Con người có vô vàn những nỗi sợ: sợ ma, sợ chết, sợ ung thư, sợ điện giật,... và còn rất nhiều thứ khác. Nhưng danh sách dài đó chưa bao giờ kể đến nỗi sợ bệnh nấm. Bạn nên biết sợ ngay đi khi biến đổi khí hậu đang làm biến đổi cả nấm, khiến chúng không còn sợ hãi nhiệt độ ấm - vốn là lớp bảo vệ vững chắc của cơ thể con người.
Vào năm 2009, một bệnh nhân ở Nhật Bản đã bị nhiễm một chủng nấm mới trên tai. Loại nấm Candida auris này có khả năng lây truyền cao và kháng các loại thuốc đặc trị. Với tốc độ lây lan cao, chỉ trong vài năm, nhiều ca bệnh bắt đầu xuất hiện ở Venezuela, Iran, Nga và Nam Phi.
Các bệnh nhiễm nấm mà chúng ta đề cập ở đây không phải là bệnh nấm da chân hay gàu - chúng là loại bệnh nhiễm trùng bên trong cơ thể con người. Hơn 300 triệu người trên toàn cầu bị nhiễm nấm nghiêm trọng mỗi năm và hơn 1,5 triệu người trong số đó tử vong.
Ban đầu, nguyên nhân giả định là do con người đi du lịch, tiếp xúc lẫn nhau nên mới lây bệnh. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, kết quả cho thấy những chủng vi khuẩn này hoàn toàn không có liên quan chặt chẽ với nhau. Thay vào đó, thế giới chứng kiến sự xuất hiện của nhiều ca lây nhiễm độc lập của loại nấm Candida auris. Khoảng 1/3 số người bị nhiễm nấm Candida auris chết vì nhiễm trùng trong vòng 30 ngày, hiện đã có hàng nghìn trường hợp ở 47 quốc gia.
Khác với con người thuộc sinh vật máu nóng, nhiều loài khác không may mắn như vậy. “Nếu bạn là một cái cây thì nấm sẽ là một nỗi khiếp đảm. Nếu là cá, động vật lưỡng cư hay bò sát, để nấm ký sinh trong cơ thể nghĩa là sẽ bị tra tấn suốt đời”, tiến sĩ Arturo Casadevall, một nhà vi sinh vật học tại Đại học Johns Hopkins, người nghiên cứu các bệnh về nấm cho biết.
Trong những năm gần đây, một bệnh nhiễm nấm có tên Batrachochytrium dendrobatidis (chytrid) đã tiêu diệt các quần thể lưỡng cư trên khắp thế giới. Một số nhà khoa học ước tính rằng chytrid là nguyên nhân gây ra suy giảm dân số trên 500 loài lưỡng cư.
Thế giới chứng kiến sự xuất hiện của nhiều ca lây nhiễm độc lập của loại nấm Candida auris.
Tại sao bệnh nấm phổ biến như vậy?
Lý do đơn giản là chúng có mặt ở tất cả mọi nơi. Phát triển mạnh ở những nơi có nhiệt độ thấp. “Mỗi hơi thở được hít vào, hệ hô hấp bạn chào đón đâu đó từ 100 đến 700.000 bào tử nấm” , Andrej Spec, nhà nghiên cứu nấm học y tế tại Đại học Y khoa Washington ở St. Louis, cho hay. Con người cũng là nạn nhân của bệnh nấm. Bệnh nấm da đầu luôn là nỗi khiếp đảm với tất cả mọi người, ngoài ra bệnh nấm là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho những người bị suy giảm miễn dịch do HIV.
Lý do lưỡng cư và bò sát dễ bị nấm đe dọa vì chúng thuộc động vật máu lạnh, nhiều loài còn giảm nhiệt độ trong thời gian ngủ đông để tiết kiệm năng lượng. Điển hình loài dơi, gần đây chúng mắc phải hội chứng mũi trắng gây ra bởi nấm, bệnh tấn công trong thời gian ngủ đông, khiến nhiệt độ cơ thể giảm nhanh hơn bình thường, giết chết hàng triệu con dơi mỗi năm.
Tuy nhiên, chúng ta may mắn hơn các sinh vật kể trên vì con người thuộc động vật máu nóng. Vào năm 1868, mức nhiệt trung bình của cơ thể là 37 độ C. Nhưng trong một nghiên cứu tại Anh năm 2007, kết quả cho thấy nhiệt độ con người đã giảm xuống 36.6 độ C.
Một trong những nghiên cứu của Casadevall ước tính, 95% các loài nấm đơn giản là không thể sống sót trong cơ thể con người. Ông lập luận rằng có lẽ bản chất máu nóng của chúng ta đã tiến hóa đặc biệt để tránh các loại nhiễm nấm.
Không hoàn hảo
Mặc dù sở hữu lợi ích to lớn như vậy, máu nóng cũng không hoàn hảo. Việc giữ cho mức nhiệt cơ thể luôn cao đốt cháy rất nhiều năng lượng, khiến chúng ta phải ăn nhiều hơn. Điều này xảy ra với cả động vật máu nóng, khẩu phần ăn hàng ngày của chúng nhiều hơn khẩu phần cả tháng của động vật máu lạnh. Liên tục tìm kiếm thức ăn khiến chúng trở thành miếng mồi ngon cho các loài bò sát.
Một trong những ích lợi của máu nóng là cung cấp bộ lọc nấm, tạo ra khả năng chống lại bệnh nhiễm trùng nấm. Đặc điểm này là cơ sở giải thích tại sao sau khi bị thiên thạch làm tuyệt chủng hàng chục triệu năm trước, khủng long không sống dậy và thống trị Trái Đất lần nữa.
“Chỉ những sinh vật máu nóng sở hữu bộ lọc nấm mới có thể tiếp tục phát triển ở thời kỳ đó, những con khủng long máu lạnh rơi vào cảnh tuyệt chủng vì không có đặc điểm đó”, Casadevall nói. Lập luận trên vẫn chưa có nhiều chứng cứ xác thực, do nấm có xu hướng bị chai và dễ phân hủy nên không lý tưởng để biến thành hóa thạch. Spec nói: “Chúng ta chỉ thực sự biết nếu phát hiện được dấu vết tấn công của nấm khi giải trình tự gene hóa thạch khủng long”.
Tại sao con người nên khiếp sợ nấm?
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu nhiệt độ cao hơn là không lý tưởng cho nấm phát triển, vậy tại sao con người cần lo lắng về loại bệnh này. Sự nóng lên toàn cầu chính là sự khác biệt giữa khả năng kháng nấm và sự chết của nấm.
Theo nghiên cứu, nhiễm nấm ngày càng xâm lấn những nơi có nhiệt độ cao. Đối với một loại nấm để sống hay chết, dù chỉ một vài độ C cũng tạo nên khác biệt to lớn. Khi thế giới tiếp tục ấm lên, sẽ có rất nhiều nơi đạt được mức nhiệt độ giống cơ thể con người.
Môi trường sống thay đổi khiến nấm nhanh chóng thích nghi, vì vậy chúng có khả năng biến con người thành vật chủ mới.
Theo báo cáo, tỷ lệ nhiễm nấm cryptococcosis - loại nấm gây tử vong cho những người mắc bệnh AIDS - lên tới 30% ở châu Phi so với chỉ 5-10% ở các vùng ôn đới. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng nấm Candida auris đã phát triển khả năng sống và sinh sản ở nhiệt độ cao hơn so với những họ hàng gần của nó, kết quả là chúng xuất hiện ở khắp nơi. Casadevall ước tính nếu nhiệt độ toàn cầu cứ tăng 1 độ thì rào cản gradient nhiệt giữa ruột của chúng ta và nấm sẽ giảm 5%.
Hiện tại, Casadevall và đồng nghiệp của ông đang cố gắng đưa ra danh sách các loài nấm có khả năng lây nhiễm sang người nhất - những loài sống ở ngưỡng gần chạm nhiệt độ cơ thể chúng ta. Nhưng có vẻ còn rất lâu mới hoàn thiện được danh sách đó khi chúng ta thậm chí còn không rõ loài nào cần lo lắng nhất hay nơi ở của chúng.
Nếu bạn chưa đủ sợ thì xin thông báo, hiện tại y khoa chưa có thuốc đặc trị cho bệnh nhiễm trùng gây ra bởi nấm, hiện mới chỉ có ba loại thuốc chống nấm tồn tại. Một trong những lý do cho sự việc trên là vì các bệnh nhiễm nấm có thể đe dọa tính mạng con người xảy ra khá hiếm trong lịch sử. Do đó lĩnh vực này đang thiếu hụt ngân sách và tư liệu nghiên cứu trầm trọng.
Ở châu Phi, bệnh do cryptococcus giết nhiều người hơn bệnh lao, nhưng nghiên cứu về bệnh cryptococcosis chỉ nhận được 1% kinh phí được phân bổ cho bệnh lao. Nhiều bác sĩ không được đào tạo để xác định các loại nhiễm trùng nấm, dẫn đến hậu quả là khi phát hiện thì đã quá muộn.
Nấm có liên quan mật thiết với con người hơn là vi rút hoặc vi khuẩn, có nghĩa là những thứ giết chết chúng cũng giết chúng ta. Những bệnh nhân bị nhiễm trùng nấm có thể phát triển “quả bóng nấm” bên trong phổi của họ. “Tôi đã chăm sóc cho nhiều bệnh nhân bị nhiễm trùng vết thương và nhiễm trùng cơ xương khủng khiếp, không thể chữa khỏi. Đây là những nơi nấm cuối cùng sẽ đào sâu và thoát ra ngoài, không có cách nào chữa trị cho họ”, ông Spec cho biết.
Chúng ta nên làm gì? “Hiện tại lĩnh vực nghiên cứu này cần nhiều kinh phí hơn. Nhân loại nên đầu tư nhiều hơn vào việc tìm hiểu về vương quốc lớn nhất hành tinh”, Casadevall nói. Nếu có thứ tốt đẹp mà đại dịch Covid-19 dạy chúng ta, đó là con người nên chuẩn bị tốt hơn cho những đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai. Đừng để thứ duy nhất còn lại trên hành tinh này là nấm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét