17 thg 8, 2023

CHỬ NGHĨA LÀNG VĂN kỳ 15/8/2023 - Ngô Không Phí Ngọc Hùng

Chữ nghĩa làng văn

*

 Chữ Việt cổ

Xanh nghịt: (hay xanh kịt) rất xanh

 Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

 

 Một số địa danh bị viết sai ở Nam bộ

Phường Đa-kao (Q.1, SG) đúng ra là Đất Hộ.

Cuối thế kỷ XIX, vùng đất nội thành Sài Gòn – Chợ Lớn, Pháp đặt ra đơn vị hành chính hộ (tương đương cấp tổng). Vùng đất Đa-kao nằm sát trung tâm Sài Gòn nên có lẽ được quy hoạch sớm nhất, nên được gọi là Đất Hộ, dần dần thành danh.

Theo Monographie de la province de Gia-Định (1902) thì: “Đất Hộ: người châu Âu viết thành Đa-kao” (tr.18).

(Lê Công Lý)

Sống, mái

 Người Bắc gọi gà trống là gà sống.

sống là chồng gà mái.

Vậy mà “một trận sống mái” lại có nghĩa khác là “một mất, một còn”. Chứng tỏ ở đâu có “sống mái” là có…“một mất một còn”.

(Nguyễn Hữu Nhật – Tiếng Việt hay quá)

Chữ Việt cổ

Cái o: cái họng con heo

(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

Chửi mất gà

Thằng đứng chiếu ngang, thằng sang chiếu dọc, thằng đọc văn tế, thằng bế cái hài, thằng nhai thủ lợn. Con gà nó ở nhà tao nó là con gà, nó sang nhà mày nó là thần đanh đỏ mỏ...

(chửi ở miền núi Nùng sông Nhị)

Chữ nghĩa…tàn lụn

Số mệnh chữ nghĩa mỏng manh như số phận con người. Thời gian như thước đo chiều dài ngắn của chữ nghĩa, đồng thời cành báo về cái hữu hạn của nó. Cũng vậy, theo sách vở, như chữ lụn, nghĩa là hết, ta chỉ dùng trong một số trường hợp hiếm hoi:

Tim lụn có nghĩa tim đèn cháy hết, mềm lụn, lụn xuống, lụn mạt..

Mấy ai còn nhớ, còn biết, còn sử dụng những chữ cổ trên.

(Nguyễn Văn Lục)

Chữ nghĩa làng văn

Một số từ ngữ cổ hiện nay vẫn còn dùng

 Người ta nói ‘gậy gộc’, ‘gậy’ thì hiểu rồi, còn ‘gộc’?

‘Gộc’ là từ mà hiện nay đã không còn nghĩa độc lập. Tiếng Hán, ‘gộc’ là chữ này []. ‘Đại Nam quốc âm tự vị’ của Huỳnh Tịnh Của giảng: ‘Gộc’ là ‘cây củi có khúc đẩn (?) mà lớn’ và cho ví dụ ‘ông gộc’ là người già cả hơn hết hoặc làm lớn hơn hết trong một xứ. Có tài liệu giảng ‘gộc’ là ‘đoạn gốc của cây tre, cây vầu’ hay có nghĩa là ‘to lớn’. Theo đó, gậy gộc nghĩa là những cây gậy lớn.

 (Nguyễn Lương Thịnh)

 201 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Cách mạng bùng lên. Như một trò chơi hấp dẫn, người học trò mới lớn ném cả tâm hồn và thể xác vào cuộc đấu tranh dành độc lập cho xứ sở Văn Cao lúc ấy nổi lên như một khuôn mặt điển hình của thanh niên. Vừa mang súng lục làm Trưởng ban Ám sát thành (theo lời Tô Hiệu, Hải Phòng) vừa là nhạc sĩ sáng tác những bản nhạc đấu tranh cách mạng: Tiến Quân Ca, Không Quân Hành Khúc, v. v...

Không những thế con người cách mạng ấy còn là tác giả của những khúc tình ca ngây ngất: Suối Mơ, Thiên Thai, Đàn Chim Việt, Trương Chi.

Văn Cao: Gặp gỡ
Tháng 2/1947, chúng tôi (ký giả Lô Răng) tự vệ khu Đông Thành, sau 2 tháng kháng chiến bằng lựu đạn, bằng mã tấu, bằng "súng trường Indochinois", đã rút ra khỏi Hà Nội, "bỏ kinh thành rừng rực cháy sau lưng". 

Tôi có một ông anh (lấy bà chị họ tôi) làm "lớn". Tôi không biết chức vụ của ông là gì. Chỉ biết ông quen biết những cán bộ trên khu, trên tỉnh. Đặc biệt ông có bên mình hai khẩu súng lục. Một khẩu Colt 12 bắn đạn Thompson lùn tịt, một khẩu nữa Parabellum của Đức bắn đạn 9. Thời trường kỳ kháng chiến, ai cũng quần nâu áo vải, chưa có quân hàm, quân hiệu nên cứ nhìn "súng" là ắt biết người. Anh nào mang mã tấu mà lại răng đen thì "chém chết" cũng là du kích. Anh nào vác Mút-cơ-tông dài ngoằn thì khỏi phải hỏi, đó là binh bét. Anh nào mang súng ngắn thì biết ngay đó là "cán bộ".

Một hôm, ông anh tôi mới hỏi tôi "Muốn đi gặp Văn Cao không? ". Thời kháng chiến, Văn Cao là một tên tuổi lẫy lừng khắp nước, ai mà không hát Tiến Quân Ca, Bao Chiến Sĩ Anh Hùng, ... ai mà không ngâm ngợi "Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối... ".

Cho nên tôi nao nức đạp xe đi theo ông anh tôi liền. Từ quê tôi qua Thạch Thất, tới Cầu Trò rồi theo đường liên tỉnh (lúc đó đã bị phá hoại, đào đường kháng chiến ngang dọc khắp nơi, nhưng xe đạp vẫn còn đi được) lên thị xã Sơn Tâỵ  Từ Sơn Tây qua Quảng Oai lên bến Trung Hà. Ở đây phải đi đò qua sông Cái (sông Hồng) sang một thành phố ngã ba bên kia sông: Việt Trì.

(Văn Cao: Giấc mơ của một đời người – Phan Lạc Phúc)


Vũ Bằng

Nghệ thuật viết chân dung

Vũ Bằng đã chỉ rõ khả năng hư cấu vô biên, óc tưởng tượng mạnh mẽ phi thường của Vũ Trọng Phụng để có thể viết nên những thiên phóng sự độc nhất vô nhị: “Phụng có một cái tài đặc biệt là không hề biết đánh bạc là gì, mà tập phóng sự đầu tiên viết cho báo Nhựt Tân, anh dám đề cập đến vấn đề bạc bịp”…và “anh viết như một người đánh bạc thông thạo nhất”.

“Cũng thế, đọc chuyện Số đỏ, ai cũng tưởng Phụng là một tay ăn chơi sành sỏi mà lại “đểu” là khác nữa, nhưng sự thật trái ngược hẳn: trong tất cả anh em quen biết, Phụng có lẽ là người “chân chỉ hạt bột” nhất. Tiêu pha hay chơi bời gì, anh tính toán từng đồng, không phải là vì kẹo, nhưng vì anh phải đưng mũi chịu sào lo cho cả nhà, trong đó có một bà nội góa và một bà mẹ góa, đồng thời lo sao để dành dụm được ít tiền lấy vợ, hầu có con nối dõi”.    

Và những dòng tả chân Vũ Trọng Phụng viết tiểu thuyết như thế nào quả là chưa từng có trên văn đàn:  

“Vũ Trọng Phụng không bao giờ có thời giờ để viết quá mười trang giấy. Cứ gần đến ngày phải nạp bài cho Hà Nội báo – tiểu thuyết Giông Tố bắt đầu viết từng kỳ trên báo này – Vũ Trọng Phụng lại ngồi ì ra một đống, hút thuốc lào và hỏi ầm lên có ai biết kỳ trước Giông Tố đã viết đến đoạn nào rồi không. Chẳng ai trả lời cả, bởi vì chẳng có ai đọc Giông Tố hết.

Vũ Trọng Phụng chán đời hết sức, đành phải đi tìm Hà Nội báo để đọc xem mình đã viết đến câu gì, bấy giờ mới phủ phục xuống giường như con voi viết tiếp, mắt hiếng hẳn đi mà lưỡi thì lè ra như lưỡi con thằn lằn, có khi vừa viết vừa chửi thề sao mình lai khổ đến thế này, cứ phải viết mới có tiền sinh sống.

Bây giờ Phụng đã ra người thiên cổ; nhắc đến anh, người ta thường kể lại một câu nói của anh: “Nếu mỗi ngày tôi có một miếng bí tết để ăn thì đâu có phải chết non như thế này!”.

Vũ Trọng Phụng sống nghèo khổ như vậy nhưng khi tiếp xúc với người  ngoài cuộc sống xã hội lại có dáng vẻ ung dung tự tại”

(Đỗ Ngọc Thạch)

Sở Cuồng Lê Dư

Lê Dư (? - 1967), tên thật là Lê Đăng Dư, hiệu Sở Cuồng (người Cuồng nước Sở), là nhà nghiên cứu lịch sử và văn học Việt Nam.

Lê Dư là người ở xã Nông Sơn, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ, ông học ở quê nhà. Khoảng năm 1900, ông cùng với Nguyễn Bá Trác, Phan Khôi  ra Hà Nội học tiếng Pháp, rồi tham gia phong trào Đông Du.

1908, phong trào Đông du bị khủng bố tại Tokyo, vì Pháp và Nhật cấu kết nhau, trục xuất tất cả du học sinh và các nhà cách mạng Việt Nam ra khỏi đất Nhật.

Từ đó ông sang Trung Hoa và Triều Tiên.

Ở đây, ông là người đầu tiên phát hiện ra dòng họ Lý, hậu duệ của Hoàng tử Lý Long Tường, con thứ của vua Lý Anh Tông.

Ba mươi năm: Khỏang cách và dấu nối

 

Trần Nhuệ Tâm: Người thi sĩ/văn sĩ Việt kiều mà ông thân nhất đã nói cho ông nghe điều gì về thơ/văn hải ngoại và thế giới? Những quan điểm nào ông đồng tình và không đồng tình? Ông nghĩ sao về các khuynh hướng sáng tác như Hậu hiện đại Tân cổ điển…

Nguyễn Trọng Tạo: Tôi thích quan điểm của Khánh Trường khi lấy chữ Hợp Lưu đặt tên cho tờ tạp chí văn chương ra đời ở Mỹ. Anh muốn họp mặt các dòng chảy của văn học Việt dù trong nước hay ngoài nước dù trường phái này hay trường phái nọ. Tất nhiên là trên một bình diện văn hoá nhất định. Có lúc tôi đã nói với anh rằng nhiệm vụ của chúng ta sau cuộc chiến là hàn gắn vết thương vĩ tuyến 17 chứ không phải là khoét sâu thêm thù hận. Đó cũng là nhiệm vụ nhân văn cao cả của văn chương.

Bạn cũng nên hiểu rằng trong cuộc chiến tôi và Khánh Trường cầm súng ở hai chiến tuyến cùng thế hệ cùng tuổi cùng đeo đuổi văn nghiệp. Vì thế tôi đọc hầu hết những tờ Hợp Lưu may mắn có được bằng nhiều con đường khác nhau.

 (Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

 Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Người khôn con mắt dịu hiền
Người dại con mắt láo liên nhìn trời!

 Trường Sơn đông, Trường Sơn tây - 1

 Hồng Thanh Quang: Anh tuy xuất thân từ vùng nông thôn, nhưng lại học khoa Văn, là sinh viên, chắc anh cũng rất hào hoa với mọi điểm mạnh điểm yếu của sinh viên thời ấy. Cảm giác đầu tiên khi anh vào bộ đội như thế nào?

Phạm Tiến Duật: Khó khăn, lúc đó mình thanh niên, tính thì bồng bột, hiếu thắng, có thể cũng hơi cố chấp. Khi ngồi thảo luận về chính trị, nghe bảo Lênin nói “chủ nghĩa xã hội có thể thắng lợi ở một nước, ở một khâu yếu nhất trong toàn bộ hệ thống mắt xích của chủ nghĩa tư bản” thì mình, vốn đã đọc sách của Lênin rồi, cứ dứt khoát khẳng định, câu đó không phải của Lênin mà Lênin đã nói rằng, “khi tên Baconhin lúc chưa trở thành tên đốn mạt, hắn đã nói được một câu đúng rằng, chủ nghĩa xã hội có thể thắng lợi ở một nước...”.

Tức là Lênin đã trích dẫn câu nói đúng của người khác; lãnh tụ sòng phẳng thế đấy nhưng do anh em ta đọc tài liệu toàn những trích dẫn không đầy đủ nên hiểu cũng không đầy đủ, mặc dù đã đúng rồi. Tất nhiên, bảo là Lênin nói như thế thì cũng không sai nhưng do Duật, Phạm Tiến Duật hồi đó còn trẻ, cứ tranh luận tới cùng, nên khiến một vài đồng chí cảm thấy bị xúc phạm…

Rồi còn chuyện này nữa. Khi Duật được giải thưởng thơ rồi, đồng chí Võ Nguyên Giáp điện thoại vào Trường Sơn cho đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, nói là nên xuống chăm sóc Duật một tý…

Lúc đó thế nào là chăm sóc? Thì làm cho một cái phòng riêng và mắc điện, mà quy định từ thượng tá trở lên mới được mắc điện. Lúc đó đến cấp trung tá cũng không có điện, cấp thiếu tá lại càng không có điện, nhưng đồng chí Duật mới cấp thượng sĩ lại có điện, có một phòng riêng, mà phòng đẹp hơn bất kỳ ai, vì nhà được lát gỗ. Tư lệnh đã ra lệnh rồi mà, ngoài Bộ điện vào bảo chăm sóc nên Duật mới được như thế. Thành ra Duật cũng bị người này người kia ghen tị, tìm cách gây khó khăn...

 Hồng Thanh Quang)

 



(Nhà thơ Phạm Tiến Duật

tác giả bài thơ Trường Sơn

đông Trường Sơn tây)

 

 

 

Bên lề chữ nghĩa

Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

Ăn Bún mọc Hàng Gà

(Nguồn: Tôi đi đâu)

 

Trường Sơn đông, Trường Sơn tây - 2

 - Anh còn nhớ và có thể kể lại tình huống lúc anh được giải thưởng thơ của báo Văn nghệ không?

- Dạo đó, mình đang ở một nơi thuộc huyện Ăng Khăm, tỉnh Khăm Muội; Bộ Tư lệnh 559 mỗi một năm di chuyển tới mấy nơi. Hôm ấy, tôi nhớ là cánh rừng gió kinh khủng, gió ghê gớm, gió ào ạt. Duật đang ngồi với một nhóm bạn thì có người gọi: “Duật ơi! Lên nghe đài”. Giữa rừng chỉ có độc một cái radio thôi. Mình lên thì nghe thấy ông Hoài Thanh đang đọc bài phát biểu lúc trao giải thưởng, nhắc rất nhiều đến Phạm Tiến Duật. Mọi người nói rằng, đoạn trên thì họ nói xong rồi, có nghe họ nói là anh được giải Nhất. Thế thì biết vậy!

 Bài thơ đó được anh Định Nguyễn, tên thật là anh Nguyễn Bé qua đời. anh ấy mất và Văn nghệ đã phúng anh ấy và đăng lại bài thơ Vòng trắng. Thực ra tôi không có bài thơ nào tên là “Vòng trắng” cả, bài thơ này là Viết về số  0 và đấy mới đúng chứ không phải là Vòng trắng:

Khói bom lên trời thành một cái vòng đen
Trên mặt đất lại sinh bao
vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong yên lặng
Cái yên lặng bình thường đến sau chiến tranh
Có mất mát nào lớn bằng cái chết
Khăn tang, vòng tròn như một số không
Nhưng bạn ơi ở bên trong
vòng trắng
Là cái đầu bốc lửa ở bên trong”.

(Hồng Thanh Quang)

 Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ

Thể văn “Tự sự”

 Truyền kỳ mạn lục – Nguyễn Dữ - 1

 Truyền kỳ mạn lục (sao chép tản mạn những truyện lạ) là sáng tác duy nhất của danh sĩ Nguyễn Dữ, sống vào khoảng thế kỷ 16.

Truyền kỳ mạn lục viết bằng chữ Hán, theo thể loại “tự sự” viết theo dạng tản văn. Nguyễn Dữ làm ra sách Truyền kỳ mạn lục trong khoảng thời gian ông đến ẩn cư ở rừng núi xứ Thanh (Thanh Hóa). Cách thức xây dựng tác phẩm là tác giả mượn một nhân vật có thật hay chỉ có trong huyền thoại, rồi kết cấu, xây dựng lại nhân vật, thêm bớt tình tiết, tu sức ngôn từ...để tái tạo thành một thiên mới.

 

Truyền kỳ mạn lục gồm 20 truyện, cuối mỗi truyện có lời bình của tác giả hoặc của một người có cùng quan điểm với tác giả. Hầu hết các truyện xảy ra ở đời Lý, Trần, Hồ hoặc Lê sơ. Lấy tên sách là Truyền kỳ mạn lục, Nguyễn Dữ muốn thể hiện thái độ khiêm tốn của một người chỉ ghi chép truyện cũ. Tuy nhiên, căn cứ vào tính chất của các truyện thì Truyền kỳ mạn lục không phải là một công trình sưu tập như Lĩnh Nam chích quái, mà là một sáng tác văn học đích thực, đánh dấu bước phát triển của thể loại tự sự hình tượng trong văn học chữ Hán.

 

Với một nhà Nho uyên bác như Nguyễn Dữ thì một tác phẩm duy nhất như Truyền kỳ mạn lục chỉ gồm 20 truyện là điều bất thường!? Song, chỉ với 20 truyện trong cuốn Truyền kỳ mạn lục, người đọc như được một sự “đi ngược thời gian” thật kỳ diệu: Câu chuyện ở đền Hạng vương (Hạng vương từ ký); Chuyện cây gạo (Mộc miên thụ truyện); Chuyện gã trà đồng giáng sinh (Trà đồng giáng đản lục); Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên 

(Đỗ Ngọc Thạch)

 Cơm làng    

 Đồ cúng

 

Mâm cơm cúng ở đình làng phải có đài rượu (Vô tửu bất thành lễ), mâm xôi, con heo hay gà (con sinh) (1) trái cây và đôi khi có món " hèm (2)". Con heo cúng phải là " con heo toàn sinh (thịt sống cạo lông sơ qua) ", xôi tế phải là gạo toàn nếp trắng tinh. Tất cả đồ cúng phải được rước tới đình bằng cách đội và gánh.

Rượu thịt dâng lễ xong thì dân làng cùng hưởng hoặc cùng ăn tại đình hoặc làm phần chia cho cả làng. Người dân rất quí " Miếng thừa lộc thánh " tức miếng phần việc làng nên thường nói: "Miếng việc làng hơn sàng xó bếp ".

 (1) - Một mâm cơm lễ hội " sắp tư ", " sắp năm " là tùy tục lệ từng làng, có món ăn " hèm " như Đình Bảng xứ Bắc mâm cao cỗ đầy (ba tầng) nhưng bao giờ cũng có món chuột đồng nướng; lễ hội đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng là tiệc bánh trôi bánh chay.

(2) - Hèm là thói quen của thần đôi khi là một thói quen xấu như ăn trộm, ăn xin của thần thì được tổ chức kín đáo.

(Lạp Chúc Nguyễn Huy)

 Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ

Thể văn “Tự sự”

 Truyền kỳ mạn lục – Nguyễn Dữ - 2

 Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên là một truyện đặc sắc, được lưu truyền rộng rãi bởi nó là ước vọng không nguôi của tác giả cũng như kẻ sĩ nói chung: Không có tình trong đời sống thực thì đi tìm trong cõi Tiên “Tình mộng ảo”:

”Trong năm Quang Thái đời nhà Trần, người ở Hóa Châu tên là Từ Thức, vì có phụ ấm được bổ làm tri huyện Tiên Du . Bên cạnh huyện có một tòa chùa danh tiếng, trong chùa trồng cây mẫu đơn, đến kỳ hoa nở thì người các nơi đến xem. Người ta thấy có cô con gái, tuổi độ 15, 16 đến hội ấy xem hoa. Cô gái vin một cành hoa, không may cành giòn mà gãy, bị người coi hoa bắt giữ lại. Từ Thức cũng có mặt ở đám hội, thấy vậy động lòng thương, nhân cởi tấm áo cừu gấm trắng để chuộc lỗi cho người con gái ấy. Mọi người đều khen quan huyện là một người hiền đức.

Song Từ Thức vốn tính hay rượu, thích đàn, ham thơ, mến cảnh, việc sổ sách bỏ ùn bị quan trên quở trách. Bèn trả ấn tín, bỏ quan mà về. Vốn yêu cảnh hang động ở huyện Tống Sơn , nhân làm nhà tại đấy để ở. Một hôm Từ Thức dậy sớm trông ra bể Thần Phù ở phía ngoài xa vài chục dặm, thấy có đám mây ngũ sắc ùn ùn kết lại như một đóa hoa sen mọc lên, vội chèo thuyền ra thì thấy một trái núi rất đẹp. Chợt thấy ở trên vách đá bỗng nứt toác ra một cái hang. Vén áo đi vào, vừa được mấy bước thì thấy có bà tiên áo trắng, ngồi trên giường bảo gọi một cô tiên ra, Từ liếc nhìn trộm, chính là người làm gãy cành hoa ngày trước. Bà tiên trỏ bảo rằng: “Đứa con tôi đây tên là Giáng Hương, ngày trước gặp nạn trong khi đi xem hoa, nhờ chàng cứu gỡ, ơn ấy khôn quên, nay muốn cho nó kết duyên để báo đền ơn trước”.

Lời bình của Nguyễn Dữ cuối truyện Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên 
 

Than ôi, nói chuyện quái sợ loạn chuyện thường, cho nên thánh hiền không nói. Nhưng việc Từ Thức lấy vợ tiên, cho là thực không ư ? Chưa hẳn là không; Cho là thực có ư? Chưa hẳn là có. Có không lờ mờ, câu chuyện tựa hồ quái đản. Nhưng có âm đức thì tất có dương báo, cũng là lẽ thường. Những bậc quân tử sau này khi để mắt đến sẽ liệu mà thêm bớt, bỏ chỗ quái mà để chỗ thường thì phỏng có gì là hại?.

(Đỗ Ngọc Thạch)

 

Cơm làng    

 Chỗ ngồi

 

Ngôi thứ được tôn trọng trong thứ tự tên trong văn tế, thứ bậc, chỗ đặt mâm lễ cúng, chia xôi thịt... Trong bữa cơm làng, chỗ ngồi được xếp cho từng hạng người theo tục lệ hương ẩm trong làng.

Theo tập quán được chia thành 5 hạng:

-Thứ nhất là hạng quan viên  hay chức sắc ( khoa mục, chức tước), tân cựu hương chức. Hạng quan viên mới được tham dự tế tự trong làng, ngồi chiếu trên. Muốn trở thành quan viên thì phải khao vọng đã được triều đình ấn định  để công bố sắc chỉ vua ban: Tú tài thì khao một con gà, một đĩa xôi, ba quan tiền; cử nhân khao môt con lợn, một mâm xôi và 5 quan tiền v.v.

- Hạng thứ hai gồm những bô lão trên 60 tuổi, được làng xã miễn cho các hình thức sưu dịch, thuế khóa, đóng góp;

- Hạng thứ ba là các kỳ mục trong làng gồm lý trưởng, phó lý, chánh tổng đương chức, các cựu lý trưởng, phó lý và chánh tổng;

 

Các quan viên hoặc già cả ngồi chiếu trên, hạng tráng đinh ngồi chiếu dưới hạng thấp nhất là " ông mõ " một mình một chiếu thảnh thơi ngồi. Ngồi quanh mâm cơm, mâm cỗ tại đình làng cũng phải theo thứ bậc (phẩm tước, tuổi, khoa bảng) được xếp đặt theo tục lệ của làng. Cung cách ngồi, cách ăn ... quanh mâm cơm làng làm chuẩn mực cho tổ chức mâm cơm trong gia đình.

(Lạp Chúc Nguyễn Huy)

 Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ

Thể văn “Ký sự”

Bắc sứ thông lục – Lê Quý Đôn

Trong tựa sách “Bắc sứ thông lục”, tựa viết năm 1763, ông lại kể rằng: “Ở nước Nam ta, tiền bối đi sứ có để lại nhiều tập thơ nhưng chưa ai kể lại các sự việc (ký sự, bút ký). Năm 1737). Tổn Trai tiên sinh họ  (Lê Hữu Kiều, đậu tiến sĩ khoa 1715) được sung phó sứ đi mừng vua Càn Long lên ngôi, có chép việc sử, nhật trình, đường đi, thơ văn thù ứng, vấn đáp và các sự tích, phong tục nghe thấy, viết thành sách đề là Sử Bắc ký sự. 

Khi ta chưa đậu, ông từng đưa cho ta xem và bảo: “Đây là sách ta lược biên để có thể mang theo trong túi áo. Cậu ngày sau chắc sẽ được chọn đi sứ. Cậu nên sẽ tiếp tục chép nhiều thêm để cho được nhiều sự trạng và lời văn vẻ hơn”.

Ông viết nhiều sách, như Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục, Đại Việt thông sử, Vân Đài loại ngữ, Danh thần lục, Quốc triều tục biên, v…v…và Bắc sứ thông lục,

Năm 1759, vua Lê Ý Tông mất, triều đình cử ông làm phó sứ, để cùng với Lê Duy Mật cầm đầu phái đoàn sang nhà Thanh báo tang và nộp cống 1760. Trên đường sang Yên Kinh (nay là Bắc Kinh), ông thấy các quan lại nhà Thanh có thói quen gọi đoàn sứ của nước Đại Việt là "di quan, di mục" (quan lại mọi rợ), ông lên tiếng phản đối, từ đấy họ mới gọi là "An Nam cống sứ". Trở về nước năm1762, năm sau (1763), ông viết Bắc sứ thông lục.

Lê Quý Đôn sinh ngày 5-7-1726 tại làng Diên Hà, tỉnh Thái Bình. Thuở nhỏ, ông nổi tiếng là người có trí nhớ thần kỳ, được người đương thời coi là "thần đồng". Năm 1739), ông theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long. Năm 1743 đời vua Lê Hiển Tông, ông dự thi Hương và đỗ đầu (Giải nguyên) lúc 17 tuổi. Năm 26 tuổi (1752), ông dự thi Hội, và lần này thì đỗ Hội nguyên. Vào thi Đình, ông đỗ luôn Bảng nhãn. Vì kỳ thi này không lấy đỗ Trạng nguyên, nên kể như cả ba lần thi, ông đều đỗ đầu.

Sau khi đỗ đại khoa, năm 1753, Lê Quý Đôn được bổ làm Thị thư ở Viện Hàn Lâm, rồi sung làm Toản tu quốc sử năm 1754.

Chữ là nghĩa

Người ta đã thống kê được rằng, cuộc đời một người đàn ông hầu hết gắn bó với chữ “ăn”. Khi "làm ăn thất bại" thì đành "ăn mắm mút dòi", thậm chí tán gia bại sản, buộc phải "ăn bờ ở bụi".

 Khoa cử thời xưa

 Khải Định, vua nổi tiếng giỏi chữ Hán và chữ Nôm, dưới đày là một câu đối trên rặt Nôm, dưới ròng Hán của vua:

“Xuân xanh tuổi ngoài đôi chục, chơi đục trần ai, khi bài khi bạc, khi tài bàn vác, khi tổ tôm quanh, khi năm canh ngồi nhà hát, khi gác cổ ả đào, khi ghẻ tầu con đĩ xác, khi nằm rạp thuốc phiện tiêm, hoanh ra dáng rạng ra rồng, ngông ra phết, cóc biết chi tồi, miệng én đưa qua mùi gió thoảng”.

“Quốc gia lịch tứ thiên dư, do truyền nhân vật, như Tô như Duật, như Phật Tử Quân, như Trần Quốc Tuấn, như Phạm Công thượng tướng quân, như Bạch Vân phu tử, như ngự sử Lê Cảnh Tuân, như công thần Nguyễn Công Trứ, tài chi tuấn thời chi tuế, thế chi ư, khí nhưng nhiên phủ, thần long đắc vũ tiện vân đằng”

Ngôn ngữ: thói “ăn” nếp “ở” của người Việt qua cách nói

 Cùng nghĩa với "ăn", trong tiếng Việt có "ăn xin", "ăn mày": "Xin" người khác để có miếng ăn, để sinh sống. Khắp nơi trên thế giới, đều có người ăn mày. Thậm chí, như ở Việt Nam, có cả làng sống bằng nghề ăn mày, từ đời cha tới đời con. "Ăn mày", vì vậy, nghiễm nhiên trở thành cái nghề. Để rồi, từ "nghề" chuyển ra "nghiệp", đâu mấy ai nhờ đó mà "ăn nên làm ra"?

Qua tới các động từ "ăn cắp", "ăn trộm", "ăn cướp" thì đột nhiên "ăn" không còn ý nghĩa là hành động giải quyết cái đói nữa, mà: lấy của người khác làm của riêng. Ca dao có câu:

Con ơi học lấy nghề cha, 
Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm.

 Thì ra, không phải chỉ có nghề "ăn mày", có cả nghề "ăn trộm" nữa kia. Trong khi "ăn cắp" và "ăn trộm" mang nghĩa lén lút, lặng lẽ, lấm lét, thì "ăn cướp" là lấy công khai, nhiều khi sử dụng cả dao găm, súng đạn để tước đoạt cho bằng được. 
Con ơi nhớ lấy câu này, 
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.

 

(Ngô Nguyên Dũng)

 Cửa ô Thăng Long - Hà Nội xưa

 Một trong 16 cửa ô


Sơ đồ thành ngoài (Đại La) của tỉnh thành Hà Nội năm 1831 trên cơ sở bản vẽ của Trần Huy Bá với 16 cửa ô. Các cửa ô tập trung nhiều ở mặt sông Hồng do kiêm chức năng cửa khẩu buôn bán.

 Chữ nghĩa làng văn

 Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

(Ca dao)

 Theo ngu ý tui, thật ra đây chỉ là...thơ nhớ đào của các cụ. Kể ra các cụ cũng nhiêu khê thật ấy chứ. Ai đời trong lúc nhớ "ghệ" mà các cụ cũng hì hục leo lên cây bưởi đặng hái hoa mà nhớ tới em. Các cụ thi vị và phong lưu thật chả bù cho tớ, đang lúc tớ nhớ tới cái con bồ nhí năm xưa thì nếu có cây bưởi trước mặt tớ cũng lục đục leo lên mà hái...hỏng phải hái hoa...mà hái hai trải bưởi bưng xuống ngắm nghía và nhớ em muôn vàn.

 Thôi hỏng dám nhớ tới em nữa mà trở về cái nụ tầm xuân.

Tui nghĩ là các cụ chơi chữ, các cụ muốn ngược dòng thời gian trở về dĩ vãng nên các cụ mới mượn cái nụ tầm xuân ra để gửi ý.

Tầmtìm nên tầm xuân chắc hẳn có nghĩa tìm mùa xuân.

Mùa xuân của cụ đã một đi không trở lại rồi nên cụ đành ra ngồi dưới gốc cây bưởi trong vườn cà và nhớ tới cái thuở ban đầu lưu luyến ấy mà tầm xuân, tìm mùa xuân, nhớ tuổi thanh xuân và tiếc. Chắc cái vườn cà này ngày xưa cụ đã từng: "đưa em về dưới mưa, dẫn em ra gốc...cà" nên bây giờ nó vẫn mang lại cho cụ một trời tâm sự. Hoặc bắt chước thi sĩ Phạm Thiên Thư "Trèo lên cây bưởi khóc người rưng rưng"....

Những khuất lấp thời Hồng Bàng thị

Đền Hùng thờ 18 đời Hùng Vương ở núi Nghĩa Lĩnh, thuộc huyện Phong Châu, Phú Thọ. Ở đền Hùng, thần tích, ngọc phả ghi chép 18 đời vua Hùng Vương với đầy đủ duệ hiệu với tên tuổi và thời gian trị vì. Những văn bản đó được cho là viết lại vào khoảng thế kỷ 18 dưới đời Lê Trung Hưng.

Có người còn sửa lại bản “Cổ Việt Hùng thị thiên thế thánh vương ngọc phả cổ truyện” cũng được cho là làm từ thời Lê Thánh Tông (1470) nay còn để ở đền Hùng. Cho đến nay, không có sử liệu khả tín nào dẫn chứng đền Hùng dựng năm nào? Tuy nhiên có nguồn khác đền Hùng dựng lên từ thời Lê Thái Tổ. Tất cả chỉ là ngoa truyền, vì trong văn học sử chỉ duy nhất Lê Quý Đôn nhắc đến đền Hùng qua danh tính ông từ giữ đền Hùng và chuyện dân chúng sửa sang đền Hùng nhưng lại ăn cắp gỗ mang về làm nhà.

Bia “Hùng miếu kỷ niệm bi” ghi rõ chuyện trùng tu năm 1915 khi đang xảy ra Thế chiến I do Công sứ M.G. Guillard cho dựng lên.

Với chuyện Lĩnh Nam chích quái cho 50 người con của Lạc Long quân ngụp lặn quanh Ðộng Ðình hồ phía nam núi Ngũ Lĩnh. Đại Việt sử ký toàn thư cho 50 con của Âu Cơ an cư lạc nghiệp ở Việt Trì. Sử quan nhà Nguyễn đặt Lạc Long quân (và An Dương Vương) là “vua mở đầu nước Việt” hay Hùng vương? Vua Hùng thắng thế nhờ Tự Ðức: Vua Hùng là quốc tổ… là tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam.

 Qua núi Nghĩa Lĩnh ở Phú Thọ, sử quan nhà Nguyễn mò mẫm vì chữ “Lĩnh” hình tượng núi Ngũ Lĩnh bên Tàu, vì vậy đền Hùng được dựng lên ở…núi Nghĩa Lĩnh.

 Người Minh Hương

Các từ gốc Quảng Đông

 Xí mụi: do Quảng Đông gọi Xíu mụi, chữ Nho là Tiêu mai.

Hủ tiếu: Không biết chữ ra sao, nhưng do Quảng Đông đưa vào, họ nói là “phải”, không hiểu sao ta lại biến thành hủ tiếu.

Xíu mại: Không biết chữ nghĩa ra sao, nhưng đa số các món ăn đều do Quảng Đông đưa vào.

Chạp phô: Chỉ là tạp hóa. Nhưng chính người Quảng Đông lại cho nó cái nghĩa hạn chế là thực phẩm: trứng vịt, tôm khô, cá khô,v.v. còn các cửa hàng bán các thứ khác cũng tạp nhạp lại không được gọi là chạp phô.

Dầu cháo quảy: tức con quỷ nướng trong dầu, chỉ loại bánh bột mì chiên mỡ.

Ly: cốc bằng pha lê, người Quảng Đông gọi là Pò Lý Púi, tức Pha Lê Bôi, ta nuốt hết, chỉ chừa lại…“lý”  và đọc là…”ly”

(Nguyễn Đức Hiệp)

Một lần tới thủ đô


Chiều hôm đó, chúng tôi ăn cơm trong một quán cơm bình dân. Nghe nói bia hơi Hà Nội ngon lắm, chúng tôi gọi uống thử. Không ngon như đồn đại, tôi thấy nó
nhạt và chua. Trong quán, có một anh cũng ngồi ăn và uống bia, anh ta chắc là một tay buôn vì tôi thấy chiếc xe của anh hai bên phía sau có chở hai cái sọt.

Ăn xong, anh trả tiền, rồi càu nhàu: "Bia với bọt nhạt như nước nồn, chua noen noét như cứt mèo, nàm mẹ nó be rượu cho xong". Chị chủ quán bình thản: "Như lước lồn thì ló mới nghìn rưỡi, còn muốn không như lước lồn thì những ba nghìn rưỡi cơ. Buôn cứt người còn chê cứt mèo. Sốt ruột". Anh chàng định sửng cồ, nhưng thấy chị chủ quán tay lăm lăm con dao thái thịt, chắc không phải tay vừa, nên anh cun cút đi mất.

Quả thật, cách đối thoại của người Hà Nội vô cùng khó hiểu, hình như nó mang nhiều tính ẩn dụ. Thì người Tràng An mà lại, ho ra thơ, thở ra văn. Có điều tôi thấy quá nhiều người phát âm sai chính tả. Nhưng tôi nghĩ, nói ngọng tức phát âm không chuẩn do khiếm khuyết ở lưỡi hoặc dây thanh quản. Họ không thế, họ không nói ngọng mà phát âm sai chính tả.

 Tối hôm đó, tôi kể chuyện đi chơi và phát biểu cảm tưởng của tôi cho mấy cô diễn viên múa người Hà Nội. Các cô cười ngặt nghẽo và bảo: "Hà Nội là như thế đấy, các anh không quen nên thấy sốc đó thôi, bọn em thấy bình thường". Một cô múa tiết lộ với tôi: "Ở Hà Nội còn nhiều nơi thơ mộng lắm. Ở những nơi đó anh sẽ thấy Hà Nội đúng như những gì anh đã nghĩ, như vườn Bách Thảo chẳng hạn, ở gần lăng bác ấy.

 (Vương Văn Quang)

 Thành ngữ tục ngữ…sai

 Những giải thích sai, hoặc không giải thích nghĩa đen, ghi sai, ghi nhầm, hiểu sai hoàn toàn ý nghĩa thành ngữ tục ngữ trong “Tự điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam ” của Nguyễn Lân:

Sống được miếng dồi chó, chết được bó vàng tâm

(Giễu kẻ tham ăn.)

 

Không đúng! Nếu hiểu như GS thì vế thứ hai “chết được bó vàng tâm” cũng là giễu kẻ “ham chết” hoặc người chết “tham” cỗ quan tài vàng tâm hay sao? Đây là cách ca ngợi món dồi chó (miếng ăn ngon khi sống) và cỗ quan tài bằng gỗ vàng tâm (khi chết).

(Hoàng Tuấn Công)

 Gia Định Báo


Gia Định Báo là phương tiện thông tin của thực dân Pháp ở Đông Dương với tư cách là một tờ công báo chuyên đăng các công văn, nghị định, đạo dụ, thông tư của chính quyền. Sau này, khi Trương Vĩnh Ký chính thức làm giám đốc, tờ báo mới được phát triển mục biên khảo, thơ văn, lịch sử... Từ đó, báo không chỉ làm một tờ công báo đơn thuần nữa. Gia Định Báo cũng góp phần cổ động việc học chữ Quốc ngữ và lối học mới, mở đường cho các thể loại văn xuôi Việt Nam in bằng chữ Quốc ngữ, đặt nền móng cho sự hình thành báo chí Việt Nam (Theo Wikipedia tiếng Việt).

(Lễ khánh thành tượng Trương Vĩnh Ký ngày 24-12-1927 ở một góc công viên Thống Nhất trên đường Norodom). Tượng do Trần Chánh Chiếu quyên góp khắp Nam Kỳ lục tỉnh để xây dựng - Ảnh tư liệu)

(Nam Sơn Trần Văn Chi)

Phở Tàu Bay “tân trang”

Khoảng nửa năm nay tiệm Phở Tàu Bay đã được đại tu, xây dựng lại, bộ mặt thay đổi hoàn toàn. Căn nhà hai tầng lầu khang trang như các tiệm phở nổi tiếng khác, xứng đáng với sự nổi tiếng và chất lượng phở ngon vào bậc nhất của phở Sài Gòn. Là khách hàng thường xuyên của Phở Tàu Bay từ nhiều năm, chúng tôi không nói Phở Tàu Bay là phở ngon nhất, nhưng là phở đặc biệt, hương vị không lẫn với bất cứ phở của tiệm phở danh tiếng nào tại Sài Gòn. Nghĩa là chất lượng phở của tiệm Phở Tàu Bay có hương vị khác biệt hẳn, hợp với khẩu vị của nhiều người, khách ăn một lần cũng khó quên được.

So sánh với các tiệm phở danh tiếng khác tại Sài Gòn, chúng tôi nhận thấy Phở Tàu Bay khác phở Hòa ở đường Pasteur ở chỗ ăn không dễ ngán dù tô phở to bự đầy ắp, giá cả tô phở của Phở Tàu Bay vẫn rẻ hơn phở Hòa chút ít. So với phở Dậu ở Cư Xá Hàng Không cũ tại đường Công Lý (cũ) thì giá cả tô phở của Phở Tàu Bay rẻ hơn nhiều. Hơn nữa, nhiều người cho rằng cung cách phục vụ của nhân viên tiệm phở Dậu khá “chảnh,” khách ăn thường hỏi rau húng rau quế, luôn bị nhân viên phục vụ của tiệm phở Dậu nói thẳng là không biết ăn phở: “Phở đúng là phở chỉ dùng chút hành ngò, không ăn thứ rau nào khác với phở được!”

Điều này không hợp khẩu vị của rất nhiều khách ăn phở tại Sài Gòn, luôn luôn ăn phở cần có dĩa rau thơm các loại, kể cả xà-lách để cho vào tô phở. Phở Hiền có vài ba quán tiệm, trong đó có tiệm phở Hiền ở con hẻm lớn của đường Trần Quang Khải, trước gọi là hẻm trường Văn Hiến; và tiệm phở Hiền tại đường Nguyễn Trãi (đường Võ Tánh cũ). Phở Hiền cũng thuộc loại phở ngon hàng đầu của phở Sài Gòn, nhưng hương vị tô phở cũng tương tự phở của các tiệm phở ngon khác, chứ không có hương vị đặc biệt như Phở Tàu Bay.

(Nguyễn Đạt)

 Làm báo văn học ở hải ngoại

 Đó cũng là nơi, hằng đêm, vào những khuya khoắt, ngầy ngật ra khỏi giấc ngủ chập chờn, ông trở dậy, bước đến chiếc tủ lạnh, với tay cầm chai rượu rót ra ly... Và giữa tịch mịch của đêm sâu, giữa lũ bàn ghế chăn giường sách vở câm nín vô hồn, trước màn ảnh tivi xanh đỏ, trong tay ly rượu hết vơi lại đầy, ông vừa uống vừa kiên nhẫn chờ đợi một ngày mới. Một ngày như mọi ngày! "Đêm, không ngủ được, chỉ mê đi vài tiếng, rồi lại thức, lại uống - cười - không uống thì làm gì?" Hỏi, như một lối chấm câu, để tiếp: "Uống mãi vẫn chả hết đêm... Thì bày chén bát soong nồi ra, ta nấu gói mì, ta luộc quả trứng. Thế là vừa uống vừa ăn vừa xem TV. Hừm... thích lắm." Một lần, thích. Hai lần, thích. Ba bốn năm sáu lần, có thể còn thích. Nhưng như thế, đã bao nhiêu năm (mỗi năm ba trăm sáu mươi lăm ngày) Chúng ta hãy tưởng tượng đi. Một mình, với đêm.

 

Đó cũng là nơi trở về sau buổi tối cùng anh em ở những hàng quán. Trong lòng băng ghế trước, ông ngồi so vai lặng lẽ giữa âm thanh nổ trầm một nhịp của động cơ xe hơi. Năm phút, mười phút... bỗng ngẩng đầu nhìn lên vuông cửa sáng đèn, rồi nhìn gã ‘tài xế’ (cũng là bạn rượu), cất giọng: "Bây giờ... lên trên ấy... Buồn nhỉ?" Giọng nói nhỏ nhẹ, trầm tĩnh, nhừa nhựa hơi men. Không phải lời ta thán. Nhưng mà, nhưng mà... nó xoáy vào tai, nó làm trái tim đau quặn, nó mở ra trước mặt người nghe cái thế giới quạnh hiu hoang lạnh một cuối đời.

 

Đó cũng là nơi, nhiều ngày, nhiều tuần, tấm màn cửa sổ mãi khép toàn phần, cánh cửa màu nâu sẫm mãi đóng câm lặng: Ông đang lang thang đâu đó trong một thành phố khác, một quốc gia khác, một tiểu bang khác. Những chuyến đi, những cảnh thổ mới, những bè bạn năm châu. "Vẫn vậy, hết rồi những ngạc nhiên, những bàng hoàng, những niềm vui bất chợt. Đi không có nghĩa như một tìm kiếm cái lạ cái hay. Đi chỉ giản dị là đi. Bởi ở đâu thì cũng thế, ở đâu thì cũng là di chuyển một bàn rượu này qua một bàn rượu khác." Và mỉm cười hom hem: "Ngày xưa Nguyễn Tuân mơ ước lúc chết sẽ được thuộc da làm chiếc va-li. Thời trẻ tôi yêu lắm ước mơ này của Nguyễn. Bây giờ, ngẫm nghĩ, đi như ông ấy thì... ‘ra cái đếch gì’."

 (Khánh Trường)

 

***

 

 

Phụ đính

Họan quan

Những kẻ thao túng chuyện mây mưa của hoàng đế

 Ở hậu cung có cả ngàn cung phi mỹ nữ, làm sao mà quản lý cho hết được. Muốn được xếp ưu tiên thì phải chiều chuộng thái giám. Bỗng nhiên thái giám trở thành những kẻ thao túng chuyện mây mưa của hoàng đế.

 Tian Yi, một trong những hoạn quan được sủng ái nhất triều đại nhà Minh.

Ngôi mộ của vị thái giám Tian Yi bị phá hủy nhiều trong thời kỳ chiến tranh. Người ta tin rằng vị thái giám đã chôn nhiều của cải tại lăng mộ nên nơi này bị cướp phá khá nhiều nhưng may rằng phần di tích vẫn còn khá nguyên vẹn.

(theo China.org - nguồn Hà Nguyên)

 Thái giám còn có nhiệm vụ ghi chép tên tuổi, ngày giờ mà cung phi được ăn nằm với hoàng đế, để sau đó, nếu cung phi có thai thì đem ra đối chiếu thời gian mà xác định đứa bé có phải là con của ông vua hay không. Việc nầy rất quan trọng trong việc thừa kế ngai vàng, xác định hoàng tử, thái tử…

 (Trúc Giang)

 Bác tôi là hoạn quan

 

Hôm sau bác bảo tôi dẫn bác lên thăm mộ mẹ. Bác ngồi rất lâu, tay bứt những cọng cỏ trên mộ bà. Khi đi về, bác ghé thăm một vài nhà quen. Những bác Năm, bác Bảy đã từng chơi với bác lúc nhỏ. Tuy có hơi bất ngờ, nhưng ai cũng ân cần chào đón bác. Lần đầu tiên tôi thấy bác vui. Trông bác không khác gì những người đàn ông trong làng.

Cứ tưởng như thế là đủ để cho bác vui sống với tuổi già. Không ngờ bác treo cổ tự tử.

Nhà bác luôn cài kín cửa, nên khi nghe có mùi hôi, tông cửa vào mới biết là bác đã chết từ lâu. Tấm thân mỏng mảnh của bác không đủ sức căng phồng lên, nhưng vẫn có những giọt nước chảy xuống đọng vũng trên nền đất bu đầy kiến. Nhiều con tinh quái còn theo sợi dây cột từ xà nhà, chui vào mắt vào mũi bác.

 (K.Đ.)


 Mời Xem :

CHỬ NGHĨA LÀNG VĂN ; Kỳ 1/8/2023- Ngô Không Phí Ngọc Hùng

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét