Đức nhân trong chương 13 Tử Lộ
Nguyễn Sơn Hùng
Phàm lệ
– Dịch là của Nguyễn Hiến Lê.
– Chú thích và Bàn thêm là của Jinsai.
– Các hạng mục khác là của người dịch.
Trọng Do (Tử Lộ)
CHƯƠNG 13 TỬ LỘ
Bài 13.11 Trị dân bằng luật pháp cần phải mất hơn 100 năm mới trị hết người xấu.
Tử viết: “Thiện nhân vi bang bách niên, diệc khả dĩ thăng tàn khứ sát hỹ’. Thành tai thị ngôn dã.”
子曰:“善人為邦百年,亦可以勝殘去殺矣。”誠 哉是言也!
Dịch
Khổng tử nói: “Cổ nhân có câu: ‘Nếu có người thiện liên tục trị nước trong suốt một trăm năm thì có thể khiến kẻ tàn bạo thuần phục mà bỏ hình phạt chém giết’. Lời ấy rất đúng.”
Ghi chú: Bài này không có chứa từ “nhân”(đức nhân) nhưng để dễ hiểu nội dung Bài 13.12 nên đưa vào đây.
Chú thích
1) “Vi bang bách niên” có nghĩa các vị vua là người tốt (thiện nhân) nối tiếp nhau làm vua trong khoảng thời gian lâu dài. “Thăng tàn” có nghĩa cảm hóa, làm thay đổi những người tàn nhẫn bạo ngược, làm cho họ không còn làm việc xấu. “Khứ sát” nghĩa là không thực hiện việc tử hình.
2) “Thành tai thị ngôn dã!”. Ngày xưa có tục ngữ như thế, phu tử cũng đồng cảm như vậy.
Giải thích
Ý phu tử nói trong câu “Thiện nhân vi bang bách niên, diệc khả dĩ thăng tàn khứ sát hỹ” là hiệu quả của việc những người tốt (người có đức cao) cảm hóa được người ác để họ không làm chuyện xấu không phải có được trong 1 sớm 1 chiều mà phải được liên tục trong 1 thời gian gài như 100 năm mới có được. Do đó, phu tử mới đồng ý tưởng với tục ngữ của đời xưa. Tuy nhiên, lời nói này không có nghĩa là tài năng của những người tốt nói trên bất tài như vậy, phải mất đến 100 năm mới có được kết quả. Ý muốn nói bài này của phu tử là mở đầu cho bài kế tiếp.
Nhận xét
(1) Theo người dịch, Jinsai giải thích không đúng ý nghĩa muốn nói của phu tử của bài này (Bài 13.11) và Bài 13.12 tiếp theo. Giải thích của Shibusawa Eiichi trong Luận Ngữ Giảng Nghị mới đúng. Theo Eiichi, thiện nhân ở đây ý nói các vị vua theo chủ nghĩa bá đạo, nghĩa là dùng luật pháp để quản trị dân chúng. Thí dụ như Tề Hoàn Công (TCN 685~TCN643), Tần Mục Công (TCN 659~TCN 621). Vương giả là các vị vua thánh nhân theo chủ nghĩa vương đạo như vua Thuấn, vua Vũ…Ý của bài này là các vị vua dùng luật pháp trị dân, nghĩa là bằng pháp trị thì phải mất đến gần 100 năm mới trừ hết người xấu làm việc ác. Trong khi các vị vua dùng đức trị, nghĩa là theo chủ nghĩa nhân chánh (chính trị vì yêu thương dân) thì chỉ cần mất khoảng 30 năm là dân chúng được cảm hóa.
(2) Nên xem chung các Bài 13.10, 13.11 và 3.12.
Bài 13.12 Vương đạo hoặc nhân chính trong khoảng 30 năm có thể cảm hóa được dân chúng.
Tử viết: “Như hữu vương giả, tất thế nhi hậu nhân.”
子曰:如有王者,必世而後仁。
Dịch
Khổng tử nói: “Như có bậc thánh nhân làm thiên tử thì phải mất một đời (30 năm) thì mọi người mới có nhân đạo được.
Chú thích
1) “Thế” ở đây là chỉ việc trị thế (quản trị đất nước) của các vị vua.
Giải thích
Bài này tiếp theo bài trước để nói cùng ý nghĩa. Bởi vì nói “tất thế” (chắc chắn đời sau) nên không phải nói mơ hồ kéo dài trong nhiều đời con cháu như trong bài trước. Bởi vì nói “nhi hậu nhân” (đời sau sẽ là thời đại của đức nhân) nên cũng không phải là nội dung có tính tiêu cực như “thắng được bạo tàn, bỏ đi tội tử hình”.
Vương đạo vốn là lấy đức nhân làm căn bản. Nếu như trong xã hội còn có 1 người không thể yên ổn sinh sống thì không thể nói là xã hội có đức nhân. Dù 1 vật không thể sống vô sự thì không thể gọi là có đức nhân (Jinsai nói quá chăng! Chắc ý chỉ muốn nhấn mạnh.). Từ cấp bậc cao trong triều đình cho đến cấp bậc thấp tận chân trời gốc biển trong xã hội tất cả đều vui vẻ, thong thả, cùng nhau chia sẻ chan hòa như một khối.
Ở cấp bậc trên, các quan chức chỉ biết cùng nhau ca ngợi chính trị vì dân (nhân chính), ở cấp bậc dưới tất cả mọi người dân đều yêu thương lẫn nhau, cùng nhau sống yên vui. Không biết từ lúc nào trong thiên hạ không có nơi nào mà không thấm nhuần ơn trạch của vua (người lãnh đạo cao nhất). Đó là trạng thái tối cao của đức nhân, là vương đạo được hoàn thành.
Nhận xét
(1) Xem Nhận xét của Bài 13.11.
Bài 13.19 Ứng xử cung kính, khiêm nhượng, làm việc cẩn trọng, hết lòng đối với người là phương pháp thiết thực để tập có được đức nhân.
Phàn Trì vấn nhân. Tử viết: “Cư xử cung, chấp sự kính, dữ nhân trung. Tuy chi di địch, bất khả khí dã.”
樊遲問仁。子曰:居處恭,執事敬,與人忠。雖之夷狄,不可棄也
Dịch
Phàn Trì hỏi về đức nhân. Khổng tử đáp: “Khi nhàn cư phải nghiêm cung, khi làm việc phải nghiêm trang, cẩn thận, giao thiệp với ai phải trung thực. Dù tới nước di dịch chưa khai hoá, cũng không thể bỏ ba điều ấy.”
Chú thích
“Tuy chi di địch, bất khả khí dã” nghĩa là dù đi đến đâu cũng không quên thái độ này mà kiên trì gìn giữ.
Giải thích
Con người, khi thận trọng sâu đậm, khiêm nhường thì không tự tiện, cẩu thả, cũng không kiêu ngạo. Khi trung thực đối với người thì không cẩu thả trong công việc xử lý hoặc ứng xử việc ở đời. Đó là cơ sở để có đức nhân. Tôi nghĩ rằng đức nhân là thực đức (thứ đức cụ thể). Đức nhân không phải tự tiện, mà phải căn cứ theo một tiêu chuẩn nhất định mới có thể đạt được. Do đó, phu tử đã giảng giải cho Phàn Trì phương pháp thông dụng để tu thân của người quân tử. Phương pháp này rất thiết thực để tập có được đức nhân.
Nhận xét
(1) Trong sách Luận Ngữ có 3 bài Phàn Trì hỏi về đức nhân. Nội dung trả lời của phu tử như sau:
– Bài 6.20: “Người có đức nhân phải chịu khó nhọc làm lụng để rồi sau mới thu hoạch được kết quả, như vậy có thể gọi là đức nhân” (Nhân giả tiên nan nhi hậu hoạch, khả vị nhân hĩ.)
– Bài 12.23: “Yêu thương người” (Ái nhân).
– Bài này (13.19): “Trong lúc ăn ở đi đứng hàng ngày phải nghiêm cung, khi làm việc phải nghiêm trang, cẩn thận, giao thiệp với ai phải hết lòng chân thật” (Cư xử cung, chấp sự kính, dữ nhân trung).
Không biết tại sao Phàn Trì hỏi về đức nhân đến 3 lần trong khi các đệ tử khác chỉ hỏi có 1 lần. Ngoài ra, không biết thứ tự các lần hỏi về đức nhân có đúng theo thứ tự như trong sách nghĩa là như đã trình bày ở trên không? Nếu như đúng theo thứ tự này thì có lẽ nội dung trả lời của 2 lần đầu quả thật quá tổng quát, rộng lớn. Nội dung bài 6.20 cụ thể như có lẽ khó thực hiện đối với Phàn Trì. Phàn Trì là đệ tử của phu tử và đánh xe cho phu tử. Có lần ông hỏi phu tử cách làm ruộng, làm vườn. Người dịch không hiểu tại sao phu tử lại trả lời như bài 6.20 và 12.23 với Phàn Trì!
(2) Người dịch không hiểu tại sao cụ Lê lại dịch từ “cư xử” là “nhàn cư” (trong lúc ở nhàn rỗi), ý nói trong lúc không làm việc chăng? Thiết nghĩ ở đây nên hiểu là cách ăn ở, đi đứng lúc thường ngày.
Bài 13.27 Con người có đức tính chân thành, kiên nhẫn, nhún nhường là người gần với đức nhân.
Tử viết: “Cương nghị mộc nột, cận nhân.”
子曰:剛毅木訥,近仁。
Dịch
Khổng tử nói: “Cương cường, quả cảm, chất phác, ăn nói chậm chạp thì gần với đức nhân.”
Chú thích
“Mộc” có nghĩa là có sao giữ như vậy, không có trang sức, làm dáng. “Nột” có nghĩa là đầu óc hoạt động chậm.
Giải thích
Việc thực hành đức nhân liên quan đến việc bản thân có lòng thành (thành) vững chắc không. Nếu có lòng thành vững chắc thì không có ý gạt gẫm dối trá người. Do đó, dù người “cương nghị mộc nột” chưa đạt đến mức độ có được đức nhân đi nữa cũng khác xa với hạng người “xem sắc mặt đối tượng để lấy lòng mà hành động thực tế thì không như vậy”. Do đó, ở đây nói “gần với đức nhân”.
Tôi nghĩ rằng “xảo ngôn lệnh sắc” (lời nói khéo léo nét mặt tươi đẹp) (Bài 1.3) là bên ngoài có vẽ như thật nhưng bên trong hoàn toàn giả dối. Trong khi đó, “cương nghị mộc nột” là bên ngoài mộc mạc không có trang điểm nhưng bên trong có nội dung tốt đẹp, cao thượng. Phương pháp thánh nhân phân biệt nhân và bất nhân, chúng ta có thể biết được từ nội dung này.
Hồ Bính Văn胡炳文 (1250~1333, tự Trọng Hổ) giải thích “Người có được 4 thứ cương, nghị, mộc, nột là người bẩm sinh gần với đức nhân. Nếu như thêm vào khả năng học thì có thể có được đức nhân.”
Nhận xét
(1) Trong Luận Ngữ Trưng, Ogyu Sorai cho rằng các chú giải phân chia “cương nghị mộc nột” là đều sai bởi vì họ không biết đây là thành ngữ của ngày xưa, giống như trường hợp “xảo ngôn lệnh sắc”. Nghĩa của từ này “phần lớn người cương nghị là chất phát và lời nói họ nhún nhường”. Người dịch nghĩ rằng cách giải thích của Sorai là hợp lý. Nói người có đức nhân là “đầu óc hoạt động chậm” là không hợp lý và không phải lễ!
(2) Theo người dịch, hiểu đúng ý nghĩa của từ “cương nghị” là việc quan trọng để hiểu đúng ý nghĩa của bài này. Để hiểu đúng ý nghĩa của từ “cương nghị” cũng cần phải hiểu ý nghĩa thật sự của “đức nhân” là gì. Từ nghị毅 chỉ xuất hiện 2 lần trong sách Luận Ngữ. Lần này đi chung với cương 剛, là lời của phu tử để nói về người có đức nhân. Lần khác đi chung với hoằng弘(nghĩa khoan dung, rộng rãi),là lời của Tăng tử để nói về đức tính không thể thiếu của người sĩ tiếp nhận đức nhân làm nhiệm vụ của mình. Đức nhân là một điều rất khó hoàn thành. Do đó, người dịch thiết nghĩ ngoài lòng yêu thương người thật sự còn cần phải có, nghĩa là không thể thiếu lòng kiên trì nhẫn nại bền bỉ chịu đựng. Do đó, thiết nghĩ “cương” ở đây không những là mạnh mà còn phải bền, nghĩa là phải kiên như thép. “Nghị” ở đây phải như Jinsai hoặc Shibusawa Eiichi giải thích trong Bài 8.7 là chịu đựng, nhẫn nại chớ không thể như cụ Lê giải thích “cương cường, quả cảm”. Và như Sorai giải thích người cương nghị thì phần lớn là con người sống với lòng chân thành, không biết dối trá và ăn nói nhún nhường. Một con người như vậy chắc chắn gần với đức nhân.
Nguyễn Sơn Hùng, Xong ngày 20/8/2024, Tu sửa ngày 26/11/2024
Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng
Tàì liệu tham khảo
1) Kaitsuka Shigeki (1983): Itô Jinsai, Danh Tác của Nhật Bản 13, Chuokouronsha
2) Itô Jinsai: Luận Ngữ Cổ Nghĩa (nguyên văn)
3) Shibusawa Eiichi (nói miệng), Otate Koretaka (viết ghi lại) (1925): Luận Ngữ Giảng Nghị (tiếng Nhật), Nhị Tùng Học Xá xuất bản bộ.
4) Ogyu Sorai: Luận Ngữ Trưng, Ogawa Tamaki dịch chú (1994), Heibonsha.
Bài đã đăng trên Diển Đàn Khai Phóng ngày 6/12/2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét