15 thg 8, 2023

Quê hương có phải là tuổi thơ. - Ký Ức GHIM HO P.1 )

 
Quê hương có phải là tuổi thơ.
 
Dòng sông tuổi thơ trở về chầm chậm, nơi mà ngày xưa có hai anh em như hai đứa bé trong truyện cổ tích đi lang thang và mơ gặp bà tiên. Cái ngày mà tôi chỉ biết chơi nhảy lò cò và chuyền banh đủa. Không có TV. Đi xem phim thì không có tiền. Chỉ đợi rạp hát xả giàn thì vô coi ké được khúc cuối. Có lúc ghiền quá mà không tiền thì coi cọp, nghĩa là chung quanh rạp có những khe hở thì chen chổ đó mà coi.
Có lần xin Vú ( mẹ ) tiền coi phim. Vú cho mua hai vé nhưng anh bảo tôi đứng trước cửa rạp năn nỉ người lớn dắt vào rồi đợi anh vào sau. Thế là còn thừa tiền một vé để ăn bánh.
………………………………………………….
Thời gian trôi qua, anh đã lớn chỉ đi với bạn.
Tôi lại dắt thằng em đi xem phim .
Xin Vú tiền, vú lại cho mua hai vé. Thằng em mắc cở, không chịu năn nỉ người ta. Tức quá tôi phải ẳm nó lên để chỉ mua một vé mặc dầu nó nhỏ hơn tôi chỉ hai tuổi. Vào được rạp hát, chen chúc tối đen, hai đứa nắm tay nhau thật chặt. Tìm được chổ ngồi nó nói nhỏ vào tai tôi : “ Chị ơi, ai sờ vào túi em lấy mất tiền rồi .” Trời ơi, cái thằng ngu như bò.
…………………………………………………..
Thời gian lại trôi qua.
Thằng em lớn lên chỉ lặng lẽ chơi trong nhà với mấy khúc cây làm thành quách, những chú lính bằng nhựa đánh nhau.
Tôi lại dắt đứa em gái đi kế tiếp. Lúc ấy anh tôi mua vé số khô bò về cho hai anh em đi bán kiếm thêm tiền mua sách. Một buổi đi học, một buổi đi bán vé số có khô bò. Dạo ấy học sinh rất thích mua vé số khô bò là những gói giấy, bên trong có khô bò. Nếu có tờ giấy ghi số thì được món đồ chơi treo lủng lẳng trên tấm bìa. Thật ra khi bán hết khô bò chúng tôi sẽ được một món đồ chơi đẹp nhất không có số. Vì vậy chúng tôi vừa có tiền, vừa có đồ chơi. Có dạo tôi vừa giữ em vừa đi bán vé số khô bò cùng Lợi, cô bạn hàng xóm. Chúng tôi lang thang từ Phú Nhuận lên tận bến Bạch Đằng. Khát thì uống nước phông tên dọc đường, dọc đường có khá nhiều phông tên nước công cộng, cứ gạt cần là có nước. Đi lâu mỏi chân, em không chịu đi, đòi ẳm. Tôi không ẳm, nó nằm lăn ra giữa đường. Tôi và Lợi bỏ đi núp sau gốc cột. Nó đứng lên không thấy tụi tôi, nó hoảng chạy theo. Thấy được tôi nó lại lăn ra đất. Tôi lại núp. Cứ thế tụi tôi dụ nó về được tới nhà.
Những ngày hai đứa bán ế, vé số còn nhiều. Tôi cứ đếm mãi số vé còn lại và tiền bán được. Có lúc đếm nhầm thấy thiếu vé số. Tôi cứ băn khoăn cho rằng có ai đã lừa xé mất vé số của mình. Đếm lại nữa thì đủ. Lợi nó bảo tôi:” Một nghi là mười ngờ. Một ngờ là mười tội.” Tối hôm đó về nhà tôi không ngủ được. Chỉ sợ chết xuống âm phủ bị mười tội.
……………………………………………………………
Thời gian lại trôi qua.
Tôi lên trung học.
Không còn ẳm em,
Không còn bán vé số khô bò.
Không còn tụm năm tụm ba chơi banh đũa, giã gianh…
Anh tôi là người bạn thân nhất đi Mỹ du học.
…Hụt hẫng, phải tự vươn lên, tự trưỏng thành.
………………………………………………………………….
Thời gian lại trôi qua.
Anh em mỗi người mỗi ngã. Cha mẹ chỉ còn trong trí nhớ. Tóc đã hai màu, ngước nhìn mây trôi bảng lãng, lặng lẽ êm đềm nghĩ đến tuổi thơ có những người không bao giờ gặp lại.
Tuổi thơ …đi bụi.
Tuổi thơ của mình bắt đầu từ lúc học mẫu giáo . Lúc bấy giờ trường công chưa có mẫu giáo nên Vú cho mình đến thọ giáo một ông thầy làng, dạy trong xóm. Mình còn nhớ ông thầy hiền lành, không đánh học sinh và mình rất ngưởng mộ thầy. Mỗi ngày cứ ngồi trước cửa lớp xem thầy làm gì. Đối với mình, thầy phải là người đặc biệt, không giống người thường. Mình cứ tự hỏi, thầy có ăn uống như người thường không , thầy dạy mình mọi thứ chắc là thầy phải đặc biệt lắm. Thỉnh thoảng lại nhìn qua khe cửa xem thầy làm gì ? Sau này mình đi dạy ở Chợ Đệm Bình Chánh cũng đã có những cặp mắt nai tơ quan sát qua khung cửa sổ.
Theo lời mẹ kể, thầy bảo mẹ hãy khoan cho đi học bởi vì bảo gì nó cũng không làm, dạy viết – không viết, dạy đọc – không đọc. Thầy cũng ngại nhưng mẹ nói không sao , cứ cho nó ngồi cho quen , không học cũng được. Mẹ nói đến gần sáu tháng thầy gặp mẹ bảo rất lạ - Tự nhiên bây giờ nó nói, đọc bài hiểu bài hết. Không thấy nó học mà bây giờ biết hết. Mình chỉ nhớ là mình ngồi cuối lớp và quan sát mọi người, thấy cái gì cũng lạ.
Hết năm mẫu giáo trong xóm, mình cũng vào lớp một, lúc đó gọi là lớp năm – lên đến lớp năm thì gọi là lớp nhất. Mình học lớp một trong đình Phú Hữu, đối diện với rạp chiếu bóng Văn Cầm thời bấy giờ. Đình bây giờ là nhà sách Phú Nhuận và rạp Văn Cầm là ngân hàng Vietin bank. Thỉnh thoảng người ta lại trưng dụng đình để tập dợt văn nghệ hoặc mấy gánh hát cải lương về biểu diễn. Thế là mình lại được nghĩ học để lang thang cùng làng khắp xóm. Lúc đó còn nhỏ nên đi đâu cũng dể . Nhớ lại các nhà hàng xóm, không nhà nào là không lê lết tới. Nhà nào cũng có bạn , có khi mê chơi quên cả giờ ăn . Vú cứ bảo anh Sa đi tìm. Anh chẳng biết đâu mà tìm.
 Lúc thì xuống sông vớt cá, lúc theo bạn bè vào các khu nhà giàu nằm trên đường Nguyễn văn Trỗi, trước kia là Công lý. Leo rào chui vào vườn người ta để lượm trứng cá mang về bán cho bạn bè. Có lúc bị chó rượt chạy không kịp. Thường xuyên vào nhà Chi Lăng chơi banh đủa, mê chơi thấybóng anh Sa đi tìm, mình chạy ra sau trốn mất . Tội nghiệp anh Sa, khổ với em, không tìm được thì về bị Vú la. Nhớ có lúc đi cả ngày theo bạn, có tiền bán hàng rủng rĩnh nên không về nhà ăn cơm . Đang ngồi vắt vẻo trên chiếc ghế cao của xe nước đá đầu chợ - bấy giờ mấy xe nước đá bán sương sâm, sương sáu, sương sa, đá bào cho vào ly ép chặt rồi chế siro vào úp lại là mình có một cục đá siro cầm ăn- gọi là đá nhận. Đang ngồi ăn bỗng nhìn từ xa thấy Vú cầm cây roi dài chạy đến . Hồn phi phách tán, nhảy xuống ghế một cái chạy bay biến . Vú rượt không kịp.
Có lúc Vú bắt được về đập một trận, đau quá mình làm bộ xỉu. Vú hết hồn quậy nước đường cho uống . Năm lên lớp hai – lúc ấy gọi là lớp Tư- mình được chuyển lên trường Võ Tánh. Ngày đầu đi học, chẳng được ai dắt đi . Ba Vú chỉ lo mua bán, mình tự thân lên trường. Đứng nhìn cái trường mà bở ngở , cứ tưởng cái trường như trước giờ mình vẫn học, chỉ có một phòng , hết lớp này vào thì đến lớp khác. Bây giờ , đầy những lớp biết đâu mà mò. Mình vào đại một lớp và ngồi yên chờ đợi. Thấy chẳng quen ai, toàn là những người lớn hơn mình. Thầy vào đọc tên từng người, cuối cùng hỏi ai chưa có tên . Cũng biết giơ tay. Thầy bảo lên văn phòng hỏi . Lúc bấy giờ có hiểu văn phòng là gì đâu. Cũng ôm cặp ra đi lang thang, thấy chán quá vòng qua rạp hát xem quảng cáo .
Hôm sau cũng đi lang thang, không biết tính sao . Nhưng về nhà nói thì sợ bị đòn. Ngày thứ ba cũng ôm cặp đi vòng vòng các lớp. Mừng quá thấy mấy đứa bạn quen hồi lớp một. Thế là theo chúng vào lớp, đọc tên cho thầy vào sổ.
Buổi trưa thường trốn ra chợ, đến các sạp thịt heo để gở thịt vụn còn dính lại trong sạp, lượm rau, củ người ta bỏ mang về nấu ăn . Gần nhà là trại cưa, thường xuyên có cây rừng rất to được chở về đấy cưa nên có mùn cưa nhiều. Mình cũng hay cùng bạn bè leo lên đống cây để ngủ hoặc chơi trốn tìm . Cây to thường có nhựa khô bám chung quanh, bọn mình thích lột mấy miếng nhựa để nhóm bếp. Cũng mua nồi nhôm nhỏ xíu làm đồ chơi nhưng đem nấu cũng được. Cho thịt vụn vào nấu rồi xúm lại nhậu giống như ba mình, thấy ngon đáo để. Lúc đó mình nghĩ, mai mốt lớn lên khỏi làm gì hết , ra chợ lượm đồ ăn mang về nấu cũng dư sức sống. Lúc không nấu ăn thì chơi làm mù, trốn tìm, giã gianh. Thích nhất vẫn là chơi banh đũa. Mãi đến sau này học Gia Long vẫn sang chùa Xá Lợi chơi banh đũa. Buộc hai vạt áo dài lại , đứng trước sân chùa mà chơi mê say – Chuyền từ một đến hai, ba….mười . Bấy giờ mình là tay chơi cự phách không ai chơi lại.
Trở lại cấp một, khi học ở Võ Tánh mình cũng bớt đi chơi mà chuyển sang đi bán . Lúc đầu đi ra chợ lượm dây thun về rửa sạch và kết lại thành dây để chơi nhảy dây. Sau đó mấy người bán hàng muốn mua nên mình bán. Thấy có tiền nên suốt ngày lại cứ đi lượm dây thun. Khi không còn dây thun thì lấy giấy tập xếp thành hình con chó, chữ M,N, trái khế…Trãi áo mưa ra ngồi bán cho bạn bè. Thời gian sau , mình mua hột é, đười ươi về ngâm cho vào hũ . Ngồi trước cửa nhà bạn Lợi hàng xóm bán – Lúc đó ba vú chẳng biết gì hết – mình cứ biến khỏi nhà hoài nên cũng chẳng ai buồn tìm. Nhớ có lúc đang bán bị bọn côn đồ bỏ cục gạch vào trong hủ hột é. Mình tức lắm, chẳng lẻ đổ, đành vớt cục gạch ra bán tiếp. Thế mà cũng có người ăn. Lúc ấy anh Sa chuyên đi đá banh bàn ngoài chợ, anh chơi với toàn bọn du côn . Mình thấy vậy hỏi sao anh chơi với tụi du côn. Anh nói – mầy ngu quá , chơi với tụi nó để tụi nó bảo vệ mình. Mình chỉ chơi thân với Lợi. Trong xóm lúc bấy giờ, trẻ con ít khi được đi học . Chỉ có vài nhà cho con ăn học . Lợi cũng không được học . Nó chỉ đợi mình học về là hai đứa rủ nhau đi.
Có lúc mình nghe thầy dạy về giai cấp trong xã hội có thượng lưu- trung lưu và hạ lưu. Về nhà hỏi anh Sa, phải mình là trung lưu không . Anh nói mầy ngu – thượng lưu là giàu kinh khủng – trung lưu là vừa vừa nhưng không làm cũng có ăn. Hạ lưu là không làm thì chết đói . Mầy thấy ba vú có dám nghĩ ngày nào không , mình là hạ lưu. Nghe vậy thấy buồn – tội nghiệp ba vú là hạ lưu . Bàn với anh Sa mình phải làm gì kiếm thêm tiền . Thế là anh Sa mua vé số khô bò, hai anh em thay phiên nhau bán ngoài giờ học. Bọn mình để ống heo lấy tiền mua sách. Không có tiền mua sách mới, thường xuyên anh dắt đi dạo ở đường Lê Lai, sách bán xon trãi đầy đường . Lúc bấy giờ rất mê đọc truyện kiếm hiệp của Kim Dung trên báo. Mỗi ngày đón đọc báo thuê. Có báo đăng ít, có báo đăng nhiều hơn chút. Mình không có tiền mua báo, coi xong trả lại lấy tờ khác coi tiếp – chỉ trả tiền thuê báo ít thôi. Có lúc thuê một tờ báo trãi to ra dưới đất hai anh em bò ra mà xem . Có khi ngồi coi hàng giùm ông bán báo, được coi miễn phí.
Có lúc không đi bán vé số thì theo bạn bè đến nhà ca sĩ xin hình, xin chữ ký . Lúc bấy giờ ca sĩ Phương Dung mới nổi lên nên đến xin hình rất dể. Có lúc đến nhà Thẩm Thúy Hằng thấy cô mặc kimono rất đẹp nhưng bị người nhà cô xua chó ra cắn. Cả bọn tức lắm núp sang bên đợi. Thấy có xe hơi trờ tới, thế là cửa mở, xe vào, cả bọn vào theo . Cô Thẫm Thúy Hằng bực lắm nhưng phải hỏi tên từng đứa để ghi tên đề tặng.
Đối với mình học rất dể dàng nhất là môn toán . Lúc cô cho đề bài và hướng dẩn mình cắm cúi làm, cô giảng xong là nộp bài ngay . Khi cô hỏi mà cả lớp giơ tay thì mình không giơ, đợi không có ai biết mình mới giơ tay- rất ghét tranh nhau . Cô thường nói lớp này học kém, nếu có đậu thì chỉ mình Ghim là đậu thôi. Nhờ cô nói vậy, nghĩ hè mình chỉ lo đánh banh đũa. Lòng cứ đinh ninh, cô nói vậy có nghĩa thi là phải đậu. Đến ngày thi vào đệ thất ở Gia Long, chẳng học chữ nào- thi rớt. Lúc đó mới hiểu thi không ăn ớt thế mà cay.
Học một năm ở ngoài trường tư cũng là tay cự phách. Mới vào mình làm toán là điểm cao nhất, ông thầy nhìn mặt chắc thấy hơi ngu nên ông nói mình là chó ngáp phải ruồi . Lúc đó mình tức lắm nhưng nghĩ thầm hãy đợi đấy . Trong lớp cũng làm trùm . Có lúc chia thành hai phe. Phe mình ở trong đóng cửa không cho tụi con trai vào. Bọn con trai ở ngoài lấy cây dọng cửa, bên trong giữ thật chặt – Cửa bị tông mạnh quá bung ra nhìn thấy ông thầy . Thế là tất cả lên văn phòng – nhớ đời . Từ sau đó, ra chơi không quậy nữa, lên văn phòng lóng tai nghe các thầy bàn về truyện Kim Dung . Mình mê Kim Dung , không bỏ sót kỳ báo nào từ Võ lâm ngũ bá, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Cô gái đồ long. Nhưng thích nhất vẫn là Lục mạch thần kiếm- khởi đầu là Võ lâm ngũ bá. Sau này đến Lộc đĩnh ký là mình chuyển sang sách dịch của nước ngoài. Anh Sa coi gì mình coi nấy, say mê nhất là Câu chuyện của dòng sông – Herman Hese.
Lúc học Gia Long thì đã hiểu biết không còn đi lang thang nhưng cũng không quan tâm học lắm. Thường xuyên theo các cô đến làng cô nhi Long Thành và các trại mồ côi như làng cô nhi SOS, cô nhi viện Thị Nghè, cô nhi viện Diệu Quang, cô nhi viện Suối nước trong ở Thủ Đức. Nhờ mấy cô rèn nên tánh mình cũng đằm lại . Thường xuyên đi đến các tiệm may xin vãi về may đồ cho trẻ mồ côi. Ôm thùng lạc quyên đến các tiệm lớn quyên góp , kết hợp cùng trường Trương Vĩnh Ký tắm rữa và hớt tóc cho cô nhi. Những chuyến đi kết nối những chuyến đi cho mình nhận thức được tình thương và lòng căm ghét chiến tranh. Lúc đó mình nghĩ nó là nguyên nhân tạo ra trẻ mồ côi.

 (còn tiếp ....)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét