Từ những câu thơ chúng tôi ngước nhìn
Như tù nhân đã bị bịt mắt
Được gửi đi tìm ánh sáng
Nhưng ánh sáng chẳng bao giờ tới
Một cây kim và sợi chỉ sẽ cần thiết
Để hoàn thành bức tranh
Để nhìn thấy những sinh vật tội nghiệp, những kẻ khốn khổ
Đó là một con diều hâu
Đôi mắt đã bị khâu.
Bài thơ trên do Thi sĩ Ai-Da sáng tác.
Vậy Ai-Da là ai và từ đâu tới?
Ai-Da là con đẻ của Aidan Meller ở Oxford, miền trung của nước Anh. Ai-Da là một nghệ sĩ người máy cực kỳ hoàn mỹ và giống thực đầu tiên trên thế giới. Cô vừa trình diễn một buổi đọc thơ trước công chúng, tại Bảo Tàng Ashmolean nổi tiếng của Đại Học Oxford nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất của Dante. Bằng những câu thơ cô sáng tác căn cứ vào những dữ kiện cô thu thập được từ sử thi “Divine Comedy” của nhà thơ, mà Aida đã tích lũy được toàn bộ vào bộ nhớ của mình, sau đó với tài năng điện toán ưu việt cô lấy ra những mẫu lời nói của Dante làm thành bài thơ của riêng mình.
Bài Thơ trên của Cô đã được cha cô, ông Meller khen ngợi là sâu sắc.
Khi nói về người máy, về Robot người ta thường liên tưởng đến những phim ảnh bạo động. Người ta quen nghĩ như thế hằng bao nhiêu năm nay và mặc nhiên cho rằng những robot này chỉ thuộc về một thế giới hãi hùng đen tối nào đó trong phim ảnh và tiểu thuyết, và những người tạo dựng ra những người máy này một phần nào cũng bị cho là có đầu óc lệch lạc.
Ai-Da và ông “bố” Aidan Meller
Một ngày đẹp trời nào đó bỗng thiên hạ tự nhiên được một “Thi Sĩ Robot” đọc cho nghe một đoạn thơ “đầy chất thơ và đầy cảm xúc”
Như thế, người ta bỗng thấy yêu đời và tin người hơn.
Ai-Da không chỉ làm Thơ, đọc Thơ mà cô còn tự vẽ được chân dung của mình, giống hệt như hình dáng cô được sáng tạo.
Sự hoàn hảo của Cô đã khiến không ít người lo sợ, tự hỏi “Không biết con người có dùng trí thông minh của Thượng Đế cho mình để lấn vào công việc của Thượng Đế hay không?
Chúng ta không thể nào nghĩ ra AI là nghệ thuật và thơ ca, nhưng đó chính xác là những gì Ai-Da, một robot do Aidan Meller- ở Oxford, miền trung nước Anh, chế tạo ra.
“We looked up from our verses like blindfolded captives,
Sent out to seek the light; but it never came
A needle and thread would be necessary
For the completion of the picture.
To view the poor creatures, who were in misery,
That of a hawk, eyes sewn shut.”
Ông Bố Meller nói rằng khả năng Ai-Da bắt chước văn bản của con người “rất tuyệt vời, nếu bạn đọc những gì Ai-Da viết, bạn sẽ không bao giờ nghĩ bài đó do một người máy viết ra.”
Khi Ai-Da đang đọc Thơ, ông Bố Meller phát biểu “Thật dễ dàng để quên rằng bạn không phải đối phó với một con người bằng xương bằng thịt”
Dự án Ai-Da được tiến hành để giải quyết cuộc tranh luận về khía cạnh đạo trong việc phát triển AI (Artificial Intelligence) mô phỏng con người và hành vi của con người.
Meller nói với CNN: “Cuối cùng chúng ta cũng nhận ra rằng công nghệ AI đang có tác động lớn đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống và chúng ta đang tìm cách hiểu công nghệ này có thể làm được những gì và nó có thể dạy chúng ta về bản thân mình như thế nào.”
Khi Ai-Da học được những thói quen và hành động lập đi lập lại y hệt của con người, ông Bố Meller nói:
Cách chúng ta có xu hướng lập đi lập lại hành động và lời nói cho thấy trên thực tế chúng ta mới chính là những Robot.
Qua Ai-Da và qua việc xử dụng AI, chúng ta có thể tự tìm hiểu bản thân mình. Khi thấy Ai-Da bắt chước những gì chúng ta làm, điều này cho phép chúng ta tự nhìn thấy bản thân mình một cách sâu sắc hơn.
Meller cũng nhận thức được những lo ngại về sự phát triển ngày càng tiến bộ của trí tuệ nhân tạo và tiềm năng sử dụng các thuật toán để thao túng dân số; nhưng ông nói rằng “công nghệ tự nó là lành tính – chẳng qua chỉ những người lợi dụng công nghệ cho các mục tiêu xấu xa mới đáng bị nghi ngờ về mặt đạo đức.”
Theo Meller, khi nói đến những lo lắng về tương lai của AI sẽ đưa chúng ta đến đâu, “Nỗi sợ hãi lớn nhất mà chúng ta nên có là về bản thân và khả năng của con người có thể sử dụng công nghệ để đàn áp, chứ không phải của chính AI.”
Meller nghĩ rằng Ai-Da có thể là người tiên phong trong thế giới AI và những gì cô làm ra- cho dù đó là thơ, sẽ đẩy ranh giới của những gì có thể đạt được trong công nghệ và sẽ cho phép chúng ta tìm hiểu thêm về bản thân, tác phẩm nghệ thuật hay bất cứ thứ gì khác hơn bao giờ hết, thông qua con mắt của robot.
Meller nói với CNN. Ai-Da không chỉ có thể đọc và viết thơ – cô cũng có khả năng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật, và làm một tác phẩm cho triển lãm Dante có tựa đề “Eyes Wide Shut”.
Những người làm việc trong lãnh vực nghệ thuật văn chương và hội họa sau khi nhìn ngắm Ai-Da và tìm hiểu những thành quả của cô có thấy
hoang mang có thấy thất lạc, hụt hẫng ngay trong thế giới mình đang sống hay không?
Tôi đang nhớ đến con búp bê bằng nhựa tôi có khi còn bé. Một con búp bê rỗng mà chân tay nó được nối bằng hai sợi thung xuyên từ bên này sang bên kia, để tôi có thể cho nó giơ tay, giơ chân lên được và tôi tin là nó nghe được tôi trò chuyện với nó, hát ru nó ngủ.Thật là tuyệt vời!
tmt. 11/30/2021
(Viết phỏng theo bài của Hannah Ryan, CNN-Nov.27-2021)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét