Vua Khải Định công du nước Pháp vào tháng 5.1922. Tháp tùng ông có Hoàng thái tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại sau này), Thượng thư Nguyễn Hữu Bài, học giả Phạm Quỳnh và nhiều quan chức cao cấp khác. Đáng tiếc cho ông là chuyến đi diễn ra trong lúc các phong trào chống Pháp đang sôi sục và cuộc vận động cho nền độc lập của Việt Nam đang được các nhà ái quốc Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc ... đẩy lên cao trào, nên sau chuyến đi này, ông nhận được rất nhiều búa rìu dư luận.
Nếu chuyến đi đó diễn ra với một đất nước độc lập hay ít ra từ Việt Nam vào một thời khoảng khác thì nó sẽ được đánh giá khác hơn và có thể so sánh với nhiều cuộc công du cấp nguyên thủ quốc gia tại một xã hội văn minh như nước Pháp. Ta có thể kể lại một số chi tiết đáng lưu ý trong cuộc công du này:
- Nhà vua đến đặt vòng hoa tại mộ Chiến sĩ vô danh, một việc làm đầy ý nghĩa ở một vị quốc khách
- Nhà vua đến viếng Đền tử sĩ Đông Dương và Đài tưởng niệm những binh sĩ Việt Nam ngã xuống trong Thế chiến thứ nhất tại Pháp.
- Trong chuyến đi, bất cứ nơi nào tàu của vua Khải Định cập bến đều có Thương thư Bộ Thuộc địa Albert Sarraut chờ sẵn để tiếp đón. Nhiều nơi, Sarraut phải “đi tắt đón đầu” để kịp tới nơi trước khi đoàn của vua Khải Định đến. Tại thủ đô của nước Pháp, Thượng thư Albert Sarraut luôn tháp tùng vua Khải Định trong các cuộc thăm viếng đền, đài tưởng niệm.
- Tổng thống Pháp Millerand đã tiếp vua Khải Định với nghi thức dành cho cấp Quốc trưởng, đặt tiệc thết đãi đoàn, mời nhà vua ngồi cạnh trên khán đài, cùng xem đua ngựa ...
- Nguyên lão Nghị viện (Thượng viện) và Thứ dân Nghị viện Pháp (Hạ viện) dành cho vua Khải Định những cuộc tiếp rước và hội kiến trang trọng ....
Trong việc bang giao ngày nay giữa các nước có chủ quyền, sự tiếp đón ở cấp nguyên thủ quốc gia cũng chỉ có thể trang trọng đến mức đó.
Qua sự kiện này, ta nhận thấy rằng dù là một đế quốc thực dân, người Pháp vẫn có cung cách xử sự của một nước văn minh, biết tôn trọng người đứng đầu một nước thuộc địa của mình. Ngày nay, sau hơn 100 năm, tinh thần “kẻ cả” của những nước lớn đối với đồng minh của họ chưa chắc đã đạt được những điều như thế.
Cuối cùng, xin thêm một điều: chúng ta biểu dương Thư viện quốc gia Pháp, qua trang gallica.bnf.fr, đã lưu trữ một bộ hình ảnh đẹp và đầy đủ, mang tính lịch sử, về chuyến công du của một nhà vua Việt Nam đến Pháp cách nay hơn 100 năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét