“Thầy ơi thầy, dậy mà nghe con nhỏ nó hò!”
Tôi giật mình giụi mắt hỏi anh chèo: “Tới đâu rồi anh?”
-Dạ, vừa qua khỏi vàm Rạch Bần!
Tôi chồm ra ngoài nhìn cảnh vắng. Bên vàm, hàng dừa nước âm u lâu lâu thấy le lói một ánh đèn; bên bờ kia thỉnh thoảng nghe tiếng chày giã gạo, tiếng chó sủa đêm.
Đêm nay chỉ có vành trăng hai mươi, nhưng sao đầy trời góp ánh sáng lại làm cho cảnh vật thêm ảo huyền thơ mộng.
Một làn gió nhẹ thoảng qua, tâm hồn tôi thêm khoái sảng.
Vẳng xa, những giọng phù trầm êm ả của một điệu hò mê ly, đặc biệt chốn đồng quê, rõ lần trong lặng lẽ.
-Anh chèo ơi, lơi mái đợi họ lại gần, đi cho có bạn và nghe hò chơi anh!
-Xin lỗi thầy, nghe giọng hò của “con nhỏ”, tôi đã rụng rời, lơi mái tự nãy giờ. Thế nào tôi cũng lên tiếng.
-Anh cũng biết hò nữa sao?
-Điệu nghệ mà thầy! Nói gì gặp phải tri âm, thức hò mấy đêm cũng không biết mệt.
-Ừ! hò đối đáp nghe chơi, mà anh phải rán làm sao chớ để thua con gái, nhục lắm!
-Dễ không, để tôi bắt trớn cho thầy coi mà! Kìa, nó đã lại gần, tôi phải giáo đầu “nhập đề” mới được.
–Hò hớ ờ ơ…
Bạc với vàng còn đen còn đỏ,
Đôi đứa mình còn nhỏ thương nhiều,
Vừa nghe tiếng em là anh muốn như anh Kim Trọng thương chị Thúy Kiều thuở xưa… ơ…
Hò xong, anh ta đắc chí:
-Đó thầy coi, thế nào rồi nó cũng trả lời, “điệu nghệ gặp nhau, là mầy tao quấn quít”!
Giọng phù trầm ngừng đi một chặp. Chúng tôi yên lặng chờ. Quả nhiên không sai lời anh chèo nói: “điệu nghệ gặp nhau, là mầy tao quấn quít,” tiếng hò lại nổi lên:
–Hò hơ… ớ người không quen ơi,
Nghe anh, em cũng muốn thương nhiều,
Nhưng hoa đà có chủ, khó chiều dạ anh…
Anh chèo xoa tay trả lời tức khắc:
–Hò hơ… chim kia còn thỏ thẻ trên cành,
Nghe em nói vậy, dạ không đành rẽ phân…
Giọng trầm cũng không chịu nhịn:
–Hơ hơ… Bình bồng ở giữa giang tân,
Bên tình, bên nghĩa, biết thân bên nào?…
Anh chèo rối rít:
-Đó thầy coi, ngon chưa? Trời ơi, cái giọng đáng yêu làm sao!…
–Hò hơ, ớ em ơi…
Nhứt lê, nhì táo, tam đào,
Bên tình, bên nghĩa bên nào cũng đồng thân.
Rồi anh lắng tai nghe.
–Hò hơ, nói mà chơi vậy chớ: Gió thổi hiu hiu, lục bình trôi riu ríu, anh đừng bận bịu, bớ điệu chung tình, con nhạn bay cao khó bắn, con cá ở ao quỳnh cũng khó câu…
Anh chèo đã thấy đổ mồ hôi, nuốt nước miếng bảo với tôi:
-Không được, tôi chưa hề gặp con nhỏ nào hò “chiến” như con nhỏ này, nó làm bộ có chồng để thử mình, rồi bây giờ lại làm cao, nếu ở hò cù cưa, thế nào cũng bị nó “hạ”. Vậy tôi phải trổ hết nghề đem điệu hò dài ra “tấn công” cho nó “ứ nhựa” họa may nó mới “xếp giáp quy hàng.”
-Hò hơ… Ớ này em ơi, em hãy nghe cho kỹ: xưa nay gái không cưới chồng, trai không ở góa, đoái thấy nàng xinh đã quá xinh. Buông lời vừa vỗ vế non, nếu như nàng lo việc cháu con, sao không kiếm chốn trao thân gởi thế?
Trên đời bá công bá nghệ, dưới lại là tứ thú tứ dân. Làm người sao khỏi chữ lương nhân, mà nàng chịu để phòng không ở góa? Sách có chữ rằng phụ nhân nam hóa, ít kẻ yêu vì. Nên lấy chồng phải luận phải suy, phải xem trong lóng đục, đây đã đến phải thời phải lúc… Hò hơ… hay nàng còn cúc dục cù lao… Để anh ngơ ngẩn ra vào, thầm yêu trộm nhớ dạ nào bỏ anh?…
-Đó thầy coi, thế nào nó cũng chết ngất, điệu hò dài phải đối dài, ngắn đối ngắn, nó mà đáp được kỳ này, thì tôi cũng cam giải nghệ cho rồi…
Tôi giục: “Kia nín, nó đã đáp liền kia!”
-Hò hơ, ớ này anh nó ơi, số phận em giao phó cho trời xanh, lấy anh, em không lấy nhưng cũng không đành làm ngơ.
-Hò hơ… vốn em cũng chẳng bơ thờ, em đã hằng chọn trong lóng đục, nhưng vẫn còn ngờ nợ duyên.
-Hò hơ… vốn em cũng muốn lấy ông thầy thuốc cho giàu sang, nhưng lại sợ ổng hay gia hay giảm;
em muốn lấy ông thầy pháp cho đảm, nhưng lại sợ ổng hét la ghê gốc;
em muốn lấy chú thợ mộc, nhưng lại sợ chú hay đục khoét rầy rà;
em muốn lấy anh thợ cưa cho thật thà, nhưng lại sợ trên tàn dưới mạt;
em muốn lấy người hạ bạc nhưng lại sợ mang lưới mang chài;
em muốn lấy anh cuốc đất trồng khoai, nhưng lại sợ ảnh hay đào hay bới;
em cũng muốn chọn anh thợ rèn kết ngỡi, nhưng lại sợ ảnh hay nói tức nói êm;
bằng muốn lấy anh đặt rượu làm men, thì lại sợ ảnh hay cà riềng cà tỏi;
em muốn lấy ông nhạc công cho giỏi; nhưng lại sợ giọng quyển giọng kèn;
em muốn lấy thằng chăn trâu cho hèn, nhưng lại sợ nhiều điều thá ví;
em muốn lấy anh lái buôn thiềng thị, nhưng lại sợ ảnh kêu rêu mắc rẻ khó lòng;
em muốn lấy anh thợ đóng thùng, nhưng lại sợ ảnh kêu trật niền trật ngổng;
em muốn lấy ông Hương ông Tổng, nhưng lại sợ việc tróng * việc gông; em muốn lấy anh hàng gánh tay không, nhưng lại sợ đầu treo đầu quảy;
em muốn lấy chú hàng heo khi nãy, nhưng lại sợ chú làm lộn ruột lộn gan;
em muốn lấy anh thợ đát thợ đan, nhưng lại sợ ảnh hay bắt phải bắt lỗi;
em muốn lấy anh hát bè hát bội, nhưng lại sợ giọng rổi giọng tuồng;
em muốn lấy anh thợ đóng xuồng, nhưng lại sợ ảnh hay dằn hay thúc…
-Hò ơi, mấy lời trong đục chẳng dám nói ra. Có thầy giáo tập trong làng xa, hay dạy hay răn, so đức hạnh ai bằng, lại con nhà nho học, sử kinh thầy thường đọc, biết việc thánh hiền.
-Hò hơ, gặp nhau em kết nghĩa liền, không chờ chẳng đợi cho phỉ nguyền phụng loan…**
Tuy anh chèo cứng họng, nhưng tôi ngồi trong mui đã thấy khoái trá vô cùng.
Còn gì sung sướng cho bằng khi mình nghe “người ta” vô tình nhắc nhở tới mình, ca tụng mình trên dòng sông lờ lững?…
-Chắc anh “phọt phe” rồi phải không anh đò?
Anh ta đáp xuôi xị:
-Ý mèn ơi, tôi mới thấy con nhỏ hò lanh hết chỗ!…
-Này anh, tôi nói thiệt cho anh nghe. Sao tôi nghe giọng hò của con nhỏ ấy tôi “mê” lắm. Anh biết tôi làm thầy giáo chớ. Nghe nói nó đang tìm kiếm kết duyên với chúng tôi, tôi cảm động quá anh à. Anh làm thế nào cho tôi thấy mặt “nó” một chút, “một chút xíu” thôi, rồi mình đi… được không?
-Có khó gì thầy, tôi kêu nó cặp ghe lại hỏi mồi lửa, thầy muốn nhìn bao lâu lại không được!
Rồi anh lập tức lên tiếng:
-Chị hò ơi… chị hò! Làm ơn cặp ghe cho mồi nhờ chút lửa, chị hò!…
Thấy bóng ghe chèo tới là tôi phấn khởi trong lòng, bò ra ngoài dòm lom lom.
Ghe cặp chiếc đò, tôi càng thêm hồi hộp. Ôi! Tiếng hò như thế, còn người làm sao!… Tôi hình dung một cô thôn nữ mày liễu má đào, có vóc mình thon thon, có bộ tịch khả ái…
Bỗng anh chèo đang ngồi nghỉ tay, giật mình đứng phắt dậy. Trong chớp nhoáng, anh bị một tên lực lưỡng thộp ngực anh, đưa ngọn dao ngang cần cổ:
-Nín mất, la lên thì cụt đầu! Tao không động tới mầy đâu!
Còn tôi… chao ôi, tôi cũng kinh hồn lạc phách, rủi may phó mặc cho trời… Tôi chưa kịp nhảy xuống sông thì đã bị hai tên khác đè cứng dưới ván đò. Tôi giợm la nhưng một thằng trong bọn “ấn” cho tôi một cùi chỏ vào hông, đau lồng ngực, lồng gan, nằm trợn trắng như chết nửa người.
Đã thế, tiếng con nhỏ hò còn trêu gan trong mui nhỏ:
-Chú Bảy coi có con đàn bà nào ở trong mui, đè cổ lột cho tôi sợi dây chuyền!…
Phi Vân
*Tróng: cái tróng; gông đóng, tróng mang.
** Mấy câu hò trong bài nầy tôi chép hối hả trong mui ghe theo giọng hò đối đáp, có thể sai đi ít nhiều. Nhưng tôi không sửa được vì không có nguyên văn, xin nhờ bạn đọc nào biết rành bổ chánh giùm cho.
Tác giả tên thật là Lâm Thế Nhơn, sinh năm 1917 trong một gia đình trung lưu ở Cà Mau. Ông là một nhà văn kiêm nhà báo, từng cộng tác với hầu hết các nhật báo, tuần báo, tạp chí ở miền Nam từ cuối thập niên 1930. Tập phóng sự Đồng Quê của ông đã đoạt giải nhất cuộc thi văn chương của Hội Khuyến Học Cần Thơ năm 1943.
** Mấy câu hò trong bài nầy tôi chép hối hả trong mui ghe theo giọng hò đối đáp, có thể sai đi ít nhiều. Nhưng tôi không sửa được vì không có nguyên văn, xin nhờ bạn đọc nào biết rành bổ chánh giùm cho.
Tác giả tên thật là Lâm Thế Nhơn, sinh năm 1917 trong một gia đình trung lưu ở Cà Mau. Ông là một nhà văn kiêm nhà báo, từng cộng tác với hầu hết các nhật báo, tuần báo, tạp chí ở miền Nam từ cuối thập niên 1930. Tập phóng sự Đồng Quê của ông đã đoạt giải nhất cuộc thi văn chương của Hội Khuyến Học Cần Thơ năm 1943.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét