31 thg 1, 2016

Tại sao xã hội Trong Hai Triều Đại Lý -Trần Lại Đạt Được Sự Thịnh Vượng?


Tại sao xã hội trong hai triều đại Lý -Trần lại đạt được sự thịnh vượng?
Nhiều người cho rằng thời hậu Lê (1428-1527) là triều đại mạnh nhất trong lịch sử nước ta. Nhưng nếu xét sự thịnh vượng trên phương diện “dân giàu” chứ không phải sự tập trung quyền lực, thì hai triều đại nhà Lý (1009-1225) và nhà Trần (1226-1400) mới là thịnh vượng nhất.

Triều đại nhà Lê là triều đại mà vua đã thâu tóm được hết quyền lực về cho mình (tập quyền). Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với đời sống xã hội đạt tới sự trù phú. Còn hai triều đại Lý – Trần, mặc dù quyền lực của vua không bao trùm lên toàn bộ đất nước, nhưng đời sống xã hội lại vô cùng phát triển.
A – Những biểu hiện cho sự thịnh vượng của hai thời đại Lý – Trần
Sự thịnh vượng là đời sống người dân phong phú cả vật chất lẫn tinh thần. Những biểu hiện cho việc hai triều đại Lý – Trần là thịnh vượng nhất trong các thời đại của Việt Nam là:
1. Các phường nghề đã đạt tới trình độ cao trong việc chế tác trên vật liệu.
Hai nghệ thuật gốm và nghệ thuật điêu khắc đã đạt đến mức tinh hoa khi xem xét các bằng chứng khảo cổ.
Trước đó, năm 982 Lê Đại Hành (tiền Lê) đã mở ra cuộc nam chinh, tiến đánh đất nước Chăm-pa, chiếm được kinh đô Indrapura và giết vua Parameshvaravarman. Ông đã đưa về Đại Việt rất nhiều vũ công, nhạc sư, thợ thủ công Chăm-pa, nhờ đó những nghề này được phát triển.
Đến thời Lý thì đã được đến mức hoàn thiện. Nhiều mẫu vật khai thác ở hoàng thành Thăng Long xưa thể hiện rõ điều này, như họa tiết trên các bức tượng Phật. Các nghệ nhân đã biết thổi tinh thần Viêt vào trong các nét khắc tinh tế của người Chăm-pa.
2. Công thương nghiệp phát triển và bắt đầu có những tuyến giao thương từ nội địa đến lân bang.
Do trình độ sản xuất của giai đoạn Lý – Trần đạt đến trình độ cao nên lượng hàng hóa dồi dào trong xã hội. Năm 1230, nhà Trần mở rộng Thăng Long, chia “thị” cho dân buôn bán mở các phường nghề, lập ra chức quan Bình bạc (kinh doãn) để quản lý họ. Điều này thể hiện tư duy bài bản trong phát triển thủ công nghiệp.
Thời Lý, các tuyến giao thương nội địa được thiết lập và vận hành cả trên đường bộ và đường thủy. Nhà Lý cũng thiết lập buôn bán với Trung Hoa qua đường sông, Java qua đường biển và Xiêm La qua đường bộ. Cửa biển Vân Đồn (Quảng Nnh) là trung tâm giao thương lớn nhất cả nước.
Đến thời Trần, các tuyến đường giao thương càng phát triển mạnh. Thậm chí giao thương đến cả Tây Vực. Minh chứng cho điều này là trong chính sử nhà Nguyên, vua Nguyên đòi nhà Trần nộp những người lái buôn Hồi Hồi để hỏi thăm về tình hình Tây Vực.
3. Nhiều loại hình nghệ thuật đặc trưng tính cách Việt phát triển và tạo thành chuẩn mực
Nghệ thuật trình diễn đặc trưng của hai thời đại Lý – Trần là hát chèo. Hát chèo được bà Phạm Thị Trân – một ca vũ hoàng cung – sáng tạo ra từ thời Đinh. Ban đầu các nghệ sĩ chỉ diễn các khúc dưới dạng ngâm. Sau do tiếp xúc với văn hóa Chăm-pa, kĩ thuật biểu diễn hoàn thiện hơn đo được đưa vào âm nhạc và vũ đạo.
Đến thời Trần, một số nghệ sĩ chèo đi lính bị quân Nguyên bắt làm tù binh, nhờ đó học được hát Tuồng của người phương Bắc. Từ đó chèo bắt đầu mang tính kịch (drama), có cấu trúc và nhân vật.
Từ đó, cùng với chèo, Tuồng của Trung Hoa cũng được Việt hóa. Hai loại hình này được biểu diễn không chỉ trong hoàng cung, mà còn ra ngoài dân gian, tại các đình làng. Càng biểu diễn kỹ thuật càng phát triển với âm nhạc phức tạp, cùng với độ nhấn và độ luyến láy.
Nghệ thuật hội họa trong hai thời Lý – Trần cũng rất phát triển, nhất là nghệ thuật điêu khắc. Có một sự tương đồng trong hội họa của thời Lý – Trần với thời kỳ tiền Phục Hưng của châu Âu, đó là sự vô danh của các nghệ sĩ và cảm hứng tôn giáo. Các nghệ nhân Lý – Trần hầu như không lưu tên trong các tác phẩm của họ, dù các tác phẩm đã đạt đến chuẩn mực của mỹ học. Hai thí dụ điển hình là hình ảnh con rồng và hoa sen thời Lý.
Trong đời sống dân gian, lối hát giao duyên, hát đối như hát Trống Quân làm tâm hồn thơ ca của người dân được rộng mở. Các hình tượng đơn giản của đời sống được gọt giũa và tượng trưng, nhờ đó thẩm mỹ dân gian được nâng cao.
4. Đời sống triết học, tâm linh phong phú, các luận thuyết được khởi xướng
Ở hai thời đại Lý – Trần, “Tam giáo đồng nguyên” đồng hành. Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo cùng tồn tại và phát triển. Phật giáo vào Đại Việt qua hai đường 1. Từ Ấn Độ, qua Chăm-pa, 2. Từ Trung Quốc. Đạo giáo, tuy ẩn mình nhưng ảnh hưởng khá sâu sắc.
Nhà Trần, Trần Nhân Tông lên tu ở Yên Tử, lập ra trường phái Trúc Lâm, là lúc Phật giáo lên đỉnh cao trong lịch sử đất nước. Các thiền sư của trường phái Trúc Lâm một mặt đề cao tính thiền, một mặt đưa ra quan điểm Phật giáo nhập thế, tức người đi tu hành cũng “nhập thế hành đạo” giúp dân giúp nước.
Cuối thời Lý và thời Trần, ảnh hưởng của Nho giáo bắt đầu mạnh với sự xuất hiện của các nho sĩ Tô Hiến Thành, Trương Hán Siêu, Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu… Chế độ khoa cử của phương Bắc cũng được nhà Lý – Trần thay đổi. Thay vì thi luận giải “Tứ Thư – Ngũ Kinh”, khoa cử ở Đại Việt luận tinh thông ba hệ thống Nho – Phật- Lão.
5. Khả năng giữ gìn chủ quyền lãnh thổ của hai triều đại Lý – Trần đến giờ vẫn khiến nhiều nhà nghiên cứu kinh ngạc.
Các chiến tích của triều Lý – Trần là hai lần chiến thắng quân Tống và ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông. Những chiến tích đó là minh chứng cho hệ thống “binh hùng tướng mạnh” đoàn kết một lòng từ trên xuống dưới.
Một nước nhỏ như Đại Việt đã thắng nhiều lần đế quốc phương Bắc với đạo quân tinh nhuệ từng đánh sang cả châu Âu. Làm được điều này thì tướng phải thực tài, binh phải thực mạnh người lãnh đạo phải cực kỳ thông minh, khôn khéo mới có thể làm được.
Lý Thường Kiệt sử dụng ngòi bút khích lệ tinh thần quân sĩ và làm lung lay sĩ khí của kẻ địch. Trần Hưng Đạo dùng “vườn không nhà trống” để đối phó với sức mạnh của quân đội Nguyên Mông. Để khi quân địch yếu, mất tinh thần, thì mới ra tay.
B – Tại sao hai triều đại Lý – Trần lại đạt đến được sự thịnh vượng?
1. Nguyên nhân khách quan: Sự ổn định lãnh thổ và cơ hội tách dần khỏi văn minh người Hán.
Từ  thời Tiền Lê, lãnh thổ ổn định, kéo dài từ biên giới phía Bắc ngày nay cho đến gần Huế.
Lãnh thổ ổn định là khi triều đình có thể đưa ra được các chính sách quản lý, phát triển ổn định cho các vùng, tộc người hay nhóm dân cư. Khi vẫn còn chuyện xung đột giữa các vùng, thì không thể yên ổn để đưa ra các chính sách quản lý, chưa nói đến phát triển cho toàn đất nước.
Giai đoạn thời Lý – Trần tương ứng với hai thời kỳ của phong kiến Trung Hoa. Triều Lý cùng thời với triều Tống, triều Trần cùng thời kỳ với triều Nguyên.
Thời Tống, triều đình trung ương chỉ ảnh hưởng được ở đồng bằng của hai con sông Hoàng Hà và Trường Giang. Các vùng lãnh thổ khác bấy giờ của Trung Hoa là của các nước Khiết Đan, Đại Kim, Tây Hạ, Thổ Phồn, Đại Lý. Bị bao vây bởi nhiều nước nên nhà Tống không có đủ sức mạnh và tâm trí để ảnh hưởng đến Đại Việt.
2. Nguyên nhân chủ quan: Hai thời Lý – Trần đã đưa ra được “chiến lược phát triển dài hạn” cho quốc gia.
Triều đình hai thời Lý – Trần đã nhìn thấy được những điểm chung của tâm lý người dân để đưa ra chiến lược phát triển dài hạn đúng đắn cho quốc gia.
Các đặc điểm tâm lý chung đó là, ý thức tập thể cao do phải đoàn kết để trị thủy và chống giặc ngoại xâm, trạng thái tâm lý dễ thay đổi do phải đánh giặc và đối phó với thiên tai, hay nhẫn nhịn do thời gian dài phải đối đầu với phong kiến phương Bắc, tâm lý tiểu nông do đồng bằng nhỏ hẹp, dễ hòa nhập do nằm trên tuyến giao thương giữa các quốc gia…
Trong chính sách đất đai, nhà Trần phong đất cho các quý tộc, công thần, giới tăng lữ. Giới này do được cát cứ ở các vùng, được hưởng lợi trên mảnh đất của mình, nên họ chú tâm phát triển sản xuất hàng hóa. Của cải làm ra càng nhiều thì mạng lưới giao thương càng lớn, từ đó thuế thu về cho triều đình cũng càng nhiều.
Về thủ công nghiệp, hai thời Lý – Trần có chính sách ưu tiên nên các xưởng thủ công phát triển rất mạnh. Các mỏ khoán sản được giao cho các tù trưởng khai thác rồi thu thuế bằng sản vật. Nhà nước chỉ quản lý xưởng đúc tiền, vũ khí và những vật dụng quan trọng cho triều đình.
Các phường nghề được phát triển tự do, các thợ thủ công được nâng cao tay nghề do học được kĩ thuật từ Trung Hoa, Chăm-pa, nên sản phẩm hàng hóa dồi dào, giao thương phát triển. Triều đình liên tục được tăng ngân quỹ nhờ thu thuế.
Pháp luật trong hai thời Lý – Trần cũng được phát triển khá hoàn thiện. Thời Lý đưa ra được bộ luật Hình Thư, bộ luật đầu tiên của nước ta, với những quy định khá văn minh, như người phạm tội có thể chuộc tội bằng cách nộp tiền hay ruộng, cấm giết gia súc (trâu, bò, ngựa) vì làm giảm sức sản xuất…
Vì những lẽ trên mà hai thời đại Lý – Trần là hai thời kỳ hưng thịnh nhất trong lịch sử nước ta. Kinh tế, văn hóa, tôn giáo phát triển. Pháp luật hoàn thiện. Chính trị, xã hội ổn định. Quân đội vững mạnh, thiện chiến, đoàn kết một lòng, ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông – bấy giờ là đế quốc, bá chủ thế giới.

Nguồn bài Book Hunter Club
(chép từ CafeKuBua)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét