30 thg 12, 2024

Nhà khảo cổ đào được "con rồng" lạ trên ruộng, chuyên gia: "Hãy báo cảnh sát càng sớm càng tốt"

 Trong lúc vô tình, nhà khảo cổ đã tìm thấy một "con rồng" với vẻ ngoài vô cùng kỳ lạ. Vừa thấy nó, nhóm chuyên gia đã quyết định báo cảnh sát.

"Con rồng" lạ xuất hiện trong mộ cổ

Vào năm 1959, một người nông dân ở thôn Đào Hoa, huyện Thạch Lâu, thị Lữ Hương thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, đang cày ruộng cùng con trâu của mình thì phát hiện ra một hố đen trên mặt đất. Sau khi kiểm tra, người nông dân nhận thấy đây là một ngôi mộ cổ nên đã báo cáo cho Ban Di tích Văn hóa địa phương.

Trong lúc chờ đội khảo cổ đến, một số người dân địa phương đã trèo xuống ngôi mộ để tìm kiếm kho báu. Tuy nhiên, chưa kịp vào tới bên trong, họ đột nhiên thấy đất bên dưới mộ có màu đỏ như máu. Quá sợ hãi, họ đã bỏ chạy một mạch và không dám nhìn lại.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều món đồ đồng khác nhau trong ngôi mộ cổ. (Ảnh: Sohu).

Khi đoàn khảo cổ tỉnh Sơn Tây đến và kiểm tra, họ xác nhận ngôi mộ này có quy mô lớn và tiêu chuẩn cao. Bên trong mộ có rất nhiều chu sa nên đất mới có màu đỏ như máu như vậy. Ngôi mộ cổ thuộc thời Thương - Chu và có niên đại cách đây khoảng 3.000 năm.

Sau hơn 20 ngày đêm khai quật không ngừng nghỉ, các nhà khảo cổ đã tìm được hơn 50 món đồ đồng từ thời nhà Thương - Chu trong ngôi mộ cổ này. Chúng bao gồm 1 bộ chuông hoàn chỉnh, 7 chiếc kiềng đồng và nhiều món đồ đồng lớn nhỏ khác nhau. Dựa trên những món đồ khai quật được, nhóm khảo cổ phán đoán đây là một ngôi mộ quý tộc cuối thời nhà Thương cho đến nhà Chu.

Sau khi phân loại các di tích văn hóa, một việc bất ngờ đã xảy ra. (Ảnh: Sohu).

Một tháng sau, nhóm khảo cổ đã phân loại xong các di tích văn hóa được khai quật và đóng gói chúng vào thùng. Bước tiếp theo là vận chuyển chúng tới phòng thí nghiệm để làm sạch và phục chế.

Ngay khi họ chuẩn bị rời đi thì trời bỗng đổ mưa to, một nhà khảo cổ chợt nhớ ra trong ngôi mộ vẫn còn món đồ chưa chuyển ra ngoài cùng người khác đội mưa đi vào để bê nó ra. Lúc này, mưa càng ngày càng nặng hạt, nước ngập trong mộ cổ cũng ngày một nhiều. Mới qua một lúc, nước đã ngập đến đầu gối, hai người phải dò dẫm từng bước một. Đột nhiên, một người vấp phải vật gì đó dưới chân suýt chút nữa đã ngã, may mắn người đồng nghiệp bên cạnh đã kịp thời đỡ được.

Một "con rồng" được làm bằng đồng xanh quý giá đã được tìm thấy. (Ảnh: Sohu).

Người này cảm thấy rất kỳ lạ, anh ta nghĩ thầm: "Mọi thứ chẳng phải đã được dọn sạch rồi thì còn lại gì trong ngôi mộ này?" Anh ta đã thò tay xuống làn nước mò mẫm một lúc, cuối cùng cũng đào ra được một thứ khiến anh ta không thể nào quên. Thứ đó là một "con rồng" được làm bằng đồng, nó có một hàm răng nhọn trông khá hung dữ.

Quá kinh ngạc, anh ta cầm con rồng chạy ra ngoài hét lớn: "Này, tôi đã tìm được một món bảo vật, mọi người mau tới xem đi". Các nhà khảo cổ khác đang mải khuân vác hành lý nghe tiếng gọi liền dừng công việc. Họ xúm lại xem thì thấy con rồng bằng đồng này có hình dáng rất kỳ lạ, hoa văn tinh xảo mà họ chưa từng thấy bao giờ. Một vị chuyên gia liền nói: "Hãy báo cảnh sát càng sớm càng tốt vì bên dưới có thể vẫn còn cổ vật".

Để đề phòng các di tích văn hóa quý giá còn sót lại bị đánh cắp, nhóm khảo cổ đã lập tức làm đơn xin Sở Công an địa phương tới bảo vệ hiện trường. Ngay sau đó, một nhóm cảnh sát đã đến và thay phiên nhau canh giữ ngôi mộ.

Cận cảnh hoa văn độc đáo được chạm trổ trên thân "con rồng". (Ảnh: Sohu).

Sau khi kiểm định, con rồng thực ra là một chiếc bình bằng đồng xanh. Nó dài 43 cm, rộng 13 cm. Bụng của con rồng cong và phình ra, đuôi được cắt phẳng, trên lưng có một cái móc hình ô. Tổng con rồng nhìn giống như một chiếc thuyền rồng đang neo đậu giữa mặt nước với hình dáng vô cùng độc đáo.

Nhóm khảo cổ đều khẳng định họ chưa từng nhìn thấy con rồng nào tương tự như vậy. Căn cứ vào phong cách bài trí của di tích văn hóa này, họ cho rằng con rồng bằng đồng này là một chiếc bình đựng rượu thời nhà Thương. Không những thế, nó còn được làm từ đồng xanh. Với chất liệu và niên đại của bình rượu này, các chuyên gia cho biết giá trị của nó không hề nhỏ, có thể coi như bảo vật quốc gia. Họ đã đặt tên cho nó là "Long hình quang" (tức là bình rượu hình rồng).

Nguồn gốc bất ngờ của "con rồng" lạ

Để tìm ra nguồn gốc của "Long hình quang", nhóm khảo cổ đã thu thập manh mối trên khắp đất nước. Cuối cùng, họ đã tìm ra được chủ nhân của nó. Hóa ra, chủ nhân của bình rượu này là cha vợ của Khương Tử Nha. Khương Tử Nha một khai quốc công thần nhà Chu thuộc thế kỷ 12 trước Công Nguyên và là quân chủ khai lập nước Tề tồn tại từ thời Tây Chu đến thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Truyền thuyết kể rằng, khi đó Khương Tử Nha theo hầu vua Chu, ông đã tổ chức một bữa tiệc tại nhà để tiếp đón nhà vua. Đồ ăn và rượu được dọn ra, Chu Vũ Vương bị một chiếc bình rượu thu hút. Bình rượu này có hình dáng của một con rồng, được treo giữa nhà bằng một sợi dây. Tư thế của nó đầy kiêu hãnh, chỉ cần hơi nhấc phần đuôi con rồng là rượu ngon sẽ chảy ra từ chiếc miệng của nó.

Chu Vũ Vương rất thích chiếc bình rượu hình rồng này, ông đã hỏi Khương Tử Nha rằng nó có xuất xứ thế nào. Không ngờ Khương Tử Nha tìm đủ mọi cớ để từ chối nói về lai lịch của bình rượu. Chu Vũ Vương tức giận nên đã đứng dậy đòi về. Khương Tử Nha đành vội vàng giải thích, ông cho biết, cha vợ của mình đã chế tạo bình rượu này để cầu nguyện cho những người vô tội bị Trụ vương tàn sát. Sau đó, cha vợ của Khương Tử Nha đã tặng lại bình rượu này cho ông. Tới khi cha vợ của ông qua đời, Khương Tử Nha đã chôn bình rượu này vào lăng mộ của ông.

"Con rồng" bằng đồng xanh này được công nhận là bảo vật quốc gia và đã được yêu cầu cấm trưng bày ở nước ngoài. (Ảnh: Sohu).

Như vậy, các chuyên gia khảo cổ đã xác định được rằng chủ nhân của ngôi mộ cổ được tìm thấy ở Sơn Tây chính là cha vợ của Khương Tử Nha. Ngôi mộ này cùng những thứ tìm được có giá trị nghiên cứu rất lớn đối với các chuyên gia khảo cổ.

Còn về phần chiếc bình rượu hình con rồng sau đó đã được Cục Quản lý Di sản Văn hóa Nhà nước xếp hạng di tích văn hóa cấp quốc gia. Nó còn bị cấm trưng bày ở nước ngoài. Hiện, nó đang được Bảo tàng Sơn Tây trưng bày như một món bảo vật ở sảnh chính.


HNPĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét