2 thg 12, 2021

CHỮ NGHĨA LÀNG VĂN -Kỳ 1/12/2021 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Chữ nghĩa làng văn

 

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.



Vàm

Vàm : cửa sông

(Vàm Cỏ Đông, Vàm Cửa Tăy)

 (Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 Ngôn ngữ

 Nói năngngôn ngữ:

Tự mình nói là “ngôn”.

Đáp lại lời kẻ khác là “ngữ.

 Sách có câu “Ngôn nhất thuyết ký xuất, tứ mã nan truy” nghĩa là “một lời nói ra bốn con ngựa chạy theo không kịp”.

Chữ Việt cổ

 Do điều kiện về thời gian những từ cổ đã bị đẩy khỏi vị trí vốn có của chúng nhưng vẫn còn để lại dấu vết của mình, trở thành thành tố cấu tạo trong một vài từ nào đó

 Rốt: ở đằng sau chót

(rốt cục).

 (Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

Tiền chiến

 

Lâu nay người ta viết (nói), chẳng hạn, lớp văn nghệ sĩ tiền chiến; tái bản tác phẩm tiền chiến (như văn thơ của Tự lực văn đoàn, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng…).

Tiền chiến = trước chiến tranh hẳn là nói: trước cuộc chiến chống Pháp (1945).

 

Dường như có những trường hợp không thoả đáng.

Nói Nguyễn Tuân, chẳng hạn, là nhà văn “tiền chiến” chắc là nghe xuôi.  Về tác phẩm, chẳng hạn Chùa Đàn, truyện của Nguyễn Tuân, xuất bản giữa năm 1946. Rồi Đèo Cả, thơ của Hữu Loan ; Chiến sĩ Việt Nam, ca khúc của Văn Cao; được sáng tác sau 1945 có gọi là những tác phẩm tiền chiến không?

 

Có vẻ như chỉ là cách gọi “cho tiện”, chẳng nên so đo làm gì.

 

(Khải Nguyên)

 Tản Đà & Bồ Tùng Linh

Tản Đà dịch “Liêu Trai chí dị” (1934) của Bồ Tùng Linh, trong đề mục “Tựa” có bài thơ:

Nói láo mà chơi, nghe láo chơi

Dàn dưa lún phún hạt mưa rơi

Chuyện đời đã chán không buồn nhắc

Thơ thẩn nghe…ma kể mấy lời. 

 Người đọc cho là thơ của Tản Đà hay dịch nghĩa thơ của Bồ Tùng Linh. Nhưng thật ra là của Vương Ngư Dương.

 Nộp cheo

 “Nộp cheo” chẳng hẳn là lát gạch cho làng, “cheo hay cheo làng” từ tiền qua hiện vật tùy theo quy định của mỗi làng, làng bắt nộp mâm đồng, chén bát để dùng cho hội làng. Có làng bắt làm giếng nước, cổng làng.

Tuy nhiên làng giàu có đường lát gạch Bát Tràng xuyên qua làng, làng nghèo đường đất mưa đi lõm bõm. Vì vậy ở Bắc Ninh có lệ con gái đi lấy chồng phải nộp cheo cho làng cả trăm viên gạch vồ.

Tác phẩm của Tự Lực Văn Đòan

 Các tác phẩm của thành viên Tự Lực Văn Đoàn được liệt kê dưới đây là trong khoảng thời gian từ 1933 đến 1940 (tuy có vài nhan sách xuất bản sau 1940 nhưng các tác phẩm này đã đến với độc giả trên Phong Hóa, Ngày Nay). Những sách xuất bản về sau không góp phần vào ảnh hưởng của Tự Lực Văn Đoàn.

 Nhất Linh:

Truyện dài: Nắng Thu (1934), Gánh Hàng Hoa (viết chung với Khái Hưng-1934), Đoạn Tuyệt (1936), Lạnh Lùng (1937), Đôi Bạn (1938),Bướm Trắng (1939).

Truyện ngắn: Đời Mưa Gió (viết chung với Khái Hưng - 1934), Tối Tăm(1936), Anh Phải Sống (viết chung với Khái Hưng-1937), Hai Buổi Chiều Vàng (1937).

 (Tự Lực Văn Đoàn chữ văn quốc ngữ - Trần Bích San)

 Thơ ca hiện đại, hiện thực

 Tiên học lễ hậu học… ăn 

(Tiên học lễ hậu học văn )

 Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam

 Điểm thu hút trung tâm là các nhân vật tiểu thuyết. So với truyền thống cổ điển như trường hợp Tự Lực Văn Đoàn, trong đó cốt truyện có thể xem là quan trọng bậc nhất, hoặc quan trọng ngang với nhân vật, thì văn chương mới hình như chỉ xem cốt truyện là cái cớ. Đọc “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, người ta muốn biết số phận của chị Dậu sẽ ra sao. Đọc “Đoạn tuyệt” của Nhất Linh, người ta hồi hộp xem cô Loan có được trắng án không, Loan và Dũng có gặp lại nhau không? Nhưng đến “Xóm cầu mới” thì Nhất Linh không gây cho ta cảm giác đó nữa, ông cố tình nhẩn nha kể chuyện, ngày này qua ngày khác, gió cứ thổi, nước lụt cứ dâng lên mấp mé bên thềm nhà. Mặc, tôi chỉ muốn biết cô Mùi có cảm giác ra sao khi nằm ngủ trên chiếc giường của Siêu ở ngoài hiên tối, đắp tấm chăn mỏng, dưới trời mưa thưa, bên ngọn lửa nấu cháo khuya của hai người hãy còn liu riu đỏ?

 Người đọc của Nguyễn Đình Toàn, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Lệ Hằng không để ý lắm đến việc các nhân vật nam và nữ sau khi quen nhau thì sẽ làm gì, cuối cùng họ có lấy nhau không vân vân… mà chỉ quan tâm đến tâm trạng của nhân vật tức là diễn tiến bên trong của đời sống cá nhân. Có một điều quan trọng là chiến tranh càng khốc liệt, chết chóc ngày càng nhiều, đau khổ dân tộc ngày càng lớn, thì các nhà văn miền Nam ngày càng đi sâu vào thế giới nội tâm, như thể chỉ quan tâm đến chính họ. Các nhân vật đâm ra lãnh đạm với thời cuộc, có vẻ như không yêu người mà cũng chẳng yêu mình, chẳng tin tưởng vào điều gì, chẳng tha thiết đến điều gì.

Có người cho rằng đó là ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh và một phần của tiểu thuyết mới. Có người lên án rằng các nhà văn thời kỳ này có khuynh hướng quay lưng lại với số phận dân tộc, chui vào cái tháp ngà, ích kỷ, thoái hóa. Tôi cho rằng khuynh hướng tự truyện làm cho người đọc thường có cảm giác nhân vật và tác giả là một. Tôi cũng cho rằng các nhà văn miền Nam thời ấy sống thật với bản thân mình và đời sống xung quanh, mặc dù không phải là không có hiện tượng làm dáng trong văn chương hay thể hiện các tư tưởng triết học một cách hời hợt thời thượng, không phải là không có một khuynh hướng suy đồi.

 (Nguyễn Đức Tùng)

 Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 

Lòng muốn hướng thiện nên mới ngồi thiền

Nhưng vì chưa thiến nên vẫn chỉ thiên

Dương Hùng Cường

Qua mấy người cùng phục vụ ở văn phòng Chiến Tranh Chính Trị với anh Dương Hùng Cường từ nhiều năm trước, cũng như qua lời anh kể, tôi biết anh đã có chiều dài mười mấy năm thâm niên quân vụ và là một ông thượng sĩ kỳ cựu, mãi rồi cũng mới lên chuẩn úy được ít lâu. Anh nhập ngũ vào Không quân năm 1953 từ hồi còn ngoài Bắc và thoạt đầu tiên là ứng viên hoa tiêu, nhưng lúc sang Pháp học thì lại chuyển sang kỹ thuật rồi trở thành một chuyên viên Kiểm soát Không lưu. Trước khi thuyên chuyển về phòng Tâm Lý chiến / Bộ Tư lệnh Không quân hồi 1965, anh có thời gian phục vụ khá lâu tại phi trường Biên Hòa, với công việc chuyên môn là ngồi trên lầu gương (đài Kiểm soát Không lưu) hướng dẫn các phi cơ lên xuống.

Dễ dàng nhận ra anh là một con người đầy cá tính, có vẻ hơi lè phè ngang ngang, như thể bất cần đời. Nói theo kiểu nhà binh thì dễ bị xếp vào loại ba gai, nhưng thật ra anh rất phóng khoáng đầy nghệ sĩ tính, ưa đùa tếu và châm chọc người này người kia.

Và dường như cũng chính các điều ấy đã đem đến cho anh nhiều bất lợi và phiền phức, cùng sự rắc rối trong binh nghiệp cũng như trong sinh hoạt báo chí, nhất là qua những bài viết hàng tuần của anh trên tờ Con Ong. Người quý mến anh thì nhiều mà người ghét anh dĩ nhiên cũng không phải là ít.

 (Nhớ về anh Dương Hùng Cường và …- Trần Ngọc Tự)

 Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 

Người đi một nửa hồn tôi mất!
Một nửa hồn kia...đứng chửi thề

 Dương Hùng Cường, Trần Tam Tiệp

 Khi anh Dương Hùng Cường được thuyên chuyển từ Biên Hòa về Phòng Tâm lý chiến Khối Chiến tranh Chính trị Bộ Tư lệnh Không quân, để góp phần hình thành ban biên tập trong vai trò phụ trách tòa soạn, là một trong những cây bút chủ lực tờ Lý Tưởng Không quân ngay buổi đầu, vào năm 1965 thời Trung tá Vũ Đức Vinh.

Cũng phải nói là nhờ có thêm sự giới thiệu gửi gấm từ các giới chức thẩm quyền Không quân. Anh Trần Tam Tiệp, lúc đó còn mang lon thiếu tá, đã lo liệu mọi chuyện trong việc này. Không những thế, ngay từ lúc nghe tin anh Dương Hùng Cường bị giữ tại an ninh Không quân, anh đã đôn đáo gõ cửa khắp nơi để dò hỏi và có thể làm tât cả những gì tốt nhất cho anh ấy.

Anh Trần Tam Tiệp là một sĩ quan kỳ cựu, xuất thân khóa 2 Nam Định rồi đi học Không quân bên Pháp và có mặt ở quân chủng từ những ngày đầu thành lập. Đã từng trải qua nhiều chức vụ chỉ huy tại khắp các đơn vị Không quân, kể cả bên ngành an ninh, nên uy tín cũng như mối giao thiệp của anh Trần Tam Tiệp rất rộng rãi. Nhờ vào sự tận tình giúp đỡ đó mà anh Dương Hùng Cường có được nhiều dễ dàng thuận lợi hơn trong thời đoạn khó khăn đã gặp phải sau này.

Là sĩ quan cấp tá, nhưng anh Trần Tam Tiệp thật xuề xòa bình dân đầy nghệ sĩ tính. Anh sinh hoạt văn chương báo chí và hơi kín tiếng vì khiêm hạ, nhưng là người luôn vui vẻ để sẵn sàng giúp đỡ tất cả mọi người quen biết với tất cả tấm lòng và những gì có thể, nên ai cũng vô cùng quý mến anh.

Anh không nói kể gì nhiều nhưng tôi biết được kết quả tốt đẹp của nỗ lực tích cực vận động, gõ cửa mọi nơi chỗ của anh để nhờ can thiệp, giúp đỡ cho anh Dương Hùng Cường…

(Nhớ về anh Dương Hùng Cường và …- Trần Ngọc Tự)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 Nói lái trong tiếng Việt có tự nghìn xưa, phong phú và đa dạng. Đang nhậu tới bến mà được hỏi thì:

 “ít lắm, chỉ mới lai rai “ít ly” thôi.

 

“ít ly” thôi nên hiểu là mới uống đúng…“y một lít”.

Vậy là…ít lắm!

Trần Tam Tiệp - 1

 Khi được về vào cuối tháng Giêng năm 1981, tôi và anh Dương Hùng Cường gặp lại nhau. Ngay lần đầu tiên, sau lúc hàn huyên gặp gỡ, anh nói với tôi rằng anh Trần Tam Tiệp đã nhắn tìm tôi và ghi cho tôi địa chỉ để sớm thư từ liên lạc. Anh ấy tham gia sinh hoạt báo chí bên Paris và hiện đang là Tổng thư ký Văn bút Việt Nam hải ngoại.

Với anh Trần Tam Tiệp thì thời gian ở Không quân rồi quen biết anh, tôi như một đứa em thực sự và rất gần gũi anh, nhất là từ sau vụ việc của anh Dương Hùng Cường năm 1972. Thời gian thân quen nhau, nhiều buổi tối, tôi vẫn hay ghé thăm anh tại căn nhà nhỏ anh ở thuê bên hông nhà thờ Tân Sa Châu. Rồi thường xuyên hơn từ dạo 1974, khi anh dọn về trong con hẻm dọc theo đường rầy xe lửa phía bên kia đường Nguyễn Huỳnh Đức, cũng gần khu cổng xe lửa số 6 nhà tôi.

 Thời gian này, ngoài việc vẫn cộng tác với tập san Lý Tưởng Không quân, qua bút hiệu Đạo Cù, anh có viết phiếm luận và bài cho tờ Báo Đen của người bạn là Bồ Đại Kỳ và do anh chị Trần Dạ Từ & Nhã Ca trực tiếp phụ trách(…)

Ngoài ra, anh cũng bắt đầu khởi công việc thực hiện quyển Quân sử Không quân mà anh vừa được giao phó. Nhiều buổi tối, tôi đến phụ giúp anh sắp soạn và phân loại các tài liệu, hình ảnh đã có sẵn về từng nhân vật, con người Không quân cũng như các đơn vị và sinh hoạt từ những ngày phôi thai hình thành quân chủng. Thế rồi cái ngày 30 tháng Tư năm ấy…

(Nhớ về anh Dương Hùng Cường và …- Trần Ngọc Tự)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 Chán đời cắt tóc đi tu.
Nghĩ đi nghĩ nghĩ lại…đi tù sướng hơn.
Trong tù làm chủ giang sơn,
Một căn phòng đá với dăm ba thằng.
Thằng nào cũng có khiếu năng,
Thằng thì giỏi hoạ thằng thì làm thơ.
Có thằng lại đứng ngẩn ngơ.
Vì sao ta lại trở vô nhà tù??

 Trần Tam Tiệp - 2

 Khoảng hơn hai tháng sau lần gặp đầu tiên, anh Dương Hùng Cường tìm tôi và nhắc về việc gửi thư cho anh Trần Tam Tiệp. Anh đang nóng lòng mong tin thư vì biết tôi đã được về. Rất thật lòng, tôi vẫn do dự và ngần ngừ mãi trong việc thư từ ra ngoại quốc, dù rằng cho một người thân quen như anh Trần Tam Tiệp, kể cả với anh chị em trong gia đình. Đây là điều tự nhiên dễ hiểu đối với một người vừa rời khỏi trại tù cải tạo, vì sợ rằng sẽ tạo cho người nhận một ý nghĩ gợi nhắc xa gần đến sự giúp đỡ gì đó.

 Kể từ đó, tôi đã gửi sang anh một số bài vở của tôi cũng như của vài thân hữu. Và cứ cách một vài tháng, tôi nhận được gói quà 2 pounds thuốc tây mà tôi biết là có được ở khoản bớt ra từ lương tháng của anh, đã giúp tôi giải quyết được phần nào khó khăn cuộc sống cho gia đình khi ấy. Thỉnh thoảng tôi được đọc vài báo chí hải ngoại do anh gửi về qua cô Nguyễn Thị Nhạn (tờ Kháng chiến, Nhân chứng ở Hoa Kỳ, Nhất Việt, Nhân Bản ở Pháp…).

(Nhớ về anh Dương Hùng Cường và …- Trần Ngọc Tự)

 Thơ ca hiện đại, hiện thực

 Một thời để yêu và một đời để trả nợ 

(Một thời để yêu và một thời để nhớ)

 Đã có một thời…

 Ông Mặc Thu xỉn
Có lần con ông Mặc Thu lên thăm bố. Mang theo thức ăn và cả đồ nhắm cùng rựơu ngon cho bố. Ông Mặc Thu cao hứng đánh chén tì tì. Đến khi vào trại, đi xiêu vẹo, chân nam đá chân chiêu, mồm sặc mùi rượu. Tay trưởng trại, ở ngay phòng trực trước cổng trại, gọi ông Mặc Thu vào. Lúc đó Mặc Thu còn sặc mùi rượu, nói năng lè nhè lung tung nên buổi chiều bị nhốt ngay vào nhà lao, cùm hai chân.

Cái nhà lao bằng tranh nhỏ xíu nằm gần phía sau trại chỉ có một lối nhỏ dẫn vào. Hằng ngày mấy tay gọi là “thi đua” trong trại phải mang cơm đưa vào cái cửa ô cửa nhỏ, đồng thời lấy cái bô vệ sinh của anh tù ra ngoài mang đi đổ. Tôi phải nói mãi với tay thi đua để mang thêm cho ông ấy ít cơm và thức ăn. Vài ngày sau ông Mặc Thu được thả, bởi thật sự nếu để ông ấy nằm trong nhà lao cái kiểu ấy, có thể chết bất cứ lúc nào.

 

Từ đó đó mỗi lần bọn cán bộ trại có tổ chức đám cưới, liên hoan, lễ Tết thường bắt mấy anh tù có tài vặt đến trang trí hội trường. Tôi lại lôi ông Mặc Thu lên ngồi vẽ, cắt dán đủ thứ. Được cái ông này rất có tài vẽ vời và cắt dán khiến mấy anh “cán” rất mê. Từ đó ông dễ thở hơn rất nhiều. Cho đến khi được thả, tôi thường đến thăm ông Mặc Thu. Khi ra tù, những năm sau này, ông bà Mặc Thu đã được con gái lớn bảo lãnh sang Mỹ theo diện đoàn tụ. Nhưng ông bà đông con, một số con cháu không thể cùng đi. Vậy là cả ông lẫn bà đã trở lại Sài gòn trong những ngày cuối đời. Khi ông sắp mất, ông nhất định bắt con trai gọi tôi đến. Khi gặp ông, lúc đó có lẽ ông biết chắc sắp ra đi nên nắm tay tôi bùi ngùi nói lời từ biệt: “Không thể quên cậu và anh em trong tù được”.

 

Và quả nhiên đêm hôm đó ông ra đi mãi mãi.

 

(Tết trong trại tù cùng bạn bè – Văn Quang)

 Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 Học cho lắm, tắm hổng có quần thay.
Học cho hay ,tắm thay hoài cái quần cũ.

 160 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

 Trở lại chuyện Người con gái Sơn Tây, theo nhạc sỹ Phạm Duy bạn học của Quang Dũng ở trường Thăng Long Hà Nội kể lại, lúc Quang Dũng còn là đại đội trưởng trung đoàn Tây Tiến đóng quân ở Hoà Bình. Vừa được nghỉ phép, về thăm gia đình ở Phùng thuộc tỉnh Sơn Tây, anh tạt qua nơi có tên là kinh Đào ở gần chợ Đại, thăm người tình cũ tên là Nhật.

Người tình nầy, còn có một mỹ danh nữa là Akimi, nàng có hàng cà phê trong vùng kháng chiến mà ông thường hay ghé uống. Nàng chính là người đẹp Sơn Tây, nguồn cảm hứng dạt dào cho Quang Dũng viết bài Đôi mắt người Sơn Tây…

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương

 Akimi Nhật sống cùng mẹ, trong cái quán nước đơn sơ nầy, nhà thơ thường hay lui tới, có lần Quang Dũng sáng tác ngay một bài thơ ca ngợi nàng và dán lên vách nứa:

Tóc như mây cuốn, mắt như thuyền
Khuấy nước kênh đào sóng nổi lên
Ý nhị mẹ cười sau nếp áo
Non sông cùng đắm giấc mơ tiên…

(đây là bài thơ mới phát hiện sau này do bà Nhật, hiện định cư ở Dallas, Hoa Ky cung cấp ).

 Có lần Phạm Duy cùng Quang Dũng đi xe đạp về chợ Neo, hai người chạy song song trên đường làng..Thi sĩ kể về mối tình của mình với người đẹp Akimi và đọc lên bài thơ tặng nàng:

Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai
Sông kia từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi gió heo về một sớm mai

Sau này, chiến tranh lan rộng, Akimi theo mẹ về thành bỏ lại người xưa…tan vỡ một mối tình….Tới 1954, nàng di cư vào Nam, sống ở Sài Gòn, một thời là kiều nữ của nhà hàng Tự Do, đến 1975 sang Mỹ định cư (Dallas). Nàng đi để lại cho Quang Dũng một nỗi nhớ ơ hờ chỉ biết:

Bên nầy đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào…

(Đôi mắt người Sơn Tây – nàng là ai? – Nguyễn Duyên)

 Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 Chắp tay lạy cụ tình yêu.
Cho con lấy được nàng Kiều ngày nay.
Cụ nhìn trợn mắt cau mày.
Không đưa hối lộ thì đây đếch ừ .

Đường văn ngõ chữ

 

Nhà văn hay khóc


 


Khi nhiều tác phẩm của ông được độc giả tìm đọc, ông trở thành nhà văn nổi tiếng, mà ông vẫn là thầy giáo Nguyên Hồng sống, viết và dạy học ở Hải Phòng. Sau đó ít lâu, ông thôi dạy học để hành nghề viết Văn  chuyên nghiệp. Ông cũng như nhiều nhà văn, khi ông được hâm mộ thì quan hệ của ông càng rộng, có nhiều bè bạn và trà dư tửu hậu.

 

Nhưng, khác với các nhà văn khác là người ta thấy Nguyên Hồng ở chỗ ông hay… khóc. Ông khóc rất… thật, khóc nức nở, như có gì thương cảm, đau đớn lắm. Có khi ông khóc từ đầu bữa rượu đến tàn bữa rượu. Anh em say rượu, ngủ lăn ngủ lóc trên chiếu rượu, khi tỉnh dậy vẫn thấy Nguyễn Hồng ngồi khóc. Có bữa, anh em dự tiệc xong về hết, ông vẫn ngồi khóc một mình, mặc người gia đình gọi. ấy là khi ông nghe tin bạn bè bị nạn, nhất là bạn hữu văn nghệ sĩ, nhà báo làm sao, tai nạn, tai họa gia đình có sự buồn, hoặc ai nhắc đến nhân vật trong tác phẩm của ông về số phận, hoàn cảnh, nhất là gặp cảnh không hay, chẳng may…

 Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 Này cô con gái nhà ai.
Cớ sao dám hái hoa nhài nhà tôi.
Hái rồi thì hãy …lấy thôi.
Còn chưa hái được để tôi…hái dùm.

 Đường văn ngõ chữ

 Nhà thơ rất hà tiện



Ai cũng bảo nhà thơ Xuân Diệu quá tiết kiệm thành hà tiện. Quả là vậy. Một hôm, ông mời 2 bạn thơ nổi tiếng đến nhà chơi. Họ mải nghe ông nói về thơ, để điếu thuốc lá cháy, mãi không hút tiếp, ông liền kêu: “Chết! Nghe thì nghe, nhưng vừa nghe vừa hút, để thuốc cháy không thế kia, phí quá! Hút đi!”.

 

Xuân Diệu rất tiết kiệm thời gian. Ông hẹn ai đến vào giờ nào, phải đến thật đúng giờ, không được chậm, dù chậm chưa đến 1 phút. Xuân Diệu vạch lịch làm việc, tiếp khách hàng ngày, và đều thực hiện rất đúng lịch, từng giờ, từng phút. Đã tiếp người này, thì không tiếp một ai khác. Ông thường viết thông báo treo trước cửa nhà, ví như: “Chiều nay, Diệu chỉ tiếp Kha và Tạo. Khi khác nhé”. Và ông đều thực hiện đúng lịch và thời gian 100%.

Chinh phụ ngâm bị khảo

 


Chinh phụ ngâm bị khảo là một tác phẩm nghiên cứu văn học công phu và có giá trị của học giả Hoàng Xuân Hãn.
Tác phẩm này được học giả hoàn thành vào năm 1952 và như ông khẳng định muốn chứng minh “bản dịch Chinh phụ ngâm hiện lưu hành rộng rãi ở nước ta” không phải do Đoàn Thị Điểm dịch mà do một danh sĩ đời Lê mạt và đời Nguyễn Tây Sơn là Phan Huy Ích diễn nôm: “Theo tục truyền, rồi theo các sách giáo khoa, chúng ta đã yên trí áng văn ấy là của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Thế mà sự thật lại khác. Tác giả bài văn nôm nổi tiếng kia là Phan Huy Ích…

“Mục đích của quyển sách này là chứng rõ sự ấy, để chữa một điều lầm trong lịch sử văn chương nước ta”.

Công việc “bị khảo” của học giả đã tiến hành như thế nào và lập luận của ông đã căn cứ vào bằng chứng nào để kết luận bản Chinh phụ ngâm hiện ta có trong tay là do Phan Huy Ích dịch?


Trước hết chúng ta nhắc lại, cho đến nay, trong học đường, ngoài dân chúng, đều cho rằng bản diễn nôm Chinh phụ ngâm mà chúng ta có trong tay là do Đoàn Thị Điểm điểm xuyết.

Niềm tin này có căn cứ kể từ ấn bản Chinh phụ ngâm đời Thành Thái (1902), bản dẫn giải của Nguyễn Đỗ Mục (1929), bản dùng trong học đường của Lê Thước, Vũ Đình Liên ở ngoài Bắc (1957) và bản của Giáo sư Tôn Thất Lương (1950) ở trong Nam.


Ngoài ra, trong các bộ văn học sử từ Nữ lưu văn học sử của Lê Dư, Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử trích yếu của Nghiêm Toản cho tới Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ đều xác nhận bản dịch Chinh phụ ngâm lưu hành rộng rãi là của Đoàn Thị Điểm.

(Chinh phụ ngâm bị khảo – Hoàng Yến Lưu)

 Chữ là nghĩa

 Trên trời có đám mây xanh,

Ở giữa mây trắng, xung quanh mây vàng.

Nếu mà anh phải lấy nàng,

Anh thà thắt cổ cho nàng ở không.

Tình dục trong làng văn xóm chữ

 Gái 

 Tổ chức cung ứng tình dục đã phát triển rất đa tạp ở mẫu hình Trung Quốc của Đại Việt vào thời Tống, Nguyên, Minh - cùng lúc với Lê. Đất Hàng Châu nổi danh của Tống có các hoa thất, ở cấp bực thấp nhất, dành cho lính tráng và cả dân nghèo tìm vui. "Gái" ở đây là chiến lợi phẩm từ nước bại trận, là vợ con tù phạm.

Ở cấp bực giữa là tửu gia, dành cho quan, nơi có "cơn vui suốt sáng trận cười thâu đêm" với gái đẹp, rượu ngon chuốc trong chén bạc, với cao lương mĩ vị, thắp đèn màu, phát sinh ra từ ngữ thanh/hồng lâu để thêm cho Mỹ tập họp "red light district" khi theo lưu dân tìm vàng ở San Francisco vào cuối thế kỉ XIX.

Ở cấp bực cao nhất cho quý quan, văn nghệ sĩ là một loạt tên: ca thất, ca kỹ thất, trà gia, mà khách làng chơi khi mới bước qua cửa đã phải bỏ vài quan tiền ra mắt với "chén trà tìm hoa", rồi lên lầu tốn thêm vài quan với chung rượu, để thấy mặt người đẹp dành cho chọn lựa, rồi cơm rượu, rồi ca múa, mỗi tiết mục trải qua là tiền tung "trăm nghìn đổ một trận cười như không". Cô Kiều than "thanh lâu hai lượt" nhưng chắc lần đầu đã ở đây gặp Thúc Sinh, sau mới hạ giá "mắt xanh" với Từ Hải ở thanh lâu thực sự.

 (Giống đực và giống cái trong triều đình – Tạ Chí Đại Trường)

 Chửi đời

 

Nguyễn Du lúc còn trẻ, "lang bang" đi chọc ghẹo gái, cũng đã từng văng tục :

- Phụt ngọn đèn trước mặt, đếch sự đời! Chẳng phải đứa tiểu tâm.

Nguyễn Công Trứ buông lời chửi rủa :

- Tám vạn tư mặc kệ, không quân thần phục tử, đếch ra người.

 Cao Bá Quát bất mãn với triều đình Tự Đức, quay sang chửi đời :

- Tưởng đến khi vinh hiển đã an tường 
Song nghĩ lại trần ai không đếch chỗ. (Tài tử đa cùng phú)

 (Nguyễn Dư)

 Tình dục trong làng văn xóm chữ

 Kỹ nữ

Đò sông Hương không phải đợi tới thực dân Pháp mới có, vì các bài Nam bình, Nam ai đi theo các câu hò mái đẩy, tuy không chứng cớ về thời điểm nhưng rõ ràng là xuất hiện từ rất lâu. Nguyễn Du đã thưởng thức tiếng đàn của người kỹ nữ thành Thăng Long, cùng với đám quân tướng Tây Sơn (sic) chắc là há hốc mồm theo với tiếng nhạc lời ca. Sao lại có thể nghĩ rằng "cầm giả" này chỉ hát làm vui cho tác giả Truyện Kiều mà lúc khác không làm việc như người kỹ nữ bến Tầm Dương xưa kia?

 Người của Nho gia này không giã từ Thánh Khổng một thời gian lâu dài thì hẳn không biết đến "Nước vỏ lựu, máu mào gà", không thể viết những câu như: "Rõ ràng trong ngọc trắng ngà, Dầy dầy sẵn đúc một toà thiên nhiên" được. Thi sĩ ngắm nghía, trầm trồ rồi câu thơ vụt ra như một thứ orgasme qua thi tứ, một thứ khoái trá được giải thoát của kẻ phải chịu ép mình trong kềm thúc lâu ngày.

 Trước ông một chút, nho sĩ võ biền Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều tả cảnh ân ái "Bóng dương lồng bóng đồ mi chập chùng", theo cách nói khác với của bình dân "Gặp thằng vua phải gió nó đè em cung nữ ra". Ở những nơi có các "Hồng Hồng, Tuyết Tuyết mới ngày nào còn chửa biết cái chi chi" vừa cho thấy một tình trạng mại dâm trẻ em về phía chủ chứa, mà cũng tỏ rõ khuynh hướng ưa thích trẻ em ở các nhà nho đi tìm thú vui ngoài văn thơ.

Chính từ nơi này cũng nảy ra thảm cảnh gia đình như của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, hay với trường hợp Thủ tướng tương lai Trần Trọng Kim vì đi hát ả đào chung với người thân Nhật bị Pháp vây bắt (Dương Bá Trạc) - (Dẫn chứng từ Hoàng Văn Chí).

 (Giống đực và giống cái trong triều đình – Tạ Chí Đại Trường)

 Câu đố dân gian

Mình tròn đựng cháo bột huỳnh tinh,
Gái xoan làm bạn với mình đẹp ra;
Bao giờ tuổi tác về già,
Cây đa bóng mát ngồi mà nghỉ ngơi

(bình vôi)

 Chửi mang âm hưởng “toán học”

 “Bố mày là A, mẹ mày là B, bà cho vào “ngoặc” bà “khai căn” cả họ nhà mày. Bà rủa mày ăn miếng rau mày ói ra miếng thịt, mày tắm trong ao mày chết chìm trong chậu. Bà “khai căn” cả họ nhà mày xong rồi, bà “tích phân n bậc”, bà bắt cả hang, cả hốc, ông cụ, ông nội, cả tổ tiên nhà mày ra mà “đạo hàm n lần.

 Ái chà chà! Mày tưởng nuốt được con gà nhà bà là mày có thể yên ổn chơi trò “cộng trừ âm dương” trên giường với nhau à. Bà là trị cho “tuyệt đối” hết cả họ chín đời nhà mày, cho chúng mày biết thế nào là “vô nghiệm”, cho chúng mày không sinh, không đẻ, không duy trì được nòi giống nữa thì thôi. Bà sẽ nguyền rủa cho chúng mày đời đời chìm đắm trong “âm vô cùng”, sẽ gặp tai ương đến “dương vô tận”, cho chúng mày chết rục trong địa ngục, cho chúng mày trượt đến “maximum” của sự “vô hạn” tối tăm...”

 Tình dục trong làng văn xóm chữ

 Nguyễn Thị Lộ

 Ông vua Lê bên mình vua đã có Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, "người rất đẹp, văn chương rất hay... ngày đêm hầu bên cạnh", ba năm sau (1442) sẽ gây nên cái chết của ông vua 19 tuổi.

Sử quan ghi gọn ghẽ mà nhiều ý:"Vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng." Sử quan thế kỉ XIX, lại vẫn thói quen che đỡ quân vương, tuyệt đối tránh nói chuyện tính dục, nên chuyển qua việc Thái Tông "mắc chứng sốt rét (?!)".

Thị Lộ vào hầu, chẳng để vua làm phiền (!) gì nhưng vẫn bị tội thí quân, gây vạ cho ông chồng già Nguyễn Trãi. Tự Đức gạt bỏ danh hiệu "người hiền" thiên hạ gán cho Nguyễn Trãi vì "Trãi nếu là người hiền thì sớm liệu rút lui, ẩn náu tung tích... (trái lại) thả lỏng cho vợ làm việc hoang dâm, vô liêm sỉ... (nên) cái vạ tru di cũng là do Trãi chuốc lấy."

 Ông vua không-thể-có-con này chắc không chú ý đến một chi tiết khác của Toàn thư: "Tháng 9 ngày 9, giết bọn hoạn quan Đinh Phúc, Đinh Thắng vì khi Nguyễn Trãi sắp bị hành hình, có nói là hối không nghe lời của Thắng và Phúc."

Với sự kiện này, theo ý Tự Đức, Nguyễn Trãi còn tệ hơn là không phải "hiền giả" nữa. Nhưng hãy xét theo tính cách một mưu thần nổi danh, của Nguyễn Trãi, người thấy được tình thế đương thời.

 (Giống đực và giống cái trong triều đình – Tạ Chí Đại Trường)

 Hát cung văn

 Nguồn gốc ra đời

 

Hát cung văn, hát chầu văn, mỗi tên gọi chỉ sự phát triển ngôn ngữ dân gian đi với hình thúc trình diễn. Hát cung văn xuất phát, ra đời từ sự sáng tạo những bài cúng của  thày cúng. Họ là những ông cung văn, hành nghề đi cúng trong dân gian.

 

Thày cúng, ra đời từ nhu cầu tâm linh, một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần người Việt. Thày cúng xuất hiện ở các bộ lạc, bộ tộc còn tín ngưỡng vạn vật, thờ đa thần.

 

Thày cúng đọc những bài khấn thần linh bằng thơ lục bát, cách đọc mang tính hát nói, lúc đầu cầu cúng thần linh, thần thánh, một thế giới vô hình, cầu mong con người bình yên, tai qua, nạn khỏi, được mùa, chăn nuôi gia xúc đầy nhà...Thày cúng, cúng ngoài đình, đền, miếu, tại gia tiên.

(Tuấn Giang)

 

Sách sử thế này, học sinh hãi lịch sử là đúng


Những bài học khiến các em hãi sử.
Sách sử thiếu hệ thống do có những bài như… trên giời rơi xuống! Bỗng dưng lại dạy “Chiến thắng Chi Lăng”. Sự kiện sau tiếp nối sự kiện trước. Có thế học sinh mới hiểu. Thế nhưng sách lịch sử lớp 4 thật lạ, đùng cái học bài “Chiến thắng Chi Lăng”. 


Trước bài “Chiến thắng Chi Lăng” là bài “Nước ta cuối thời Trần”.

Đáng lẽ phải dạy cho học sinh biết về việc Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa đã, thì mới có chiến thắng ở ải Chi Lăng. Nhưng không, các nhà soạn sách cứ nghĩ học sinh như là mình vậy… Chỉ có vài dòng chữ nhỏ chú thích sơ lược thế là cứ dạy.

 

Và bài “Chiến thắng Chi Lăng” như trên… giời rơi xuống.

 (Tùng Sơn)

 Thành ngữ tục ngữ sai

 Về hình thức: tục ngữ là một câu, dù ngắn đến đâu cũng diễn tả một ý trọn vẹn; thành ngữ chưa phải là một câu mà chỉ là một phần câu, một tập hợp từ bền vững. 

Về nội dung: tục ngữ là kinh nghiệm, tri thức được diễn đạt theo lối khẳng định, tổng kết quy luật, chân lý của sự vật, hiện tượng tự nhiên, còn thành ngữ mới chỉ dừng ở mức độ ví von, nhận xét, diễn đạt một cách hình ảnh về sự vật, hiện tượng nào đó mà thôi.

 

Bởi vậy, trong tục ngữ có thành ngữ, nhưng trong thành ngữ không có tục ngữ. Nói cách khác nếu thành ngữ giống như cái túi áo trên ngực áo, thì tục ngữ là cả cái áo. Cái túi áo chỉ làm phong phú thêm chức năng và góp phần tô điểm cho cái áo chứ không phải là chính cái áo. Ví dụ, trong câu tục ngữ:“Gái phải hơi trai như thài lài gặp cứt chó”, thì “như thài lài gặp cứt chó” là thành ngữ nằm trong tục ngữ. Hoặc “Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ”, “như kiến thấy mỡ” là thành ngữ; “Rẻ như bèo nhiều heo cũng hết”, “rẻ như bèo” là thành ngữ.

 (Hoàng Tuấn Công)

 Sài Gòn một trời kỷ niệm

 Phía bên kia đường, kế Sở Hoả Xa là Bệnh viện Sài Gòn xây lại từ năm 1935, gia đình ông Hui Bon Hoa (chú Hoả) đóng góp một số tiền lớn để xây bệnh viện.

Bệnh viện này nguyên là một cơ sở y khoa nhỏ ở đường d’Adran (Hồ Tùng Mậu) chuyển đến từ năm 1914. Ban đầu bệnh viện có tên “Polyclinique du boulevard Bonard” hay còn gọi là “Polyclinique du Marché” (vì gần chợ Bến Thành).

 (Trang Nguyên)

 Vòng quanh các rạp ciné Sài Gòn xưa 

 Rạp Lê Lợi nằm trên đường Lê Thánh gần chợ Bến Thành, chuyên chiếu phim cũ nhưng tuyển chọn toàn phim hay và chỉ chiếu trong 1, 2, hoặc 3 ngày rồi đổi sang chiếu phim khác. Tuy nhiên, nếu hụt xem phim nào thì khán giả cứ chờ đợi, một thời gian sau thế nào phim đó cũng sẽ được chiếu lại. Cái hay là lịch chiếu phim được niêm yết trước để khán giả có thể chọn ngày đi xem.

Rạp Lê Lợi có thể nói là rạp duy nhất ở Sài Gòn chiếu phim theo phương thức này, một ít rạp khác có bắt chước nhưng rồi cũng không theo được hoặc sau đó phải thay đổi cách làm khác..

 (Nguyên Trần)

 Sài Gòn một trời kỷ niệm

 Cũng vào thời gian này (1914), rạp Lê Lợi được xây dựng nhưng không phải nằm trên đường Lê Lợi mà là trên đường Lê Thánh Tôn gần chợ Bến Thành. Sau 1975 rạp này thành vũ trường và ngày nay là Phòng trà Không Tên.

(Trang Nguyên)

🌽🌽🌽🌽🌽🌽🌽🌽🌽

 Mời Xem :Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 15/11/2021 )- Ngộ không Phí Ngoc Hùng

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét