Tổng thống Barack Obama đọc Thông
điệp Liên bang cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ
vào lúc 21h ngày 12/1 (giờ Mỹ), tức 9h sáng 13/1 giờ Việt Nam.
LTS: Tính đến nay, ông Obama đã đọc 6 bản Thông điệp Liên
bang (State of the Union), cùng một bài phát biểu có hình thức tương tự trước
Quốc hội Mỹ sau khi trở thành ông chủ Nhà Trắng không lâu.
Trong 2 nhiệm kỳ, ông đã đề ra nhiều
chính sách, thực hiện các báo cáo sâu rộng về tầm nhìn quốc gia của ông, cũng
như không ít lần thách thức Quốc hội để thông qua các đạo luật.
Trong Thông điệp cuối cùng ngày hôm
nay, ông nhìn lại những vấn đề được nêu ra trước đây, cùng những gì đã thực
hiện và chưa thực hiện trong các lĩnh vực đó.
Dưới đây, chúng tôi xin gửi tới quý
độc giả toàn văn Thông điệp Liên bang 2016 của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Giáo sư-Tiến sĩ Báo chí Truyền
thông, Đại học Tổng hợp Messiah, Mỹ
Edward Arke
Theo tôi, Tổng thống cần nhắc tới
vấn đề an ninh nội địa trong bài thông điệp liên bang của mình. Dù biết rằng Mỹ
là nơi an toàn hơn nhiều địa điểm khác trên thế giới, rất nhiều công dân Mỹ
đang bất an trước những mối đe dọa bạo lực gần đây. Mối đe dọa từ khủng bố là
đương nhiên, nhưng quan trọng hơn, mà lại ít được nói đến hơn, là mối đe dọa từ
chính những người đồng hương, và việc sử dụng vũ khí bừa bãi của họ.
Thưa ngài Chủ tịch Hạ viện, Ngài Phó Tổng thống, các Nghị sĩ
Quốc hội, và toàn thể người dân nước Mỹ:
Đêm nay đánh dấu năm thứ 8 tôi đứng
tại đây để tổng kết về tình hình nước Mỹ. Và trong Thông điệp Liên bang lần
cuối này, tôi sẽ cố gắng nói ngắn gọn hơn. Vì tôi biết rất nhiều người trong số
các bạn đang nôn nóng muốn xong nhanh để trở lại Iowa lắm rồi (bang Iowa là địa
điểm diễn ra đợt bầu cử sơ bộ đầu tiên của mùa tranh cử Tổng thống 2016 – PV).
Tôi hiểu điều đó bởi mùa bầu cử đang
diễn ra, và trong lúc này, kì vọng về những thành tựu chúng ta sẽ đạt được
trong năm nay không nhiều. Nhưng, thưa ngài Chủ tịch Hà viện, tôi vẫn đánh giá
cao hướng đi mang tính xây dựng của ông và những nhà lãnh đạo khác cuối năm
ngoái, để chúng ta có thể thông qua ngân sách và cắt giảm thuế cho những người
dân lao động nước Mỹ.
Vì thế, tôi hi vọng chúng ta có thể
tiếp tục hợp tác trong năm nay, trong các ưu tiên của cả hai đảng như cải cách
bộ luật hình sự, và hỗ trợ những người dân đang phải chống chọi với lạm dụng
thuốc kê đơn. Và như vậy chúng ta sẽ một lần nữa lại có thể gây bất ngờ cho
những ai còn đang hoài nghi.
Nhưng đêm nay, tôi không muốn tập
trung vào việc liệt kê những đề xuất cho năm mới. Đừng lo, tôi vẫn có nhiều đề
xuất lắm, từ việc hỗ trợ học sinh sinh viên viết code máy tính cho đến việc cá
nhân hóa điều trị cho các bệnh nhân.
Và tôi sẽ còn tiếp tục đẩy mạnh thực
hiện những việc cần làm. Đó là sửa đổi một hệ thống nhập cư nhiều lỗ hổng. Bảo
vệ con em chúng ta khỏi bạo lực súng đạn. Đảm bảo công bằng thu nhập, nghỉ phép
có lương, tăng mức lương tối thiểu.
Tất cả những điều đó đều rất quan
trọng đối với tầng lớp lao động. Tất cả đều là những việc cần làm, và tôi sẽ
không từ bỏ, chừng nào chúng chưa được thực thi.
Ảnh: New York Times
Nhưng trong bài phát biểu cuối cùng
tại điện Capitol hôm nay, tôi không muốn chỉ nói đến năm tới, mà tôi muốn nhấn
mạnh vào những gì sẽ diễn ra trong 5 năm, 10 năm tới, và xa hơn nữa.
Tôi muốn nhấn mạnh vào tương lai của
chúng ta.
Chúng ta đang sống trong một thời
đại của những thay đổi lớn lao – những thay đổi trong cuộc sống hàng ngày,
trong công việc, hay xa hơn là thay đổi với cả hành tinh cũng như vị trí của
chúng ta trên thế giới này.
Sự thay đổi ấy hứa hẹn những đột phá
tuyệt vời trong y học, nhưng cùng với đó là những rào cản kinh tế kìm hãm sự
phát triển của tầng lớp lao động.
Sự thay đổi ấy hứa hẹn trao cho các
em gái ở những ngôi làng hẻo lánh nhất cơ hội được đến trường, nhưng cùng với
đó cũng mở đường cho âm mưu của những tên khủng bố ở bên kia đại dương.
Sự thay đổi ấy sẽ mở ra những cơ hội
mới, hoặc làm trầm trọng hơn vấn đề bất bình đẳng. Và dù chúng ta có muốn vậy
hay không, thì sự thay đổi ấy vẫn sẽ diễn tiến với tốc độ chóng mặt.
Nước Mỹ đã trải qua những sự thay
đổi lớn như vậy trong quá khứ – với những cuộc chiến tranh, những cuộc khủng
hoảng tài chính, những dòng người di cư đổ về, những người lao động đấu tranh
vì quyền lợi, và những phong trào kêu gọi mở rộng quyền công dân.
Mỗi lần như vậy, lại xuất hiện những
người nói rằng chúng ta nên sợ hãi né tránh tương lai, những người khẳng định
chúng ta phải kìm hãm sự thay đổi, và hứa hẹn rằng chỉ bằng việc kiểm soát một
nhóm người hay một hệ tư tưởng nào đó đang đe dọa thì nước Mỹ, thì chúng ta có
thể đưa nước Mỹ trở về thời hoàng kim trong quá khứ.
Và mỗi lần như vậy, chúng ta đều
vượt qua những nỗi sợ. Như Lincoln đã từng nói, chúng ta không tuân theo “những
giáo lý bảo thủ của quá khứ”. Thay vào đó, chúng ta mới mẻ hóa trong cả suy
nghĩ lẫn hành động.
Chúng ta đã khiến những sự thay đổi
ấy trở nên có ích, mở rộng nước Mỹ của những hứa hẹn tới một giới hạn mới, tới
ngày một nhiều người hơn. Và vì chúng ta nhận ra cơ hội khi người khác chỉ thấy
được rủi ro, nên chúng ta luôn vươn lên mạnh mẽ và phát triển hơn trước.
Những gì đã đúng khi xưa hoàn toàn
có thể áp dụng cho cả hiện tại. Những thế mạnh đặc trưng của đất nước chúng ta
– sự lạc quan và tác phong làm việc, tinh thần tìm hiểu và đổi mới, sự đa dạng
và cam kết tôn trọng luật pháp – những thế mạnh ấy cho chúng ta mọi thứ mình
cần cần để đảm bảo một tương lai thịnh vượng và an toàn cho nhiều thế hệ sau
này.
Trước giờ đọc Thông điệp Liên bang,
Tổng thống Obama đã chia sẻ trên Twitter rằng ông coi Thông điệp lần cuối cùng
này cũng giống như lần đầu tiên, bởi ông vẫn còn nhiều điều mong mỏi.
Thật vậy, chính tinh thần ấy là động
lực thúc đẩy những tiến bộ trong 7 năm vừa qua. Tinh thần ấy đã giúp chúng ta
phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thế hệ.
Tinh thần ấy đã giúp chúng ta cải
cách hệ thống bảo hiểm y tế, và tái tạo ngành công nghiệp năng lượng.
Tinh thần ấy đã giúp chúng ta chăm
sóc tốt hơn và đem lại nhiều quyền lợi hơn cho các quân nhân Mỹ, và cũng chính
tinh thần ấy đã giúp chúng ta trao quyền tự do cho công dân nước Mỹ ở tất cả
các bang được lập gia đình với người mà họ yêu thương (ý nói đạo luật hôn nhân
đồng tính được Tòa án tối cao Mỹ thông qua hồi tháng 6 năm ngoái – PV).
Nhưng những tiến bộ nói trên không
phải cứ thế mà có. Đó là hệ quả của những sự lựa chọn chúng ta cùng nhau đưa
ra. Và chúng ta cũng đang đứng trước những lựa chọn như vậy.
Liệu chúng ta sẽ đối mặt với những
lựa chọn của thời đại này với nỗi sợ hãi, để rồi cả nước tụt hậu và người Mỹ
quay sang đấu đá lẫn nhau?
Hay chúng ta sẽ hướng tới tương lai
với sự tự tin vào chính mình, tự tin vào những giá trị mà chúng ta đấu tranh để
gìn giữ, và tự tin vào những điều phi thường mà chúng ta có thể làm được cùng
nhau?
Vì thế, hãy nói đến tương lai, và 4
câu hỏi lớn mà chúng ta, với tư cách một dân tộc, phải trả lời cùng nhau – bất
kể vị Tổng thống kế tiếp có là ai, hay đảng nào sẽ kiểm soát Quốc hội sau kì
bầu cử tới đi chăng nữa.
Thứ nhất, làm cách nào để chúng ta
trao cơ hội bình đẳng và một sự đảm bảo tài chính cho tất cả mọi người trong
bối cảnh kinh tế mới hiện nay?
Thứ hai, làm cách nào để chúng ta có
thể tận dụng công nghệ, thay vì để nó gây ảnh hưởng tiêu cực tới chính mình –
nhất là trong việc giải quyết những thách thức cấp bách như biến đổi khí hậu?
Thứ ba, làm cách nào để chúng ta đảm
bảo an toàn cho nước Mỹ, và lãnh đạo thế giới này mà không trở thành “cảnh sát”
của nhân loại?
Và cuối cùng, làm cách nào chúng ta
thay đổi cách làm chính trị để thể hiện những gì tốt đẹp nhất của nước Mỹ, thay
vì phơi bày ra những gì xấu xí nhất?
>>> Obama
tung con số chứng minh Bắc Kinh và Moscow hoàn toàn “lép vế”
- “Nền kinh tế mạnh nhất thế giới”
Tôi xin được bắt đầu với nền kinh
tế, bằng một sự thật “nho nhỏ”: Nước Mỹ hiện nay đang có nền kinh tế mạnh nhất,
và ổn định nhất trên thế giới.
Lượng công ăn việc làm tạo ra trong
hệ thống các công ty tư nhân đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Hơn 14 triệu
công việc mới; lượng công ăn việc làm tạo ra trong kì 2 năm ở mức cao nhất kể
từ thập niên 90; tỉ lệ thất nghiệp giảm một nửa.
Nền công nghiệp ô tô vừa trải qua
năm thành công nhất. Công nghiệp chế tạo máy đã tạo ra gần 900.000 công ăn việc
làm trong 6 năm qua. Và chúng ta đạt được tất cả những thành tựu nói trên trong
khi vẫn cắt giảm được gần 3/4 lượng thâm hụt ngân sách.
Những ai khẳng định kinh tế Mỹ đang
suy thoái đều chỉ là ảo tưởng. Thực chất – và lý do tại sao nhiều người Mỹ cảm
thấy bất an – là nền kinh tế đang thay đổi một cách rõ rệt trong thời gian qua,
những sự thay đổi đã bắt nguồn từ trước Đại Khủng Hoảng và đến nay vẫn chưa
hoàn tất.
Ngày nay, công nghệ không chỉ thay
thế những công nhân làm việc trong nhà máy, mà ở bất kì nơi đâu, bất kì công
việc nào có thể được tự động hóa. Các công ty trong thời đại kinh tế toàn cầu
có thể “đóng đô” ở bất cứ đâu họ muốn, và phải đối mặt với sự cạnh tranh gay
gắt hơn.
Kết quả là những người lao động
không có nhiều lý do để xin tăng lương. Các công ty cũng có ít lý do hơn để
trung thành với cộng đồng nơi họ hoạt động. Và sự khác biệt giàu nghèo ngày
càng rõ rệt.
Tất cả những xu thế trên đã bóp
nghẹt tầng lớp lao động, dù rằng họ vẫn có công ăn việc làm. Tuy kinh tế đang
phát triển, nhưng các gia đình ở tầng lớp lao động đang gặp nhiều khó khăn để
kéo mình ra khỏi diện nghèo. Giới trẻ gặp nhiều khó khăn để khởi nghiệp, người
già cũng khó lòng về hưu khi họ muốn.
Và cho dù tất cả những xu thế nói
trên không chỉ riêng ở Mỹ mới có, chúng vẫn là một thách thức đối với niềm tin
trong mỗi người dân nước Mỹ, rằng bất kì ai hăng say làm việc đều xứng đáng có
được cơ hội bình đẳng.
>>> Tiết lộ
“người sống sót” quan trọng số 1 tại Thông điệp Liên bang Obama
Trong 7 năm qua, mục tiêu của chúng
ta là một nền kinh tế phát triển và có lợi hơn cho tất cả mọi người. Chúng ta
đã có những bước tiến nhất định trong việc đạt được mục tiêu ấy. Nhưng chúng ta
cần nhiều hơn thế.
Và dù chúng ta vẫn có nhiều bất đồng
chính trị trong những năm qua, vẫn còn đó những khía cạnh mà tất cả mọi công
dân Mỹ có thể đồng tình.
Chúng ta nhất trí rằng cơ hội thật
sự cho mỗi người dân Mỹ đồng nghĩa với việc họ phải được giáo dục và đào tạo để
kiếm được một công việc trả lương ổn.
Cải cách “Không để bất kì đứa trẻ
nào bị tụt hậu” (No Child Left Behind) là một xuất phát điểm quan trọng. Cùng
với nhau, chúng ta đã tăng số lượng những trung tâm giáo dục trẻ nhỏ, tăng tỉ
lệ tốt nghiệp cấp 3 lên mức cao nhất từ trước đến nay, và tăng số lượng sinh
viên tốt nghiệp ở các ngành nghề như kĩ sư.
Trong những năm tới, chúng ta cần
tiếp nối những bước tiến ấy, bằng việc trao cơ hội được học mẫu giáo cho tất cả
các em nhỏ, bằng việc trang bị kĩ năng toán tin sao cho học sinh sinh viên có
thể sẵn sàng ngay trong ngày đầu làm việc, và bằng việc tuyển mộ thêm nhiều thầy
cô giáo tuyệt vời hơn nữa cho con em chúng ta.
Và chúng ta phải làm sao để mỗi
người dân Mỹ đều có đủ điều kiện học đại học. Vì không một sinh viên học hành
chăm chỉ nào đáng phải chịu cảnh nợ nần để có thể được học đại học. Chúng ta đã
cắt giảm được lượng tiền trả nợ định kì xuống còn 10% thu nhập của người vay.
Nay, chúng ta phải cắt giảm học phí đại học.
Miễn phí hoàn toàn 2 năm cao đẳng
cộng đồng (community college) cho mỗi sinh viên là một trong những cách tốt
nhất để làm được điều đó, và tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để dự luật này được
thông qua trong năm nay.
Đương nhiên, một nền giáo dục phát
triển không phải là tất cả những gì chúng ta cần trong nền kinh tế hiện nay.
Chúng ta còn cần những lợi ích, sự bảo vệ, như một hình thức đảm bảo cơ bản cho
tương lai.
Không phải cường điệu khi nói rằng
một vài trong số những người Mỹ hiếm hoi được làm cùng một nghề, cùng một nơi,
có bảo hiểm y tế và gói lương hưu đầy đủ, trong 30 năm, đang ngồi trong khán
phòng hôm nay.
Còn với những người khác, đặc biệt
là những người trong độ tuổi 40-50, tiết kiệm để về hưu hay phục hồi sau khi
mất việc là một thách thức đang trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Người Mỹ cần hiểu rằng vào một lúc
nào đấy trong sự nghiệp của mình, họ có thể sẽ phải đổi ngành, đổi nghề. Nhưng
thật không phải khi họ mất đi những gì mình đã cố gắng rất nhiều năm để gây
dựng nên.
Đó là lý do tại sao Bảo hiểm Xã hội
và Medicare đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta phải cải thiện
hai hệ thống này, thay vì làm yếu chúng. Và với bộ phận người Mỹ sắp về hưu,
những quyền lợi cơ bản cần được linh hoạt như mọi thứ khác ở thời đại này.
Đó cũng chính là tinh thần của Đạo
luật Affordable Care Act (hay còn được biết đến với cái tên Obamacare – PV). Nó
giúp bồi lấp khoảng trống bảo hiểm phụ thuộc công ty chủ quản mà người lao động
mất đi sau khi mất việc, hay trở lại đi học, hay khởi nghiệp, sao cho khi đó họ
vẫn được bảo hiểm.
Gần 18 triệu người Mỹ đã có được
quyền lợi này tính đến thời điểm hiện nay. Lạm phát y tế đã giảm. Và các công
ty đã tạo thêm được công ăn việc làm đều đặn hàng tháng kể từ khi đạo luật được
kí kết.
Tôi cũng đoán được rằng còn lâu
chúng ta mới có thể chung quan điểm về vấn đề bảo hiểm y tế. Nhưng chắc chắn
phải có cách nào đó để cả hai đảng cải thiện an ninh kinh tế.
Giả sử một người Mỹ làm việc chăm
chỉ nhưng mất việc – chúng ta không chỉ cần đảm bảo rằng anh ta được hưởng bảo
hiểm thất nghiệp, và còn phải đảm bảo anh ấy được học nghề để một công ty khác
sẵn sàng tuyển mộ.
Nếu công việc mới có lương bổng
không cao như trước thì phải có một hệ thống bảo hiểm thu nhập sẵn sàng để hỗ
trợ anh ấy chi trả các chi phí hàng tháng.
Và chúng ta cần đảm bảo rằng kể cả
khi liên tục phải nhảy việc, anh ấy vẫn có thể giữ lại một chút gì đó để về hưu
với một khoản tiết kiệm đủ sống. Đó là cách chúng ta có thể khiến nền kinh tế
mới này có ích hơn cho mọi người.
Tôi cũng biết rằng Ngài Chủ tịch Hạ
viện Ryan từng nói về ưu tiên giảm nghèo. Tinh hoa của nước Mỹ nằm ở chỗ chúng
ta luôn sẵn lòng dang tay giúp đỡ bất cứ ai có tinh thần sẵn sàng làm việc, và
tôi luôn sẵn lòng thảo luận nghiêm túc về những chiến lược tất cả chúng ta có
thể nhất trí để làm được điều đó, như mở rộng cắt giảm thuế đối với những người
lao động thu nhập thấp và không có con cái.
Nhưng còn nhiều mảng khác mà trong
suốt 7 năm qua, sự đồng thuận là một cái gì đó quá khó khăn – cụ thể là vai trò
của chính phủ trong việc đảm bảo hệ thống không bị lợi dụng để phục vụ lợi ích
của những tập đoàn giàu có. Và cũng chính trong vấn đề này, người Mỹ có quyền
được lựa chọn.
Tôi tin rằng một hệ thống doanh
nghiệp tư nhân phát triển chính là xương sống của nền kinh tế chúng ta. Tôi
nghĩ có những luật lệ đã quá lỗi thời cần phải thay đổi, có những sự quan liêu
thừa thãi cần phải cắt bỏ.
Nhưng sau nhiều năm ghi nhận doanh
thu kỉ lục của các tập đoàn tư nhân, tầng lớp lao động không thể có thêm cơ hội
hay tăng thêm thu nhập cho riêng mình nếu cứ để những ngân hàng lớn, những tập
đoàn dầu khí quyền lực, hay những quỹ đầu tư khổng lồ tiếp tục đặt ra luật lệ
riêng khiến người khác phải chịu khổ; hay cứ để yên cho những đợt công kích
nhắm vào hoạt động thương lượng tập thể của người lao động tiếp diễn.
Tem phiếu không phải tác nhân gây ra
khủng hoảng tài chính, mà là do sự vô trách nhiệm của Phố Wall.
Những người nhập cư không phải lý do
tại sao mức lương không tăng; mà là do những quyết định của hội đồng quản trị,
những người thường chỉ biết ưu tiên doanh thu theo quý mà không suy tính lợi
nhuận đường dài.
Và những kẻ trốn thuế bằng cách lập
tài khoản ở nước ngoài chắc chắn không nằm trong những hộ gia đình trung lưu
đang nghe bài phát biểu của tôi hôm nay.
Trong nền kinh tế mới này, người lao
động, người khởi nghiệp, và những hộ kinh doanh nhỏ lẻ cần một tiếng nói đại
diện cho họ. Luật lệ cần được tạo ra để có ích cho họ.
Và năm nay, tôi dự kiến ưu tiên đề
cao rất nhiều những doanh nghiệp đã nhận ra rằng, đối xử công bằng với người
làm thuê sẽ tốt cho cổ đông của họ, khách hàng của họ, và cộng đồng xung quanh
họ, sao cho những đường lối tiến bộ này có thể được truyền bá khắp nước Mỹ.
Thật vậy, rất nhiều công dân làm tư
nhân cũng chính là những bộ óc sáng tạo nhất nước Mỹ. Điều này đưa tôi đến câu
hỏi lớn thứ hai mà chúng ta, với tư cách một dân tộc, cần cùng nhau tìm ra câu
trả lời: Làm cách nào chúng ta đốt cháy lại ngọn lửa của tinh thần sáng tạo để
đáp ứng những thách thức lớn nhất hiện nay?
“Tinh thần khám phá nằm trong
DNA”
60 năm trước, khi người Nga đánh bại
chúng ta trên mặt trận công nghiệp vũ trụ, chúng ta không phủ nhận việc vệ tinh
Sputnik của họ đã lên được vũ trụ.
Chúng ta không tranh cãi về mặt khoa
học, hay giảm ngân sách nghiên cứu và phát triển công nghiệp vũ trụ. Thay vào
đó, chúng ta xây dựng một chương trình nghiên cứu không gian gần như chỉ sau
một đêm, và 12 năm sau, người Mỹ đã bước chân lên mặt trăng.
Tinh thần khám phá ấy đã nằm trong
DNA của chúng ta. Chúng ta là Thomas Edison, là anh em nhà Wright, là George
Washington Carver. Chúng ta là Grace Hopper, là Katherine Johnson, là Sally
Ride.
Chúng ta là tất cả những người nhập
cư và khởi nghiệp từ Boston hay Austin đến Thung lũng Silicon, tất cả vì mục
đích khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Và trong 7 năm qua, chúng ta đã nuôi
dưỡng được tinh thần ấy.
Chúng ta đã bảo vệ được hệ thống
mạng Internet mở, và bước những bước bạo dạn trong việc giúp ngày càng nhiều
sinh viên cùng những người Mỹ có thu nhập thấp được sử dụng Internet.
Chúng ta đã khởi xướng những mạng
lưới sản xuất thế hệ mới, những công cụ online, giúp những người có chí được
trang bị mọi thứ mình cần để khởi nghiệp chỉ trong một ngày.
Nhưng chúng ta có thể làm được nhiều
hơn thế. Năm ngoái, Phó Tổng thống Biden nói rằng với quyết tâm cao, nước Mỹ có
thể tìm ra cách chữa trị ung thư.
Tháng trước, ông Biden đã làm việc
với Quốc hội để trao cho những nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Sức khỏe Quốc
gia một đợt trang bị tài nguyên mạnh mẽ nhất trong hơn một thập kỉ qua.
Đêm nay, tôi muốn tuyên bố khởi
xướng một chiến dịch mang tầm cỡ quốc gia nhằm đạt được mục tiêu đó.
Và bởi ông đã hi sinh rất nhiều cho
chúng ta, ở rất nhiều khía cạnh trong 40 năm qua, tôi xin được trao cho Joe
(Biden) quyền quản lý Nhiệm vụ Kiểm soát (Mission Control).
Vì tất cả những người thân đã rời xa
chúng ta, vì tất cả những gia đình chúng ta vẫn có thể cứu giúp, hãy cùng nhau
biến nước Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên chữa trị được ung thư.
>>> Obama hé
lộ “điều tiếc nuối nhất” trong 8 năm làm Tổng thống Mỹ
Nghiên cứu y học là một việc làm mấu
chốt. Chúng ta cần quyết tâm cao độ, giống như khi phát triển các nguồn tài
nguyên năng lượng sạch.
Nếu ai đó vẫn muốn phản bác tính
khoa học của vấn đề biến đổi khí hậu thì cứ việc. Bạn sẽ đơn độc thôi, vì bạn
sẽ phải tranh cãi với quân đội, phần lớn những doanh nhân hàng đầu, đại đa số
người dân Mỹ, và gần như tất cả cộng đồng người làm khoa học, cũng như 200 quốc
gia trên khắp thế giới, tất cả đều có chung quan điểm rằng đây là một vấn đề
cần phải được giải quyết.
Nhưng kể cả khi đây không phải vấn
đề; kể cả khi 2014 không phải là năm nóng nhất trong lịch sử – để rồi 2015 phá
vỡ kỉ lục cũ của 2014 – thì tại sao chúng ta lại muốn bỏ qua cơ hội cho các
doanh nghiệp Mỹ được sản xuất và phân phối nguồn năng lượng của tương lai?
7 năm trước, chúng ta đã thực hiện
vụ đầu tư vào năng lượng sạch lớn nhất trong lịch sử. Kết quả như sau. Trên các
đồng ruộng trải dài từ Iowa tới Texas, năng lượng gió đang có giá rẻ hơn các
nguồn năng lượng bẩn truyền thống.
Trên những mái nhà xuyên suốt từ
Arizona sang New York, năng lượng mặt trời đang tiết kiệm cho người Mỹ hàng
chục triệu USD chi phí năng lượng mỗi năm, và tạo nhiều công ăn việc làm hơn,
với thu nhập cao hơn mức trung bình so với ngành công nghiệp khai thác than.
Chúng ta đang đạt những bước tiến
trong việc trao quyền tự do người Mỹ được chế tạo và lưu giữ năng lượng cho
riêng mình – điều mà những nhà môi trường học cũng như cả các nghị sĩ bảo thủ
đều ủng hộ.
Cùng lúc đó, chúng ta cũng đã cắt
giảm gần 60% lượng dầu mỏ nhập khẩu, cắt giảm lượng ô nhiễm carbon nhiều hơn
bất cứ quốc gia nào khác trên Trái đất.
À, giá xăng dưới 2 USD/gallon cũng
không tệ. (1 gallon = 3,78 lít – PV)
Giờ chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ
“tẩy chay” năng lượng bẩn. Thay vì tiếp tục trợ cấp cho những thứ đã thuộc về
quá khứ, chúng ta cần đầu tư vào tương lai – nhất là tại các cộng đồng vẫn phụ
thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Đó là lý do tại sao tôi sẽ thúc đẩy
việc thay đổi cách quản lý nguồn năng lượng dầu khí và than đá, nhằm thể hiện
rõ nét hơn cái giá mà chúng gây ra cho người dân Mỹ cũng như hành tinh của
chúng ta.
Có như vậy, chúng ta mới tạo công ăn
việc làm được cho những cộng đồng nói trên, cũng như tạo công ăn việc làm cho
hàng chục nghìn người Mỹ trong việc xây dựng một hệ thống giao thông của thế kỉ
21.
Đương nhiên những điều này sẽ không
thể đạt được trong một sớm một chiều, và đương nhiên vẫn còn rất nhiều cá nhân
tổ chức vì lợi ích riêng mà muốn giữ nguyên hiện trạng.
Nhưng với những việc làm chúng ta
tạo ra, với những khoản tiền chúng ta tiết kiệm được, và với hành tinh chúng ta
gìn giữ – đó mới là viễn cảnh tương lai mà con cháu chúng ta xứng đáng được
hưởng.
Biến đổi khí hậu chỉ là một trong
nhiều những vấn đề mà an ninh quốc gia Mỹ có liên hệ mật thiết với phần còn lại
của thế giới.
Đó là lý do tại sao câu hỏi thứ ba
mà chúng ta cần cùng nhau tìm lời giải đáp là làm cách nào đảm bảo sự an toàn
và vững mạnh của nước Mỹ mà không tự cô lập bản thân hay cố gắng xây dựng lại
nhà nước ở bất cứ nơi đâu có vấn đề.
“Nước Mỹ là quốc gia hùng mạnh nhất
trên Trái đất. Chấm hết”.
Tôi đã nói với các bạn trước đó
rằng, tất cả những lời bàn tán về việc kinh tế Mỹ đang suy thoái chỉ mang màu
sắc chính trị mà thôi. Tương tự như vậy là những thứ các bạn nghe được về việc
những kẻ thù của chúng ta đang mạnh lên, còn Mỹ lại đang yếu đi.
Nước Mỹ là quốc gia hùng mạnh nhất
trên Trái đất. Chấm hết. Không có gì phải bàn cãi. Chi tiêu quân sự của chúng ta cao hơn tổng chi của 8 nước
đứng sau.
Quân đội Mỹ là lực lượng chiến đấu
tinh nhuệ nhất trong lịch sử thế giới. Không một nước nào dám tấn công chúng
ta, hay các đồng minh của chúng ta, vì họ hiểu rằng đó là con đường dẫn tới
thất bại.
Các con số thăm dò dư luận cho thấy
vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế hiện nay cao hơn so với khi tôi được bầu
vào ghế Tổng thống, và với tất cả những vấn đề quốc tế quan trọng, người dân
trên thế giới không tìm đến sự dẫn dắt của Bắc Kinh hay Moscow, mà họ tìm đến
chúng ta.
Donald Trump chê Thông điệp Liên
bang của Obama là một trong những bài phát biểu tẻ nhạt, lan man và lỏng lẻo
nhất mà tôi từng nghe trong suốt một thời gian dài
Donald Trump chê Thông điệp Liên
bang của Obama là “một trong những bài phát biểu tẻ nhạt, lan man và lỏng lẻo
nhất mà tôi từng nghe trong suốt một thời gian dài”
Là một người bắt đầu mỗi ngày mới
với một bản tổng kết tình báo, tôi hiểu đây là thời điểm đầy rẫy hiểm nguy.
Nhưng đó không phải vì sức mạnh nước Mỹ đang giảm sút, hay vì một siêu cường khác
nổi lên.
Trên thế giới ngày nay, mối đe dọa
không đến nhiều từ những cường quốc lạm quyền, mà là từ những nhà nước thất
bại.
Trung Đông đang trải qua một đợt
chuyển giao kéo dài cả một thế hệ, khơi nguồn bởi giao tranh đã có từ hàng
thiên niên kỉ trước. Những cơn bão thổi từ một nền kinh tế Trung Quốc đang
trong giai đoạn chuyển giao. Và kể cả khi nền kinh tế còn khó khăn, Nga vẫn đổ
nhiều tài nguyên vào việc can thiệp tại Ukraine và Syria – những quốc gia mà họ
nhận thấy đang dần rời xa quỹ đạo Nga.
Và trật tự thế giới dựng nên sau Thế
chiến II đang gặp nhiều khó khăn trong việc theo kịp với thực tế của thời đại
mới hiện nay.
Trách nhiệm xây dựng lại trật tự
thuộc về chúng ta. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta phải đặt ra những ưu
tiên.
Ưu tiên thứ nhất là bảo vệ người Mỹ,
và truy quét các mạng lưới khủng bố. Cả al-Qaeda và nay là IS đều mang mối hiểm
họa trực tiếp đối với người Mỹ, bởi trong thời đại hiện nay, chỉ một nhóm khủng
bố không quan tâm gì đến mạng sống con người, kể cả của chính bản thân chúng
thôi cũng đủ để gây nhiều thiệt hại.
Chúng sử dụng Internet để đầu độc
tâm hồn những người Mỹ; chúng phá đồng minh của chúng ta.
Nhưng trong lúc chúng ta tập trung
tiêu diệt IS, những lời khẳng định quá đáng rằng đây là Thế chiến III lại có
lợi cho những tên khủng bố này.
Những phần tử cực đoan cầm súng ngồi
sau xe bán tải và những đầu óc bệnh hoạn bí mật lên kế hoạch trong các chung cư
hay garage, là những mối đe dọa to lớn đối với người dân, và cần phải bị ngăn
chặn.
Nhưng tất cả những điều này không đe
dọa đến tồn vong của nước Mỹ.
Đó là câu chuyện mà IS muốn tất cả
phải tin, đó là những lời tuyên truyền chúng sử dụng để tuyển quân.
Chúng ta không cần phải chứng minh
quyết tâm chống khủng bố bằng cách khiến chúng mạnh hơn, và cũng không cần phải
đẩy những đồng minh quan trọng của mình sang một bên bằng việc nhắc lại những
lời dối trá rằng những gì IS đang làm là hiện thân của một trong những tôn giáo
lớn nhất thế giới.
Chúng ta đơn giản chỉ cần gọi chúng
theo đúng bản chất – những kẻ giết người bệnh hoạn mà chúng ta phải tìm diệt.
Đó chính là những gì chúng ta đang
làm. Trong hơn một năm qua, Mỹ đã dẫn đầu một liên quân 60 quốc gia với mục
tiêu cắt đứt nguồn tài chính, phá vỡ các âm mưu, chấm dứt dòng phần tử cực đoan
đổ về Trung Đông, và dập tắt hệ tư tưởng bệnh hoạn của IS.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ca ngợi:
Không thể đồng tình hơn với Tổng thống: Về những vấn đề gây lo ngại trên toàn
cầu, chúng ta sẽ vận động cả thế giới chung tay với mình.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ca ngợi:
“Không thể đồng tình hơn với Tổng thống: Về những vấn đề gây lo ngại trên toàn
cầu, chúng ta sẽ vận động cả thế giới chung tay với mình”.
Với gần 10.000 đợt không kích, chúng
ta đang tiêu diệt tầng lớp lãnh đạo, nguồn dầu khí, các trại huấn luyện, và vũ
khí của chúng.
Chúng ta đang huấn luyện, trang bị
vũ khí, và hậu thuẫn các lực lượng tích cực chiến đấu chiếm lại lãnh thổ từ tay
IS tại Iraq và Syria.
Nếu Quốc hội thực sự nghiêm túc muốn
giành thắng lợi trong trận chiến này, và muốn gửi một thông điệp tới quân đội
Mỹ cũng như toàn thế giới, các vị hãy sớm thông qua việc sử dụng lực lượng quân
đội chống lại IS. Hãy đem ra bỏ phiếu đi.
Nhưng người Mỹ hãy yên tâm rằng, dù
Quốc hội có hành động hay không, thì IS cũng sẽ phải nếm trải bài học đã từng
dành cho những tên khủng bố trước chúng.
Nếu các bạn hoài nghi quyết tâm của
nước Mỹ – hay của chính tôi – trong việc đảm bảo công lý được thực thi, hãy hỏi
Osama bin Laden. Hãy hỏi lãnh đạo al-Qaeda tại Yemen, kẻ đã bị tiêu diệt
năm ngoái. Hãy hỏi kẻ gây ra vụ tấn công tại Bengazi và giờ đang ngồi trong tù.
Khi các ngươi nhắm vào nước Mỹ, nước
Mỹ sẽ tìm bằng được các ngươi. Điều này sẽ cần thời gian, nhưng thù thì chúng
ta sẽ không bao giờ quên, và mạng lưới truy quét của chúng ta không có giới
hạn.
Chính sách đối ngoại của chúng ta
cần tập trung vào mối đe dọa từ IS và al-Qaeda, nhưng không thể chỉ dừng lại ở
đó.
Vì kể cả khi không còn IS, thì sự
bất ổn cũng sẽ tiếp diễn trong hàng thập kỉ ở nhiều nơi khác trên thế giới –
tại Trung Đông, tại Afghanistan và Pakistan, tại Trung Mỹ, châu Phi, và châu Á.
Một vài nơi trong số này đã trở
thành nơi trú ẩn an toàn cho các mạng lưới khủng bố; một số khác lại phải chịu
cảnh giao tranh sắc tộc, nạn đói, và tạo ra những làn sóng nhập cư kế tiếp.
Thế giới sẽ lại tìm đến chúng ta để
hỗ trợ giải quyết những vấn đề này, và câu trả lời của chúng ta không thể chỉ
là những lời nói cứng, hay những lời kêu gọi ném bom rải thảm dân lành. Nghe
trên TV thì có vẻ hay, nhưng sẽ chả có ích gì trên trường quốc tế.
Chúng ta cũng không thể cứ cố kiểm
soát và “đập đi xây lại” bất kì quốc gia nào gặp khủng hoảng. Điều đó không thể
hiện sự lãnh đạo, mà đó chỉ là công thức dẫn đến sự sa lầy, khiến người Mỹ phải
đổ máu, mất đi những tài nguyên mà rốt cục sẽ khiến chúng ta suy yếu.
Đáng ra giờ đây chúng ta đã phải học
thuộc lòng bài học ở Việt Nam, hay ở Iraq rồi.
May mắn là chúng ta có một cách tiếp
cận thông minh hơn, một chiến lược kiên nhẫn và kỉ luật, tận dụng mọi khía cạnh
trong sức mạnh quốc gia của nước Mỹ.
Nước Mỹ luôn hành động, hành động
đơn phương nếu cần thiết, để bảo vệ người dân và đồng minh của chúng ta; nhưng
trong các vấn đề mang tính toàn cầu, chúng ta sẽ huy động cả thế giới cùng hợp
tác, để mỗi nước hoàn thành phần trách nhiệm của riêng mình.
Đó là cách chúng ta tiếp cận các
cuộc giao tranh như tại Syria hiện nay, nơi chúng ta đang bắt tay với các lực
lượng địa phương cũng như lãnh đạo cộng đồng quốc tế trong việc giúp đỡ xã hội
tại đây hướng tới một nền hòa bình lâu dài.
Đó là lý do tại sao chúng ta xây
dựng một liên quân toàn cầu, với những lệnh trừng phạt và các biện pháp ngoại
giao dựa theo nguyên tắc, để ngăn chặn Iran trang bị vũ khí hạt nhân. Lúc này
đây, Iran đã tạm ngưng chương trình hạt nhân, chuyển giao lượng uranium dự trữ,
và thế giới đã tránh được một cuộc chiến khác.
Đó là cách chúng ta ngăn chặn Ebola
lây lan ở Tây Phi. Quân đội, các bác sĩ, và các nhân viên phát triển đã tạo ra
một nền tảng để các nước khác có thể cùng chúng ta dập tắt đại dịch này.
Đó là cách chúng ta tạo nên hiệp
định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) để mở cửa thị trường, bảo vệ quyền lợi
người lao động, bảo vệ môi trường, và nâng tầm lãnh đạo của Mỹ tại châu Á.
TPP đã cắt 18.000 loại hình thuế
quan đối với các sản phẩm do Mỹ sản xuất, và hỗ trợ tạo thêm nhiều công ăn việc
làm.
Với TPP, Trung Quốc không còn là
quốc gia đặt ra luật lệ tại châu Á-Thái Bình Dương, mà là chúng ta. Quốc hội
muốn chúng ta thể hiện sức mạnh nước Mỹ trong thế kỉ này ư? Vậy thì hãy thông
qua TPP đi, và trao cho chúng ta cơ hội để thể hiện.
50 năm cô lập Cuba đã không thể đề
cao nền dân chủ, và khiến chúng ta phải chịu một bước lùi ở Mỹ Latin.
Đó là lý do tại sao chúng ta khôi
phục quan hệ ngoại giao, mở cửa du lịch và giao thương, cũng như sẵn sàng cải
thiện đời sống của người dân Cuba.
Quốc hội muốn củng cố vị thế lãnh
đạo và niềm tin của các nước Tây bán cầu đối với Mỹ? Vậy thì hãy nhận ra rằng
Chiến tranh Lạnh đã qua rồi. Dỡ bỏ cấm vận đi.
Trả lời phóng viên USA Today, ứng
viên Tổng thống của đảng Dân chủ Bernie Sanders nhận xét bài phát biểu của ông
Obama xuất sắc. Còn trên Twitter của mình, ông Sanders viết: Bài phát biểu ngày
hôm nay rất quan trọng. Tổng thống đã nhắc chúng ta nhớ lại rằng, chúng ta
không sợ thay đổi, mà nên sử dụng nó để cải thiện cuộc sống của người dân Mỹ.
Trả lời phóng viên USA Today, ứng
viên Tổng thống của đảng Dân chủ Bernie Sanders nhận xét bài phát biểu của ông
Obama “xuất sắc”. Còn trên Twitter của mình, ông Sanders viết: “Bài phát biểu
ngày hôm nay rất quan trọng. Tổng thống đã nhắc chúng ta nhớ lại rằng, chúng ta
không sợ thay đổi, mà nên sử dụng nó để cải thiện cuộc sống của người dân Mỹ”.
Vị thế lãnh đạo của nước Mỹ trong
thế kỉ 21 không phải một sự lựa chọn giữa một là bỏ mặc phần còn lại của thế
giới – trừ việc tiêu diệt khủng bố – với hai là “đập đi xây lại” bất kì xã hội
nào gặp vấn đề.
Sự lãnh đạo phải là kết hợp của việc
áp dụng hợp lý sức mạnh quân sự, và kêu gọi thế giới ủng hộ những mục tiêu đúng
đắn.
Nó đồng nghĩa với việc coi sự trợ
giúp từ bên ngoài như một phần của an ninh quốc gia, thay vì coi đó như thể từ
thiện.
Khi chúng ta dẫn đầu trong việc kêu
gọi gần 200 nước đi tới kí kết hiệp ước lịch sử nhằm chống lại biến đổi khí hậu
– điều đó không chỉ giúp cho các quốc gia hiện đang bị ảnh hưởng, mà còn bảo vệ
tương lai con cháu chính chúng ta.
Khi chúng ta hỗ trợ Ukraine bảo vệ
nền dân chủ của họ, hay giúp đỡ Colombia giải quyết cuộc nội chiến kéo dài hàng
thập kỉ, điều đó củng cố một trật tự quốc tế mà chúng ta còn phải phụ thuộc rất
nhiều.
Khi chúng ta giúp đỡ các nước châu
Phi giải quyết vấn đề lương thực cũng như chăm lo cho người bệnh, điều đó sẽ
ngăn cản việc một đại dịch có thể chạm tới nước Mỹ.
Tại châu Phi lúc này, chúng ta đang
trong công cuộc chấm dứt nạn HIV/AIDS, và có đủ tiềm năng để làm điều tương tự
với bệnh sốt rét. Tôi sẽ hối thúc Quốc hội cung cấp vốn cho chiến dịch này.
Đó mới là sức mạnh. Đó mới là lãnh
đạo. Và cái cách lãnh đạo ấy phụ thuộc vào những hành động làm gương của chúng
ta.
Đó là lý do tại sao tôi sẽ tiếp tục
thúc đẩy việc đóng cửa nhà tù Guantanamo: Vừa tốn kém, vừa không cần thiết, và
chỉ tạo thêm cái cớ để kẻ thù của chúng ta chiêu mộ thêm quân.
Đó là lý do tại sao chúng ta cần
loại bỏ hoàn toàn thể loại chính trị nhắm vào chủng tộc hay tôn giáo của người
khác để công kích. Đây không phải vấn đề ý thức chính trị (political
correctness), mà chúng ta phải hiểu được những gì tạo nên sự hùng mạnh của nước
Mỹ.
Thế giới tôn trọng chúng ta không
phải vì kho vũ khí chúng ta sở hữu, mà là vì sự tôn trọng chúng ta dành cho mọi
sắc tộc, cũng như sự cởi mở chấp nhận mọi tôn giáo.
Đức Cha – Giáo hoàng Francis, đã
từng đứng tại đây và nói với tất cả chúng ta rằng “bắt chước sự thù ghét và bạo
tàn của những kẻ độc tài, những kẻ sát nhân, là cách tốt nhất để thế chân bọn
chúng”.
Khi các chính trị gia chỉ trích
người Hồi giáo, khi một thánh đường Hồi giáo bị đập phá, khi một đứa trẻ bị bắt
nạt, tất cả đều không khiến chúng ta an toàn hơn.
Đây không thể được coi là nói thẳng.
Mà đây là nói sai hoàn toàn. Điều đó làm hỏng hình ảnh của chúng ta trong mắt
thế giới, khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đạt được những mục
đích của mình, và phản lại những giá trị dân tộc của chúng ta.
“We the People” – Hiến pháp của chúng ta mở đầu với 3 từ đơn giản ấy, một
cụm từ mà chúng ta đã nhận ra rằng nó mang ý nghĩa toàn thể người dân, không
chỉ một bộ phận, một cụm từ có ý nhấn mạnh rằng chúng ta khi trỗi dậy phải trỗi
dậy cùng nhau, và khi tàn cũng phải tàn cùng nhau.
Điều đó đưa tôi đến với điều thứ tư,
và có lẽ là điều quan trọng nhất tôi muốn nói tới trong đêm nay.
Thay đổi cách làm chính trị
Tương lai chúng ta muốn – một tương
lai với cơ hội và sự đảm bảo cho tất cả các gia đình nước Mỹ; một tương lai với
sự gia tăng mức sống và một hành tinh bền vững, bình yên cho con em chúng ta –
tất cả đều nằm trong tầm với.
Nhưng tương lai ấy chỉ có thể trở
thành hiện thực nếu chúng ta hợp tác cùng nhau. Tương lai ấy chỉ có thể trở
thành hiện thực nếu chúng ta có những cuộc tranh luận hợp lý, mang tính xây
dựng.
Tương lai ấy chỉ có thể trở thành
hiện thực nếu chúng ta thay đổi cách làm chính trị của mình.
Cải thiện hệ thống chính trị không
có nghĩa chúng ta phải nhất trí trong mọi quan điểm. Mỹ là nước lớn, với nhiều
khu vực, nhiều cách suy nghĩ, nhiều lợi ích riêng. Đây cũng là một thế mạnh của
chúng ta.
Những người sáng lập nước Mỹ
(Founding Fathers) đã phân bố quyền lực giữa các bang và các nhánh của chính
phủ, vì họ biết trước chúng ta sẽ có tranh cãi, cũng giống như họ đã tranh cãi
về kích cỡ và hình thức của chính phủ, về tài chính và quan hệ quốc tế, về định
nghĩa của sự tự do và tầm quan trọng sống còn của an ninh nước Mỹ.
Nhưng một nền dân chủ đòi hỏi những
kết nối cơ bản về niềm tin giữa người dân. Dân chủ sẽ không thể phát triển nếu
chúng ta cứ nghĩ rằng bất kì ai bất đồng với chúng ta đều làm như vậy với ác ý,
rằng bất kì địch thủ chính trị nào của chúng ta cũng là những kẻ không yêu
nước.
Dân chủ sẽ đình trệ nếu thiếu đi tâm
lý sẵn sàng thỏa hiệp; hay kể cả khi những sự thật cơ bản cũng bị đem ra tranh
cãi, và khi chúng ta chỉ lắng nghe ý kiến của những người có chung quan điểm.
Xã hội sẽ tàn khi chỉ những giọng
điệu cực đoan nhất thu hút được sự chú ý. Trên tất cả, nền dân chủ sẽ mất đi
bản sắc của nó khi người dân cảm thấy tiếng nói của họ không còn có ý nghĩa gì
nữa, khi hệ thống đã bị lợi dụng để phục vụ lợi ích riêng của những nhóm người
giàu có và quyền lực.
Rất nhiều người Mỹ đang có cảm nhận
như vậy vào lúc này. Đó là một trong những điều hiếm hoi mà tôi hối tiếc trong
nhiệm kì Tổng thống của mình – sự hoài nghi và đấu đá giữa hai đảng không những
không được cải thiện mà còn trở nên trầm trọng hơn.
Chắc chắn một Tổng thống với tài
năng cỡ Lincoln hay Roosevelt có thể làm tốt hơn trong vai trò cầu nối chia cắt
giữa hai đảng, nhưng tôi cam kết sẽ tiếp tục cố gắng cải thiện, chừng nào tôi
còn trên cương vị Tổng thống.
Nhưng, thưa các công dân nước Mỹ,
đây không thể chỉ là nhiệm vụ của riêng tôi – hay của bất kì Tổng thống nào
khác.
Có rất nhiều những người có mặt tại
đây hôm nay mong muốn hợp tác giữa hai đảng được đẩy mạnh, mong muốn những cuộc
tranh luận ở tầm cao hơn tại Washington, nhưng lại bị cuốn vào vòng xoáy của
những đòi hỏi để có thể giữ ghế. Tôi biết chứ, vì chính các vị đã nói với tôi
như vậy.
Và nếu chúng ta muốn một hệ thống
chính trị tốt hơn, thay đổi một nghị sĩ hay thậm chí một Tổng thống là chưa đủ,
chúng ta phải thay đổi hệ thống sao cho nó phản ánh mặt tốt của mỗi người chúng
ta.
GIÁO SƯ-TIẾN SĨ BÁO CHÍ TRUYỀN
THÔNG, ĐẠI HỌC TỔNG HỢP MESSIAH, MỸ
EDWARD ARKE
Ở năm cuối nhiệm kì và đương nhiên
không thể tái tranh cử, Tổng thống Mỹ sẽ tập trung vào việc xây dựng và để lại
di sản, những dấu ấn của mình khi đương nhiệm. Trong bài Thông điệp Liên bang
cuối cùng này, tôi nghĩ ông Obama sẽ tập trung vào những gì còn sót lại trong
các dự luật mà ông muốn quốc hội thông qua, để có thể rời Nhà Trắng với những
dấu ấn mà ông muốn được đời sau nhắc tới.
Chúng ta phải chấm dứt việc chia ra
những khu bầu cử địa phương để tránh việc các chính trị gia có thể khoanh vùng
chọn người bỏ phiếu cho mình.
Chúng ta phải giảm thiểu sự phụ
thuộc vào tiền bạc trong chính trị, để tránh việc một vài nhóm người với những
lợi ích riêng có thể dùng tiền mua bầu cử.
Và nếu cách tiếp cận hiện nay của
chúng ta đối với các khoản tiền liên quan đến chiến dịch tranh cử không được
tòa án chấp thuận, chúng ta cần ngồi lại với nhau để tìm ra một giải pháp thực
thụ.
Chúng ta phải đơn giản hóa bầu cử,
thay vì phức tạp hóa, và điều chỉnh sao cho phù hợp với thời thế hiện nay.
Trong năm nay, tôi dự kiến sẽ đi khắp nước Mỹ để thúc đẩy cải cách phục vụ mục
đích nói trên.
Nhưng bản thân tôi không thể làm
được tất cả những điều này. Thay đổi trong thể chế chính trị của chúng ta –
không chỉ trong việc ai sẽ trúng cử hay hình thức bầu cử ra sao – sẽ chỉ xảy ra
khi người Mỹ muốn điều đó xảy ra. Điều này phụ thuộc vào các bạn. Một chính phủ
của dân, do dân và vì dân là như vậy đấy.
Những gì tôi đang muốn thực hiện sẽ
rất khó. Cách dễ hơn là cứ hoài nghi, là cứ chấp nhận sự thật rằng thay đổi là
không thể, rằng không có tương lai cho chính trị, rằng tiếng nói và hành động
của chúng ta sẽ chẳng có ý nghĩa gì.
Nhưng chúng ta bỏ cuộc trong hiện
tại, có nghĩa là chúng ta cũng từ bỏ luôn mong muốn cải thiện tương lai. Những
kẻ có tiền và có quyền sẽ tiếp tục đứng đằng sau các quyết định có thể khiến
nước Mỹ đi đến chiến tranh, gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế, hay đánh mất
đi quyền bình đẳng và quyền bầu cử mà hàng thế hệ người Mỹ đã hi sinh xương máu
để giành lấy.
Khi nỗi bực dọc ấy lớn dần, sẽ có
những tiếng nói dụ dỗ chúng ta trở lại thời chia rẽ bộ tộc, để đổ hết tội lỗi
cho những người đồng hương không cùng màu da với chúng ta, không cầu nguyện như
cách chúng ta cầu nguyện, không bỏ phiếu cho những người chúng ta ủng hộ, hay
không cùng nguồn gốc với chúng ta.
Chúng ta không được phép đi theo con
đường ấy. Vì nó sẽ không dẫn chúng ta đến với một nền kinh tế chúng ta muốn, nó
sẽ không dẫn chúng ta đến sự an toàn chúng ta muốn, và trên tất cả, nó phản lại
tất cả những giá trị đã khiến Mỹ trở thành đất nước mà tất cả thế giới phải
ghen tị.
Những ứng viên Tổng thống Mỹ được
dân mạng nhắc tới nhiều nhất trong thời gian ông Obama đọc Thông điệp Liên bang
Những ứng viên Tổng thống Mỹ được
dân mạng nhắc tới nhiều nhất trong thời gian ông Obama đọc Thông điệp Liên bang
Vậy nên, thưa toàn thể công dân nước
Mỹ, dù đức tin của bạn là gì, dù bạn theo đảng này hay đảng khác, hay không
theo đảng nào, thì tương lai của chúng ta phụ thuộc vào việc bạn có sẵn sàng
thực hiện bổn phận của một công dân hay không.
Hãy bỏ phiếu. Hãy thể hiện quan
điểm. Hãy đứng lên vì những người khác, nhất là những người yếu đuối, những số
phận mong manh. Hãy hiểu rằng mỗi chúng ta có thể tồn tại nơi đây là nhờ một ai
đó, ở một nơi nào đó, đã từng đứng lên vì chúng ta.
Hãy luôn năng động trong xã hội để thể
hiện sự tốt đẹp, những phẩm chất đạo đức, và sự lạc quan mà mỗi ngày tôi vẫn
thấy hiện hữu trong tâm hồn những người dân nước Mỹ.
Không dễ để làm được điều đó trong
nền dân chủ của chúng ta hiện nay. Nhưng tôi xin hứa với các bạn rằng ngày này
năm sau, khi tôi không còn giữ chức Tổng thống, tôi sẽ sát cánh bên các bạn với
tư cách một công dân Mỹ – một người đã lấy cảm hứng từ những tiếng nói của sự
bình đẳng, của tầm nhìn, của lòng cản đảm, của khiếu hài hước, và của lòng vị
tha, những tiếng nói đã giúp nước Mỹ có được như ngày hôm nay.
Những tiếng nói ấy đã giúp chúng ta
nhìn nhận bản thân trước hết không phải một người da đen hay da trắng, người
châu Á hay Latin, người đồng tính hay dị tính, người bản xứ hay nhập cư, cử tri
Dân chủ hay Cộng hòa, mà là một người Mỹ.
Những tiếng nói mà Martin Luther
King tin rằng sẽ là tiếng nói của chiến thắng vang lên sau cùng, những tiếng
nói của sự thật, của tình yêu vô điều kiện.
Những tiếng nói ấy vẫn ở đâu đó
ngoài kia, nhưng không nhận được nhiều sự chú ý. Chính những tiếng nói ấy cũng
không muốn được chú ý, vì họ đang bận thực hiện những sứ mệnh mà đất nước này
cần.
Tôi thấy họ ở khắp mọi nơi trên đất
nước vĩ đại của chúng ta. Tôi thấy các bạn chứ. Tôi biết các bạn vẫn ở đó. Các
bạn chính là lý do tại sao tôi có sự tự tin lớn đến vậy vào tương lai của chúng
ta. Vì tôi thấy bổn phận công dân vẫn được các bạn thực thi một cách thầm lặng
nhưng mạnh mẽ mỗi ngày.
Tôi thấy được điều đó ở người công
nhân làm việc thêm giờ tại công xưởng để giúp công ty không phá sản, và ở người
sếp chấp nhận tăng lương cho người công nhân ấy để giữ anh lại làm việc.
Tôi thấy được điều đó ở cô bé
Dreamer (từ chỉ người Mỹ có xuất thân là người nhập cư/di cư – PV) thức khuya
hoàn thiện đề tài khoa học của mình, và ở người giáo viên đến sớm chỉ để dạy cô
bé Dreamer tận tình vì anh biết rằng, một ngày nào đó cô bé ấy có thể phát minh
ra thuốc chữa bệnh.
Tôi thấy được điều đó ở một người Mỹ
ra tù sau khi đã mãn hạn, và mơ về việc tìm lại chính mình, và trong người chủ
cửa hàng đã tạo điều kiện cho anh ấy có cơ hội thứ hai.
Tôi thấy được điều đó ở người biểu
tình, với quyết tâm chứng minh tầm quan trọng của công lý, và ở người cảnh sát
đi bộ tuần tra, đối xử với tất cả mọi người bằng sự tôn trọng, dũng cảm và thầm
lặng làm tròn nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho mỗi chúng ta.
Tôi thấy được điều đó ở người lính
sẵn sàng làm mọi thứ để cứu lấy những người đồng đội, ở người y tá luôn ở bên
chăm sóc tận tình cho đến khi người lính ấy có thể tham gia một cuộc chạy
marathon, và ở những người xếp hàng cổ vũ người lính ấy hoàn thành cuộc đua.
Tôi thấy được điều đó ở cậu con trai
đã tìm được sự dũng cảm để bộc bạch giới tính thật của mình, và ở người cha mà
tình yêu ông dành cho con mình vượt lên tất cả những gì ông đã được dạy trước
kia.
Tôi thấy được điều đó ở bà cụ sẵn
sàng xếp hàng thật lâu để bỏ phiếu; ở công dân tham gia bầu cử lần đầu; ở những
người tình nguyện tại các trạm bỏ phiếu với suy nghĩ rằng bất kì lá phiếu nào
cũng có giá trị, bởi mỗi lá phiếu đều thể hiện rằng cái quyền bầu cử thiêng
liêng ấy có giá trị đến nhường nào.
Đó là nước Mỹ mà tôi biết. Đó là
nước Mỹ mà chúng ta yêu quý. Những đôi mắt mở rộng. Những trái tim nhân hậu.
Tâm thế lạc quan rằng sự thật và tình yêu vô điều kiện sẽ giành chiến thắng. Đó
là những gì khiến tôi luôn hi vọng vào tương lai của chúng ta.
Vì các bạn. Tôi luôn tin vào các
bạn. Đó là lý do tại sao tôi đứng đây hôm nay, tự tin tuyên bố rằng, nước Mỹ
vẫn vững mạnh. (The State of the Union is strong – câu nói “cửa miệng” của các
Tổng thống Mỹ trong Thông điệp Liên bang).
Cảm ơn tất cả các bạn, Chúa phù hộ
các bạn, và Chúa phù hộ nước Mỹ.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét