2 thg 8, 2023

TẠI SAO NGƯỜI NHẬT BẢN DÙNG TỪ “MIỄN CƯỠNG” VỚI Ý NGHĨA LÀ “HỌC” (2 )

Tác giả: Nguyễn Sơn Hùng – Bài 2

Người viết đã giới thiệu các giải nghĩa từ “miễn cưỡng” trong các từ điển tiếng Việt và 2 bài viết về từ này của cụ Nguyễn Bá Học trong Lời Khuyên Học Trò và của cụ Phan Bội Châu trong mục tiết 7. “Thành Chi Đạo” thuộc về “Tu Thân” của chương IV Trung Dung Chính Văn Trích Dịch của thiên giữa sách Khổng Học Đăng.

Trong Bài 2 người viết sẽ giới thiệu các giải nghĩa từ “miễn cưỡng” trong các từ điển tiếng Nhật và 2 bài viết dùng từ “benkyo”勉強(miễn cưỡng) với nghĩa “gắng học” vào thời kỳ đầu Minh Trị, bởi vì sau đó cách dùng này được phổ biến rộng rãi ở Nhật Bản.

  1. Nghĩa của từ “miễn cưỡng” trong tiếng Nhật

(1)   Đại Hán Hòa Từ Điển phiên bản thứ hai (1956, 1996) (Từ điển 1)

Từ điển này ghi 5 nghĩa của từ “benkyo (miễn cưỡng)” như dưới đây.

Nghĩa 1: “Tận hết sức lực làm việc phải làm. Đem hết sức lực, tinh thần ra làm. Miễn cương/cường (勉彊)”. Từ điển đưa ra 5 trích dẫn như sau:

(i) Sách Trung Dung: Hoặc an nhi hành chi, hoặc miễn cưỡng nhi hành chi. (Về ý nghĩa xin xem Bài 1, giải thích của cụ Phan Bội Châu.)

(ii) Sách Hán Thư, Nho Lâm, Nghiêm Bành Tổ Truyện: Nguyện thiếu tự miễn cưỡng.

(iii) Sách Hán Thư, Cốc Vĩnh Truyện: Thành lưu ý ư chính thân, miễn cưỡng ư cường hành.

(iv) Sách Hậu Hán Thư, Sở Vương Anh Truyện: Thái hậu kỳ bảo dưỡng ấu nhược, miễn cưỡng ẩm thực. (…gắng sức ăn uống).

(v) Sách Kê Khang, Dữ Sơn Cự Nguyên Tuyệt Giao Thư: Dục tự miễn cưỡng, tức bất năng cửu. (Đại ý: Nếu như tự mình gắng sức ham muốn thì không thể nào lâu bền.)

(vi) Bạch Cư Dị, Đông Thành Tầm Xuân Thi: Đông thành xuân dục lão, Miễn cưỡng nhất lai tầm. (Đại ý: Nghĩ rằng mùa xuân của Đông Thành chắc có lẽ cũng đã già rồi (sắp hết rồi), nên ta cố sức đến xem.)

   Nghĩa 2: “Phấn đấu học. Chăm chỉ học (miễn học勉学)”. Nghĩa này không có trích dẫn. (Nghĩa này không có trích dẫn. Có lẽ là nghĩa riêng trong tiếng Nhật nên không trích dẫn từ tài liệu sách Trung Quốc).

Nghĩa 3: “Việc buôn bán chủ trương lời ít bán nhiều”. (Nghĩa này cũng không có trích dẫn.)

   Nghĩa 4: Tên tựa một thiên của gia huấn dòng họ Nhan (do Nhan Chi Thôi (531~590) nước Bắc Tề, Trung Quốc biên soạn, gồm 20 thiên. Thiên “Miễn Cưỡng” là thiên thứ 8)

Nghĩa 5: “Biết rằng kết quả xấu nhưng vẫn thực hiện”. (Có ghi phát âm tiếng Trung Quốc nhưng không có trích dẫn.)

(2)   Nhật Bản Quốc Ngữ Đại Từ Điển (1975, 1996) (Từ điển 2)

Từ điển này ghi 4 nghĩa của từ “benkyo (miễn cưỡng)” như dưới đây.

   Nghĩa 1: “Nỗ lực đối diện với khó khăn. Nhiệt tâm làm. Phấn đấu”. Từ điển đưa ra 4 trích dẫn:

(i) An Tề tùy bút,14. Đại ý của câu trích dẫn: “Benkyo 2 chữ này để gọi sự cố gắng hoàn thành việc khó làm”.

(ii) Phiêu hoang ký sự. (Đây là sách do Kuroda Kikuro黒田麹廬(1827~1892) dịch ra tiếng Nhật vào năm 1850 từ tác phẩm Robinson Crusoe (1719) của ký giả người Anh tên Daniel Defoe). Đại ý của câu trích dẫn: “Phấn đấu di chuyển đem mọi vật lên chất chứa trên thuyền lớn”.

(iii) Tây Quốc Lập Chí Thiên (Self-Help của Samuel Smiles do Nakamura Masanao中村正直dịch). Xuất bản vào tháng 7 Minh Trị năm thứ 4 (1871).

Trong sách này từ “miễn cưỡng” dùng để dịch từ “industrious”. Câu trích dẫn: “Ông ta cho các nông dân phấn đấu công việc vai mướn đất ruộng” (Quyển 7, Thiên 9, Mục 18 tương ứng Chapter 9 trong nguyên tác).

(iv) Trung Dung trong sách Lễ ký. Giống như Đại Hán Hòa Từ Điển.

Nghĩa 2: “Bất đắc dĩ phải làm điều không muốn làm”. Từ điển đưa ra 2 trích dẫn:

(i) Nhật Bản Ngoại Sử, chương 6 Nitta Thị Chính Ký: “Bất đắc kỷ nhi tùng chi. Miễn cưỡng nhi phó chiến”.

(ii) Giáp Tý Dạ Thoại tùy bút, quyển 11: Đại ý nói “Miễn cưỡng làm việc không thích nên giống như ngủ gục trong lúc chèo thuyền.”

Nghĩa 3: Học kiến thức, kỹ thuật cho tương lai. Học tập, nhớ thuộc các sách giáo khoa ở trường học, kiến thức, kỹ thuật thực dụng như viết chữ, cách tính toán bằng bàn tính v.v…. Từ điển đưa ra 2 trích dẫn:

(i) Báo Tân Văn Tạp Chí số 17 tháng 10 năm Minh Trị thứ 4 (1871): “Học giả ngày nay cần phải cố gắng học hỏi (miễn cưỡng) nhiều hơn nữa”.

(ii) Tiểu thuyết dịch thuật: Karyuu shunwa (Hoa Liễu Xuân Thoại) do Oda Jyunichirô dịch (từ tiểu thuyết Ernest Maltravers và Alice của Eward Bulwer-Lytton (1837)): “Ngày đêm “gắng học” tập viết chữ và đọc sách”. (Câu tiếng Anh tương ứng trong nguyên tác:“But still, reading and writing”.)

Nghĩa 4: Bớt giá của sản phẩm bán ra. Thí dụ: “Đang giảm giá (benkyo) tối đa”.

Ghi chú

– Tựa “Tây Quốc Lập Chí Thiên” là do Nakamura đặt thêm, ông ghi ở bìa sách tên nguyên tác là “Tự Trợ Luận”. Như vậy dịch giả đã cố ý thay đổi tên sách để nhấn mạnh tinh thần xây dựng đất nước của các nước Âu Mỹ.

– Nhật Bản Ngoại Sử do Rai Sanyô頼山陽 (1781~1832) biên soạn gồm 22 quyển xuất bản năm 1829. Từ “Ngoại sử” ý nói lịch sử do tư nhân, không phải công chức nhà nước biên soạn.

 – Giáp Tý Dạ Thoại là tùy bút do Matsura Kyoshi松浦 清 viết liên tiếp trong 20 năm (1821~1841) gồm 278 quyển.

(3) Đại Từ Lâm phiên bản lần thứ ba (1988, 1995, 2006) (Từ điển 3)

Từ điển này ghi 5 nghĩa của từ “benkyo” như dưới đây.

Nghĩa 1: Học vấn hoặc việc học kỹ thuật hoặc nghệ thuật. Học tập. Thí dụ: Hình thức động từ để nói ý “học đến khuya”, hình thức danh từ với danh từ “phòng” để nói ý “phòng học”.

Nghĩa 2: Tu nghiệp hoặc trải nghiệm cho một mục đích gì đó. Thí dụ: “Việc gì cũng là benkyo”.

Nghĩa 3: Việc bán sản phẩm với sự giảm giá. Thí dụ: “Sẽ giảm giá, mua đi!”.

Nghĩa 4: Sự cố gắng, phấn đấu vào việc gì đó. Thí dụ: “Có tinh thần benkyo trong nghề nghiệp. Tây Quốc Lập Chí Thiên (Nakamura Masanao dịch).

Nghĩa 5: Sự làm công việc mà bản thân không muốn làm vì không có cách nào hơn. (Nghĩa này giống như nghĩa thường hiểu trong tiếng Việt). Trích dẫn: một câu trong Giáp Tử Dạ Thoại ý nói “Miễn cưỡng làm việc không thích nên giống như ngủ gật trong lúc chèo thuyền.

Cuối phần giải nghĩa có thêm nội dung dưới đây.

– Ở Tây Quốc Lập Chí Thiên của Nakamura Masanao dịch (1871), từ  “benkyo” được dùng với nghĩa 4, giống như nghĩa trong Trung Dung, sách cổ điển Trung Quốc.

– Ở Tiểu Học Độc Bản (1873) dùng với nghĩa hiện tại (tức là nghĩa 1).

(4) Tân Minh Giải Quốc Ngữ Từ Điển phiên bản thứ 4 (1972, 1994) (Từ điển 5)

Từ điển này ghi 3 nghĩa của từ “benkyo (miễn cưỡng)” như dưới đây.

“(Ý: mặc dù có cảm giác chống lại (đề kháng) nhưng cố hết sức vào việc học hoặc công việc trước mặt)”

Nghĩa 1: “Mặc dù không thích làm nhưng cố gắng hết sức để có được đơn vị hoặc chứng chỉ, hoặc có được học lực, năng lực hoặc kỹ thuật mà trước đó chưa có, bằng cách nâng cao kiến thức (hoặc đào sâu trí thức) hoặc bằng cách dùng thời giờ hữu hiệu”. (10 thí dụ).

Nghĩa 2: “Kinh nghiệm khó nói hữu ích cho hiện tại nhưng giúp thành công lớn hoặc tiến bộ nhảy vọt trong tương lai”. (Nói ngắn gọn là “bài học tốt cho tương lai”). (2 thí dụ).

Nghĩa 3: Bán rẻ sản phẩm không nghĩ đến lời. (2 thí dụ).

(5) Nhận xét

– Từ điển 1 và Từ điển 3 giới thiệu số nghĩa nhiều nhất: 5 nghĩa nhưng không hoàn toàn giống nhau. Số giải nghĩa của Từ điển 4 ít nhất: 3 nghĩa.

– Nghĩa “gắng học” hoặc “học” tất cả 4 từ điển đều có, cho thấy nghĩa này phổ thông ở Nhật Bản. Điểm đặc biệt là Từ điển 4 cho rằng ý “chống lại” nghĩa là “không muốn làm” hàm chứa trong nghĩa này trong khi 3 từ điển khác không đề cập đến hàm ý này.

– Nghĩa “gắng gượng” như nghĩa thường dùng hiện nay ở Việt Nam chỉ có trong Từ điển 2 và Từ điển 3, cho thấy nghĩa này không thông dụng ở Nhật Bản.

– Nghĩa tích cực, “tận hết sức” có trong 3 từ điển lớn. Nhất là trong Từ điển 1 đã đưa ra rất nhiều trích dẫn trong sách chữ Hán và sách tiếng Nhật nhưng nghĩa này hiếm thấy được dùng trong sách tiếng Việt, một đặc điểm đáng chú ý.

– Nghĩa “giảm giá” là nghĩa chỉ có trong tiếng Nhật giống như trường hợp của nghĩa “gắng học” đều được 4 từ điển đề cập tới.

– Nghĩa “như bài học cho tương lai” chỉ có trong Từ điển 3 và Từ điển 4, không thấy trong Từ điển 2 là điều đáng ngạc nhiên. Từ đó có khả năng nghĩa này mới được dùng nhiều sau này, và trong đàm thoại hơn trong sách vở chăng?

  1. Hai thí dụ chi tiết dùng từ “miễn cưỡng” với nghĩa “gắng học” trong tiếng Nhật

Căn cứ vào thông tin trong Nhật Bản Quốc Ngữ Đại Từ Điển và Đại Từ Lâm phiên bản lần thứ ba, người viết đã tìm hiểu chi tiết 2 tài liệu cụ thể sau vì là cũ nhất trong những thông tin có được về việc dùng từ “miễn cưỡng” với nghĩa “gắng học” trong tiếng Nhật:

– Báo Tân Văn Tạp Chí số 17 tháng 10 năm Minh Trị thứ 4 (1871).

– Sách giáo khoa Tiểu Học Độc Bản xuất bản vào tháng 3 năm Minh Trị thứ 6 (1873).

Nhân dịp này người viết đã dịch đầy đủ 2 bài để giới thiệu đến quý độc giả và các nhà nghiên cứu có quan tâm về đề tài này.

  1. Báo Tân Văn Tạp Chí (*) số 17 tháng 10 năm Minh Trị thứ 4 (1871)

Nội dung toàn bài viết như sau:

“Có người đã nói văn học xưa nay chỉ nói về trong nước và Trung quốc nhưng ngày nay cái học của 5 đại lục đã thịnh hành phát triển, cho nên nếu không biết đến đó thì khó có thể nói là học giả có kiến thức rộng (thông nho). Học giả ngày nay cần phải “gắng học” (miễn cưỡng) nhiều hơn nữa. Cổ nhân đã quý trọng từ giây phút, người thời nay cũng rất nên như thế.

  Nói chuyện vô bổ là thói quen của người nước ta. Trong khi nói chuyện để giải quyết việc gì đó thường xen chêm vào những chuyện không đâu. Trường hợp cực đoan là suốt cả ngày hay thức trắng suốt đêm để nói những chuyện có nội dung không đáng. Không khác gì người say rượu cứ lập đi lập lại những điều đã nói, hoặc tựa như lời mê sảng loạn xạ của người bệnh. Những người này tự bản thân họ không làm được sự nghiệp mà còn cản trở việc “gắng học” (miễn cưỡng) của người khác. Người Âu Mỹ tuyệt đối không có thói quen xấu này. Capron (*) lúc trước đã cho biết. Đa số người Nhật khi gặp ông thường hay hỏi về khí hậu của nước Mỹ. Khí hậu của Mỹ có viết tường tận trong sách địa lý, không hiểu tại sao phải nói chuyện vô ích như thế này. Lời này là cảnh giác đâm vào chỗ nhược của tôi. Chúng ta cần phải nên nhớ rằng trong những người mà chúng ta đến gặp họ không phải người nào cũng rỗi rãnh, có người rất bận rộn trong công việc khác.”

Nhận xét

– Bài viết là bài đăng cuối cùng của số báo này. Từ nội dung chúng ta có thể suy đoán đây là bài xã thuyết của chủ biên tập khuyên xã hội nên bỏ thói quen nó chuyện phiếm, chuyện vô bổ ích, nên dùng thời giờ này mà cố gắng học hỏi vừa ích lợi cho bản thân và cũng không làm mất thời giờ học hỏi của người khác.

– “Lời này là cảnh giác đâm vào chỗ nhược của tôi”, câu này cũng đúng đối với người viết lúc còn đi học: “thường hay hỏi trước khi tự tra cứu, tìm hiểu”. Không biết bài viết này có ảnh hưởng đến xã hội Nhật Bản như thế nào nhưng thời học đại học, người viết ngạc nhiên về việc “không hỏi giáo sư” của các sinh viên Nhật Bản, phần lớn họ tự tìm hiểu. Sau này người viết mới hiểu ra người Nhật Bản có nhiều thật giỏi nhờ học tự học!

Ghi chú

(*) Tân Văn Tạp Chí là tên tờ báo do Kido Takayoshi木戸孝允, một trong tam kiệt của Minh Trị Duy Tân bỏ vốn giao cho nhà báo cùng xứ là Yamagata Tokuzô (1837~1906, Sơn Huyện Đốc Tạng山県篤蔵) phát hành để đăng tin tức và các chuyện xã hội bắt đầu từ tháng 5 năm Minh Trị thứ 4 (1871) đến ngày 28 tháng 12 năm 1874 (số 357). Sang năm 1875 do không đủ tài chính kinh doanh giao lại cho dân sự kinh doanh với tên mới là Đông Kinh Thự Tân Văn. Số 17 gồm 17 trang và tờ bìa khổ B5 đóng thành tập.

(**) Horace Capron (1804~1885). Sau khi thôi chức Thiếu tướng lục quân đã đến Nhật năm 1870 để cố vấn khai thác phát triển Hokkaido, hòn đảo lớn phía Bắc của Nhật Bản. Ông đã cố vấn việc điều tra khoáng sản, đo đạc chi tiết địa hình với sai số nhỏ, áp dụng phương thức kinh doanh nông nghiệp Tây phương, sáng lập các cơ quan giáo dục nông nghiệp, lập chính sách khai thác phát triển theo kế hoạch tổng hợp mọi mặt. Ông trở về Mỹ vào năm 1875.

  1. Bài đầu tiên trong sách giáo khoa Tiểu Học Độc Bản xuất bản vào tháng 3 năm Minh Trị thứ 6 (1873)

Nội dung của bài đầu tiên trong sách giáo khoa Tiểu Học Độc Bản như sau. Về chi tiết xin vui lòng xem bài “Giới thiệu và nhận xét về bài đầu tiên trong Sách đọc bậc Tiểu học xuất bản vào năm Minh Trị thứ 6 (1873)” của người viết:

“Người sống trên thế giới nói chung có 5 giống người: giống người Á châu, giống người Âu châu, giống người Mã Lai, giống người Mỹ châu, giống người Phi châu. Người Nhật Bản thuộc giống người Á châu.

“Việc học tập” (chữ Hán: kê cổ) của con người có nhiều loại, nhưng “việc cần phải làm” (vụ của “nghĩa vụ”) thứ nhất là trước tiên “học2” (học) biết đọc sách, chép chữ, đếm số. Khi còn nhỏ tuổi nhất định phải đến trường học để “học1” (kê cổ). Ở trường học, bất cứ điều gì cũng phải nghe theo lời dạy của thầy, chuyên chú “gắng học” (miễn cưỡng ) .

“Học2” bất cứ điều gì cũng phải lấy sự hết sức hết lòng làm trên hết. Nếu không hết lòng hết sức sẽ không “ghi nhớ” (giác) được nhiều điều.

Khi muốn “ghi nhớ” một điều gì cần phải để ý nhiều vào đó không được quên.

Ngay từ đầu nếu có ý tưởng muốn “ghi nhớ” nhiều điều, ngược lại sẽ quên nhiều đi. Do đó, (mỗi lần) chỉ nên “ghi nhớ” một số ít điều để một điều cũng không quên. Nếu hàng ngày không lười biếng chểnh mảng “học tập” (tập) thì tự nhiên sẽ “ghi nhớ” được nhiều điều.

Khi còn nhỏ tuổi, trước hết “ghi nhớ” tên của các dụng cụ, và phải nên biết cách dùng của chúng. Bút là dụng cụ để chép chữ hoặc chép hình. Bàn tính là dụng cụ để đếm số đồ vật. Tủ sách là hộp tủ để sách vở. Tủ là đồ chứa quần áo.

Ngoài ra, “ghi nhớ” tên của các đồ ăn thường ngày và cần nên biết cách chuẩn bị, chế biến để làm ra thức ăn. Đồ nên làm ra đồ ăn có nhiều loại.

Thứ nhất là loại hạt. Loại hạt có các loại: lúa gạo, lúa mạch, đậu, lúa tắc, lúa mùa. Các phẩm vật này tất cả đều trồng ở ruộng hoặc trên rẫy, rồi lấy hột, nấu lên làm đồ ăn hoặc là nướng lên làm đồ ăn.

Thứ hai là các loại thịt. Loại thịt có thịt thú vật, thịt gà, cá. Các phẩm vật này nướng lên làm đồ ăn hoặc nấu lên làm đồ ăn.

Thứ ba là trái cây. Trái cây có nho, cam, lê, mai, đào, hồng , quýt. Các phẩm vật để sống làm đồ ăn.

   Thứ tư là loại rau cải. Phẩm vật này trồng ở rẫy hoặc sống ở ngoài đồng. Phần nhiều là nấu để làm đồ ăn hoặc ướp muối làm dưa muối. Nói chung, người ta lấy lá, củ, quả hạt của rau cải làm đồ ăn.

   “Việc cần phải làm” của con người có nhiều loại, và “nội dung học” (học vấn) của sĩ, nông, công, thương, một trong những “việc cần phải làm” này, tất cả đều khác biệt nhau. Tuy nhiên lúc nhỏ tuổi “nội dung học” cần phải “học tập” (tập) thì như nhau và gọi là “nội dung học” “chung cho tất cả” (phổ thông). Nếu không “học tập” (tập) “nội dung học chung cho tất cả” này thì không có khả năng “học1” được nghề nghiệp gì cả.

Do đó, con người ta khi đến 6, 7 tuổi tất cả đều nên phải vào trường tiểu học, “học1” “nội dung học chung cho tất cả”. Trường tiểu học là nơi dạy “nội dung học” (học vấn) mà tất cả sĩ, nông, công, thương đều phải nên “học tập” (tập).

Mặc dù con người trong đời, thông thường có người giỏi (sáng dạ), người dở (tối dạ) nhưng khi tuổi còn nhỏ nếu tất cả đều đến trường học “gắng học” (miễn cưỡng) tốt thì không có điều gì không “ghi nhớ”được. Nếu người ta đọc một lần mà “ghi nhớ”được thì bản thân mình phải nên đọc100 lần. Nếu người ta“học tập” (tập) một lần mà biết được thì bản thân mình phải nên “học tập” (tập) 1000 lần. Không chểnh mảng lười biếng “gắng học” (miễn cưỡng) như đã nói trên chắc chắn sẽ trở nên “ghi nhớ” được sự việc. Dù cho là người dở nhưng nếu biết được nhiều điều thì sẽ trở thành người giỏi.

Khi ở trường học, ngoài “việc học tập” (kê cổ) chắc chắn có giờ chơi. Vào giờ chơi, nên ra ngoài sân chơi chơi theo ý muốn, phải nên vận động cơ thể để tinh thần được thanh thản. Nếu đã “gắng học” (miễn cưỡng) thì chơi cũng vui thú. Khi chơi vui vẻ thì trong thời gian của “việc học tập” (kê cổ) phải nên “gắng học” (miễn cưỡng) không được chểnh mảng lười biếng.

Trò chơi ở sân chơi của con trai có nhiều loại nhưng nói chung là không được chơi các trò chơi nguy hiểm. Trò chơi tốt là chơi đánh vòng, thả diều, ném banh. Khi tập hợp chơi chung với nhau, phải nên chơi sao cho bản thân mình vui mà làm cho bạn bè cũng vui.

Trò chơi của con gái khác với con trai, không được chơi các trò chơi như chạy đua. Khi cùng bạn bè chơi chung phải nên thân thiết gắn bó, bất cứ chuyện gì cũng phải nên hòa hợp với nhau.”

Ghi chú

Phần gạch dưới giống như nội dung giảng giải câu “Hoặc an nhi hành chi, hoặc miễn cưỡng nhi hành chi” của cụ Phan Bội Châu trong sách Khổng Học Đăng       (Xem Bài 1).

  1. Xem xét cách từ “miễn cưỡng” trong sách “Khuyến Học” và “Tây Quốc Lập Chí Thiên”

Trong các thông tin của 3 đại từ điển cho biết bài xã thuyết trong nhật báo Tân Văn Tạp Chí số 17 tháng 10 năm Minh Trị thứ 4 (1871) là trích dẫn xưa nhất dùng từ “miễn cưỡng” với nghĩa “học”. Đáng tiếc là báo không ghi tên của tác giả bài viết. Chủ bút của báo là Yamagata Tokuzô nên khả năng ông viết bài xã thuyết này cao. Người viết tra cứu thử các bài viết và tác phẩm của ông nhưng chỉ thấy 2 tác phẩm tiêu biểu là Nghệ Uyển Tùng Thoại (1897) và Giang Gia Niên Phổ (1900). Cả 2 đều sau xa Tiểu Học Độc Bản (1873).

Các nhân vật nổi tiếng về tạo từ mới để phiên dịch hoặc diễn tả các ý tưởng mới thời Minh Trị là Nishi Amane 西周(1829~18897), Nakamura Masanao (1832~1891), Fukuzawa Yukichi (1835~1901).

Các tác phẩm của Nishi, ngoài sách Phục Mỗ Thị Thư, sách triết học viết vào khoảng năm 1870, các tác phẩm khác như Bách Nhất Tân Luận, Chí Tri Khải Mông, Tri Thuyết, Giáo Môn Luận đều xuất bản vào năm 1874. Do đó, ở đây trước hết tra cứu thử về Nakamura và Fukuzawa.

  1. Nakumura Masanao dùng từ “miễn cưỡng” như thế nào trong sách “Tây Quốc Lập Chí Thiên”

Như đã trình bày tác phẩm Tây Quốc Lập Chí Thiên được xuất bản vào tháng 7 năm Minh Trị thứ 4 (1871), nghĩa là trước bài xã thuyết của nhật báo Tân Văn Tạp Chí số 17 khoảng 3 tháng.

Trong bài viết này chỉ xem xét phần Lời mở đầu và thiên 1 của sách dịch thuật tương đương với Preface và chương 1 của nguyên tác.

Bảng 1 Từ “benkyo” được dùng như thế nào trong sách “Tây Quốc Lập Chí Thiên”

STTSồ mụcTiếng Anh trong nguyên tácTừ tiếng Nhật của sách dịch
1LMĐworker勉強する人 người cần cù làm việc
2LMĐdo more (We will do more – deserve it)勉強する cần cù làm việc
3LMĐ(Không có)発奮勉強 (phát phấn miễn cưỡng)Phát sinh sự cần cù làm việc
41industriousBenkyo (cần cù làm việc)
54industryBenkyo (cần cù làm việc)
66(Không có)Benkyo (3 lần): phấn đấu làm việc
77labourers職事を勉強する人: người nhiệt tâm với công việc, chức vụ.
87noble workers – the artisans of civilisation藝の事、百工の業、これを勉強學習する人người nhiệt tâm làm việc và học tập với công việc hoặc trí óc hoặc tay chân
98industryBenkyo (cần cù làm việc)
1012hard (worker)勉強してcần cù làm việc
1113laborious勉強刻苦 siêng năng chịu cực
1217industry(study)Benkyo (cần cù làm việc)(学問する)
1321industrybenkyo (cần cù làm việc)
1421the industrial character of the people職業に勉強する人民: người dân cần cù với chức nghiệp
1528industry, practice, and study勉強學習: cần cù, nghiên cứu áp dụng
1628workers勉強なる人: người cần cù làm việc
1728industryBenkyo (cần cù làm việc)
1829love of work勉強することを好み: thích cần cù làm việc
19 29 (Không có)Benkyo: cần cù làm việc, (không thành công không ngừng)
2030ardent desire熱心勉強: nhiệt tâm làm việc
2131industryBenkyo (cần cù làm việc)
2232industry勉彊 (không hiểu tại sao thay đổi chữ Hán trong trường hợp này?)
2333energy勉強の力: sức cần cù làm việc

Từ bảng đối chiếu trên, chúng ta có thể tóm tắt cách dừng từ “benkyo (miễn cưỡng)” của Masanao như sau:

– Nghĩa a: Để diễn tả ý của “industry” hoặc “industrious” trong tiếng Anh: 10 trường hợp (STT: 4,5, 9,12, 13,14,15).

– Nghĩa b: Để diễn tả ý của “worker” “labourer” hoặc “hard work”: 8 trường hợp (STT: 1,2,7,8,10,11,16,18).

– Không có từ tiếng Anh tương ứng, dùng riêng để diễn tả ý mà dịch giả nghĩ là tác giả muốn nói: 3 trường hợp (STT:3,6,19).

– Nghĩa c: Để diễn tả ý của “energy”: 1 trường hợp (STT:23)

– Nghĩa d: Để diễn tả ý của “desire”: 1 trường hợp (STT:1)

Như đã trình bày ở trên Nhật Bản Quốc Ngữ Đại Từ Điển đã giải thích Masanao dùng từ “benkyo (miễn cưỡng)” với nghĩa “Nỗ lực đối diện với khó khăn. Nhiệt tâm làm. Phấn đấu”, nghĩa này chính là nghĩa mà dịch giả dùng để diễn tả nghĩa của “industry” trong tiếng Anh.

Theo The American Heritage Dictionary”, “industry”: hard work; diligence. Như vậy Nghĩa a và nghĩa b của phân loại trên cùng một nhóm. Tóm lại Masanao hầu hết dùng từ này với nghĩa “Nhiệt tâm làm việc. Phấn đấu”, “cần cù làm việc”.

Từ Điển Anh-Anh-Việt của Nguyễn Sanh Phúc (1999) giải thích “industry: tính cần cù, siêng năng”.

Như đã ghi trong bảng trên trong Mục 12 để diễn tả “study”, Masanao dùng động từ “học vấn” và từ “học tập” để diễn tả “application” hoặc “practice”.

Tóm lại, chúng ta có thể kết luận trong tác phẩm “Tây Quốc Lập Chí Thiên”, Nakamura Masanao không dùng từ “benkyo (miễn cưỡng)” với nghĩa “học”. Do đó, có thể suy đoán ông không phải là người đề nghị cách dùng này.

Một điểm đáng chú ý là Nakamura Masanao luôn hiểu từ “worker” hoặc “labourer” trong “Self-Help” là người làm việc chăm chỉ, cần cù. Không biết có phải vì trong tác phẩm này tác giả chỉ giới thiệu các gương thành công do chăm chỉ làm việc nên dịch giả giải thích như vậy không? Không biết đối với cùng từ “worker” hoặc “labourer” trong các tác phẩm khác ông có dịch giống như vậy không?

Cảm tưởng về Tây Quốc Lập Chí Thiên

Cách đây khoảng 2, 3 năm, người viết được một vị giáo sư ở Việt Nam giới thiệu tác phẩm Self-Help, và đã tìm đọc bản dịch tiếng Nhật của Takeuchi Hitoshi 竹内 均 (1920~2004), nhà vật lý học của Nhật Bản cũng là chủ biên tập đầu tiên của tạp chí khoa học Newton. Sách dịch tựa Tự Trợ Luận xuất bản năm 2002. Vì đọc sơ qua nhưng không thấy hứng thú nên không để ý đến nữa. (Đến khi gặp bản dịch của Nakamura Masanao người viết mới biết Takeuchi chỉ dịch một phần hoặc dịch tóm tắt nội dung mà ông nghĩ là quan trọng của nguyên tác).

Sau đó trong quá trình tìm hiểu từ nguyên của các từ trong tiếng Nhật, người viết có dịp tìm hiểu đến bản gốc của Tây Quốc Lập Chí Thiên vì có nhiều từ ngữ tiếng Nhật bắt đầu từ tác phẩm này, và thấy rất khó đọc nên không đụng tới cho đến khi tìm hiểu từ “benkyo (miễn cưỡng)”. Khi so sánh nội dung của sách dịch thuật với nguyên bản tiếng Anh, người viết rất ngạc nhiên về cách dịch thuật của dịch giả. Nội dung sách tiếng Anh rất khó đọc về nội dung cũng như cách biên tập. Trong mục lục có chia từng mục cho mỗi chương nhưng trong sách không có phân chia cụ thể của mỗi mục. Người viết rất thán phục ông ở 2 điểm chưa kể đến nội dung dịch thuật của ông. Thứ nhất, ngoài tên “Tự Trợ Luận” theo sát nguyên tác ông còn đặt thêm tên mới Tây Quốc Lập Chí Thiên. Thứ hai, ông đã chia mỗi chương ra thành những tiết mục giúp người đọc dễ nắm nội dung trước khi đọc và tìm đọc lại nội dung khi cần thiết. Đồng thời khi đọc sơ Lời mở đầu và thiên 1, người viết muốn tìm hiểu kỹ nội dung dịch thuật của ông và so sánh với nguyên tác để học hỏi cách dịch thuật của ông. Tên tiếng Anh của các nhân vật trong tác phẩm rất nhiều thế mà tất cả đều được dịch ra bằng chữ Hán và có phiên âm đọc. Mức độ kiên trì của ông cũng như người xưa thật đáng kính phục!

Gần đây sách Self-Help được Phạm Viêm Phương & Thư Trung dịch ra tiếng Việt với tên “Tinh Thần Tự Lực” và do Đại học Hoa Sen và NXB Hồng Đức phát hành vào tháng 3 năm 2016. Hình như đây là bản dịch tiếng Việt đầu tiên được xuất bản, so với Nhật Bản sau 145 năm! Lý do tại sao có sự khác biệt to lớn này thật đáng để cho chúng ta xem xét suy nghĩ!

Trong bài giới thiệu sách dịch nói trên của Bùi Quang Minh trên diễn đàn www.chungta.com đăng ngày 6/12/2016 có ghi thông tin sau:

“Theo Giáo sư Chương Thâu, cuốn sách “Tinh thần tự lực” đã được cụ Phan Bội Châu chọn dịch từ bản dịch tiếng Nhật (1871) dưới tên “Tự Trợ Luận”. Cụ Phan Bội Châu bắt đầu dịch từ cuối năm 1927 do người học trò – thư ký là Quang Đạm chép tinh lại bản thảo và có chọn một số chương gửi đăng báo. Tuy nhiên đến nay, khi soạn bộ Tổng tập Phan Bội Châu thì tác giả chưa sưu tầm lại được.”

Mặc dù người viết chỉ đọc sơ qua phần đầu của tác phẩm Tây Quốc Lập Chí Thiên nhưng hiểu được tâm tình muốn dịch sách này của cụ Phan Bội Châu. Ấn tượng của người viết đối với bản dịch Nakamura hoàn toàn khác với bản dịch của Takeuchi nhưng không hiểu cụ thể nguyên nhân vì sao! Rất mong trong tương lai tìm ra được thông tin và tài liệu về bản dịch của cụ Phan.

Trên Wikipedia tiếng Nhật có ghi các thông tin sau về việc dịch thuật tác phẩm Self-Help ở Nhật Bản, xin giới thiệu ở đây:

 – Năm 1938 Yanagida Izumi柳田泉(1894~1969) đã hiệu đính bản dịch của Nakamura Masanao.

– Năm 2002, 2003: Takeuchi Hitoshi dịch Tự Trợ Luận 自助論. Hai quyển với tựa mới thêm: (1) “Thói quen suy nghĩ phá vỡ hạn chế của bản thân” (2002), (2) “Thầy của đời người, bạn của đời người, sách của đời người”.

– Năm 2007: Saito Takashi齋藤孝dịch自助論Self-Help. Hai quyển với tựa mới thêm: (1) “Các quy tắc tự mình mở cách cửa vận mệnh”, (2) “Các quy tắc thành công đi chung với giàu có và phẩm cách”

– Năm 2008: Yamamoto Shirô山本史郎 dịch Tự Trợ Luận (phần chủ yếu). Tựa thêm mới: “Khí cốt đại nhân theo kiểu của người Anh”.

– Năm 2009: Watanabe Shoichi渡部 昇一 & Miyachi Hisako宮地久子 dịch bản dịch của Nakamura Masanao ra tiếng Nhật hiện đại. Tựa thêm: “Nỗ lực chắc chắn được đền đáp”.

– Năm 2013: Nakaya Shunichirô金谷俊一郎dịch bản dịch của Nakamura Masanao ra tiếng Nhật hiện đại.

Từ tên mới đặt thêm của các dịch giả sau này, người viết cảm thấy sự biến đổi to lớn của nhu cầu của xã hội Nhật Bản hiện tại so với thời Minh Trị. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là hiện tại nội dung dịch thuật của Nakamura Masanao vẫn còn được trân trọng.

  1. Fukuzawa dùng từ “miễn cưỡng” như thế nào trong sách “Khuyến Học”

Trong quá trình tìm hiểu về soạn giả tên Tanaka Yoshikado của “Tiểu Học Độc Bản” xuất bản lần đầu tiên vào tháng 3 năm Minh Trị thứ 6 (1873), người viết biết được ông học Anh văn ở Khánh Ứng Nghĩa Thục, trường do ông Fukuzawa Yukichi sáng lập. Trong bài đầu tiên của sách đã dùng từ “benkyo (miễn cưỡng)” với nghĩa “học”.

Vào tháng 2 năm 1872, Yukichi đã cho xuất bản thiên đầu tiên của sách Khuyến Học, tác phẩm rất được người Nhật Bản yêu chuộng vào thời đại lúc đó. Mười sáu thiên còn lại lần lượt được xuất bản từ tháng 11 năm 1873 đến tháng 11 năm 1976. Từ “benkyo (miễn cưỡng)” xuất hiện lần đầu tiên ở trong tác phẩm này từ thiên 8, được xuất bản vào tháng 4 năm 1874, nghĩa là sau Tiểu Học Độc Bản một năm. Từ này lại xuất hiện thêm 11 lần trong 9 thiên còn lại.

Yoshikado từng học Anh văn ở trường Yukichi sáng lập nên khả năng chịu ảnh hưởng của Yukichi rất cao. Do đó ở đây chúng ta thử tìm hiểu Yukichi dùng từ “benkyo (miễn cưỡng)” ra sao trong tác phẩm này.

Trong tiếng Việt, nhà xuất bản Thế Giới và công ty Văn Hóa & Truyền Thông Nhã Nam đã phát hành bản dịch của Phạm Hữu Lợi vào 2016. Trong sách có ghi “dịch từ nguyên bản tiếng Nhật “学問のすすめ” (Gakumon no susume).

Để quý độc giả có thể khách quan thấy sách dịch thuật nói trên đã hiểu từ benkyo (miễn cưỡng) ra sao, và từ đó cũng có thể thấy Yukichi dùng từ này như thế nào, người viết lập bảng đối chiếu dưới đây.

Bảng 2 Từ “benkyo” được hiểu như thế nào trong sách “Khuyến Học”

STTSồ phầnSố trangNguyên vănSách dịch
 1 8 124benkyo (miễn cưỡng)muốn thì học không muốn thì ngủ. Tất cả là quyền tự do cá nhân.
 2 9 145 benkyotrước hết các bạn phải cố gắng phấn đấu trong sự nghiệp học tập.  Cơ hội tuyệt vời cho việc học tập chính là lúc này.
  3  10  148  benkyoDo vậy, cực chẳng đã họ chỉ còn biết học, tự mình tích lũy học thức. Vì thế, sinh viên chúng ta hiện nay khó mà theo kịp họ về tri thức.
 4  10  150  benkyoThiển ý của tôi, chỉ mong sao họ đừng “tham bát, bỏ mâm” mà nên tiếp tục theo học một vài năm nữa, nỗ lực tiếp thu kiến thức kỹ thuật thực hành, rồi hẵng đi làm.
 5 12 174 benkyoBiết vận dụng tổng hợp các biện pháp như vậy thì mới được gọi là nghiên cứu học vấn.
  6  12  177Kinshin benkyo謹慎勉強(cẩn thận miễn cưỡng)Vào thời Yukichi “kinshin” còn có nghĩa là “chăm chỉ”.  Ngày nay được dùng như một hình phạt: tự kiểm điểm để tu sửa.Ví dụ, có một sinh viên chăm chỉ, miệt mài học hành. Anh ta không rượu chè, không chơi bời bê tha. Anh ta tự giác học tập, không để cha mẹ, thầy giáo phải nhắc nhở hoặc quở mắng. Anh ta rất hãnh diện. Nhưng sự tự đắc đó chẳng qua chỉ so sánh với những sinh viên lười nhác thôi.
 7 12 178Kinshin benkyo(cẩn thận miễn cưỡng)Học tập chăm chỉ là lẽ đương nhiên của con người, chứ đâu đến mức phải khen ngợi.
 8 12 178Kinshin benkyo (cẩn thận miễn cưỡng)Những kẻ suốt đời chỉ biết học suông thì chí quá thấp.
9 13 190 benkyoCác cung tần, mỹ nữ có chăm chỉ chuyên cần cũng không được khen, có lười nhác cũng không bị phạt.
10 14 196 benkyoDù có xấu đến đâu, cũng không có người nào suốt đời chỉ làm toàn điều ác.
  11   14   203Kinshin benkyo(cẩn thận miễn cưỡng)(Ý ở đây giống như trường hợp 6)Ngược lại, con cái cố gắng, chăm chỉ, ngoan ngoãn nghe theo sự bảo ban của cha mẹ, nhưng lại không được đảm bảo cái ăn, cái mặc, không học hành là thí dụ chỉ có dạy dỗ mà không có bảo hộ.
1215212benkyosuốt ngày không rời bàn học.

Ghi chú: Số phần (tương đương số thiên của nguyên tác) và số trang là của sách tiếng Việt.

Như vậy từ bảng trên chúng ta có thể thấy từ “benkyo (miễn cưỡng)” được Yukichi dùng với 2 nghĩa: (1) “học”, (2) “chuyên cần, chăm chỉ”, và dịch giả cũng hiểu đúng ý của tác giả. Hai nghĩa này tương đương với Nghĩa 3 và Nghĩa 1 trong Nhật Bản Quốc Ngữ Đại Từ Điển. Như vậy so với Nakamura Masanao khả năng Fukuzawa Yukichi đã đề nghị dùng tử “benkyo (miễn cưỡng)” với nghĩa “học” cao hơn.

Trong thiên 12, trường hợp 7, Fukuzawa dùng từ “kinshin (cẩn thận)” như nghĩa “chăm chỉ” giống như từ “benkyo (miễn cưỡng)” mà Nakamura dùng trong Tây Quốc Lập Chí Thiên và xem “chăm chỉ học hành” là lẽ đương nhiên của con người. Điều này cho người viết có cảm nhận chính Fukuzawa Yukichi là người đề xướng dùng từ “benkyo (miễn cưỡng)” với nghĩa “học”. Bởi vì ông chủ trương làm người cần phải học để hành động cho đúng. Theo nội dung giảng giải của cụ Phan Bội Châu về từ “miễn cưỡng” trong sách Trung Dung về việc học và hành thì dù là người bình thường của cấp bậc thứ 3 không có bẩm sinh tài giỏi nhưng nếu “miễn cưỡng” (gắng sức) học hành thì không thua gì 2 cấp bậc bẩm sinh tài giỏi của cấp bậc thứ hai và thứ nhất. Việc “miễn cưỡng” (gắng sức) học hành ai cũng có thể làm được nếu xem đó là bổn phận làm người phải làm.

  1. Kết luận

Mặc dù đã không thể xác nhận cụ thể người Nhật nào đã đề xướng việc dùng từ “benkyo (miễn cưỡng)” với nghĩa “học hành” và động cơ của việc đề xướng này là gì nhưng qua quá trình tìm hiểu trên chúng ta có thể kết luận cách dùng từ nói trên được phổ biến rộng rãi từ từ thời Minh Trị nhất là sau khi cách dùng được sử dụng trong sách giáo khoa tiểu học. Có khả năng cao Fukuzawa Yukichi là người đề xướng cách dùng này.

Việc “học” và việc “cố gắng” là 2 việc rất quan trọng để làm người tốt. Lấy từ “miễn cưỡng” để diễn tả cùng lúc cả hai việc “học” và “cố gắng” đồng thời hàm ý nhắc nhở và khích lệ như trong sách Trung Dung giải thích, quả thật phải nói người đề xướng cách dùng từ này là bậc trí giả! Thiết tưởng khi dạy trẻ em bắt đầu học tập nên giải thích việc học như trong bài đầu tiên trong sách Tiểu Học Độc Bản thời Minh Trị, và cách dùng từ “benkyo (miễn cưỡng)” với nghĩa “học hành”, người viết tin rằng việc học chắc chắn có hiệu quả tốt hơn nhiều.

Nguyễn Sơn Hùng, viết xong ngày 25/7/2023


 

 Mời Xem Lại GIỚI THIỆU VÀ NHẬN XÉT về bài đầu tiên trong Sách đọc bậc Tiểu học xuất bản vào năm Minh Trị thứ 6 (1873)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét