10 thg 12, 2021

CHÀO NHAU - (Tùy bút của Lão Gàn)

Tôi sinh ra ở làng quê. Tôi thấy người ta gặp nhau trên đường đi hay ở một cuộc tụ tập gì đó, để biểu tỏ sự thân thiện, người ta chào nhau.

Cử chỉ chào thể hiện qua nét mặt tươi vui và nụ cười nở trên môi cùng mấy lời: “Xin chào ông, xin chào mụ, chào eng, chào ả…”, nếu có thì giờ, kèm theo lời hỏi thăm quen thuộc: “Eng khỏe không? Ả cấy (cấy lúa) xong chưa?...”. Như thế, chào đi đôi với hỏi – hỏi thăm. 

Người ta chào hỏi nhau, nhưng không bộ phận nào của thân thể áp sát nhau.

Không phải họ tuân theo lời dạy: “Nam nữ thụ thụ bất thân” đâu! Chẳng riêng gì khác giới mà đồng giới cũng không vòng tay ôm choàng hay chìa tay ra nắm bắt.

 Lớn lên, ra thị thành, tôi thấy ngoài cách chào hỏi như ở quê, còn thêm cách chào hỏi bằng “bắt tay”. 

Cách chào hỏi bằng bắt tay, tôi đoán, do bắt chước người Tây Phương. Có lẽ hình thức chào hỏi này được dần dần phổ biến từ khi người Pháp qua đô hộ nước ta.

Qua nhìn cách bắt tay, người ngoài có thể biết được mức dộ kính trọng, mức độ tình cảm giữa hai người: bắt tay với vẻ mặt nghiêm hay vui, bắt tay với nhiều hay ít nhịp rung, bắt tay với một tay hay cả hai tay chìa ra, bắt tay nắm chặt hay lỏng…

Cái bắt tay để chào hình thành đâu từ thời xa xưa. 

 Bản khắc nổi vua xứ Assyria băt tay nhà cai trị Babylon

Một bạn của tôi cung cấp thông tin rằng cái bắt tay để chào xuất phát từ hai bộ tộc, do thù hằn nhau, luôn mang theo vũ khí để đánh nhau.

Rồi hai trai gái từ hai bộ tộc ấy yêu nhau. Từ đó, họ xoá bỏ thù hận.

Gặp nhau, họ đưa tay ra để chứng tỏ rằng họ không cầm vũ khí nữa. Từ cử chỉ đưa tay ra, họ dần dần đi đến cử chỉ nắm tay nhau. Cái bắt tay, nhờ thế, trở thành biểu tượng của sự kết thân và tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên, câu chuyện không có chi tiết cái bắt tay khởi nguyên ấy diễn ra vào thời điểm nào trong lịch sử nhân loại.

Một bạn khác cho biết từ thế kỷ 9 trước CN, hình ảnh vua Shalmaneser xứ Assyria bắt tay nhà cai trị xứ Babylon để xác lập liên minh đã được khắc trên một bản khắc nổi.

Thật thế, cái bắt tay chứng tỏ sự thân thiện, tình đoàn kết, sự xẻ chia. Vậy nên cơ quan viện trợ Mỹ USAID đã chọn hình bắt tay để làm biểu tượng.

  


Biểu tượng USAID

Hiện nay, TV thường chiếu cảnh đón tiếp ngoại giao ở các nước. 

Không chỉ bắt tay, lãnh đạo các nước xã hội chủ nghĩa, để tăng thêm cường độ thân thiện, đoàn kết, xẻ chia, còn ôm nhau, kề đầu vào vai nhau, bên trái rồi bên phải; có khi, hai lần, có khi ba lần; số lần ấy có quy định trong nghi lễ ngoại giao để nói lên ý nghĩa gì không, tôi không biết. 

Ở Á Châu, trong Phật Giáo, còn có cách chào: Úp hai bàn tay trước ngực, cúi đầu xuống, hình như cúi thấp hay cao tùy theo tuổi tác, địa vị người trước mặt mà mình đang chào rồi vái; số lần vái cũng chẳng biết có quy định trong nghi lễ không.

Còn trong quân đội, có cách chào khác với ngoài đời. Gặp nhau, người ta đứng lại, đưa cánh tay phải thẳng vai, bẻ khúc ở khuỷu tay, đặt bàn tay xòe dí vào ngang tai.  Người ta quy định phải chào như vậy do sợ hai người làm hại nhau - binh lính có thể đang cầm vũ khí hay có võ nghệ.

Hai năm trở lại đây, tôi thấy người ta tránh bắt tay, tránh ôm nhau vì sợ lây nhiễm dịch. Người ta gặp nhau, chào nhau bằng cách đưa hai nắm tay, hay đưa hai cùi trỏ thụi vào nhau. Tôi không biết tại sao lại chọn cách chào như thế. 

Trong bóng đá, cầu thủ nào thụi nắm tay hay cùi trỏ vào đối phương chắc chắn phải nhận thẻ - may là thẻ vàng, không may là thẻ đỏ, bị đuổi ra khỏi sân.

23/11/2021 (19/Mười/Tân Sửu) 

 

Mời Xem { 1 / :Đi xe đạp - Thơ Lão Gàn và 10 bài họa và cảm tác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét