Bầu trời hôm nay—không biết vô tình hay cố ý—sao mà xám xịt, ủ ê. Mây vần vũ, sà xuống thật thấp, như muốn nuốt chửng lấy nhân gian. Trời se se lạnh, đúng là thời tiết thích hợp của một mùa đông đang trong thời kỳ sung mãn nhất. Xe cộ trên đường phố và khách bộ hành hai bên vệ đường như đang mải miết say trong cái lạnh màu xám cuối năm, hệt như những cái bóng vội vã trong một cuốn phim câm đen trắng thời xa xưa.
Ông Demetrius trầm tĩnh cầm lái chiếc xe, len lỏi trong dòng lưu thông đông đúc, cảm thấy dễ chịu, bình an với nhiệt độ ấm áp toả ra từ hệ thống sưởi trong xe. Daniele ngồi bên cạnh trên ghế passenger, chúi mũi vào cái điện thoại, tay anh vuốt vuốt màn ảnh một cách vô hồn, như bao nhiêu người trẻ tuổi ông vẫn thường thấy.
“Người ta bảo,”—ông Demetrius hắng giọng một cái trước khi cất tiếng—“To each their own”. Thời buổi bây giờ, nên sửa câu đó lại thành “To each their phone” cho hợp tình hợp cảnh!
Daniele nghe ông nói, lặng thinh không đáp lời. Gương mặt anh vẫn phẳng lặng, chẳng lộ ra một chút biểu cảm nào. “Gen Zers bây giờ chúng như thế cả,”—ông nghĩ thầm—“Thế giới ngày nay là của chúng, chúng muốn làm gì thì làm. Còn baby boomers II của mình đã thụt lùi vào hậu cảnh. Ngôn ngữ, suy nghĩ của hai thế hệ như từ hai tinh cầu khác nhau.”
Toà building Scuola di Arti Liberali cao tám tầng quen thuộc của Università della Spiaggia Rosa từ từ hiện ra bên phải. Ông Demetrius bật đèn hiệu cho xe rẽ vào khuôn viên của trường. Vừa cho xe chạy chậm lại, ông vừa nói:
“Hôm nay nhờ con bỏ xe sửa nên bố mới có dịp chở con đi học, sẵn thăm lại trường cũ của bố luôn.”
“Văn phòng của bố hồi trước ở trong toà nhà này, phải không bố?”—Lúc bấy giờ Daniele mới cất tiếng, giọng vui vẻ.
“Đúng vậy,”—ông cũng hào hứng lây—“Bãi đậu xe ngay dưới toà nhà này là nơi bố vẫn thường phải lái đến cả chục vòng mới tìm được một chỗ trống. Có lúc bố đậu hẳn xe lại, ngủ lơ mơ trong xe. Khi nghe tiếng remote control của xe một ai đó bấm lên kêu tít tít, bố lại mở choàng mắt ra, xem chiếc xe nào sắp ra khỏi bãi đậu xe để chạy đến.”
Daniele tủm tỉm cười, không nói gì. Xe chạy chầm chậm một lúc trên con đường hẹp, chỉ vừa đủ một làn xe lên và một làn xe xuống.
“Bố vào parking sắp tới bên tay trái,”—Daniele đưa ngón tay chỉ về hướng đó. Ông Demetrius cho xe chạy vào bãi đậu. Daniele ra khỏi xe, xách theo cái backpack, dặn dò:
“Con chỉ học có một tiếng mười lăm phút thôi, bố chịu khó đợi con nhé.”
“Con cứ vào học đi. Có thể bố sẽ đi bộ loanh quanh gần đây để tập thể dục, sẵn ngắm lại cảnh cũ một chút cũng vui.”
Thoắt một cái, Daniele đã biến mất trong dòng sinh viên đông đúc đang rộn ràng bắt đầu một ngày học mới. Ông cũng xuống xe, bấm control khoá cửa lại, rồi lững thững rời khỏi bãi đậu xe, đi vào con đường dẫn tới các toà nhà khác nhau trong khuôn viên đại học. “Mau thật!”—ông tự nhủ—“Ngày Daniele ra đời, mình dạy ở trường này mới được năm năm. Vậy mà bây giờ nó đã là sinh viên del secondo anno ở đây rồi. Nếu mình chưa về hưu thì đã có cảnh ‘phụ tử đồng tràng’, cũng hay.”
Trời bỗng quang đãng lên một chút. Ánh nắng rụt rè len vào những đám mây màu chì, hắt xuống bãi cỏ hai bên con đường nhỏ khiến ông thấy phấn khởi một cách nhẹ nhàng. Lũ sinh viên quanh ông lao xao nói cười. Chúng dùng nhiều chữ lóng nghe lạ tai, không như như các sinh viên của ông ngày trước. Ông thấy mình thật lạc lõng trong khung cảnh này. Cũng những toà nhà quen thuộc đó, cũng cây cỏ đó, mà sao ông như Từ Thức về trần.
Ông bồi hồi dừng lại trước toà nhà Studi Umanistici, nơi ông đã bao nhiêu lần bước vào, đến lớp, thao thao những bài giảng sở trường của mình trước đám sinh viên ngồi cặm cụi ghi ghi chép chép. Hôm nay Daniele cũng có một lớp scienze politiche trong này. Ông tặc lưỡi bước vào bên trong toà nhà, đi qua dãy lớp ngày xưa, nơi ông đã từng đứng trước những tấm bảng, trước còn là bảng đen dùng phấn trắng, rồi sau biến thành bảng trắng dùng erasable markers. Những tấm bảng nay đã thay màu, cũng như tóc ông dần đổi sắc, cùng với biết bao điều thay đổi khác.
Bất giác, ông đưa tay lên nhìn đồng hồ. Mười một giờ. Thôi chết! Lớp Linguistica Romanza của ông bắt đầu rồi mà sao ông vẫn nhàn nhã đi ngoài hành lang như thế này? Nhưng… ông đã quên mang theo cặp, đi tay không như đang đi dạo! Ông tặc lưỡi một cái. “Không sao. Mình đã thuộc nằm lòng đề tài cho lớp học hôm nay rồi. Hôm nay mình sẽ không điểm danh, và chắc cũng không cần markers để viết lên bảng. Giảng bài cho hay là đủ rồi.”
Ông Demetrius khoan thai bước vào lớp, mặc dù đã trễ vài phút. Đám sinh viên trong lớp dường như thình lình dừng nói chuyện khi ông đến. Chúng ngồi lặng lờ như những bóng ma, gần như quyện lại thành một khối to lớn. Đặc biệt là đôi mắt của từng sinh viên bỗng to hơn bình thường, tròn xoe và cùng nhìn ông đăm đăm như dò xét ở ông điều gì bất thường.
“Buon giorno a tutti”—ông mỉm cười chào cả lớp—“Come stati oggi? Hôm nay, như đã hứa, tôi sẽ trình bày với các anh chị về việc so sánh và đối chiếu chữ NE trong tiếng Ý và chữ EN trong tiếng Pháp. Điều thú vị đầu tiên là hai chữ này có dạng như phản ảnh trong gương của nhau, mà chúng ta còn gọi là hiện tượng palindrome. Tuy nhiên, sự thú vị không chỉ dừng ở đó. Trước hết, trong cú pháp tiếng Ý, chữ này thường được coi như một particella partitiva như cách dùng EN trong tiếng Pháp, nhưng có lúc lại được xếp vào loại avverbio khi đi với động từ và có người còn gọi nó là clitico vì tính phụ thuộc vào động từ của nó.”
Một cánh tay giơ lên ở cuối lớp. Ông gật đầu:
“Anh có câu hỏi à?”
Ông nhìn lại một lần nữa. Cánh tay đã hạ xuống. Không có câu hỏi nào. Đám sinh viên giờ đây đã hoàn toàn đông đặc lại thành một khối mờ mờ ảo ảo. Ông nhún vai, nói tiếp:
“Một trong những điều khác nhau chính giữa NE và EN khi dùng như clitico là trong tiếng Ý, NE có vị trí enclitico khi dùng với động từ nguyên mẫu, còn trong tiếng Pháp thì EN có vị trí proclitique với dạng động từ này…”
Càng nói, ông càng thấy say sưa, lâng lâng một cách khó hiểu, tựa hồ như tất cả những gì đang xảy ra là không có thật. Ông bảo:
“Rất tiếc hôm nay tôi quên mang theo cặp, và trong lớp chẳng có cây marker nào cả. Vì vậy các anh chị chịu khó nghe tôi đọc các câu ví dụ sau đây để minh hoạ những cách dùng của NE và EN mà tôi không thể viết lên bảng nhé.”
Ông bắt đầu đọc những câu ví dụ đã chuẩn bị sẵn trong đầu. Giọng ông chuyển đổi thật trơn tru và nhuần nhuyễn, từ những chữ tiếng Ý có âm điệu dứt khoát, chấm dứt phần lớn bằng nguyên âm, chen lẫn với các âm [r] rung mạnh, đến cách phát âm mềm mại và đặc thù của tiếng Pháp, cùng với những âm [ʁ] trong cổ họng. Ông có cảm tưởng như đám sinh viên đang nín thở nghe ông trình diễn đồng thời hai điệu hoà tấu nhịp nhàng của Vivaldi và Debussy. Chắc phần lớn là do tưởng tượng, nhưng rõ ràng là ông thấy cả lớp đang vỗ tay rào rào. Ông khẽ nghiêng người, nhún nhường ra dấu cám ơn mọi người.
Daniele ra khỏi lớp, lục tục đi theo các bạn hướng về cánh cửa lớn dẫn ra bên ngoài. Đi ngang qua một phòng học, anh tình cờ nhìn vào và thấy bố đứng trước tấm bảng, đang nói điều gì đó. Anh lặng người đi một thoáng rồi bước vội vào bên trong.
“Bố đứng đây làm gì vậy?—Anh lo lắng hỏi—“Con xong rồi. Mình đi về thôi.”
Ông Demetrius giật mình khi nhìn thấy con trai. Ông ngẩn đi trong giây lát. Lũ sinh viên đã ra về tự lúc nào ông không hề hay biết.
“Bố nói chuyện với ai vậy?”—Daniele nói, giọng dò hỏi.
“Bố vừa giảng về… À, mà không!”—ông cố tỏ ra thật bình thản—“Không có gì cả, con ạ. Ừ, mình về!”
Hai bố con im lặng đi bên nhau giữa âm thanh huyên náo của đám sinh viên vừa tan lớp. Ông Demetrius liếc qua nhìn con. Nét mặt Daniele lộ vẻ tư lự lẫn lo âu. Ông khẽ lắc đầu, không biết vì sao mình làm động tác này. Thình lình, một chuyện lạ kỳ, nhưng rất thật, bỗng xảy ra. Ông thấy mình, một mặt vẫn bước theo Daniele ra chỗ parking ban nãy, lái xe ra khỏi bãi đậu, rời khuôn viên đại học và chạy về phía xa lộ. Mặt khác, ông quay trở lại, hướng về toà nhà Scuola di Arti Liberali, bước vào thang máy và bấm vào nút số 8. Ông sẽ đi lên tầng cuối cùng đó, vào văn phòng của mình ở cuối dãy hành lang dài hun hút. Ông sẽ mở cửa phòng, nghe mùi ngai ngái quen thuộc của căn phòng cũ kỹ, ngồi xuống cái bàn quay ra cửa sổ, và đợi xem có sinh viên nào ghé office hour của ông để hỏi han gì không.
Trần C. Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét