13 thg 12, 2021

Lối cũ tường xưa – Ara Phat (K.7-SPSG )

Chúng tôi đã ổn định được nơi ăn chốn ở nơi thủ đô Bruxelles, thôi thì cho dù có muốn ẩn dật kiểu « ta dại ta tìm nơi vắng vẻ »; cũng không được, do số trời bắt mình « đến chốn lao xao  » làm kẻ khôn vậy.
Mà có yên thân làm người khôn được đâu, vẫn phải đi về hàng ngày cứ như thầy phán thầy thông sáng cắp ô đi tối cắp về, vẫn có việc làm linh tinh nơi tan hoang. Thường thì Ara lấy xe lửa đi về vì được cấp thẻ đi đến cuối tháng 10 này mới hết hiệu lực, sau ngày này phải mua vé với giá dành cho người già, không đắt lắm nhưng ngày nào cũng đi thì « tích tiểu cũng thành đa ». Khi nào thiếu những vật dụng cần thiết mà thứ cồng kềnh thì nhờ con cái đưa về lấy, con cái còn bận rộn nhiều việc.
Tuần trước trên đường về đi ngang một khu ngổn ngang, điêu tàn còn hơn khu vực lũ lụt vừa qua, một nơi sầm uất, tấp nập trên bến dưới thuyền từ 200 năm qua. Khu vực đưa nước Bỉ phồn thịnh một thời, nuôi sống gần 20 ngàn công nhân, là nhà máy luyện kim nổi tiếng Âu châu nay chỉ còn trơ những dấu vết của vang tiếng một thời, hoạt động sản xuất cơ sở này bị ngừng trong một thời gian ngắn từ tháng 5/2008 đến tháng 4 năm 2009 do suy thoái kinh tế do cuộc khủng hoảng tài chính 2007–2010 gây ra. Vào tháng 10 năm 2011, ArcelorMittal thông báo đóng cửa gần như toàn bộ giai đoạn nóng của nhà máy luyện kim Cockeril Sambre.
Nơi đây cũng không xa nhà của Ara lắm có phân xưởng chỉ cách 2km, còn trung tâm nhà máy chỉ cách khoảng 5km, từ trung tâm thành phố Liege di bus 26 đến nhà hắn ở Angleur chỉ 20 phút, còn đến lò luyện thép thì đi xe 25 đến Seraing chỉ hơn nửa tiếng.
Những điêu tàn này trong một cái nhìn nhiếp ảnh có sức hấp dẫn, lôi cuốn đã níu chân Ara và cô con gái lớn. Hai cha con nhặt nhạnh những góc cạnh để lưu lại những hình ảnh của lối cũ tường xưa, có thể trong vài năm tới không còn nữa, như chủ nhà máy đã bán tất cả nhà máy, phụ tùng cho một xưởng luyện kim của Trung Cộng, họ đã tháo gỡ toàn bộ đem đi từng bù lon, con tán, khu đất này nay đã trở thành trung tâm thương mại LOndoz, một trung tâm thương mại lớn của thành phố.

Lối đi dọc theo bờ tường nãy đã phủ rêu xanh

Ara không viết về kỹ thuật luyện kim mà thật ra hắn có học về ngành này đâu mà dám bàn ngang, những gì hiểu biết sơ đẳng là những thứ được học qua trong chương trình vật lý, hóa học lúc học trung học còn chút vấn vương thôi .Nói về luyện kim phải nói đến sắt thép, thép của BỈ một thời nổi tiếng trên thế giới, từ năm 1823 đến năm 1827, các xưởng luyện thép đầu tiên đã xuất hiện ở Charleroi. Chẳng bao lâu,một công ty Anonyme(Sa) John Cockerill với các nhà máy ở Seraing (gần Liège) và Charleroi đã trở thành công ty sản xuất thép lớn nhất thế giới. Bỉ trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai sau Vương quốc Anh. Một trăm năm sau, sau nhiều lần hợp nhất và tiếp quản, công ty có tên là » Cockerill » công nhân lên tới 18000 người. Trong những năm 1980, nhà nước tiếp quản các nhà máy, vào năm 1998 Usinor của Pháp đã nắm giữ 75% cổ phần. Dần dần các bộ phận của các nhà máy thép và các nhà máy phụ thuộc khác đã bị đóng cửa. Năm 2007, lò cao (haut fourneau)cuối cùng đóng cửa.

Bờ tường bao phủ chung quanh nhà máy

Công ty Cockerill

Năm 1817,hai anh em John Cockerill và Charles James Cockerill thành lập một xưởng đúc sắt tại Seraing. Ngoài việc chế tạo ra các tác phẩm bằng sắt, John Cockerill bắt đầu vào các hoạt động chế tạo máy nối gót thân phụ William Cockerill đã thành công trong việc chế tạo máy móc cho ngành dệt may trong Vùng Liège. Đến Năm 1825 doanh nghiệp được gọi là John Cockerill & Cie.

Công ty sản xuất máy móc công nghiệp cơ bản như động cơ hơi nước, máy thổi lò cao, v.v. Năm 1835, công ty sản xuất đầu máy hơi nước đầu tiên của Bỉ, và cho nhiều quốc gia khác trên thế giới « Le Belge » và bắt đầu xây dựng đầu máy cho đường sắt của Bỉ.

Chế tạo một thiết giáp hạm cho Vương quốc Anh, hải quân Hoà Lan vào năm 1825 dựa trên hiệp hội thiết bị quân sự vào thế kỷ 19,
Hoạt động kinh doanh chính của công ty là trong lĩnh vực cơ khí kim loại với trọng tâm là máy móc liên quan đến hoặc sử dụng trong các xưởng luyện thép; bảo trì, tân trang và sửa chữa thiết bị cũng là một phần công việc kinh doanh của công ty.
Phân ngành sản xuất thiết bị xử lý thép cuộn bao gồm dây chuyền tẩy, ủ, nhúng nóng và mạ điện, nhà máy cán và lò nung nóng cho ngành thép. cũng như đầu máy xe lửa shunting.
Các sản phẩm phân chia năng lượng bao gồm máy xông hơi thu hồi nhiệt và nồi hơi. Vào cuối những năm 2000, công ty đã phát triển máy thu năng lượng mặt trời nhiệt độ cao cho trạm năng lượng mặt trời, với việc lắp đặt đầu tiên vào năm 2014 như một phần của Solar One trạm điện tại Upington, Nam Phi.
Sản phẩm chính cho quốc phòng là pháo 90mm và tháp pháo cho xe bọc thép hạng nhẹ ; Nhờ chất lượng thép tốt, và tay nghề tinh vi Liege còn có cơ sở sản xuất vũ khí, những khẩu AR15, M16, và cả thiết giáp M60 cũng được sản xuất từ xưởng FN ở Herstal, nơi sản xuất vũ khí cho Nato.

Nhà máy thép ‘Société Anonyme Métallurgique d´Espérance-Longdoz’ ở Chertal này được xây dựng vào năm 1963. Nhà máy sản xuất hơn 3,5 triệu tấn thép mỗi năm. Từ năm 2011, sản lượng bắt đầu giảm do khủng hoảng.
Công ty thay đôi qua nhiều tên « Cockerill-Ougrée-Providence » vào năm 1970, nó trở thành một phần của ‘Cockerill-Sambre’ kế tiếp là ‘Usinor’ rồi là ‘Arcelor’. Cuối cùng nó trở thành ‘ArcelorMittal’ sau khi sáp nhập các công ty mẹ của nó.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã cho thấy con đường đi tới thành công của các công ty luôn chất đầy chông gai, không thể dự báo trước . Cuối năm 2008, ngân hàng Fortis của Bỉ bắt đầu bị bán dần, chỉ còn lại các bộ phận kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. ngân hàng Dexia chịu khoản lỗ 3,3 tỷ euro và phải xin Chính phủ Bỉ cho vay để củng cố.

Sản xuất bị đình trệ trong một thời gian ngắn từ tháng 5 năm 2008 đến tháng 4 năm 2009 do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính 2007–2010 gây ra. Vào tháng 10 năm 2011, ArcelorMittal thông báo đóng cửa gần như toàn bộ giai đoạn nóng của Cockerill. Cả hai lò cao HF6 và HFB, và nhà máy Chertal này đều bị diệt vong. Hơn 600 việc làm trực tiếp đã bị mất. Chỉ còn trơ những khung sắt của lò luyện thép danh tiếng một thời, bao nhiêu cơ sở kinh doanh chung quanh bị ảnh hưởng, cũng phải đóng cửa theo, hiện tại khu vực Seraing là một khu vực chết, nhà nước đang tìm cách hồi phục.

Cây cầu Seraing hiện tại được xây dựng vào năm 1960, là cây cầu thứ tư được xây dựng nơi đây, cầu đầu tiên có niên đại từ thế kỷ 15 và đây cây cầu cuối cùng từ năm 1960, thay thế một cây cầu tạm được xây dựng sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Nơi đây một thời tấp nập, trên bến dưới thuyền, lúc nào cũng ồn ào tiếng cơ giới, tiếng máy móc cơ khí, chung quanh hàng quán sinh hoạt rất sầm uất
Cảnh cô liêu tịch mịch ngày nay, có lẽ chỉ có Ara và vợ chồng đứa con gái lớn có mặt tại khu hoang vắng này để tìm vài bức ảnh, cũng còn dấu tích của đường xe lửa chuyên chở than thừ mỏ than Ougrée gần đó đến lò luyện than cốc dùng trong kỹ nghệ luyện kim .

Than cốc là than mỡ sau khi luyện mà thành, sở dĩ dùng than mỡ vì là loại than chứa ít lưu huỳnh và ít tro, nhiều chất bốc hơi nên than cốc nhờ đó có những đặc điểm gần tương tự. Than mỡ khi luyện thành than cốc được thực hiện ở điều kiện thiếu khí trên 1000°С. Các thành phần dễ bay hơi như nước, khí than và tro than gần như hoàn toàn không còn . Carbon và các thành phần tro còn lại hòa tan lẫn vào nhau. Một phần khác bị chuyển sang dạng giống như than chì . Sở dĩ dùng than cốc trong luyện kim vì khi than cốc gặp phản ứng hóa học trong lò trên 900 độ thì sinh ra một chất khí, chất khí đó có vai trò biến quặng sắt thành kim loại sắt.
Than cốc có năng suất tỏa nhiệt rất lớn hơn nữa ít tạp chất hơn so với các loại than khác.

Một đoạn đường sắt của Bỉ trên tuyến 125A, từ Liège đến Flémalle-Haute, nằm ở Seraing thuộc tỉnh Liège, Ara cũng thích bắt những hình ảnh từ những con đường song song này, nó tĩnh đấy, nhưng nhìn lâu thấy động từ những con đường không bao giờ gặp nhau qua những cái hôn từ biệt trên sân ga. Hôm nào rảnh rang đem gom lại bỏ vào bloc (con gái thấy Papa đương say mê con đường, nên thu vào ống kính) .
….Tầu chạy hình như để chở buồn,
Chở người đi nhớ kẻ về thương;
Nâng bao nhiêu gót chân xinh đẹp.
Tầu chạy đêm nay có lạc đường?
….

(một đoản khúc của Nguyễn Bính)

Đúng là « cảnh đấy người đây luống doạn trường »(BHTQ)
Cái này thì hắn chịu thua, không phải là công nhân nhà máy lại không hiểu gì về lò luyện kim nên không hiểu công dụng của những ống dẫn này, chỉ thấy uy nghi sừng sững nên ghi lại.
Một lò cao HF(haut fourneau)
Cảnh cũ tường xưa
Photo con Ara
Cũng tại lò HF này, năm 2002 xảy ra một vụ nổ, vụ nổ đã tàn phá lò luyện cốc tại Cockerill (Arcelor), ở Ougrée sáng ngày 22/10.
Theo điều tra; trong quá trình ngưng hoạt động phải tuân theo lịch trình, vì khi đó khối lượng lớn khí cực kỳ dễ nổ (80% hydro) phải được lọc sạch và thay thế bằng nitơ trơ, và cũng cần thiết để thay thế một pin điện trong quá trình tắt máy, nguy cơ nổ rất lớn nếu không theo đúng nguyên tắc trong quy trình này. Hoạt động này được gọi là ký gởi, trên nguyên tắc đòi hỏi thời gian mười(10) ngày để thực hiện thật an toàn. Nhưng theo lời khai của các công nhân ban quản lý nhà máy muốn thực hiện trong hai(2) ngày, và giao phần còn lại cho các công ty thầu phụ làm việc, công nhân các công ty phụ lại thiếu kinh nghiêm . Trong quá trình làm việc một vụ nổ đã xảy ra, một số bức tường bị nổ tung.
Hai công nhân thiệt mạng tại chỗ, 26 công nhân khác bị thương, 13 người bị thương nặng.
Vì lợi nhuận, ban quản lý không chịu thay thế mà chỉ hàn sửa lại, công nhân đòi hỏi sửa chữa những an toàn, lúc nào ban quản lý cũng bảo là « có » nhưng không làm, các thủ tục bảo mật cũng không thay đổi, ban quản lý chỉ cần lợi nhuận tối đa trên những dàn máy đã lỗi thời. (Photo internet)
Photo internet
copyright:devoghel haut fourneau numero 6 de seraing/ Lò cao HF6 tại Seraing(photo internet)

Ara không có tay nghề luyện kim, lại không phải là chuyên viên kỹ thuật, chỉ vì thấy những khung sắt thép có hồn, toát lên một vẻ đẹp, một sự sống mãnh liệt, nhìn cảnh điêu tàn mà có chút chạnh lòng. Hắn ghi lại một vài hình ảnh.
…Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương….(BHTQ)
Không lẽ có hình ảnh mà không chú thích vài lời, những lòi chú thích chuyên môn hắn đọc được từ các tài liệu, báo chí viết về cơ sở tuổi thọ 200 năm này vào những ngày Seraing hấp hối .

Auderghem ngày 27/10/2021

Arra Phat

Trần Lâm Phát chuyển

🌺🌺🌺🌺🌺🌺🌺🌺

 Mời Xem :

Khen ai khéo xếp cái đèn cù – Ara Phat (K 7-SPSG 1968-70 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét