21 thg 8, 2023

Hồi ký của một nhân sĩ Trung Quốc trôi dạt đến nước ta thế kỷ 19 (Bài 1) - Nghiên Cứu Lịch Sử

Tình hình tỉnh Quảng Ngãi gần 200 năm trước, qua hồi ký của một văn nhân Trung Quốc


Hồ Bạch Thảo

Thái Đình Lan, người đảo Bành Hồ, Đài Loan; đậu Tiến sĩ năm Đạo Quang thứ 25 [1845], là vị Tiến sĩ duy nhất của đảo này. Thời còn là Sinh viên, sau khi dự kỳ thi tại tỉnh thành Phúc Kiến; vào ngày mồng 2 tháng 10 năm Ất Mùi Đạo Quang thứ 15 [21/11/1835], ông cùng em trai là Đình Dương, từ đảo Kim Môn đi thuyền về thăm mẹ tại Bành Hồ. Trên thuyền, vào canh ba [11 PM-1AM] đêm hôm  đó  gió bão nỗi lên, chẳng mấy chốc cuồng phong càng mạnh, thuyền chao đảo, sóng xô đâm xuống biển, nên phải chặt gãy cột buồm để thuyền khỏi vỡ. Trải mấy ngày trời, lênh đênh trên biển cả, không biết vị trí nơi đâu “xô về đông, hay dạt tới phương đoài”. Rồi một đêm bổng  gió tắt, mưa tạnh, biển êm trở lại; chờ đến sáng thấy thuyền đánh cá đi qua, gọi lại hỏi, thất vọng không hiểu tiếng, nhưng có người trên thuyền viết hai chữ “An Nam”; dùng đốt ngón tay tính, thì hôm đó là ngày 11 tháng 10 [30/11/1835]. Nơi này gần đồn Thái Cần, tại cửa sông Trà Bồng, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi; qua trình báo của thuyền đánh cá, hai ngày sau quan Thủ ngự đồn đích thân đến kiểm tra.  

Sự kiện thuyền Phúc Kiến đến tỵ nạn tại Việt Nam được sử cũ, Đại Nam Thực Lục (1) chép, duy tên Thái Đình Lan thì chữ “Lan” đổi thành “Hương”, vì “Lan” là tên húy của Nguyễn Phúc Lan, Chúa thứ tư triều Nguyễn :

“ Một thuyền buôn của người tỉnh Phúc Kiến nhà Thanh đi buôn ở Đài Loan phủ bị bão, giạt đến đỗ ở hải phận Quảng Ngãi. Quan tỉnh theo lệ cứu giúp nạn bão; cấp cho tiền và gạo rồi đem việc tâu lên. Trong số khách đáp thuyền có Lẫm sinh [Sinh viên được cấp học bổng] (2) Thái Đình Hương được đặc ân cấp thêm 50 quan tiền, 20 phương gạo, đợi dịp tiện sẽ cho về nước.”

Riêng Thái Đình Lan từng viết thiên hồi ký nhan đề là Hải Nam tạp trước [海南雜著]; tường thuật một cách sinh động chặng đường bị nạn, thời gian lưu ngụ tại Việt Nam, noi theo đường Thiên Lý [tương tự Quốc lộ 1] từ tỉnh Quảng Ngãi đến Lạng sơn, để trở về nước. Chúng tôi xin lần lượt dịch về các tỉnh tác giả đi qua, để phần nào hiểu thêm phong tục, lịch sử, địa lý Việt Nam thời bấy giờ. Xin  khởi đầu bằng đoạn viết về tỉnh Quảng Ngãi; những chữ trong ngoặc () do tác giả chú thích; nhũng chữ trong ngoặc [] chữ đứng, do người dịch chú thích thêm, cho rõ nghĩa:

“Thuyền đến hải cảnh Việt Nam vào ngày 13 tháng 10 năm Ất Mùi [2/12/1835]. Có 2 viên quan tại đồn binh dùng thuyền nhỏ đến sát thuyền; cả hai đều chít khăn điều đen, mặc áo màu đen ống chật, quần hồng, đi chân trần (quan viên Việt Nam ở trong nhà hoặc ra ngoài đều đi chân trần (3), mặc quần màu hồng; y phục không phân biệt đông hè, vào tháng đông vẫn mặc áo lụa mỏng; người giàu phần lớn dùng 2 màu lam và đen, khăn đội đầu cũng vậy; riêng quần thì màu hồng); họ mang theo một viên Thông dịch (người huyện Chiếu An, Phúc Kiến, tên là Thẩm Lượng). Y bảo chủ thuyền rằng:

“Hai viên này ( tên Nguyễn Văn Loan, Nguyễn Văn Lợi) là quan Thủ ngự tại đồn Thái Cần [cửa sông Trà Bồng, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, gần Dung Quất], nghe tin thuyền Trung Quốc bị bão, đến để kiểm tra.”

Chúng tôi mời lên thuyền; họ mở khoang xem xét mọi nơi, đòi trình bày rõ việc thuyền bị bão, rồi giữ lấy giấy chủ quyền ( nước này dùng chữ Hán, thể thức giấy tờ quan nha cũng tựa như Trung Quốc); dặn ngày mai sẽ kéo thuyền vào trong cảng, chiếu lệ dâng phẩm vật trên mâm đồng để bẩm trình ( phàm dâng lễ vật, để trên mâm đồng đội trên đầu, quì xuống dâng, gọi là cống đồng bàn).

Ngày hôm sau [3/12/1835] vào lúc gần trưa, thấy mấy chục thuyền chài đánh cá, giăng buồm lá cây, lao đến như bay. Viên Thông dịch điều một số người lên thuyền chúng tôi: kẻ thì cầm tay lái, kẻ thì kéo neo thuyền lên; lệnh các thuyền chài buộc giây vào mũi thuyền rồi kéo, thuyền từ từ đi theo. Vừa làm, dân  chài vừa cất tiếng hát, âm thanh tỏa trên sóng nước, chim hải âu đang đua lượn, nghe tiếng hát vội bay đi. Đến chiều tối, thuyền đi vào cửa sông; thấy rừng tre dày đặc mông lung, nơi thôn xóm khói bếp bay lên. Chẳng mấy chốc thuyền ghé bờ, trên bờ có hàng chục căn nhà lá, đồn [Thái Cần] tại đó. Viên quan Thủ ngự  đích thân đến bãi cát, chỉ huy thuyền chài, lệnh dời ra đậu trước đồn; chờ khi thuyền chúng tôi thả neo, mời được chèo đi (tục lệ nước này, khi thuyền lạ vào chỗ đồn, quan Thủ ngự lo phòng hộ; trước đó đánh chiêng lên, thuyền chài phải tập hợp nghe sai bảo, không được lấy tiền công). Ban đêm nghe tiếng trống điểm canh cho đến sáng ( đánh suốt đêm, cứ mỗi canh đánh một tiếng; quan lớn đến, thì đánh chuông).

Vào ngày 15 [4/12/1835], nhờ Thông dịch cho chúng tôi lên bờ; chủ thuyền mang những vật (người nước này thích như gừng, mỳ, thuốc hút, trà), mượn mâm đồng của đồn đem dâng, tôi cũng phụ tặng thêm bút và mực. Viên quan Thủ ngự rất vui, mời chúng tôi ngồi trên giường (các quan lớn nhỏ tại đây tiếp khách không dùng ghế dựa; trong phòng đặt một chiếc giường thấp; cấp lớn ngồi hướng nam, bên trái và phải đặt mỗi giường theo hướng đông tây, phía trái là chủ, phía phải là khách; nếu ngồi chung giường, thì cấp lớn ngồi ngoài, cấp nhỏ theo thứ bực ngồi trong); rồi thảo văn thư, báo lên quan tỉnh ( viên quan lớn chủ tỉnh gọi là quan tỉnh đường, tại phủ gọi là quan phủ đường). Nhân dịp chúng tôi vay 1 phương gạo (khoảng 4 hộc) [4 lít], 1 quan tiền (tiền kẽm ghi niên hiệu Minh Mệnh, cứ 2 dồng tiền kẽm bằng 1 đồng tiền đồng, mỗi quan gồm 600 đồng); rồi cáo từ quan Thủ ngự, trở về thuyền.

Vào sau buổi trưa ngày 16 [5/12/1835], thấy trên bờ có 2 chiếc cáng đến (cáng khiêng vai, họ gọi là võng), mỗi cáng chở một người, với một số tùy tùng cầm roi mây. Sau một chốc quan Thủ ngự xuống thuyền, bảo viên Thông dịch nói rằng:

“Đây là quan tỉnh đường, sai người đến tái xét nghiệm.”(một người là viên thư lại ty Bố chánh chưa nhập ngạch tên Trần Hưng Trí, một người là viên thư lại ty Án sát chưa nhập ngạch tên Nguyễn Tiến Thông).

 Họ xét giấy chủ quyền, cùng số khách đáp thuyền (gọi những khách thuyền chở là đáp khách); bắt chìa ngón giữa tay trái ra in dấu tay, gọi là “điểm chỉ”. Lại xét kỹ trong khoang thuyền có vật cấm hay không ( nghiêm cấm nha phiến và vũ khí, điều tra ra cướp biển thì xử chém);đo chiều ngang, chiều dọc thuyền bằng trượng, xích; khoang thuyền sâu hay cạn, để làm hồ sơ tính thuế (nếu trong thuyền không có hàng hóa, được miễn chịu thuế). Lại lấy giấy bút ra, ghi những điều vấn đáp; hẹn tôi ngày hôm sau đến gặp quan lớn tại tỉnh đường, rồi lên bờ đi.

Sáng hôm sau, những viên chức này đáp thuyền nhỏ đến đón tôi, chủ thuyền cùng đi.Gió thổi nhẹ, nước chảy chậm, theo sông hơn 10 dặm [1 dặm=0.576 mét] thì lên bờ. Bấy giờ đã trưa, theo đường nhỏ đi 2, 3 dặm đến chợ Lộ Mẫn (âm Đường gọi là Lật Vạn, có đồn lính) [Châu Ổ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi] (4); buổi tối trú tại nhà viên Thông dịch. Canh năm [3-5 giờ sáng] khởi hành, đi dưới trăng, từ thôn này qua thôn khác nghe tiếng mõ canh giờ; xa xa tiếng chó sủa râm ran, dưới ao cóc nhái kêu không ngớt. Đi khoảng hơn 20 dặm thì trời sáng, ăn điểm tâm tại quán nhà quê bên đường. Lại đi hơn 1 dặm, qua con sông nhỏ;hai viên chức nhường võng cho ngồi, nhưng tôi khước từ; do đó họ hô lính tùy tùng dẫn đường đi từ từ ( viên quan không có kẻ hầu riêng, nên sai lính phục dịch). Bấy giờ đi trên đại lộ rộng hơn 2 trượng [1 trượng=3.2 mét] ( nước này chỉ có một đại lộ, thông nam bắc); hai bên bờ trồng mít, cứ 10 bước trồng một cây, cành lá xum xuê, tỏa bóng đầy mặt đất, gió mát vi vu, thổi lồng qua tay áo. Xa nhìn đất bằng ngàn khoảnh, ruộng lúa tốt tươi; vườn nhà bốn bề dậu tre, trồng chuối, cau trầu; phong cảnh cũng giống như Đài Loan. Trên đường thỉnh thoảng qua cầu làm bằng tre, lớp cũ lớp mới trồng lên nhau, dưới có đà gỗ bắc ngang nâng đỡ; đạp từng bước đi qua, dưới chân cảm thấy mềm lún. Qua sông [sông Trà Khúc], hơn một dặm đến tỉnh thành Quảng Ngãi. Trông coi tỉnh có một viên quan Bố chính, một quan Án sát, một quan Trấn binh ( hai ty Phiên, Niết, người ta quen gọi là quan Bố chính, quan Án sát;Tổng binh gọi là ông Quan trấn; xưng gộp 3 vị là Tam quan đường). Thành nhỏ (tục gọi là thành Cù Mông) [Chính Mông] (5), có 3 cửa đông, tây, bắc; văn phòng quan, kho tàng, trại lính đều ở trong thành, dân chúng buôn bán ở ngoài thành ( phàm các tỉnh thành, quận thành, dân không được ở trong đó). Chúng tôi đến chợ [chợ Chính Mông] gặp người Đường (người nước này gọi người Trung Quốc là người Đường hoặc người Thiên Triều), tên là Lâm Tốn, người đất Đồng An [Phúc Kiến] mời đến nhà.

Phút chốc Ủy viên dục đi gặp quan lớn; tôi theo đi vào thành, người xem đứng đầy đường. Đến dinh thự, dẫn vào sảnh đường lớn (dinh quan chỉ có một sảnh đường, sáng chiều làm việc đều tại đây; thuộc viên, thư lại đều tụ tập tại sảnh đường lo công việc, hết giờ mọi người về nhà). Hai quan lớn ngồi tại đây, viên Thông dịch nói nhỏ cho biết:

“Một vị là viên Bố chánh họ Tôn Thất, Nguyễn Bạch (6); một vị là Án sát Đặng Kim Giản (7)”

Chúng tôi bước lên vái chào hai quan; hai vị cũng đứng lên vái chào, rồi chỉ vào chiếc giường thấp tại phía bên phải mời ngồi; hướng về viên Thông dịch nói một hồi, nhưng viên Thông dịch không dịch nỗi (hiểu biết của Thông dịch chỉ dịch nỗi những câu tầm thường ngoài đường, ngoài chợ; chứ cao hơn không dịch nỗi!). Viên quan lớn bèn viết trên giấy hỏi về quê quán, lý lịch, cùng tình trạng gặp bão; tôi bèn đem đầu đuôi chép rõ ra. Cả hai gật đầu xuýt xoa, ra vẻ hết sức thương cảm; bèn gọi Bang trưởng Phúc Kiến  Trịnh Kim đến (người Đồng An) bảo chọn phòng ốc cho ở ( người Đường ở đây phần nhiều là Mân và Việt; Mân gọi là bang Phúc Kiến, Việt gọi là bang Quảng Đông, mỗi xứ lập một Bang trưởng để làm việc công); rồi cấp cho 2 phương gạo [1 phương – 4 lít], hai quan tiền để ăn tiêu hàng ngày; lại gọi chủ thuyền vào, cho mở khoang thuyền, bán hàng còn lại. Tôi đứng lên cảm tạ, xin rút lui, trú tại nhà Lâm Tốn.

Ngày 19 tháng 10 [8/12/1835] tôi soạn một bài văn, rồi nhờ Bang trưởng dâng lên cho đại quan. Đại quan hoan nghênh tán thưởng; bèn dâng sớ lên Quốc vương, cùng đính kèm bài văn (Quốc vương tại thành Phú Xuân [Huế], cách tỉnh Quảng Ngãi 7 ngày lộ trình ). Chiều hôm đó, quan Bố chính sai Thư lại mang các đề về Tứ Thư (8), Ngũ Kinh (9), thi phú, yêu cầu tôi viết, hẹn giờ Thìn [7-9 giờ sáng] hôm sau đến lấy bản thảo. Chiều tối, Án sát họ Đặng cũng sai Thư lại mang các đề đến (nội dung cũng giống như quan Bố chính vậy). Tôi y theo kỳ hạn, soạn xong đem trình; họ đọc nhưng không hoàn lại.

Đến ngày 22 [11/12/1835], đến xin tạm biệt quan lớn, trở lại thuyền.

Ngày 24 [13/12/1835], cùng em trai lấy hành lý, từ biệt người trong thuyền, quay lại tỉnh thành Quảng Ngãi; từ đó không còn trở lại thuyền nữa.

Ngày 26 [15/12/1835] quan lớn nghe rằng tôi đã đến, mệnh các thuộc viên ( 1 Tri Phủ, 2 Thông phán, 2 Kinh lịch, 2 Tri huyện, 1 Huyện thừa, 1 Giáo dụ) cùng đến gặp; vì phòng hẹp, nên chào hỏi nhau rồi tan, không kịp hỏi tên. Sáng hôm sau đến gặp quan lớn, mọi người đều có mặt, tôi nhân bái tạ tấm lòng thịnh tịnh và tự hài tội làm phiền;rồi gặp lúc sảnh đường có xử kiện, nên cáo lui. Tại đây vài ngày, các quan lại, nhân sĩ rầm rộ đến gặp, kể có hàng trăm, gọi tôi là “ông Sinh viên”(tục nước này, gọi người tôn kính là ông hoặc thầy); có kẻ hỏi văn, có kẻ xin viết chữ, không kham được sự quấy nhiễu; duy tình cảm giữa tôi với các viên Thư lại ty Bố chính Bùi Hữu Trực, Nguyễn Sĩ Long thì rất thắm thiết.

Ngày mồng 5 tháng 11 [24/12/1835] quan lớn sai người báo cho biết có chiếu chỉ của Quốc vương [Vua Minh Mệnh] đến, bèn cấp tốc đến thành, đọc bản sao phê son như sau:

“Tên này thuộc loại văn học xuất thân, bất hạnh bị nạn gió bão, tiền của khánh tận, thực đáng nên giúp. Tỉnh [Quảng Ngãi] đã cấp phát tiền và gạo; nay gia ơn tăng thưởng 50 quan tiền, 20 phương gạo để ăn tiêu; nhắm biểu thị sự giúp đỡ Sinh viên bị tai nạn của Thiên triều; riêng những người bị nạn trên thuyền, chiếu theo số lượng, mỗi người một tháng cấp cho một phương gạo .”

Bèn soạn văn từ cảm tạ, đến kho tỉnh lãnh trợ cấp, đều phát đầy đủ. Do đó các quan lớn rất kính trọng; gặp lúc rảnh gọi đến cùng bút đàm.

Vào ngày 9 [28/12/1835] tân Tiến sĩ Lê Triều Quí cùng đi với viên Tri phủ Phạm Hoa Trình dến thăm; ông họ Phạm từng giữ chức Phó sứ đi cống Thiên triều; sáng tác một tập thơ, lấy từ túi áo ra, đem cho tôi xem;bèn bình phẩm chi tiết và làm thơ tặng.

Ngày 10 [29/12/1835], gặp Hoàng Văn (người đất Long Khê, Phúc Kiến, trú tại phố Quảng Ngãi) nói rằng anh ta đã trở về Phúc Kiến 3 lần (về Phúc Kiến có 2 đường: Từ Quỳnh Châu, Quảng Đông qua biển đến Xích Khảm là đường ngoài; có cướp trộm, nhiều người mới nên đi. Một đường từ Quảng Tây, tương đối xa, nhưng không lo bị trộm cướp mai phục.) Anh ta nói về đường đi rất rõ ràng; tôi rất mừng bèn quyết định về.

Ngày hôm sau dâng thư lên quan lớn, xin cấp phí tổn hành trình, do đường bộ trở về nhà. Quan lớn cho rằng trái với thông lệ, nên ra vẻ đăm chiêu (theo lệ cũ: Phàm thuyền Trung Quốc bị tai nạn gió bão đến đây, nếu là viên chức văn võ, cùng thân sĩ, cho đáp thuyền quan, hộ tống trở về nước; dân buôn thì do đường bộ trở về). Nhưng tôi ra sức xin, mới viết sớ trình lên.

Vào ngày 13 [1/1/1836] đến phố Quảng Ngãi, phố Quảng Ngãi cách thành 30 dặm [17 km, xét khoảng cách, có thể là sông Vệ], tại khu phố Trung Quốc, thuyền tập trung. Trú tại nhà Hoàng Văn, bàn chuyện quê hương rất vui; chủ nhân gọi vợ con ra chào, người Hoa tranh nhau đến thăm, ở 2 đêm thì trở về chỗ cũ.

Ngày 20 [8/1/1836] thầy giáo tư thục Trần Hưng Đạo mời uống rượu ngâm thơ. Thầy dạy học trò Tứ Thư, kinh sử, thi phú giống như Trung Quốc. Học trò viết bài, dùng bút tre, chấm mực bằng bùn trên nghiên đá; rất thô sơ ( bút mực rất ít, kẻ học chữ không có giấy viết chữ mẫu để đồ lên); nhưng có trò đặt giấy lên bàn tay, viết chữ thảo rất nhanh. Ông Trần thông kinh sử, biết làm thơ; người ta gọi là Ông thầy (gọi Tiên sinh là thầy). Từ đó, các nhân sĩ gọi uống rượu ngày một đông.

Vào ngày 6 tháng chạp [23/1/1836] Vương [Vua] sai Sứ giả Bùi Kính Thúc (Cử nhân, Tri huyện hậu bổ) gặp tôi, đích thân đến nơi trọ ân cần an ủi. Ngày hôm sau tôi đến cảm tạ; các quan đều có mặt tại tỉnh đường. Sứ giả cùng các quan lớn thể theo ý của Vương, đều khuyên tôi bỏ đường bộ đi thuyền; dự định mùa xuân năm sau khi gió từ phương nam khởi phát, sẽ dùng thuyền quan chở đến Hạ Châu [Phúc Kiến], mọi người đều cho là thuận tiện.Tôi bảo rằng muốn về nhà sớm để phụng dưỡng mẹ, hai bên thảo luận qua lại bằng bút đàm từ giờ Thìn đến giờ Mùi [7-9 giờ_13-15 giờ], lời yêu cầu của tôi rất cương quyết. Bấy giờ Sứ giả bắt đầu chuyển ý, hẹn khi trở về kinh tâu trình, sẽ đem xuống bộ nghị bàn; rồi ngay đêm hôm đó khởi hành. Tôi về nhà bồn chồn lo lắng thành bệnh, trong 10 ngày không ngồi dậy được, quan lớn thường sai người đến thăm hỏi.

Rồi đến sáng sớm ngày 19 [5/2/1836] Ủy viên trước đây đến xét thuyền là Trần Hưng Trí đến chúc mừng rằng:

“Bộ bàn nghị đã chấp thuận!”

Bệnh tôi vụt biến mất, bèn ngồi dậy hỏi thêm; ông Trần dục tôi chỉnh bị y phục để gặp quan lớn. Quan lớn đưa ra lời phúc trình của bộ kèm theo lời phê son của Quốc vương như sau:

“Cứ tên này mấy lần xin đi đường bộ trở về quê cũ, không thể ở lâu; lý nên chấp nhận lời xin; lệnh bộ Hộ đưa cho 10 lạng bạch kim để giúp hành trình, vẫn do quan tỉnh liệu biện thật ỗn thỏa”

Tôi đọc xong, khóc cảm tạ, xin quan lớn định ngày lên đường. Án sát họ Đặng chảy nước mắt nói:

“Túc hạ trở về là phải, từ nay chân trời nam bắc, biết ngày nào gặp nhau.”

Tôi cũng buồn không ngăn được;bèn cáo từ rồi bảo em chuẩn bị hành lý, mướn người đi phụ theo và từ biệt những người quen biết.

Ngày hôm sau [6/2/1836] hai quan lớn sai đem tiền của bộ Hộ cho, cùng giấy hộ chiếu ( sai một viên Cai đội mang theo 20 lính hộ tống đến Quảng Nam; cấp văn thư dọc đường hoán đổi lính, chi cấp lương ăn), lại tặng thêm 5 lượng bạc. Án sát họ Đặng sai người thân đến biếu quế, và thơ văn đựng trong ống ngà voi; tôi nhận và bái tạ bằng thơ. Lại được Thư lại Bùi Hữu Trực biếu 3 quan tiền, và các đồng hương  Lâm Khiểm (người Đồng An), Lâm Tốn, Trịnh Kim tặng thuốc men; những người khác gửi tiền đều khước từ.

Vào buổi sáng ngày 21 [7/2/1836], gửi thư văn xin cảm tạ Quốc vương. Quan lớn đưa ra khỏi dinh, từ Tri phủ trở xuống tiễn tại ngoài thành. Các vị đồng hương đưa đến bờ sông [sông Trà Khúc], nhỏ nước mắt tạm biệt. Chủ thuyền và người trong thuyền đều lưu lại, chờ khi thuận tiện có thuyền mới trở về. Tính ra thời gian ở Quảng Ngãi hơn 50 ngày, trời mưa, lam chướng nhiều, đất lại bùn lầy, chân khó mà cất bước; y phục, dép guốc, giường chiếu đều ẩm ướt, ngày đêm ruồi muỗi vo ve; gặp được hôm tạnh thì đi gặp quan lớn, đón tiếp người đến thăm, nên tôi không có dịp du lịch tiêu khiển, thăm sông núi, vườn rừng. Do đó bồi hồi buồn bã, trong lòng u uất không yên; rồi được về, anh em tôi như chim hạc được ra khỏi lồng, hăng hái vỗ cánh bay đi, không nghĩ đến tiền đồ còn hàng vạn dặm!”……

Xem Nguyên Văn:

https://www.hidemyass-freeproxy.com/proxy/vi-vn/aHR0cHM6Ly9uZ2hpZW5jdXVsaWNoc3UuY29t

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét