22 thg 6, 2018

SỎI ĐÁ - Chuyện Ngắn của Alce Munro (Nobel VC. 2013 )


♦ Chuyển ngữ:
♦ 


Tại thời điểm đó chúng tôi đang sống bên cạnh một mỏ đá cuội. Nó không lớn nhưng bị khoét sâu hoắm bởi những chiếc máy khổng lồ từ một hố sỏi nhỏ mà một người nông dân chắc đã kiếm được ít tiền bán đá sỏi từ nhiều năm trước. Trên thực tế, nhiều hố cũng đủ cạn khiến bạn nghĩ rằng nơi này có thể sử dụng cho vài mục đích khác chẳng hạn đặt nền móng một ngôi nhà gần đó cho tiện, có thể lắm chứ.
Mẹ tôi là người luôn nhấn mạnh cái ý đó. “Chúng tôi sống bên mỏ đá cũ, phía ngoài khu dịch vụ xe hơi,” mẹ kể với mọi người rồi cười bởi mẹ rất hạnh phúc khi bỏ lại sau lưng tất cả mọi thứ liên quan đến nhà cửa, đường phố, người chồng cùng quãng đời trước đây. Thảng hoặc tôi lại nhớ đến khoảng thời gian ấy. Những lúc như vậy tôi có thể hình dung từng giai đoạn một cách rõ ràng, nhưng cũng chỉ như vài mảnh rời rạc của một khung hình – về tổng quan mà thiếu đi sự liên kết các chi tiết bạn cần để tạo thành một bức tranh hoàn chỉnh. Tất cả những gì còn đậm nét trong đầu tôi về ngôi nhà trong thị trấn là hình những con gấu nhồi bông trên giấy dán tường trong phòng cũ của tôi. Trong ngôi nhà mới này, mà thực sự là một toa xe, chị tôi, Caro, và tôi đã có một cái giường cũi hẹp, nơi hai đứa trẻ chúng tôi thường nằm đè lên nhau. Khi chúng tôi mới chuyển đến đây, Caro đã nói liên phanh với tôi về ngôi nhà cũ, cố gắng để tôi nhớ lại cái này hay cái kia. Cứ khi đi ngủ là chị kể cho tới khi tôi không nhớ nổi chị mới qua chuyện khác. Đôi khi tôi nghĩ rằng tôi đã nhớ ra, nhưng không chắc, sợ sai nên vờ như không biết.
Chúng tôi chuyển đến sống trong toa xe vào mùa hè – có cả con chó Blitzee nữa. Mẹ bảo Blitzee thích ở đây, và đúng vậy thật, nó khoái vùng quê rộng mở? Nàng sủa tất cả xe cộ qua lại, như thể con đường thuộc quyền sở hữu của nàng, và thỉnh thoảng nàng tha xác một con sóc hay một con chuột chũi về nhà. Lúc đầu chị Caro rất bực, và chú Neal phải nói chuyện với chị, giải thích về bản chất loài chó, luật sinh tồn – loài này là thức ăn của loài kia.
“Nhưng nó đã có thức ăn của chó rồi,” Caro cãi. “Giả sử nó không làm thế? Giả sử một ngày nào đó tất cả chúng ta biến mất và nó phải tự lo cho bản thân?”
“Cháu sẽ không, sẽ không biến mất, và cháu sẽ luôn luôn chăm sóc nó.”
“Cháu nghĩ vậy?” chú Neal nói, và mẹ chúng tôi bước vào, lái chú sang hướng khác. Chú Neal rất thích bàn về người Mỹ và bom nguyên tử, chú chuẩn bị bàn đề tài đó còn mẹ chúng tôi không nghĩ chúng tôi sẵn sàng nghe. Mẹ không biết rằng khi chú nêu vấn đề lên là tôi lại liên tưởng cái bánh mì mềm kẹp nguyên tử nào đó. Tôi biết cách hiểu vậy là sai lầm, nhưng tôi không thể thôi thắc mắc và nhịn cười được.
Chú Neal là diễn viên. Trong thị trấn có một rạp hát mùa hè chuyên nghiệp, một điều rất mới tại thời điểm đó. Có người ham, số khác thì lo rằng nhiều thành phần tạp nham, bất hảo dễ mang lại phức tạp, rắc rối. Mẹ tôi và cha tôi nằm trong số những người ủng hộ, mẹ phấn khích hơn hẳn, bởi vì mẹ có thời gian hơn. Cha tôi là nhân viên bảo hiểm và thường công cán xa nhà. Mẹ tôi rất bận rộn với nhiều chương trình gây quỹ cho nhà hát và mẹ còn tự nguyện làm nhiệm vụ của người chỉ chỗ ngồi trong rạp hát. Mẹ nom cũng còn trẻ, đẹp nên dễ bị nhầm là nữ diễn viên. Chắc thế nên mẹ bắt đầu ăn mặc như diễn viên vậy, khăn choàng, váy dài, chuỗi hạt lủng lẳng trên cổ – Từ lâu mẹ đã không còn để ý đến mái tóc và ngưng hẳn việc trang điểm. Tất nhiên, vào thời điểm đó tôi không nhận ra thậm chí chẳng chú ý những thay đổi ấy. Mẹ tôi là mẹ tôi. Nhưng với chị Caro thì không nghi ngờ gì nữa. Và cha tôi cũng vậy. Mặc dù, từ tất cả những gì tôi biết về bản tính của cha tôi và tình cảm mà cha dành cho mẹ, tôi nghĩ có lẽ cha rất hãnh diện khi thấy mẹ thoải mái, phóng túng trong cách ăn mặc cũng như sự hòa hợp, gắn kết của mẹ với những người trong đoàn kịch. Sau này, khi nhớ về quãng thời gian ấy, cha nói mình luôn bằng lòng chấp nhận tất cả vì nghệ thuật. Giờ tôi mới có thể hình dung mẹ phải bối rối đến cỡ nào, khúm na khúm núm nói cười để che đậy sự hèn hạ của mình, khi cha tuyên bố “hiến dâng cho nghệ thuật” trước mặt bạn bè của mẹ ở đoàn kịch.
Rồi chuyện gì đến phải đến, ai cũng đoán được, trừ cha tôi. Tôi không biết liệu điều đó có xảy ra với các “tình nguyện viên” khác không, nhưng tôi chắc – dù không muốn nhớ lại – rằng cha đã khóc và suốt cả ngày hôm đó, cha lẽo đẽo bám theo mẹ, quanh nhà, không để mẹ ra khỏi tầm mắt của cha và một mực chối từ, quyết không tin lời mẹ. Và, thay vì nói với cha bất cứ điều gì làm cha nhẹ lòng, mẹ lại nói một điều gì đó khiến cha cảm thấy tồi tệ hơn.
Mẹ bảo cha rằng đứa bé là của Neal.
Mẹ tôi chắc chứ?
Hoàn toàn chắc chắn. Mẹ đã nhận thức rất rõ điều đó.
Chuyện đã xảy ra sau đó?
Cha đã thôi khóc. Cha phải trở lại làm việc. Mẹ thu dọn đồ đạc, dẫn chúng tôi đến sống với Neal trong toa xe mà chú đã tìm thấy ở vùng quê. Mẹ bảo, sau đó, rằng mẹ cũng khóc và thêm rằng mẹ cảm thấy như được sống lại. Có lẽ lần đầu tiên trong cuộc đời, mẹ thực sự được sống, sống thật với lòng mình. Mẹ cảm thấy như thể được trao cơ hội để bắt đầu cuộc sống mới. Mẹ chăm chút mỗi khi ra ngoài thậm chí còn mang theo sách. Còn khi ở nhà mẹ tháo cất mọi thứ, trần truồng đi lại, miễn là thời tiết vẫn ấm áp.
Điều đó chẳng ra làm sao cả, bởi chị Caro giấu mặt vì ngượng và thậm chí chú Neal bảo chú không thấy hay ho gì.
*
Chú Neal nghĩ gì về mọi chuyện? Triết lý của chú, như sau này chú diễn đạt, là chào đón bất cứ điều gì xảy ra. Tất cả đều như một món quà. Chúng ta cho và chúng ta nhận.
Tôi nghi ngờ những người nói chuyện kiểu này, nhưng tôi không thể nói rằng tôi có quyền đó.
Chú không thực sự là một diễn viên. Chú đã tham gia diễn xuất, chú nói, như một thử nghiệm, như là cách khám phá tìm hiểu bản thân mình. Thời sinh viên đại học, trước khi bỏ học, chú từng có mặt trong dàn hợp xướng “Oedipus Rex.” Chú thích hiến dâng và hòa nhập. Rồi một ngày nọ, trên đường phố ở Toronto, chú tình cờ gặp một người bạn đang tìm một công việc hè ở một đoàn kịch nhỏ mới thành lập. Chú đã đi theo, vì lúc đó cũng chẳng có gì hay hơn để làm, rồi dính vào nghề ấy luôn, trong khi người bạn chú thì không. Chú nhận vai hồn ma Banquo. Thời điểm đó người ta cần một hồn ma hiện hình và chú Neal có cỡ người phù hợp – một con ma thân hình rắn chắc.
Chú đang suy nghĩ đến việc trú đông. Điều khiến mẹ ngạc nhiên là chú đã phát hiện ra toa xe ấy. Chú cũng khá rành nghề mộc để nhận công việc sửa chữa trong nhà hát, công việc sẽ giúp chú có thu nhập đến tận mùa xuân – khoảng thời gian sắp tới mà chú thích thú mơ về.
Chị Caro thậm chí không cần phải chuyển trường. Xe buýt trường học đến tận cuối con hẻm dẫn vào mỏ đá để đưa đón chị. Chị phải kết bạn với những đứa trẻ nông thôn, và phải giải thích vài thứ với bạn bè thị trấn mà chị quen năm trước, nhưng nếu chị có bất kỳ khó khăn gì với chuyện ấy, tôi cũng chẳng bao giờ nghe chị tâm sự.
Blitzee luôn chờ đợi bên đường để đón chị ấy đi học về.
Tôi không được đi mẫu giáo bởi mẹ không có ôtô. Nhưng tôi không lấy làm buồn khi phải chơi một mình. Chị Caro, khi về đến nhà, là đủ cho tôi rồi; và tâm trạng thoải mái, ham vui của mẹ nữa. Ngay khi tuyết bắt đầu rơi mùa đông ấy mẹ và tôi đắp người tuyết và mẹ hỏi, “Chúng ta sẽ gọi là Neal nhé?” Tôi nói ô-kê. Mẹ và tôi cùng nhau trang điểm cho ông người tuyết đó trông buồn cười hơn. Sau đó, chúng tôi quyết định rằng tôi sẽ chạy ra khỏi nhà khi xe của chú về. Tôi sẽ chỉ vào người tuyết và nói, “Đây là Neal, đây là Neal!”. Tôi đã làm điều đó, nhưng chú Neal đã giận dữ ra khỏi xe và hét lên rằng chút xíu nữa là chú đã cán lên tôi rồi.
Đó là một trong rất ít lần tôi thấy chú hành động như một người cha.
Những ngày đông ngắn chắc hẳn lạ lẫm đối với tôi. Trong thị trấn, chạng vạng tối là đèn bật sáng trưng. Nhưng trẻ con trở nên quen ngay những thay đổi. Đôi khi tôi thắc mắc về ngôi nhà của chúng tôi. Không hẳn là nhớ hay muốn quay lại sống ở đó mà chỉ là tôi tự hỏi ngôi nhà đi đâu rồi.
Thời gian tuyệt vời của mẹ với chú Neal là ban đêm. Nếu tôi thức dậy và phải đi vào phòng tắm, tôi sẽ gọi mẹ. Mẹ sẽ đến, vui vẻ nhưng không vội, với mảnh vải hay khăn quấn trên người, kèm theo cái mùi mà tôi sẽ liên tưởng tới nến và nhạc. Và tình yêu.
*
Một cái gì đó đã xảy ra, không làm tôi yên lòng, nhưng tôi đã cố không nghĩ ngợi nhiều vào thời điểm đó. Con chó Blitzee của chúng tôi giờ đã lớn, khó mà giấu nó. Vậy mà… không biết chị Caro, một đôi lần, giấu nó trong áo khoác bằng cách nào nữa. Chị đem được con chó lên xe buýt đưa đón học sinh, và rồi, thay vì đi thẳng đến trường, chị đã thả Blitzee ở ngôi nhà cũ của chúng tôi trong thị trấn, cách đó gần một dãy phố. Cha tôi đã thấy con chó chỗ nhà chái trú đông, không khóa, khi cha trở về nhà, lủi thủi ăn trưa một mình. Hết sức bất ngờ với cha, nàng Blitzee đã tìm về, cứ như một con chó trong truyện, trong phim. Chị Caro nhặng xị, quả quyết suốt buổi sáng hôm đó chị không thấy con chó. Nhưng tuần sau đó chị đã phạm sai lầm khi tiếp tục làm thế. Dù không ai nghi ngờ nhưng mẹ đã có câu trả lời.
Tôi nhớ rất lờ mờ về chuyện đó. Hình như cha mang con Blitzee đến chỗ chúng tôi hay sao ấy. Tôi không thể hình dung ra cha trong toa xe hay ở cửa hay thậm chí cha chỉ đang trên đường đến. Có thể chú Neal đã đến ngôi nhà trong thị trấn đem con chó về. Không thế thì chẳng có gì dễ tưởng tượng hơn.
Sẽ không phải nếu tôi cho rằng lúc nào chị Caro cũng buồn chán và mưu đồ chuyện gì đó. Chị ít khi biểu lộ sự trách oán, tính chị không ưa dỗi hờn. Chị hơi quá quan tâm đến việc gây ấn tượng tốt cho mọi người, thích được yêu mến. Chị ưa khuấy động không khí với những lời hứa hẹn cho vui. Tôi thì không được như vậy.
Giờ tôi nghĩ chị giống mẹ nhất.
Chắc chắn đã có một số khơi gợi, thăm dò về những gì chị đã làm với nàng Blitzee. Tôi nghĩ rằng tôi có thể nhớ được một ít.
“Con đã nói dối đó.”
“Con có muốn đến sống với cha không?”
Tôi tin câu đó đã được hỏi, và tin rằng chị nói không.
Tôi không hỏi chị bất cứ điều gì. Hành động của chị chẳng lạ lẫm với tôi, đứa em – mọi chuyện của người chị cá tính dường như bình thường.
*
Thư của chúng tôi đã được gửi vào hộp thư phía bên kia đường. Mẹ tôi và tôi đi bộ đến đó mỗi ngày, trừ khi bão tố, để xem có gì gửi cho chúng tôi không. Chúng tôi thường làm điều này sau khi tôi ngủ trưa dậy. Vào buổi sáng, chúng tôi xem chương trình thiếu nhi trên ti vi – có khi mẹ đọc sách trong khi tôi xem. (Mẹ bỏ đọc sách lâu lắm rồi.) Chúng tôi hâm nóng vài lon xúp cho bữa trưa, sau đó tôi làm một giấc còn mẹ thì đọc thêm. Bây giờ bụng mẹ đã khá to, tôi có thể cảm thấy em bé đang đạp.
Một ngày nọ, khi chúng tôi gần đến chỗ hộp thư thì mẹ bảo tôi dừng lại, đứng yên.
“Im lặng,” mẹ bảo, mặc dù tôi không nói lời nào, thậm chí cũng không lấy chân hất tuyết như mọi khi.
“Con đang im lặng mà,” tôi đáp.
“Im, quay lại.”
“Nhưng chúng ta chưa lấy thư.”
“Đừng lo. Chầm chậm thôi.”
Tôi nhận ra là không thấy bóng dáng con Blitzee đâu nữa. Có con chó khác bên kia đường, cách hộp thư độ một mét.
Mẹ điện tới rạp hát ngay khi chúng tôi về đến nhà, mở cửa cho con Blitzee đang đợi chúng tôi vào. Không ai trả lời. Mẹ gọi đến trường nhờ người bảo bác tài chở Caro đến tận cửa. Người lái xe buýt đã không thể làm được điều đó bởi tuyết ngập lối vào chỗ chúng tôi đang ở, nhưng ông ấy đã xem chừng cho đến khi Caro vào tới nơi. Không có ai nhìn thấy chó sói lúc đó.
Chú Neal cho ​​rằng không bao giờ có. Và nếu có chó sói đi nữa, chú nói, cũng không nguy hiểm cho chúng tôi, có lẽ nó trú đông.
Chị Caro nói rằng chó sói không ngủ đông. “Chúng con được học ở trường.”
Mẹ chúng tôi muốn chú Neal kiếm một khẩu súng .
“Em nghĩ rằng anh sẽ tìm súng để bắn hạ con sói mẹ đang cố bảo vệ bầy con, cũng như kiểu em hành động vì các con sao?” giọng chú trầm xuống.
Chị Caro nói: “Chỉ có hai. Chúng chỉ sinh hai con mỗi lần.”
“Được rồi. Được rồi. Chú đang nói chuyện với mẹ.”
“Anh chẳng hiểu cái quái gì,” mẹ nói. “Anh không biết …nếu đàn con của nó đói hoặc bất cứ điều gì…”
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mẹ sẽ nói chuyện với chú như thế.
Chú nói, “Dễ thôi. Dễ thôi. Hãy suy nghĩ một chút. Súng là thứ tệ hại, khủng khiếp. Nếu anh sắm súng, vậy thì phải nói sao đây? Rằng cuộc chiến Việt Nam hả. Rằng tôi đã đi lính ở Việt Nam sao?”
“Anh không phải là người Mỹ.”
“Đừng có chọc tức anh.”
Vài lời qua lại rồi kết thúc, chú Neal khỏi tìm súng. Chúng tôi không bao giờ trông thấy “chó sói” lần nào nữa. Tôi nghĩ mẹ thôi đi lấy thư, cũng có thể do bụng mẹ đã lớn, đi lại bất tiện.
Tuyết tan nhanh một cách kỳ diệu. Cây cối vẫn còn đơn côi trụi lá và mẹ tôi bắt chị Caro mặc áo khoác vào buổi sáng. Nhưng khi đi học về thì nó bị chị kéo lê sau lưng.
Mẹ tôi nói, chắc sinh đôi mà bác sĩ bảo không.
“Tuyệt. Tuyệt,” chú Neal nói vẻ mừng rỡ với tin song sinh. “Bác sĩ biết gì.”
Nước đầy các hố sỏi ở khu mỏ đá cũ bởi tuyết tan và mưa lớn do đó chị Caro đã phải đi vòng để ra chỗ đón xe buýt. Gần chỗ ở có một “hồ” nhỏ, mặt nước tĩnh lặng phản chiếu bầu trời trong. Chị Caro ngập ngừng hỏi – vẻ không hy vọng gì lắm – xem chúng tôi có thể chơi ở đó không.
Mẹ nghiêm giọng: “Chắc phải hơn sáu mét nước đó.”
Chú Neal bảo, “Có lẽ ba.”
Chị Caro nói: “Quanh bờ làm gì sâu đến chừng đó.”
Mẹ nạt. “Đúng. Nhưng đừng có mơ. Rớt xuống đó thử xem…không giống biển đâu. Chết tiệt. Tránh xa ra.”
Mẹ bắt đầu dùng từ “Chết tiệt” khá nhiều, có lẽ nhiều hơn cả chú Neal, và bằng một giọng chán đời, bực bội hơn xưa.
“Chúng ta cũng nên giữ con chó tránh hố nước, phải không anh?”
Chú Neal nói không thành vấn đề. “Chó biết bơi.”
*
Một tối thứ Bảy, chị Caro xem bộ phim thiếu nhi “Người khổng lồ thân thiện” với tôi và nhận xét linh tinh. Chú Neal đang nằm trên chiếc ghế dài – khi mở ra là thành giường ngủ của chú và mẹ chúng tôi – hút loại thuốc bị cấm tại nơi làm việc nên hầu hết được đốt vào các ngày cuối tuần. Chị Caro đôi khi làm phiền chú, xin một điếu hút thử. Có lần chú cho nhưng bảo chị ấy đừng kể với mẹ.
Nhưng mà tôi thấy, vì vậy tôi mách mẹ.
Có hốt hoảng dù không lớn tiếng.
“Anh thừa biết ông ấy sẽ dẫn lũ nhỏ biến khỏi đây,” mẹ nói. “Đừng bao giờ làm vậy nữa.”
“Không đâu,” chú Neal xuống nước. “Vậy ông ấy cho chúng ăn mấy thứ bánh ngũ cốc vớ vẩn sao?”
Lúc đầu, chúng tôi không hề nhìn thấy cha. Rồi sau Giáng sinh, một kế hoạch đã được lập ra cho ngày thứ Bảy. Mẹ, về sau, cứ hỏi mãi “vui chứ các con?”. Tôi luôn luôn thật lòng nói “vâng”, bởi vì tôi nghĩ rằng nếu bạn được xem một bộ phim, ngắm hồ Huron hoặc ăn nhà hàng thì nghĩa là bạn đã có một thời gian tuyệt vời. Chị Caro cũng nói có, nhưng với giọng lơ đãng, kiểu như “đó không phải là việc của mẹ”. Sau đó, cha tôi đến Cuba nghỉ đông. Mẹ tôi nhận xét về chuyến đi của cha vẻ tán đồng pha chút bất ngờ.
Sau khi tắt tivi, chị Caro và tôi được cho ra ngoài dạo chơi, như mẹ nói, để hít thở không khí trong lành. Chúng tôi dẫn con chó theo.
Khi ra bên ngoài, việc đầu tiên chúng tôi làm là nới khăn mà mẹ đã quàng vào cổ cho chúng tôi, thả lòng thòng xuống. Dù không thể xâu chuỗi hai sự việc với nhau nhưng sự thật là khi bụng bầu của mẹ càng lớn thì kiểu cư xử của mẹ càng giống bao người mẹ bình thường khác, tỉ như chuyện quàng khăn cho chúng tôi khi không cần thiết hay việc ép chúng tôi ăn đủ bữa. Chúng tôi không còn nhận được nhiều che chở bao bọc của mẹ như hồi mùa thu. Chị Caro hỏi tôi muốn làm gì, tôi bảo, em không biết. Tôi biết chị hỏi cho có nhưng câu trả lời của tôi là thành tâm. Chúng tôi để con chó dẫn đi, dù gì thì nàng Blitzee cũng khoái dạo quanh hố sỏi. Cơn gió làm mặt hồ gợn sóng lăn tăn, và chỉ một hồi sau chúng tôi cảm thấy lạnh run, vì vậy chúng tôi quấn lại khăn cho ấm cổ.
Từ toa xe nhìn ra cũng không bị phát hiện nên chúng tôi cứ lang thang bên bờ hồ – tôi không rõ là bao lâu. Một lát sau, tôi chợt nhận ra rằng mình được dặn đi dặn lại nhiều lần…
Tôi chuẩn bị trở về toa xe, báo cho chú Neal và mẹ…
Rằng con chó bị rơi xuống nước.
Con chó đã rơi xuống nước và chị Caro sợ rằng nó sẽ bị chết đuối.
Blitzee. Chết đuối.
Nhưng Blitzee không có ở dưới nước.
Chắc nó đã rơi xuống. Và có thể chị Caro đã liều mình nhảy xuống để cứu con chó.
Tôi tin mình đưa ra những lý lẽ mập mờ và chứng cớ mơ hồ, tranh cãi nước đôi: nó chưa, chị chưa, có thể xảy ra điều ấy nhưng chưa… Tôi cũng đã nhớ là chú Neal từng nói: chó không thể chìm.
Chị Caro đã chỉ, đã báo trước tôi phải làm theo những gì chị bảo.
Tại sao?
Lẽ ra tôi phải lên tiếng hoặc chỉ đứng yên đó đừng theo lời chị và cố tranh cãi cho tới nơi tới chốn.
Hằn sâu trong tâm trí tôi hình ảnh chị Caro ôm con chó, tung nó lên trong khi nó đang cố bám chặt lấy chiếc áo khoác của chị.
Đột ngột chị Caro lùi lại, lùi lại lấy đà chạy tới, phóng mình xuống nước. Tôi không thể nhớ rõ tiếng va đập của cả hai, con chó trước, chị sau với mặt nước. Có lẽ lúc ấy tôi đã chạy lại toa xe – chắc hẳn tôi đã hành động như thế.
Ám ảnh bởi sự việc này, tôi cứ cắm đầu chạy. Và trong mơ tôi thấy mình không hướng về toa xe mà lại tới hố sỏi. Tôi có thể thấy con chó Blitzee thì thụp bơi lòng vòng còn chị Caro đang sải thẳng tới, rất mạnh mẽ để cứu nó. Tôi thấy chiếc áo khoác ca rô màu nâu nhạt, chiếc khăn len cùng với khuôn mặt đầy tự hào mãn nguyện, mái tóc hung đỏ sậm đi ở phần cuối lọn tóc xoăn chỗ tiếp giáp với mặt nước. Tất cả những gì tôi phải làm là đứng xem, lòng mừng vô hạn – cuối cùng thì không điều gì làm tôi lo lắng nữa cả, xong cả rồi, chẳng cần đến tôi.
Tôi rẽ lên đoạn dốc, đi về phía toa xe, khi đến đó tôi ngồi xuống nghỉ. Cứ như có một mái hiên hay một cái ghế dài ở đó, dù thực tế toa xe chẳng hề có những thứ này. Tôi ngồi và đợi điều sắp xảy ra.
Tôi biết vậy bởi đó là sự thật, tuy nhiên tôi không chắc có đúng theo kế hoạch của tôi hay những gì tôi đang nghĩ không. Tôi đang chờ đợi, có lẽ, cho tình huống sắp đến của chị Caro. Hoặc của con chó.
Tôi không biết là tôi đã ngồi hơn năm phút rồi.
Vậy là tôi ngồi bệt xuống đấy, chờ đợi – trên hay dưới năm phút, tôi không biết nữa. Trời cũng không lạnh lắm.
Tôi đã gặp một người chuyên nghiệp về chuyện này và bà ta thuyết phục tôi – suốt dạo đó, bà ta đã thuyết phục tôi – rằng chắc chắn tôi đã cố mở cửa toa xe và thấy cửa khóa. Khóa bởi vì mẹ và chú Neal đang ân ái và họ đã khóa để khỏi bị quấy rầy. Nếu lúc ấy tôi đập cửa, thì cả hai chắc sẽ giận dữ lắm. Bà luật sư hài lòng vì giúp tôi đi đến kết luận còn tôi cũng rất nhẹ nhõm, thoải mái trong lòng. Được một thời gian dài. Nhưng bây giờ tôi không còn nghĩ đó là sự thật nữa. Tôi không nghĩ là họ đã khóa cửa, bởi có một lần cửa không khóa và chị Caro xộc vào với bộ mặt bối rối thì đã bị họ cười cho.
Có lẽ tôi đã nhớ ra rằng chú Neal nói chó không thể chết đuối được, điều đó có nghĩa rằng việc chị Caro cứu con Blitzee là không cần thiết. Do đó bản thân chị không thể diễn trò. Quá nhiều trò với chị Caro.
Có phải tôi đã nghĩ rằng chị biết bơi? Chín tuổi, nhiều đứa trẻ có thể bơi. Thực tế cho thấy chị có tập bơi mùa hè trước, nhưng khi chúng tôi chuyển đến toa xe thì chị không theo lớp học bơi nữa. Có lẽ chị cho rằng mình bơi tốt, chẳng có gì lo. Trong thâm tâm tôi nghĩ chị có khả năng làm bất cứ điều gì chị muốn.
Bà luật sư đã không đưa ra giả thuyết hay đề nghị tôi thừa nhận là tôi phát ốm với việc phải tuân theo mệnh lệnh của chị Caro, nhưng đã có lúc ý nghĩ đó chợt hiện trong tôi. Dù sao thì cũng khá hợp lý, nếu tôi lớn hơn, có lẽ…còn lúc ấy tôi mong chị đặt mình vào vị trí của tôi. Tôi đã ngồi đó bao lâu? Chắc không lâu. Và có lẽ tôi đã gõ cửa. Chừng một phút sau, không hiểu lý do gì mẹ ra mở cửa, chắc mẹ linh cảm có chuyện.
Điều kế tiếp là tôi ở bên trong. Lúc này mẹ tôi la lớn và hình như đang cố gắng làm cho chú Neal hiểu điều gì đó. Chú đứng lên ôm mẹ với những lời an ủi dịu ngọt. Nhưng đó không phải là điều mẹ tôi muốn, mẹ gạt tay chú chạy ra ngoài. Chú ấy lắc đầu, chán chường nhìn xuống bàn chân trần của mình.
Tôi nghĩa chú ấy nói câu gì đó với tôi bằng giọng ê a buồn bã. Lạ lùng.
Tôi chỉ nhớ bấy nhiêu đó.
*
Mẹ đã không lao mình xuống nước. Sau cú sốc đó, không có chuyện sảy thai hay sinh non. Độ tuần lễ hay chục ngày sau đám tang, em trai tôi, Brent, mới được sinh ra, và nó đủ ngày đủ tháng. Mẹ nằm chờ sinh ở đâu thì tôi không rõ. Có lẽ người ta cố giữ mẹ thật lâu trong bệnh viện để giúp mẹ vượt qua cú sốc này.
Còn ngày tang lễ thì tôi nhớ rất rõ. Một người phụ nữ hiền hậu, dễ tính mà tôi chưa hề gặp trước đây – tên cô ấy là Josie – đã ở bên tôi. Tôi được chơi đu quay, chui vào nhà búp bê, dự tiệc với những món tôi ưa thích. Sau này tôi mới biết cha đã quen cô Josie ở Cuba, và sau khi li dị cô ấy trở thành mẹ kế của tôi, vợ thứ hai của cha.
Mẹ tôi đã hồi phục, lấy lại được thăng bằng, phải vậy thôi, Brent cần được chăm sóc, và cả tôi nữa. Tôi cứ ngỡ mình đã ở với cha và cô Josie – tôi không rõ mình đã ở cùng Brent cho đến khi nó đủ lớn để ngồi trên ghế cao ăn cơm.
Mẹ đã trở lại làm việc tại nhà hát. Lúc đầu có lẽ vẫn là người chỉ chỗ như trước nhưng vào khoảng thời gian tôi đi học thì mẹ có một công việc thật sự, có lương ổn định – quản lý kinh doanh. Nhà hát đã trải qua nhiều thăng trầm và đến giờ vẫn còn hoạt động.
Chú Neal không tin vào chuyện ma chay nên không có mặt tại tang lễ chị Caro. Chú chẳng biết mặt Brent. Chú đã để lại một lá thư – sau này tôi mới tìm thấy – nói rằng chú chưa hề có ý định làm cha và đáng lý chú đã bỏ cuộc ngay từ đầu. Tôi không bao giờ cho Brent biết tí gì về chú bởi tôi nghĩ điều này sẽ làm mẹ buồn lòng. Cũng vì Brent chỉ chút chút giống chú Neal và thực tế thì nó có vẻ giống cha tôi nhiều hơn, giống đến nỗi tôi thật sự thắc mắc về chuyện mẹ mang bầu. Cha chẳng hề hé răng về điều này, và sẽ không bao giờ với một người tốt bụng như cha. Cha đối xử với Brent y chang với tôi.
Cha và cô Josie không có con, tôi nghĩ vấn đề này không gây phiền phức cho họ. Cô Josie là người duy nhất hỏi chuyện về Caro nhưng chỉ đôi khi thôi. Cô khẳng định là cha tôi không có trách nhiệm về mẹ tôi. Cha cũng nói rằng cha khá bảo thủ trong khi mẹ muốn cuộc sống sôi động hơn. Cha cần một bước ngoặt, một sự bứt phá chứ buồn rầu mãi chẳng ích gì. Không có cú hích đó thì cha sẽ không bao giờ gặp được cô Josie để cả hai hạnh phúc như bây giờ.
“Cả hai nào vậy?” tôi sẽ hỏi trật ngược, và cha sẽ nói như đinh đóng cột, “Josie. Tất nhiên là Josie rồi.”
Mẹ không được ai gợi để nhớ lại những khoảnh khắc đã qua và tôi cũng không muốn làm mẹ rối. Tôi biết rằng mẹ đã lái xe đến tận chỗ chúng tôi sống và nhận ra cảnh vật thay đổi nhiều với những căn nhà hiện đại mọc lên.
Thậm chí những nơi trước đây là hố sỏi thì giờ người ta đã san lấp nâng móng xây nhà.
*
Tôi có người bạn tên là Ruthann, trẻ hơn tôi nhưng tôi nghĩ thông minh hơn tôi một chút. Chí ít cũng lạc quan hơn về việc “tạm biệt buồn đau” của tôi. Tôi sẽ không liên lạc với chú Neal nếu không vì sự thúc giục của cô ấy. Tất nhiên đã lâu lắm rồi tôi chẳng có địa chỉ cũng không hề nghĩ tới việc thư từ cho chú nhưng cuối cùng chính chú đã gửi cho tôi. Bức thư rất ngắn để “chúc mừng” – sau khi chú thấy hình tôi trên báo Giáo dục. Tôi không rõ chú đọc tờ đó để làm gì. Tôi là một trong hai sinh viên đã được nhận bằng danh dự trong lễ tốt nghiệp đại học.
Chú đang sống – nơi tôi đã học đại học – cách chỗ tôi dạy khoảng 50 dặm. Lúc đầu tôi không có ý định trả lời thư, nhưng khi tôi nói chuyện đó với Ruthann thì cô ấy khuyên tôi nên hồi âm. Rốt cuộc tôi gửi e-mail và hẹn gặp chú tại một quán nhỏ của trường đại học gần nhà chú.
Chú già hẳn, tóc thưa đi nhiều, trông chú thấp hơn hồi xưa. Chú rót cho tôi ly trà và chúng tôi cùng dùng trà.
Chú làm gì để sống?
Chú nói rằng chú dạy kèm, luyện thi cho sinh viên và giúp họ viết tiểu luận. Dĩ nhiên có thù lao.
“Không có cách nào trở thành triệu phú cả, chú có thể nói với cháu vậy.”
Chú sống khá chật vật nhưng đàng hoàng – chú thích vậy. Chú không quan tâm đến lối ăn bận, đồ rẻ tiền cũng ôkê.
“Theo nguyên tắc của mình.”
Tôi không có bất cứ điều gì để chúc mừng chú nhưng có lẽ chú muốn nghe tôi nói lời nào đó.
“Dù sao đi nữa chú nghĩ cách sống của chú không thú vị lắm, chú nghĩ chắc cháu muốn biết mọi chuyện đã xảy ra như thế nào.”
Tôi không biết nói sao.
“Chú đã bị ném đá vì quá u mê,” chú tiếp – “Vả lại chú chẳng phải là một tay bơi… Không có nhiều hồ bơi nơi chú lớn lên. Lẽ ra…hồi xưa chú…cũng…đã bị chết đuối rồi. Đó là những gì cháu muốn biết phải không?”
Tôi nói rằng riêng chú, thực sự tôi hầu như không có gì thắc mắc.
Rồi chú trở thành người thứ ba mà tôi hỏi câu “Caro đã nghĩ gì?”
Bà luật sư đã từng nói chúng ta không thể biết. “Có khả năng chính Caro cũng không biết mình muốn gì. Nhưng chắc Caro không tự tử dù tâm trạng rất tệ.”
Ruthann đã từng nói: “Để mẹ bạn muốn làm gì thì làm? Để bà ta sáng mắt ra và hiểu rằng bà ta phải quay lại với cha bạn?”
Chú Neal trả lời tôi, “Không thành vấn đề. Có lẽ Caro không bơi tốt như nó tưởng. Nó không biết quần áo ấm sẽ trì níu cản trở thế nào. Hoặc giả không có ai ở đó để giúp nó lúc ấy.”
Chú nói tiếp, “Đừng lãng phí thời gian, đừng suy nghĩ sao mình không nhanh chân, không chạy về kêu cứu ngay. Đừng mang nặng cảm giác tội lỗi trong lòng.”
Tôi đáp rằng mình ghi nhận và sẽ nghĩ thấu đáo lời chú khuyên, nhưng không phải vậy.
“Tất cả đã qua, mọi thứ sẽ ổn thôi,” chú nói. “Cho dù chuyện gì…hãy cố gắng vượt qua. Chỉ vì hoàn cảnh tạo ra. Hãy chấp nhận và rồi bi kịch sẽ tan biến thôi, lúc đó cháu sẽ thấy cuộc đời còn nhiều điều tốt đẹp. Hãy thanh thản nhẹ bước trên con đường của mình.”
Giờ thì, tạm biệt.
Tôi hiểu những gì chú muốn nói. Đó là những việc đúng đắn để thực hiện. Nhưng, trong tâm trí tôi, chị Caro vẫn mãi chạy, chạy hết tốc lực, phóng thẳng xuống mặt nước trong niềm vui chiến thắng. Và tôi vẫn ở đó, đợi chị một lời giải thích. Tôi thoảng nghe tiếng va đập vang vọng, vẫn thấy cột nước bắn lên. Bọt tung trắng xóa hồn tôi.
Nguyễn Trung dịch từ nguyên tác tiếng Anh, truyện ngắn “Gravel.”

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét