26 thg 1, 2016

Socrate, một nhà giáo lớn của nhân loại- Lê Thanh Hoàng Dân-nguyên GS.SPSG

(*)

Cuộc đời dạy học của Socrate giống với chúng ta. Ông sanh ra và lớn lên trong một thành phố dân chủ, thuộc thời đại huy hoàng của nền văn minh ở đây. Đó là thời đại Pericles. Trong một khoảnh khắc nhỏ của lịch sử, nền văn minh ở đây bùng nổ, chiếu sáng nhiều ngàn năm, ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn minh nhân loại, từ đó đến nay. Nhiều triết gia nổi tiếng, và nhiều văn nghệ sĩ lừng danh đã sống và tạo nên thời đại này. Ông cũng sống trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn, giữa hai thành bang làm nên xã hội Hy Lạp ngày xưa, là Athènes và Spartes. Chế độ dân chủ Athenes thua chế độ quân phiệt độc tài Spartes.
“…Lúc đó Socrate được 65 tuổi. Lúc đó Athenes rớt xuống hố sâu: bị kẻ thù tàn phá xâm lăng, bị những triết gia ngụy biện và đồ đệ của họ phá hủy hết những thần thánh, những định chế, và bị lung lạc không còn yêu Tổ Quốc nữa, hơn thế Athenes còn phải chịu sự cai trị của nhóm người do ngoại bang trả lương.
Tuy nhiên những tàn bạo của nhóm 30 nhà độc tài này làm cho dân chúng Athenes phản ứng, muốn trở về với chế độ dân chủ. Trong thành phố Athenes đang cố gắng hồi sinh này, Socrate cố gắng hơn bao giờ hết để soi sáng tuổi trẻ hoang mang và không biết hướng đi, về cái mà ông gọi là Thiện tối thượng.” (trích Tư Tưởng Sư Phạm, nxb Trẻ năm 1972 ở Sài Gòn, trang 10-11).
Thời tuổi trẻ Socrate học với những nhà ngụy biện nổi tiếng ở Athenes. Tuy nhiên ông cố gắng tránh và thoát khỏi thái độ hoài nghi toàn diện của mấy ông Thầy nầy. Ông không đồng ý với Protagoras rằng tất cả phát nguồn từ cảm giác, và con người khả giác là thước đo lường mọi chuyện. Ông cũng không đồng ý với Gorgias rằng không có gì hiện hữu cả, do đó không thể có hiểu biết thật sự. Ông tin nơi một Thương Đế duy nhất, Thượng đế này là sự thể hiện tối cao của Thiện.
“… Trong khi dạy học, Socrate thường hay chỉ trích mạnh mẽ những khiếm khuyết cũa chế độ dân chủ đang hồi sinh (chẳng hạn như việc rút thăm hên xuôi để được làm Thẫm Phán), vì vậy ông bị người ta tố cáo làm suy đồi tuổi trẻ, và muốn đem những Thượng Đế mới thay thế cho Thượng Đế đang có cũa chế độ. Ông bị kêu án tử hình vào năm 399, và bị bắt buộc uống thuốc độc chết. Cái chết bất công này làm cho tên tuổi của ông biểu tượng cho sự hy sinh vì tư tưởng Tự Do.” (trích Tư Tưởng Sư Phạm, nxb Trẻ năm 1972 ở Sài Gòn, trang 11-12).
Socrate là một ông Thầy dạy học, chớ không phải là lý thuyết gia, nên ông không để lại một tác phẩm nào. Tại Hy Lạp Triết học được phát sanh ngoài trời, dưới ánh nắng, khi mà giới trẻ ở đây mệt nhọc sau những buổi luyện tập thể thao, đứng dưới bóng cây trò chuyện với Socrate về Thiện và Ác, Phải và Quấy, về ý nghĩa cuộc đời. Trong số người trẻ tuổi nầy, một vài người có ghi lại những đối thoại với Socrate, như Xenophon, Platon, Aristote v.v…, nhờ đó ngày nay chúng ta mới hiểu được tư tưởng của Ông, người Thầy lớn của nhân loại.
Tư tưởng của Socrate có thể tóm tắt trong 3 điểm: một quan niệm Tâm lý, một quan niệm Triết lý và một quan niệm Sư Phạm. Tâm lý học của ông dựa vào Ý Niệm. Theo Ông đằng sau những dữ kiện khả giác, có những Ý Niệm bất biến, độc lập đối với dữ kiện. Triết học của Ông có tánh cách đạo đức, dùng Ý Niệm để giải quyết những vấn đề trí thức và hành động đặt ra.
“…Khoa Sư Phạm của ông sở dĩ có là do nhu cầu cần phải đưa con người tới chỗ biết sử dụng dụng cụ căn bản mà chúng ta vừa nói, đó là Ý Niệm. Đối với Socrate, giáo dục không phải là dạy những cơ chế lý luận, để giúp học trò có thể thuyết giảng về sự sai lầm hay chân lý. Giáo dục cũng không có nghĩa là nhồi sọ những công thức truyền thống, mà không được phép thảo luận. Giáo dục cũng không nhằm mục đích làm cho con người phải mất hút trong đám đông, hay nhằm mục đích làm cho con người phải tách rời khỏi dám đông để cai trị nó, điều này cũng là một cách khác để chìm đắm trong đám đông. Giáo dục nhằm cho con người tìm thấy chính mình nơi mình. Muốn được như vậy, nó phải chống lại mọi sự xã hội hóa, nó phải phát sanh ra chủ nghĩa cá nhân.” (trích Tư Tưởng Sư Phạm, nxb Trẻ năm 1972 ở Sài Gòn, trang 13-14).
Chính vì Ông chống lại quan niệm giáo dục là xã hội hóa, nhồi sọ đứa trẻ theo chiều hướng bỏ quên chính mình, chìm đắm trong đám đông, chính quan niệm giáo dục là giúp đứa trẻ tìm thấy chính mình, và giá trị tiềm ẩn của mỗi cá nhân riêng biệt, chính quan niệm này làm cho xã hội đương thời quyết định giết chết ông. Những công dân thành phố Athenes có nhiệm vụ xử tội Socrate từ chối coi ông là bình minh của ngày giải phóng họ, ngược lại cho ông là phản động xúi dục tuổi trẻ chống lại họ, và sự ngu xuẩn của họ.
“…Rốt cuộc Socrate là nạn nhân của sự ngu dốt ông đã bỏ cả đời để chống lại... Socrate là tấm gương sáng cho Nhà Giáo, một người phục vụ cho Chân Lý và Thiện.
Người ta thường cho rằng Socrate là một người đặt câu hỏi hay nhất của nhân loại. Điều này rất đúng. Nhưng nói như vậy là hạn chế kinh khủng tầm quan trọng của một người đã đem hết đời mình để phục vụ cho Giáo Dục, Chân Lý và Đạo Đức. Một cuộc đời can đảm trên phương diện quân sự cũng như công dân, trên phương diện trí thức cũng như đạo đức.
Trong suốt 40 năm trời, Ông đã dạy cho người dân thành Athenes phải thấy rõ chính mình để hành động hợp với Lẽ Phải và Lương Tâm. Trong suốt 40 năm trời Ông đã nổ lực chống lại ảnh hưởng tai hại của những triết gia Ngụy Biện, hoài nghi tất cả, và không tin tưởng nơi bất cứ cái gì. Và khi tất cả đều sụp đổ, và khi chính những Thần Thánh của Athenes cũng có vẻ như bỏ rơi họ, người ta chỉ còn nghe được có một tiếng nói của Ông, tiếng nói đem lại cho họ niềm tin nơi một tương lai tươi sáng hơn, bằng cách làm cho họ thấy được những lực lượng xây dựng nơi chính họ, đó là những đức hạnh.
Và chính bản thân Ông cũng có những đức hạnh cao cả nhất, đó là tình yêu Chân lý và sự can đảm dám nói lên Chân Lý này. Sống như Ông đã sống, và chết như Ông đã chết, Ông đã để lại cho nhân loại một tấm gương sáng cho tất cả những ai muốn hành nghề dạy học. (trích Tư Tưởng Sư Phạm, nxb Trẻ năm 1972 ở Sài Gòn, trang 19-20). (Sẽ bổ túc sau).
Thầy Lê Thanh Hoàng Dân (Thứ 3 từ trái)  tại buổi họp SPSG1/1/2016 (HT.ĐHSG-Bác Ái củ).
(*) Tượng Socrate tại bảo tàng Louvres

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét