Cơn mưa bất chợt vào buổi chiều của mùa khô khiến ông phải vội vã dạt vào bên đường, trú dưới một vòm cổng lợp ngói nâu khá rộng rãi.
Khi quay người tránh những hạt mưa tạt vào mặt, ông nhìn thấy một khu vườn được phủ mờ, không rõ hình dáng.
Thi thoảng, trong ánh chớp trước tiếng rền của cơn dông, ông thoáng nhìn thấy vài bóng cây, vài mảng tường, vài khoảnh đất… sau một màn xám nhạt.
Ông cứ đứng như thế, tay đặt vào các gióng sắt của khung cửa, chờ đợi mọi vật hiện ra sau mỗi tiếng sét chát chúa cho đến khi không còn tiếng sấm, không còn những chớp lóe, không còn những vạt mưa tạt xéo qua mảnh vườn.
Khi quay lại, ông chạm phải một dòng người không biết từ đâu túa ra con đường nhỏ, mình mặc áo mưa đủ màu đủ sắc, đầu đội những chiếc mũ bảo hiểm đủ kích cỡ như những con bọ khổng lồ bỏ chạy khỏi một cái hang lớn nào đó ngập nước.
Không muốn và cũng không thể hòa mình vào dòng người mỗi lúc thêm đông, mỗi lúc thêm hối hả, ông bước tới bước lui trên đoạn vỉa hè ngang qua cánh cổng sắt và hai đoạn bờ tường bê tông kiên cố cho đến khi nhìn thấy cánh cửa ngách của khu vườn không khóa.
Tới gần, ông nhận ra cánh cửa đã gãy một phần bản lề, đổ nghiêng xuống, tạo một khoảng trống đủ cho người ta có thể nhìn thẳng vào một góc vườn.
Dưới màng nắng mỏng mảnh sau cơn mưa, góc vườn ánh lên với một mảng tường vàng hoa kim đồng leo, một cây cau ta cao vút, một cái nhà hình tròn lợp lá dừa, bốn bề để trống, vài chiếc ghế băng dài nằm rải rác đổ nghiêng…
Có ai đó ngang qua ông, chào hoặc nói một câu bâng quơ làm ông nhớ tới việc mình cần đến tiệm thuốc Tây mua thuốc cho căn bệnh dạ dày mạn tính.
Thế nhưng dòng người vẫn đặc quánh lại trong lòng đường, loay hoay trong bất động, không chừa khoảng trống nào cho ông.
Không một khoảng trống nào, ông lẩm bẩm rồi quay nhìn cánh cửa sắt đổ nghiêng.
*
Ông đưa tay kéo cánh cửa vườn lên nhưng mỗi lần như vậy hình như cánh cửa lại trì thêm xuống một chút.
Cuộc giằng co mỗi lúc một căng thẳng, đúng vào khi ông dành hết sức lực cho lần cuối, chiếc bản lề còn lại gãy gục, cánh cửa đổ sập xuống, đè bẹp cụm hoa tứ quý đang trổ những chùm hoa nhiều màu sặc sỡ.
Khác với cảnh trí được nhìn thấy qua khung cửa ngách, toàn bộ khu vườn có vẻ hoang hoải, buồn bã trong ngọn gió quẩn quanh, trong mùi ẩm mốc lưu niên.
Cỏ dại mọc tràn trên nền nhà cũ vài đống gạch ngói vỡ phủ rêu rặng trúc chạy dọc theo tường khẳng khiu thưa thớt nơi góc sâu của vườn một gốc phượng vĩ lớn đầy quả khô treo trên những cành trụi lá…
Ông cảm thấy lạnh, cảm thấy sự trơ trọi của mình nhưng ông không thể rời đi không sao nhấc nổi chân khỏi nền đất ẩm ướt, tuồng như mỗi bước một trì kéo, một níu giữ.
Cuối cùng, ông đến ngồi trên bậc thềm của căn nhà tròn lợp lá dừa từng nhìn thấy qua cửa ngách.
Những ngọn rau me đất mọc chen vào các đường roon bong tróc giữa các bậc thềm khoe những bông hoa vàng nhỏ xíu, mỏng manh, không bị cơn mưa vùi dập.
Một lần nào đó, sau những tháng ngày dầm mưa giải nắng trong các cánh rừng, ông trở về cũng nhìn thấy mẹ đang ngồi trên thềm nhà, nơi có những cánh rau me đất này.
Bà chống tay đứng dậy, làm đổ tung chiếc rổ đựng trầu cau, lập cập bước tới bên con.
Ông không nhớ bà có cất lời hay chỉ im lặng nhìn ông nhưng ngay giây phút ấy ông biết vợ ông đã rời bỏ gia đình của mình.
Để giấu một tiếng thở dài hay một giọt nước mắt, bà vội vã rời khỏi vòng tay con trai, cúi xuống nhặt mấy lá trầu, mấy quả cau, chiếc bình vôi nhỏ và con dao lưỡi đã mòn vẹt đặt lại vào chiếc rổ nhựa rồi ngồi xuống bên bậc thềm, chỗ ngồi quen thuộc của bà, chỗ để bà nhìn cuộc dâu bể, nỗi mất còn…
Con trai ông, đứa trẻ mới lên bảy từ sau vườn chạy về, chìa ra trước ông chiếc lon nhựa cắt từ một chai Coca-Cola hay Pepsi đựng đầy những con giun đất đang còn ngọ nguậy, bố ơi, con đào giun cho vịt ăn. Ông ngồi thụp xuống bên nó, cố giữ cho giọng nói thật bình thường, con trai của bố giỏi quá.
Nó đưa bàn tay còn lấm đất vỗ lên vai ông, bố mới giỏi chứ.
Ông cười, bố không giỏi, bác Tiến mới giỏi. Nó lại đưa mấy ngón tay gầy nhỏ khều khều nơi trán, để lại vài vệt đất trên làn da trắng mịn, phẳng phiu, bác Tiến ngồi xe lăn hả bố.
Ừ, bác Tiến ngồi xe lăn là tuyệt nhất.
Tiến, người kỹ sư địa chất đã khơi gợi trong ông, chàng trai trẻ cùng làng niềm khao khát được ra đi, được khám phá, được tìm kiếm những báu vật trong lòng đất.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỏ-Địa chất, ông “nhập bọn” với Tiến.
Họ lang thang không biết cơ man nào những cánh rừng, những đồi núi, suối sông, chịu không biết bao nhiêu mưa nắng, bão gió, bao nhiêu lần thiếu gạo, thiếu nước, bao cơn cảm cúm, sốt rét vàng da.
Mỗi lần gặp chuyện, Tiến lại ngâm nga: “chưa bao giờ anh ước đâu em/ một căn nhà bão dừng sau cánh cửa”.
Hỏi thơ của ai, anh đáp thản nhiên, không biết, nó lọt vào đầu lúc nào cũng không hay. Thơ hay là vậy đó, cần chi tác giả, cần chi tựa đề này nọ. Mà nói thật với chú, nó cũng chỉ an ủi ta trong chốc lát thôi, chẳng ai vịn nó mà sống được, như cái kiểu thiên hạ truyền tụng câu nói của ông thi sĩ nào đó.
Thế rồi, trong một chuyến đi, gặp lúc người ta dùng mìn phá đá, Tiến gặp tai nạn.
Ông không hiểu vì sao, hai người cùng nằm sau một khóm cây để tránh những tảng đá lở đang ầm ầm lao xuống mà ông lại lành lặn, chẳng hề sây sát chút nào, trong khi Tiến bị dập nát cả hai chân.
Ông đã gào khóc như một đứa trẻ khi người ta chở Tiến đến bệnh viện.
Ông không sao thoát khỏi cảm giác có lỗi, nhất là những dịp đến thăm, nhìn Tiến ngồi trong xe lăn trước hiên nhà bên chiếc bàn thấp với một ấm trà, một chiếc điếu cày.
Cơn bão đã phá tung cánh cửa cuộc đời anh rồi. Nhiều lần, ý nghĩ đó suýt bật lên thành một tiếng kêu khi ông nhìn Tiến bình thản, vui vẻ hỏi han về những chuyến đi, những thành tựu trong nghề của họ.
*
Ông cúi xuống, nhấc bổng đứa con trai, cố xóa đi nỗi đau chợt đến khi nhớ tới người bạn vong niên, con đào giun ở đâu vậy. Thằng bé hào hứng, chỗ cây phượng, gần hai ngôi mộ sau vườn nhiều giun lắm. Con không sợ nữa à. Không ạ, nó đáp quả quyết, bà nội bảo họ hiền lắm, đâu có hại mình, đâu có làm phiền mình. Con còn theo bà nội ra đó thắp hương, xin cho bố được mạnh khỏe.
Khi nhà ông đến mua khu vườn, mọi người ngần ngại nhìn hai ngôi mộ trong góc sâu, nằm kề cây phượng vĩ lưu niên.
Bố ông hỏi chủ vườn thì được biết hai ngôi mộ có trong vườn từ người chủ trước nữa và những người ấy cũng không biết đó là mộ của ai.
Thấy mọi người bàn lui, mẹ ông bảo, không sao đâu, người âm cũng như người dương, mình sống tử tế với họ thì họ sẽ yêu thương mình, sống chan hòa với mình.
Dù vậy, ông, đứa trẻ năm ấy chỉ dám đứng trong cửa sổ nhìn mẹ cho thợ xây một cái bệ bằng gạch để đặt bát hương, chiếc lọ cắm hoa, đĩa đựng trái cây rồi tự tay bà trồng mấy bụi bông trang đỏ, bông trang vàng trước mộ, nhìn bà ra thắp hương bên hai ngôi mộ nhân ngày rằm ngày mồng một hoặc những dịp giỗ tết trong năm,băn khoăn tự hỏi không biết người mẹ đã nói điều gì với họ, không biết bà kể lể hay cầu xin điều gì từ họ.
Dần dà, mọi người trong gia đình quen với sự tồn tại của hai ngôi mộ, thấy họ như những người thân đã ra đi từ rất lâu của mình.
*
Đứa trẻ nới lỏng vòng tay rồi dụi mái đầu còn khét nắng vào cổ ông thì thầm, bố ơi, con nhớ mẹ, con muốn gặp mẹ.
Gần như hốt hoảng, ông ôm sát nó vào lòng, vỗ nhè nhẹ vào lưng con, rồi mẹ sẽ về. Đứa bé tấm tức, bà cũng nói vậy mà con chờ hoài chờ mãi chẳng thấy đâu.
Ông cũng đã từng chờ hoài chờ mãi trong một thời gian dài.
Mỗi lần về nhà, ông đứng rất lâu trước cánh cổng tre bạc màu, vài nút lạt đã đứt, nhìn khắp khu vườn rồi dừng lại nơi cửa ra vào, cho đến khi chỉ nhìn thấy mẹ ngồi trước thềm nhà hoặc đứa con trai vừa chạy đâu đó trở lại lấp đầy khung cửa ấy.
Rồi đến khi ông không còn chút hy vọng nào cho một cuộc gặp gỡ, bà bỗng xuất hiện.
Bà xin phép được mang di ảnh của cha mẹ mình đến nơi ở mới.
Mẹ ông, lặng lẽ đứng bên người con dâu cũ đang chắp tay vái lạy trước ban thờ của gia đình.
Ông ngồi trước hiên nhà nhìn những đám mây vần vũ trên bầu trới, nhớ một cơn mưa khác.
Đêm đó, khi cơn mưa núi bất ngờ đổ ập xuống,nhóm của ông phải xin vào nghỉ tại nhà một gia đình người Tày ở ngay đầu bản.
Hình như gia đình họ cùng dân bản vừa có một lễ hội lớn. Chủ nhà đem xôi, thịt trâu gác bếp và rượu ngô vui vẻ mời khách.
Cả bọn ăn uống no say rồi hai người bạn xin phép ngủ ở một góc nhà, nơi có bếp lửa với những súc gỗ lớn đang âm ỉ cháy, xua tan khí lạnh của vùng núi đá.
Không ngủ được vì tiếng cạ sừng vào cột gỗ, tiếng thở phì phò của mấy con trâu ở ngay dưới gầm nhà, ông ra ngồi ngoài cửa, ngay đầu chiếc thang lên xuống nhà sàn.
Trời vẫn mưa. Màn đêm tối mịt mênh mông.
Cô con gái chủ nhà đứng đâu đó sau lưng, anh nhớ nhà ư.
Vâng, ông đáp nhưng không quay lại.
Hình như cô còn đứng đó hồi lâu.
Sáng ra, khi cả nhóm chuẩn bị rời nhà, cô gái đứng bên cánh cổng tre khép hờ, em đi cùng các anh một đoạn, em đang học ngành sư phạm mẫu giáo trên tỉnh.
Mãi đến khi dừng lại ở ngã ba, một lối lên tỉnh, một lối về trạm, anh mới nhìn cô.
Một khuôn mặt đầy đặn với ánh nhìn hiền hòa, ấm áp. Anh nhớ tới giọng nói dịu dàng của cô trong đêm.
Một khởi đầu nhẹ nhàng, một cuộc chung sống nhẹ nhàng, một cuộc chia tay dường như cũng nhẹ nhàng hay nói như Tiến là “lãng xẹt”, theo cách anh “bình luận” về tai nạn của mình.
Chỉ có điều, cho đến lúc mọi việc vỡ lở ông vẫn không sao tìm ra những dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro, mất mát bên trong sự nhẹ nhàng, yên ổn ấy, hay đó chỉ là sự phai nhạt sự tàn lụi tự nhiên của tình yêu…
Mải nghĩ, ông giật mình khi nghe thấy giọng nói của người vợ, em xin phép về.
Bối rối, ông đứng dậy, trời còn mưa mà.
Vẫn giọng nói của một đêm nào, đường xa lắm, em lo hết xe khách.
Ông nhìn người phụ nữ thu mình trong chiếc áo mưa màu xanh sẫm bước đi trên con đường nhỏ giữa vườn, đôi lần vục chân vào mấy vũng nước đọng,tự nhiên có cảm giác đang nhìn một ai đó khác.
Nhiều năm sau, khi nhớ đến bà, khi thi thoảng gặp bà trong một giấc mơ, bà vẫn giấu mình trong tấm áo mưa màu xanh sẫm ấy.
*
Đứa trẻ như vừa tỉnh giấc, xoay mình, trườn khỏi vòng tay người cha, bố ơi, bà vừa trồng một khóm hoa ngoài cổng vườn đẹp lắm. Nó kéo tay ông về phía cổng. Ông cười, bố thấy rồi, hoa tứ quý chứ gì. Chúng mọc đầy các quả đồi, các bờ sông bờ suối, các con lộ. Hoa dại ấy mà.
Thằng bé phụng phịu, giọng tấm tức, bố chẳng hiểu gì cả.
Bà nội bảo, tứ là bốn nhưng không phải là hoa nở suốt bốn mùa trong năm như mọi người nói đâu mà là để chỉ ra bốn thứ quý giá của cây.
Nó gập ngón tay trỏ vào ngón cái, không sợ mưa gió bão dông là một này, gập tiếp ngón giữa, không sợ đất đá cằn khô là hai này, rồi gập ngón đeo nhẫn, hoa nhiều màu tươi thắm là ba này…
Nó dừng một chút như để nhớ lại lời bà nội rồi xòe cả bàn tay ra trước mặt người cha, à, tứ quý còn là một cây thuốc Nam chữa được bách bệnh.
Hình như nhận ra vẻ băn khoăn trong mắt người cha, nó nhíu mày, tìm một bằng cớ thật thuyết phục, cách nay mấy tháng, con bị nổi mày đay khắp người, bà bẻ vài cành, đun lên cùng lá khế để tắm cho con thế là con hết ngứa ngay. Đấy, bố thấy chưa.
Bằng lòng với bài “thuyết trình” của mình, nó nhoẻn cười, khoe hai lúm đồng tiền trên khuôn mặt đầy đặn, lưu dấu của người mẹ.
Giữ lại một tiếng nấc trong lồng ngực, ông cúi xuống, dùng mu bàn tay chặm vào vệt nước mắt còn đọng lại trên gò má đứa con, nói thật khẽ, chỉ vừa đủ cho đứa trẻ nghe thấy, bố xin lỗi, bố dốt thật đấy.
Nhiều năm trước, sau khi vợ ông rời đi,trong câu chuyện dài giữa hai mẹ con, ông từng hỏi mẹ, mẹ dạy con, ai yêu thương sẽ được đền đáp bằng yêu thương mà sao sự tình lại ra nông nổi ấy.
Bà im lặng giây lâu, rồi nói thật khẽ, chỉ vừa đủ cho đứa con trai bốn mươi tuổi của mình nghe thấy, vì con yêu thương chưa đủ.
*
Mẹ, ông kêu lên rồi đứng dậy, rời khỏi bậc thềm, nơi có những cây rau me đất hoa vàng bé xíu nơi ngôi nhà tròn lợp lá dừa của khu vườn.
*
Đứa cháu trai ở cùng ông kể lại với một người hàng xóm thân thiết:
“Hôm đó ông cháu ra tiệm thuốc Tây quen ở đầu phố mua thuốc cho căn bệnh đau dạ dày mạn tính của ông. Ông bảo các cô bán thuốc ở đấy biết bệnh của ông, ông không cần mang theo toa của bác sĩ.
Thường thì ông chỉ đi một chốc một nhát là về, ít khi ghé chỗ này chỗ khác.
Không hiểu sao buổi chiều đó ông đi lâu quá. Cháu nghĩ chắc tại trời mưa, ông trú đâu đó rồi về nhưng mãi chiều muộn ông mới về, quần áo đẫm nước.
Ông ho khan rồi lên cơn sốt.
Thỉnh thoảng ông lại cất lời, giọng lo lắng, lặp đi lặp lại mỗi một câu, nâng cánh cổng lên, không khéo nó làm dập khóm hoa tứ quý.
Cháu chẳng hiểu gì, chỉ lo chăm cho ông khỏe lại.
Vừa ăn được chút cháo, ông đã bảo cháu ra xem khu vườn ấy thế nào. Khi cháu hỏi vườn ở đâu thì ông bảo nó nằm giữa đoạn đường từ nhà đến tiệm thuốc Tây.
Đoạn đường này thì ngày nào cháu chẳng đi qua đi lại nhưng ông nói quả quyết quá, lại cũng để ông vui lòng, cháu thử quay lại xem sao.
Đúng nơi ông chỉ, cháu thấy một ngôi biệt thự hai tầng khá đẹp, tường nhà sơn màu vàng nhạt, các ô cửa sổ đóng kín sơn màu xanh nước biển.
Giữa ngôi nhà và đường phố là một khu vườn nhỏ trồng nhiều cây lạ.
Nhà có một cửa chính và một cửa ngách làm bằng những gióng sắt lớn, cũng sơn màu xanh nước biển.
Cháu nhìn thấy sát bên cửa ngách có một cây mai tứ quý hoa vàng xen với những đài hoa màu nâu đỏ còn sót lại, xa bên trong là một nhà hóng gió hình tròn làm bằng tre nứa, mái lợp tranh rất xinh xắn,trang nhã.
Đúng lúc cháu dời đi, một đứa bé trai khoảng bảy tám tuổi đứng trên bậc thềm vừa huơ huơ tay vừa nói điều gì đó mà cháu không thể nghe rõ”.
SG 10/2024
Xem Thêm : Ánh sáng và sợi chỉ’ – diễn từ Nobel của Han Kang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét