8 thg 12, 2024

Trương Vĩnh Ký nỗi oan thế kỷ

    Trương Vĩnh Ký nỗi oan thế kỷ 

       Cách đây 120 năm, ông từ giã cõi tạm trong bể họan, là kẻ hậu sinh, trộm thấy ông có nét mang nỗi u hòai thiên thu vạn cổ. Thêm nữa ông có một thời là láng giềng, láng tỏi với tôi ở số 53 Trần Bình Trọng. Năm 54 di cư vào Nam ở Chợ Qúán, tôi đi qua căn nhà số 20 bình thường như bất cứ căn nhà nào nên đi…qua luôn.


Nhà thờ Chợ Quán là nhà thờ cổ nhất Sài Gòn và cũng là nhà thờ cổ nhất miền Nam. Nhà ông ở số 20 đường Trần Bình Trọng khi ông cáo lão về hưu năm 1890 cho đến cuối đời và ông mất tại đây năm 1898


Năm 2016 về Sài Gòn, tôi không có thì giờ ghé nhà mồ tại góc đường Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng.(xem cuối tr 5). Với Trương Vĩnh Ký, tôi nợ ông món nợ chữ nghĩa, nếu không có ông, tôi không có…chữ để như hôm nay đây ngồi bên bàn gõ, gõ mõ sớm chuông chiều vê người đã có công phát huy chữ quốc ngữ. Ông, người muôn năm cũ đất quê Cái Mơn, Vĩnh Long qua những năm tháng: 1837-1898.

      

  

Petrus Trương Vĩnh Ký,   

nỗi oan thế kỷ - Tác giả

Nguyễn Đình Đầu


       Số là gần đây tôi thửa được quyển Petrus Trương Vĩnh Ký, nỗi oan của thế kỷ của Nguyễn Đình Đầu, dầy 615 trang, dự trù xuất bản năm 2017 nhưng lại bị cấm lưu hành. Lại nghe nói bức tuợng Petrus Trương Vĩnh Ký đã rời bỏ đi thì phải? Bèn nói thằng em đi qua đường Thống Nhất. Bỗng có cơn mưa bóng mây ập xuống nên tôi không nhìn thấy ông. Trong giây phút hoài tưởng ông là người có công phát triển Quốc ngữ ở miền Nam, nhưng bị người miền Bắc kết tội thân Pháp. 

       Vì hẻo chữ nên đành vay mượn chữ của những người viết đi trước…

       “Năm Ký 8 tuổi, cha mất, bà Châu thấy con suốt ngày lui cui bên thùng sách. Bà hỏi con sách gì, Ký thưa đây là Nhất thiên tự, Tam thiên tự, Ngũ thiên tự đã học sơ qua với thầy Học. Riêng cuốn Thánh kinh chắc là chữ La Tinh nên Ký chịu chết…

       Giữa lúc ấy cố Tám tới Cái Mơn, bà Châu dẫn Ký ôm cả cuốn thánh kinh tới học. Cố nghĩ phải dậy Ký 3 năm, ấy vây mà chỉ 6 tháng sau Ký đọc được hết bộ thánh kinh. Vì hết chữ, cố dẫn Ký tới tu viện Cái Nhum để gửi gấm thừa Hòa (thừa sai người Pháp tên Borelle). Cố trình bày với thừa Hòa đang dậy Ký chữ La Tinh qua hai cuốn tự điển Việt-Bồ của giáo sĩ Gaspar d’Amaral và Việt-Bồ của giáo sĩ Francisco de Pina


       Một ngày có một người cao to vào nhà giảng bước tới bên Ký, tự giới thiệu giọng tiến Việt lơ lớ là người Pháp tên Bouillevaux. Vừa lúc thừa Hòa đi tới cho Kỳ hay ông đây tên Việt là cố Long đến nhà thờ Cái Mun học tiếng Việt với Kỳ. Ít lâu sau xảy ra sự hằn thù lương giáo vì cuộc nổi dậy của Công giáo chống lại triều đình. Thầy Hòa nói với cố Long đưa Ký qua Pinalu ở bên Cao Mên. Ở đây, có các chủng sinh người Ai Lao, Thái Lan, Miến Điện, Ký lân la làm quen và rồi học luôn các thứ tiếng ấy. Đồng thời cố Long cậy cục từ La Mã gửi sang cho Ký một bộ sách 3 cuốn Tự điển Việt-Bồ-La, Văn phạm Việt ngữ, Phép giảng tám ngày của  Alexander de Rhodes”. 

      Đủng đỏang thế nào chả biết nữa, hồi nhớ lại năm 2016, đi qua công viên đại lộ Thống Nhất xưa kia có tượng Petrus Ký lại không nhớ láng giềng láng tỏi của ông là Alexander de Rhodes. Mà làm như có chung một dòng sinh mênh sao ấy, ngừời anh em XHCN đổi tên de Rhodes rối lại gắn tên bảng đường lại. Riêng tên bảng đường Petrus Ký và trường Petrus Ký nay mang cái tên chết dí Nguyễn Hồng Phong. 


       Ừ thì hãy quay quả với ông qua những năm tháng học đạo…

       “Thừa sai Lefebvre đón đòan chủng sinh từ Cao Mên sang đưa tới trường đạo Dulalma ở Penang, Nam Dương. Thời gian theo học tại đây, ông học thêm các thứ tiếng khác, như: Ấn ĐộAnhMã LaiNhật Bản. (1)

       (1) Có nguồn ghi chép Trương Vĩnh Ký biết 17 thứ tiếng, nguồn khác 28 thứ tiếng. Tuy nhiên theo bản tự khai lý lịch với người Pháp, ông cho hay chỉ thông thạo 7 ngôn ngữ, còn những tiếng khác, ông chỉ biết chút ít.


      Năm 21 tuổi (1858), Ký học xong và về tu viện Cái Nhum dậy tiếng Pháp. Một bữa thừa Hòa hỏi đang tính làm gì, ông trả lời đang ghi lại những chuyện đời xưa. Trên con đường văn học, tác phẩm đầu tiên của ông là Chuyện đời xưa  (2) viết năm 1860. Ông tiếp tục tục sáng tác cho đến cuối đời 118 tác phẩm đủ lọai thể tài. 

      (2) Tập Chuyện đời xưa ra đời, chữ quốc ngữ mới được phổ biến với mục đích truyền bá chữ Việt. Từ khi manh nha cho đến khi được dùng làm văn tự chính thức, chữ quốc ngữ phải trải qua một thời gian trên hai thế kỷ rưỡi để hoàn thiện cấu trúc tự dạng. 

      

      Trong tình trạng cấm đạo, tu viện Cái Nhum bốc cháy, ông được đưa ông về Chợ Quán có một nhà thờ lớn xây theo kiểu Tây phương (xem hình trang 1). Cha Lefebvre giới thiệu làm thông ngôn. Ông chỉ làm mấy tháng rồi thôi. 

Từ chuyện làm thông ngôn, tiếp đến trên con đường họan lộ của ông sau này, ông bị...”đánh” túi bụi, do chỉ thị của Trần Huy Liệu: 

“Trong lịch sử cận đại Việt Nam, ngòai Nguyễn Trường Tộ, Lưu Vĩnh Phúc (sic), Phan Thanh Giản được tạp chí Nghiên cứu Lịch sử nêu ra tranh luận, một nhân vật nữa họat động văn hóa (3) quả khá phức tạp được đề ra lần này: Trương Vĩnh Ký. ”.


 (3) Trong những họat động văn hóa…thì đây là nhà ngữ học lão thành, đứng hàng đầu của miền Bắc: cụ Cao Xuân Hạo cho hay.

“…Trương Vĩnh Ký viết sách ngữ pháp vào một thời chưa có ngôn ngữ học hiện đại, thế mà ông có được những nhận định đúng và hay…Chẳng han Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên xác định được các “lọai từ” như cái, con, chiếc Trương Vĩnh Ký cũng là người đầu tiên tìm ra những “trạng ngữ” cho tĩnh từ như (trắng) bóc, (đen) thui, (đỏ) lòm, những phát hiện ấy chẳng mấy ai nhắc đến….”


 Tiếp tay là Mẫn Quốc: “Năm 1876, Trương ra thăm Bắc Kỳ, khi trở về viết cuốn Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (4), Trương làm “nhiêm vụ đặc phái” báo cáo gửi cho đô đốc Đuy-pe-rê” (Duperré) tình hình kinh tế nghèo nàn, đói kém của nhân dân ta. Trương báo cáo “tình báo” như thế khác gì xúi giặc Pháp mau mau đánh chếm Bắc Kỳ”.


(4) Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một nhà nghiên cứu văn học ở Hà Nội viết:

“Trương Vĩnh Ký với khoa ngôn ngữ học và khoa học lịch sử đã góp phần khai sáng bộ môn Việt học. Các sáng tác của Trương Vĩnh Ký nói lên ít nhiều cá tính một con người có cái nhìn tinh tế trước sự vât. Riêng cuốn Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi một tập bút ký hiếm hoi viết bằng chữ quốc ngữ của thế kỷ 19”.


       Việc Petus Ký làm thông ngôn, tôi ăn mày chữ nghĩa của người làm văn học ở ngòai nước viết về ông: “Nhận những chức vụ của người Pháp chỉ vì sinh kế. Tới năm 1872, tiên sinh được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường Sư phạm Nam Kỳ (Ecole Normale), đào tạo giáo chức đầu tiên ở miền Nam. Tiên sinh vẫn giữ được phong thái người sĩ phu Việt Nam, khăn đóng áo dài lại là mẫu mực của một hương sư, hương quốc trong hoàn cảnh "quốc phá gia phong". Ở vào hoàn cảnh lúc bấy giờ, tiên sinh không thể xuất xử khác hơn. Sự hợp tác bất đắc dĩ của tiên sinh với Pháp trong hoàn cảnh nghiệt ngã này có thể được tạm hiểu là sự chấp nhận cái "thế thời phải thế".


Chuyện đơn giản như đan rổ vậy thôi, người Mẫn Quốc bồi thêm: “Năm 1863, Trương được giặc Pháp đề cử làm thông ngôn (5) đi theo phái đòan Phan Thanh Giản đi sứ sang Pháp để xin chuộc lại ba tỉnh phía Đông Nam Kỳ”.

(5) Vì người anh em XHCN “dựng sử” Petrus Ký làm thông ngôn nên mới sinh chuyện: “Trong hiệp ước nghị hòa, nhà Nguyễn phải chịu mất 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, điều này Pétrus Ký bị chỉ trích vì đã giúp Pháp thương thảo hiệp ước này”.

Cứ theo tôi đùm đậu đây đó thì:

      Năm 1863, triều đình cử Phan Thanh Giản sang Pháp xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông. Chính Phan Thanh Giản xin để Petrus Ký đi theo phái đoàn làm thông ngôn.

      Sứ đòan gồm có: chánh sứ Phan Thanh Giản, phó sứ Phạm Phú Thứ, thông sự (thông dịch) Trương Vĩnh Ký. Phái bộ gồm 66 hành nhân: Ngụyễn Khắc Đản, Nguyễn Văn Chất, Nguyễn Mậu Huân, Hồ Văn Long, Nguyễn Hữu Thuận, v…v…

      Khi phái bộ Phan Thanh Giản rời Huế tới Gia Định, đô đốc Bonard cử thiếu tá hải quân Riueuier đi theo để hướng dẫn sứ bộ Phan Thanh Giản. Phái đòan gồm Petrus Nguyễn Văn Sang, Tôn Thọ Tường, Pero Trần Quang diệu (thông dịch viên). 

      Ghi chu 1: khi Napoléon tiếp sứ bộ Phan Thanh Gản ở điện Tuilered, thông dịch là Aubaret. Tạm hiểu là người Pháp không thiếu thông dịch viên!

      Ghi chu 2: khi ở Pháp, ông có cơ hội gặp Paul Bert mới rối chuyện.


      Rối chuyện với bài viết của Nguyễn Khắc Đạm:  “Trương là lọai tay sai không giữ chức vụ nào trực tiếp đã đàn áp, bóc lột (sic) nhân dân. Thời gian giúp Pôn-Be (Paul Bert) ở Huế chỉ có 3 tháng, Trương vẫn giấu mặt. Tóm lại, trước sau, người ta vẫn chưa thấy rõ bản chất ác ôn của Trương“.        

      Đến tao đọan này, tôi lại phải dựa dẫm vào nhà làm văn học ở ngòai nước:

      “Trong chuyến đi Pháp, tiên sinh gặp Paul Bert va họ trở thành đôi bạn thân. Paul Bert được coi là người tiến bộ và nhân bản, là tổng trưởng giáo dục Pháp. Paul Bert được bổ nhiệm Thống sứ tại triều đình Huế. Ông chủ trương, đối với triều đình Huế, Pháp chỉ giữ vai trò bảo hộ, và hợp tác giới sĩ phu. Trên đường từ Pháp tới Huế, Paul Bert ghé Sài Gòn gặp lại bạn cũ Trương Vĩnh Ký. Paul Bert với một tâm hồn nhân bản chủ trương một chính sách tương đối nhân đạo và cởi mở đối với người bản xứ và nền bảo hộ, Paul Bert bị giới thực dân không ưa, ngấm ngầm chống đối. Paulin Vial, con cáo già thuộc địa ở Nam Kỳ, giám đốc Bản xứ vụ không ưa và còn đố kỵ với tiên sinh. Ngày 11-10-1888, Paul Bert đột ngột chết ở Hà Nội vì bệnh dịch tả. Paul Vial lên quyền thống sứ thay thế Paul Bert. Tiên sinh bỏ Huế về Sài Gòn, giã từ chốn quan trường”.


      Đến đây không thể bỏ qua…sự cố Trần Huy Liệu…“đánh” cụ Phan Thanh Giản:

      “Ðiểm mà tôi muốn nhấn mạnh vào cái chết của Phan là tất nhiên, là rất biện chứng trong chỗ bế tắc của Phan. Dầu sao, cái chết của Phan cũng chỉ có thể chấm dứt con đường biện chứng bế tắc của Phan, chứ không thể xóa được tội danh của Phan trước tòa án dư luận nhân dân. Như vậy, kết tội Phan Thanh Giản phải gắn liền Phan với triều đình Huế, với Tự Đức, bản án Phan là nằm trong hồ sơ bản án hàng giặc bán nước của triều Nguyễn”.


      Có đầu có đũa Trần Huy Liệu viết bài Nhận định về Trương Vĩnh Ký, mặc dù ông dặn dò: “Các bạn không nên trích dẫn lại những tài liệu mà chúng tôi đã cung cấp để các bạn tham khảo“. Nhưng…“các bạn” Mai Hanh, Mẫn Quốc, Nguyễn Khắc Đạm đã “tham khảo” chín phần mười bài của ông nhồi nhét vào bài của mình.      \

      “Nói tóm lại, bình luận về Trương, chúng ta thấy từ lập trườnh đến tư tưởng rất dễ thấy như nhìn vào một chấm đen. Chúng ta không lấy làm lạ dưới thời Pháp thuộc, Trương đã được tạc tượng, được tên cho trường học, đường phố. Và bọn bồi bút đã ca tụng Trương một cách vô liêm sỉ (cụm chữ của Trần Huy Liệu) (6). Có điều là: bình luận vê Trương, chúng ta phải thảo một bản cáo trạng về tội phạm chính trị, phải phân tích một cách khoa học để thấy rõ con người của Trương, đánh giá đúng mức về Trương”

      (6) Trong phần dãn nhập tạp chí Nghiên cứu Lịch sử viết về cụ Phan Thanh Giản, Trần Huy Liệu mở đầu thế này đây: “Tất nhiên khi chép về sử kiện Phan Thanh Giản cắt đất dâng cho xâm lược Pháp thì trí thức và sử gia miền Nam đã vô liêm sỉ coi đó không phải là chuyện phản quốc”.

      Ghi chú: Trần Huy Liệu năm 1945, là bộ trưởng Bộ Thông tin Tuyên truyền. Năm 1953, làm trưởng ban nghiên cứu văn sử địa, ông không qua trường sở sử học nào, nhưng ông vẫn đảm nhiệm chức vụ…viện trưởng đầu tiên của Viện Sử học


       Trần Huy Liệu “bức xúc” việc dựng tượng Petrus Ký, riêng tôi ngẫn ngẫn chả hiểu người anh em XHCN dựng tượng Lê Nin ở vườn hoa Chi Lăng ắt hẳn để thích hợp với tư duy…duy vật sử quan Mác-Lê. Vườn hoa Chi Lăng được đổi tên là “Công viên V.I Lê Nin” chắc là để theo…tiến trình biện chứng của “trường phái Marxist” chăng?


      Từ “Công viên V.I Lê Nin” ở Hà Nội, tôi…“liên hệ” tới công viên Lê Văn Tám tại Sài Gòn. “Ngọn đuốc sống anh hùng thiếu niên Lê Văn Tám” là tác phẩm Trần Huy Liệu “dựng” lên theo lệnh ông Hồ. Vì ông Hồ không muốn trí thức tiểu tư sản ở Việt Bắc “dinh tê” về Hà Nội với Pháp nên hai ông Phan Thanh Giản, Petrus Ký trước sau được đưa.ra tòa án dư luận nhân dân xér sử…Được thể người anh em XHCN che đóm ăn tàn thay phiên nhau mạt sát hai ông với những lời lẽ sỗ sàng thiếu văn hóa như: “tối tăm, cực kỳ phản động, hủ lậu, mục nát, mù quáng, cực kỳ ngu xuẩn, v…v…


       ***

       Ừ thì hãy lay lắt trở lại với tác phẩm "Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ" (7) của Nguyễn Đình Đầu. Cuốn sách được dự trù ra mắt ngày 8-1-2017 nhưng bị hủy theo "một chỉ thị miệng" và báo chí được tin nhận cảnh báo không đưa tin về cuốn sách này

       (7) Từ năm 1960, tác giả đã sửa sọan tác phẩm "Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ" vì ông tìm ra từ Thư viện Hội nghiên cứu Đông Dương (Société des Études indochinoises), trung tâm lưu trữ Hội Thừa sai Paris (Société des Missions étrangères de Paris) ông Trương Vĩnh Ký là một người yêu nước Nam Kỳ. Những tài liệu cho thấy ông không theo Pháp vì ông rất bất mãn trong chuyện người Pháp cư xử với người Việt Nam.

       Ghi chú: gân đây tác giả Phạm Phú Minh tìm được thư của Trương Vĩnh Ký gửi đại biểu Nam Kỳ, là người đã đề nghị ông Trương Vĩnh Ký vào quốc tịch Pháp. Qua thư, ông Trương Vĩnh Ký đã từ chối đề nghị để vào quốc tịch Pháp. 


       Vì để viết bài văn khảo “Trương Vĩnh Ky nỗi oan thế kỷ” mà tôi vay mượn tựa đề của ông Nguyễn Đình Đầu nên tôi đọc rất kỹ và đọc cả tiểu sử ông nữa: 

       Ông người Hà Nội, là một nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực địa lý học và lịch sử Việt Nam. Năm 1946, ông tháp tùng phái đoàn Việt Nam (và ông Hồ) sang Paris tham gia Hội nghị Fontainebleau. Năm 1955, ông về nước và sống tại Sài Gòn. Ông đấu tranh cho hòa bình và hòa giải dân tộc, là một trong những thành viên tích cực của "Lực lượng thứ ba". Năm 1975, ông Nguyễn Đình Đầu được Dương Văn Minh cử làm thành viên của phái đoàn đại diện VNCH đến Trại Davis để đưa đề nghị ngưng chiến.


       Bằng vào tiểu sử…”linh tinh” ấy, ông viết Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ rất cẩn trọng để khỏi bị có…“vấn đề nhậy cảm và tế nhị”. Ông cân nhắc từ trang 443 đến trang 505, dùng 62 trang với 6 anh em XHCN miên Bắc “đánh phá” Petrus Ký. Ở miền Nam, từ trang 534 đến 534, vỏn vẹn 10 trang với 2 tác giả Thanh Lãng và Hồ Hữu Tường…“bảo vệ” Petrus Ký về mặt văn hóa. Kỹ hơn nữa, trên báo Bách Khoa (trước 75), ông thêm vào người viết miền Nam Nguyễn Sinh Duy, Phạm Long Điền với 27 trang “chống” lại Hồ Hữu Tường (tức Petrus Ký). Và ông nghĩ là thóat. Nhưng ông không thóat được con mắt Cục Bảo vệ An ninh nội bộ và Văn hóa tư tưởng (Bí số A25).

      

      Ông không thóat mặc dù ông dấu bài viết dưới đây ở trang 575 (còn 40 trang nữa là hết) có bốn, năm mục lục sách che khuất. Đọan văn thế này đây:

      “Cho tới nay, đã trên 100 năm kể từ ngày Trương Vĩnh Ký nằm xuống vẫn có những khuất tất của lịch sử. Sở dĩ có tình trạng đáng tiếc đó vì nhận định, đánh giá một nhân vật lịch sử mà lại không gắn với thời đại lịch sử, trong đó người ấy sống và hành động, lại nặng nề suy diễn chủ quan một cách không thấu tình đạt lý.

      Với nhân vật Trương Vĩnh Ký, tuy chưa tiếp cận nhiều tài liệu về ông, nhưng qua những gì mà tôi có, tôi đọc, nghe và biết. Nếu chỉ xét đơn thuần trên lĩnh vực văn hóa thì đây là một nhà văn hóa lỗi lạc của thời kỳ đó và cho cả hôm nay.

     Trương Vĩnh Ký đã chọn lựa riêng cho cuộc đời mình, mặc dù ông luôn luôn tôn vinh những anh hùng dân tộc như Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương. Ông cũng luôn coi Nguyễn Đình Chiểu là nhà văn học lớn của dân tộc. Tuy nhiên chính sự lựa chọn con đường đi của Trương Vĩnh Ký coi như nghịch lý, đó là một trong những gút mắc lớn nhất của Trương Vĩnh Ký: Bi kịch muôn đời”.

       

       Theo tôi Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ bị thu hồi bằng lệnh miệng, không giải thích. Vì khúc trích lục vừa rồi trong bài Cần một kết luận hợp lý cho nhân vật Trương Vĩnh Ky (khỏang năm 1995) tác giả lại là người miền Nam, lại là…ông Võ Văn Kiệt.


      ***

      Thôi thì đành dựa dẫm vào ai đấy một lần cuối…

      “Vì sống trong hoàn cảnh buồn bã, bệnh hoạn luôn, tiên sinh mất ngày 1-9-1898, hậu quả vì kiệt sức do cái thế chẳng đặng đừng trên con đường họan lộ qua tháng năm chồng chất. Tiên sinh qua đời trong cảnh thanh vắng ở vùng Chợ Quán, thọ 61 tuổi, để lại một sự nghiệp văn hóa văn học lớn lao. 

       Thân thế tiên sinh từ lúc bước vào đời cho đến phút lâm chung là thân thế nổi trôi trong bể họan của đất nước. Nhưng tiên sinh như một loài trúc lạ ở đất Nam Hà, liêm khiết và ẩn nhẫn, dù phải trầm luân trong bao hệ lụy. Hệ lụy của tiên sinh cũng như hệ lụy của sĩ phu thời đại, ông vẫn giữ tấm lòng son dạ sắt của một kẻ sĩ”.


Mộ phần ông nằm ở góc đường 

Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng.

(phần mộ được xây trước khi ông mất)



       Trên cửa nhà mồ có ghi câu tiếng La tinh: "Miseremini Mei Saltem Vos Amici Mei" (Xin hãy thương xót tôi, hỡi các anh chị là những người bạn của tôi). Câu văn trích từ Sách của Jop trong Cựu ước, chuyện Jop bị Thượng đế và loài người ruồng bỏ   


       Ngày 8 tháng 11 năm 1870, (trước khi mất hai tháng) ông có di cảo: 

       “Người đời sanh ký tử quy, đàng đi nước bước vắn vỏi lắm. Nhưng ai cũng có phận nấy, hể nhập thế cuộc bất khả vô danh vị, cũng phải làm cho xong đã, mới chui vô quan tài. Sự sống ở đời tạm nầy, đỏ như hoa nở một hồi sương sa; vạn sự đều chóng qua hết, tan đi như mây như khói”

       Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai

       Xô đẩy người vô giữa cuộc đời

       Học thức gửi tên con mọt sách

       Công danh rốt cuộc cái quan tài


                                                                                         Thạch trúc thảo lư

                                                                                            Mâu Tuất 2018

                                                                                  Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

                                                                                         (viết lại 2019, 2021)


Nguồn: Hòang Lại Giang, Trần Văn Trường, Cao Thế Dung.


Xem Thêm :


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét