Đầu năm 1976, 3 tháng sau khi định cư ở Montréal, tôi được chỉ định dạy Pháp văn, tại một trường Trung học công lập, cách chổ tôi ở 1 tiếng đồng hồ xe bus và métro. Tôi loay hoay nghĩ sao mình không tiết kiệm 2 giờ di chuyển mỗi ngày bằng cách dọn nhà lại gần trường? Tôi dò hỏi những bạn đồng nghiệp về việc dời chỗ ở, mọi người kinh ngạc hỏi: “Trời ơi, một ngày 8 tiếng sống với học trò, bộ chị chưa ngán sao mà còn đòi dọn nhà cho gần chúng thêm!” Lần đầu tôi nhận xét, khi ra khỏi cổng trường, học trò có chạm mặt thầy thì ngó chỗ khác hoặc nhìn thẳng vào mặt thầy lạnh nhạt, thờ ơ, như chưa hề quen biết nhau!
Hồi ở nội trú Gia Long, chúa nhật nào may mắn được người bảo trợ rước ra thì được sống một ngày chim sổ lồng, vui vẻ tưng bừng. Giáo sư Việt văn trẻ đẹp, duyên dáng của tôi, là cô Năm Lành, thương tôi, gốc từ tỉnh Bạc Liêu xa xôi, không thân bằng quyến thuộc tại Sài Gòn, bảo tôi thỉnh thoảng ra phép thì sang chơi nhà cô gần chợ Bà Chiểu. Có lần cô mua cho tôi một tô mì khô. Tô mì đó đối với tôi là “bát cơm Xiếu Mẫu”. Không biết cử chỉ trìu mến của cô đã ảnh hưởng thế nào mà sau nầy đến lượt tôi làm thầy, dù rằng nổi tiếng nghiêm khắc trong lớp, nhưng ngoài giờ dạy tôi vẫn thích thú tiếp một số học sinh đến chơi nhà, thầy trò ăn uống, ca hát, đèo nhau xe gắn máy, chạy loanh quanh… Những phút giây sống trong tương ái đó, 40 năm sau thầy trò tóc đã điểm sương, gặp lại nhau còn bùi ngùi nhớ tiếc.
Ở đây thầy cô tiểu học cũng đưa cả lớp đi chơi vườn bách thú, thảo cầm viên, viện bảo tàng… nhưng đó là những sinh hoạt định trước trong chương trình, dù rằng chơi nhưng cũng là học, tôi không hề cảm nhận được liên lạc tình cảm giữa cá nhân thầy và cá nhân của một học sinh. Liên hệ thầy trò ở đây trước hết thuộc lãnh vực nghề nghiêp.
Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa. (Ảnh qua Namkyluctinh.org)
Mười năm trước có một thời kỳ khá dài, do ảnh hưởng của phương pháp thính thị (methode audio-visuelle), giới chức thẩm quyền giáo dục ở đây dành ưu tiên dạy nói, nhất là các môn văn, sinh ngữ… học viết chỉ là thứ yếu. Thảng hoặc có giáo sư còn ảnh hưởng cách dạy cổ điển, hoặc giáo sư ngoại quốc như tôi, vì thói quen vừa giảng vừa viết những điểm quan trọng lên bảng, có khi bị chỉnh. Thời gian ít lâu sau, tôi nhặt trên bàn ăn phòng giáo sư một trường trung học khác, mẩu giấy giáo sư A viết nhắn giáo sư B “Dianne, monsieur le directeur désirer te rencontré”, giáo sư A đã quên chia 2 động từ (conjugaison des verbes) rencontrer và désirer. Ai từng học văn phạm Pháp ngữ đều biết phải chia động từ trước khi làm câu. Bây giờ môn viết đã lên hàng ưu tiên, sau nhận định cả một thế hệ khoa bảng ở đây, viết trật tùm lum ngôn ngữ mẹ đẻ.
Phương pháp dạy toán ngày xưa, nghĩ lại khá buồn cười. Năm sáu tuổi vô lớp 5 vỡ lòng bậc tiểu học, cùng lúc với học chữ cái, rồi ráp vần, học đếm: 1, 2, 3, 4… Khi khổng, khi không, nhảy bổ vô đếm 1, 2, 3, 4… là những khái niệm số trừu tượng, 1 mà chẳng là 1 vật gì (như 1 trái cam, 1 con gà…), thì trẻ ở tuổi đó không hề kinh nghiệm để biết được… Phải chờ đến 12 tuổi, giai đoạn trừu tượng hóa mới được hoàn hảo. Vậy mà bao nhiêu thế hệ học sinh xưa cũng chế ngự được những khó khăn để học toán, mà còn giỏi toán nữa kìa! Bây giờ ở đây, học liệu thừa mứa, trẻ nhỏ 2, 3 tuổi có cả thúng nầy qua thúng kia đồ chơi để tập đếm… vậy mà không ít học sinh nuốt môn toán không vô. Tôi nhận thấy khi giảng lý thuyết, giáo sư lướt qua rất mau, để đưa vào phần bài tập, nhiều bài tập chừng nào tốt chừng nấy, đúng với tinh thần “hành để học”. Tới một giai đoạn nào đa số bài tập là những bài “toán đố”… “Đố” thì thường có mẹo, trước tiên học sinh phải nắm vững từ ngữ để hiểu tình hình của vấn đề (comprehension), sau đó phải đủ suy luận để gỡ mẹo. Tôi từng thấy nhiều học sinh loay hoay kẹt, không biết đường gỡ mẹo, vì không nắm vững lý thuyết, hoặc vì không hiểu bài toán nói gì…
Theo chương trình Việt văn, lớp Đệ Lục học tác phẩm Lục vân Tiên, chắc đa số chúng ta còn nhớ thơ Lục Vân Tiên bắt đầu bằng một bài luân lý:
Trước đèn xem chuyện Tây minh,
Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le
[…]
Dữ răn việc trước, Lành dè thân sau
Trai thời Trung Hiếu làm đầu,
Tôi cô giáo (22 tuổi) đầy nhiệt huyết sư phạm, đã bắt hàng trăm nam sinh (12 tuổi) học thuộc lòng đoạn văn trên. Các tác phẩm văn chương Việt Nam đều đầy dẫy những bài học luân lý… Văn chương là phương tiện truyền đạt đạo đức, “Văn dĩ tải Đạo”. Thế hệ thầy trò chúng tôi đã ít nhiều bị những bài luân lý đó ràng buộc trong cuộc đời. 45 năm sau có em nửa đùa, nửa thật, trách tôi:
“Trai thời Trung Hiếu làm đầu” cô bắt tụng nhật, tụi em có đứa lính quính đọc trại ra: “Trai thì kính vợ làm đầu”, nên bây giờ vẫn còn sợ vợ!
Ở đây suốt học trình Trung Tiểu học, không có bộ môn Công dân giáo dục hoặc Luân Lý học. Người ta quan niệm Tôn giáo, Đạo đức thuộc thẩm quyền chọn lựa của gia đình, nhà trường chỉ làm nhiệm vụ truyền đạt kiến thức khoa học, văn, toán… phi tư tuởng triết lý đạo đức. Người ta dạy học sinh kiến thức căn bản để biết chọn loại xà bông nào tốt da, ăn uống gì tránh béo phì, biết xử dụng sơ sơ máy may, máy đánh chữ… trong bộ Kinh Tế Gia Đình (Home Ecomomic), nhưng người ta không dạy trẻ con chọn bạn mà chơi… bằng những câu tục ngữ: “thói thường gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” như trẻ con xứ mình từng ê a trong các bài học vỡ lòng. Thiết nghĩ hun đúc cho trẻ một số nguyên lý căn bản để ứng xử với bạn bè thật là cần thiết, bởi ở đây chưa đầy 1 tuổi đã xa rời vòng tay che chở của gia đình, lăn vào “cộng đồng” nhà giữ trẻ (garderies), rồi từ đó đi luôn vô trường học. Quá trình “xã hội hóa” xảy ra quá sớm. Trẻ có thể bắt chước những tác phong tốt và xấu rất mau. Tôi thấy cháu ngoại tôi, mỗi tuần phải ở lại trường 3 lần, sau giờ tan học, chờ mẹ nó đến rước khi tan sở, chơi với các trẻ khác tương đối tự do, học những tác phong mạnh bạo và ngôn từ dữ dằn mà trước đó sáu tháng cháu không hề có.
Ở tỉnh bang Québec ảnh hưởng Thiên chúa qua nhà thờ, trường học, đè nặng tư tưởng của nhiều thế hệ. Lối 1960 đến 1970, người dân dành lại trường học các cấp trao về dân sự (laicisation de l’éducation). Phong trào được mệnh danh “Cách mạng trầm lặng”. Tôi nghỉ đó là lý do chính nhà trường không được dạy luân lý. Tôi có sống một kinh nghiệm: một bé gái 12 tuổi, thường lách chách với con bạn kế bên trong giờ tôi giảng bài, nhiều lần tôi gọi riêng em to nhỏ thuyết phục em sửa đổi… vô hiệu, em lại hay đổ thừa tại con bạn kế bên nó khởi đầu. Tôi nghĩ đã đến lúc phải dạy em lãnh trách nhiệm hành động (có chơi có chịu) tôi quyết là em trách nhiệm việc gây tiếng động, làm sao lãng sự chú ý của lớp học. Hôm sau mẹ em xin gặp tôi. Thiếu phụ y phục sang trọng, đầy tự tin, thẩm vấn tôi: sao “không tin” con bà, nó quả quyết nó không có lỗi? Tôi bình tĩnh, kiên nhẫn giải thích ý định dạy em lấy trách nhiệm khi hành động. Bà mẹ sừng sộ bảo tôi không có sứ mạng dạy hành động, tôi chỉ có sứ mạng truyền đạt kiến thức mà thôi…. Bà mới là người có thẩm quyền dạy luân lý….Sau này tôi khám phá, con nhỏ từ tấm bé ở với bà ngoại, người mẹ trẻ đẹp đã lấy chồng khác, ở xa từ khuya. Tôi vô tình khơi dậy măc cảm bỏ bê, không dạy con. Nghĩ cho cùng bà nổi đóa với tôi cũng có lý do vậy!
Chắc có bạn phản ứng rằng nền giáo dục này đâu đến nỗi nào, bằng cớ con chúng ta (thế hệ thứ hai) đã tốt nghiệp những ngành nghề uy tín: bác sĩ, kỷ sư… Với méo mó nghề nghiệp của một thầy giáo già, tôi vẫn hướng về “kết quả tối ưu” (viser l’excellence). Giá người ta quan niệm cổ điển rằng một nền giáo dục nhằm đào tạo con người toàn vẹn, nhất thiết phải đủ 3 bộ môn Trí, Đức và Thể dục. Dạy trẻ từ bé những khái niệm ứng xử căn bản: thương yêu cha mẹ già, nhường nhịn anh em, giúp đỡ bạn bè, chào hỏi lối xóm… có phải là sớm lắm đâu, mà cũng không trái với điều răn dạy của bất cứ tôn giáo nào. Nói để gia đình trách nhiệm dạy con em họ Ở Đời . Tội nghiệp lắm, nhiều gia đình di cư chân ướt, chân ráo, “chạy cơm từng bữa, toát mồ hôi”, sáng tinh mơ đã vọt khỏi nhà cho kịp giờ xưởng, hãng, chiều tối về trễ, con đã ngủ rồi. Chưa kể nhiều dân từ thế giới thứ 3 đến, quen đặt hết tin tưởng vào nhà trường trong việc Đào Tạo Con Em… Ấy là chưa đề cập đến tình trạng gia cảnh vô cùng phức tạp của người bản xứ. Ai từng theo dõi thành quả của các trường Trung Học Công lập, thấy tỷ lệ bỏ học trước năm thứ 3 là 49%, sẽ không khỏi băn khoăn.
Mến tặng anh chị em, sống tại Bắc Mỹ, làm ông Bà Nội, Ngoại và đang ưu tư về giáo dục của “Thế hệ thứ 3”.
Khưu thị Ngọc Sang (*)
Giáo sư Trung Học Võ Trường Toản
Đăng lại từ bài viết “Tản mạn về việc Dạy Trung Học ở Việt-Nam và Canada” trên trang Thất Sơn Châu Đốc (thatsonchaudoc.com)
(*)
Cô Khưu thị Ngọc Sang là phu nhân của thầy Trần Thanh Thủy (Giáo Sư
TKN). Cô Sang cũng là giáo sư dạy Triết của anh Lưu Nhơn Nghĩa ở trường
Hồ Ngọc Cẫn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét