Amsterdam là thành phố đạp xe thân thiện nhất thế giới với 40% - 60% người dân di chuyển bằng phương tiện này. Theo một vài ước tính, có 880.000 đến một triệu chiếc xe đạp trong thành phố, còn nhiều hơn số người định cư 20%. Amsterdam có khoảng 165 kênh rạch với tổng chiều dài trên 100 km.
Tuy nhiên, con số khiến nhiều người phải bất ngờ lại là số lượng những xe đạp được vớt lên từ các con kênh trong thành phố mỗi năm, ước tính khoảng 15.000 chiếc. Thành phố có cả người chuyên làm nghề "câu" xe đạp.
Watemet, công ty chịu trách nhiệm giữ sạch các con kênh, đã phải sử dụng cần cẩu thủy lực rất lớn để kéo các xe đạp dưới lòng kênh lên mặt nước. Móc câu được nối với một cần cẩu trên chiếc xà lan. Công việc này được thực hiện từ những năm 1960 và diễn ra hàng ngày cho đến nay.
Chưa có câu trả lời cho việc tại sao người dân Amsterdam vứt bỏ nhiều xe đạp xuống kênh rạch đến thế. Nhưng thói quen này đã tồn tại rất lâu đời cho tới nay. Thời gian trước, các kênh rạch này từng là hệ thống cống mở. Không có hệ thống thoát nước ở Amsterdam, vì vậy các kênh rạch giống như nhà vệ sinh mở, thùng rác khổng lồ của người dân địa phương.
Năm 1860, chính quyền thành phố nhận thức được vấn đề và triển khai làm sạch các con kênh. Nhưng nhiều người dân vẫn giữ thói quen ném đồ đạc xuống kênh. Người ta tin rằng hầu hết các xe đạp lấy ra từ kênh rạch hoặc là bị đánh cắp hoặc là nạn nhân của các vụ phá hoại. Cảnh sát Amsterdam ước tính có khoảng 50.000 đến 80.000 xe đạp bị mất cắp mỗi năm. Nhưng số lượng trình báo mất cắp rất ít bởi họ nghĩ cảnh sát sẽ không giải quyết việc này.
Hầu hết các xe đạp được vớt lên từ lòng kênh đều trở thành phế liệu. Ngoài ra, còn nhiều đồ vật khác cũng góp mặt trong bộ sưu tập "câu" như tủ lạnh, thậm chí cả ô tô. Mỗi năm có tới 30 đến 50 chiếc ô tô được vớt lên. Hầu hết đều do tai nạn nhưng có nhiều trường hợp là hành vi phá hoại. Hoạt động "câu xe" đã trở thành điểm thu hút khách du lịch khi đến thành phố.
Như Bình.
(vnexpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét