Bảo tàng sông Hương, nơi sông Hương kể câu chuyện về mình, về người Huế và lối sống Huế.
Hàng ngàn hiện vật gốm sứ vớt từ dòng sông Hương đã kể câu chuyện của vùng đất, giúp người xem hiểu hơn giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất này. Đó cũng là tâm nguyện mà giáo sư Thái Kim Lan hướng đến khi thành lập “Bảo tàng sông Hương” ngay tại từ đường tổ tiên ở thượng nguồn sông Hương (số 120 Nguyễn Phúc Nguyên, TP.Huế), biến nơi này trở thành một không gian văn hóa nhiều giá trị.
Ở đây, không chỉ có nhà rường truyền thống hàng trăm năm, mà còn có nhiều công trình kiến trúc truyền thống có giá trị kèm với phong cách bố trí từ sân vườn, nội thất đều mang đậm nét cổ kính, truyền thống xưa.
Ngay cổng vào, nhiều hiện vật bằng gốm cổ xưa đã được sắp đặt, dẫn dắt những vị khách đến với một không gian mở, rộng lớn hơn đó là không gian trưng bày gốm sông Hương. GS.TS Thái Kim Lan đã xây dựng đề án hoạt động Bảo tàng gốm cổ sông Hương, vừa báo cáo Hội đồng thẩm định của tỉnh. Dự kiến không lâu nữa một bảo tàng gốm cổ bên dòng Hương giang thơ mộng sẽ là điểm đến văn hóa của cộng đồng và du khách. Gốm cổ sông Hương với chủng loại vô cùng phong phú: Bình, ché, hũ, vò, ấm, bát, bình vôi, nồi, chum… Đó là những hiện vật từng gắn bó mật thiết và phản ánh cụ thể về đời sống sinh hoạt của cư dân qua các thời kỳ lịch sử; phản ánh quá trình giao lưu trao đổi giữa các vùng miền của Việt Nam, giữa Huế với các tỉnh miền Trung, và các tỉnh phía Bắc, phía Nam; phản ánh cả quá trình giao lưu quốc tế của cư dân vùng Huế với nhiều quốc gia trong khu vực…
Trầm tích dưới đáy sông
Cái duyên dẫn dắt giáo sư (GS) Thái Kim Lan - một Việt kiều đi đi về về giữa Huế và Đức để giảng dạy Triết học và Phật học - đến với đồ gốm dưới lòng sông Hương bắt đầu từ một buổi chiều 30 năm trước. “Trong lúc cùng anh trai là cố họa sĩ Thái Nguyên Bá đi dạo trên đường Trần Hưng Đạo, tôi nhìn thấy nhiều người bày bán những cái hũ, bình bằng gốm, sành sứ trên vỉa hè. Hỏi ra mới biết tất cả được vớt lên từ lòng sông Hương. Tôi quá bất ngờ và bị mê hoặc. Không ngờ sông Hương có nhiều hiện vật với rất nhiều giai đoạn lịch sử. Niềm đam mê cổ vật sông Hương của tôi bắt đầu từ đó...”, GS Thái Kim Lan nhớ lại.
Cứ thế, những hiện vật được bà cùng anh trai mua khi thì ở vỉa hè Trần Hưng Đạo, khi thì của những người chuyên lặn cổ vật ở sông Hương, khi thì của những nhà sưu tập như gia đình nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan. Đến nay, GS Thái Kim Lan đã sở hữu hơn 7.000 hiện vật.
Đánh giá về những bộ sưu tập gốm đang có, GS Thái Kim Lan nhận xét, chưa có con sông nào có lớp trầm tích dày đặc, kéo dài cả không gian lẫn thời gian như thế, từ những hiện vật thời tiền, sơ sử cho đến giai đoạn Chăm Pa và văn hóa Đại Việt trở về sau. “Mỗi hiện vật thường gắn với một giai đoạn và người sở hữu, nên chắc chắn chúng có linh hồn. Nó chất chứa nếp sống, cảm xúc và sự sáng tạo của con người. Tất cả hình thành nên một đời sống xã hội vào thời điểm nhất định, tạo nên sự riêng biệt với những nền văn hóa khác nhau trên thế giới”, GS Thái Kim Lan khẳng định.
Lưu giữ văn hóa qua gốm cổ Hơn ba thập kỷ với đam mê cổ vật vớt lên từ sông Hương, nhưng việc bắt tay để xây dựng một bảo tàng đúng nghĩa chỉ mới được bà thực hiện gần ba năm trở lại đây. Bà quyết định đặt bảo tàng nơi có dòng sông Hương thơ mộng chảy qua. “Tôi chọn nơi đây làm bảo tàng tư nhân là có ẩn ý. Khi đến thăm Huế, mọi người sẽ được ngắm sông Hương trước, rồi vào bên trong, xem những hiện vật được vớt lên từ chính lòng sông ấy, họ sẽ hiểu và trân quý văn hóa, lịch sử ngàn xưa để lại”, GS Thái Kim Lan nói.
Trong câu chuyện với chúng tôi vào buổi chiều mưa xứ Huế, thi thoảng GS Thái Kim Lan tỏ ra tiếc nuối, bởi những người thân quen như anh trai bà - cố họa sĩ Thái Nguyên Bá, hay nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, một đời đam mê nhưng ước nguyện xây dựng Bảo tàng sông Hương vẫn chưa thành hiện thực. Tất cả những nỗ lực của bà hôm nay như một cách hiện thực hóa giấc mơ dang dở của những người đi trước.
GS Thái Kim Lan kể, cứ mỗi lần về nước thấy cố họa sĩ Thái Nguyên Bá sưu tầm gốm rồi chất hàng chục bao tải để khắp nhà, bà càng nung nấu ước mơ thành lập bảo tàng. Và trong hành trình đó, ngoài những hiện vật người anh trai để lại, GS Thái Kim Lan may mắn có cơ duyên sở hữu rất nhiều hiện vật khác từ gia đình nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan để lại. “Khi còn sống, anh trai tôi và bác Phan nổi tiếng với việc sưu tầm đồ gốm dưới đáy sông Hương. Tôi tin chắc, những hiện vật còn lưu giữ đến thời điểm này, sẽ có một câu chuyện thứ hai được tái hiện một cách sinh động. Đó là cách mình đáp trả ân tình với con sông, và trao truyền tình yêu văn hóa di sản Huế, văn hóa sông Hương cho thế hệ mai sau”, GS Thái Kim Lan trải lòng.
Dù không gian trưng bày của bảo tàng chỉ rộng khoảng 500m2, nhưng hiện vật được sắp xếp rất bài bản với chủ đề rõ ràng: “Sông Hương dưới góc nhìn địa văn hóa”, “Đi tìm thời gian đã mất”, “Sông Hương kể chuyện” và “Gốm cổ trong đời sống xưa và nay”. Ngoài không gian trưng bày gốm cổ, du khách cũng có thể tham quan, tìm hiểu về công trình kiến trúc cổ và những hiện vật quý, cảnh quan thiên nhiên tại “Thái tộc Từ đường” với diện tích rộng hơn 5.000m2.
Để hình thành được một bảo tàng là chuyện không đơn giản. Trong đó, việc phân loại và hệ thống hóa khối di sản, hiện vật cần rất nhiều thời gian, phải có sự đánh giá khoa học, tỉ mỉ và chính xác. Do đó, tiến sĩ (TS) Nguyễn Anh Thư (Khoa Di sản văn hóa - Đại học Văn hóa Hà Nội) đã được GS Thái Kim Lan tin tưởng giao đảm nhận phần việc quan trọng này.
Theo TS Nguyễn Anh Thư, dù mất nhiều thời gian, nhưng với số lượng hiện vật khổng lồ mà GS Thái Kim Lan đang sở hữu thì không gặp nhiều khó khăn. Bởi tất cả các hiện vật đã thể hiện rất rõ nét, chỉ cần chọn lọc và trưng bày những hiện vật tiêu biểu trong số đó, để người thưởng lãm có thể hình dung theo từng giai đoạn của dòng chảy sông Hương.
Khi được mở cửa, Bảo tàng gốm sông Hương của GS-TS Thái Kim Lan sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách và cả người dân địa phương. Đó là một địa chỉ văn hóa để tìm hiểu, trải nghiệm và tự hào về vùng đất mình đang sống. Đó là nơi sông Hương kể câu chuyện về mình, về người Huế và lối sống Huế.
Theo lời GS Thái Kim Lan, ngoài các hoạt động tham quan, tìm hiểu ở Bảo tàng gốm sông Hương, gia đình cũng sẽ giới thiệu đến du khách những món ăn đặc trưng, tinh hoa văn hóa ẩm thực xứ Huế, cũng như tổ chức các hoạt động workshop bán khoa học; các chương trình giao lưu, trải nghiệm sáng tạo cùng với các nghệ nhân gốm từ các làng nghề nổi tiếng trong nước… Đồng thời, không gian sân vườn của “Thái tộc Từ đường” cũng sẽ tổ chức những sự kiện, các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Huế…
Thuận Hoá (baomoi.com)
H.Phi chuyển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét