26 thg 12, 2024

AI CŨNG CÓ MỘT NGƯỜI MẸ. - Cao Văn Bắc -SPSG

 AI CŨNG CÓ MỘT NGƯỜI MẸ.

*****
Cao văn Bắc.
Tôi gắn bó với má tôi nhiều hơn là với ba tôi. Phần vì ba tôi mất sớm, vả lại khi còn sống ông cũng hay vắng nhà. Gần như cả quãng đời từ ấu thơ đến trưởng thành của tôi đi liền với cuộc đời của má tôi. Tôi có cảm giác như tôi với má tôi là hai người bạn thân. Tôi thương bà lắm, có lẽ vì vậy tôi làm khổ bà nhiều. Bà hiểu tôi nhiều hơn là tôi tưởng. Khi má tôi mất đi rồi, tôi mới nhận ra là mình vẫn chỉ là một đứa trẻ và rất cần có một người mẹ. Tôi vẫn cần có một cái nhìn yêu thương, yên tâm và tin cậy của má tôi mỗi khi tôi về nhà. Trước đó, tôi cứ ngỡ là mình đã lớn khôn lắm.
Sau khi ba tôi không còn, vào vài dịp hiếm hoi tôi được nghe má tôi kể về tuổi thơ và các kỷ niệm thời con gái của bà. Tôi hình dung ra một cô bé mồ côi mẹ quá sớm, lúc má tôi còn chưa ghi nhớ được hình ảnh của mẹ mình. Bà ngoại tôi cũng không có cả một tấm ảnh lưu lại để má tôi có thể tưởng tượng ra khuôn mặt của mẹ bà. Quê của má tôi là một làng quê thuộc mạn ngược, bà theo ông ngoại tôi tản cư xuống một làng quê miền xuôi, nơi ba tôi sinh ra và lớn lên.
Khi kể về thời con gái của má tôi, bà vẫn không hiểu tại sao ba tôi lại hỏi cưới bà. Một cô gái quê lam lũ, chỉ được đi học đến biết đọc, biết viết lại là dân tản cư. Trong khi đó có nhiều cô gái trong làng trong độ tuổi mới lớn, xinh xắn, sống trong những gia đình có vai vế ở làng thích ba tôi. Bà xem đó là duyên phận. Nhắc lại kỷ niệm cũ, bà cười hiền hậu và không giấu được vẻ vui sướng. Bà nhớ như in mẩu đối thoại giữa bà và ông ngoại tôi khi ông tôi thuyết phục bà nhận lời lấy ba tôi. Nó làm tôi cười ngặt nghẽo và có cớ để trêu chọc bà. Nó như thế này:
- Tướng nó dữ thế, lấy về nó đánh con chết mất.
- Dữ nó mới giữ được vợ con! Mày xem trong làng có đứa nào đẹp bằng nó không?
- Đẹp có mài được để ăn đâu thầy! (Bà gọi ông ngoại tôi là “thầy”)
- Mày không thấy nó là thằng siêng năng, chăm chỉ nhất làng này à! Cả ngày chỉ thấy nó ở ngoài đồng làm lụng từ gà gáy đến chiều tối. Cấm thấy nó chơi bời lêu lổng bao giờ!
Để rồi cuối cùng bà xiêu lòng, nhận lời lấy ba tôi, cho dù chỉ gặp mặt ông một đôi lần trong làng, chưa một lần trò chuyện và cũng chẳng biết một chút gì về ông cả! Nhiều lúc tôi nghĩ bà bằng lòng lấy ba tôi cũng vì đồng cảm với ông, cùng một cảnh ngộ. Ba tôi cũng mất mẹ khi ông còn quá bé và trong ký ức của ông không có một kỷ niệm nào về bà nội của tôi. Má tôi kể thêm với đôi chút tự hào trong ánh mắt. Sau khi cưới, một vài cô gái nghịch ngợm trong làng còn đặt thư vào khe cửa nhà ba má tôi với lời lẽ châm biếm, mỉa mai. Bà cười sảng khoái khi nhắc lại lời lẽ của một trong các bức thư đó:
“ Nước chảy ngược, đá trôi ngầm,”
“ Anh đi lấy vợ còn nhầm anh ơi!”
“ Thiếu gì cành quế, hoa hồi,”
“ Mà anh lại nhặt hoa rơi ven đường!”
Và má tôi cười hạnh phúc khi biết lời trong thư đáp lại của ba tôi:
“ Quế, hồi anh để bờ rào,”
“ Hoa rơi anh để lên cao anh nhìn!”
Khi nghe má tôi kể, hiện ra trước mắt tôi là hình ảnh một làng quê yên bình, êm đềm với cuộc sống giản dị nơi ba má tôi sống thời trẻ. Các câu vè lục bát có vần có điệu với lời lẽ bình dị, mộc mạc đối đáp giữa trai gái làng. Ba má tôi thành hôn khi cả hai còn rất trẻ, như mọi trai gái trong làng thời ấy, vào cái tuổi mới lớn. Vào lúc đó, sự thanh bình, hiền lành trong làng bắt đầu xáo trộn bởi những nghi kị, e dè lẫn nhau. Sau khi tôi chào đời được ba ngày, ông nội tôi cùng ba má tôi di cư vào Nam.
Đến miền Nam được một thời gian ngắn, ba tôi nhập ngũ. Má tôi đi cùng ông nhiều nơi theo sự di chuyển của đơn vị ba tôi. Chúng tôi sống trong các trại gia binh, nhà để cho gia đình quân nhân ở. Đó là những dãy nhà liền nhau, gồm nhiều căn nhà nhỏ chung vách với những tiện nghi tối thiểu. Đến khi con cái đông hơn, sự di chuyển, thay đổi nơi ở cũng khó khăn hơn. Má tôi cùng các con ở lại Mỹ Tho, không đi theo ba tôi nữa. Cuộc sống trong những năm tháng đó của má tôi nhiều gian khổ, nhưng tôi nghĩ cũng là quãng đời hạnh phúc nhất của bà. Một hạnh phúc của nhẫn nại, chịu đựng trong yêu thương.
Khi ba tôi mất, má tôi không suy sụp, bà đứng lên mạnh mẽ. Chúng tôi chuyển đến Biên Hoà để sống. Bà nuôi nấng chúng tôi tử tế, không để các con của bà phải thất học, không để cho chúng phải đứng ở đầu đường, ngồi ở xó chợ trước cuộc đời quá khắc nghiệt và nhiều cạm bẫy. Phải có một nghị lực phi thường và một tình thương yêu với con cái lớn lao như thế nào đó mới giúp bà đứng vững được như thế. Một khuôn mặt hiền lành, một thái độ bao dung, một nụ cười đôn hậu, một thân hình mảnh mai, gầy gò lại có một sức chịu đựng đáng kinh ngạc, đáng khâm phục đến thế. Một dáng vẻ quê mùa ẩn chứa một sự hiểu biết thấu đáo và một trái tim nhân hậu. Hình ảnh má tôi đầu tắt, mặt tối, từng đêm thức trắng làm lụng vất vả, tảo tần nuôi các con chưa phai mờ trong tôi dù năm tháng đã qua. Tôi học nơi má tôi nhiều điều. Từ cái nhìn rộng lượng đối với cuộc đời cho dù cuộc đời khắt khe, cay nghiệt với bà. Hạnh phúc của một người có khi chỉ là một cái nhìn ấm áp, cảm thông, một vài cử chỉ biểu lộ tình cảm của người thân. Cái giản dị nhất đôi khi lại là điều tuyệt vời nhất. Niềm vui giản dị khi làm cho con một món ăn con thích cũng là niềm vui lớn lao của một bà mẹ.
Má tôi mất vào một ngày sau lễ Phục Sinh. Hình ảnh của bà đi Nhà Thờ với dáng đi liêu xiêu vào mùa Phục Sinh cuối cùng của cuộc đời bà còn đọng trong tâm trí tôi. Tôi tin rằng sự phục sinh của má tôi nơi một thế giới khác, bà có được sự bình yên, thanh thản. Khi bà còn trên trần thế này, tôi biết nhiều đêm má tôi nuốt nước mắt. Tôi không biết màu của nước mắt má tôi, tôi nghĩ nó có màu đỏ, màu của máu hoà vào. Trong ngày lễ Vu Lan, mùa báo hiếu, người còn mẹ cài lên áo một bông hồng. Dù không còn mẹ, tôi vẫn muốn cài một nụ hồng, biểu tượng của tình yêu. Sao tôi ghét màu trắng tang tóc, chia ly đến thế!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét