15 thg 12, 2021

Vợ Tàu và chính trị của sự tẩy chay - Nguyễn Hoàng Vân

 


Thôi đi chú mày ơi, thời buổi này đi đâu mà không đụng hàng Made in China?”, nhân viên trợ giúp khách hàng đã đứng tuổi của siêu thị Bunning nhún vai bảo tôi rồi, ngay sau đó, còn hất mặt hướng về phía một ông da trắng trạc tuổi đang đi ngang, tay trong tay với một phụ nữ với nét mặt Á Đông, giọng chua chát: “Đó, chú mày xem đi, đến cả vợ mà bọn nó cũng lấy hàng Made in China nữa là!”

Chuyện diễn ra đâu khoảng mười năm trước, khi tôi thực hành khẩu hiệu tẩy chay hàng Tàu. Tần ngần trước dụng cụ nhổ cỏ dài khoảng 1.2 mét, trông giống cây súng bắn cá, tôi nửa muốn mua khi nghĩ đến bãi cỏ sau nhà luôn bị những ngọn dandelion [bồ công anh – Văn Việt] nổi loạn; nửa muốn không vì giá không hề rẻ, đâu khoảng 80 đô la để rồi dứt khoát buông tay sau khi phát hiện hàng chữ Made in China nhỏ tí, lờ mờ trên nền gần như đồng màu, rất khó nhận ra.

Tôi tẩy chay vì tiếng gọi của trái tim cũng có, vì toan tính thực dụng cũng có, sau bao nhiêu lần chửi thề bởi phẩm lượng hàng Tàu, khiến ông già bán hàng Úc than thở cho cái thời thế tràn ngập hàng Tàu, tràn ngập cả vợ Tàu.

Nói đến vợ, đến hàng Tàu, tôi lại nhớ đến anh bạn từng bị vợ tẩy chay vì hàng Tàu, hay, đúng hơn, vì lịch sử của nước Tàu. Anh bạn là dân khoa bảng, đầu óc có phần bảo thủ nhưng cô vợ lại là dân làm ăn, chuyên tiêu thụ các sản phẩm văn hóa bình dân. Ngày kia, thấy vợ xem phim tập “Tình sử Võ Tắc Thiên”, anh nổi nóng vung búa đập nát mười mấy đĩa phim, tuyên bố đền bao nhiêu tiền, mấy trăm hay mấy ngàn đô la, anh sẵn sàng đền, tuyệt đối không được mang thứ rác rưởi này vào làm… bẩn nhà. Anh, tôi biết, căm thù Tàu vì ức hiếp Việt Nam là một, anh còn giận là vì, trong đầu óc bảo thủ của anh, Võ Tắc Thiên là một “con mụ dâm đãng”: “Nó cướp nước của mình, nó đè đầu cỡi cổ mình mà mình còn đi hấp thụ và truyền bá cái lịch sử dâm loạn của nó!”. Thế là, trước anh chồng một dạ ái quốc theo kiểu của anh ta, cô vợ khăng khăng… hẹp lượng ái tình, cô tẩy chay chăn gối, cô cấm vận phòng ngủ, báo hại anh phải… lưu đày nơi phòng khách, chèo queo trên bộ ghế sofa.

Cô vợ kia có tức tối đến đâu, cơn giận rồi cũng nguôi ngoai, sau một tuần lễ bởi cả hai đều là người Việt và, kể ra, cũng còn có “trái mù u” giảng hòa. Nhưng những cuộc hôn nhân khiến ông già Úc trên chua chát thì sao khi mà cố hương của các cô dâu trẻ đã trở thành đề tài của các cuộc tranh luận tầm quốc gia, những “national debate” liên quan đến hàng Tàu, đến xung đột Hoa Lục – Đài Loan? Liệu những cuộc tẩy chay trên nghị sự với tầm vóc lịch sử hay quốc gia này có chuyển hóa thành những cuộc tẩy chay trả đũa trên giường như anh bạn của tôi?

Trung Quốc đang lớn tiếng hăm dọa về cái giá lớn phải trả cho sự tẩy chay như thế, sau khi Mỹ, Anh, Canada, Úc tuyên bố tẩy chay ngoại giao với Winter Olympic 2022 tại Bắc Kinh vì những hành vi chà đạp nhân quyền. Ngày 7/12/2021, một ngày sau khi Mỹ chính thức tuyên bố quyết định, The Global Times, tờ báo của giới diều hâu Trung Quốc, đã mỉa mai trên Twitter chính thức: “Thành thật mà nói, Trung Quốc cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe tin này. Vì càng ít quan chức Mỹ tới Trung Quốc, càng ít virus mang vào”. [*]

Phải chăng những tên Đại Hán diều hâu thích bị Mỹ tẩy chay, cũng giống như Mỹ ngày xưa từng mừng như bắt được vàng trước quyết định tẩy chay của Nga?

Đó, có lẽ, là quyết định tẩy chay ngốc nghếch nhất thế giới, của nhà độc tài Joshep Stalin, ngay trong thời điểm đầu của cuộc chiến Triều Tiên.

Tháng Tư năm 1950 Kim Nhật Thành mang kế hoạch chiến tranh sang Liên Xô vấn kế và được Stalin chấp thuận, hứa giúp đỡ vũ khí và cố vấn quân sự. Nhưng Stalin nhấn mạnh là nếu Mỹ can thiệp, Liên Xô không thể ra mặt tham chiến nên Kim phải dựa vào Mao Trạch Đông. Thâm ý của Stalin là bắn một mũi tên trúng luôn hai đích, khiến cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều bị sa lầy. Stalin lo rằng Mao sẽ trở thành một “Tito phương Đông”, thoát khỏi sự kiềm toả của mình do đó phải sa vào thế bí để cần đến viện trợ của mình: cách mà Stalin xử sự với Trung Quốc ngày đó cũng giống như cách mà Trung Quốc xử sự với Bắc Việt một thời hay với Bắc Hàn ngày nay, phải yếu để thần phục mình.

Nhưng Mao thì rất hí hửng về sứ mệnh lịch sử của mình, xem đây là cơ hội để nâng chiến lược “lấy nông thôn bao vây thành thị” lên mức toàn cầu: lấy nông thôn của thế giới thứ ba để bao vây thế giới thành thị của các cường quốc, cuối cùng sẽ bóp nghẹt Âu châu và tiêu diệt Mỹ, lúc này Mao sẽ là anh hùng giải phóng của vô sản toàn thế giới.

Ngày 25.6.1950 quân đội Bắc Hàn bất thần tấn công và thọc sâu về phía nam với thế chẻ tre và, trên bàn cờ ngoại giao, Stalin lại tẩy chay Liên Hiệp Quốc để phản đối ghế của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) ở Hội đồng Bảo an, đòi hỏi phải được chuyển sang Trung Cộng. Thế là Mỹ chộp lấy cơ hội này để thông qua nghị quyết thành lập lực lượng liên quân vào ngày 7.7.1950. Nga không có mặt tại chỗ để dùng quyền phủ quyết nên, nhờ thế, bên cạnh quân Mỹ có thêm 39 ngàn quân của 15 nước khác. Nhận ra mình đã tẩy chay ngu, từ đó về sau Nga không bao giờ tẩy chay các cuộc họp của Hội đồng Bảo an nữa!

Hơn nửa thế kỷ sau, tháng Tám năm 2005, giới trẻ Iran lại vỗ tán tự trách mình vì cuộc tẩy chay ngu tương tự: không ai khác, chính họ đã tiếp tay cho kẻ mình thù ghét là Mahmoud Ahmadinejad đắc cử.

Đây là kẻ bảo thủ và cực đoan, cực đoan đến độ khi còn giữ chức thị trưởng Tehran đã bị nguyên Tổng thống Mohammed Khatami – người có đầu óc cải cách rất được lòng giới trẻ – không cho tham dự các cuộc họp của nội các, dù đó là quyền lợi bình thường của người đứng đầu thủ đô. Chẳng vì thế mà các kết quả thăm dò cũng như trong ý kiến của nhà bình luận thì Ahmadinejad là một trong ba ứng cử viên “ít có cơ hội nhất” trong tổng số bảy ứng cử viên. Thế nhưng y lại thắng cử vì nhiều người Iran – nhất là những người dưới 30 tuổi, vốn chiếm 2/3 dân số 72 triệu của Iran – tẩy chay bầu cử để phản đối sự bất lực của bộ máy hành pháp khi tổng thống không có quyền lực gì nhiều bởi Giáo chủ Ayat Allah Ali Khamenei là người có tiếng nói tối hậu đối với các vấn đề quốc gia. Giới trẻ cho rằng có bầu cử thì cũng chỉ làm hề mà thôi: tổng thống cải cách thế nào đi nữa nhưng gặp một giáo chủ bảo thủ thì tình hình chẳng khác. Nhưng bây giờ, vì họ tẩy chay cuộc bầu cử, họ phải gánh vác trên đầu cả hai kẻ bảo thủ và đời sống của họ, do đó, còn nghẹt thở hơn.

Và bây giờ, đến phiên những tên diều hâu đại Hán, những kẻ cực bảo thủ ở Bắc Kinh. Biện pháp tẩy chay này chưa chắc kềm hãm được bàn tay thô bạo của bọn chúng trong vấn đề nhân quyền nhưng chắc chắn sẽ củng cố thế đứng chính trị của phe phái vẫn chọn The Global Times làm cái loa chính thức. Một quyết định như thế của Tây phương sẽ thêm dầu vào lửa, sẽ nuôi dưỡng cái “diễn ngôn nạn nhân” về sự bao vây của “thế lực thù địch” bên ngoài, và, do đó, dễ dàng nhấn chìm nỗ lực ngoi lên của những bè nhóm quyền lực hòa hoãn hơn.

Nhưng càng củng cố quyền lực như thế, lãnh tụ đang hung hăng hiện sẽ càng được thể, càng đẩy Trung Quốc vào vị thế đối đầu thế giới nhiều hơn, cái cường quốc hiện đã rất đơn độc, không có bất kỳ đồng minh chiến lược thực sự. Càng ngày, y càng đẩy Trung Quốc vào tình thế của Đức Quốc Xã trong Đệ nhị thế chiến, muốn đối đầu với cả thế giới và đối phó cùng lúc với ba, bốn mặt trận, cái tình thế tất nhiên sẽ dẫn đến thảm bại.

Chúng ta đang nói về chính trị của sự tẩy chay, mà nói về tẩy chay thì, nhất định, phải đề cập đến cuộc tẩy chay vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, phong trào Swadeshi của người Ấn khi kêu gọi nhau tẩy chay hàng Anh, chỉ dùng hàng Ấn tự sản xuất, kỹ nghệ Ấn không có thì tự sản xuất tại gia. Đó thực sự là một cuộc tẩy chay vĩ đại khi lan rộng khắp lãnh thổ Ấn rộng lớn, kéo dài suốt 43 năm, từ năm 1905 đến năm 1947, khi Anh phải trả độc lập cho Ấn.

Trung Quốc không thể nào tiếp tục ỷ thế nếu không bán hàng được ra ngoài, và đó là phần việc của chúng ta. Chúng ta cần phải học người Ấn để vận động cho một cuộc tẩy chay còn vĩ đại hơn, cuộc tẩy chay không phải toàn quốc mà là toàn cầu. Có thế, những kẻ đang mơ màng việc phục hưng nước Đại Hán để đè đầu cỡi cổ hầu như cả nhân loại mới học được một bài học của chúng!

Chú thích:

[*] https://www.usnews.com/news/national-news/articles/2021-12-06/china-fires-back-at-u-s-diplomatic-boycott-of-olympic-gam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét