31 thg 12, 2024

Gặp may – Truyện ngắn của Elisabeth Langgässer (Hội Nhà Văn VN )

Gặp may – Truyện ngắn của Elisabeth Langgässer

Vanvn- Tôi nghe cuộc độc thoại lạ lùng, đang kết thúc này trên chiếc ghế băng trong vườn của một an dưỡng đường ở thôn quê, an dưỡng đường mà đồng thời là nhà dưỡng lão. Lúc đó tôi đang đợi một người quen, người mà chúng tôi đã lôi ra từ hầm nhà ông ta với một cú sốc thần kinh ngay trước khi kết thúc cuộc chiến tranh gần đây; đầu của ông ta luôn đung đưa qua lại tíc tắc như một quả lắc của đồng hồ… luôn luôn tíc tắc, rất nhịp nhàng, rất đều đặn, không một ai trong chúng tôi (cả tôi, cả chồng tôi lẫn những người bạn chơi bài Tây của ông ấy) lấy làm lạ về điều đó, nếu giờ đồng hồ đang là nửa giờ hoặc trọn giờ đồng hồ, còn nghe thấy cả tiếng bính boong – tiếng tíc tắc và tiếng bính boong. Nhưng thôi, tôi sẽ kể câu chuyện này vào một dịp khác.

Nhà văn Elisabeth Langgässer (1899 – 1950) là một trong những tác giả hàng đầu, có sức ảnh hưởng lớn của nền văn học Đức hiện đại.

An dưỡng đường cũng là một thiên đường thực sự. Vườn hoa đẹp, có các cây cổ thụ, ngôi nhà phía sau kia là một ngôi biệt thự thôn quê thuộc tỉnh Brandenburg ở miền biên giới; hai chái nhà đơn giản và một cầu thang bên ngoài ở giữa – hơi nhỏ một chút, nó như là một dinh thự ở Caputh(1) hoặc Bernau(2). Như đã nói, ngôi biệt thự thực sự là một thiên đường, vì nó hiện ra ngay đằng sau nghĩa trang. Khi đó tất cả chúng tôi đều mong muốn một điều gì đó tương tự như để chúng tôi được nghỉ ngơi ở trong đó bốn tuần. Nhưng ai có được may mắn ấy?

Một người phụ nữ già hơn ngồi cạnh tôi; bà ta có thực sự già hơn hay không, tôi không thể nói một cách chắc chắn được. Bà ấy bị điên, điều đó thì chắc chắn. Thật khó tin là bà ấy hầu như chỉ ở trong nhà dưỡng lão. Nhưng già hay không già – lúc đó không có ai trong chúng tôi thích soi gương. Trông bà này cũng thế: Nếu bây giờ tôi để ý đến điều đó, thì bà ta không già mà cũng chẳng trẻ – đương nhiên là không trẻ rồi – tuy nhiên khuôn mặt bà ta hoàn toàn nhẵn bóng như một quả trứng dưới mái tóc bạc phơ. Mọi người sẽ nói, có nhiều những khôn mặt như thế. Đương nhiên rồi. Chỉ có điều là không phải tất cả đều điên, và hơn nữa không phải tất cả đều bị nhốt – nếu không thì họ ở chỗ nào? Rất có thể là thông thường bà ta đã không làm cho tôi chú ý đến, hoặc là những gì bà ta kể đã không đọng lại trong tôi; trong thời gian này có rất nhiều bất hạnh, cho nên điều đó hoàn toàn không phụ thuộc vào ít hơn hay nhiều hơn những người như thế – thực ra mọi người đã không nhớ điều đó. (Ngày nay tôi lại nói: Tạ ơn Chúa! Nếu không thì họ ở chỗ nào?) Bởi vì, bình thường một người chắc chắn đã không làm tôi chú ý đến như vậy. Ví dụ như, trong khi xếp hàng, hoặc là ở chỗ nhận tem phiếu, thế nào người ta cũng nếm trải những điều tương tự.

Nhưng ở đây sự việc là hoàn toàn khác. Mọi người đã không được kể lại gì; khi đó họ đã nghe được một điều gì đó, điều mà nói cho đúng ra là rõ ràng không dành cho  ai đó, họ đã có cảm giác bị nguyền rủa như đọc một bức thư mở bị bỏ quên. Thực vậy: đọc một bức thư mở. Tôi tin sự so sánh này là chính xác, dĩ nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng. Vì rằng mọi người đã đọc một cái gì đó mà có lẽ họ không được phép biết. Họ hầu như không nói: Như thế nào? Hoặc: Có thật thế không? Hay: ồ! Vì thế người phụ nữ chồm lên như bị đánh và nhìn ai đó một cách tức giận. Tất nhiên rồi- ‘một cách tức giận’ hoàn toàn không phải là sự biểu lộ dành cho cái nhìn này – chỉ có một người điên mới có thể nhìn ai đó như vậy… rất liều lĩnh và như là đến từ một thế giới khác. Đương nhiên là tôi đã hoảng sợ, nếu như một nữ y tá không ở gần đó trong suốt thời gian tôi ngồi cạnh bà ấy. Đúng ra người ta hoàn toàn không được phép gọi những kẻ đê tiện này là y tá. Khi một người lặng lẽ ghì từ phía sau và giữ người bệnh trong sự ghì chặt của mình và sau đó đẩy họ đi bằng khuỷu tay, không thèm nói lấy một lời… y như một cái đầu máy xe lửa kềnh càng bọc vải có sọc trắng xanh -. Thật là thô bạo. Điều đó nhất định phải chấm dứt. Nếu không thì họ ở chỗ nào?

“Quả thực tôi đã là một đứa trẻ xinh xắn”, bà ta nói. “Đôi mắt to tròn. Một thân hình đẹp như búp bê. Bố mẹ tôi thích và thường xuyên cho tôi đi chụp ảnh. Tại sao không kia chứ? Tại sao lại không kia chứ? Đương nhiên họ có đủ tiền cho tôi đi chụp ảnh.  Bây giờ tôi vẫn còn giữ các bức ảnh của mình ở trước một khu rừng, và một số ảnh khác lại ở trong một vườn hoa trên một cái ghế băng bằng gỗ bạch dương. Em trai bé nhỏ của tôi đã phải gục đầu lên vai tôi – ”Đúng là Haensel và Gretel’ (3) mọi người nói như thế về bức ảnh này. Một lần chụp ảnh khác, tôi chả biết tại sao, tôi đã giương một cái ô Nhật Bản lên trên đầu khi mặc cái váy thêu. Tôi đã là một đứa trẻ may mắn. Gia đình tôi khá giả; tôi thích cái gì là có thể có cái đó, không có con búp bê nào đủ lớn đối với tôi. Việc học hành ở trường của tôi cũng đạt kết quả tốt. Tôi được điểm một(4) ở hầu hết các môn học, chỉ có môn Thủ công là luôn được điểm năm(5). Cô giáo của tôi nói điều đó quả là đáng tiếc, và thế là mẹ tôi ngồi xuống và làm các bài Thủ công cho tôi – Khi đó tôi được toàn là điểm một từ môn Tôn giáo cho đến môn Thủ công. Việc học hành của tôi cứ tiếp tục như thế. Lên bảy tuổi tôi được bố mua cho một cái xe ba bánh nhỏ, mười tuổi được một cái xe to hơn và năm mười bốn tuổi tôi được bố mẹ mua cho một cái xe đạp nữ thực thụ.

Tranh của họa sĩ Lê Trần Thanh Thủy

Chúng tôi đi du lịch – lúc thì đi Bayern, lúc thì đi Helgoland. Sau đó bố tôi mất. Em trai tôi và tôi không nhận thức được nhiều về điều đó. Thời gian cứ dần trôi đi: năm này tôi học bơi ngửa, năm sau tôi học chơi điabôlô, năm tiếp theo chúng tôi sưu tập một đống bưu ảnh và năm tiếp theo nữa chúng tôi sưu tập tem quảng cáo. Tôi thường gặp may trong việc trao đổi: chỉ mất một hộp hương liệu cà phê “Pfeiffer và Diller ” là tôi có được vé vào xem triển lãm thế giới; chỉ với một gói xà phòng bột hiệu “Cô gái” là tôi có ngay giấy mời vào xem chương trình biểu diễn nghệ thuật hiện đại và nghệ thuật mới của Darmstadt(6). Sau đó chiến tranh thế giới(7) xảy ra và qua đi mà chúng tôi không hề hấn gì. Tuy nhiên khi nó mới bắt đầu chúng tôi còn có tất cả mọi thứ để ăn, đến cuối cuộc chiến thì chúng tôi phải nhờ vào sự cứu đói của các tín đồ phái Quây-cơ. Vào năm lớp mười, lần đầu tiên tôi yêu say đắm một thầy giáo, mặc dù tôi không thích sự mơ mộng và hoàn toàn không có tính dâm đãng. Từ đó tôi rất hay yêu say đắm và cũng được yêu tha thiết. Tôi đã nhận được lời cầu hôn đầu tiên và chẳng bao lâu là lời cầu hôn thứ hai, rồi lời cầu hôn thứ ba, dù rằng quả là có rất nhiều đàn ông trẻ đã tử trận trong chiến tranh. Thế đấy, bởi vì tôi thật sự đáng yêu, và có lẽ tôi cũng có sức quyến rũ thực sự, như mọi người hồi ấy nói như vậy. Tôi là cô gái thứ năm trong lớp của mình lấy chồng.

Chồng tôi là bồi thẩm, thủ trưởng của ông ấy gọi tôi là “người phụ nữ bé nhỏ”. Lúc đầu chúng tôi chưa muốn có con, để còn thưởng thức cuộc sống, có đẻ thì dù thế nào cũng không đẻ nhiều hơn hai con: chỉ một trai, một gái là đủ. Dĩ nhiên tôi lại gặp may, và mọi thứ diễn ra như đã được sắp đặt sẵn. Trước tiên cậu con trai ra đời, tôi đặt tên nó là Harald, sau đó là cô con gái bé bỏng Brigitte, một đứa trẻ dễ thương. Chồng tôi là một luật sư rất có tài, kể cả về phương diện làm ăn, buôn bán, một người đàn ông tốt bụng, đáng yêu. Ông ấy đã có thể ở lại làm công chức nhà nước, nhưng để thành đạt nhanh hơn, và còn để kiếm được nhiều tiền hơn nữa, ông ấy đã trở thành cố vấn pháp luật của các công ty. Đầu tiên ở Koeln, sau này ở Hamburg, cuối cùng ở Koenigsberg. Liên tục đi về phía Bắc, sau đó về phía Đông Bắc, chúng tôi dừng lại ở phía Đông và sau cùng mua cho mình một điền trang nhỏ ở Romintener Heide(7) có khu săn bắn và nơi câu cá.

Thực ra sự bất hạnh của chúng tôi bắt đầu từ việc gì ngày nay tôi không còn nhớ chính xác. Có thể chúng tôi đã không nên đi khỏi phía Tây nước Đức quá xa đến như vậy, nhưng ai có thể lường trước được điều đó? Hồi đó đi lên phía Bắc làm ăn là thức thời, đi về phía Đông còn thức thời hơn nữa và có nhiều con là mốt thời thượng. Vì vậy tôi đã đưa ra một quyết định khó khăn là đẻ thêm một đứa nữa, nhưng lần đó tôi đã bị sẩy thai. Tôi thử một lần nữa: lại bị như vậy. Sau lần thứ ba thì tôi bỏ cuộc. Trong khi đó chồng tôi cũng ngày càng già đi và bị bệnh loét dạ dày. Đương nhiên điều đó cũng không có gì là quá tồi tệ, chúng tôi đã gặp may nhiều trong cuộc sống, cuộc phẫu thuật cho chồng tôi diễn ra theo nguyện vọng, khi đó, không ai biết tại sao, chồng tôi bất ngờ bị bệnh tắc mạch máu. Tôi rất buồn, nhưng bọn trẻ là nguồn động viên lớn đối với tôi.

Ngay trước lúc chiến tranh(9) nổ ra, cậu con trai mười tám tuổi, cô con gái mười sáu. Mọi thứ vẫn diễn ra bình thường: đầu tiên Harald thi lấy bằng tú tài, sau đó đi lao động công ích, rồi đi lính. Nó đã gặp may: vì nó có năng khiếu về máy móc, kỹ thuật, nên nó được điều động về tiểu đội thông tin và ban đầu được ở phía sau mặt trận. Còn Brigitte, cao lớn và có tóc vàng như chồng tôi, thì đã trở thành đội trưởng quản lý thanh niên lao động công ích ở trong phủ thống đốc. Có lẽ tất cả đã tốt đẹp, nếu như Harald không xung phong vào đội lính dù vì tham vọng nhận được huân chương hiệp sĩ. Chỉ ít lâu sau nó tham chiến và tử trận ở gần Monte Cassino(10)… gần như vào cùng một ngày, khi mà Brigitte đẻ thằng Heiko bé bỏng, cha của nó là một lính SS(11). Dĩ nhiên lúc này Brigitte không muốn làm đội trưởng quản lý thanh niên lao động công ích nữa mà trở về nhà cùng với cậu con trai.

Thằng bé lớn lên trông rất kháu khỉnh, Brigitte gặp may và đính hôn với một sĩ quan không quân lái máy bay khu trục đánh đêm, người mà tử trận chỉ ít lâu sau cuộc đổ bộ của những người Anh vào miền Bắc nước Pháp, nhưng Brigitte đã gặp may và trước đó đã kịp kết hôn uỷ quyền(12) với cậu ta. Khi đứa trẻ vừa mới bắt đầu biết chạy, chúng tôi nhận thấy vận may đã rời bỏ giới lãnh đạo Đức Quốc xã. Mọi thứ đều trở nên hỗn loạn, người Nga ngày một đến gần, cuối cùng chúng tôi phải bỏ chạy. Lúc đó đang là mùa đông, chúng tôi phải bỏ lại tất cả, chỉ mang theo được hai va li. Dĩ nhiên các chuyến tàu chật ních người chạy trốn, đó là những tàu chở hàng, các toa xe chở gia súc, các xe goòng trống trải; chúng tôi gặp may và lên được một toa xe được che kín đi từ Dirschau(13) đến Schneidenmuehl(14). ở Schneidenmuehl đoàn tàu chở chúng tôi phải dừng lại để cho đám thương binh và những toán lính đang tháo chạy ào ra đường ray lên tàu. Tất cả chúng tôi bị đuổi xuống, hai cái va li của mẹ con tôi bị vất xuống đường ray, và chỉ khi các toán lính đã lên tàu và ngồi chật kín các toa xe chúng tôi mới được phép đi cùng – một số người phải ngồi trên nóc toa, đứng chen chân ở vị trí tiếp giáp giữa các toa, trên các bậc lên xuống, miễn sao lên được tàu là tốt lắm rồi.

Con gái tôi đưa thằng con của nó cho tôi bế và leo xuống đường ray để tìm hai chiếc va li. Nó cũng đã gặp may và tìm thấy vai li của mình và đưa nó lên nóc toa cho tôi. Lúc đó tàu bắt đầu chạy, và một con tàu chạy ngược chiều từ một phía khác đi qua bên cạnh chúng tôi. Ngay lập tức con gái tôi bị tàu cán phải, tôi quấn kín chiếc chăn len cho đứa trẻ, nhưng dĩ nhiên vào sáng hôm sau nó đã bị chết. Chúng tôi đi tiếp, những đứa trẻ khác cũng bị chết rét ở trên nóc toa, ngày càng có nhiều người chạy trốn mới lên tàu, sau đó, để có chỗ ngồi, chúng tôi phải ném những cái xác trẻ con lạnh cứng xuống lớp tuyết dày. Cuối cùng chúng tôi đến Berlin và vào một trại tị nạn.

Chúng ta bị thất trận, tôi đã gặp may, vùng ngoại thành được giao nộp cho người Nga mà hầu như không có tiếng súng, ở gần đấy có một doanh trại dã chiến với rất nhiều vỏ đồ hộp. Khi đi ngang qua đó và khi có thể vẫn không có bánh mì để ăn, chúng tôi đi ra xa hơn khỏi trại tị nạn và đi vào trong doanh trại bị bỏ lại, nơi mà còn có khoai tây; tuy nhiên khi tôi đi vào đến nơi, tất cả mọi người đã nhét đầy các bao đựng khoai tây của mình, các kho chứa đã trống không. Tôi cần phải làm gì? Tôi đã gặp may: ở trong một cái thùng to bằng gỗ được đổ đầy nước có rất nhiều khoai tây đã được gọt vỏ bị bỏ lại – tôi xắn tay áo lên cao và vớt các củ khoai tây ra. Ba lô của tôi đã gần đầy, tôi mò một lần nữa thật sâu xuống đáy thùng và cả hai tay dính đầy cứt, đầy cứt màu mâu, nhão nhoét, thối hoắc; lính Đức đã phải đi đại tiện vào trong thùng gỗ trước khi rời bỏ doanh trại. Lúc đó tôi mới thấy đời mình tràn đầy bất hạnh, tôi khoác ba lô lên vai và bắt đầu gào lên: ‘cuộc đời cứt đái này… cuộc đời khốn nạn này!'”

Dịch giả Phạm Đức Hùng ở Thái Nguyên

Bà ta gào rất to, cô y tá – ngay lập tức xuất hiện – bất ngờ đứng đằng sau bà ta và đẩy bà ta về phía an dưỡng đường. “Cuộc đời cứt đái!” bà ta gào thét, và tôi cũng gào theo; cả hai chúng tôi đều gào lên, bà ta chống trả quyết liệt, còn tôi thì đánh túi bụi vào người cô y tá béo phục phịch. Điều không may cho cô ta là lúc đó ông bạn của chúng tôi đi tới. Đầu của ông ta lắc lư theo nhịp tíc tắc, nhưng không nghe thấy tiếng bính boong, sau đó ông ta cùng với chúng tôi đánh tới tấp vào người cô y tá…

Cuối cùng tôi tự trấn tĩnh lại và ở lại đó. Chính xác là tôi còn ở lại đó bốn tuần, đúng lúc an dưỡng đường có một phòng trống, thời tiết lại tuyệt đẹp. Đại để, đó là quãng thời gian đẹp nhất của đời tôi: được ăn những món ăn ngon và được nghỉ ngơi yên tĩnh, rốt cuộc tôi thấy cô y tá rất đáng mến, chúng tôi còn kết bạn với nhau. Trước đây cô ta đã từng đính hôn với một anh thợ đọc khí kế(15). Nhưng thôi, tôi sẽ kể câu chuyện này vào một dịp khác.

PHẠM ĐỨC HÙNG dịch từ nguyên bản tiếng Đức

___________________________

(1), (2) Các địa danh thuộc tỉnh Brandenburg (ngày nay là bang Brandenburg)

(3) Haensel và Gretel là tên của hai nhân vật chính trong một câu chuyện cổ tích của anh em nhà Grimm. Haensel và Gretel là hai chị em ruột. Cả hai bị lạc ở trong rừng.

(4), (5) ở trường học của Đức người ta chấm bài theo thang điểm 5, trong đó điểm 1 là cao nhất và điểm 5 là thấp nhất.

(6) Là một giai đoạn lịch sử nghệ thuật xuất hiện vào đầu thế kỉ 20, thành phố Darmstadt là một trung tâm của nghệ thuật mới ở Đức.

(7) Một địa danh ở Ba Lan.

(8) ở đây tác giả đang nói đến cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất

(9) Chiến tranh thế giới lần thứ hai

(10) Một tu viện ở Italia

(11) SS là chữ viết tắt của Schutzstafel trong tiếng Đức, có nghĩa là “đội bảo vệ”, là tổ chức quân sự của Đảng Đức Quốc xã.

(12) Một hình thức kết hôn trong thời gian chiến tranh, khi mà chú rể vắng mặt vì đang ở ngoài mặt trận.

(13), (14) Hai địa danh ở Ba Lan.

(15) Nguyên văn bằng tiếng Đức: Gasmann. Đây là một thuật ngữ cũ để gọi những người thợ chuyên đi đọc đồng hồ đo lượng khí tiêu thụ và sửa chữa, nếu hệ thống ống dẫn khí trong các gia đình có sự cố.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét