3 thg 8, 2023

CHỬ NGHĨA LÀNG VĂN ; Kỳ 1/8/2023- Ngô Không Phí Ngọc Hùng

Chữ nghĩa làng văn

 

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.

 

***

Một số địa danh bị viết sai ở Nam bộ

Cao Lãnh đúng ra là Câu Lãnh, tức tên gọi tắt của ông Câu đương tên Lãnh. 

 Câu đương là chức vụ trong thôn làng ở Nam bộ vào các thế kỷ trước, có nhiệm vụ hoà giải các tranh chấp nhỏ. Còn Lãnh là tên thường gọi của ông Đỗ Công Tường, ở thôn Mỹ Trà và là chủ chợ Ông Câu hay chợ Vườn Quít, nay là chợ Cao Lãnh

(Lê Công Lý)

Phỉ phong

 Ngần ngừ nàng mới thưa rằng

Thói nhà băng thuyết chất hằng phỉ phong

(Kiều - Nguyễn Du)

Rau phỉ, rau phong, nhà nghèo ăn hai thứ rau “tập tàng” này.

(Nguyễn Thạch Giang – Văn học tập giải)

Tiếu tự thư sinh lạc đệ thì

 “Lạc đệ thì” ở đây không có nghĩa là…“lạc đề thi”.

 Thì khi, là lúc. “Lạc đề” là “thi hỏng”. Toàn câu có nghĩa ”cười như thư sinh khi hỏng thi”. Nghĩa là cười không…vui.

 Trong khi khóc như thiếu nữ về nhà chồng, khóc mà…vui.

Hai câu đi đôi với nhau là:

Khấp như thiếu nữ vu quy nhật

Tiếu tự thư sinh lạc đệ thì

(Duy Lý – báo Tự Do)

Chữ nghĩa làng văn

Một số từ ngữ cổ hiện nay vẫn còn dùng

Trong từ ‘chợ búa’ thì ‘búa’ có nghĩa là gì?

 ‘Búa’ trong ‘chợ búa’ chắc chắn không liên quan đến cái búa để đốn cây rồi. Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng được xem là vững chắc nhất thì cho rằng ‘búa’ là âm xưa của chữ [], âm Hán Việt hiện đại là của chữ này là ‘phố’, nghĩa là cửa hàng, là nơi buôn bán. Chợ búa nói chung là nơi người ta tụ tập mua bán.

(Nguyễn Lương Thịnh)

Ca dao hiện thực

Con cò mà đi ăn đêm
Lỡ mà bị bắt vặt lông nấu liền

(Jap Tiên sinh)

 Vũ Bằng: nghệ thuật viết chân dung

 Những trang viết về “Vua phóng sự” Vũ Trong Phụng của Vũ Bằng có lẽ là bức chân dung sinh động và độc đáo nhất về Vũ Trọng Phụng: Dường như cả cuộc đời Vũ Trong Phụng dần dần hiện ra, từ lúc còn đi học, rồi làm báo, viết văn cho đến lúc chết!

Vậy chúng ta hãy đọc những nét phác họa về Vũ Trọng Phụng của Vũ Bằng: “Phụng và tôi là bạn học từ lớp dự bị trường Hàng Vôi. Ở trường này ra, tôi theo học Lycée Albert Sarraut, còn Phụng lúc được mười tám, phải đi làm thư ký cho nhà in IDEO, kiếm mỗi tháng mười hai đồng bạc để về nuôi bà và nuôi mẹ.

Vì không đủ sống một phần, mà cũng vì thích viết văn, đọc báo phần khác, đến tối về nhà, anh viết truyện ngắn bán cho tờ “Ngọ Báo” của Bùi Xuân Học và “Nông Công Thương” của Phạm Chân Hưng. Những truyện ngắn đầu tay của Vũ Trọng Phụng là những truyện “bực thầy”.

Bây giờ nhắc đến anh, ai cũng nhớ đến Số đỏ, Giông tố, Trúng số độc đắc, Dứt tình, hay những phóng sự như Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, mà ít có ai nhớ rằng Vũ Trọng Phụng nổi tiếng một thời là vì những truyện ngắn như Chống nạng lên đường, Cái răng vàng và nhiều truyện khác nữa mà tôi không nhớ tựa đề.

 Đỗ Ngọc Thạch)

 Bên lề chữ nghĩa

 Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

 Mùng 1 lên Phủ Tây Hồ thắp hương

(Nguồn: Tôi đi đâu)

 

Ba mươi năm: Khỏang cách và dấu nối

 Trần Nhuệ Tâm: Ông gặp một thi sĩ/văn sĩ Việt kiều lần đầu ở: phi trường. Trước đó ông biết họ qua tác phẩm nào? Điều gì từ tác phẩm đó đã gây ấn tượng cho ông?

Nguyễn Trọng Tạo: Hồi đầu những năm 90 thế kỷ trước tôi sống ở Huế và đã gặp ở đó khá nhiều văn nghệ sĩ hải ngoại về thăm đất nước. Hầu hết những người tôi được gặp thì trước đó tôi đã được đọc được biết tên họ trên sách báo hải ngoại hoặc trong nước. Có người tôi đã được đọc họ từ trước 1975. Những người tôi gặp thường là những tên tuổi quen thuộc. Đỗ Khiêm cùng ông Hoàng Hoa Khôi đến tư gia thăm tôi. Thuỵ Khuê cùng chồng con xuống ga tàu hoả Huế được tôi và Hoàng Phủ Ngọc Tường đón về khách sạn và đưa đi thăm di tích danh thắng và gặp nhiều văn nghệ sĩ Huế.

 

Tôi và Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã đón Khánh Trường từ sân bay Phú Bài. Du Tử Lê sau ba lần về Huế mới quyết định đến gõ cửa nhà tôi và Hoàng Phủ Ngọc Tường rồi hơn 10 năm sau lại gặp nhau ở Hà Nội. Trần Vũ tìm tôi ở Huế không gặp chục năm sau tôi lại tìm được Vũ tại Pais và đến nhà chơi. Mai Ninh cũng đã cùng chúng tôi đi thuyền rồng sông Hương thăm lăng Minh Mạng. Nhiều lần hẹn nhau với anh Đặng Tiến mới gặp được nhau tại nhà anh Dương Tường.

Những người ấy đều ghi dấu ấn sâu đậm trong tôi bằng tác phẩm và những hoạt động văn học của họ. Đấy là những người Việt muốn cùng với những người cùng nòi giống tôn vinh văn chương tiếng Việt dù phong cách và quan niệm khác nhau.

 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 Người ta đã thống kê được rằng, cuộc đời một người đàn ông hầu hết gắn bó với chữ “ăn”.

Khi "ăn nên làm ra" thì "ăn sung mặc sướng", rồi sanh tật "ăn gian", nói dối vợ là đi "ăn cơm khách" nhưng thực ra là đi "ăn vụng" hay gọi là "ăn bánh trả tiền" với các cô gái "ăn sương". Về nhà với vợ thì "ăn đàng sóng, nói đàng gió"; trót lọt thì không sao, rủi đổ bể thì có mà…mà…"ăn cám" hoặc"ăn đòn".

Trường Sơn đông, Trường Sơn tây *


Thế là đã 7 năm vắng bóng nhà thơ Phạm Tiến Duật trên cõi đời này.


 (Nhà thơ Phạm Tiến Duật)

 

 

Cuối tháng chạp vừa rồi, gia đình mới sang cát cho anh, cũng vẫn ở trong nghĩa trang Văn Điển thôi nhưng là tại khu A. Chị Vân, vợ anh, có mời tôi đến thắp hương cùng nhưng do kẹt công việc đột xuất nên tôi đành khất hẹn lại sau... Cũng vì thế nên tôi cứ canh cánh trong lòng, vì với tôi, nhà thơ Phạm Tiến Duật không chỉ là một bậc đàn anh trong thơ mà còn là người mà ít nhiều tôi đã có một giai đoạn cực kỳ gắn bó... Anh đã có vai trò không nhỏ trong những bước đường trưởng thành của tôi trong thơ...

Với tư cách nhà báo, tôi đã được khá nhiều lần hầu chuyện nhà thơ Phạm Tiến Duật. Và những ghi chép từ những lần hầu chuyện đó cho tới hôm nay vẫn là nguồn tư liệu quý báu, gợi mở nhiều suy ngẫm... Cuộc trò chuyện sau đây đã diễn ra từ hơn mười năm trước. Khi đó, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã tới tòa soạn trên phố Yết Kiêu để trò chuyện cùng nhóm phóng viên chúng tôi là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, và tôi...

Có điều lạ là càng nhiều thời gian trôi qua, đọc lại những câu tâm sự của nhà thơ Phạm Tiến Duật, cá nhân tôi càng thấy yêu quý và xót xa anh hơn...

- Anh bắt đầu ở trong quân đội với vai trò là người thầy giáo? Anh học xong sư phạm đúng không?

- Học xong sư phạm Văn. Rồi tôi vào bộ đội nhưng không phải là vào Đoàn 559 ở Trường Sơn ngay đâu, mà đã là pháo thủ số 4 pháo cao xạ ở Tiểu đoàn 24 pháo cao xạ Tây Bắc. Đó là một tiểu đoàn độc lập, trực thuộc Quân khu, có nhiệm vụ bảo vệ sân bay Nà Sản. Tôi đã ở đó mấy tháng, từ tháng 8/1964 đến tháng 12/1964. Lúc đó, tất cả đều lên Tây Bắc. Vương Trí Nhàn cũng lên Tây Bắc vì hồi đó cứ đăng ký bộ đội là lên Tây Bắc hết. Sau này mới kéo xuống phân bổ cho các tổng cục. Đấy là lứa tốt nghiệp đại học đầu tiên vào bộ đội. Trước đó thì họ chưa hề lấy một khoá nào khác, sau đó, họ lấy cả sinh viên chưa tốt nghiệp. Còn khoá tôi là đã tốt nghiệp, thậm chí còn ở lại giảng dạy.

(Hồng Thanh Quang)

 * Bài thơ Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây tôi (Phạm Tiến Duật) sáng tác cuối năm 1969 tại một làng nhỏ bên bờ sông Son của tỉnh Quảng Bình, làng Cổ Giang, một làng nghèo khó mà nền nếp.

Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ - 1

Thể văn “Ký sự”

 Thượng kinh ký sự - Hải Thượng Lãn Ông

Viếng chùa Trấn Quốc

Một ngày kia, trời sắp tối, thấy tân khoa Vũ tạo sĩ đến chỗ tôi ngụ. Tôi hỏi rằng: “Quý hầu đến có việc gì lúc trời tối này?” - Đáp rằng: “Quốc sư Tào quận công bị bệnh kiết lỵ, sai đến mời”. Tôi toan hỏi chuyện ông ta thì lại thấy bà vợ quan phủ Duy Tiên cũ là người cố hương, và cũng là người ngoại tộc của tôi đến đón tôi đi.

Việc chữa bệnh xong, đến ngày về kinh thì thấy ở cửa dinh mấy chiếc thuyền buộc ở góc Tây Hồ. Tôi mới nói với họ rằng: “Ngày hôm nay nắng lắm, nếu theo đường bộ trở về thì rất mệt nhọc, xin quan cho một chiếc thuyền để dùng cho tiện”. Một lúc sau thuyền đến giữa hồ, lướt qua mặt một hòn núi đá. Gác chuông chùa nọ, tiếng vang như giục mặt trời lặn; thuyền đánh cá kia, câu hát dường tiễn bóng chiều tà.

 


Tôi ở trong thuyền, khoái ý khôn xiết kể, bỗng thấy ở đằng xa một nơi điện các nguy nga, tùng bách rợp đất; chèo thuyền thẳng tới mới biết đó là chùa Trấn Quốc. Tôi sai chèo vào. Tôi bước lên bờ, ngồi trên ghế đá một mình, cạnh một cổ thụ. Tôi đưa mắt coi đây đó một cách nhàn nhã, bỗng thấy thổn thức trong lòng, hai hàng giọt lệ từ từ tuôn rơi. Bọn người nhà tôi kinh ngạc hỏi duyên cớ. Tôi nói:

“Thuở thiếu thời tại Kinh, tôi cùng với mấy người bạn kết làm thi xã, có ước với nhau là cứ về mùa xuân và mùa thu thì cùng đến Hồ Tây tìm thú vui. Mỗi khi đến lại chuẩn bị rượu uống và đồ nhắm, thuê ba, bốn chiếc thuyền đánh cá ra giữa hồ mà du ngoạn, tiếng sáo tiếng ca vang dội tứ phía.

Đêm khuya anh em vào chùa Trấn Vũ ngủ lại, có khi năm ba ngày mới ra về. Đau lòng thay! Khách và bạn nay chẳng còn thấy ai nữa, cho nên ngày hôm nay thấy cảnh động lòng. Như về phía tây mấy gốc cây già, bên nước hồ một dải rùng trúc, trước mặt là nước hồ, sau lưng là gác chuông, tất cả còn như xưa. Nay trông thấy vật lại tưởng nhớ người; nếu ruột gan là sắt đá cũng phải mềm đi vậy, trong dạ trăm mối u sầu vương vấn…”

Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Người đen mà ốm lại cao
Tóc quăn, môi lớn, lao đao tháng ngày

 Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ - 2

Thể văn “Tùy bút”

 Thượng kinh ký sự - Hải Thượng Lãn Ông

Chuyện cũ Tây hồ

Khoảng năm Ất Mùi (1774-1775) trong nước vô sự, Thịnh Vương (Trịnh Sâm) (1) thích chơi đèn đuốc, thường ngự ở các ly cung bên Tây hồ. Việc xây dựng đình đài cứ liên miên. Mỗi tháng ba bốn lần, Vương ra bên bờ Tây hồ, binh lính dàn hầu vòng quanh bốn mặt hồ.

Thuyền ngự đi đến đâu thì các quan tùy ý ghé vào bờ mua bán các thứ như ở cửa hàng trong chợ. Hay ghé chùa Trấn Quốc, hay dưới bóng cây bến đá nào đó.

Buổi ấy, bao nhiêu loài trân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch, chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian, chúa đều sức thu lấy, không thiếu một thứ gì. Có khi lấy cả cây đa to, cành lá rườm rà, từ bên bắc chở qua sông đem về. Nó giống như một cây cổ thụ mọc trên đầu non hốc đá, rễ dài đến vài trượng, phải một cơ binh mới khiêng nổ, lại bốn người đi kèm, cầm gươm đánh thanh la đốc thúc quân lính khiêng cho đều tay. Trong phủ, tùy chỗ, điểm xuyến bày vẽ ra hình núi non bộ trông giống như bến bể đầu non.

 Mỗi đêm khi đêm thanh cảnh vắng, tiếng chim kêu vượn hót vang khắp bốn bề, hoặc nửa đêm ồn ào như trận mưa sa gió táp, vỡ tổ tan đàn. Bọn hoạn quan cung giám lại thường nhờ gió bẻ măng, ra ngoài dọa dẫm. Họ dò xem nhà nào có chậu hoa cây cảnh, chim tốt, khướu hay, thì biên ngay hai chữ "phụng thủ". Đêm đến, các cậu trèo qua tường thành lẻn ra, sai tay chân đem lính tới lấy phăng đi rồi buộc cho tội đem dấu vật cung phụng để dọa lấy tiền. Hòn đá hoặc cây cối gì lớn quá, thậm chí phá nhà hủy tường để đem ra. Nhà ta ở phường Hà Khẩu (2), huyện Thọ Xương, trước nhà tiền đường cũng trồng hai cây lựu trăng, lựu đỏ, lúc ra quả trông rất đẹp, bà cung nhân ta sai chặt đi cũng vì cớ ấy.

 (1) Còn gọi là Tịnh đô vương, từ năm 1767 đến năm 1782 đời Cảnh Hưng, Lê Hiển Tông.

(2) Phường Hà Khẩu là khu Hàng Buồm, Hà Nội bây giờ.

Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

 Đàn ông không râu bất nghì
Đàn bà không vú lấy gì nuôi con

Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ - 3

Thể văn “Tùy bút”

Vũ trung tùy bút – Phạm Đình Hổ

Vũ trung tùy bút, hiểu theo nghĩa tùy theo ngọn bút viết trong khi mưa  Phạm Đình Hổ gọi tác phẩm của mình là tùy bút, nhưng nó không phải được viết theo lối tùy bút bây giờ, mà với nghĩa nôm na là tùy hứng, "muốn viết cái gì thì viết, không cần hệ thống, kết cấu và mạch lạc"…

Hay nói một cách khác trong 90 truyện dài ngắn của danh sĩ Phạm Đình Hổ là một tập truyện ký bằng chữ Hán, theo thể loại – một thể loại văn học đã để lại nhiều tác phẩm lớn do các nhà văn là nhà Nho sáng tác, nhưTruyền kỳ mạn lục (1547) của Nguyễn Dữ, Phủ biên tạp lục (1776), Kiến văn tiểu lục (1777) của Lê Quý Đôn, Thượng Kinh ký sự (1783) của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, v…v…

 

Phạm Đình Hổ (1768-1839) tên chữ là Tùng Niên, Bỉnh Trực, hiệu: Đông Dã Tiều, tục gọi là Chiêu Hổ. Người làng Đan Loan, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương. Sinh trong một gia đình khoa bảng, ngay từ nhỏ, Phạm Đình Hổ đã tỏ chí “Làm người con trai phải lập thân hành đạo...Lấy văn thơ nổi tiếng ở đời...”. Tuy học và đọc nhiều sách (9 tuổi, ông đã đọc sách Hán thư), nhưng ông chỉ đỗ đến sinh đồ (tức tú tài) vào khoảng cuối đời Chiêu Thống.Gặp buổi loạn lạc, Phạm Đình Hổ sống đời hàn nho dạy học ở quê. Đến khi Gia Long lên ngôi, cho khôi phục lại việc thi cử, ông có đi thi Hương ba lần, nhưng đều không đỗ. Hồi ấy ông đang dạy học ở phường Thái Cực, huyện Thọ Xương trong thành Thăng Long, hằng ngày rèn luyện học trò và biên soạn sách. Ở đây, ông kết bạn thơ với nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

 

Năm Tân Tỵ (1821), vua Minh Mạng ra Bắc. Khi ấy, Phạm Đình Hổ ở tuổi 53, vua vời ông đến hỏi về học vấn, thi cử và tính hình nhân tài đất Bắc. Lại khuyên hễ có những sách tiền triều, sách trước thuật...nên đem tiến trình. Ông bèn dâng lên nhà vua những sách do mình biên soạn, liền được triệu vào Huế nhận chức Hành tẩu Viện Hàn lâm. Nhưng chỉ được ít lâu, ông xin từ chức. Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), vua lại triệu ông, phong chức Thừa chỉ Viện Hàn Lâm, tiếp đến làm Tế tửu Quốc Tử Giám. Năm sau, ông lại xin nghỉ bệnh rồi từ chức. Sau, ông lại vào sung chức, được thăng Thị giảng học sĩ. Năm 1832, Phạm Đình Hổ xin về hưu…

(Đỗ Ngọc Thạch)

 Nụ tầm xuân

Người con trai xuất hiện qua hai câu thơ đầu thoạt xem thấy khá vẽ vời. Dễ gây tương phản với cảnh tình đầy buồn thương, tiếc nuối. Xét kỹ vào sâu nội cảnh mới thấy không phải thế.

Người con trai đã trèo lên cây rồi lại bước xuống vườn để hái hoa hái nụ tầm xuân. Giá trị thực, quan trọng hơn mà cây hiến cho cuộc đời là trái quả thì người con trai, trong hoàn cảnh ấy đã không thể hái. Dù anh ta đã bước xuống cả một: vườn cà. Xin hiểu cho là hoa bưởi, tầm xuân nở vào tháng hai tháng ba, mà cà thì ra quả cũng vào thời gian này. Cà là thứ quả dùng để nén, muối và nấu canh ăn. Vì vậy, nhân vật "anh" trong ca dao mà hái thứ quả này tất nó sẽ gây cho cảnh nỗi buồn cô đơn.

 Câu, "Bước xuống vườn cà..." không để "hái cà" mà lại đi "hái nụ tầm xuân"giấu đi kín nhẹm cái tình cảm "Bao giờ cà chín cà xanh / Anh cho một quả để dành mớm con..." (Ca dao).

Hình ảnh người con trai bước gần lại bên người con gái "đã có chồng" mà anh ta hằng mơ tưởng.

 (Bình giải của Đỗ Trọng Khơi)

Cơm làng tại đình

 

Đình là nơi làng tổ chức lễ và đình đám hội làng mở nhiều nhất vào mùa xuân.

Tháng giêng ăn Tết ở nhà
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè.

 

Các lễ tiệc nhỏ hạn chế số người tham dự như ngày lễ sóc, vọng, lễ Thượng Điền và lễ Hạ Điền. .. Thí dụ, mỗi tháng ngày sóc (mồng một) ngày vọng (hôm rằm), mấy bô lão dâng oản chuối, trầu rượu để lễ thần. Đoạn đem chia một nửa làm cỗ " kiến viên " để các bô lão ở đó uống rượu, còn nửa kia chia mỗi người một miếng cho được " quân chiêm thần huệ"
 

Còn cơm làng mà cả dân làng đều dự thì được tổ chức vào ngày hội hè, đình đám cúng tế thành hoàng.

Vào dịp này, giết gà mổ heo, bò và dân làng vui vẻ đóng tiền để được dự tiệc, chia phần và có dịp ăn thịt. Tổ chức cơm làng được qui định trong hương ước của làng.

(Lạp Chúc Nguyễn Huy)

 Một lần tới thủ đô

Sáng hôm sau, hai người bạn và tôi rủ nhau đi chơi ngay.
Hồ Gươm quả thật danh bất hư truyền, đẹp đến nao lòng. Tháp Rùa nổi lên giữa hồ trên một cù lao cỏ nhỏ xinh xinh. Xung quanh hồ là những cây liễu thướt tha soi bóng. Thật là một vẻ đẹp vô cùng lãng mạn. Tháp Bút đúng là hai cây bút, chọc thẳng lên trời, biểu hiện cho tri thức kẻ sĩ Bắc Hà.

Có một điều cách Tháp Bút chừng hai trăm mét, ngay trên lối đi dạo quanh hồ là một công trình mang kiến trúc của một cái lô cốt thời Tây. Rất nhiều người ra vào đó, người nào khi vào mặt cũng khó đăm đăm, nặng trình trịch, khi ra thì rất tươi.

Về sau mới biết, đó là cái toa-lét công cộng.

Chúng tôi rủ nhau đi ăn phở. Tôi ra sức ca tụng với hai người bạn (đều là dân miền Tây) rằng phở là món ăn quốc hồn quốc tuý của ta. Chúng tôi vào một quán phở, quán vắng tanh, nhưng ngay cạnh đó là một quán phở khác, trên tay mỗi người lăm lăm tô phở. Hết bàn ghế, họ ngồi xổm ngay trên vỉa hè húp xì xoạp, vừa ăn vừa sỉ mũi xoèt xoẹt. Ông chủ quán bưng ra ba tô tái chín, bốc hơi nghi ngút, ngửi mùi tôi đã rạo rực. Một anh bạn tôi, theo thói quen, nói rất dõng dạc: "Cho xin chén giá chụng đi".

 Ông chủ quán quay lại nhìn chúng tôi như nhìn người hành tinh, rồi bảo: "Giá chụng hả? Vào Sà Ghềnh mà ăn", ông ta nói với cách nhái giọng miền Nam, thái độ chẳng thân thiện gì. Tôi hết hồn nói nhỏ vào tai hắn: "Ăn đi, đòi hỏi vớ vẩn, người Hà Nội họ nền nếp lắm, lần sau nói năng phải thưa gửi đàng hoàng".

(Vương Văn Quang)

Cửa ô Thăng Long - Hà Nội xưa

 Về hình thức, các cửa ô có hai loại: loại cửa vòm và lầu gác bên trên (có thể xây thành lối tam quan như Ô Quan Chưởng) và loại chỉ có hai trụ biểu cùng hai cánh cổng gỗ mở vào. 

 


Bản đồ Hà Nội 1885 do người Pháp lập năm 1902, ghi chú chữ quốc ngữ.

 (Cửa ô vẽ trên bản đồ Hà Nội 1885)

 

Cũng năm này, tấm bản đồ do Phạm Đình Bách vẽ lại năm 1873 có danh sách 15 cửa ô bằng song ngữ và đánh số. Năm 1890, tấm bản đồ bằng tiếng Pháp còn đánh dấu một số cửa ô sót lại như Porte Mandarine (Ô Đồng Lầm), Porte du Roi (Ô Chợ Dừa), Porte de Sontay (Ô Cầu Giấy), Porte de Hué (Ô Cầu Dền), đây là số ít địa danh có chữ “Ô” còn được dùng ngày nay.

 Việc các cửa ô đổi tên nhiều lần, nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc lý giải do chính các làng có cửa ô bị đổi tên. Do hay thay đổi sinh ra khó nhớ, dễ lẫn nên người dân thường gọi bằng tên nôm như Ô Hàng Đậu, Ô Quan Chưởng, Ô Cầu Dền, Ô Đống Mác…

Sự tích chúa Chổm

 Về phố Cấm Chỉ, Long Điền Nguyễn Văn Minh viết:

"Lại xét địa đồ xưa, thành Thăng Long, ba phía đông, tây, bắc, mỗi phía có một cửa, duy phía nam có hai cửa: một cửa ở ngay vườn hoa Bách Việt bây giờ có con đường đi thẳng lên Cột cờ; một cửa nữa có lẽ vào phố hàng Đẫy khoảng nhà thương Saint Paul. (Theo bản đồ phác hoạ (schéma) Hà Nội năm 1876, trong quyển "Hanoi pendant la période héroique (1873-1888) của André Masson, in 1929, do nhà Librairie orientaliste Paul Geuthne).

 Vậy có lẽ xưa lúc thiết đại triều ở Kính Thiên, tất phải cấm dân chúng đi lại gần cửa Nam để tiện giữ trật tự, vì thế mà có lệnh cấm từ con đường ngang cách cửa Nam một quãng, do đó thành tên là con đường ngang Cấm Chỉ. Như thế, Cấm Chỉ có từ xưa, đời nhà Lý, chứ không phải có từ đời Lê trung hưng.".

Còn về cái tên Chúa Chổm, ông lập luận: "Chúa Chổm, dẫu là thực danh hay xước danh của một nhân vật nào, tất cũng phải từ sau năm quý tỵ (1593) tức là sau thời kỳ Trịnh Tùng xưng chúa".

(Tập san Nhân Loại số 16 và 17 Sàigòn).

 Khoa cử thời xưa

 Giai thọai trường thi

Chữ đẹp được tăng điểm, chữ xấu có thể bị đánh hỏng như trường hợp Nguyễn Văn Siêu người Hà Nội (1796-1872). Thi Hương đỗ đầu, bị xếp xuống hàng thứ hai. Thi Hội khóa đỗ tiến sĩ bị xếp xuống hàng phó bảng chỉ vì chữ “như gà bới”.

Tự Đức trêu: “Thần đâu mà chữ xấu như ma – Lem lọ cho người ngó chẳng ra – Nếu phải họa bù trừ quỷ tặc – Khôn thiêng thì hãy hộ Hoàng gia”.

 (Giai thoại Thăng Long).

 Những khuất lấp thời Hồng Bàng thị

 Nhiều người viết sử để gây lòng “tự tin dân tộc”. Bởi một nhà làm văn học trong nước “cuồng Việt”, “cuồng sử” viết sử theo…”chủ nghĩa tự ái dân tộc” kéo dài sử Việt tới…70.000 năm.

Ngược dòng lịch sử với 20 năm VNCH, miên Nam có Tập san Sử Địa, gây được hứng khởi về sử Việt với tinh thần…”dân tộc chủ nghĩa”. Vẫn chỉ là khai triển quyển Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim với tinh thần…”dân tộc chủ nghĩa”.

Trong khi Tập san Văn Sử Địa miền Bắc với âm bản của sử quan nhà Nguyễn: Hùng Triêu vương làm vua 94 năm, sống 286 tuổi có 60 vợ, v…v…(nguồn : Nguyễn Văn Lục)

 Thêm người thời nay với…”chủ nghĩa tự tôn dân tộc” với những triết lý thần học mông lung cho có vẻ uyên bác, sử gia tân đương đại ám chỉ linh mục triết gia Kim Định với Minh triết Việt. Vì vậy ông đã…ngôn sử chung chung như vầy: “Họ có thói quen lười nhác, lặp lại lời kẻ khác. Nói nghiêm chỉnh hơn, đó là do tác động đến tận tiềm thức của thành kiến, để nô lệ một cách vô thức. Họ trích dẫn chủ quan sai lạc từ các sự kiện trong sách sử từ xưa tới nay để viết về sử nước nhà”. (nguồn : Tạ Chí Đại Trường)


Người Minh Hương

 Đến Đình Minh Hương Gia Thạnh trên đường Trần Hưng Đạo. Đình là tòa nhà cổ nhất Saigon, xây năm 1789. Năm 1698, ở vùng này đã hình thành nên làng Minh Hương ở Gia Thạnh, làng Minh hương còn để lại câu ca dao

Gỏi chi ngon bằng gỏi tôm càng

Đố ai lịch sự cho bằng làng Minh Hương.

 Lần trùng tu cuối cùng của đình là vào năm 1921. Trong đình, bên phải thờ Trần Thượng Xuyên (có 2 di ảnh tướng Trần Thượng Xuyên) và Nguyễn Hữu Cảnh, bên trái thờ Trịnh Hoài Đức và Ngô Gia Tịnh. Cạnh đó là 1 chuông đồng do vua Minh Mạng tặng, với sắc phong và chuyển tên từ làng thành đình. Chuông được gióng một năm một lần vào ngày 16/1. Sau chánh điện là sân rất rộng gọi là Thiên Quang Tỉnh (giếng trời). Đình Minh hương Gia Thạnh cũng là nơi tề tựu, gặp gỡ của nhóm Bình Dương thi xã, sáng lập bởi Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, với nhiều nhân sĩ đến đây để ngâm thơ, xướng họa vào cuối thế kỷ 18.

 (Nguyễn Đức Hiệp)

 Thành ngữ tục ngữ…sai

 Nhanh như cái cắt 

(Cắt là loài chim bay rất nhanh. Khen ai làm gì rất nhanh).

 

Chim cắt là loài chim dữ săn mồi. Bình thường chúng không thuộc loài chim bay nhanh mà thường liệng tà tà trên bầu trời, khi phát hiện mục tiêu mới lao vút xuống như một mũi tên chộp gọn con mồi. Như vậy “nhanh” ở đây không chỉ tốc độ chim bay nói chung mà là “nhanh” ở động tác săn mồi. Theo đó thành ngữ chỉ hành động cụ thể, không phải việc làm nói chung. Thành ngữ cũng không hẳn chỉ là “khen ai” mà là lời nhận xét, so sánh hành động, cử chỉ của ai đó rất nhanh, mạnh, táo bạo và dứt khoát. 

 (Hoàng Tuấn Công)

 Ngôn ngữ: thói “ăn” nếp “ở”

của người Việt qua cách nói

Chuyện lớn chỉ thực sự xảy ra, khi "ăn"… lỡ chung chạ với "nằm". Mẹ quát con gái: "Hả, cái gì? Bộ đui hay sao mà mày ăn nằm với cái thằng trời đánh thánh đâm đó?" Nhất định là phải có "ăn" vô đây thì "nằm" mới trọn nghĩa "tằng tịu" xác thịt không chính thức.

Vợ chồng với nhau, không ai (hoặc không nên) nói "ăn nằm", mà nói "ăn ở". Khi người vợ rưng rưng nước mắt trách cứ: "Vợ chồng mình ăn ở  với nhau bảy mặt con, không còn tình cũng còn nghĩa, mình nỡ lòng nào ăn nằm với con ở. Bây giờ, nó chang bang một bụng, em biết ăn nói sao đây với con cái?".

Và, "ăn nói" trong tình huống này, có thêm nghĩa "giải thích, làm sáng tỏ", ở đây là lý do tại sao cái bụng chị ở không dưng càng ngày càng phình lớn một cách vô cùng khó hiểu.

 Chuyển qua "ăn vụng". Nghĩa đen ý nói "giải quyết cái đói một cách lén lút": "Nhà tôi có tật ăn vụng ban đêm, khuya nào cũng thức dậy, xuống bếp lục cơm nguội.". Không sao cả. Nhưng tới lúc nàng nghiến răng trèo trẹo: "Tôi nói cho anh biết, anh mà lén tôi đi ăn vụng, tôi biết được, đừng có trách tôi ác!"

(Ngô Nguyên Dũng)

 Gia Định Báo


“Quyết định về việc tờ Gia Định Báo sẽ ra mỗi ngày thứ hai, và ông Potteaux, người biên tập của tờ báo này sẽ nhận được một khoản phụ cấp là 1.200 đồng quan Pháp mỗi năm”.
Điều 1 quyết định nêu rõ tờ Gia Định Báo sẽ phát hành vào mỗi ngày thứ hai hàng tuần kể từ ngày 1.4.1869.

Căn cứ vào đó, có thể xác định hai điều:
Một là từ tháng 4.1869, Gia Định Báo đã là tuần báo. Chi tiết này cho thấy sự nhầm lẫn của một số tư liệu nghiên cứu khi xác định vào thời điểm trên, Gia Định Báo ra hai hoặc ba kỳ mỗi tháng.
Hai là cho đến lúc này, chưa ai tìm thấy một văn kiện chính thức nào qui định việc phát hành Gia Định Báo vào năm 1865. Nếu có thì theo thông lệ hành chánh, các văn kiện ban hành về sau liên quan đến nhân sự hay điều hành tờ báo đều phải tham chiếu hay viện dẫn văn kiện căn bản cho ra đời tờ báo.

Về ngày phát hành số báo đầu tiên.
Tác giả Huỳnh Văn Tòng cũng tìm thấy tờ Gia Định Báo số 4 phát hành ngày 15.7.1865 tại Trường Sinh ngữ Đông phương, Paris (Pháp); điều này đã phủ nhận thời điểm do học giả Đào Trinh Nhất đưa ra (1867). (Huỳnh Văn Tòng – Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945)

 Phở Tàu Bay “tân trang”

 Phở Bắc có mặt và nổi tiếng lâu đời nhất tại Sài Gòn là Phở Tàu Bay. Tiệm Phở Tàu Bay tọa lạc tại số 435 đường Lý Thái Tổ – phường 9 quận 10, kế cận nhà thờ Bắc Hà, nhìn chếch sang bên kia đường là bệnh viện Nhi Đồng 1.

 Tiệm Phở Tàu Bay mới xây lại.

Khác với các tiệm phở nổi tiếng tại Sài Gòn, hầu hết xây dựng khang trang, tiệm Phở Tàu Bay từ bao nhiêu năm năm nay là một căn nhà lụp xụp, nửa xây tường nửa ghép gỗ, mái tôn cũ kỹ, chỉ là căn nhà cấp 4 của Sài Gòn. Chúng tôi ngờ rằng, từ năm 1954, tiệm Phở Tàu Bay di cư từ miền Bắc vào Sài Gòn ra sao, nhiều năm sau vẫn vậy. Những lần phải sửa chữa vì thời gian làm hư hại chỉ là sửa chữa nhỏ, chắp vá mà thôi.

 (Nguyễn Đạt)

 Tiểu sử : Nguyễn Đạt sinh năm 1945 tại Vĩnh Tường, Vĩnh Yên, Bắc Việt. Hiện ở Đơn Dương, Đà Lạt.

Ông là cháu nhà văn Nguyễn Mạnh Côn

Tác phẩm : Hiện viết truyện ngắn cho riêng báo mạng Tiền Vệ và Khởi Hành.

 Làm báo văn học ở hải ngoại

 Căn phòng chỉ vỏn vẹn mười sáu thước vuông, kể cả buồng vệ sinh. Chật. Nhưng tất cả đều ngăn nắp, trật tự, sạch sẽ.

 

Đó là ‘toà soạn’ tạp chí Văn.

 

Đó là nơi làm việc, ngơi nghỉ, nấu nướng, ăn ngủ của chủ nhiệm kiêm chủ bút kiêm thư ký toà soạn kiêm kỹ thuật mỹ thuật kiêm phát hành kiêm thủ quỹ và kiêm... tuỳ phái. Nhất kiếm trấn môn liên tục mười năm nay.

 

Đó cũng là nơi, vào một số ngày nhất định trong tháng, ông ngồi trước chồng bao thư cao ngất trên năm trăm cái, dán ngay ngắn từng con tem, cẩn trọng viết tên từng độc giả, xem lại tỉ mỉ từng địa chỉ (cái nào vẫn giữ nguyên, cái nào vừa thay đổi). Công việc lẽ ra chỉ giải quyết trong hai tiếng đồng hồ, nếu sử dụng máy rập tem và đưa danh sách độc giả dài hạn vào computer (nhà thơ TYT và nhà báo ĐNY từng nhiều lần tình nguyện làm giúp). Nhưng vẫn nhất định giải quyết theo lối ‘thủ công nghệ’. Hỏi tại sao? Trả lời: "Tôi thích thế. Các bạn làm hai giờ, tôi làm hai ngày, đã sao?" "Có sao chứ, thưa anh, tốn thì giờ vô ích." - "Không vô ích đâu." Và giải thích: "Nhiều độc giả gửi thư về, nhận xét: mười năm nay, suốt chiều dài của tuổi thọ Văn, chưa một lần báo thất lạc, và vẫn tuồng chữ đó, mười năm không thay đổi. Cảm động lắm sự thuỷ chung, trân trọng của nhà văn đối với độc giả." Dừng lại để rít dài một hơi thuốc, tiếp: "Tôi không muốn sử dụng những tiện nghi của máy móc là vì vậy. Làm như tôi đang làm tuy cực đôi chút nhưng chắc chắn sẽ tạo được cảm tưởng gần gũi giữa chúng ta, những người viết, và họ, những người đọc."

 (Khánh Trường)

***

Phụ đính

Họan quan



Hiện vật mô phỏng                        

"của quý" của một thái giám

 

(theo China.org - nguồn Hà Nguyên)

 

Nhiều gia đình chuẩn bị cho con mình làm thái giám ngay lúc còn nhỏ. Một bà vú đặc biệt được thuê để thực hiện, từ lúc còn nằm trong nôi. Bà vú có một thủ thuật riêng, mỗi ngày 3 lần, nắn bóp dịch hoàn đứa trẻ khiến nó khóc thét lên. Sức bóp càng ngày càng tăng thêm, và cơ quan sinh dục đứa bé bị hủy hoại.

Khi lớn lên, chẳng những mất khả năng sinh dục, mà dương vật càng ngày càng teo dần khiến cho đứa trẻ có nhiều nữ tính. Không có trái cổ, hai vú nhô cao, mông nở, giọng nói lanh lãnh, dáng điệu trở thành bán nam bán nữ.

(Trúc Giang)

Bác tôi là hoạn quan

Một lúc sau, cha tôi về với một cục đất sét. Ông đập nhỏ, lấy một ít nước ngào trộn như lúc đắp ông táo. Khi đã thật nhuyễn, ông ngồi nặn một cái “bộ tam” có đủ cả chim dái rồi đem phơi khô. Khi đã khô cứng ông lấy rơm đốt cho đến lúc thành sành. Dường như sau đó ông có thêm vào một ít tóc rụng mà mỗi khi chải đầu mẹ tôi thường cuộn lại như một cái kén dắt lên mái tranh.

Ba tôi đem đến cho bác. Cầm cái vật kỳ lạ trên tay, khuôn mặt nhăn nheo của bác như căng ra, cái nhìn của bác nửa như kinh ngạc nửa như hài lòng. Dường như trên đôi môi khô héo xanh xao của bác ánh lên một nét cười rất nhẹ. Bác nói, chú tốt với tôi quá. Rồi bác về nhà mình đóng cửa lại.

(xem tiếp kỳ tới)

 (K.Đ.)

 Tác giả: K.D. tức Khuất Đẩu sinh năm 1940 tại Bình Định. Tên thật Trương Đẩu. Tên thường gọi Trương Thanh Sơn. Hiện sống tại Bình Định.

 

Tác phẩm: Người giữ nhà thờ họ, Lão tiền bối,

Những tháng năm cuồng nộ

Mời Xem :

Chữ nghĩa làng văn Kỳ 15/7/2023 - Ngộ Không Phí Ngoc Hùng  

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét