩm trang trí khác.
Đó là một trong những điển hình xa xưa nhất khi con người bắt đầu tách kim loại từ đá, Giáo sư Ben Yosef nói, và nhờ vào khí hậu khô hạn, Timna là một trong những nơi giữ được nguyên vẹn những khu mỏ từ thời xa xưa.
“Bạn có thể thấy mọi thứ. Bạn có thể chạm tay vào những thứ từng bị bỏ lại tại Timna từ 3.000 đến 4.000 năm trước,” ông cho biết.
Sara Toth Stub
Mỏ đồng cổ xưa nhất tại Công viên Quốc gia Timna có từ năm 4500 trước Công nguyên
Cùng với khu mỏ này, còn có một số công cụ bằng đá và những đống đá bỏ lại từ quá trình nấu chảy đồng. Ngoài ra thợ mỏ không bỏ lại gì nhiều.
“Chúng ta biết rất ít về những thợ mỏ đầu tiên,” Giáo sư Ben-Yosef nói. “Ta không có tên gọi cho họ. Ta chỉ biết họ là người địa phương làm việc với những công cụ bằng đá cực kỳ thô sơ.”
Những hang động và hầm mỏ trong Công viên Quốc gia Timna tiết lộ hàng ngàn năm lịch sử khai thác mỏ. Chứng cứ cho thấy những khu mỏ này có liên hệ với Vương quốc Mới của Ai Cập cổ đại, tồn tại từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 11 trước Công Nguyên.Đồng khai thác từ nơi đây đã làm giàu cho những vị vua Ai Cập cổ đại, các pharaoh Ramses, những người từng sử dụng đồng để chế tác mọi thứ từ vũ khí đến trang sức.
Tuy nhiên, nhiều bằng chứng xa hơn cho thấy khu mỏ đi vào thời kỳ thịnh vượng đỉnh cao vài năm trăm sau đó.
Bằng phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ với độ phân giải cao, các hạt giống và mẫu vật hữu cơ mà thợ mỏ bỏ lại trong các trại lao động cho thấy khu mỏ đã bắt đầu hoạt động từ thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ thứ 9 trước Công nguyên.
Thông tin này củng cố thêm niềm tin vào một số lý thuyết cho rằng mỏ Timna là nơi khai thác đồng cho đền thánh của Vua Solomon ở Jerusalem.
Mãi đến gần đây, các chuyên gia vẫn cho rằng nô lệ chính là những thợ mỏ trong quá trình lao động khắc nghiệt này. Nhưng những phát hiện khảo cổ trong vài năm qua, trong đó có những mẫu vải nhuộm chất lượng cao còn được bảo quản nguyên vẹn qua thời tiết khô hạn, cho thấy công nhân luyện kim được thuê về để làm việc chứ không phải nô lệ.
Các di chỉ xương cừu và dê cũng như những hố quả oliu và chà là cho thấy công nhân ăn uống theo chế độ giàu dinh dưỡng hiếm thấy so với cuộc sống thông thường trong hoang mạc.
Sara Toth Stub
Chữ viết và dấu vết thợ mỏ thời xa xưa bỏ lại vẫn còn trên tường đá
Vào thời này, người ta đã học cách biến đồng tìm được trong mỏ quặng ở Timna tại thành công cụ lao động và vũ khí, và họ biết cách trộn đồng nguyên chất với thiếc để tạo ra đồng thau, một chất liệu cứng hơn nhiều.
Chứng cứ của lao động luyện kim thời sơ khai xuất hiện trong nhiều bảo tàng trên thế giới.
Bảo tàng Eretz Israel ở Tel Alviv có bộ sưu tập cổ vật lớn nhất từ Timna, bao gồm dùi đục bằng đồng trong khai quặng và tượng rắn bằng đồng thau trong đền thờ địa phương.
“Khi bạn thấy những gì họ chế tác, bạn sẽ hiểu vì sao những lao động trong khu mỏ đáng giá đến vậy,” Giáo sư Ben Yosef nói.
Du khách có thể vào thăm khu mỏ trong giờ công viên quốc gia mở cửa mà không cần đặt chỗ trước hay có hướng dẫn viên.
Dù hang động là chốn nghỉ chân mát lịm tránh khỏi cơn nóng, nhưng tôi vẫn cảm thấy thư thả hơn khi đi đến cuối đường hầm. Trèo lên thang quay trở lại sa mạc nóng như thiêu, cảm giác được đứng thẳng trở lại thật dễ chịu.
Tôi tiếp tục theo con đường đi xuống một mỏ khai thác trông như vách đá gần 3.000 năm tuổi để có thể cảm nhận được con đường hẹp trong hốc đá mà thợ mỏ trèo ra vào thời đó.
Xa hơn một chút dọc theo hoang mạc khô hạn, nhiều cửa vào hàng loạt khu mỏ trông như những hốc lốm đốm màu lam ngọc dọc theo tường đá.
Xung quanh tôi, những rặng đá đủ màu sắc nhiều tầng vươn cao như muốn rướn tới mặt trời hoang mạc nóng bỏng.
Quang cảnh đẹp đến kinh ngạc, không cần phải nói, nhưng vẫn không thể sánh kịp điều kỳ diệu mà mà những thợ mỏ xa xưa nhất trên thế giới để lại.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét