Công nhân Trung Quốc đang làm việc ở tỉnh Koh Kong, khu vực được Campuchia cho thuê để phát triển kinh tế với thời hạn 99 năm
Một khu vực kinh tế khép kín chỉ dành riêng cho công nhân, các nhà đầu
tư và du khách Trung Quốc đang dần hình thành ở Koh Kong, Campuchia, với
khoảng đầu tư lên đến 3,8 tỷ đô la Mỹ dưới sự hậu thuẫn của Chính phủ
Thủ tướng Hun Sen nhưng vấp phải sự phản đối của người dân và các tổ
chức hoạt động môi trường ở nước này.
Vào lúc ở Việt Nam đang có nhiều ý kiến phản đối quyết liệt Luật đơn vị
hành chính-kinh tế đặc biệt vốn sẽ đặt cơ sở pháp lý để hình thành ba
đặc khu kinh tế ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, trang mạng Thời
báo Á châu (Asia Times) có trụ sở ở Hong Kong đã có bài viết tìm hiểu về
một mô hình tương tự ở Campuchia.
Với tựa đề: “Một khu định cư của người Trung Quốc đang thành hình ở
Campuchia”, bài phóng sự của Asia Times nhìn vào kết quả của một chủ
trương kinh tế vốn cũng đang được bàn thảo tại Quốc hội Việt Nam và dự
kiến sẽ được đưa ra bỏ phiếu vào 15/6.
Dự luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt của Việt Nam bị phản đối vì
có quan ngại rằng điều khoản cho thuê đất đến 99 năm sẽ tạo điều kiện
cho nước ngoài kiểm soát các khu vực có vị trí chiến lược quan trọng từ
đó gây ra uy hiếp đến an ninh, quốc phòng. Các quan ngại này đều nhằm
vào Trung Quốc mặc dù dự luật không hề đề cập bất kỳ quốc gia cụ thể nào
và cũng chưa có thông tin về nhà đầu tư Trung Quốc nào bày tỏ quan tâm
đến các đặc khu này của Việt Nam.
Từ ‘Khu thử nghiệm’
Koh Kong là một tỉnh nằm ở Tây Nam Campuchia giáp với Thái Lan nhìn ra
Vịnh Thái Lan. Đây là một vùng bờ biển kém phát triển, nhưng vào năm
2008, Tập đoàn Phát triển Liên hiệp Thiên Tân (UDG) của Trung Quốc đã
được Chính phủ Campuchia cho thuê một phần với thời hạn 99 năm trong một
dự án được gọi là ‘Khu thử nghiệm’.
“Trong khi Thủ tướng Hun Sen thường thể hiện mình là người bảo vệ duy
nhất chủ quyền Campuchia, Trung Quốc đang tiến hành xây dựng một cảng
biển, một sân bay và một thành phố trên thực tế trên phần đất có diện
tích 45.000 hecta của Campuchia với sự cho phép của ông,” Asia Times
viết.
Diện tích đó chiếm khoảng 20% đường bờ biển của Campuchia với giá thuê
rẻ mạt là 30 đô la Mỹ một hecta, bài báo cho biết. Hiệp hội Các nhà Xây
dựng Campuchia ước tính tổng chi phí cho dự án này vào khoảng 3,8 tỷ đô
la Mỹ. Ngoài ra còn có một sân bay vẫn chưa được xây dựng với công suất
thiết kế cho 10 triệu hành khách một năm.
Dù chính phủ Campuchia mô tả như là lợi ích kinh tế cho người dân
Campuchia, những người chỉ trích cho rằng dự án này đang dần trở thành
một khu vực kinh tế riêng biệt chỉ dành cho người Trung Quốc. Theo Asia
Times, trên nhiều phương diện thì dự án này, trên danh nghĩa có tên gọi
là Khu nghỉ dưỡng ven biển Dara Sakor, đã giống như một khu định cư của
người Trung Quốc rồi.
Asia Times lưu ý rằng diện tích đất cho thuê 45.000 hecta là nhiều hơn
gấp ba lần giới hạn mà luật pháp Campuchia cho phép là 10.000 hecta.
Diện tích cho thuê cũng bao gồm phần đất vốn được bảo vệ nằm trong Vườn
Quốc gia Botum Sakor nhưng được đồng ý bán cho tư nhân sau một sắc lệnh
hoàng gia.
Người dân địa phương và các nhà hoạt động môi trường thường xung đột với
công ty Trung Quốc, theo Asia Times. Họ cho rằng UDG đã dùng lực lượng
cảnh sát quân sự Campuchia để lấy đất cho dự án. Một số người cho biết
họ đã bị cưỡng chế rời khỏi đất đai của họ trong khi nhà cửa bị tháo dỡ
và đốt sạch, Asia Times dẫn báo cáo của Licadho, một tổ chức nhân quyền ở
địa phương, cho biết.
Mặc dù cộng đồng quốc tế lên án chính phủ của ông có xu hướng ngày càng
độc đoán, Thủ tướng Hun Sen nói ông vẫn luôn có thể dựa vào hỗ trợ tài
chính của Trung Quốc nếu phương Tây áp đặt cấm vận hay rút viện trợ và
đầu tư.
Đến căn cứ hải quân
Tuy nhiên, đối với mô hình dự án Koh Kong thì Campuchia đang hy sinh lợi
ích kinh tế lâu dài, và có lẽ cả chủ quyền quốc gia, trong khi Bắc Kinh
có thể tận dụng ảnh hưởng của mình để biến quốc gia này thành căn cứ
cho mục tiêu chiến lược lớn hơn của họ ở vùng đông nam Á, Asia Times
nhận định.
Trang mạng này dẫn một phúc trình của tổ chức phân tích phi lợi nhuận
C4ADS của Mỹ cảnh báo rằng Koh Kong dường như là một phần trong kế hoạch
lớn hơn của Trung Quốc để thiết lập các tiền đồn hải quân trong khắp
khu vực.
Bản phúc trình cho biết mặc dù UDG nhìn bên ngoài là một công ty tư
nhân, nhưng các đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc có lợi ích gắn
chặt với dự án với các cán bộ cao cấp của Đảng thường xuyên đến kiểm tra
tiến độ dự án. Ông Trương Cao Lệ, cựu phó thủ tướng thường trực và là
chủ tịch của Tiểu tổ Một Con đường Một Vành đai của Bộ Chính trị Đảng
Cộng sản Trung Quốc, là người bảo trợ cho dự án ngay từ đầu.
Và mặc dù dự án Koh Kong có ý nghĩa quan trọng đối với Bắc Kinh, lợi ích đối với Campuchia không rõ ràng cho lắm.
“Trong khi dự án ở tỉnh Koh Kong có tiềm năng thúc đẩy các lợi ích của
Trung Quốc trong và ngoài nước, người dân địa phương, môi trường và thu
nhập tương lai tiềm năng của Campuchia đều phải trả giá,” bản phúc trình
của C4ADS cho biết.
Ông Bates Gill, giáo sư về an ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học
Macquarie ở Sydney, được dẫn lời nói rằng dự án Koh Kong ‘có những đặc
điểm tương tự như các dự án khác trong khu vực và trên thế giới.”
Ông nói rằng do các dự án của Trung Quốc nhìn chung là thuê mướn nhân
công Trung Quốc chứ không phải là dự án đôi bên cùng có lợi cho nước chủ
nhà, “Trung Quốc là phía được lợi nhiều nhất”.
Ông cũng nhận định rằng Bắc Kinh có thể theo đuổi cả lợi ích kinh tế lẫn
ảnh hưởng chiến lược với dự án Koh Kong và hai mục tiêu này ‘không nhất
thiết phải loại trừ lẫn nhau’.
Những người phê bình dự án nói rằng UDG đã thay hình đổi dạng giữa công
ty Campuchia và công ty Trung Quốc để giành được quyền sử dụng đất. Khởi
thủy UDG đăng ký là một công ty nước ngoài trước khi đăng ký lại làm
công ty UDG Campuchia để giành được quyền thuê đất. Chẳng lâu sau, họ
lại quay trở lại thành công ty Trung Quốc, theo các nguồn tin.
Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia cho biết dự án ở
Campuchia cũng đồng nhất với các dự án Một vành đai-Một con đường khác
như cảng Hambantota ở Sri Lanka, các căn cứ quân sự ở Djibouti và thỏa
thuận cho thuê một bến cảng ở thành phố Darwin, Bắc Úc, đến 99 năm. Ông
nhận xét rằng vào lúc này, cảng Koh Kong không có ý nghĩa gì nhiều nhưng
một khi một dự án kênh đào ở Thái Lan được thực hiện thì tầm ảnh hưởng
của nó sẽ tăng lên rất nhiều vì kênh đào này sẽ rút ngắn đáng kể con
đường hàng hải từ Trung Đông đến châu Á.
Trung Quốc từ lâu đã tìm cách giải quyết cái gọi là ‘thế bí Malacca’ của
họ – tức là một điểm nghẽn chiến lược tiềm năng giữa Malaysia và
Indonesia mà Hoa Kỳ hay một cường quốc thù địch nào khác sẽ phong tỏa
trong trường hợp có chiến tranh.
Một lượng lớn hàng xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc, bao gồm đến
80% lượng năng lượng nhập khẩu của họ, hiện đang đi qua eo biển hẹp này.
Một đề xuất để giải thế bí Malacca là đào một kênh ở Thái Lan mà một
khi được xây dựng thì cảng Koh Kong sẽ có vị trí chiến lược là nằm đối
diện nó.
Trong khi dự án kênh đào ở Thái Lan, lần đầu tiên được đưa ra vào thế kỷ
16, vẫn còn là giấc mơ, GS Thayer lưu ý rằng “Trung Quốc có rất nhiều
tiền để ném ra các nơi” và các điều khoản trong thỏa thuận với Campuhia
có lợi cho họ đến mức hoàn toàn hợp lý để xây dựng một căn cứ tiềm năng ở
Koh Kong.
Ý kiến mang tính khiêu khích nhất trong bản phúc trình của C4ADS là cảng
Koh Kong, vốn có đủ độ sâu để neo những tàu chiến và tàu khu trục, có
thể được sử dụng như là một căn cứ quân sự trong tương lai.
Và thành phố của Trung Quốc?
Bản phúc trình thừa nhận rằng cho đến nay vẫn chưa bằng chứng gì về việc
này, nhưng hợp phần du lịch của dự án dường như là đang dọn đường cho
một thành phố Trung Quốc có thể tự cung tự cấp, hơn là một khu nghỉ
dưỡng.
“Giờ đây, bản kế hoạch tổng thể của Khu Thử nghiệm đề ra việc xây dựng
một nền kinh tế gần như hoàn chỉnh, với các trung tâm chữa trị y khoa,
các chung cư, khu nghỉ dưỡng và khách sạn, các cơ sở sản xuất, một cảng
nước sâu và một sân bay quốc tế,” bản phúc trình cho biết.
Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến
lược Quốc tế, nói rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ sử dụng bất kỳ cơ
hội nào có thể để đạt được ưu thế chiến lược trong khu vực.
“Trung Quốc đang đầu tư vào rất nhiều cảng biển, và đa phần nhiều khả
năng là sử dụng cho mục đích thương mại. Nếu có cơ hội sử dụng chúng cho
mục đích quân sự thì tôi cho rằng Trung Quốc sẽ làm,” bà được Asia
Times dẫn lời nói.
Nhà lãnh đạo đối lập Sam Rainsy hiện đang lưu vong đã tận dụng thỏa
thuận Koh Kong như là bằng chứng rằng Thủ tướng Hun Sen đang bán rẻ lợi
ích quốc gia.
Trong một điện thư trao đổi với Asia Times, ông Sam Rainsy viết rằng ông
Hun Sen đã vi phạm Hiến pháp và Hiệp định Paris năm 1991 thông qua
chính sách bí mật cho phép cường quốc bên ngoài kiểm soát lãnh thổ
Campuchia.
Mặc dù Trung Quốc và Campuchia đều cố gắng thể hiện mô hình đầu tư và
phát triển Koh Kong là một kiểu mẫu ‘cùng thắng’ cho cả hai nước, ông
Sam Rainsy cho rằng chỉ có các nhà đầu tư Trung Quốc và các quan chức
Campuchia là ‘thắng’ còn người dân Campuchia là bên gánh chịu mất mát
nhiều nhất.
Ông Alejandro Gonzalez-Davidson, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ
bảo vệ môi trường Mẹ Thiên nhiên, đồng ý rằng dự án này không đem lại
lợi ích cho thường dân Campuchia. Tổ chức của ông đã làm việc rất nhiều ở
tỉnh Koh Kong ở những khu vực mà giới chức địa phương bị cáo buộc cướp
bóc những tài nguyên thiên nhiên vốn trước đây được bảo vệ.
Hai nhà hoạt động môi trường đã bị bắt vì phơi bày hoạt động khai thác
cát ở tỉnh này vào năm 2017, trong khi ông Gonzalez-Davidson, một người
Tây Ban Nha có kinh nghiệm hoạt động môi trường ở Campuchia, đã bị cưỡng
chế trục xuất khỏi quốc gia này hồi năm 2015 sau khi ông Hun Sen ra
lệnh cho ông phải rời đi hoặc bị trục xuất.
Ông Gonzalez-Davidson nói rằng Chính phủ Campuchia tô vẽ dự án này là sẽ
đem lại hàng ngàn việc làm cho người dân địa phương và sẽ giúp biến Koh
Kong thành phiên bản Hong Kong ở Campuchia. Nhưng thực ra, theo lời
ông, rất nhiều người dân đã bị cưỡng chế nhà cửa và mất đi nguồn mưu
sinh.
“Điều này có nghĩa là chủ quyền và nền độc lập của Campuchia bị đe dọa
trong tương lai, nhưng đối với những người dân địa phương vốn bị cưỡng
chế khỏi đất đai của họ thì mọi việc lại đơn giản hơn: đất đai và tài
nguyên xung quanh họ đã bị tước đoạt thông qua lường gạt, bạo lực và
gian lận,” ông cho biết.
(Từ Blog Phamvietdao5 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét